Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ ĐỘ VỚI PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO (1930–1945)

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ ĐỘ

VỚI PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO (1930–1945)

 

THÍCH NGUYÊN PHONG

 

 

Tháng 8 năm 1931, Hội Nghiên cứu Phật học Nam Kỳ ra đời, quyết định ra nguyệt san Từ bi âm làm cơ quan hoằng dương Phật pháp.

Từ bi âm số 2 ra ngày 15-2-1932 ngài Trí Độ chúc mừng sự ra đời của tạp chí hoằng dương Phật pháp:

Đèn kinh soi kẻ con đường lạc,

Chuông pháp kêu người giấc mộng say.

Từ bi âm số 3, ra ngày 1-3-1932 ngài có bài giải thích nghĩa Từ bi âm. Sau khi phân tích thể tính của Từ bi, danh từ của Từ bi, Từ bi có khác nhau, Từ bi có ẩn hiện, Phật diễn ra pháp Từ bi, Từ bi âm có ích lợi, ngài Trí Độ kết luận: “Tiếng Từ bi có sức mạnh rất thần, chuyển đặng kẻ ác bạo làm người hiền lành, khiến đặng kẻ ngu muội thành người Tiên Thánh”.

Ngài Trí Độ đã biên dịch ra quốc văn và có giải thích sự tích:

1. Kinh A Di Đà, đăng trên số 2 ra ngày 15-2-1932 đến số 10 ra ngày 15-5-1932;

2. Kinh Vu Lan Bồn, từ số 11 ra ngày 1-6-1932 đến số 14 ra ngày 15-7-1932.

3. Kinh Phổ Môn, đăng trên số 16 ra ngày 15-8-1932 đến số 26 ra ngày 15-1-1933.

4. Kinh Kim Cương, từ số 27 ra ngày 1-2-1933 đến số 48 ra ngày 15-12-1933.

Bên cạnh đó ngài Trí Độ còn viết về lịch sử các vị Bồ tát:

1. Sự tích đức Quan Âm Bồ tát, số 20 ra ngày 15-10-1932.

2. Sự tích đức Đại Thế Chí Bồ tát, số 21 ra ngày 1-11-1932.

3. Sự tích đức Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, số 22 ra ngày 15-11-1932.

4. Sự tích đức Địa Tạng Bồ tát, số 24 ra ngày 1-12-1932.

Về Luận, ngài viết:

1. Luận về Sóng thức (tức Duy thức), từ số 8 ra ngày 15-4-1932 đến số 11 ra ngày 1-6-1932.

2. Phép lạy hồng danh sám hối, số 15 ra ngày 1-8-1932. (về giáo lý).

3. Lời thích nghi ba câu hỏi của ông Hà Văn Ngọc, số 22 và 23 ra 1-11 và 15-11- 1932.

4. Vui và khổ, số 91 ra tháng 11 năm 1941.

5. Sau khi chết còn hay mất, số 197 ra tháng 5 -1942.

6. Có đời sau hay không (bài lược thuật kinh Trường A Hàm), số 197 ra tháng 5 năm 1942.

7. Xuân và trường xuân, số 205 ra tháng 1 năm 1943.

8. Nghiệp sai biệt của chúng sinh, số 205 ra tháng 1 năm 1943.

9. Xuân tâm, số 217 ra tháng 1 năm 1944.

Trên tạp chí Viên âm, ngài Trí Độ có hai bài viết:

1. Tâm kinh tổng luận, số 6 ra ngày 1 tháng 5 năm 1932.

2. Giá trị thiết thực của nhân sinh, số 39 ra tháng 8 năm 1940.

Tâm kinh tổng luận là bài tổng luận của ngài Trí Độ sau khi đã giải thích từng chữ “Bát nhã ba la mật đa tâm kinh”. Ngài cho rằng kinh này nói về trí tuệ của chân tâm, tu theo trí tuệ thì thoát khỏi dòng mê, bước lên bờ giác, trừ duyên phiền não, được quả Bồ đề, vượt vòng sinh tử, chứng đạo Niết bàn, xa lìa bá tánh phàm phu, chứng đặng bậc thánh trí.

PGS Nguyễn Duy Hinh (1930 – 2008) đã tỏ lời thán phục bài Tâm kinh tổng luận của ngài Trí Độ: “Kinh Bát nhã ba la mật đa tâm kinh chỉ có 268 chữ Hán đã quá hàm súc, nay ngài Trí Độ chỉ giải bằng một chữ TÂM thì quá độc đáo”1.  

Bản dịch kinh Bát Nhã Ba la mật đa tâm kinh trong Tâm kinh tổng luận được ngài Trí Độ làm tài liệu giảng dạy tại Phật học đường Báo Quốc, Huế. 

Với những bài viết trên, Hòa thượng Thích Trí Độ đã góp phần tích cực vào công cuộc hoằng dương Phật pháp, truyền bá giáo lý của đức Phật Thích Ca tới tăng ni, Phật tử.

Nhờ trình độ Hán học và Phật học vững chãi, lại từng làm giảng sư nên những bản dịch kinh có diễn giải sự tích của ngài Trí Độ dễ hiểu và hấp dẫn độc giả. Ví dụ, trong Từ bi âm, số 2 ra ngày 15 tháng 2 năm 1932, trong bản dịch Phật thuyết A Di Đà kinh, phần chữ Hán dài 1 trang, ngài Trí Độ diễn nghĩa dài tới 4 trang. Trong đó phần giải nghĩa và sự tích rất rõ ràng và tỷ mỉ, như Kỳ Đà, Cấp Cô Độc, Xá Lị Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp… là ai? Tinh xá, Tỳ khưu, A La Hán, Thiên Nhân là gì? Hoặc Phật thuyết Vu Lan Bồn kinh, đăng trên số 11 ra ngày 1 tháng 6 năm 1932, phần chữ Hán dài 1 trang, ngài Trí Độ diễn nghĩa dài 4 trang rưỡi. Trong đó, ngài giải nghĩa một cách tường tận Vu Lan Bồn, Sáu phép thần thông, Đường Ngạ quỷ là gì; giải thích các sự tích tay trái che miệng bát, tay phải bốc đồ ăn hay đồ ăn chưa để vào miệng đã hóa ra lửa khiến người đọc dễ hiểu. Với các kinh Phổ Môn, Kim Cương ngài cũng giải nghĩa và giải thích sự tích như vậy.

Bản dịch kinh Bát nhã ba la mật/ đa tâm kinh của ngài được Hòa thượng Tố Liên đưa vào dịch phẩm “Sự lý lễ tụng”với lời tán thán: “Bản dịch kinh Bát Nhã trong cuốn sách này, cả về các bài Dịch và Giảng đều của Sư cụ Trí Độ là giám đốc Phật học đường Hội Phật học Trung Việt, vì tôi thấy bản Dịch, Giảng của Ngài giản dị mà dễ hiểu nên tôi mới đưa vào đây”2

Các bài giới thiệu sự tích đức Quan Thế Âm Bồ tát, đức Đại Thế Chí Bồ tát, đức Văn Thù Sư Lợi v.v… của ngài Trí Độ vừa khái quát, ngắn gọn mà lại đầy đủ và dễ hiểu.

 

 

Ngài Trí Độ có lẽ là một trong ít người đầu tiên viết những bài luận về Duy Thức (mà lúc đó ngài gọi là sóng thức) bằng Quốc ngữ đăng liên tục trên Từ bi âm từ số 8 ra tháng 4 đến số 11 ra tháng 6 năm 1932. Bài viết của ngài ngắn gọn, lời lẽ đơn giản và dễ hiểu trước một chuyên luận khó. Vì thế mà năm 1946 ngài được Hội Phật giáo Việt Nam mời ra Hà Nội giảng về môn này tại trường Tăng học Quán Sứ.

