HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ HẢI
VỚI HOÀI BÃO NHÂN GIAN PHẬT GIÁO[1]
Tôi có duyên lành gặp được ngài một lần khi ngài đến thăm Hòa thượng chùa Đông Hưng, bổn sư của tôi, cũng là y chỉ sư của Hòa thượng Quảng Thạc, một đệ tử xuất gia của ngài khi còn ở đất Bắc. Cung cách khiêm cung, ngài cùng Hòa thượng tôi đàm đạo về quá trình tu tập cũng như Phật học, hai ngài đã rất tâm đắc về chí nguyện giải thoát và cùng nhau kết luận một câu nói để đời: "Mục đích tu hành không phải để làm chính trị". Cũng câu nói này, khi chia tay chư tăng miền Nam, ngài đã phát biểu với hàng pháp lữ tăng ni đưa tiễn.
Khi sưu tập tư liệu về cuộc đời của ngài, tôi may mắn gặp được các bậc tri thức cao đồ của ngài kể lại. Nay, nhân có cuộc hội thảo về phong trào chấn hưng Phật giáo miền Bắc và công hạnh của ngài, tôi xin được góp thêm đôi điều.
1. Hòa thượng tiên phong của phong trào chấn hưng.
Năm 1929, phong trào chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng Khánh Hòa và Sư Thiện Chiếu ở miền Nam phát động đã lan khắp Bắc Trung Nam. Khi ấy Hòa thượng Trí Hải còn là một thanh niên tăng mới 25 tuổi, đang ở độ tuổi đầy nhiệt huyết, đã đi tiên phong trong cuộc cải cách Phật giáo, với những ý tưởng: mở trường đào tạo, Việt hóa kinh điển bằng quốc ngữ, công tác từ tế xã hội và phổ cập hóa giáo lý nhà Phật đến đại đa số quần chúng.
Giai đoạn này, ở miền Bắc vẫn là những cuộc thăm dò dư luận trong các giới trí thức, sĩ phu, tăng sĩ... Hòa thượng Trí Hải là người đơn phương độc mã như ngài Khánh Hòa tại miền Nam, chuyên chú vào việc tập tìm kiếm nhân sự nòng cốt để khai sinh hội Phật giáo Bắc kỳ. Ngài chủ trương vận động sự tham gia của ba đối tượng sau:
1) Giới tu sĩ xuất gia và tại gia phật tử như: Hòa thượng Phan Trung Thứ, Hòa thượng Tế Cát, Hòa thượng Tố Liên, Cư sĩ Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha, Cư sĩ Nguyễn Trọng Thuật, Văn Quang Thùy...
2) Giới nhân sĩ trí thức như Bác sĩ Trần Văn Lai, Bác sĩ Trần Duy Hưng và các ông: Nghiêm Xuân Yêm, Dương Đức Hiền, Đỗ Đức Dục...
3) Giới quan lại trong bộ máy thống trị để tranh thủ ảnh hưởng của họ trong việc thành lập hội như Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Năng Quốc...
Sa môn Trí Hải một mình với túi chuông mõ đi gõ cửa từng nhà "quan to" đất Bắc, để tuyên truyền về giáo lý và đạo Phật "mới" theo tư tưởng của phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngài không chỉ thuyết giảng mà còn thông qua các hình thúc khác để tiếp cận và vận động nhiều đối tượng. Chẳng hạn ngài xin phép gia chủ thiết lập đàn tràng, dựng tranh tượng Phật, đốc thúc gia nhân quét dọn bày biện... Những câu kinh "Cầu trường thọ đắc trường thọ, cầu phú nhiêu đắc phú nhiêu, cầu quan vị đắc quan vị, cầu nam nữ đắc nam nữ" đánh trúng tâm lý ông bà chủ, và dĩ nhiên thế là khóa tụng được thành công tốt đẹp. Sư ông Trí Hải lúc ấy cũng không quên tập họp con cái gia nhân trong nhà để giải thích sơ lược về đạo Phật, để động viên những gì tốt đẹp trong con người họ.
Với chiến thuật đó, Hòa thượng đã tranh thủ được tình cảm hầu hết giới quan lại Bắc kỳ và được họ hứa giúp đỡ nhất là hai nhân vật nổi tiếng trong bọn họ là Hoàng Trọng Phu và Nguyễn Năng Quốc. Một giai thoại vẫn còn truyền tụng cho tới nay là chuyện báo "Loa" đăng hình Nguyễn Năng Quốc mặc y đeo chuỗi tràng và đang gõ mõ tụng kinh kèm theo lời chú thích: "Chú Tiểu Nguyễn Năng Quốc". Xem ảnh, quan đại thần thế lực hàng đầu này đã cười bảo: ‘Cái tụi phàm phu ngu muội, không biết xuất gia tu Phật là một vinh hạnh, thực ra nó đề cao ta đó".
Đến năm 1934, Hội Bắc Kỳ Phật Giáo được thành lập, tập họp nhiều người trong giới trí thức quan lại. Hòa thượng Trí Hải chỉ đứng một chân khiêm tốn trong hội, nhưng ước nguyện của ngài đã đạt được.
Năm 1936, lúc phong trào chấn hưng khắp ba miền đã có cơ sở vững chắc, cơ quan ngôn luận và chi hội, khuôn hội được thành lập khắp các tỉnh thành, thì đó cũng là lúc tình hình chính trị xã hội có nhiều biến động.Trước tiên là Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) do Leon Blum lãnh đạo mới thắng thế trong quốc hội Pháp, chủ trương nới lỏng chế độ cai trị cho các thuộc địa. Sở dĩ phải nhắc đến sự kiện này, vì dư luận lúc ấy cho rằng thực dân Pháp cho phép thành lập các hội Phật giáo ở cả ba kỳ, thực chất là để thân Pháp và ru ngủ phong trào giải phóng dân tộc. Điều này sai về cơ bản mà còn có ý phủ nhận công lao của những chiến sĩ tiên phong trong công cuộc chấn hưng đạo Phật, trong đó có Hòa thượng Trí Hải. Ta có thể thấy ngay rằng, cũng vào năm 1936 tại nước Đức, phong trào Chủ Nghĩa Quốc Gia Xã Hội (Nazi) của Hitler đã bắt đầu nổi lên. Chính quốc Pháp cần phải để yên cho các phong trào giải phóng ở các xứ thuộc địa, hầu rảnh tay chuẩn bị đối phó với chủ nghĩa phát xít. Chính nhân tố đó góp phần làm cho phong trào chấn hưng được thành công ở cả ba miền, và cũng chính hai sự kiện xã hội vừa nêu, cũng là yếu tố giúp các phong trào cách mạng có cơ hội bám rễ vào lòng dân tộc, dưới vỏ bọc các hội Phật học và cơ quan ngôn luận Phật giáo. Họ đã dựa rất nhiều vào Phật giáo để xây dựng tổ chức và làm bình phong hoạt động. Họ gồm toàn trí thức "Tây học", nghĩa là được đào tạo sau chế độ thi củ Hán học đã cáo chung theo Nhà nước phong kiến (1915 – 1916)
Cụ thể như: đảng Dân chủ của Dương Đức Hiền, và về sau đảng Xã Hội của Nghiêm Xuân Yêm, các đảng viên đảng Cộng Sản Đông Dương cũng dựa vào chi nhánh "Hội Phật tử Việt Nam" để làm chỗ núp cho cơ sở cách mạng từ năm 1940, sớm nhất vào thời đó. Thế thì, đó chẳng là cái nôi bộc phát của chủ nghĩa yêu nước và các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc sau này đó sao?
2. Tư tưởng Nhân gian Phật giáo
Chính ở giai đoạn này, khi tư tưởng "Nhân gian Phật giáo" của Nguyễn Trọng Thuật khởi xướng, thì Hòa thượng Trí Hải cùng với người cộng sự là Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha là người xung phong thực hiện. Nhân gian Phật giáo trong tâm tưởng Hòa thượng Trí Hải là phác thảo một khu vực xã hội Phật giáo thuần túy, nằm song song bên một xã hội thực tế. Trong "quốc độ Phật giáo" của ngài, có kinh tế tự cung tự cấp, không các tệ nạn, không giai cấp giàu nghèo, chỉ có người bình đẳng với người, đều phát tâm tu thiện làm lành, từ bi cứu khổ, không các chướng duyên ác nạn và kẻ xấu. Đó phải chăng là một kiểu xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Phật giáo? Điều này được ngài biến thành thực tế vào năm 1943 qua chương trình kiến thiết một Đại Tòng Lâm rộng 20 mẫu tây ở ga Thường Tín-Hà Đông và có 50 mẫu ruộng làm kinh tế ở Thái Bình, trước khi cách mạng tháng Tám thành công. Sau này, khi Hòa thượng Thiện Hòa học ở Bắc trở về, các Đại Tòng Lâm Phật giáo ở miền Nam được thành lập theo chí hướng ấy. Bắt đầu bằng Đại Tòng Lâm trên 100 mẫu đất ở Phú Mỹ, Bà Rịa lập thành. Tiếp sau nữa là các nơi khác như Phật Tích Tòng Lâm của Tổ đình Linh Sơn và khu Thiền viện Thường Chiếu ở Long Thành.
3. Quan điểm dân tộc hóa nghi lễ
Ngài là một tiên phong trong vấn đề Việt hóa kinh điển, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Hán ngữ ở hầu hết các chùa miền Bắc xưa nay tụng niệm. Đây là nền tảng cho việc phổ cập hóa giáo lý đạo Phật, nhưng không có nghĩa là làm nhẹ đi tính chất bác học của chữ Hán mà cốt để giáo lý ấy được hiểu trọn vẹn bằng ngôn ngữ và suy nghĩ của người Việt, khiến cho triết lý đạo Phật trở thành những áng văn học Việt Nam, cũng như dễ dàng đi sâu vào các tầng lớp quần chúng. Trong lĩnh vực này Hòa thượng là người triệt để và tiến bộ nhất ở cả ba miền Bắc Trung Nam, nhất là sau chuyến công du Trung Quốc, ngài thấy rằng các nước Tàu, Nhật, Cao Ly đều có phong trào học tập nghiên cứu Phạn văn, tìm hiểu Phật giáo từ chính gốc để so sánh đối chiếu với bản ngữ, không phải lệ thuộc vào kinh điển Hán văn nữa. Đó cũng là tư tưởng tiến bộ của ngài cũng như bao sĩ phu khác, với hoài bão muốn độc lập tự chủ về mặt văn hóa ngôn ngữ nước nhà.
Trong cuốn "Chú thích khóa tụng Chú Thủ Lăng Nghiêm Suramgama" là một trong số rất ít công trình của ngài còn lưu lại, ngài viết: "Ta thường truyền tụng, thần chú chỉ có Phật mới hiểu, người tụng chỉ cần thành tâm, điều này là một sai lầm lớn. Mỗi vần thơ vi diệu đó mà âm thanh và những nốt rung của nó đã được tính đúng để có tác dụng và giao cảm đến sự vật, đến quỷ thần và không phải là hoàn toàn vô nghĩa. Hán văn là thứ chữ tượng hình không diễn tả được "thanh". Quan hỏa là thứ tiếng không bắt chước được tiếng Phạn, tiếng Việt ta hoàn toàn làm được việc đó. Người Tàu chỉ đọc gần đúng còn ta xưa căn cứ vào Hán tự lại đọc chẹo ra nữa...". Bởi vậy, theo ngài "Nam mô Sat đát tha sô ga tha da" chứ không phải là "Tát đát tha tô già đa da", vì cụm từ "sardartha sogataya" có nghĩa: Xin cho hết thảy đấng xuất Thế gian che chở v.v... lại có nghĩa cái tàn lọng trắng tinh thanh tịnh trên đầu Phật che chở v.v... Nhưng vì thời đó không có một tổ chức một bộ phận chuyên môn làm khuôn mẫu cho nghi thức – mà cứ mạnh ai nấy đọc cho tới ngày nay cũng vậy – nên cao kiến hơn đời của ngài chỉ là sự kêu gọi đơn lẻ, người đọc thì cứ đọc, còn người biết mà can đảm dám sửa lệ cổ theo cách của ngài thì rất ít. Vả lại, sư giao lưu văn hóa và truyền thông thời đó còn nhiều hạn chế.
Trong Việt hóa nghi lễ, ta còn thấy ngài đã biên soạn rất nhiều sách tụng niệm phổ thông ra chữ Việt văn vần để mọi người dễ dàng đọc tụng, như các sách "Nghi thức tụng niệm", "Gia đình giáo dục", "truyện Phật Thích Ca", "Đồng nữ La Hán"...
Ngoài ra, những nơi ngài góp công xây dựng hoặc trú trì như chùa Quán Sứ, chốn tổ Bồ Đề, chùa Phật giáo Hải Phòng... trên 30 năm, ngài đã sáng tác rất nhiều câu liễn đối bằng chữ Việt, thay thế cho những câu liễn đối chữ Hán vốn tồn tại từ bao đời ở hầu hết chùa tháp miền Bắc. Đây là một bước đột phá nữa đưa chữ quốc ngữ vào thay cho lề thói cũ mà ngài một lần nữa cũng là người tiên phong, điển hình như 2 câu đối ở mặt tiền chính điện chốn tổ Bồ Đề mà đến nay bút tích vẫn còn đó nguyên đấy:
– Quay đầu cửa Phật đây không hẹp,
Tiến lên bờ giác tới Bồ Đề
– Cả chín cõi đều cùng kính mộ,
Khắp muôn đời đâu đấy quy y.
4. Tinh thần yêu nước và nhập thế cứu khổ
Trong nạn đói năm Ất Dậu, tinh thần từ bi cứu khổ của ngài thật sự tỏa sáng, khi cùng với Hòa thượng Tố Liên và Cư sĩ Thiều Chửu thành lập Tổng hội Cứu tế đặt tại chùa Quán Sứ. Tự thân ngài đã đeo băng chữ thập đỏ kéo xe bò đi quyên góp gạo. Một mặt, ngài cho lập một dãy bàn trước chùa Quán Sứ để phát cơm cháo cho đồng bào. Hòa thượng tự mình đích thân chăm sóc mọi người, nếu thấy ai đói quá thì phải đổ từng muổng cháo, rồi để nằm nghỉ khỏe mới cho ăn cơm. Nhờ thế, ngài đã cứu được rất nhiều người khỏi chết đói và chết no. Ngài lại dựng lên Cô Nhi Viện nuôi hơn 200 trẻ thất lạc bơ vơ do nạn đói gây ra.
Vào năm 1941– 1942, ngài ủy thác cho Cư sĩ Thiều Chửu thành lập nghĩa trang Tế Độ để giúp đỡ người nghèo khó trong việc tang ma. Đối với trẻ em, ngài cũng lập nên trường học Phổ Quang để dạy dỗ miễn phí cho học trò cả chữ nghĩa và đạo đức. Hai cơ sở này tọa lạc ở ngoại ô Hà Nội. Công hạnh từ bi cứu khổ của ngài, còn mãi trong lòng những người dân, những người phật tử xứ Bắc và được truyền tụng cho con cháu họ đến ngày nay, dẫu họ ở tại quê huơng hay đã di cư xa xứ.
Chính vì tấm lòng từ bi, chấp nhận đồng cam cộng khổ gắn bó vời quần chúng Phật tử còn nghèo khó mà ngài đã ở lại quê hương miền Bắc chứ không xuống tàu ra đi theo làn sóng di cư vào Nam lúc chia đôi đất nước. Ở đây ta thấy ánh lên trong ngài một lòng yêu nước lớn lao. Ta có thể nhìn thấy tấm lòng này qua việc ngài đã nổi giận thật sự với đệ tử khi sư ông này xin phép xuống Hải Phòng để xuôi Nam: "Chú muốn vào Nam thì hãy lột áo ra khỏi chùa và về nhà ngay". Hòa thượng chỉ tay ra đường nói với đầy vẻ thất vọng giận dữ. Lập trường yêu nước và sống chết với tín đồ của ngài thật là dứt khoát.
Một điểm nữa cần nhìn nhận lại về tư tưởng của ngài khi có quan điểm cho rằng ngài đã bị người Nhật mua chuộc thông qua việc để Watanabe của đảng Hắc Long được phép mở trường dạy tiếng Nhật miễn phí ở cạnh chùa Quán Sứ. Ta thấy rằng lập trường dân tộc nơi ngài rất dứt khoát khi kiên quyết gạt mọi phần tử thân Nhật cùng đảng Đại Việt ra khỏi Hội Phật Giáo. Có lẽ do chủ trương một đạo Phật thuần túy và quan điểm "người tu Phật không làm chính trị" mà ngài không chấp nhận các đảng phái chính trị len lỏi trong Hội Phật Giáo, thế nên Hòa thượng bị gán cho quan điểm như thế. Ta phải thấy rằng, bởi vì thời ấy do đất nước còn chưa được độc lập tự chủ, chiến tranh và nhiều thế lực chính trị nổi lên, nếu không là theo quan điểm này thì cũng là thuộc phe phái nọ, đó là suy nghĩ của mọi người trong ly loạn vậy.
* * *
Với Hòa thượng Trí Hải, một nhân tố nồng cốt của phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Bắc, chúng ta nhận thấy rằng, tư tưởng tiến bộ của ngài, là ý thức được tình trạng hủ lậu và lạc hậu của Phật giáo sau nhiều thế kỷ nặng nề phong kiến. Hoài bão cách tân nơi ngài thực sự là một cuộc cách mạng Phật giáo, một cuộc cách mạng tư tưởng, thổi bùng lên làn gió mới về một nền Phật giáo tích cực nhập thế. Còn hơn thế nữa, khi mục tiêu lớn hơn của ngài ở lập trường dân tộc thời ấy, là dự định trùng tu di tích Trúc Lâm Yên Tử, biểu tượng của Phật giáo truyền thống Việt Nam, làm sống lại thời đại Lý – Trần oanh liệt của lịch sử dân tộc.
Dấu ấn của ngài như còn bàng bạc đâu đây, khi hàng ngũ kế thừa sự nghiệp ấy ngày nay đã đưa đạo Phật hòa nhập vào xã hội, trở thành một tôn giáo tích cực nhập thế, từng bước thực hiện các hoài bão của ngài để lại. Ở điểm này, chúng ta cần nhìn lại quan niệm về "Nhân gian Phật giáo" của ngài cũng có chỗ phiến diện. Đạo Phật với quan điểm từ bi, không có ranh giới cho cho mọi hình thái định chế xã hội. Tôi cho rằng, quan niệm về Nhân gian Phật giáo ở thời đại phát triển của Phật giáo hiện đại, phải là đưa Phật giáo hòa nhập vào mọi góc cạnh của xã hội, khiến phát huy hết tính tích cực cải tạo xã hội, tốt đạo đẹp đời, bằng nền tảng đạo đức hành thiện. Có như thế thì mới gọi là Nhân gian Phật giáo, đó là một thế giới hòa bình không chiến tranh, không bạo lực, chứ không phải chỉ là một hoặc nhiều "quốc độ Phật giáo" nằm rải rác trong xã hội rộng lớn quanh ta. Như thế, quan niệm Nhân gian Phật giáo của ngài chỉ là một giải pháp xã hội, một mô hình khởi điểm, chứ chưa thể là một mục tiêu sau cùng của đạo Phật.
Về giáo dục, đến nay chúng ta cũng mở ra các cấp trường lớp đào tạo Tăng tài khắp 3 miền đất nước. Về kiến tạo, chúng ta cũng đã trùng tu di tích Trúc Lâm Yên Tử trở thành quần thể văn hóa tôn giáo du lịch, góp phần phát huy tính tích cực của Phật giáo lên cao trào, để Phật giáo đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên văn minh phồn thịnh. Nơi chân trời Bát Nhã kia, chắc hẳn ngài cũng đã mãn nguyện về những gì chúng ta đã tiếp bước hoàn thành tâm nguyện ấy của một bậc tiên phong.
Viết tại Chùa Phật học Xá Lợi
Ngày 06-05-2006
Tài liệu tham khảo:
– PGVN Sử Luận tập III, Nguyễn Lang, Lá Bối xb, Paris 1978
– Việt Nam Niên Biểu 1939-1975, Chính Đạo, Văn Hóa xb, Hoa Kỳ 1996
– Biên Niên Sử Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn, Trương Ngọc Tường, TP.HCM xb, 2001
– Danh Tăng Việt Nam tập I, Thích Đồng Bổn, NXB Thành Phố, TP.HCM xb 1995
– Tập Kỷ Yếu Hội Phật Giáo, Đuốc Tuệ xb, Hà Nội 1936
– Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Vân Thanh, tác giả xb, Sài Gòn 1974
– Niên biểu Phật Giáo Việt Nam, Trần Tri Khách, trang nhà Quảng Đức, 2002
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết