HÒA THƯỢNG THÍCH TƯỜNG VÂN (1899 – 1983)
Hòa thượng Thích Tường Vân, pháp danh Nguyên Hương, nối hệ đời 42 dòng Lâm Tế Trí Thắng Bích Dung. Ngài thế danh Lê Quát, sinh năm Kỷ Hợi (1899), nhằm năm Thành Thái thứ 10 – tại làng Hội An, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
Ngài sinh ra và thừa hưởng sự giáo dục trí đức bằng tinh thần Nho học chuyên chính và Phật học cao đẹp. Nhờ đó, Ngài sớm có được phong thái đỉnh đạc và nhận định mọi lẽ mạch lạc từ song thân truyền đạt .
Năm Giáp Dần (1914), đây là khoảng thời gian Ngài được tăng bổ những nhận thức về thời cuộc, vì luôn được phụ thân nhờ Ngài liên lạc mời các cụ đến nhà bàn bạc thi, lễ và thời sự. Ấn tượng đáng nhớ trong Ngài lúc này là nghe các cụ trò chuyện với phụ thân về hành động yêu nước của một thanh niên 18 tuổi, tự xưng là hậu duệ của vua Hàm Nghi, đó là Phan Xích Long, người thành lập “Hội Kín” chủ trương đánh Pháp. Khi tổ chức này bị phát hiện và Pháp đã bắt được vị này ngay tại quê hương Bình Thuận, trên đường lánh mặt, trước đó một năm (1913).
Trong một lần đi liên lạc cho phụ thân, nhờ nhân duyên đưa đẩy, Ngài đã đến xin quy y với Hòa thượng Tâm Hiền, Tổ khai sơn chùa Long Đoàn, núi Trà Cú, được Hòa thượng ban pháp danh là Nguyên Hương.
Cũng trong năm này, đại chiến thế giới thứ I bùng nổ (1914 – 1918), song thân Ngài ra vào các xứ Thuận Quảng như con thoi, một phần cũng để tìm lại số thân bằng quyến thuộc đang lâm vào cảnh loạn ly bởi thời cuộc. Thêm vào đó, hàng loạt sự kiện liên tiếp xảy ra, như cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, Trần Cao Vân, Thái Phiên đã lan tràn xuống các tỉnh phía Nam mà vùng đất Bình Thuận luôn là nơi tạm lánh của không ít sĩ phu yêu nước. Trong bối cảnh đó, Ngài nguyện xả thân thực hiện các công việc xã hội, đóng góp xoa dịu nỗi đau chung và cũng để vâng lời thầy tổ hằng khuyên bảo.
Năm Kỷ Mão (1939), nhận thấy cuộc đời ít vui nhiều khổ mà con người cứ mãi say đắm lăn lộn, thậm chí gây khổ cho nhau, Ngài chiêm nghiệm chỉ có đạo pháp là con đường thoát khổ duy nhất, Ngài dứt khoát rủ bỏ tất cả, đến cầu xuất gia với Hòa thượng Vĩnh Sung, chùa Bửu Long, xã Phú Long, được Hòa thượng ban pháp hiệu là Tường Vân.
Sau khi xuất gia, Ngài vân du khắp nơi trong tỉnh Bình Thuận để cầu tham học với các tổ, các pháp lữ, đồng thời đem kiến thức Phật học phổ biến khắp nơi. Sâu thẳm trong mục đích cuộc vân du đó còn có ý muốn dò la trong các thân hữu của phụ thân Ngài trước kia, để có thể tìm lại và biết được tường tận, chính thức hoạt động kháng Pháp của phụ thân Ngài.
Trong quá trình đó, ngay tại huyện đảo Phú Quý, Ngài thành lập Hội Tịnh độ và đã quy tụ rất đông Phật tử tìm đến thọ pháp, tu học.
Năm Tân Tỵ (1941), Ngài được sơn môn cung thỉnh làm Giáo Thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Xuân Quang (Hòa thượng Thiện Tường chùa Vạn Thọ – Sài Gòn đã thọ Tỳ kheo tại giới đàn này).
Năm Nhâm Ngọ (1942), Ngài được thỉnh làm Yết Ma A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Xuân Quang.
Năm Giáp Thân (1944), Ngài làm Yết Ma kiêm Hóa chủ tại giới đàn chùa Linh Sơn, đảo Phú Quý, và khai sơn chùa Liên Hoa.
Từ đây, Ngài trở về chuyên tu mật hạnh và nhiếp hóa đồ chúng tại những nơi Ngài có trách nhiệm đảm đang. Thời gian 20 năm này cũng một phần do chiến cuộc, thời thế và những biến đổi sâu sắc của đất nước. Một số pháp lữ sơn môn và không ít đệ tử, Phật tử của Ngài tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc cũng như các việc xã hội khác. Ngài cũng có không ít hoạt động cả đạo lẫn đời, rồi việc thân phụ Ngài qua đời v.v...
Nhưng tiếc rằng do mật hạnh của Ngài, đến ngày nay chưa có dữ kiện nào trong thời gian này được lưu lại.
Năm Mậu Tuất (1958), Ngài được đồ chúng cung thỉnh trụ trì chùa Liên Thành – Phú Long.
Năm Canh Tý (1960), để góp sức tiếp tục thổi bùng làn gió chấn hưng Phật giáo đang thời kỳ phát triển mạnh. Ngài chủ súy chấn hưng triệt để Phật giáo tỉnh Bình Thuận, củng cố sơn môn Tăng Già, trang nghiêm Phật giáo. Việc trước mắt là Ngài hiệp lực cùng chư Hòa thượng : Phước Nhàn, Phước Như, Vĩnh Thọ đứng ra tạo lập Tòng Lâm Vạn Thiện – Phan Thiết – để làm cơ sở tu học cho chư Tăng, Ngài được sơn môn cử giữ chức Đệ nhất trụ trì Tòng Lâm này.
Năm Quý Mão (1963), Ngài kêu gọi Tăng tín đồ tỉnh nhà đáp ứng hiệu triệu của Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết, đứng lên đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo trước nạn đàn áp kỳ thị của chế độ Ngô Đình Diệm.
Năm Giáp Thìn (1964), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài được cử đảm nhiệm chức Đặc ủy Tăng sự tỉnh Bình Thuận.
Năm Canh Tuất (1970), ý thức trước trách nhiệm phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, Ngài đích thân vận động thành lập Phật học Viện Nguyên Hương có tầm vóc và ý nghĩa nhiều mặt. Ngài lại được tín nhiệm giao trọng trách Giám Viện. Theo Ngài, bất kỳ một vị Sứ giả Như Lai nào có hoài bão thiết tha với vận mệnh của Phật giáo, thì cũng đều dành hết thời gian tâm, trí, lực cho trọng trách này.
Năm Tân Dậu 1981, sau khi Phật giáo hai miền Nam – Bắc đã thống nhất, Ngài được cung thỉnh ngôi vị Chứng minh Đạo sư cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận.
Năm Quý Hợi 1983, tuổi cao sức yếu, Ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc 12 giờ ngày mùng 03 tháng 02 năm Quý Hợi, thọ thế 84 năm, giới lạp 44 mùa Hạ. Nhục thể của Ngài được nhập bảo tháp tại Tòng Lâm Vạn Thiện.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết