HOẰNG PHÁP NƠI VÙNG QUÊ THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN
HOẰNG PHÁP NƠI VÙNG QUÊ: THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN
THÍCH PHƯỚC MINH
Đệ tử xuất gia nhà Phật là luôn lấy bổn hoài “Trước cầu Phật đạo sau hạ hóa chúng sanh” làm kim chỉ nam trong đời sống tu học của mình. Chính vì thế, song song với việc trưởng dưỡng đạo tâm, thì công tác hoằng pháp có vị trí quan trọng, thiêng liêng và cao quý trong sự nghiệp trang nghiêm giáo hội.
ĐứcThế Tôn đã trải qua Xuất gia – Thành đạo – Thuyết pháp – Nhập Niết bàn là con đường thị hiện hoằng pháp độ sinh, hướng dẫn chúng sanh tu hành được thành Phật như Ngài. Từ đó, chánh pháp được truyền lưu, mạng mạch Như Lai được tiếp nối, bao đời Tổ sư, không nài gian lao khó nhọc, lặn lội nơi núi cao rừng thẳm, bước chân muôn dặm chẳng nề, cũng vì hoằng dương chánh pháp. Ngày nay, Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni vẫn đang nỗ lực “Truyền rao Chánh pháp”, cho dòng thiền mãi mãi xuôi chảy về sau, cho nhân gian cơ hội thăng hoa trong nhận thức tâm linh, tìm về bờ giác.
Song, không phải ai trong cõi đời này cũng đủ phước duyên được cận kề Tam bảo, nếu như không có gieo căn lành từ trước. Đối với đồng bào Phật tử miền quê, lam lũ quanh năm, ít khi có dịp được nghe giáo lý Phật đà, cho nên việc hoằng pháp ở những nơi đây thật là cần thiết.
“Hoằng pháp” có nghĩa là hoằng dương Chánh pháp; là diễn bày mở rộng, phát triển, và truyền bá giáo lý đạo Phật cho muôn người. “Đạo yếu Tăng hoằng” chính là giá trị lớn lao và thiết thực về sự hiện diện của Tăng bảo giữa cuộc đời này.
Trong đó, số đối tượng mà công tác hoằng pháp hướng đến, thì người dân vùng sâu vùng xa luôn được dành nhiều tình cảm đặc biệt nhất. Vì người dân quê tánh tình thật thà, mộc mạc, sinh hoạt đời sống theo lối “tình làng nghĩa xóm”, nên thân thiện và dễ gần gũi.
Tuy nhận thức tiếp thu có phần bị hạn chế: khó hiểu, khó thuộc, dễ quên, nhưng được cái là dễ tin và hành theo.
Từ những đặc điểm chung đó nên việc hoằng pháp tại vùng quê có những thuận lợi và khó khăn riêng như sau:
+ Thuận lợi
- Thứ nhất: Người dân vùng sâu vùng xa rất sốt sắng nghe pháp. Tại những vùng nông thôn, rất ít những sinh hoạt văn hóa tinh thần; nếu như ở nơi đô thị thì có rất nhiều những phương tiện giải trí cho mọi người lựa chọn, thì ngược lại người dân quê ít khi được tiếp xúc với những trò chơi giải trí thời đại; cho nên một khi tổ chức những sinh hoạt lễ hội tại chùa, thì rất dễ cuốn hút đồng bào, quy tụ bà con đến tham dự, có thể nói đây là một điểm mạnh để vân tập đạo tràng.
- Thứ hai: Giáo lý nhà Phật rất gần với truyền thống văn hóa đạo đức, tín ngưỡng dân gian, cho nên người thôn quê rất dễ đón nhận, tạo ra duyên lành để tâm hồn họ trở thành mảnh đất màu mỡ cho hạt giống Bồ-đề nẩy mầm xanh lá.
- Thứ ba: Đội ngũ giảng sư luôn dấn thân trên tinh thần: “không nề gian lao, chẳng từ khó nhọc, nơi nào chúng sanh cần thì con đến, nơi nào chúng sanh muốn thì con đi”, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nghe pháp của tất cả thính chúng.
- Thứ tư: Được Ban Hoằng pháp, và các cấp giáo hội quan tâm, các cấp chính quyền giúp đỡ mà các thời thuyết pháp diễn ra thuận lợi.
- Thứ năm: Ban Hoằng pháp Trung ương quan tâm, đào tạo cư sĩ Phật tử là Hoằng pháp viên, cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni đáp ứng các thời giảng.
+Khó khăn
Tuy thuận lợi như vậy, nhưng hoằng pháp ở vùng quê không ít những khó khăn nhất định.
- Vì tuổi cao, không tự điều khiển được phương tiện giao thông, cộng với đường quê có phần vắng vẻ, nên Phật tử “ngại” đi lại, nhất là khi đêm xuống, nếu không có lễ hội nào lớn, thì các sinh hoạt đạo tràng tại chùa thường rất ít người tham dự.
- Mặt khác, do ảnh hưởng mùa vụ nông nghiệp, nên số lượng Phật tử tham dự tại các đạo tràng cũng tăng giảm theo, đây là khó khăn khách quan ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoằng pháp.
- Do trình độ văn hóa, dân trí thấp, lại tuổi cao, nên sự tiếp thu không được nhanh, nghe mà khó hiểu, khó nhớ, nên Phật tử chỉ thích những hoạt động tâm linh cúng kính thuần túy. Từ đó, quan niệm của người thôn quê cho rằng đến chùa là chỉ để lễ Phật, cầu nguyện, hoặc trị bệnh hay làm công quả kiếm phước… Còn vấn đề nghiên cứu học hỏi Phật pháp, bị xem là cao xa khó với, nên việc cung cấp kiến thức giáo lý cho họ là điều khó khăn.
- Một khó khăn nữa là đa số các ngôi chùa nơi vùng quê do nhiều nguyên nhân như: kinh tế, cơ sở vật chất, sức khỏe, trình độ, năng lực… nên Trụ trì các Tự viện chưa “mặn nồng” xiển dương công tác hoằng pháp; đa phần sinh hoạt theo phương cách “hai thời công phu” an nhàn, nên từ lâu đã tạo cho Phật tử thói quen đến chùa để “thắp nhang – cầu nguyện”, chưa có tâm tham cầu tìm hiểu giáo lý nhà Phật.
Trên đây là những thuận lợi và khó khăn cơ bản về công tác hoằng pháp tại vùng quê, và đó cũng là vấn đề để những giảng sư hoằng pháp trẻ cập nhật, tiếp cận cơ hội, và có cách “ứng hóa” cho thích hợp trước thách thức của thời đại.
- Đối với người dân ở thôn quê hiền lành chất phác, thích sự gần gũi, nên đôi khi giảng sư cần phải tìm hiểu thêm những phong tục tập quán của vùng miền nơi ấy, để tạo sự thân thiện, cởi mở, có tác dụng tích cực đối với người nghe.
- Hình thức thuyết giảng theo cách “nói một chiều” dễ gây “buồn ngủ”, có thể là không được yêu chuộng lắm với người miền quê, vốn có tính yêu thích cải lương, hò vè. Vì vậy, Ban Hoằng pháp phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử có thể lồng ghép, chuyển hóa nội dung giáo lý đan xem với hình thức trò chơi, ca hát… để thính chúng được sinh hoạt theo ý nghĩa vừa học vừa vui, không ngán ngẩm và dễ dàng cảm thụ ý nghĩa bài pháp; nhưng lưu ý tất cả phương tiện đều mang tính Văn hóa Phật giáo, hài hòa trong Văn hóa dân tộc, tránh gây phản cảm.
- Không nhất thiết hoằng pháp là chỉ thực hiện các thời giảng ngồi “tuôn mưa pháp”, mà phải nên linh động, đôi khi biến thời giảng thành diễn đàn Phật pháp do nhiều Giảng sư và Hoằng pháp viên phụ trách, sinh hoạt theo lối vấn đáp, hay đặt câu hỏi bằng hình thức trắc nghiệm, câu đố vui, để cho Phật tử trả lời. Đặc biệt nếu có thể, nên có quà tặng kèm theo sau mỗi câu trả lời, mặc dù giá trị món quà chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần, nhưng có năng lực mạnh mẽ vô cùng, khuyến khích hội chúng tham gia hoạt động, tăng thêm sinh khí tu học.
- Người dân quê đang rất cần các “sân chơi”, đáp ứng nhu cầu tinh thần, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, ngoài những quán cà phê đơn thuần, thì ít có nơi cung cấp “món ăn tinh thần”, cho nên lễ hội tại các Tự viện thường thu hút sự hiện diện của các em rất đông. Bằng điều kiện có thể, các chùa nên tổ chức lễ hội Phật giáo long trọng và đẹp mắt, tránh quá đơn giản sơ sài, nhằm thỏa mãn sự thưởng thức cái đẹp của người tham dự. Lễ hội thì ngoài sự trang nghiêm của nghi lễ Phật giáo, nên có tính giải trí, để người tham dự cảm thấy vui tươi sau những giờ lao động mệt nhọc. Người dân quê rất yêu chuông cái mới lạ, họ cần những sinh hoạt Phật giáo có tính “vui chơi giải trí” nhưng không mất ý nghĩa đạo Phật, và rất hoan hỷ nhiệt tình tham gia. Đây là một trong những phương thức hoằng pháp có thể phát triển trong thời gian tới.
- Nói gì thì nói, “có thực mới vực được đạo”, nên kết hợp hoằng pháp với công tác Từ thiện xã hội, để tạo duyên cho số đông thính chúng là quần chúng lao động bình dân. Một việc tuy nhỏ, nhưng chiếm được nhiều cảm tình lớn, đó là sau mỗi thời pháp thoại cần có phần “ẩm thực”, dù chỉ là “cây nhà lá vườn”, nhưng tạo sự hoan hỷ chung và để lại nhiều thiện cảm thiết thực nhất, như lời nguyện của Đức Phật Dược Sư: “Trước hết ta dùng các món ăn uống ngon lạ ban bố cho họ được no đủ, rồi sau ta mới đem pháp vị nhiệm mầu kiến lập cho họ cái cảnh giới an lạc hoàn toàn”.
- Một điều dễ mến của người dân quê là sống nặng về tình cảm, họ thích được quan tâm, đến chùa phải được nói chuyện trực tiếp với Thầy, cho nên bước đầu tu sĩ không từ nan, tận dụng cơ hội đó để “thuyết pháp độ sanh”, góp nhặt từng viên cát đá, để xây dựng đạo tràng lớn trong tương lai.
- Đa phần các ngôi chùa quê được trở nên khang trang, là nhờ sự ngoại hộ của Phật tử các thành phố lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, cho nên việc thiết lập mối liên hệ pháp lữ với Phật tử thành thị là điều cần thiết trong việc xây dựng Tam bảo, cơ sở vật chất cho đạo tràng tu học. Để có được sự ngoại hộ ấy, các Tự viện nên mạnh dạn triển khai công tác Phật sự bằng năng lực tự có; và trong thời buổi hiện nay, phương tiện “thông tin điện tử” sẽ là một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực để có sự ngoại hộ cần thiết này.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết