Thông tin

KẾT HỢP GIÁO DỤC CHÂN ĐẾ VÀO GIÁO DỤC THỜI ĐẠI

KẾT HỢP GIÁO DỤC CHÂN ĐẾ VÀO GIÁO DỤC THỜI ĐẠI

                                                     

HUỲNH VĂN ƯU

 

 

Có người hỏi trên đời nầy cái gì quý nhất, người thì trả lời sức khỏe là quý nhất, người lại cho học thức chẳng những cao quý mà còn được người đời trân quý trọng dụng, có người cho danh lợi, địa vị là quý nhất... nhưng đa số đều cho là tiền quý hơn hết. Đây là một vấn đề chưa có lời kết. Có người lại hỏi sao thời nay người ta lại coi thường phẩm chất đạo đức, xem nhẹ lương tâm, lại là một vấn đề. Nếu theo sự lý để nghi vấn thì có biết bao vấn đề nêu ra làm con người phải đau đầu, nhức óc. Đó có phải do lòng người, hay do mỗi thời đại khác nhau, mà có cái nhìn khác biệt về nhu cầu, điều nầy có ảnh hưởng đến gia đình xã hội không? Lại là một vấn đề nữa.

Để bớt sự căng thẳng bao vấn đề được nêu trên, chúng ta hãy tự soi rọi chính mình xem nhu cầu đó đem lại lợi ích gì, có lâu bền, tốt cho xã hội không? Nhớ về 60 năm về trước, lúc còn nhỏ, tôi học trường làng mái che bằng tre lá, bàn là những khúc cây, tấm ván kề lên nhau, tất cả đều đơn sơ, thơm mùi tre lá nội đồng, chỉ có tấm bảng được sơn màu đen, phía trên là một tấm thiếc dài với hàng chữ màu đỏ tươi thắm đề "Tiên học lễ, hậu học văn", đây cũng là mục tiêu đi suốt trong đời tôi cho đến lớn lên làm thầy dạy học cũng theo phương châm: “Dạy tốt và học tốt” để tiếp tục sự nghiệp giáo dục.

Với ý nghĩ nầy phần nào nói lên tiêu chí học tập thời xưa (học không thành danh cũng thành nhân). Đó là dạy làm người trước, sau mới học chữ, bởi làm con người chưa xong thì đừng nói học chữ. Ngày nay thì sự học đã đổi thay nhiều, con cháu chúng ta luôn tranh luận là phải học "chữ" để tạo cái nghề trước, vì có nghề nắm trong tay sẽ kiếm ra nhiều tiền, khi có nhiều tiền thì muốn gì mà không được; với lý luận thời hiện đại (thời kinh tế thị trường) tôi đành bó tay với những dẫn chứng hiện thực mà xã hội đang đối mặt trong cuộc sống. Tôi mới hỏi chúng nó, nếu đua đòi chạy theo “tiền” mà bỏ quên tinh thần đạo đức như vậy thì làm người có sung sướng trọn vẹn không? Hay chuyện được mất, có không chỉ bám chặt âu sầu, phiền não thì làm sao tự tại cho được? Rồi còn biết bao tình thương yêu, trách nhiệm, đạo đức, tính thẳng ngay, lòng chân thành, phụng sự việc công, tuân thủ pháp luật, làm người dân lương thiện, nói chung là đạo xử thế phải đặt nó ở vị trí nào?  Như vậy, dù có nhiều tiền, có địa vị cao thì cũng chẳng sướng ích gì. Chúng nó chỉ cười, và nói đây là thời @, nghĩ như “ba” là lạc hậu chẳng theo kịp thời đại. Ba già rồi nghỉ đi, thế hệ chúng con để con lo liệu, tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.

Đời sống xã hội thì phần nhiều ham cầu danh lợi, chẳng từ thủ đoạn, không khiêm cung, nhu hòa, giúp đỡ người khác, lúc rảnh rỗi lại nói chuyện thị phi, nghe chuyện thị phi, rồi đi so sánh thị phi làm xã hội, xóm làng mất tình yêu thương đoàn kết.

 Cay đắng thay! Xã hội thực dụng đã như vậy, làm sao gia đình tránh được ảnh hưởng tiêu cực thái quá đó, chẳng những vậy lại còn tiếp tay, như quên dạy con hiếu đạo lễ nghĩa mà lại dạy học tập cốt sao để đổi đời, cốt làm giàu để được danh phận rỡ ràng, bằng hoặc cao hơn bà con lối xóm. Cho nên, trẻ con ngày nay cũng lọt vào vòng xoáy “kim tiền”, danh lợi bon chen. Ngay ở lớp mẫu giáo “đầu đời” chúng đã được cha mẹ đưa vào đường tranh giành hơn thua, cao thấp, mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ, áp đặt con mình vùi đầu vào con chữ, học trường lại học nhà, học thêm lại học luyện để được vào trường tốt, lớp chuyên, thậm chí còn đôn đáo chạy chọt. Ngay từ lúc ngồi ghế nhà trường đã có sự phân biệt cao thấp, hỏi lớn lên sao tránh khỏi sự tranh giành quyền thế, lợi danh? Đây là cái mầm, là gốc rễ (nhân nào sanh quả nấy, đấy là định luật ngàn thu). Chung quy cũng từ nguyên do giáo dục xem nhẹ cái đạo đức làm người, mà chỉ chú trọng vào bằng cấp địa vị mà thôi!

Thời xưa, từ bậc tiểu học, thầy giáo đem hết tâm sức dạy dỗ từ một đứa trẻ bảy tuổi, thầy không chỉ dạy chữ mà còn giáo dục ngay trong đời sống "Học vi nhân  sư, hành vi thế phạm", thầy giáo là tiêu chuẩn sống, hình tượng sống, học từ đời sống của thầy, học cách đối nhân xử thế. Ngoài giáo dục đời sống, thầy giáo còn xem tư chất từng học trò để phát triển phẩm chất, đạo hạnh cao lên.

Thời nay, cuộc sống chạy theo danh lợi, tranh đua hưởng thụ, nên con người mất đi cội nguồn đạo đức truyền thống xưa, không còn biết tôn trọng lễ nghĩa, đạo đức, quên đi nền tảng giáo dục luân lý, trên thuận dưới hòa, thương yêu giúp đỡ nhau. Con người trước biết hiếu thuận cha mẹ nhất định sẽ trung thành với quốc gia, quan tâm đến nhân dân, tận tâm, tận lực, liêm khiết không tham ô, cướp giựt. Những người được học lễ nghĩa trước, sau học chuyên môn khi được tiến cử sẽ gánh vác tốt quốc gia, dân tộc, những người con hiếu thuận ấy chắc chắn không rơi vào hố sâu danh lợi, một lòng phụng sự, tin chắc rằng quốc gia, dân tộc sẽ hùng mạnh và phát triển, đất nước an ổn, gia đình hạnh phúc.

Cũng vì danh lợi bất minh mà biết bao người xưa nay "thân bại danh liệt". Những nhược điểm tham lam nổi lên chỉ để yêu ma quỷ quái lợi dụng, cũng chính vì danh, văn, lợi dưỡng, hễ quý vị nào có những ý niệm xấu ác ấy thì sẽ bị chúng ma thao túng, khống chế, đó là chuyện thế thường trong cuộc sống. Trong truyện Tây Du Ký có Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, nhưng hắn bị Quan Thế Âm Bồ tát nắm chuôi, suốt đời bị Ngài khống chế, chẳng ra khỏi lòng bàn tay của Ngài được. Những gì là nhược điểm của hắn? Thích đội mũ cao. Tôn Ngộ Không thích được người khác săn đón, thích được khen thưởng, đấy là chỗ yếu của hắn. Do đó mà Đức Quán Thế Âm Bồ tát mới tặng cho hắn cái mũ cao để đội, đội vào rồi Ngài bèn niệm chú Kim Cô, hắn suốt đời bị không chế! Qua câu chuyện nhỏ nầy, mỗi chúng ta nên xem lại mình có nhược điểm về háo danh, háo lợi, ham thích đó không? Nếu có sẽ bị người ta nắm chóp ngay, bị khống chế dễ dàng, lúc đó muốn cởi bỏ cũng đã muộn, chỉ còn con đường chết, con đường suốt đời làm nô lệ, nếu chống chế sẽ bị phanh phui, lúc nầy “thân bại danh liệt” không chỉ một đời mà còn ảnh hưởng cho con cháu về sau, thử hỏi có đáng để sống tham không?

Cũng vì lòng tham mà làm tổn hại biết bao người, làm đất nước yếu đi. Những người làm hại đó không phân biệt là dân thường, trí thức hay quan lại. Người có quyền thế mà không có tâm thiện thì mỗi việc làm tổn hại to lớn hơn, còn người nông dân trồng rau mà có tâm tham xịt thuốc độc hại, miễn sao rau tốt bán được nhiều tiền "sống chết mặc bay". Vấn đề tâm bất thiện trong đời sống hàng ngày thì nhiều lắm, thế gian lành ít ác nhiều, mỗi ngày hành động bất thiện càng tinh vi. Đó cũng từ thiếu đạo đức trong giáo dục từ lúc nhỏ mà ra. Bây giờ, muốn sửa đổi phải biết bắt đầu từ đâu, chắc chắn phải bắt đầu từ giáo dục.

Mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng từ mái trường giáo dục mà xuất thân, tuy người học nhiều, người học ít, có khác nhau chăng là khác nhau trong mỗi thời đại, thời đại văn minh thế kỷ XX-XXI khác thế kỷ XVIII-XIX, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng ai cũng kỳ vọng thế kỷ sau tinh thần học tập sẽ cao hơn thế kỷ trước. Cao ở đây xin nói rõ là cao tinh thần lẫn vật chất (khoa học và đạo đức), nếu hai mặt nầy không cân bằng sẽ sinh ra hệ lụy bất ổn khó lường cho đời sống (nhất là khoa học, tiền tài lấn áp đạo đức). Chính vì sự bất ổn đó mà hiện nay chúng ta thấy không ít người chạy theo đời sống vật chất, mọi việc đều nghĩ đến tiền, cho rằng tiền là nhu cầu không thể thiếu. Từ đòi hỏi đó mà mỗi hành động tạo tác của họ ít hay nhiều đã đặt lợi nhuận trên hết, người đi học sinh ra nạn tham ô, mua bằng, đạo văn, gian lận điểm thi; làm việc thì chạy chức, mua bằng, xài bằng giả, khiến dư luận lo ngại.

Dù sao đi nữa, người dân luôn đặt niềm tin nơi giáo dục, nhưng nếu giáo dục chưa thể đáp ứng vai trò và trách nhiệm của ngành, thử hỏi ai mà không đau lòng xót dạ? Thói hư danh chạy bằng, nâng điểm cần phải được ngăn chặn kịp thời. Chúng ta cần phải lên án, không nhượng bộ, hãy quét sạch những thói hư tật xấu thì sự nghiệp giáo dục mới tiến bộ, đừng để kẻ xấu lợi dụng sơ hở mà chống phá. Tai hại của sự giáo dục kém chất lượng về chuyên môn và đạo đức chẳng khác gì người trồng rau lợi mình hại người: ít học, đức kém, tài mọn, việc nhỏ thì hại một đời; việc lớn, học cao thì sẽ hại cả thế hệ hoặc dài hơn. Chúng ta thừa nhận với nhau rằng, giáo dục là nơi con người hình thành nhân cách, sự gian dối trong giáo dục có thể để lại hệ lụy vô cùng lớn khi nó tạo ra những thế hệ ngày càng suy đồi về đạo đức rồi đất nước sẽ về đâu?

