Thông tin

HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP DỊCH VỤ Y TẾ CHO CỘNG ĐỒNG

HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP DỊCH VỤ Y TẾ CHO CỘNG ĐỒNG
CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM: 
NHỮNG THÀNH TỰU TIÊU BIỂU

 

THÍCH THƯỜNG QUANG & 
DƯƠNG HOÀNG LỘC

 

 

Đặt vấn đề

Hơn 2.500 năm du nhập và phát triển, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của con người Việt Nam, Phật giáo Việt Nam luôn tỏa sáng với tinh thần từ bi, cứu khổ độ sinh thông qua phương châm nhập thế hành đạo để hộ quốc an dân, nhất là luôn đề cao tinh thần “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật” của các thế hệ Tăng, Ni và Phật tử nước nhà. Theo đó, một lĩnh vực mà không thể nào không nhắc đến đó là những đóng góp của Phật giáo trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ y tế nhằm hỗ trợ sức khỏe cho người dân từ các làng quê cho đến thành thị trên khắp mọi miền đất nước đem lại niềm vui, hạnh phúc cho xã hội. Bài viết này bước đầu giới thiệu và đánh giá những thành tựu trên lĩnh vực này của Phật giáo nước ta hiện nay, nhất là có ý nghĩa tại thời điểm kỉ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành và phát triển trong lòng dân tộc.

Dịch vụ y tế là một bộ phận căn bản của dịch vụ xã hội

Là một quốc gia nông nghiệp cùng với khí hậu nhiệt đới, thời tiết diễn biến phức tạp là nguyên nhân dẫn đến phát sinh nhiều loại bệnh tật trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Mặt khác, việc thiếu kiến thức khoa học sức khỏe hiện đại, lối sống kém văn minh cũng là căn nguyên dẫn đến bệnh và tuổi thọ kém của người dân nước ta ngày trước. Đặc biệt, phần lớn người dân Việt Nam sống ở nông thôn còn khó khăn, mạng lưới y tế nhà nước không đủ đáp ứng về số lượng lẫn chất lượng, cho nên rất cần vai trò của các tổ chức xã hội tham gia vào việc khám chữa bệnh cho người dân. Hiện tại, một thực tế cần phải nhìn nhận là ở Việt Nam, do ngân sách nhà nước eo hẹp và việc gia tăng dân số, nên việc duy trì và cải thiện vấn đề cung cấp dịch vụ y tế cho người dân từ phía nhà nước là một khó khăn, thách thức lớn. Vì vậy, gánh nặng cho người sử dụng dịch vụ y tế nhà nước là rất lớn. Trước thực trạng ấy, việc xây dựng và mở rộng hệ thống dịch vụ y tế mang tính phi lợi nhuận rất cần thiết, mang ý nghĩa xã hội, có tính nhân văn sâu sắc, nhất là với các đối tượng xã hội ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn còn khó khăn hay đang trong tình trạng nghèo đói.

Ngày nay, việc cung cấp dịch vụ y tế cho người dân được xem là một hình thức của dịch vụ xã hội (Social service). Dịch vụ xã hội là hành động hay hoạt động bác ái có tổ chức, là chương trình hay phương thức sử dụng nhân viên xã hội và những chuyên viên liên quan để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội - tức sự duy trì và làm gia tăng hạnh phúc cho con người trước những hụt hẫng do biến đổi về kinh tế - xã hội, mất việc làm, ốm đau, tuổi già,… Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo là bộ phận quan trọng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xã hội mà không thể không tính đến... Theo nhóm tác giả của Phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta đến năm 2020, một số vấn đề lí luận và thực tiễn, cho biết có 4 loại hình dịch vụ xã hội: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giáo dục đào tạo, dịch vụ văn hóa - thông tin - thể thao - khoa học và dịch vụ cộng đồng, trợ giúp xã hội1. Đây là cách phân chia theo phạm vi hoạt động. Ngoài ra, nếu phân chia theo đối tượng xã hội, thì dịch vụ xã hội còn có: Dịch vụ xã hội cho người cao tuổi, dịch vụ xã hội cho người bị nhiễm HIV/AIDS, dịch vụ xã hội cho người khuyết tật, dịch vụ xã hội cho thanh thiếu niên,… Việc cung cấp dịch vụ xã hội này có ý nghĩa quan trọng đối với người dân, đặc biệt đối với những đối tượng xã hội, các nhóm dễ bị tổn thương. Sức khỏe là nền tảng của hạnh phúc, cùng với giáo dục, là một trong hai tiêu chí cơ bản để đánh giá nguồn vốn của con người. Sức khỏe có vấn đề chính là khi người ta bị bệnh, khuyết tật hay thoái hóa. Con người, với tư cách là một thành viên xã hội, có nhu cầu được tiếp cận những nguồn tài nguyên vật chất và xã hội để giữ gìn sức khỏe, để điều trị bệnh tật và vượt qua tật nguyền. Hễ một thành viên của xã hội không được hay thiếu chăm sóc sức khỏe sẽ dẫn đến hậu quả là bệnh tật và góp phần tạo nên một số vấn đề xã hội khác như nghèo đói, thất nghiệp, căng thẳng, bị cô lập,…2

Các tổ chức tôn giáo cần được xem là thành phần quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân. Việc cung cấp các dịch vụ xã hội nhằm hướng đến đáp ứng nhu cầu căn bản của con người, đem đến hạnh phúc của đa số quần chúng nhân dân qua việc cung ứng các dịch vụ sức khỏe, giáo dục, nhà ở,… và làm thăng tiến bộ phận yếu thế, khốn khổ trong xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia. Từ sau thời kỳ đổi mới, nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, các hoạt động dịch vụ xã hội ngày một mở rộng khi nhà nước nhận ra vai trò của toàn dân trong sự hiệp lực cùng giải quyết các vấn nạn xã hội và chăm lo cho cộng đồng3.

Ngôi chùa Việt Nam với truyền thống chữa bệnh cứu người

Đạo Phật cho rằng bệnh tật là một trong những nỗi khổ lớn nhất của đời người. Nó trực tiếp giày vò thân, tâm của người mắc bệnh với sự đau đớn, lo buồn và sợ hãi. Cho nên, muốn cứu người và thể hiện lòng từ bi thì trước tiên phải giúp họ làm sau thoát khỏi nỗi khổ này. Trong quan niệm của Phật giáo, bệnh tật có mối quan hệ chặt chẽ với tâm và nghiệp của mỗi người, nên thông qua việc chữa trị làm sao giúp cho người bệnh được an vui nơi tâm và dần xả bỏ những nghiệp xấu. Điều này sẽ giúp họ có đời sống nội tâm an lạc, thoải mái trong một cơ thể khỏe mạnh. Mặt khác, thông qua việc chữa bệnh sẽ góp phần phổ cập kiến thức y học, vận dụng y học Phật giáo vào trong thực tiễn cuộc sống và để pháp thí - tức truyền bá tư tưởng nhà Phật đến đông đảo quần chúng. Vì vậy, Phật giáo luôn chủ trương tín đồ phải thông thạo y phương minh để chữa trị hiệu quả cho người bệnh. Y phương minh của nhà Phật là hệ thống kiến thức y học dùng để bảo vệ sức khỏe, chữa bệnh, nhằm xoa dịu nỗi đau về thân và tâm của con người4.

 

 

Khi Phật giáo đến Việt Nam, thông qua việc chữa bệnh, các nhà sư xem đó là phương tiện hữu hiệu để truyền đạo. Muốn vậy, bắt buộc họ phải nắm vững các kiến thức y phương minh của Phật giáo. Về sau, Phật giáo Việt Nam, khi là quốc giáo hay lúc lui về xóm làng, rất quan tâm đến việc bốc thuốc cứu đời, đối tượng từ vua quan cho đến tầng lớp dân dã. Nhà sử học Hà Văn Tấn đã cho biết: Một số ngôi chùa làm nơi chữa bệnh cho dân - một chức năng của chùa Việt ở nông thôn nước ta. Và, ngôi chùa trong nhiều trường hợp, đã làm chức năng của một bệnh viện. Một bi kí thế kỷ XIV trên vách núi Non Nước (tỉnh Ninh Bình) cho biết ngôi chùa ở đây đã có một loại ruộng gọi là “bệnh điền” (có nghĩa là ruộng chữa bệnh), thu hoạch ở loại ruộng này hẳn là được chi dùng cho việc chữa bệnh cho dân. Trên núi Yên Tử, vẫn còn những di tích được coi là nơi chế biến dược liệu của các nhà sư xưa kia. Trong nhiều vườn chùa, bên cạnh cây ăn quả, cây cảnh, người ta còn trồng các cây thuốc. Có nhà sư đã trở nên những thầy thuốc giỏi. Nổi tiếng nhất là nhà sư Tuệ Tĩnh, tác giả sách Nam dược thần diệu, ghi lại những bài thuốc hiệu nghiệm, dùng toàn dược liệu cây cỏ Việt Nam. Ván in một số sách của ông cũng được cất giữ trong các chùa5. Từ núi non hoặc các làng quê xa, các nhà sư còn được triệu thỉnh về kinh để chữa bệnh cho vua và hoàng tộc, quan lại. Chẳng hạn, thời Lý, nhà sư Nguyễn Minh Không chữa được căn bệnh lạ là toàn cơ thể mọc lông như hổ của vua Lý Thần Tông. Hay dân gian còn truyền lại câu chuyện nhà sư Hữu Đức - Thông Ân tịnh tu trên núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đã gửi thuốc về kinh đô Huế chữa hết bệnh cho Hoàng thái hậu Từ Dũ nên Vua Tự Đức mới ban tên ngôi cổ tự trên núi này là Linh Sơn Trường Thọ.

Vì thế, ở Việt Nam, không thể không nhìn nhận Phật giáo là một tổ chức xã hội có đóng góp rất nhiều trên phương diện khám, chữa bệnh cho người dân - một cách thức thể hiện lòng từ bi của người con Phật vào thực tiễn cuộc sống, xưa cũng như nay, đồng thời góp phần xây dựng nên truyền thống hộ quốc an dân, nhập thế hành đạo để cứu khổ độ sinh qua hàng ngàn năm lịch sử. Truyền thống và hoạt động này vẫn còn được tiếp tục phát huy giá trị trong đời sống của con người Việt Nam hiện tại.

Những hoạt động cung cấp dịch vụ y tế tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam hiện nay

Dựa vào những tư liệu mà chúng tôi có được, có thể trình bày những hoạt động cung cấp dịch vụ y tế nổi bật và chủ yếu của Phật giáo Việt Nam hiện nay như sau:

- Thứ nhất, hiện nay, cả nước có đến 65 Tuệ Tĩnh Đường và hàng trăm phòng khám thuốc Nam, châm cứu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Những cơ sở này hoàn toàn miễn phí, giúp ích cho người nghèo khó, những trường hợp gia đình chính sách hoặc neo đơn khi phải đối phó với bệnh tật. Cụ thể hơn nữa, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh có 2 Tuệ Tĩnh Đường ở chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận) và Tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh). Hai cơ sở này được xem là có nhiều nhân lực tham gia và giàu kinh nghiệm ở lĩnh vực Đông - Tây y, được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt. Trong năm 2006, Tuệ Tĩnh Đường chùa Pháp Hoa đã khám 14.657 lượt bệnh nhân, châm cứu 4.565 lượt người, hốt 123.200 thang thuốc Nam với tổng trị giá là 563.345.000 đồng và khám bệnh Tây y cho 4.700 lượt người, tiền thuốc 20.675.000 đồng. Còn Tuệ Tĩnh Đường Tịnh xá Trung tâm khám 33.120 lượt bệnh nhân, hốt 57.600 thang thuốc, tổng trị giá 192.000.000 triệu đồng6. Gần 30 năm nay, chùa Vạn Thọ (quận 1) là nơi được người dân thành phố cũng như các tỉnh lân cận biết đến như là nơi chuyên chữa trị các chứng bông gân, trật khớp, bó gãy xương….với phương thuốc gia truyền. Trực tiếp chữa là các nhà sư trong chùa, họ là những lương y và được đào tạo y học cổ truyền. Còn Linh Quang Tịnh xá (Quận 4) chuyên chữa các bệnh thần kinh tọa, viêm xoang, bại liệt, viêm xương khớp,… miễn phí cho bà con nghèo trên địa bàn Quận 4. Một số ngôi chùa khác như chùa Kỳ Quang II (quận Gò Vấp), chùa Đinh Hương (Quận 12), chùa Tập  Thành (quận Bình Thạnh), Tịnh Xá Lộc Uyển (Quận 6), chùa Phước Hòa (quận Gò Vấp),… có phòng khám và phát thuốc cho cộng đồng, theo hình thức Đông - Tây y kết hợp. Điều này đã cho thấy vai trò rất lớn của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, có tính hiệu quả và chuyên sâu, không chỉ cho người dân nghèo, người nhập cư ở tại thành phố mà còn phục vụ các tỉnh lân cận.

- Thứ hai, bên cạnh Thành phố Hồ Chí Minh, Phật giáo Bình Dương là một điểm sáng trong việc cung cấp dịch vụ y tế cho cộng đồng dân cư. Được biết, Bình Dương là một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao, thu hút các luồng đầu tư nước ngoài đến đây và là tỉnh có đông người dân nhập cư tìm kiếm việc làm, cuộc sống của họ còn vất vả, nhất là khi gặp trở ngại từ bệnh tật. Cho nên, trong nhiều năm qua, Phật giáo Bình Dương đã có nhiều hoạt động tích cực, nổi bật trong lĩnh vực y tế để hỗ trợ cộng đồng. Ngày càng có nhiều phòng khám chữa bệnh được mở ra và bước đầu đã hình thành một mạng lưới cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí của Phật giáo cho người dân trong và ngoài tỉnh Bình Dương. Theo khảo sát sơ bộ thì thấy hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có các cơ sở hoạt động y tế của Phật giáo: Thành phố Thủ Dầu Một (chùa Hội Khánh, chùa Thuận Thiên, Chùa Hưng Đức, chùa Tây Tạng, chùa Bửu Nghiêm, chùa Long Minh), huyện Thuận An (chùa Thiên Phước, chùa Thiên Chơn, chùa Phổ Minh, chùa Long Bửu, Chùa Phật Ân), huyện Tân Uyên (chùa Hưng Khánh, chùa Quan Âm), huyện Bến Cát (chùa Hưng Mỹ), huyện Dĩ An (chùa Núi Châu Thới), huyện Dầu Tiếng (chùa Pháp Hoa, chùa Thai Sơn). Những cơ sở y tế này, trong thời gian qua, đã hỗ trợ rất tích cực cho cộng đồng trong việc chữa bệnh, bốc phát thuốc miễn phí cho người nghèo mỗi khi họ gặp ốm đau, bệnh tật. Song song đó, được biết có một số vị tăng ni đã không ngừng học tập, trao dồi thêm kiến thức chuyên môn y học để trực tiếp chữa bệnh như: Hòa thượng Thích Thường Quang, Ni sư - Bác sĩ Thích Nữ Liên Thanh, Sư cô Thích Nữ Hiếu Ngọc, Đại đức Thích Thiện Chức, Đại đức Thích Thiện Đạo... Đặc biệt, một số phòng khám đã tạo được ưu thế trong việc chữa trị bệnh cho người dân. Phòng khám chùa Thiên Phước (thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An) được biết đến là nơi chuyên chữa bệnh nhi với các chứng ho, cảm sốt, ban,… Còn phòng khám Hạnh Quang (chùa Tây Tạng) có ưu thế trong việc châm cứu trị các chứng bệnh liên quan đến thần kinh tọa, xương khớp và viêm xoang,… Để hoạt động và phục vụ tốt cho cộng đồng, họ phải tự lực tìm nguồn kinh phí hỗ trợ, thông qua việc vận động các tổ chức và cá nhân bên ngoài ngoài xã hội cùng tham gia7. Đặc biệt, không thể không đề cập đến Phòng khám Đa khoa Từ thiện Long Bửu, hiện tọa lạc tại chùa Long Bửu (xã An Phú, huyện Thuận An) do Ni sư - Bác sĩ Thích Nữ Liên Thanh phụ trách. Đây là một cơ sở khám, chữa bệnh cho người dân mang tính chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả lớn cho xã hội và tạo được uy tín trong, ngoài nước. Ngoài việc điều trị cho giới tăng ni và Phật tử, phòng khám chủ yếu phục vụ chính cho những người nghèo, khó khăn và người già neo đơn. Việc khám và điều trị cho bệnh nhân tại đây theo hướng Đông - Tây y kết hợp. Cơ sở vật chất của phòng khám khá quy mô với 20 phòng dùng để khám, điều trị cho bệnh nhân theo các chuyên khoa: Đông y, Tây y, dược, cận lâm sàng, xét nghiệm, X-quang… Các thiết bị, máy móc y tế tại đây được trang bị đầy đủ, hiện đại như: Máy siêu âm, xét nghiệm, đo điện tim, X quang,… Ngoài ra, phòng khám còn được sự hỗ trợ thường xuyên của nhiều cơ quan, tổ chức ở trong và ngoài nước. Trong giai đoạn từ 2002-2009, Phòng khám Đa khoa Từ thiện Long Bửu đã khám và phát thuốc miễn phí cho 200.000 bệnh nhân nghèo không chỉ trong tỉnh Bình Dương mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Trong vòng 5 năm qua, Phòng khám Đa khoa Từ thiện Long Bửu đã khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho nhiều đối tượng xã hội, tặng trang thiết bị cho các cơ sở y tế với tổng trị giá trên 8,5 tỉ đồng8. Có thể nói, Phòng khám Đa khoa Từ thiện Long Bửu là lá cờ đầu trong hoạt động y tế của Phật giáo Bình Dương hiện nay. Những hoạt động của phòng khám đã góp phần rất lớn trong việc chăm lo sức khỏe, giảm thiểu bệnh tật và nỗi đau buồn cho bệnh nhân vốn là những đối tượng có hoàn cảnh nghèo khó, vốn chịu nhiều tổn thương trong cuộc sống. Mặt khác, phòng khám đã tạo được một nguồn tài nguyên khá vững chắc thông qua sự ủng hộ thường xuyên của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để ngày một phát triển hơn.

 

 

- Thứ ba, ngày nay, mạng lưới y tế ở Đồng bằng sông Cửu Long, tuy có phát triển hơn trước, nhưng thực sự vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày một nhiều của người dân. Nhìn chung, đời sống người dân nông thôn nơi đây còn nhiều khó khăn nên việc chi trả tiền khám chữa bệnh là một vấn đề lớn, thậm chí là quá sức của họ khi chẳng may gặp phải những căn bệnh hiểm nghèo. Nhiều trường hợp phải bán ruộng đất, cầm cố nhà cửa, rơi vào cảnh nghèo nàn, kinh tế gia đình suy kiệt và con cái phải bỏ học. Cho nên, với tấm lòng từ bi và thực hành cứu khổ độ sinh, nhiều ngôi chùa đã tổ chức phòng thuốc để khám, chữa bệnh cho người dân nông thôn. Có thể kể đến một số chùa tiêu biểu: Chùa Phước Thiện (xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), chùa Tân Khánh (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), chùa Khải Tường (xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), chùa Phước Long (xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), chùa Hương Sơn (phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), chùa Phật Học (phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), chùa Tâm Thành (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), chùa Phong Lợi (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự (phường 4, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau),… Việc các chùa mở phòng khám chữa bệnh cho người dân chính là góp phần rất lớn trong việc xã hội hóa hoạt động y tế, hỗ trợ việc chữa trị kịp thời của người dân vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, đồng bào Khmer ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long vốn còn gặp rất nhiều khó khăn, đời sống thấp và rất cần hỗ trợ y tế từ nhà nước cùng các tổ chức xã hội. Để phát huy nội lực cộng đồng, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước 8 tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác này như tổ chức phát thẻ bảo hiểm cho người nghèo, tổ chức khám chữa bệnh tại chùa do y bác sĩ thiện nguyện từ Thành phố Hồ Chí Minh về đảm trách, đặc biệt là mở phòng thuốc từ thiện để kịp thời giúp đỡ bà con. Tại Kiên Giang, phần lớn các chùa Khmer tại đây đều có phòng thuốc Nam để khám chữa bệnh miễn phí cho người dân trong phum, sóc. Nổi tiếng là chùa Klang Mương (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành) với phòng thuốc Nam miễn phí cho bệnh nhân khám chữa bệnh, bình quân mỗi năm phát hàng chục ngàn thang thuốc9.

- Thứ tư, Phật giáo Việt Nam đã có những hồi ứng tích cực với căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS phát triển mạnh ở Việt Nam vào thập niên 1990 của thế kỷ XX. Cụ  thể,  đó là Dự án “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” được tổ chức thiết lập tại Việt Nam vào năm 2002. Đây là một dự án quốc tế lớn, được phát triển bởi chính phủ và các tổ chức Phật giáo thuộc các nước Buhtan, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mongolia, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam phối hợp cùng UNICEF. Tại Việt Nam, dự án này nhằm mục đích xây dựng kĩ năng cho tăng ni, Phật tử chăm sóc cảm thông với người bị nhiễm HIV/AIDS trên khắp ba miền đất nước gồm Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, trong đó Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong đi đầu. Những hoạt động chính của dự án gồm: Tăng ni, Phật tử giáo dục cho cộng đồng, nhất là thanh niên, về căn bệnh HIV/AIDS và chăm sóc bệnh nhân tại nhà hoặc bệnh viện khi họ ốm đau. Đặc biệt, các vị tăng ni và Phật tử còn dạy cho họ các phương pháp thiền trị liệu, thực hiện các nghi lễ của tôn giáo, tổ chức các khóa tu để họ vượt qua khủng hoảng, bất an mà sống vui, sống khỏe. Đối với những thành kiến, sự phân biệt đối xử của cộng đồng, thông qua phương pháp thuyết pháp và các cuộc trò chuyện, tổ chức thăm viếng và ăn uống cùng nhau, tụng kinh cầu nguyện đã giúp người bệnh xóa bỏ mặc cảm và cộng đồng giảm thiểu sự xa lánh, kì thị10. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phật giáo mở 4 cơ sở hỗ trợ và tư vấn cho bệnh nhân HIV/AIDS tại chùa Diệu Giác (Quận 2), chùa Kỳ Quang II (quận Gò Vấp), chùa Linh Sơn (quận Bình Thạnh) và chùa Phổ Quang (quận Tân Bình). Để có thể nắm được những hoạt động chính và con số cụ thể, một báo cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận lại như sau: Trong 6 tháng đầu năm 2009, các cơ sở này đã thực hiện được: Tổ chức 12 lớp tập huấn ngắn hạn cho tình nguyện viên và cộng tác viên, tổ chức 20 đợt truyền thông phổ biến kiến thức cơ bản về HIV/AIDS cho cộng đồng, tư vấn trực và gián tiếp cho 300 lượt trẻ nhiễm và thân nhân, theo dõi 298 trẻ nhiễm và giúp đỡ, tổ chức 48 lượt kĩ năng phòng tránh HIV/AIDS,…11. Hiện tại, dự án này đã kết thúc giai đoạn I và bắt đầu chuẩn bị triển khai giai đoạn II.

- Thứ năm, bên cạnh sự hỗ trợ về y tế, một số chùa còn tiến hành hỗ trợ về mặt tinh thần cho người bệnh thông qua các khóa tu, các khóa thực tập thiền định, giảng pháp và tổ chức vui chơi để xoa dịu nỗi đau buồn, ổn định thân và tâm cho bệnh nhân HIV/AIDS, ung thư. Đó là những phương thức trị liệu tâm lý hiệu quả mà y học phương Tây đang áp dụng. Phòng khám Đa khoa từ thiện Long Bửu là một tấm gương điển hình. Tại phòng khám, bệnh nhân không những được điều trị tận tình mà còn tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa, chẳng hạn như buổi Tất niên truyền thống hằng năm cho bệnh nhân nghèo,người nhiễm chất độc màu da cam, người tàn tật và trẻ mồ côi hàng năm,… để họ được tiếp thêm nguồn vui sống, vượt qua những khó khăn từ bệnh tật và cuộc sống. Với những bệnh nhân mù, cùi và ung thư giai đoạn cuối, Phòng khám Đa khoa Từ thiện Long Bửu còn tổ chức khóa tu “một ngày an lạc” cho họ. Mục đích của việc làm này chính là một liệu pháp tâm lý giúp họ có được những giây phút thư thái, an lành, nỗi đau buồn được xoa dịu12.

Trên đây là những thành tích rất có ý nghĩa của tăng ni và Phật tử trong cả nước trên lĩnh vực cung cấp dịch vụ y tế cho cộng đồng xã hội, đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng mạng lưới an sinh xã hội và sự nghiệp xã hội hóa các hoạt động y tế do nhà nước chủ trương.

Kết luận

 Hoạt động cung cấp dịch vụ y tế cho cộng đồng xã hội của Phật giáo Việt Nam cần phải được đánh giá nhiều hơn nữa để thấy được những đóng góp to lớn của tăng ni, Phật tử. Đồng thời, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Từ thiện xã hội Trung ương cũng nên có một chiến lược lâu dài, cụ thể để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hoạt động này trong thời gian sắp tới trước nhu cầu ngày một lớn của xã hội, nhất là của những đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, các nhóm dễ bị tổn thương vốn là những thành phần đối mặt nhiều với bệnh tật.


1. Trần Hậu, Đoàn Minh Huấn (2012), Phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta đến năm 2020, một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia, trang 42-45.

2, 3, 4. Dương Hoàng Lộc (2013), Hoạt động y tế của Phật giáo Bình Dương - dưới góc nhìn dịch vụ xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (125)/ 2013, trang 47.

5. Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Hà Nội, Nxb Hội nhà văn, trang 276-277.

6. Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2006 và chương trình hoạt động Phật sự  năm 2007 của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, trang 19-20.

7. Dương Hoàng Lộc (2013), Hoạt động y tế của Phật giáo Bình Dương - dưới góc nhìn dịch vụ xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (125)/2013, trang 50-51.

8. Dương Hoàng Lộc (2013), Hoạt động y tế của Phật giáo Bình Dương - dưới góc nhìn dịch vụ xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (125)/2013, trang 52.

9. Danh Lắm, Đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer ở tỉnh Kiên Giang. In trong: Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc, Kiên Giang, tháng 6/2014, trang 356

10. An Đạt, Chương trình sáng kiến lãnh đạo Phật giáo 5 năm hình thành và phát triển. Nguồn: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=77565A. Ngày truy cập 11/8/2016.

11. Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2009 và chương trình hoạt động Phật sự năm 2010 của Thành hội Phật giáo Tp.HCM, trang 15.

12.  Dương Hoàng Lộc (2013), Hoạt động y tế của Phật giáo Bình Dương - dưới góc nhìn dịch vụ xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (125)/2013, trang 52. 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 8
    • Số lượt truy cập : 6058716