Đây là một cống hiến của ngài về phương diện Phật học.

***

Có thể nói công cuộc chấn hưng Phật giáo từ năm 1930-1945 đã tạo nên diện mạo mới cho hệ thống giáo dục Phật giáo, và chính hệ thống này đã đào tạo nhiều tăng tài, nhiều bậc cư sĩ đức trọng tài cao góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX. Diện mạo mới đó là các trường Phật học tập trung, có thi tuyển, có chương trình đào tạo đối với từng cấp (hệ thống dọc) của các Hội Phật học xuất hiện bên cạnh các trường Gia  giáo, trường Hạ (hệ thống ngang) của các Sơn môn, Pháp phái.

An Nam Phật học hội đã đi tiên phong trong công tác đào tạo tăng tài, và đã gặt hái những kết quả khả quan trên lĩnh vực này.

Năm 1934, ngài Trí Độ trở về Bình Định tham gia giảng dạy Phật pháp tại tổ đình Thập Tháp, rồi cùng Thượng tọa Thích Mật Khế thực hiện các Phật sự do Hội An Nam Phật học phân công tại tỉnh Quảng Ngãi. Và sau đó không lâu, năm 1935 ngài được Hòa thượng Giác Tiên mời ra Huế tham gia giảng dạy tại An Nam Phật học đường cùng với ngài Thích Mật Khế. Vốn được huấn luyện về sư phạm và là giảng sư Phật pháp tại Bình Định, ông đã đưa vào Trường An Nam Phật học lối giảng dạy có phương pháp rất được các học tăng ưa thích.

“Ngài Trí Độ Đốc giáo nguyên là vị Giáo sư trường tỉnh (năm 28 tuổi đỗ bằng tốt nghiệp Giáo sư, 34 tuổi lại đậu bằng trợ giáo, về giáo lý nhà Phật trước đó ngài thụ giáo với Hòa thượng Bích Liên. Năm 37 tuổi lại cầu pháp với ngài Phước Huệ tại chùa Thập Tháp. Vì thế, ngài Trí Độ học và dạy đủ phương pháp sư phạm và giáo lý có căn bản lắm”3

Ngài Trí Không soạn giả cuốn Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ 1950 trở đi, có đoạn:

 “Tại trường Báo Quốc, cụ Lê Đình Thám lo việc bên Hội Phật học, mỗi tuần thứ Bảy Ngài dạy học tăng bên Báo Quốc, ấy là dạy tập diễn giảng. Ngài dạy hết sức tận tình, sửa từng lỗi chính tả trong các bài nộp cho Ngài duyệt qua trước. Ngài Pháp sư Trí Độ, vốn tốt nghiệp trường Sư phạm nhà nước, làm việc đồng thời học Phật pháp với cụ Thập Tháp (tức Quốc sư Phước Huệ), sau xuất gia làm giáo sư trường Báo Quốc, do đó lối dạy của Ngài thật nghiêm khắc theo đường lối sư phạm, chế độ roi mây sẵn sàng ứng chiến, nên một số học tăng tuổi trẻ có hơi lơ đễnh là bị roi mây khống chế hẳn hoi, coi như họ được huấn luyện nghiêm khắc, không lôi thôi được.

Với kinh nghiệm gần 10 năm giảng dạy và làm Đốc giáo tại Phật học đường Báo Quốc, ngài Trí Độ đã cùng Ban Giảng sư của An Nam Phật học hội biên soạn hoạch định một chương trình mới thực hiện từ năm 1944, trong đó: Sơ đẳng học trong hai năm; Trung đẳng học hai năm; Cao đẳng học trong hai năm với các môn thiết thực hơn.

Theo chương trình này, những học tăng tốt nghiệp Cao đẳng, nếu muốn thành giáo thụ các trường Phật học thì phải ở lại nghiên cứu và tu tập thêm ba năm nữa tại trường4.  

Chương trình này thực tế hơn chương trình trước nhiều và cũng hàm chứa một số các tác phẩm mới những sách giảng lục của Thái Hư và Đại Viên. Muốn vào học, học tăng phải trải qua một kỳ khảo thí. Trình độ căn bản là:

1- Đậu Sơ học Pháp - Việt.

2- Biết đọc và biết viết chữ Hán.

3- Quốc ngữ phải thông thạo. Có thể dịch một bài Kinh Luận từ chữ Hán ra quốc ngữ và một vài câu quốc văn ra chữ Hán.

Có thể nói, gần 10 năm gắn bó với Phật học đường Báo Quốc, Hòa thượng Trí Độ đã có công đào tạo cho xứ Huế nhiều tăng tài lỗi lạc mà từ năm 1950 trở về sau, những tăng sĩ này đủ sức làm cho Phật giáo xứ Huế long thịnh và vượt qua nhiều cơn sóng gió như các Thượng tọa Thích Trí Quang, Thích Trí Thuyên, Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Trí Tịnh v.v…

Năm 1944, Hòa thượng cùng với Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã dày công trong việc chuyển trường lên Lựu Bảo để thành lập Đại tùng lâm Kim Sơn. Nhưng không may, gặp thời khó khăn về kinh tế, Hội An Nam Phật học cũng như Sơn môn Huế không đủ sức nuôi nổi học tăng. Tăng sinh cũng không đủ sức đóng tiền ăn. Tùng lâm Kim Sơn bị đóng cửa, và một số học tăng cấp trung học và sơ học phải khăn gói vào Nam để tìm nơi ăn học”5

Đánh giá công lao của Hòa thượng Thich Trí Độ đối với sự nghiệp đào tạo tăng tài cho chấn hưng Phật giáo nước nhà, trong lễ kỷ niệm “50 năm (1920-1970) phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam” tổ chức tại Sài Gòn, Thượng tọa Thích Thiện Hoa Viện trưởng Viện Hóa đạo, nhấn mạnh:  

“Những nhân vật hữu công với Phật giáo miền Trung: Bên Cư sĩ có: Cụ Lê Đình Thám pháp danh Tâm Minh (một cư sĩ có công nhất với Phật giáo miền Trung), cụ Trí Độ (một vị có công nhất với Phật học đường Báo Quốc)…”6.

Đầu năm 1946, Hội Việt Nam Phật giáo (Hội Phật giáo Bắc Kỳ đổi tên từ sau Đại hội đồng thường niên ngày 19 tháng 5 năm 1945) thỉnh Pháp sư Thích Trí Độ và Thượng tọa Thích Trí Quang ra giảng dạy tại lớp Phật pháp cho các tăng sinh tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Ngài Trí Độ dạy môn Duy thức, còn ngài Trí Quang dạy kinh Lăng Nghiêm.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, chiến sự bùng nổ ở Hà Nội, trường tăng học Quán Sứ phải tản cư về chùa Phúc Chỉnh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (nay thuộc xã Nam Tiến, thành phố Ninh Bình). Từ đây, ngài Trí Quang về Quảng Bình và tham gia Phật giáo cứu quốc tỉnh. Còn ngài Trí Độ về chùa Đào Viên ở Thanh Hóa, rồi hoạt động trong Hội Phật giáo cứu quốc ở vùng tự do xứ Thanh.


1. Nguyễn Duy Hinh, Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb Bách khoa và Nxb Tôn giáo, 2009, tr.547.

2. Sa môn Tố Liên, Sự lý lễ tụng, Nxb Tôn giáo, 2016, tr.8.

3. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Phật học viện và các chùa Sài Gòn xuất bản, 1974.

4. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, 1994, tr.104-105.

5. Trí Không, Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ 1950 trở đi, chùa Xá Lợi ấn hành, 2009.

6. Thích Thiện Hoa, 50 năm (1920 - 1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam hay là Ghi ơn tiền bối, Viện Hóa đạo, Sài Gòn, 1970.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6168004