Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM AN (1892 – 1982)

 

 

 

Hòa thượng họ Đào, pháp danh Tâm An, pháp hiệu Từ Tuệ, sinh giờ Tuất ngày 12 tháng 11 năm Nhâm Thìn (1892) trong một gia đình nông dân nghèo vùng quê Nam Định. Năm 16 tuổi mồ côi cha, Ngài vừa lao động kiếm tiền nuôi mẹ, vừa chăm lo đèn sách dùi mài kinh sử, ngõ hầu tiến xa trên bước đường khoa cử.

Năm 19 tuổi Ngài được người bạn Nho học mộ đạo Phật, hướng dẫn đầu Phật xuất gia tại chùa Phổ Quang – Hà Đông. Ngài nhập môn học đạo chưa bao lâu, nghe tin mẹ đau nặng không ai phụng dưỡng. Ngài hiểu rằng : “Phụ mẫu tại đường như chư Phật tại thế” phải làm tròn chữ hiếu, nên xin phép sư trưởng về quê, từ đó ngoài giờ làm việc bảo đảm cuộc sống mẹ con, Ngài vẫn ấp ủ hoài bão xuất gia học đạo báo ơn cha mẹ.

Năm Quí Sửu – 1913, lúc Ngài 22 tuổi, huyên đường quy ẩn tổ tiên. Sau khi lo lễ tang chu tất, Ngài tạm biệt xóm làng, họ hàng đến chùa Vân Mai tỉnh Nam Hà xin sống cuộc đời phạm hạnh, được Hòa thượng Thích Khai Quyền chấp thuận, sớm tối hầu thầy học đạo, chuyên tâm tu tập noi gương tiên hiền cổ đức.

Năm Giáp Dần – 1914, với trí thông minh, cùng sự cố gắng tinh cần nên năm 23 tuổi, Ngài được cầu Sa di thập giới tại chùa Vân Mai với Hòa thượng Thích Khai Quyền. Tiếp đó năm 24 tuổi, nhân ngày khánh đản đức Phật A Di Đà (17-11 Ất Mão – 1915) Ngài được thụ giới Cụ túc tại giới đàn Tế Xuyên – Bảo Khám, do Sư tổ Phổ Tụ làm Đường đầu truyền giới.

Từ đây Ngài chuyên trì giới luật, tiến đạo nghiêm thân, luôn theo hầu Sư tổ Phổ Tụ – Tế Xuyên, bậc danh Tăng mà hương đức hạnh tỏa khắp Bắc kỳ lúc đó, được Sư tổ cho chuyên học luật tạng, tham học nơi các bậc cao Tăng ở các khóa Hạ an cư như trường : Tế Xuyên – Hà Nam, trường Quế Phương – Nam Định.

Năm Canh Thân – 1920 (29 tuổi), nhờ trình độ Nho học giỏi, chữ viết tốt, tính cẩn thận, cần mẫn; phụng mệnh Sư tổ Tế Xuyên, Ngài tới chùa Vĩnh Nghiêm, Đức La – Bắc Giang, chép bộ “Hoa Nghiêm sớ kinh” để Sư tổ cho khắc ván ấn hành. Tại chốn tổ Vĩnh Nghiêm, Ngài được Sư tổ Thích Thanh Hanh truyền thụ “Bồ Tát giới” để viên mãn hạnh nguyện.

Năm Nhâm Tuất – 1922, sau khi cùng huynh đệ sao chép xong bộ Hoa Nghiêm sớ kinh, Ngài lại phụng mệnh Sư tổ Vĩnh Nghiêm, đến viện Viễn Đông Bác Cổ sao chép “Phẩm Phổ Hiền”, vì lúc này kinh điển Phật giáo bị người Pháp thu đem về lưu trữ tại viện Viễn Đông Bác Cổ – Hà Nội. Sang năm 1923 sao chép kinh “Đại Bảo Tích” và luật “Trùng Trị”; đến đầu năm 1924 sao chép bộ “Tỷ Khưu Ni Sao”.

Năm Giáp Tý – 1924, phụng mệnh Sư trưởng sắp đặt, Ngài bắt đầu với công việc “trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, nhận chùa Quốc Sư, thị xã Hưng Yên, nơi có phố Hiến nổi tiếng một thời “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” chính là ngôi cổ tự Ngài trụ trì.

Năm Ất Sửu – 1925, tiếp tục nhận lời mời của Sư tổ Thông Toàn, chùa Bà Đá – Hà Nội, Ngài trở về tổ đình sao chép kinh “Đại Bảo Tích” và “Thức Xoa giới bản” để khắc ván ấn hành, công việc kéo dài 3 năm; tiếp đến là sao chép bộ “Tỷ Khưu Ni Sao” tới năm 1939 mới hoàn tất.

Năm Bính Tý – 1936, Nghiệp sư Ngài viên tịch tại chùa Quốc. Ngoài việc chăm lo phục vụ tín ngưỡng, Ngài đã qui tụ hàng trăm Tăng Ni trong tỉnh về mở trường dạy học. Ngài chú trọng tới môn luật học, lo cho Phật pháp mai sau thiếu luật, kỷ cương lỏng lẻo. Khi đến mùa Hạ an cư, Ngài được mời tham dự các trường Gia Hòa – Nam Định; Tế Xuyên, Cao Đà – Hà Nam. Đến đâu Ngài cũng được mời làm Duy Na cương lĩnh trong chúng. Trong các giới đàn tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Quán Sứ – Hà Nội, Ngài đã ứng thỉnh ngôi Giới sư, Tuyên luật sư.

Năm Mậu Tuất – 1958, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ra đời, Ngài được mời tham gia Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo. Qua đến các nhiệm kỳ sau, Ngài được cử chức vụ phó Hội trưởng kiêm trụ trì chùa Quán Sứ – Hà Nội. Với cương vị giáo phẩm cao cấp, Ngài đã cùng quý Hòa thượng Thích Trí Độ, Thích Đức Nhuận và cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám chèo lái con thuyền Phật giáo vượt qua khó khăn trở ngại thời kỳ chiến tranh đánh phá miền Bắc. Thời gian này tuy không mở được trường chính quy, song chư Tăng Ni sinh vẫn đến theo học với Ngài, kể cả những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc. Ngài cùng quý Hòa thượng cao cấp khác đã sơ tán về chùa Mía – Sơn Tây và việc dạy Tăng Ni học tập vẫn tiếp tục duy trì.

Năm 1963, Ngài được cử làm trưởng đoàn giáo phẩm cao cấp sang Trung Quốc dự hội nghị do Hội Phật giáo châu Á tổ chức, để ủng hộ miền Nam Việt Nam chống Mỹ Diệm.

Về mặt đối ngoại, Ngài đã đóng góp phần quan trọng trong việc mở rộng tầm quan hệ giao lưu với quý Hòa thượng miền Nam và Phật giáo quốc tế. Về việc xã hội, Ngài lại càng cố gắng mặc dầu Phật sự đa đoan. Với đạo đức, học thức uyên thâm, Ngài đã được nhân dân tín nhiệm bầu trúng cử Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa 2, 3, 4 và 5.

Năm Kỷ Dậu – 1969, Trung ương Hội mở trường Tu học Phật pháp Trung ương tại chùa Quảng Bá – Hà Nội, Ngài được đề bạt làm phó Hiệu trưởng phụ trách giảng dạy môn luật tạng.

Năm Nhâm Tý – 1972, Ngài đề xướng in bộ Nhị khóa hợp giải, để Tăng Ni có sách học, bộ này do Hòa thượng Trí Độ giảng dạy, Ngài dạy chư Tăng luật Tứ Phần, Yết Ma Chỉ Nam, Yết Ma Huyền Ty.

Trong các khóa Hạ tại chùa Quán sứ, Ngài liên tục được thỉnh vào ngôi vị Đường chủ lãnh đạo Tăng chúng an cư.

Các năm 1970, 1972, 1974, Ngài cùng Hòa thượng Thích Trí Độ, Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Hào dự hội nghị Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) tại Mông Cổ và Liên Xô. Ngài là thành viên tích cực của Hội Phật giáo ABCP tại các Hội nghị. Ngài đã tham luận nhiều vấn đề bảo vệ hòa bình trên tinh thần giáo lý đức Phật.

Năm Giáp Dần – 1977, Trung ương Hội chiêu sinh khai giảng trường “Trung Tiểu Học Phật Giáo” thời gian 4 năm, tuy tuổi cao sức yếu nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, Ngài hoan hỷ nhận lời thỉnh cầu của Trung ương Hội đảm trách nhiệm vụ Hiệu trưởng, làm Bồ đề đại thụ cho hậu học nương nhờ.

Ngày 13 tháng 9 năm Nhâm Tuất (29.10.1982), lúc 13 giờ thuận lý vô thường, thân tứ đại có sinh có diệt, Ngài đã an nhiên thị tịch tại thiền sàng Quán sứ. Thế thọ 91 tuổi, trải qua 66 mùa Hạ an cư, trong sự nghiệp “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa quần sinh”.

Ngày nay nhìn lại Hán tạng Kinh Luật Luận đang được lưu truyền tại các Tổ đình, tự viện; càng tưởng nhớ đến công lao to lớn của Ngài. Suốt hơn nửa thế kỷ vì Phật giáo Việt Nam mà Ngài đã tận tụy phục vụ, cũng như công đức đào tạo Tăng Ni cho Giáo hội mà Ngài đã dày công vun đắp, tên tuổi Hòa thượng mãi mãi được lưu truyền cùng lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 44
    • Số lượt truy cập : 7030661