KHẢO CỨU PHƯƠNG PHÁP TU TẬP THIỀN MẶC CHIẾU
CỦA TÔNG TÀO ĐỘNG TRONG THỜI HIỆN ĐẠI
Tỷ khiêu THÍCH DI KIÊN*
Mở đầu
Nhắc đến sự truyền thừa và phát triển của Phật giáo bắc truyền, không thể không nói tới Thiền, Thiền chính là phương pháp hướng hành giả đoạn trừ phiền não, thành tựu giải thoát, thuộc về hành môn. Thiền sau khi truyền thừa vào Trung quốc, đặc biệt thời kỳ sơ tổ Đạt Ma, sau đó truyền đến lục tổ Huệ Năng, dần dần hình thành năm nhà bảy tông, như Quy Ngưỡng, Tào Động, Lâm Tế, Vân Môn, Pháp Nhãn v.v… Tuy nhiên, trải qua lịch sử lâu dài, hiện còn tồn tại và phát triển chủ yếu là tông Tào Động và tông Lâm Tế. Trong đó thiền Lâm Tế từ thiền công án đến thời Nam Tống thì dần chuyển sang thiền thoại đầu và thiền Tào động cũng khoảng thời gian này đặc biệt thịnh hành “Thiền Mặc Chiếu”. Cả hai tông này cùng ảnh hưởng và phát triển cho tới ngày nay. Phương pháp căn bản của thiền thoại đầu là duyên vào câu thoại đầu mà đặt ra nghi tình để thấy được bản lai diện mục, còn Thiền mặc chiếu tập trung mặc chiếu để có thể minh tâm kiến tính, có thể được nhìn nhận gần giống với phương pháp chỉ quán. Nói về sự tương đồng mặc chiếu và chỉ quán, có thể được coi như là một sự uyển chuyển của thiền mặc chiếu, tuy nhiên phương pháp này dùng mặc chiếu đồng thời hay theo thứ tự mặc quán rồi đến chiếu quán, những vấn đề này làm cho bút giả muốn đi sâu và nghiên cứu phương pháp tu tập thiền Mặc Chiếu của tông Tào Động. Đặc biệt hơn trong thời kỳ hiện đại làm thiền mặc chiếu vẫn tồn tại và phát triển.
Do đó, bút giả phân luận văn thành ba bộ phận chính: một là giới thiệu khái quát lịch sử và ý nghĩa của thiền mặc chiếu, để thấy rõ hơn giá trị của phương pháp thiền này. Hai là phương pháp tu tập của thiền mặc chiếu, thông qua các văn bản còn lưu tồn và đương đại hoằng truyền thiền mặc chiếu, đồng thời để thấy được sự tương đồng và không tương đồng với các phương pháp khác. Ba là giới thiệu đại biểu thiền Mặc Chiếu do pháp sư Thánh Nghiêm đề xướng, qua đó hiểu rõ hơn phương pháp thiền này đã và được tiếp nhận, ứng dụng như thế nào trong cuộc sống. Từ ba phương diện nghiên cứu này, càng thấy được giá trị và ý nghĩa của thiền Mặc Chiếu, từ đó đem ra ứng dụng chuyển hoá thân tâm, buông thư tự tại. Đó cũng phù hợp với tinh thần của Thiền, chuyển mê khai ngộ, chuyển khổ được vui, thành tựu tịnh độ tại nhân gian của Phật giáo.
1. Giới thiệu khát quát thiền Mặc Chiếu
1.1. Đôi nét lịch sử thiền sư Hoằng Trí Chính Giác
Thiền Mặc Chiếu là đại biểu phương pháp tu tập của tông Tào động, được thiền sư Chính Giác (1091-1157) đời nhà Tống đề xướng và hoằng truyền. Thiền sư họ Lý, quê ở Thấp Châu Sơn Tây, cha ngài tên Lý Tông Đạo, là người thích tham thiền học đạo[1]. Nói về sự ra đời của Ngài, căn cứ vào “Thiền Sư Trung Hoa” của soạn dịch HT Thích Thanh Từ có ghi: “Mẹ Sư mộng thấy một vị Tăng ở Ngũ Đài cởi chiếc vòng mang vào cánh tay mặt bà. Sau đó, bà thụ thai ngài. Trong lúc mang thai, bà gìn giữ trai giới cẩn mật. Sư sinh ra, cánh tay mặt nổi quầng giống chiếc vòng. Ông nội và cha Sư tham thiền với thiền sư Phật Đà Tôn đã lâu. Phật Đà Tôn chỉ Sư nói với cha Sư rằng: Đứa bé này đạo vận rất tốt, chẳng phải là người ở trong trần ai. Nếu xuất gia ắt làm pháp khí”[2]. Câu chuyện có thật hay không, không giám chắc, nhưng có một điều, gia đình của thiền sư đều là người thích tham cứu thiền tu. Năm mười một tuổi, ngài xuất gia và được thế độ ở Tịnh Minh Bản Tông, năm mười bốn tuổi, ngài thụ giới cụ túc. Năm mười tám tuổi, ngài đi du phương tham học. Khi sắp ra đi, ngài thưa với ông nội rằng:“Nếu con không phát minh việc lớn, thề không trở về”.
Đầu tiên ngài tới Hương Sơn - Nhữ Châu học pháp với thiền sư Pháp Thành. Tuy Hòa năm thứ 6 (1124) Thiền sư đắc pháp và kế thừa dòng phái của ngài Tử Thuần. Bình sinh ngài từng trụ trì hay làm thủ tọa ở các chùa như Phổ Chiếu ở Thất Châu, chùa Thái Bình ở Thư Châu, chùa Viên Thông, chùa Năng Nhân, chùa An Đinh Trường Lô ở Giang Châu, chùa Thiên Đồng ở Minh Châu, chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, v.v... trong đó, trụ trì lâu nhất ở chùa Thiên Đồng, trước sau khoảng 30 năm[3]. Có thể nói, thiền sư là người coi trọng việc tu tập, lấy việc giải thoát sinh tử làm trọng, nếu không ngộ đạo, phát minh việc lớn quyết không quay về, hay nói cách khác đó là nguyện lực mà mỗi người xuất gia thường phát nguyện. Niên hiệu Thiệu Hưng (1157) tháng 9, thiền sư dặn dò các đại cư sĩ hộ trì, tháng 10 ngài về núi, tắm gội, mặc y phục, viết thơ kệ xong liền an nhiên thị tịch, thọ 67 tuổi, húy Hoằng Trí Thiền Sư[4].
1.2. Ý nghĩa của thiền Mặc Chiếu
“Mặc Chiếu” hai từ này nếu căn cứ vào Đại Tạng Kinh, chúng ta phát hiện chúng được xuất hiện trước thời nhà Tống, như thời Tùy[5], Đường[6], Nguyên. Như vậy, “Mặc Chiếu” vốn là cụm từ có sẵn, tuy nhiên cật lực đề xướng và phát triển thành pháp môn tu tập, chỉ có thiền sư Hoằng Trí Chính Giác. Do đó, học giả Mao Trung Hiền có nhận định: Kỳ thực “mặc” chính là định, “chiếu” chính là quán, định quán-chỉ quán chính là thiền định, danh xưng không có ý nghĩa sáng tạo, then chốt ở chỗ nó có định bên trong, có phương pháp và mục tiêu tu tập[7].
Để làm sáng tỏ thiền Mặc Chiếu, trong bài “Mặc Chiếu minh” của thiền sư Hoằng Trí Chính Giác có viết: “mặc mặc vong ngôn, chiếu chiếu hiện tiền” (默默忘言。昭昭現前)[8], nghĩa là: Mặc mặc là tâm rất yên tĩnh không sinh khởi vọng tưởng (tự nói chuyện vọng tưởng trong đầu), như thể sẽ đạt được định cảnh; Chiếu soi hiện tiền, quán chiếu rõ ràng phương pháp, luôn an trú trong hiện tại tỉnh giác. Hoặc thiền sư lại dạy: “Duy mặc mặc nhi tự chiếu, cố thậm thâm nhi thuần thanh” (唯默默而自照。故湛湛而純清)[9] tạm hiểu nghĩa: do tâm an định mà trí tuệ tự soi sáng, cho nên phải an trụ tâm, khiến tâm thuần khiết, thanh tịnh, trí tuệ cũng nhờ đó thành tựu. Thế nên, ý nghĩa của “Mặc Chiếu” cũng có thể coi gần giống với phương pháp thiền chỉ quán, kết quả là thành tựu cảnh giới định tuệ, hoặc nói đạt đến minh tâm kiến tính, thấy tính là thành Phật.
Trong toàn bộ bài minh thiền Mặc Chiếu của thiền sư Chính Giác, chúng ta không chỉ thấy được cảnh giới của Mặc và Chiếu, đồng thời cũng thể nghiệm được sự viên dung của thiền Mặc Chiếu, trong đó có sự dung hợp của thể dụng, sự lý, không hữu, minh ám, chính biến, hồi hộ, bình đẳng sai biệt, tuyệt đối tương đối pháp, những pháp này luôn song hành viên dung mà không có sự chướng ngại[10]. Cũng như sự kết hợp giữa Mặc và Chiếu, giúp bản thể của tâm tịch tĩnh, không phiền não chướng ngại, và thông qua sự tịch tĩnh đồng thời sử dụng quán chiếu để tâm luôn tỏ tường hết thảy các pháp, không còn khởi chấp trước, phân biệt, nhìn nhận các pháp một cách chân thực.
Như vậy, Thiền Mặc Chiếu có thể được coi là một phương pháp tu tập thiền quan trọng của người học Phật. Nếu đứng về phương diện ứng dụng tu tập, phù hợp với Giới – Định – Tuệ tam học; Còn đứng về phương diện hiện đại thiền, đây là phương pháp thiền phù hợp với chỉ quán thiền của Phật giáo nam truyền và Phật giáo bắc truyền, giúp người học Phật luôn cảm nhận được thân tâm buông thư, tỉnh giác, thấy được phiền não, đoạn trừ phiền não, và trở về với Phật tính thanh tịnh.
2. Phương pháp tu tập thiền Mặc Chiếu
2.1. Khái quát phương pháp tu tập của Đại thừa Thiền pháp
Căn cứ vào các văn bản của đại thừa thiền pháp, thiền có khả năng giúp tâm tĩnh lự, quán chiếu sở duyên, không khởi sinh chấp trước, thành tựu trí tuệ. Tuy nhiên, thiền tông truyền đến phương bắc, dần dần hình thành Đại thừa thiền, với phong cách tu tu tập từ tiệm tu tiệm ngộ thành đốn tu đốn ngộ. Bởi thế, thiền phong không chỉ ngồi thiền mà trong cuộc sống nhất cử nhất động, sinh hoạt bình nhật đều là Đạo, hay nói cách khác “đạo tại sinh hoạt”, “giữ tâm bình thường là đạo”v.v. Do đó, đại thừa thiền không chấp mắc vào thứ tự phương pháp tu tập như Phật giáo Nam truyền. Tinh thần này cũng phù hợp với truyền thống, văn hoá của phương bắc. Tuy nhiên có thể đặt câu hỏi, liệu đại thừa thiền về sau này có thực sự xa rời với sự phương pháp tuần tự của thiền, hay chỉ dùng đốn tu đốn ngộ làm phương pháp chính yếu!
Thực tế, thiền Bắc truyền vốn cũng có những phương pháp tuần tự trong tu tập, trong đó nói đến phương pháp tiệm tu và có thứ tự, hệ thống hoá phương pháp tu tập không thể không kể đến Thiên thái Trí Giả đại sư[11]. Với hai bộ “Tiểu chỉ quán” và “Đại chỉ quán” thuyết minh rõ ràng thứ tự phương pháp tu tập thiền, bao gồm: Tiền phương tiện (các bước chuẩn bị để ngồi thiền như điều chỉnh ăn, uống, ngủ nghỉ, vận động v.v), tiếp đến từng bước tu tập để đoạn phiền não. Tuy nhiên, thiền tông từ thời ngũ tổ và lục tổ Huệ Năng trở về sau, thiền tông tựa hồ chuyển sang một trang mới, đặc biệt chú trọng thiền đốn ngộ, dần dần phát triển thành hệ thống năm nhà bảy tông thiền[12]. Đây cũng là dòng thiền được ngài Tông Mật quy vào hàng tối thượng thừa thiền[13], nhưng đây cũng chỉ là quan điểm của ngài Tông Mật. Có thể nhận thấy, thiền tông thời Đường rất thịnh hành, tiếp tục hoằng truyền đến thời Nguyên, Tống, Minh, Thanh và đến ngày nay.
Tuy nhiên, Thiền tông truyền đến đời Tống, phương pháp tu tập tập trung vào thiền công án hoặc thiền thoại đầu[14], nhưng trong năm nhà bảy tông Thiền đó, vẫn còn tồn tại phương pháp toạ thiền tĩnh toạ của thiền Mặc Chiếu. Đây là điều làm bút giả muốn thực sự tìm hiểu phương pháp tu tập của thiền Mặc Chiếu.
2.2. Khái quát phương pháp tu tập thiền Mặc Chiếu
Nhắc tới thiền, chúng ta có thể nhìn lại bản chất của thiền nguyên thủy, đó chính là an trụ trong chính định, đạt định sẽ sinh tuệ giải thoát (hoặc tâm giải thoát, cụ giải thoát).[15]Cho nên, để thành tựu được định và tuệ, thông thường tu thiền không luận thuộc tông phái nào, đều chủ trương phải ngồi thiền.[16]Trong đó, phải kể đến các trung tâm thiền như An Bản Thủ Ý, thiền Tứ Niệm Xứ, thiền Nội Quán v.v… đặc biệt, ngày nay Bắc truyền thiền như Nhật bản, Hàn quốc, Trung quốc, Việt nam v.v thuộc tông Tào Động hay Lâm Tế, đều lấy việc ngồi thiền làm phương pháp chính yếu để thành tựu định – tuệ – giải thoát – giải thoát tri kiến, hay nói theo cách đại thừa là minh tâm kiến tính. Tuy nói, đi – đứng – nằm – ngồi đều có thể hành thiền, tuy nhiên, nếu chẳng phải bậc đại căn, hay có phương pháp nhất định, hoặc môi trường tốt, thì khó có thể trong bốn uy nghi đều nhiếp tâm trong chính định. Do đó, ngồi thiền vẫn thuộc phương pháp bắt buộc hành giả nên tuân theo. Và thiền Mặc Chiếu chính là đứng trên phương diện tọa thiền làm chính “ mặc tọa và quán chiếu”. Đây là nền tảng căn bản để hình thành tư tưởng cũng như phương pháp của thiền Mặc Chiếu.
Thiền Mặc Chiếu điều đầu tiên người hành giả phải thực hiện đó là “chỉ quán đả thiền” (chỉ cần ngồi thiền), cũng có người phê phán ngồi lâu không có ích gì, tuy nhiên trong thiền quán, nếu không ngồi lâu, chuyên chú vào cảnh sở duyên thì khó có thể đạt được Mặc, tức tịch tĩnh, tâm có tịch mặc, yên định mới có thể sinh trí tuệ. Điều này được thấy trong “bài minh Mặc Chiếu”:
默默忘言。昭昭現前。鑒時廓爾。體處靈然。靈然獨照。
照中還妙。露月星河。雪松雲嶠...[17].
Tạm dịch: Tĩnh tọa tâm không vọng, tuệ sáng hiện rành rành, chiếu soi không hạn lượng, bản thể rộng vô biên, quán chiếu thể vô biên, chiếu soi về huyền diệu, như thấy trăng tròn ngân hà sáng soi, như tuyết phủ tùng-mây cưỡi núi cao.
Đây được coi là là cảnh giới tu tập từ sơ khởi của thiền Mặc Chiếu, cho đến khi Mặc và Chiếu dung hợp, trong mặc có chiếu, trong chiếu có mặc, chiếu soi bản thể thanh tịnh, không có hạnh lượng, cuối cùng thấy được tính Diệu vốn tự tại, thanh khiết, không vẩn đục phiền não. Tuy nhiên, để đạt được cảnh giới mặc mặc, nhất định phải chuyên nhất trong việc tĩnh tọa tu tập, khi có định mới có thể sinh tuệ. Do đó, ngồi thiền là điều căn bản của người theo thiền Mặc Chiếu, cho nên cũng có quan điểm, ngồi thiền chính là vua của tam muội, Đức Phật Thích Ca sáu năm ngồi thiền, Tổ Đạt Ma chín năm quay mặt vào vách, v.v…[18]. Tuy nói Thiền Mặc Chiếu chú trọng việc ngồi thiền, nhưng cũng không đại biểu bình thường trong cuộc sống sinh hoạt không có thiền, kỳ thực trong mỗi công việc như trăm ngọn cỏ đều có thể lĩnh hội ý thiền, trong chốn chợ búa đều có thể an nhiên tự tại[19]. Do đó, Đại Tuệ Trung Cảo chê thiền Mặc Chiếu không có sự hòa nhập với cuộc sống sinh hoạt là có thể vì một số thiền sinh chỉ chuyên tâm vào tu tập mà không chú trọng đến đời sống sinh hoạt chăng!
Thông thường dùng phương pháp chỉ quán, trước dùng chỉ để đạt định, sau đó dùng quán để diệt phiền não, còn đối với thiền Mặc Chiếu, dường như Mặc và Chiếu không theo thứ tự quán chiếu, mà có thể song hành. Căn cứ vào bài minh Mặc Chiếu: “Tĩnh tọa tâm không vọng, tuệ sáng hiện rành rành, chiếu soi không hạn lượng” có thể cho thấy “Mặc” và “Chiếu” tuy hai phương diện khác nhau, nhưng tựa hồ như song hành, không thể tách rời[20]. Cho nên, Mặc và Chiếu không thể có mặc mà không có chiếu, hoặc có chiếu mà không có mặc. Như trên đã nói, trong cảnh giới mặc giúp tâm dứt bỏ tạp niệm, vọng tưởng, tâm tâm an định, tịch tĩnh, đồng thời mỗi giây mỗi phút đều rất tỏ tường, quán chiếu thực thể của các pháp. Khi tâm đạt được định, quán chiếu không chướng ngại, thì bản thể thanh tịnh, cho đến vạn vật hiện hữu tuy tồn tại mà không còn chỗ chấp trước “vô tượng”, “vô danh” (vô là không, không còn chấp hình tướng hay danh xưng. Như thiền sư Chính Giác có viết:
恍恍惚惚,其中有物。杳杳冥冥,其中有精。其中之精則無像,其中之物則無名。應繁興而常寂,照空劫而獨靈。悟之者剎剎見佛,證之者塵塵出經。[21].
Tạm dịch: Trong trạng thái hoảng hoảng hốt hốt, thấy được sự tồn tại của vạn vật. Trong cảnh mờ mịt hôn ám, thấy được tinh khí của vạn vật. Trong đó tinh khí không có hình tượng, trong vạn vật không có danh xưng. Vạn vật phồn hưng mà tâm vẫn thường tịch tĩnh, quán chiếu kiếp không mà vẫn chiếu soi tính linh. Người ngộ thì mỗi mỗi đều thấy Phật, người chứng thì nơi nơi tự tại.
Có thể nói, thiền sư không chỉ là bậc có ngộ, có chứng, lại là người dung thông các pháp, bao gồm thiền sự lý viên dung của tổ sư Đạt Ma, thiền minh tâm kiến tính của Lục tổ, thiền hỗ dụng của động sơn Lương Giới và tào sơn Bản Tịch, đặc biệt lại hiểu rõ được tư tưởng của Lão giáo. Như văn trên có trích dẫn, lão giáo cho rằng trong hình tượng hoảng hốt, sẽ thấy được sự tồn tại của vạn vật, trong cảnh tượng mờ mờ ảo ảo, mới thấy được tinh thể của vạn vật. Với sự tồn tại của vạn vật, hay tinh thể của vạn vật, người tu thiền đạt tới cảnh giới nhận biết nó, nhưng không chấp trước vào nó. Thể nghiệm được trong động có tĩnh, trong tĩnh thấy động, động tĩnh tự tại, hay nói cách khác khi người hành thiền, đạt đến ngộ cảnh hoặc cao hơn là chứng, khi đó sẽ thấy được bản chất của vạn vật, nhưng cũng quán chiếu rõ ràng chúng, không chấp trước vào chúng, dung hợp một thể. Nếu nói theo cách của lục tổ Huệ Năng thì đây là hình tượng “ Phật pháp bất ly thế gian giác”, tu chứng đến cảnh giới hiểu rõ bản chất của các pháp, nhưng tâm luôn trong trạng thái tịch tĩnh chiếu soi, không bị chúng ảnh hưởng mà vẫn dung hòa tự tại. Còn đứng trên phương diện vũ trụ quan, thì thiền Mặc Chiếu dung hòa bản thể chân như với vạn vật thiên nhiên dung hòa làm một thể. Với tư tưởng thống nhất một thể của thiền như, cho thấy giữa trời đất, vật người đều có sự dung thông, như Hoa Nghiêm kinh nói đến sự sự viên dung vô ngại[22]. Chính sự dung thông vô ngại giữa thân tâm và vạn vật, mà hành giả tu tập có thể mọi lúc mọi nơi thể ngộ được tự tính thanh tịnh, tùy duyên tự tại, đây cũng chính là phương châm tu tập của thiền Mặc Chiếu, và cũng là cảnh giới mà thiền sư Chính Giác chứng đắc vậy.
2.3. Đề xướng tu tập thiền Mặc Chiếu của thiền sư Thánh Nghiêm
Tông Tào Động từ thời Tống trở lại đây, chủ yếu lấy thiền Mặc Chiếu làm phương pháp tu tập dẫn dắt người học đạo, tuy nhiên về sau này cũng có kết hợp cả niệm Phật làm phương tiện cùng tu, hoặc chỉ chuyên đề xướng “chỉ quán ngồi thiền” của Tịnh Độ tông Nhật Bản mà không còn chú trọng nhiều vào phương pháp tu chứng, hay thứ bậc để đoạn phiền não. Lại cũng không có nhiều bậc đại căn đại lợi xuất hiện hoằng dương phương pháp thiền này, thế nên thiền Mặc Chiếu cũng dần dần suy thoái.
Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại này, nhận thấy thiền Mặc Chiếu rất phù hợp với người phương tây cũng như phương đông, thiền sư Thánh Nghiêm, đã cật lực đề xướng giáo nghĩa của thiền Mặc Chiếu, cũng như làm cách nào để tu tập đúng theo tinh thần của Mặc Chiếu, cho đến phương pháp để đoạn trừ phiền não, đoạn trừ ngã chấp, thành tựu định tuệ, minh tâm kiến tính... Trong đó có thể căn cứ vào “Điệu Niệm – Du Hóa”[23], thiền sư Thánh Nghiêm có nêu ra thứ tự bốn giai đoạn mà người hành thiền Mặc Chiếu nên vận dụng:
Một là: Trước đem tư thế ngồi chuẩn, thân tâm buông thư - thư giãn, dùng chú tâm hoặc không chú tâm vào toàn bộ cơ thể, cảm nhận được sự buông thư của từng bộ phận.
Hai là: Coi toàn bộ môi trường xung quanh cũng chính là bộ phận của thân thể, không luận có hình tướng gì, âm thanh gì đều coi đó là chính mình.
Ba là: Hướng đến nội tâm quán chiếu, nội tâm thấy được rộng sâu vô hạn; hướng ngoại quán chiếu, thấy ngoại cảnh rộng lớn vô biên. Thân tâm hay thế giới, toàn thể vũ trụ đều là chính mình.
Bốn là: Đạt đến tâm không còn có khái niệm thời gian, không có không gian, không có chính mình, không có đối tượng. Tâm niệm không có xao động, luôn luôn trong trạng thái nhận biết rõ ràng, thấy được sự chân thực của vạn vật. Trong tâm không còn phân biệt vạn vật, không còn tướng để chấp trước, tuy nhiên tâm vẫn sáng soi thanh tịnh và linh hoạt, có thể phản chiếu vạn pháp.
Phần trên là phương pháp tu tập thiền mặc chiếu từ bắt đầu tu tập đến khi ngộ cảnh và thực sự chứng ngộ của thiền sư Chính Giác, và được pháp sư Thánh Nghiêm nêu ra bốn phương tiện hướng dẫn hành giả tu tập. Nhưng đây chỉ là phương tiện để ứng dụng thiền Mặc Chiếu, nếu biết quán chiếu ngay từ phương pháp ngồi thiền đầu tiên cũng có thể chứng được cảnh giới cao nhất của thiền Mặc Chiếu[24]. Hoặc đến tầng bậc thứ hai, thứ ba cũng đều có thể thâm nhập cảnh giới thứ tư vô tướng, vô danh v.v. của thiền này. Tuy nhiên, ở bậc thứ hai sao lại nói “thân tâm và thế giới là chính mình”? Ở bậc thiền này, người tu thiền có thể quán chiếu nội tâm, thân thể và ngoại cảnh là một thể, quán chiếu toàn bộ ba bộ phận này không có sự tách biệt từng bộ phận, cảm nhận đều thuộc toàn thân thể. Như thế trong ngoài cảm nhận một cách tự tại, ngoại cảnh không ảnh hưởng đến nội tâm, nội tâm lại không khởi phân biệt, chấp trước. Do tâm không còn phân biệt trong ngoài, mà hành giả tiếp tục quán chiếu sâu hơn nội tâm và ngoại cảnh một cách chân thực. Đến tầng thứ tư, người hành thiền đã có thể động tĩnh tự tại, mặc chiếu dung hợp, tâm trong định, trí tuệ hiển bày trong mọi lúc mọi nơi, nội tâm ngoại cảnh không đối lập, không chấp trước cảnh, cũng không phủ định hiện thực, đây được coi là tầng bậc đại chứng ngộ, thấy được chân như Phật tính, tìm được bản lai diện mục.
Tuy nhiên thông qua tu tập chúng ta cũng có thể thấy một điều, thiền Mặc Chiếu là có thể giúp hành giả làm có thể làm chủ tâm, nội tâm không vọng động, lại luôn khởi sinh trí tuệ, thời thời khắc khắc luôn nhận biết được các pháp một cách chân thật. Sống trong sự phồn hưng của vạn vật, nhưng vẫn tự tại làm chủ chính mình. Như thế nếu phương pháp này được vận dụng vào trong đời sống, thì rất phù hợp dành cho người hiện đại ngày nay ứng dụng, thông qua mặc và chiếu – định và tuệ đồng thời, giúp hành giả biết dùng định tâm của mặc quán để nhận biết rõ ràng từng hành động, cử chỉ của chính mình (sống trong chính niệm, sống trong hiện tại, v.v…), dùng trí tuệ của giác chiếu giải quyết công việc, v.v… Như thế, cuộc sống sẽ không bị mọi công việc hay ngoại cảnh làm áp lực, thân tâm buông thư tự tại, đây cũng là thiền trong cuộc sống, tu trong đời sống. Do vậy, thiền Mặc Chiếu không chỉ trong tĩnh toạ tu tập, mà còn có thể ứng dụng trong đời sống thường nhật, dung hợp được đời sống tu tập và cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Dung hợp được nội ngoại, tinh thần bất nhị không biên kiến – thiên kiến, đáng để chúng ta tu tập và ứng dụng.
Kết luận
Từ những nghiên cứu trên, chúng ta có thể thấy thiền Mặc Chiếu là một phương pháp thiền hết sức thực dụng, không chỉ giúp người tu tìm được bản tính thanh tịnh, mà còn hướng đến đời sống tỉnh giác và an lạc. Ngoài ra, người tu pháp thiền này còn có thể cảm nhận được sự dung hợp giữa đời sống tâm linh và đời sống vật chất, không còn chướng ngại trong tu tập cũng như cuộc sống vật chất. Với quan niệm “Thân - Tâm - Vũ Trụ là một thể”, giúp thân tâm giảm đi áp lực, không còn chấp trước cảnh giới trong ngoài và luôn sống trong “tịch tĩnh và chiếu soi”, giúp tâm đoạn trừ phiền não, trí tuệ khai thông, thấy tính thành Phật. Đặc biệt, thiền Mặc Chiếu không chỉ là phương diện hành trì tu chứng, mà còn tích lũy cả một hệ thống tri thức, tư tưởng, bao gồm: Dung hợp hệ thống tu Phật học cũng như phương pháp tu tập và giáo nghĩa chỉ dạy của lịch đại tổ sư; Không chỉ hiểu sâu về nội điển Phật học, tu chứng mà còn hiểu biết sâu rộng về thế học, ngoại đạo, v.v… để từ đó có phương pháp phù hợp giáo hóa và cụ thể hóa phương pháp tu tập trong sinh hoạt hàng ngày, đây chính được gọi là hành giải tương ứng của thiền Mặc Chiếu, và cũng là nét đặc sắc của dòng thiền này.
Ngoài ra, dòng thiền này còn hướng đến giáo dục thực tiễn hóa, chính giáo nghĩa của thiền Mặc Chiếu đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn về chính bản thân mình, từ bi với chính bản thân mình, cảm nhận được sự tỉnh giác và an lạc của chính mỗi chúng ta và cuối cùng là vô sở cầu, vô sở chấp, vô sở chứng... Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta sống trong thực tiễn hơn, mỗi công mỗi việc đều giác chiếu, như thế kết quả của công việc sẽ cao, thân tâm sẽ bớt đi vọng tưởng phiền muộn. Do đó, bút giả nhận thấy thiền Mặc Chiếu không chỉ phù hợp trong tu tập, mà còn phù hợp ứng dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, bởi thế đáng để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và ứng dụng phương pháp thiền này vậy.
Tài liệu tham khảo
1. Tham Khảo Trung Hoa Điện Tử Phật Điển CBETA 2011
1. “Hoằng Trí Thiền Sư Quảng Lục” quyển 8. CBETA, T48, no. 2001
2. “Ngũ Đăng Hội Nguyên Mục Lục” quyển 1. CBETA, X80, no. 1564// Z 2B:10// R137
3. “Tạp A Hàm Kinh” quyển 14. CBETA, T02, no. 99
“Thích Môn Chính Thống“ quyển 5. CBETA, X75, no. 1513 // Z 2B:3 // R130
4. “Hoằng Trí Thiền Sư Quảng Lục” quyển 1. CBETA, T48, no. 2001
5. “Hoằng Trí Thiền Sư Quảng Lục” quyển 6. CBETA, T48, no. 2001
6. “Đại Bát Nhã Kinh Sớ” quyển 11〈12 Như Lai Tính phẩm〉. CBETA, T38, no. 1767
7. “Bỉ Luận Sớ” quyển 2. CBETA, T45, no. 1859
2. Sách
1. Việt dịch HT Thích Thiền Tâm “Quê Hương Cực Lạc”. Hà Nội: Nhà xuất bản tôn giáo
2. Mao Trung Hiền (2006) “Trung Quốc Tào Động Tông Thông Sử”. Nam Xương: Nhà xuất bản Nhân Dân Giang Tây.
3. Ma Thiên Tường (2007) “Trung Quốc Thiền Tông Tư Tưởng Sử Lược”, Bắc Kinh: Nhà xuất bản Đại Học Nhân Dân Trung Hoa.
4. Dương Huệ Nam (1995) “Thiền Sử Dữ Thiền Tư”, Đài Bắc: Đông Đại đồ thư phát hành.
5. Thích Thánh Nghiêm (2009) “Vô Pháp Chi Pháp”, Đài Bắc: Pháp Cổ Văn Hoá
6. Dương Tằng Văn (2006), “Tống Nguyên Thiền Tông Sử”, Bắc Kinh: Nhà xuất bản Trung Quốc Xã Hội Khoa học.
7. Chủ biên Lam Cát Phú (1994)“Trung Hoa Phật Giáo Bách Khoa Toàn Thư”, Đài Bắc: Trung Hoa Phật Giáo Bách Khoa Văn Hiến Cơ Kim Hội
8. “Điệu Niệm‧Du Hóa”: Pháp Cổ Toàn Tập 2005 phiên bản mạng (tập 3 quyển7)
9. “Thiền Môn Tu Chứng Chỉ Nam”:Pháp Cổ Toàn Tập 2005 phiên bản mạng (tập 4 quyển1)
3. Sách mạng
1. Thất diệp Phật giáo thư xá 2015/10/27
http://www.book853.com/show.aspx?id=2459&cid=169&page=2
2. Lược thán thiền phong của tông Tào Động. 2015/11/2: http://enlight.lib.ntu.edu.tw/FULLTEXT/JR-BJ013/bj013122209.pdf
3. “Phật giáo Đài Loan” quyển 6, kỳ số 5: 1952-12-08 http://buddhistinformatics.ddbc.edu.tw/taiwan_fojiao/indexMain.html?q=%E9%BB%98%E7%85%A7%E7%A6%AA#
4. HT Thích Thanh Từ “Thiền Sư Trung Hoa” 2015/11/2 http://hoavouu.com/a17687/14-thien-su-chanh-giac-hieu-hoang-tri-o-thien-dong-minh-chau
* Nghiên cứu sinh tại Đại Học Pháp Cổ Sơn - Đài Loan.
[1]Mao Trung Hiền “Trung Quốc Tào Động Tông Thông Sử”, trang 350
[2]HT Thích Thanh Từ “Thiền Sư Trung Hoa” 2015/11/2 http://hoavouu.com/a17687/14-thien-su-chanh-giac-hieu-hoang-tri-o-thien-dong-minh-chau
[3]Chủ biên: Lam Cát Phú “Trung Hoa Phật Giáo Bách Khoa Toàn Thư”, trang 3881
[4]Mao Trung Hiền “Trung Quốc Tào Động Tông Thông Sử”, trang 352
[5]“Đại Bát Nhã Kinh Sớ”quyển11〈12 Như Lai Tính phẩm〉: “hưng hoàng vân: Phật trí mặc chiếu.” (CBETA, T38, no. 1767, p. 103, c18-19)
[6] “Bỉ Luận Sớ” quyển2: “mặc chiếu vị tiềm chiếu u triệt dã.” (CBETA, T45, no. 1859, p. 186, b25)
[7]Mao Trung Hiền “Trung Quốc Tào Động Tông Thông Sử”, trang 353
[8]“Hoằng Trí Thiền Sư Quảng Lục” quyển8. CBETA, T48, no. 2001, p. 100, a26.
[9]“Hoằng Trí Thiền Sư Quảng Lục” quyển 4. CBETA, T48, no. 2001, p. 37, a8-9.
[10]“Thiền Môn Tu Chứng Chỉ Nam”:「用「默照」二字,揭出了體用、理事、空有、明暗、空劫今時、等差別、絕待相對等的主題,大振洞山的宗風。」法鼓全集2005網路版 (第4輯第1冊, 頁131, 行9~11)
[11]Việt dịch: HT Thích Thiền Tâm “Quê Hương Cực Lạc”: “Đại sư húy là Trí Khải, vị sơ tổ của tông Thiên Thai. Ngài họ Trần, người đất Vĩnh Xuyên, khi sanh ra có thần quang chiếu sáng cả nhà. Năm 18 tuổi ngài xuất gia, tham học với Tuệ Tư thiền sư. Thấy ngài đến, thiền sư nói :”Năm xưa ta với ngươi đồng ở Linh Sơn pháp hội, túc duyên đeo đuổi, nay lại gặp nhau”. Đại sư nương theo ngài Tuệ Tư, chuyên tu không bao lâu chứng được Pháp Hoa Tam muội, trí huệ biện tài vô ngại…Vua Dượng đế nhà Tùy cũng thọ giới cùng ngài lại tứ hiệu là Trí Giả. Sau đại sư trở về núi Thiên Thai, pháp hóa càng thạnh. Mùa đông năm Khai Hoàng thứ 17, ngài hướng về Tây niệm Phật tọa hóa, thọ được 67 tuổi.” (trang 26)
[12]Chủ biên Lam Cát Phu “Trung Hoa Phật Giáo Bách Khoa Toàn Thư”: 南宗禪各派的總稱。又稱五派七流。即溈仰、臨濟、曹洞、雲門、法眼等五家,加上由臨濟宗分出的黃龍派和楊岐派,合稱為七宗。Trang 1032
[13]“Ngũ Đăng Hội Nguyên Mục Lục” quyển 1:「圭峯密公禪源詮曰。禪之目有五。曰外道禪。曰凡夫禪。曰小乘禪。曰大乘禪。曰最上乘禪。」(CBETA, X80, no. 1564, p. 1, b16-18 // Z 2B:10, p. 455, d14-16 // R137, p. 910, b14-16)
“Thích Môn Chính Thống“ quyển 5:「南嶽天台依三諦理。修三止觀。文義雖圓。終成次第。唯達磨傳最上乘禪。」(CBETA, X75, no. 1513, p. 325, c2-4 // Z 2B:3, p. 423, b5-7 // R130, p. 845, b5-7)
[14] Lược thán thiền phong của tông Tào Động. 2015/11/2: http://enlight.lib.ntu.edu.tw/FULLTEXT/JR-BJ013/bj013122209.pdf
[15]“Tạp A Hàm Kinh” quyển 14:「彼先知法住,後知涅槃。彼諸善男子獨一靜處,專精思惟,不放逸法,離於我見,不起諸漏,心善解脫。」」(CBETA, T02, no. 99, p. 97, b6-8)
[16] Ma Thiên Tường “Trung Quốc Thiền Tông Tư Tưởng Sử Lược”, trang 123
[17] “Hoằng Trí Thiền Sư Quảng Lục” quyển 8. CBETA, T48, no. 2001, p. 100, a25-c1.
[18] “Phật giáo Đài Loan” quyển 6, kỳ số 5:1952-12-08
坐禪是諸佛的王三昧,如來的端坐六年也是坐禪,達摩的壁觀凝住九載也 是坐禪,其他三世諸佛,歷代祖師皆終身實踐窮行之。http://buddhistinformatics.ddbc.edu.tw/taiwan_fojiao/indexMain.html?q=%E9%BB%98%E7%85%A7%E7%A6%AA#
[19] “Hoằng Trí Thiền Sư Quảng Lục” quyển 6:「百草頭。鬧市裏。飄飄揚身。堂堂運步。自然騎聲跨色。超聽越眺恁麼混成。方是衲僧門下事。」CBETA, T48, no. 2001, p. 78, b13-15.
[20]Dương Huệ Nam “Thiền Sử Dữ Thiền Tư”, trang 201
[21] “Hoằng Trí Thiền Sư Quảng Lục” quyển 1:CBETA, T48, no. 2001, p. 10, c18-21
[22]Dương Tằng Văn “Tống Nguyên Thiền Tông Sử”, trang 501
[23]《Điệu Niệm‧Du Hóa》:法鼓全集2005網路版 (第3輯第7冊, 頁391, 行1-10)
[24] Thích Thánh Nghiêm “ Vô Pháp Chi Pháp”, trang 38.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết