Thông tin

HOÀN THIỆN GIÁO DỤC THEO LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT

TRONG BÀI KINH CÂU-LÂU-SẤU VÔ TRÁNH

 

PHẠM NGỌC SƠN
(PD: THỌ THẠCH)

 

Ngày nay khi xã hội càng phát triển, con người càng có nhiều cơ hội để tiếp thu những kiến thức của nhân loại. Thông qua sự phát triển của các phương tiện truyền thông và mạng Internet toàn cầu, con người có thể tiếp cận với vô số những kiến thức từ các chuyên ngành khác nhau để làm cho cuộc sống tinh thần ngày thêm phong phú và đa dạng. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích từ sự phát triển của xã hội đối với cuộc sống con người, nhưng cũng không thể phủ nhận thực tế rằng con người vẫn chưa thực sự phát triển được trí tuệ chân thật, làm chủ kiến thức, tư duy để làm cho cuộc sống đời thường vơi đi những khổ đau, tạm bợ, hướng đến một cuộc sống an bình, hạnh phúc thật sự. Nhằm giải quyết những tồn tại trong giáo dục Việt Nam nói riêng và giáo dục nói chung, Phật giáo đã có những đối trị thích hợp. Một trong những phương pháp ấy là lời dạy của Ngài qua bài kinh Câu-Lâu-Sấu vô tránh đối với việc hướng dẫn con người làm chủ kiến thức, tự tin ở bản thân để đối mặt với những thách thức của thời đại.

1. Nội dung của bài Kinh Câu-Lâu-Sấu vô tránh

Bài kinh Câu-Lâu-Sấu vô tránh là bài kinh thứ 169 trong kinh Trung A Hàm, thuộc phẩm thứ 13: Căn bản phân biệt phẩm. Phẩm này gồm 10 bài kinh, tính từ kinh số 162 đến kinh số 171. Bài kinh này được đức Phật thuyết khi Ngài trú ở vùng Bà-kì-sấu (婆奇瘦; Pāli: Bhaggesu) ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu. Có thể tóm tắt nội dung bài kinh như sau:

Phật dạy không nên theo dục lạc thấp kém, cũng không nên tự hành xác bằng khổ hạnh; hai cực đoan này đều thuộc tà đạo. Con đường Trung đạo được đức Phật thực chứng đã mang đến trí tuệ, giác ngộ và Niết bàn, đó chính là Bát chánh đạo. Nên biết khen chê, nhưng không nên khen chê mà chỉ nói pháp. Ví dụ nói: Ai đam mê dục lạc là theo tà đạo, sẽ đau khổ, là có chỉ trích một số người, hoặc nói ai không đam mê dục lạc thì không khổ đau, thuộc chánh đạo, thì có tán thán một số người. Nếu chỉ nói: Theo đuổi dục lạc hay khổ hạnh, không từ bỏ hữu kiết sử là khổ, thuộc tà đạo, không xứng bậc thánh, ấy chỉ là thuyết pháp. Biết phân biệt lạc nhưng chỉ chú tâm nội lạc, có nghĩa năm dục thuộc về sắc, thanh, hương, vị, xúc, gọi là dục lạc, đáng sợ hãi. Hỷ lạc trong bốn thiền là ly dục lạc, không đáng sợ hãi. Không nói lời bí mật, lời mếch lòng khi nó không thực, không ích lợi, không đúng thời. Nên nói chậm rãi vì khi nói nhanh thì không rõ ràng, khó nghe, thâm tâm và cổ họng bị tổn hại. Không bám vào địa phương ngữ xa với ngôn ngữ thường dùng, vì mỗi địa phương dùng một kiểu khác nhau, không nên chấp đúng sai. Tóm lại, dục lạc thuộc tà đạo là pháp hữu tránh. Lạc nào không dẫn đến khổ đau nhiệt não là pháp vô tránh. Khổ hạnh là hữu tránh; trung đạo là vô tránh; khen chê là hữu tránh, chỉ nói pháp là vô tránh; dục lạc là hữu tránh, ly dục lạc là vô tránh, v.v…

Phật dạy: Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với cứu cánh’. Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Ở đây, ‘Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu’. Đây là nói về một cực đoan. ‘Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa’. Đây là nói về một cực đoan nữa.

‘Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn.’ Vấn đề này được nói lên với những nguyên nhân nào? Ở đây, Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định, gọi là tám. Do bởi sự kiện này mà nói ‘Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn.’…”

Theo như lời dạy của đức Phật trong bài kinh Câu-Lâu-Sấu vô tránh, Trung đạo có thể hiểu là con đường không tuyệt đối hóa một vấn đề gì, ly khai tất cả những ý niệm chấp trước, không chấp hữu và không chấp vô, không thái quá và không bất cập, ly khai các cực đoan và phiền não, tự tại vô ngại, giải thoát giác ngộ, chứng quả Niết bàn. Con đường Trung đạo trong bài kinh Câu-Lâu-Sấu vô tránh bao hàm những khía cạnh sau:

1.1. Trung đạo nghĩa là xa lìa những cực đoan

Con đường tu tập của Phật là xa lìa hai thái cực là thái quá và bất cập. Cực đoan chỉ mang lại khổ đau là những gì mà đức Phật từng trải trên bước đường tìm đạo và giác ngộ của mình.

Sau khi rời bỏ cuộc đời vương giả để xuất gia tầm đạo, đức Phật đã trải qua sáu năm trời suy tư và thực nghiệm bao phương pháp hành đạo của phái cực đoan. Ngài đã đem hết ý chí mạnh mẽ như thác đổ, vững chắc như núi đồi để chiến thắng những sự ràng buộc của xác thịt, không kể bao nỗi khổ hạnh đến cùng tột của hàng tu sĩ khổ hạnh nơi núi rừng cô tịch hoang vu. Nhưng chưa tìm được chân lý thì sức lực đã mòn mỏi, ngã quỵ trên đường tìm đạo. Bởi vậy Ngài mới nghĩ rằng: “Người hành đạo cũng như dây đàn. Dây đàn quá cao sẽ đứt và nhạc sẽ bay. Dây đàn quá thấp sẽ câm và nhạc không lên. Hãy dùng cây đàn dây không quá cao cũng đừng thấp quá. Hành đạo cũng vậy, quá sướng hay quá khổ, không phải lối tu hành chân chính, vì thân thể khoái lạc lắm thì tâm hồn đam mê, nhưng hình hài khổ cực thì tâm hồn bị rối loạn. Con đường đi đến giải thoát phải xa lìa hai thái cực ấy! Giữ mực điều hòa thì đạo tất thắng” (Trung A Hàm - Kinh Sa-môn Nhị-thập-ức).

Và ngay trong bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo, đức Phật đã truyền bá con đường Trung đạo mà chính Ngài đã khám phá ra và cũng là tinh hoa trong giáo lý của Ngài. Trước nhất, đức Phật khuyên năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như nên xa lánh hai lối tu cực đoan là lợi dưỡng và khổ hạnh, vì cả hai không thể dẫn đến trạng thái giải thoát. Chính câu Phật ngôn đầu tiên đã được tuyên bố:

"Này chư Tỳ kheo, có hai cực đoan mà người tu sĩ không nên thực hành. Thế nào là hai?

Một - Lợi dưỡng dễ duôi trong dục lạc là thấp hèn thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, không liên hệ đến mục đích giải thoát.

Hai - Ép xác khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân và đưa đến tổn hoại.

Con đường Trung đạo, này chư Tỳ kheo mà Như Lai đã chứng ngộ tránh xa cực đoan, đem lại pháp nhãn và tri kiến, đưa đến tĩnh lặng, liễu ngộ, toàn giác và Niết bàn". (Trung A Hàm - Kinh Chuyển Pháp Luân)

Qua lời dạy trên của đức Phật, rõ ràng là hai quan niệm cực đoan phóng túng hay khổ hạnh ép xác đều hướng con người vào vòng tội lỗi, sai lầm và sa đọa. Trong cuộc sống tu tập chúng ta phải có hành động sáng suốt, xa lìa hai thái cực để sống thuận vào chân lý tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối ấy được thể nghiệm ngay trong sự sinh hoạt hàng ngày, trong đi đứng nằm ngồi. Có như vậy chúng ta mới an vui trong cuộc sống, hạn chế khổ đau trong đời sống hàng ngày.

1.2. Trung đạo là tu tập Bát chánh đạo

Trong bài kinh Câu-Lâu-Sấu vô tránh, đức Phật có đề cập đến Bát chánh đạo như là con đường chân chính để có trung đạo: “Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn.’ Vấn đề này được nói lên với những nguyên nhân nào? Ở đây, Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định, gọi là tám”.

Bát chánh đạo là Đạo đế trong Tứ thánh đế gồm Đó là: (1) Chánh kiến: là sự hiểu biết, sự kiến giải chính xác; (2) Chánh tư duy: là dùng Chánh kiến làm cơ sở, để tư tưởng chín chắn về nội dung của Chánh kiến này; (3) Chánh ngữ: là sự đặt nền móng trên ý niệm chánh xác, để biểu đạt công phu thực tiễn của nghiệp “khẩu”. Đối với người không nói đảo, nói dối, không dùng ỷ ngữ, đâm thọc, không dùng ác khẩu mạ lỵ làm nhục người khác, nên dùng thiện ngôn để khuyến khích người, dùng ái ngữ để an úy; (4) Chánh nghiệp: là thân nghiệp chánh đáng. Muốn vậy, thân không phạm ác nghiệp sát sinh, trộm cướp, dâm loạn, và không dùng các chất tạo say mê, ngây ngật. Cần phối hợp với ý và ngữ nghiệp, sao cho ba nghiệp: thân, ngữ, ý trở nên thanh tịnh; (5) Chánh mệnh: là phương pháp mưu sinh phải chân chính, loại bỏ các nghiệp ác, nên theo những chức nghiệp chánh đáng để hành xử trong các nhu cầu của đời sống; (6) Chánh tinh tấn (hay Chánh phương tiện): là đối với đạo nghiệp, tự mình nỗ lực gắng sức, điều ác chưa đoạn, lập tức đoạn ngay, điều thiện chưa tu, thì hãy gắng tu. Điều ác chưa khởi, thì ngăn không cho khởi, điều thiện chưa lớn mạnh hãy cố làm cho tăng trưởng; (7) Chánh niệm: là khi tự tâm đã gắng gỏi tinh tấn, thì nên dùng phương pháp bất tịnh quán để nhiếp tâm, chế tâm, khiến tâm trụ “nhất cảnh”, và không khởi tư niệm vật ngã; và (8) Chánh định: là tu trì theo bảy giai đoạn vừa nêu để đi vào tứ thiền, bát định. Sau rốt dùng “không tuệ lực” để nhập vào định Diệt thọ tưởng, đắc cảnh giới giải thoát Niết bàn.

Bát chánh đạo là con đường giải quyết các vấn đề khổ đau, bất như ý trong cuộc sống. Đây chính là con đường mầu nhiệm giúp vượt qua mọi khổ đau, dẫn đến giác ngộ và giải thoát. Tám nhánh trong con đường này có mối tương hỗ qua lại lẫn nhau. Chúng phải được phát triển gần như đồng thời với nhau và mỗi nhánh giúp cho sự đào luyện những nhánh khác. Như hướng đến giải thoát ta phải đắc được chánh định mới có thể xa lìa mê hoặc, chứng ngộ chân lý. Muốn như vậy phải tu chánh kiến đến chánh niệm. Vì vậy 7 chi đều là gốc, là trợ duyên của chánh định.

Lấy chánh kiến làm đầu, lấy chánh tinh tấn, chánh niệm làm trợ duyên mà tiến tu, như tu học chánh kiến, chuyên nhất một lòng ở chánh kiến, nỗ lực ở chánh kiến, lại từ trong chánh kiến hiểu rõ chánh chí (chánh tư duy). Như thế chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng cũng vậy, lấy chánh kiến, chánh tinh tấn, chánh niệm làm trợ duyên "tu học bảy chi trước thì được chánh định" (Trung A Hàm - Thánh Ðạo kinh).

Việc tu hành của Bát chánh đạo, cũng chính là sự tăng tiến của Giới - Ðịnh - Tuệ, là quá trình trước sau của tam tuệ văn, tư, tu. Ðó là con đường chân chánh của đạo giải thoát đến với chúng ta "Nếu trong chư pháp không có bát chánh đạo thì không có quả Sa môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư. Vì trong chư pháp có bát chánh đạo, cho nên có quả Sa môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư". (Trường A Hàm - Kinh Du hành).

1.3. Trung đạo là tu tập Tam Vô Lậu học: Giới - Định - Tuệ

Tam vô lậu học có thể hiểu là môn học thù thắng gồm có Giới-Định-Tuệ, có thể giúp hành giả vượt khỏi sự trói buộc của mọi phiền não, hoàn toàn tự tại, chứng nhập quả vịgiải thoát hoàn toàn, không còn nằm trong sự kiềm tỏa của tam giới và không dừng lại ở phước báo sanh thiên. Ba môn học này chỉ có trong giáo pháp của đức Phật.

Giới tiếng Pali là Sila, Trung Quốc là Bala-đề-mộc-xoa: là những điều được Phật chế ra nhằm để ngăn chặn những điều xấu ác. Giới còn có thể được hiểu là những điều không nên làm, là sự giữ gìn của mỗi người khi căn tiếp xúc với trần mà đức Phật đã chế định cho đệ tử Phật để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp về thân, khẩu, và ý. Nghĩa rộng của giới thì bao hàm mọi hành vi chân chánh nhưng theo nghĩa hẹp, thì chỉ giới hạn 2 phần là dừng các điều ác và làm các điều thiện. Ðặc biệt là 10 giới căn bản chung cho cả tại gia và xuất gia, liên hệ với ba nghiệp thân, khẩu, ý và nghiêng về các thiện hành: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà tâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói đâm thọc, không nói thô ác, không tham, không sân, không si. Giới là một trong ba yếu tố căn bản không thể thiếu trong tiến trình tu tập để thành tựu đạo quả giải thoát Niết-bàn; nó có thể hạn chế những chướng ngại cho đời sống thanh tịnh và sự tu tập.

Định, hay đầy đủ là thiền định, chỉ Thiền chỉ và Thiền quán, tiếng Pali là Jhana. Định có bốn nghĩa: (1) Tĩnh lự: Tĩnh có nghĩa là yên lặng; lự có nghĩa là suy tư; (2) Đốt cháy: Thiêu hủy các ác bất thiện pháp, cụ thể là năm triền cái và mười kiết sử; (3) Tư duy trí: Tư duy quán sát đối tượng, lìa bỏ hay xả ly tất cả tâm niệm ác, thành tựu các thiện pháp, đưa đến trí tuệ; và (4) Công đức tòng lâm, tức định, là cái nhân làm phát sinh công đức, thần thông, trí tuệ và bốn vô lượng tâm.

Thiền định là pháp môn thứ hai của tam vô lậu học, giúp con người giữ được sự huân bình trong đời sống tâm lý, và đồng thời nếu tiến lên một bước nữa, con người sẽ thăng hoa và cứu cánh, sẽ đi đến giải thoát Niết Bàn. Định, hiểu một cách đơn giản nhất là tập trung vào một đối tượng duy nhất, để tâm không bị tán loạn theo các vọng tưởng. Sau khi giữ giới được thanh tịnh làm tiền đề cho sự phát khởi, nhưng chứng đạt thiền định phải: "Sống cô độc, xa vắng, ở trong rừng sâu, dưới gốc cây, nơi yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma, người ấy sau khi ở trong rừng vắng... trải ra sư đàn ngồi kiết già". - (Trung A Hàm - Kinh Tượng Tích Dụ).

Tuệ, tiếng Pali là Panna, Trung Hoa dịch là Bát nhã. Tuệ hay trí tuệ mà đức Phật đề cập là trí tuệ vô lậu, loại trí tuệ không bị ngăn che bởi vô minh, không vướng vấp những phiền não ở thế gian, đưa con người đến an vui chóng đạt thánh quả. Muốn đạt tuệ vô lậu phải lấy 3 trí tuệ hữu lậu là văn, tư, tu làm phương tiện. Nếu không nghe (văn) không nghĩ (tư) thì không thể đưa đến tu tuệ, cũng tức là không đắc được trí tuệ vô lậu. Để làm được điều đó thì cần phải “Thân cận thiện nam tử, nghe chánh pháp, bên trong chánh tư duy, pháp thứ, pháp hướng". Đây là trình tự tất nhiên của việc tu hành. Nhưng trình tự tu học đạt được kết quả như mong muốn, đức Phật nói về tứ y để làm chuẩn cho việc tu học, gồm: (1) Y pháp bất y nhân, nghĩa là nương vào pháp không nương vào người; (2) Y nghĩa bất y ngữ, nghĩa là nương nghĩa không nương lời; (3) Y liễu nghĩa bất y liễu nghĩa, nghĩa là nương vào nghĩa chân thật, rốt ráo, không nương vào nghĩa sự tướng phương tiện; và (4) Y trí bất y thức, nghĩa là dựa vào trí tuệ, không dựa vào ý thức.

Nói tóm lại, Giới - Ðịnh - Tuệ cũng là 3 thành tố của con đường Trung đạo mà đức Phật đã tự khám phá ra và truyền dạy lại cho con người. Nếu sống đúng với con đường trung đạo này thì con người đã từng bước từ bỏ đi những đau khổ, vướng mắc trong cuộc sống để từng bước nắm giữ hạnh phúc chân thật và đi vào cuộc sống an lạc. Tam vô lậu học là một thực thể giải thoát thì trong Giới vốn có Ðịnh và Tuệ, trong Ðịnh vốn có Giới, Tuệ; trong Tuệ vốn có Giới, Định. Mức độ thăng hoa của một trong ba chi phần này luôn luôn có liên quan đến hai chi phần kia. Có Tuệ mới biết đâu là chánh Giới, có Tuệ mới ổn định được tâm (định). Càng thực hiện Giới thì càng hiểu về thực tại. Từ đó hiểu biết được tâm, ổn định được tâm. Khi ổn định tâm được thanh tịnh và cái thấy biết về thực tại càng rõ ràng và tích cực hơn.

2. Giải quyết những tồn tại của giáo dục theo lời dạy của đức Phật

2.1. Đối với vấn đề nhận thức và giáo dục chung

Ngày nay khi khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nền kinh tế của nhân loại sẽ ngày càng phát triển theo xu thế văn minh, hiện đại, theo đó đạo đức và lối sống của con người cũng cần phải biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh sống mới. Những biến đổi ấy cần phải dựa trên những giá trị đạo đức và “không thể tách rời đạo đức khỏi những quy tắc tôn giáo”. Rõ ràng bất cứ tôn giáo nào cũng có những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân bản sâu sắc, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng thiện, đặc biệt là Phật giáo. Như vậy, việc ứng dụng các nguyên tắc Phật giáo trong việc xây dựng nhân cách đạo đức cho sinh viên - học sinh là điều cần thiết.

Người ta không thể phủ nhận sự thật là Phật giáo hàm chứa nhiều giá trị quí báu về giáo dục nhân cách sống cho con người. Những triết lý của Phật giáo đều nhằm giáo dục và xây dựng con người thành những người có ích. Những triết lý về “khổ” và “cứu khổ” bằng “Bát chánh đạo” và “Tam học” là những tư tưởng mà bất kì đối tượng nào trong xã hội cũng có thể tham khảo và vận dụng để tự giáo dục mình chứ không nhất thiết là đối với những tín đồ Phật giáo. Tuy vậy, để học sinh - sinh viên quan tâm và thực hành những lời dạy tốt đẹp của đức Phật về cách làm người thì việc cố vấn, chỉ dẫn và định hướng của các thầy giáo, cô giáo và những người làm công tác giáo dục là rất cần thiết. Để làm được điều này, người dạy cần phải có những hiểu biết và nhận thức nhất định về Phật giáo nói chung và giá trị về đạo đức, lối sống của Phật giáo nói riêng.

Ngoài ra cũng cần phải khuyến khích học sinh - sinh viên tìm về những giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại được chứa đựng trong các tôn giáo, đặc biệt là “Bát chánh đạo” và “Tam học” của Phật giáo. Có như vậy giáo dục mới có khả năng phát triển toàn diện cho người học. Trong thực tế, giáo dục nhân cách sống cho người học là một việc vô cùng quan trọng nhưng không hề đơn giản, thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều lần so với việc trang bị về tri thức, kỹ năng. Do đó, chúng ta không chỉ rao giảng, khuyên bảo một cách máy móc các bài học về đạo đức, lối sống theo những mô-típ quen thuộc. Điều quan trọng là phải làm cho học sinh - sinh viên tự ý thức tầm quan trọng của việc rèn luyện nhân cách sống và khuyến khích họ chủ động tìm về những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, giá trị đạo đức, lối sống của Phật giáo.

Có thể thấy vận dụng tư tưởng Phật giáo có thể mang lại những hiệu quả tích cực trước mắt và lâu dài cho việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên ở Việt Nam trong thời đại hiện nay, bởi Phật giáo “sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể, gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa”1.

2.2. Đối với người dạy

Đức Phật đã dạy “Trung đạo nghĩa là xa lìa những cực đoan” là thái quá và bất cập. Cực đoan không mang lại kết quả tốt đẹp. Chính vì vậy, người dạy không nên tuyệt đối hóa nhận thức, hiểu biết của mình. Bản thân người dạy phải hiểu rằng cùng với những biến đổi của xã hội, kiến thức và việc vận dụng kiến thức, ít hay nhiều cũng có những biến chuyển nhất định. Vì lẽ đó, người dạy phải luôn cập nhật kiến thức, trau dồi kiến thức chuyên môn để có những kiến thức bổ ích truyền đạt đến người học, giúp cho người học hiểu rõ được những khía cạnh cần thiết của kiến thức để vận dụng linh hoạt trong công việc thực tế của mình, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Ngoài ra, người dạy còn phải tùy vào căn cơ, trình độ của người học để ứng dụng các phương pháp giảng dạy thích hợp nhằm tối đa hóa khả năng tiếp thu kiến thức cho người học. Người dạy cần phải biết không một phương pháp giảng dạy nào là tối ưu, thế nên ứng dụng phương pháp nào, vào thời điểm nào, như thế nào là hợp lý là điều rất quan trọng cho việc tiếp nhận kiến thức từ người học. Hiểu được “Trung đạo nghĩa là xa lìa những cực đoan” giúp cho người dạy tránh tuyệt đối hóa kiến thức, tránh tuyệt đối hóa phương pháp giảng dạy, xa lìa cái “tôi” của người thầy để mang lại những kiến thức thực sự bổ ích cho sự phát triển của người học về sau.

Trung đạo là tu tập Bát chánh đạo”. Điều này giúp cho người dạy có cái nhìn đúng đắn hơn về nghề nghiệp của mình. Người dạy cần phải có chánh kiến và chánh tư duy về chuyên môn giảng dạy của mình. Những hiểu biết và kiến giải của người dạy về chuyên môn của mình phải xác thực, chính chắn giúp cho người học có cái nhìn chính xác về kiến thức mà mình học được để có thể áp dụng đúng đắn trong công việc của mình về sau. Người dạy còn phải biết giữ cho mình chánh ngữ. Thông qua lợi ích từ chánh ngữ, người dạy sẽ tạo được thiện cảm và niềm tin ở người học từ đó giúp cho việc tiếp thu kiến thức của người học diễn ra thuận lợi hơn. Hơn nữa, chánh ngữ còn có khả năng giúp người học gần gũi hơn với người dạy. Thông qua những tâm tư, nguyện vọng của người học, người dạy có thể giúp người học vững tin hơn về kiến thức mà người học tiếp thu được. Mặt khác, cùng với chánh nghiệp, chánh mệnh, người dạy có thể sẽ là một tấm gương sáng cho người học noi theo. Ngoài ra, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định cũng sẽ giúp cho người dạy ngày càng trau dồi chuyên môn và nghiệp vụ vững chãi, tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc trong công việc trồng người, giúp cho mỗi bài giảng của mình là một niềm hạnh phúc của người học. Có thể nói, thực hạnh Trung đạo thông qua Bát chánh đạo có thể xây dựng một người dạy hoàn hảo, giàu thiện cảm, không những mang hạnh phúc cho chính bản thân người dạy, mà còn tạo được niềm tin và hi vọng cho người học, những con người sẽ xây dựng xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai.

Để đoạn trừ vô minh, đức Phật đã chỉ ra con đường Trung đạo diệt khổ thông qua tu dưỡng Giới - Định - Tuệ; trong đó giới là những quy tắc sống khôn ngoan và cao đẹp; định là những phương pháp tập trung và huấn luyện tâm trí; tuệ là những cách thức khai sáng trí tuệ để nhìn thấy sự vật đúng như sư thật. Trong giáo dục có thể hiểu giới là những điều lệ, những quy tắc nhằm giúp người học chuyên chú trong môn học. Khi đạt đến một sự tập trung nhất định trong môn học (Định), người dạy sẽ xây dựng được sự say mê hứng thú của người học, giúp người học phát huy được tuệ giác, thấy rõ hiểu rõ những kiến thức của môn học. Một khi đã có tuệ giác, chắc chắn những kiến thức được tiếp thu sẽ giúp người học còn có khả năng nghiên cứu, đào sâu hơn những khía cạnh của kiến thức đó, giúp ích cho mình và cho người về sau.

2.3. Đối với người học

Trung đạo nghĩa là xa lìa những cực đoan” nên người học không thể tuyệt đối hóa những kiến thức mình tiếp thu được. Người học cần phải biết thế giới luôn vận động và phát triển, kiến thức cũng không là ngoại lệ. Vì vậy, người học phải luôn không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, kỹ năng mềm để có thể tự tin trong công việc tương lai. Trong quá trình học ở giảng đường đại học, người học phải tinh tấn học hành, tìm tòi nghiên cứu để làm giàu kiến thức của mình ở nhiều khía cạnh khác nhau. Cần phải biết không chỉ nắm vững chuyên môn không là được, muốn phát triển toàn diện đòi hỏi ở người học nhiều kiến thức bổ trợ khác, cũng như hoàn thiện nhân cách để trở thành một cá nhân tích cực về sau mang lại lợi ích cho mình, cho người.

Trung đạo là tu tập Bát chánh đạo”. Hiểu được điều này giúp cho người học có chánh kiến và chánh tư duy về nghề nghiệp mà mình đã chọn để tự do luôn đốc thúc tinh thần học hỏi, trau dồi chuyên môn, suy nghĩ chính chắn, xác thực về những kiến thức được tiếp thu trên giảng đường đại học. Người học còn phải biết giữ cho mình chánh ngữ. Thông qua lợi ích từ chánh ngữ, người học sẽ tạo được thiện cảm và xây dựng mối quan hệ tốt với các bạn đồng học cũng như người dạy. Điều này sẽ giúp cho người học, học hỏi được điều hay lẽ phải từ những người tri thức xung quanh. Mặt khác, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định cũng sẽ giúp cho người học tiếp thu tối đa kiến thức hay, đẹp, tìm thấy được niềm vui, hạnh phúc trong công cuộc trau dồi kiến thức; những bài học không còn là áp lực, trái lại là những thử thách mang lại niềm vui cho tự thân.

Trung đạo là tu tập Giới - Định - Tuệ”. Thông qua việc thực hành những quy tắc, luật lệ ở trường, ở mỗi môn học (Giới), người học sẽ dần hoàn thiện nhân cách của mình, loại bỏ được những thói quen xấu, hình thành những thói quen tích cực, mang lại ích lợi cho cuộc sống hàng ngày cũng như môi trường làm việc về sau. Thực hành giới sẽ giúp người học tăng trưởng sự tập trung cho công việc học tập của mình (Định), rồi phát huy Tuệ giác, thấy rõ hiểu rõ những kiến thức được học; từ đó tăng trưởng sự say mê tìm tòi nghiên cứu, “Trí vô sư” dần dà phát triển, phát hiện những điểm mới trong khoa học, mang lại lợi ích cho xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nandasena Ratnapala (Thích Huệ Pháp dịch) (2012), Buddhist Sociology - Xã hội học Phật giáo. Hà Nội; Nxb. Hồng Đức.

2. Narada (Phạm Kim Khánh dịch) (2010), Đức Phật và Phật pháp. Hà Nội: Nxb. Tôn giáo.

3. Thích Hạnh Bình (2008), Triết học có và không của Phật giáo Ấn Độ. Hà Nội: Nxb. Phương Đông.

4. Thích Minh Châu (2002), Đạo đức học Phật giáo và Hạnh phúc con người. Hà Nội: Nxb. Tôn giáo.

5. Thích Thanh Từ (2001), Đạo Phật với tuổi trẻ. Hà Nội: Nxb. Tôn giáo.

6. Tuệ Sỹ (dịch) (1992), Kinh Trung A Hàm. Hà Nội: Nxb. Tôn giáo.

 


1. Đặng Văn Chương, và Trần Đình Hùng. PG & Vận dụng tư tưởng Phật giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS - SV Việt Nam. Tải từ trang web http://tuvientuongvan.com.vn/news_detail/1314/2/PG---Van-dung-tu-tuong-Phat-giao-vao-viec-giao-ducdao-duc--loi-song-cho-HS---SV-Viet-Nam

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 4
    • Số lượt truy cập : 6124796