Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH THANH NHU (1861-1934)

HÒA THƯỢNG THÍCH THANH NHU (1861-1934)

         

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 

  

Chùa Cổ Loan, tỉnh Ninh Bình

 

Hòa thượng họ Trần, pháp húy là Thanh Nhu, pháp hiệu là Thích Trạm Trạm thiền sư. Ngài sinh năm Tân Dậu (1861), quê xã Quần Phương Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong một gia đình kính tín Tam bảo.

Năm 18 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Phượng Ban, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình được thiền sư Thông Trạch (1850-1884) – trụ trì chùa tiếp độ và cho thụ giới quy y. Năm 21 tuổi thụ giới Sa di, 23 tuổi thụ Cụ túc giới, rồi ngoài 40 tuổi thụ Bồ tát giới tại tam đàn giới phẩm Xuân Lôi. 

Sau đó, ngài tu học ở chùa Bồ Đề, chùa Đồng Đội, tỉnh Nam Định. Những năm (1870-1900) Hòa thượng Thanh Hanh từ chùa Vĩnh Nghiêm, Đức La, huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang về tỉnh Ninh Bình giảng dạy Phật pháp, ngài Thanh Nhu đã được theo học Hòa thượng tại chùa Hoàng Kim và chùa Bích Động, huyện Hoa Lư. 

Năm 1884, khi dân làng chùa Cổ Loan xuống chùa Phượng Ban thỉnh Tổ Thông Trạch về giúp xây dựng lại chùa, Tổ đã đồng ý lời thỉnh cầu đó và cử đệ tử xuất sắc của mình là Tỷ khiêu Thích Thanh Nhu về chùa Cổ Loan, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình ngày nay để trợ giúp thiền sư Thích Thanh Đẩu – tổ sáng lập chùa.

Năm 1908, sau khi thiền sư Thanh Đẩu viên tịch, ngài Thanh Nhu kế đăng trụ trì chùa Cổ Loan. Tại đây, hơn 40 năm (1884-1934) giáo hóa tăng ni, ngài đã đào tạo được nhiều tăng tài đi hoằng pháp các nơi hoặc đi trụ trì, khai sáng các chùa Xuân Vũ, Phúc Trì, Phúc Sơn, Phương Viên ở Ninh Bình; chùa Sùng Đức ở Thủ Đức; chùa Pháp Hoa, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

 Để giữ gìn và phát triển mạng mạch của đức Như Lai, Hòa thương đã xiển dương giáo pháp của phái thiền Lâm Tế vào tỉnh Thanh Hóa.

Bia Hương Quang bi kim cổ Cẩm Bào bi tu huân tại chùa Hương Quang ghi: “Mãi đến năm Khải Định thứ 10 (1925) thì sư chùa mới để mắt đến, nhất mực một lòng mời cho được Trưởng lão Tôn sư chùa Cổ Phúc (Cổ Loan – Phúc Hưng), tỉnh Ninh Bình để cùng với dân thôn bàn việc mở mang quy mô cảnh chùa”. Sự việc cũng được văn bia ghi lại: “Trước đó dân làng Cẩm Bào đã thỉnh Ni sư Minh Nguyệt trụ trì chùa Long Cảm vào lo việc xây dựng chùa. Vì việc này, Ni sư đã thỉnh mời Hòa thượng Thanh Nhu vào làm chủ sự giúp đỡ cho việc xây dựng chùa”1.

 Năm 1925, Tổ Thanh Nhu cùng các đệ tử là Thanh Thi, Thanh Chí, Thanh Nhàn, Thanh Vịnh, Thanh Từ, Thanh Lượng được sự giới thiệu của vị Ni sư trụ trì chùa Hương Quang đã đi hoằng hóa tại chùa Quảng Phúc, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, Tổ đã giao cho đệ tử là Tỷ khiêu Thích Thanh Thi ở lại trụ trì chùa2.

Bia Sáng kiến Quảng Hòa tự bi ký3chùa Quảng Hóa ghi: “nhân lại hạnh ngộ gặp được Cổ Loan Pháp chủ Thiền sư đặt tên cho là Quảng Hóa”. Văn bia cho biết: Hai đệ tử của thiền sư Tâm Định (Thích Thanh Định (?-1926) tức Minh Lãng thiền sư là Thanh Hoán và Thanh Vinh cùng nhau xây dựng ngôi chùa mới. Xây xong, may gặp Tổ Thanh Nhu bèn thỉnh Tổ đặt tên cho chùa, Tổ đã dựa vào ý nghĩa của chùa Quảng Thọ mà đặt tên cho chùa là Quảng Hóa. Sau khi sư huynh Thanh Hoán vào trụ trì chùa Diệc ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, thiền sư Thanh Vinh được giao làm trụ trì chùa Quảng Hóa.

Ngài viên tịch ngày mồng 2 tháng 5 năm Giáp Tuất (1934) hưởng thọ 74 tuổi, hơn 40 Hạ lạp.

Hàng đệ tử của Hòa thượng Thích Thanh Nhu rất đông, tiêu biểu có:

1. Hòa thượng Thích Thanh Nghi, chùa Xuân Vũ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

2. Hòa thượng Thích Thanh Thực, chùa Phúc Sơn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

3. Hòa thượng Thích Thanh Sách, chùa Lau, Ninh Nhất, TP. Ninh Bình.

4. Hòa thượng Thích Thanh Vân, chùa Chải, TP. Ninh Bình.

5. Hòa thượng Thích Thanh Thi, chùa Quảng Phúc, Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

6. Hòa thượng Đức Tuệ, chùa Sùng Đức, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Tháp mộ ngài tại chùa Cổ Loan. Bài vị khắc trên tháp ghi: Nam mô Định Phương bảo tháp Ma ha Sa môn truyền Lâm Tế phái pháp húy tự Thanh Nhu Thích Trạm Trạm thiền sư.

Tổ Thanh Nhu là bậc cao tăng có công lao hoằng dương Phật pháp tại tỉnh Ninh Bình và truyền phái thiền Lâm Tế chính tông vào Thanh Hóa.


1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Tuyển tập văn bia Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr441.

2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Hành trạng chư tăng ni Thanh Hóa, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr76.

3.  Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Tuyển tập văn bia Phật giáo Thanh Hóa, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr471-472.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đại Đồng - Nguyễn Hồng Dương - Nguyễn Phú Lợi, Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Nxb Tôn giáo, 2017;

2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Tuyển tập văn bia Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017.

3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Hành trạng chư tăng ni tỉnh Thanh Hóa, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6712210