Thông tin

ÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG - DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG:

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

                                               

HUỲNH VĂN ƯU

 

 

 

Khu đền Hùng có ba ngọn núi, trong tâm linh, tâm thức của người Việt Nam ta thì đó là ba ngọn núi thiêng, là tam sơn cấm địa. Ngọn núi lớn, ta quen gọi núi Hùng còn có các tên: Hùng Sơn, Hy Sơn, Hy Cương, Nghĩa Lĩnh, Bảo Thứu. Đây là núi Cả. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: “Núi Hùng Vương ở xã Hy Cương, cách huyện Sơn Vi 12 dặm về phía Đông, cũng gọi là núi Hy Cương, lại gọi là núi Bảo Thứu, hình thế tròn trĩnh, xanh tốt lạ thường”. Ngọn núi Nghĩa Lĩnh này cao 175 m so với mặt nước biển. Cạnh bên có núi Vặn cao 170 m và núi Nỏn hay núi Út cao 154 m. Theo tư liệu nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương thì đền miếu xưa đều xây trên núi Nghĩa Lĩnh. Đi từ chân núi lên, sau cổng đền đến đền Hạ. Tương truyền đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng nở trăm con. Cạnh đền thờ bà Âu Cơ có Thiên Quang thần tự. Lúc đầu, khu đền Hùng chỉ có ngôi đền Trung ở lưng chừng núi. Gọi là đền Trung còn có nghĩa là do dân làng Trung (Trung Nghĩa) làm nên. Lịch sử đền Hùng cũng gọi là là lịch sử hội Đền Hùng hay gọi là lễ hội Đền Hùng. Từ năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thay mặt Chính phủ cách mạng lên Đền Hùng dự Giỗ Tổ. Tại đền Thượng, Cụ đã dâng tấm bản đồ và thanh kiếm biểu hiện ý chí bảo vệ đất nước và chủ quyền dân tộc. Lễ Giỗ Tổ Hùng vương năm nay niềm vui được nhân lên với hai niềm vui. Một là được Unesco chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hai là tìm được lăng mộ Thủy tổ - ông nội vua Hùng (báo Đời sống và Pháp luật) tác giả Dương Thu ngày 11-3-2013).

Theo thần phả của làng và nhiều tài liệu sử sách ghi lại thì họ Hồng Bàng là dòng họ đầu tiên làm vua ở nước ta. Thần Nông lấy Nữ Long sinh ra Diêm Đế. Diêm Đế lấy vợ sinh ra Đế Minh. Đế Minh có một người con trai là Đế Nghi. Đế Minh tuần thú miền Ngũ Lĩnh lấy công chúa Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Đế Nghi làm vua phương Bắc. Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục được phong là Kinh Dương Vương lập ra nhà nước đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 trước Công nguyên) đặt tên nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Thần Long sinh ra Sùng Lãm (Lạc Long Quân). Sau khi đổi tên nước Xích Quỷ, Kinh Dương vương tạ thế, Sùng Lãm nối ngôi xưng là Lạc Long Quân.

Đế Nghi làm vua phương Bắc có một người con trai là Đế Lai, trong một chuyến du ngoạn xuống phía Nam, Đế Lai đem theo cô con gái. Tại đây Âu Cơ (con gái Đế Lai) đã gặp Lạc Long Quân, họ đem lòng thương yêu nên duyên chồng vợ và sinh một bọc nở ra trăm người con, 50 theo mẹ giống tiên lên rừng, 50 theo cha xuống miền Nam, phong con trưởng làm Hùng Vương thứ nhất, thấy đất Phong Châu, Phú Thọ là địa linh nhân kiệt. Hùng Vương thứ nhất di dời về đây đóng đô, đặt quốc hiệu Văn Lang.

Kinh Dương Vương sau khi truyền lại ngôi cho Lạc Long Quân thì thác tại mảnh đất Luy Lâu (Trung tâm Phật giáo). Dó đó, nhân dân đã chọn phần đất cao, địa thế đẹp đắp mồ thờ phụng ông tại làng Á Lữ bây giờ. Sau 4.892 năm, trải qua nhiều biến thiên lịch sử, nhưng mộ phần vẫn còn giữ nguyên hình dáng và vị trí.

Ông Nguyễn Bá Khải, Phó Chủ tịch phụ trách khối văn xã, xã Đại Đồng Thành, cho biết: “Á Lữ là một làng đặc biệt trong cả nước, từ khi thành lập cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, làng thuộc quyền quản lý của triều đình, gọi là nhất xã nhất thôn (nghĩa là thôn Á Lữ cũng là xã Á Lữ và không thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương). Do đó hằng năm, vua các triều đại thường trực tiếp về đây thắp hương bái tổ vào ngày giỗ”.

Phía trước phần mộ cổ có hai chữ “Bất vong” nghĩa là không bao giờ lưu lạc. Phía dưới hàng ngang có năm chữ “Ái Quân Mạc vong Tổ”. Phía hậu lăng là bức Nam Tổ Miếu. Hai bên lăng có câu đối: “Quốc Thống Khai Nam Phục/Bi Đình Kỷ Thành Công”. Giữa lăng là bia đá khắc ba chữ Kinh Dương Vương đã được vua Minh Mạng trùng tu vào năm 1840. Phía bên ngoài lăng có câu đối: “Xích Quỷ sơ đồ xuất/ Hồng Bàng vạn đại sương”. Các nhà khảo cổ, nhà văn hóa nghiên cứu sắc phong và phần mộ cổ đều công nhận: “Đây là chốn linh thiêng bậc nhất được xếp vào loại miếu thờ đế vương các triều đại từ cổ xưa”.

Cách khu mộ cổ chừng 300 m hướng đi về làng Á Lữ là đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tại đây, hàng năm từ ngày 12-24 tháng Giêng âm lịch thường diễn ra lễ hội nhân ngày giỗ Thủy tổ (18 tháng Giêng). Á Lữ xưa gọi là làng Phúc Khang, cũng còn gọi là Trang Phúc Khang bao gồm hai làng: Phúc Thần (Á Lữ ngày nay) và Phú Thần (Phú Mỹ bây giờ). Làng Phú Mỹ nay thuộc xã Đình Tổ có đền thờ thành hoàng là Quảng Hóa Đại Vương, người con thứ 37 của Lạc Long Quân, cũng là cháu nội thứ 37 của Kinh Dương Vương. Đây là sự kiện lịch sử, chắc cả nước rất vui mừng khi nghe tin hay nói đúng hơn là con cháu Rồng Tiên rất kính phục và mãi mãi nhớ ơn đức Thủy Tổ có công khai mở đất nước. Không còn là truyền thuyết, lăng mộ Nam Bang Thủy tổ tọa lạc ngay trên diện tích đất phù sa ven sông và hướng về phía Đông sông Đuống nghiêng nghiêng uốn lượn.

***

Đúng 12 giờ 10 phút (giờ Paris - tức 18 giờ 10 giờ Việt Nam), ngày 6/12/2012 tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra tại Paris (Pháp). Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc Unesco đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được Unesco công nhận, cho thấy thế giới đánh giá rất cao, đồng thời cũng thừa nhận đời sống tâm linh của người Việt Nam. Quả đúng như vậy, từ bao đời nay, người Việt Nam không những hiểu biết qua sử sách về thời đại Hùng Vương mà trên thực tế hàng năm đều có ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là ngày giỗ chung cho toàn dân tộc Việt Nam, dù có làm ăn xa, ngược xuôi cũng cùng nhau nhắc nhở nhớ ngày giỗ mà về, ai nấy đều thuộc lòng câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3/ Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Nay Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được công nhận, chứng tỏ sức sống của văn hóa Việt Nam, gắn với dòng chảy văn hóa hội nhập vào thế giới. Là nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh dân tộc Việt Nam, luôn vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, chống giặc ngoại xâm.

 

 

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương khác với những di sản đã được cộng nhận trước đó. Tính độc đáo của Tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ. Trải qua thời kỳ lịch sử hết sức lâu dài, chúng ta đã xây dựng được một biểu tượng, cố kết cộng đồng dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn trong quá trình lịch sử. Nền tảng của việc thờ Quốc tổ chính là tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có từ xa xưa, từ việc thờ cúng tổ tiên mỗi nhà mà phát triển thành việc thờ Quốc tổ của toàn dân tộc.

Đặc tính xã hội con người Việt Nam là ý thức quốc gia của người Lạc Việt đã rất sớm nảy nở, đủ sức chống lại bá quyền Đại Hán ngay từ khởi đầu. Tinh thần dân tộc Lạc Việt đã vượt qua được giới hạn bộ tộc. Thể chế Lạc Tướng, Lạc Hầu được tồn lưu dưới hình thức cơ chế “nhà, làng, nước”, dù mất nước nhưng nhà và làng vẫn tồn tại. Chính cơ chế này đã giúp dân Việt bảo vệ được nền tự chủ. Hàng ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta vẫn giữ được nhà và làng, cũng có nghĩa là giữ được văn hóa dân tộc. Người Việt Nam lấy khung ứng xử trong gia tộc để ứng xử với toàn xã hội, cư xử với nhau như anh em trong gia đình. Thế nên trong dân gian mới truyền tụng câu ca: “Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”. Hơn nữa từ nhu cầu xây dựng biểu tượng Hùng Vương, dân tộc ta đã tạo nên sự cố kết, giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù trong nhiều giai đoạn có tính chất tồn vong.

Biểu tượng vua Hùng được thừa nhận trên cả nước Việt Nam như một biểu tượng cội nguồn chung cho cả dân tộc vượt qua mọi rào cản của các triều đại phong kiến, sự khác biệt tôn giáo và các chế độ xã hội. Trong mỗi gia đình Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng vô cùng quen thuộc và bình dị. Vì vậy, khi xây dựng lên hình tượng Vua Hùng đã tạo nên một tín ngưỡng Hùng Vương với tư cách là biểu tượng cội nguồn quốc gia - dân tộc. Biểu tượng Vua Hùng và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là một hình tượng của một hệ ý thức dân tộc sâu sắc như một sự minh triết được ông cha lưu truyền tới thế hệ ngày nay. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là ý thức hệ cơ bản của dân tộc được đào tạo nên bởi các nhà trí thức, các bậc minh quân từ buổi đầu trong quá trình hình thành và định hình quốc gia tự chủ.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương “Nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính vởi tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và khi được Unesco công nhận, di sản sẽ khích lệ nhân thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Dẫu biết trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, phụng thờ nhân vật khai sáng dân tộc, thế nhưng hiếm có nơi nào mà đông đảo các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, người Việt ở nước ngoài đều xem mình có chung Tổ quốc, chung một cội rễ như ở Việt Nam.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ: “Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hóa và tâm linh, bởi lẽ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay, là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách của lịch sử để tồn tại và phát triển…”

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6116241