Nên biết cuộc sống chạy theo tiền tài, danh vọng chỉ cuốn hút vào vòng xoáy khổ đau, không bao giờ có điểm dừng. Cũng nên biết tiền chỉ thỏa mãn trong giây phút hiện tại, chứ không cứu được khổ đau. Đem của cải, vật chất giúp người khổ đau chỉ là tạm thời, chính giáo dục đạo đức để hướng con người đến những điều tốt đẹp thì mới lâu bền, triệt để và viên mãn nhất. Kinh Phật nói, dùng bảy báu của đại thiên thế giới đem cứu khổ cứu nạn, công đức đó không bằng người có tâm vì tất cả chúng sinh nói chỉ vỏn vẹn bốn câu kệ khiến người khai ngộ:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Cổ nhân nói: “Ruộng dâu hóa biển”, “vạn pháp vô thường”. Dùng của cải, vật chất để cứu tế không thể giải quyết vấn đề lâu dài vì đời sống của người được cứu giúp phải dựa vào sự cứu giúp. Phật không dùng cách cứu tế để giúp đỡ người. Ngài dạy chúng ta mở trí tuệ, có năng lực, dạy chúng ta sản xuất không những có thể nuôi sống mình mà còn có thể giúp ích cho xã hội. Vì vậy, lợi ích công đức thù thắng của giáo dục Phật giáo là vô lượng vô biên. Tiếc là ngày nay rất ít người giảng dạy, rất ít người phát huy rộng rãi nên khiến mọi người trong xã hội, hiểu lầm, đi sai đường. Khách quan, ít hay nhiều thì đây cũng là lỗi của bốn chúng đệ tử Phật môn chúng ta do chưa làm hết trách nhiệm.(Hiện nay, một số chùa, tự viện rất ít giảng kinh, lấy việc siêu độ người chết làm chính). Tự viện, chùa trước kia là nhà trường, là môi trường dạy học, vậy sao chúng ta không tiếp tục để làm tốt thêm lên? Phật giáo là giáo dục, Phật Thích Ca Mâu Ni là thầy của trời và người. Vì vậy, chúng ta cần sáng suốt hiểu rõ để tiếp nhận sự giáo dục của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cải thiện cuộc sống, nâng cao cảnh giới đời sống chính mình trong hiện tại cũng như tương lai. Có như thế mới hy vọng trở lại cội nguồn giáo dục Bi - Trí - Dũng trong việc hoằng dương chánh pháp, hộ quốc an dân.

Tiếp thu tư tưởng Phật giáo, để cho dân trí được nâng cao, xã hội văn minh tiến bộ, xưa  những vị đứng đầu một nước luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục. Đó là sự nghiệp trồng người (nguyên khí của quốc gia). Thời đại Lý - Trần, nước Đại Việt đã hội đủ những tiêu chuẩn trên: Văn Miếu được dựng năm 1070 và Quốc Tử Giám ra đời năm 1076. Năm Ất Mão (1075) mở Khoa thi tam trường để lấy người văn học ra làm quan, kỳ thi ấy là kỳ thi đầu tiên ở nước ta. Thủ khoa là Lê Văn Thịnh, sau đó làm đến chức Thái sư. Năm Bính Thìn (1076), Quốc Tử Giám bổ những người giỏi, đủ tài đức vào dạy học...

Thời Lý - Trần được xem là thời giáo dục Phật giáo hưng thịnh, lấy lòng từ bi đối đãi muôn dân, luôn biết yêu thương và tha thứ, không chỉ yêu thương dân mình mà đối với kẻ thù mới hôm nào tàn sát dân ta, nhưng khi bại trận vẫn sẵn sàng tha thứ và giúp đỡ.

Cả mấy cuộc chiến tranh thời Lý - Trần đều do Trung Hoa phát động vô cùng khốc liệt và kéo dài, nhưng thắng lợi cuối cùng lại thuộc về nhân dân ta. Dù với trăm ngàn khó khăn, với tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, hiển nhiên là quan trọng. Nhưng bên cạnh những yếu tố cơ bản ấy, Phật giáo còn là trào lưu giáo dục văn hóa tư tưởng phát triển đi lên, từ thế kỷ thứ X - XIV chính là sản phẩm giáo dục văn hóa thông suốt và phù hợp với điều kiện phát triển đất nước thời bấy giờ.

Để làm nên một đất nước tự chủ trước sức mạnh ngoại xâm Tống, Nguyên - Mông. Thời đại Lý - Trần ngoài sự sáng tạo chiến thuật, chiến lược, ngoại giao với tinh thần Bi - Trí - Dũng, dân tộc ta đặt biệt quan tâm đến tinh thần độc lập, giáo dục tự chủ tự cường làm cho các nước nhỏ cảm phục, nước lớn kính nể. Gian nan là thế! Anh dũng là thế! Đầy nụ cười lẫn nước mắt, máu xương mới xây dựng được nước thịnh nhà an. Lịch sử đã để lại trang sử oai hùng, thật đáng tự hào cho sự nghiệp văn hóa giáo dục dân tộc hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Như chúng ta biết, dân tộc ta là một dân tộc luôn bị chiến tranh lâu dài nhất thế giới, nhưng với tinh thần quật cường, trước sau gì cũng chiến thắng, đây là điều khẳng định, được lịch sử chứng minh. Và dân tộc ta cũng là một dân tộc hiếu học, (tôn sư trọng đạo) luôn nêu cao đạo đức, lấy nhân nghĩa làm đầu. Chỉ cần chúng ta biết tiếp thu, học tập những điều hay của ông cha và thiếp thu đúng đắn những tinh hoa của nhân loại, tin chắc sớm muộn dân tộc ta cũng tìm ra con đường sáng cho sự nghiệp giáo dục, đưa đất nước tiến lên đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Để có nền giáo dục phát triển theo hướng tích cực, còn phải biết lấy đạo pháp với lối sống tu tập và đối xử trong đời thường. Nghĩa là phải có con người với tâm chí thiện, chí thành, dù là cư sĩ hay tăng sĩ, phải giữ lấy Tông phong Chân đế. Phật dạy hãy lấy giới làm đầu, tức là đức Phật căn dặn chúng ta hãy tuân thủ tu (Giới, Định, Tuệ) ngoài Giới, Định, Tuệ thì không phải lời Phật dạy. Ngài An Pháp sư nói: “Giới Định Tuệ là cái cửa của người vào đạo cũng là cái ải trọng yếu để vào thành Niết-bàn”; bên cạnh Chân đế còn phải biết ứng dụng Tục đế vào đời sống, nghĩa là sống chẳng trái nhân quả, chẳng ôm lòng oán giận, chẳng có tâm giả dối, chẳng hành a dua; sống còn biết kính yêu hòa nhã đối với lục thân quyến thuộc, tôn sùng đức hạnh, phát tâm nhân từ, bản thân siêng tu kính nhường, luôn nói lời dịu dàng, vui vẻ mỉm cười, lúc nào cũng thương nhớ chúng sanh (phát tâm từ bi) ân cần với người. Trong đời sống luôn khiêm hạ cung kính, không khởi tâm kiêu mạn, thường biết hổ thẹn, luôn muốn báo đền tứ ân, luôn giúp đỡ mọi người, khi xử sự phải lấy lòng chân thật, lòng biết ơn, lòng cung kính và luôn giữ tâm thiện (nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện), thì đời sống xã hội được an vui, gia đình hạnh phúc, rộng ra thế giới sẽ bớt chiến tranh. Đó cũng là sự giáo dục kết hợp gia đình, xã hội.

Để có nền giáo dục rộng lượng với tình thương chúng sanh, chúng ta còn phải thực hành tâm đại bi của Phật. Đức Phật đối với ta như thế nào thì ta đối với người khác cũng như thế ấy. Nền giáo dục dựa trên nền tảng Tục đế (đạo xử thế) chắc hẳn sẽ đưa con người đến chỗ tốt hơn, không chỉ kiếm tiền mà còn biết sống có đạo lý. Chúng ta phải nắm lấy nguyên tắc cơ bản nầy tu tập và đồng thời phải biết xử sự chừng mực thì sẽ không có sự cản trở, chặn ngăn nào mà không hóa giải được. Điều nữa là mỗi người phải tự biết mình kém cỏi, không bằng người khác, nên chẳng tìm lỗi người, chẳng nói lỗi người, chẳng nói chuyện riêng tư của người, chẳng tranh nhân ngã.

Chúng ta thực hiện tông phong Tục đế được nhiều thuận lợi trong đời sống, người xuất gia có thực hành Tục đế sẽ an tâm tu hành vì được mọi người yêu thương quý mến, người tại gia thì được rộng đường đi, sự thành công trong công việc cao hơn. Đặc biệt, lớp trẻ độ tuổi đến trường lại có nền tảng vững chắc về đạo đức, tình thương yêu, sau nầy lớn lên chắc hẳn là người tốt và giúp nhiều điều lợi ích cho xã  hội (gieo nhân tốt thì có quả tốt). Giáo dục con người cũng bắt đầu từ nhỏ với tâm, ý thiện lành và bền chắc, cũng giống như một cây cổ thụ, tâm là rễ, ý niệm là gốc, thân là cành, khẩu là lá, nếu bạn tu sửa trên cành lá mà gốc rễ đã mục nát thì không thể nào cứu được, sự nghiệp giáo dục cũng không khác. Mong rằng, chúng ta mạnh mẽ và tích cực đổi mới chớ sợ, chớ tiếc thương gốc rễ đã mục nát, phải mạnh tay sửa trị tận gốc rễ, căn bản trước, sau cành lá sẽ rất dễ chuyển biến.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6115268