Thông tin

KHẢO CỨU VỀ THIỀN SƯ THÍCH TÍNH CHÚC – ĐẠO CHU

 (1698 - 1775)

NGUYỄN HỮU SỬ*

 

Đầu thế kỷ XVII, sau khi có sự góp mặt của hàng loạt các tăng sỹ nước ngoài xuất hiện ở Việt Nam để truyền bá Phật giáo, điều đó đã gần như làm thay đổi diện mạo của Phật giáo Việt Nam. Chuyết Chuyết thiền sư với vai trò là người hoằng pháp của tông Lâm Tế ở Đằng Ngoài. Ở Đằng Trong với Nguyên Thiều Hoán Bích thiền sư, Minh Hải Pháp Bảo thiền sư cùng tông Tào Động với sự truyền bá của Thích Đại Sán. Sự phát triển Phật giáo ở giai đoạn này không thể không nhắc tới vai trò của vua chúa và hoàng thân quốc thích. Ngoài sự tiếp nhận nguồn pháp từ các tăng sĩ nước ngoài thì việc chủ động trở thành một lưu học tăng học tập tại nước ngoài và trở vềđể phát triển thiền phái ở trong nước. Như thiền sư Thủy Nguyệt, mở ra tông phái Tào Động ở Việt Nam đã cho thấy ý thức chủ động và nhu cầu học tập cũng nhưtiếp nhận những nguồn tư tưởng mới trong giai đoạn này. Sự chia tông lập phái Phật giáo làm nên thời kì mới cho văn hoá Việt Nam. Những đệ tử của thiền sư đã từng bước mở rộng vai trò của mình, đóng góp vào quá trình phát triển của tông phái Tào Động ở Việt Nam. Bài viết này chủ yếu tập trung giới thiệu về thiền sư Tính Chúc – Đạo Chu (1698-1775), đời thứ 39 dòng thiền Tào Động, chùa Hồng Phúc, phường Hòe Nhai để góp một phần trong một cách nhìn tổng quát về thiền phái này ở Việt Nam.

1.Tiểu sử thiền sư Thích Tính Chúc

Theo Tào Động chính phái - Cúng Tổ khoa – Hồng Phúc tự, bản viết tay do Đệ tử Lại Ngọc Quỳnh chép năm 1892. Tàng bản tại chùa Hồng Phúc thì Thiền sư Tính Chúc sinh năm 1698 tại làng Đa Cốc, xã Vũ Tiên, huyện Kiến Xương, trấn Sơn Nam “Vũ Tiên hội tụ,Đa Cốc đúc hun”  trong một gia đình họ Hoàng

“Nhờ họ Hoàng nuôi dưỡng nên hình, Ngẫm thế gian luân hồi mà ngán.

Đến Hồng Phúc quy y cắt tóc, Nhờ Tôn sư chỉ dẫn đường đi.

Kinh sách mắt đưa nhớ ngay, đương thời tưởng Đạo An[1] giáng thế;

Thơ phú trong lòng tuôn nhả, chúng sinh ngờ Phật Ấn[2] hậu thân.

Giới hạnh tinh nghiêm, Uy nghi đĩnh đạc.

Chốn Hoàng cung vâng mệnh lập đàn chay, tụng câu kệ giảng lời kinh, ầm ầm sấm động cửu trùng;

Nơi Vương phủ khen ngợi bậc Đạo sư, giải mối ngờ đính chỗ sai, việc việc tỏ tường trăm lối.

Chẳng những được ban là Hòa thượng, Truyền làm rường cột Thiền môn.

Lại ban chức Thiếu khanh, Giữ phụng thờ Tôn thất.

Tỏa đức từ cung cấm đến đồng quê, Lòng nhàn vui núi nhân cùng nước trí.

Dựng tháp cao[3] nơi đất Bắc trang nghiêm, Hội bạn lành nơi trời Tây an lạc[4]

Năm 17 tuổi(1716), Bản Lai Hòa thượng Thiện Thuận Sa môn là Tính Chúc Đạo Chu xuống tóc xuất gia theo học Thiền sư Như Trương, Trương có hỏi về sự vô tình thuyết pháp nhưng Tính Chúc không thấu hiểu được lý nhân duyên[5].

Tới năm Bảo Thái thứ IV(1723) khi triều đình mở khoa khảo thí thiền tăng, Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu có dự thi. Cùng năm đó, ông có đứng ra xây dựng chùa Báo Quốc, thôn Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam[6]. Với những tư liệu mà Trạng nguyên Trịnh Huệ đưa ra trên văn bia thì không rõ năm này thiền sư Tính Chúc Đạo Chu có thi đậu hay không. Tuy nhiên,mãi cho tới năm 1732 khi mà triều đình lại tiếp tục mở khoa để khảo hạch tăng sĩ thì lúc này ông mới thí trúng hạng ưu, cùng khoa có sa môn Như Nhất người xã Liêu Trung huyện Đường Hào được trúng cách và vào cung thiết lập Nội đàn, giữ chức Tăng thống ở ty Tăng Lục (Theo Tăng chí minh viết, No 8330 - 31). Hai năm sau,thiền sư Tính Chúc Đạo Chu được triều đình ban cho sắc mệnh cùng giới đao độ điệp sau kỳ thi năm 1732 (Theo Tăng chí minh viết, No 8330 - 31). Năm1740, Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu được triều đình đặc ban cho là “Bản Lai Hoà thượng[7]. Cũng theo khoa cúng Tổ  “Tổ thứ 4 dòng Thiền Tào Động, tháp Linh Nham, được vua đặc cách ban cho là “Bản Lai Hòa thượng, Thiện Thuận Sa môn”, Pháp húy là Tính Chúc Đạo Chu Thiền sư. Sau khi viên tịch được tặng phong: “Phổ Hóa Độ Sinh Đại Bồ tát”.”

2. Vai trò của Thích Tính Chúc

Trong suốt hơn 50 năm hoằng hóa của mình,thiền sư Tính Chúc đã giữ nhiều vai trò, trong đó việc đứng ra san khắc kinh điển được coi như một đóng góp quan trọng nhất của mình. Năm 1737,thiền sư được Trụ trì chùa Vạn Phúc, núi Phật Tích là Tăng thống Như Sơn giao cho đệ tử trụ trì chùa Hồng Phúc là Sa môn Tính Chúc trong coi và đốc thúc khắc in cuốn Thực tướng Bát nhã Ba la mật kinh[8]. Tháng 3 năm 1737, Tính Chúc soạn bài Tháp chí đồng thời dựng tháp Viên Minh cho Tăng thống Tịnh Giác Đại Hoà thượng Hành Nhất Thiền sư, được vua tặng phong làm Phổ Tế Hoá sinh Bồ tát tại chùa Quảng Nghiêm núi Vạn Đức, Kinh Môn và chùa Phật Tích, Từ Sơn. (Theo Tính Chúc, Chí tháp trên thân tháp Viên Minh, chùa Quảng Nghiêm)

Năm 1744, thiền sư Thích Tính Chúc đã đứng ra khắc in cuốn Tam giáo nhất nguyên thuyết của Trạng nguyên Trịnh HuệTheo Tam giáo nhất nguyên thuyết, A.1183) năm 1750 Cảnh Hưng XI Tháng 3. Trụ trì chùa Hồng Phúc, phường Hoè Nhai, đất Trung Đô là Bản Lai Hoà thượng Tính Chúc,vâng mệnh vua giám sát nhân lần đệ tử giữ chức Tăng chính ty Tăng Lục là Thiền sư Hải Tại vâng mệnh vua phát khắc cuốn Dược Sư kinh đề cương. (Theo Ngự chế Dược sư kinh đề cương xướng nguyện khoa nghi tự, Dược Sư kinh đề cương Ac.116). Năm 1756, Bính Tý, Cảnh Hưng 17,Trụ trì chùa Liên Hoa ở Thăng Long là Hòa thượng Tính Hiển thỉnh được bản kinh Chuẩn Đề từ phương Bắc, Tính Hiển đưa cho Hòa thượng Bản LaiTính Chúc ở chùa Hồng Phúc dặn dò Tăng chính Hải Khoát chùa Báo Ân đứng ra hưng công khắc in lại. (Theo Chuẩn Đề nghi quỹ AC.452).

Năm1757, Cảnh Hưng 18,Thiền sư Tính Chúc đứng ra làm Hộ kinh nhân lần khắc in cuốn Thuỷ Lục chư khoa (A. 2345). Năm 1772, Cảnh Hưng 33 vào tháng giêng soạn lời tựa Đại bi Bồ tát Hương Sơn bảo quyển cho lần khắc in cuốn Hương Sơn bảo quyển (A. 1439).

Ngoài công cuộc in ấn lưu truyền kinh điển, thiền sư Tính Chúc cũng đứng ra hưng công xây dựng một số ngôi chùa như vàongày 15 tháng 12 năm 1744.Sau khi hoàn tất trùng tu chùa Báo Quốc(thôn Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín), ông đã sai môn nhân đệ tử của mình đến phường Khúc Giang để xin Trạng nguyên Trịnh Huệ viết cho bài văn bia nhân lần hoàn thành này[9]. Những năm cuối đời của mình có thể ông còn trụ trì tại chùa Đại Bi ở xã Bối Khê như theo 1774. Tháng 10 năm Cảnh Hưng 35. “Thiền tử giữ chức Tăng chính ở Ty Tăng lục trụ trì chùa Đại Bi, xã Bối Khê, huyện Thanh Oai là Tính Chúc rộng khuyên tín đồ trong xã cúng ruộng tế vào bản tự(Theo bia khuyết danh, No.2090)”. Giờ sửu ngày 25 tháng 5 năm Cảnh Hưng 36,Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu viên tịch, hưởng thọ 77 tuổi, 20 tuổi Hạ (Theo Hải Tại, Hậu tháp ký). Ngày 20 tháng 6,Môn nhân Tào Động đưa linh cốt, búi tóc và y pháp của Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu vào tháp ở 3 nơi: một ở chùa Linh Sơn Sùng Nham, một ở chùa Thanh Phong ở quê nhà và một ở trong tháp Linh Nham chùa Báo Quốc (Theo Hải Tại, Hậu tháp ký). Tới tháng 10,Hải Tại soạn bài Hậu tháp ký sau tháp Linh Nham viết về về hành trạng bản sư là Tính Chúc Đạo Chu Thiền sư (Theo Hải Tại, Hậu tháp ký).

Môn đồ đệ tử của ông gồm có:

Đệ tử Tỷ kheo: Hải Tại, Hải Hoằng, Hải Pháp, Hải Truyền, Hải Điều, Hải Lan, Hải Lâm, Hải Lượng, Hải Thư, Hải Hoát, Hải Thung, Hải Trí, Hải Cần, Hải Kim, Hải Tư, Hải Bình, Hải Điệp, Hải Từ, Hải Bích, Hải Thuyên, Hải Trọng, Hải Điền, Hải Quang, Hải Truyền, Hải Dương, Hải Tình, Hải Tích, Hải Mâu.

Sa di: Hải Sùng, Hải Trù, Hải Y, Hải Liêm, Thủy Kính, Hải Lâm, Hải Điều, Hải Tính, Hải Đăng, Hải Bình, Hải Thuyên, Hải Tích, Hải Thân, Hải Đồng, Hải Hội, Hải Thực, Hải Thuần, Hải Thước, Hải Thạc, Hải Tri, Hải Hàm, Hải Huân, Hải Ngạn, Hải Phân, Hải Thọ, Hải Tề, Hải Lượng, Hải Đăng, Hải Sinh, Hải Cần, Hải Trung, Hải Vượng, Hải Nhuận, Hải Trí, Hải Huy, Hải Hạo, Hải Thủy, Hải Đức, Hải Nhiên, Hải Tương, Hải Khoát, Hải Hòa, Hải Trân, Hải Ngân, Hải Trọng, Hải Tịnh, Hải Hồi.

3. Tạm kết:

Bài viết này chỉ là một phần trong tổng quan nghiên cứu về các vị thiền sư Việt Nam từ thế kỷ XVII trở lại đây và cũng là bước đầu nghiên cứu của người viết về một vị thiền sư của dòng thiền Tào Động ở Việt Nam.Bài viết chủ yếu giới thiệu một cách khái lược về tiểu sử cũng như hành trạng qua đối sánh giữa nhiều tư liệu khác nhau của thiền sư Tính Chúc. Sự hạn chế về mặt thời gian là một thiếu khuyết rất lớn để có thể hoàn thiện một cách hoàn chỉnh về vai trò của ông đối với thiền phái Tào Động cũng như các tổ đình Hồng Phúc, Báo Quốc…Sự sai xót là không thể tránh khỏi, rất mong được sự đóng góp của các vị thức giả để nghiên cứu có thể hoàn thiện hơn.

 

Phụ lục:

Sắc phong:

“Ban sắc đặc cách cho vị sư giữ chứng Tăng chính chùa Hồng Phúc là Hoàng Nhẫn, tự là Tính Chúc làm “Bản Lai Hòa thượng, Đạo Chu Thiền sư”.Cái “Bản Lai”[10] đó luôn được Triều đình sủng ái cho mệnh, được Phật tổ nức nở xưng danh. Khớp duyên xưa tỏ đạo từ tuổi thơ, được y bát dòng truyền cho yếu lĩnh. Khá làm tấm gương rùa cho nhà Thiền, mãi là rường cột bền cho đạo Phật. Nay ban một bức lụa rồng, tảo hoa mấy nhời, riêng ban khen để rạng rỡ lời vàng, để cho thấy “Bản Lai” trong kệ ngọc.[11]

Quán đỉnh[12] kìa xem Phật truyền đăng,Lụa rồng ban cho chứng Thượng thằng.Phật pháp muôn ngàn, ba yếu chỉ,Thần tăng mười sáu, một danh tăng.Tài danh sắc chiếu ngồi ngôi vị,Long tượng[13] ban khen đạo mãi tăng.Mắt của rừng Thiền vừa xứng chỉ,Cho vầng Phật nhật mãi truyền đăng[14]

Niên biểu Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu

1698. Chính Hòa 19

- Bản Lai Hòa thượng Thiện Thuận Sa môn là Tính Chúc Đạo Chu sinh trong một gia đình họ Hoàng tại làng Đa Cốc, xã Vũ Tiên, huyện Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay là Thái Bình) . (Theo Hải Tại, Hậu tháp ký)

1716. Vĩnh Thịnh 12

- 17 tuổi, Bản Lai Hòa thượng Thiện Thuận Sa môn là Tính Chúc Đạo Chu xuống tóc xuất gia theo học Thiền sư Như Trương, Trương có hỏi về sự vô tình thuyết pháp, nhưng Tính Chúc không thấu được lý nhân duyên. (Theo Trịnh Huệ, Tăng chí, Trùng tu Báo Quốc tự ký, No 8330 - 31) 

1723. Bảo Thái 4

- Triều đình mở khoa sát hạch tăng sĩ, Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu có dự thi, cùng năm Thiền sư Tính Chúc đứng ra xây dựng chùa Báo Quốc, thôn Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. (Tăng chí minh viết, No 8330 - 31)

1732. Long Đức 1

- Triều đình mở khoa khảo hạch tăng sĩ Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu thi trúng hạng ưu. (Theo Tăng chí minh viết, No 8330 - 31 và theo Sáng lập hậu Phật bi ký, No 10013 - 15)

1734. Long Đức 3

- Tháng 10. Thiền sư Như Sơn trụ trì chùa Hồng Phúc (Yên Ninh, Kinh Môn) vâng chiếu biên soạn sách và viết lời tựa dẫn cho lần khắc in sách Ngự chế Thiền điển thống yếu Kế đăng lục, Môn nhân là Sa di Tính Chúc duyệt đọc, Sa di Tính Phái, Tính Hiển hiệu đính. (Theo Tự dẫn sách Ngự chế Thiền điển thống yếu Kế đăng lục)

1735. Long Đức 4

- Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu được triều đình ban cho sắc mệnh cùng giới đao độ điệp sau kỳ thi năm 1732. (Theo Tăng chí minh viết, No 8330 - 31)

- Thiền sư Tính Chúc soạn bài Lê triều Vĩnh Hựu hoàng đế ngự đề vấn (Theo Ứng phú dư biên tổng tập,  AB. 568)

1737. Vĩnh Hựu 3

- Tháng 2. Trụ trì chùa Vạn Phúc, núi Phật Tích là Tăng thống Như Sơn giao cho đệ tử trụ trì chùa Hồng Phúc là Sa môn Tính Chúc trong coi và đốc thúc khắc in cuốn Thực tướng Bát nhã Ba la mật kinh. (Theo Thực tướng Bát nhã Ba la mật kinh)

1738. Vĩnh Hựu 4

- Tháng 3. Đệ tử là Tính Chúc soạn bài Tháp chí đồng thời dựng tháp Viên Minh cho Tăng thống Tịnh Giác Đại Hoà thượng Hành Nhất Thiền sư, được vua tặng phong làm Phổ Tế Hoá sinh Bồ tát tại chùa Quảng Nghiêm núi Vạn Đức, Kinh Môn và chùa Phật Tích, Từ Sơn. (Theo Tính Chúc, Chí tháp trên thân tháp Viên Minh, chùa Quảng Nghiêm)

1740. Cảnh Hưng 1

- Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu được triều đình đặc ban cho là “Bản Lai Hoà thượng”. (Theo Tăng chí minh viết, No 8330 - 31)

1744. Cảnh Hưng 5

- Tháng 12, ngày 15. Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu sai môn nhân đệ tử đến phường Khúc Giang xin Trạng nguyên Trịnh Huệ viết cho bài văn bia nhân lần hoàn tất trùng tu chùa Báo Quốc, thôn Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín. (Theo Trịnh Huệ, Báo Quốc tự bi, tân tạo tiền đường trùng tu nội tự bi, sư chí, minh viết, No 8328 - 31) 

- Thiền sư Tính Chúc đứng ra khắc in cuốn Tam giáo nhất nguyên thuyết của Trịnh Huệ (Theo Tam giáo nhất nguyên thuyết, A.1183)

1745. Cảnh Hưng 6

- Sắc ban cho môn nhân Tào Động là Tính Chúc – Hoàng Nhẫn làm Bản Lai Hòa thượng Đạo Chu Thiền sư.

1750. Cảnh Hưng 11

- Tháng 3. Trụ trì chùa Hồng Phúc, phường Hoè Nhai là Bản Lai Hoà thượng Tính Chúc vâng mệnh vua giám sát nhân lần đệ tử giữ chức Tăng chính ty Tăng Lục là Thiền sư Hải Tại vâng mệnh vua phát khắc cuốn Dược Sư kinh đề cương. (Theo Ngự chế Dược sư kinh đề cương xướng nguyện khoa nghi tự, Dược Sư kinh đề cương)

1756. Cảnh Hưng 17

- Trụ trì chùa Liên Hoa, thành Thăng Long là Hòa thượng Tính Hiển thỉnh được bản kinh Chuẩn Đề từ phương Bắc, Tính Hiển bèn đưa cho Hòa thượng Bản Lai Tính Chúc ở chùa Hồng Phúc dặn dò Tăng chánh Hải Khoát chùa Báo Ân đứng ra hưng công khắc in lại. (Theo Chuẩn Đề nghi quỹ)

1757, Cảnh Hưng 18

- Thiền sư Tính Chúc đứng ra làm Hộ kinh nhân lần khắc in cuốn Thuỷ Lục chư khoa (A. 2345)

1772. Cảnh Hưng 33

- Tháng Giêng. Thiền sư Tính Chúc soạn Đại bi Bồ tát Hương Sơn bảo quyển tự cho lần khắc in cuốn Hương Sơn bảo quyển (A. 1439)

1774. Cảnh Hưng 35

- Tháng 10. Thiền tử giữ chức Tăng chính ở Ty Tăng lục trụ trì chùa Đại Bi, xã Bối Khê, huyện Thanh Oai là Tính Chúc rộng khuyên tin đồ trong xã cúng ruộng tế vào bản tự. (Theo bia No.2090)

1775. Cảnh Hưng 36

- Giờ Sửu ngày 25 tháng 5. Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu viên tịch, hưởng thọ 57 tuổi, 20 tuổi Hạ (Theo Hải Tại, Hậu tháp ký)

- Ngày 20 tháng 6. Môn nhân Tào Động đưa linh cốt, búi tóc và y pháp của Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu vào tháp ở 3 nơi, một ở chùa Linh Sơn Sùng Nham, một ở chùa Thanh Phong ở quê nhà và một ở trong tháp Linh Nham chùa Báo Quốc. (Theo Hải Tại, Hậu tháp ký)

- Tháng 10. Thủ toà Hải Tại soạn bài Hậu tháp ký sau tháp Linh Nham viết về hành trạng bản sư là Tính Chúc Đạo Chu Thiền sư. (Theo Hải Tại, Hậu tháp ký)

1859. Tự Đức 12

- Tháng 3, ngày Phúc sinh. Bật sô Tâm Hội, pháp danh Quang Minh ở Phổ Tế đường, chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, tổng Bất Phí, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tổ chức khắc lại cuốn Cúng Tôn sư, Tổ sư khoa nghi thông dụng, Đại thừa Phạm võng kinh Bồ tát Tâm địa phẩm hợp chú (8 quyển), Cúng Tổ sư khoa và đặc biệt cuốn Cúng gia tiên khoa do Bản Lai Hoà thượng soạn. Chùa Bổ Đà lưu giữ. (Theo Hậu bạt Cúng Tôn sư, Tổ sư khoa nghi thông dụng).

 


Tài liệu tham khảo:

- Thích Hải Tại, Hậu tháp ký

- Hương Sơn bảo quyển (A.1439)

- Chuẩn Đề nghi quỹ (AC.452)

- Thủy lục chư khoa (A.2345)

- Cúng gia tiên khoa (Chùa Bổ Đà lưu giữ)

- Bia No. 2090; No. 8328-31

- Tam giáo nhất nguyên thuyết (A.1183)

- Tào Động chính phái cúng tổ khoa do Đệ tử Lại Ngọc Quỳnh chép năm 1892 (Nomfoundation.com)



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXHVN .

[1]道安312[314]-385): nhân vật trung tâm của Phật Giáo thời Đông Tấn người Phù Liễu, Thườngông còn tập trung vào việc phiên dịch kinh điển, viết các chú thích và lời tựa cho các kinh, tổng cộng có 22 bộ. Ông chia việc giải thích kinh thành 3 phần: lời tựa, chánh tông và lưu thông; phương pháp này vẫn còn thông dụng cho đến ngày nay. Nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào Kinh Bát Nhã, nhưng ông còn tinh thông cả A Hàm, A Tỳ Đạt Ma. Chính Đạo An là người đề xướng các tăng sĩ dùng họ Thích.

[2]佛印了元1032-1098: vị tăng của Vân Môn Tông Trung QuốcÔng rất thâm giao với Tô Đông Pha , còn làm Xã Chủ của Thanh Tùng Xã , dòng kế thừa của Bạch Liên Xã , và có quan tâm đến tư tưởng Tịnh Độ. Vào ngày mồng 4 tháng giêng năm đầu niên hiệu Nguyên Phù, ông thị tịch, hưởng thọ 67 tuổi đời và 52 hạ lạp, được ban cho hiệu là Phật Ấn Thiền Sư.

[3]Nguyên văn: 窣堵Tốt đổ, âm dịch của chữ Stupa(s) chỉ tháp.

[4] Nguyên văn: 一心奉請武仙英毓,多穀秀鐘。托黃宗鞠育成形。覺世道輪迴自厭。投洪福皈依剃落。仰尊師指示超然。經書著目不忘。當時想道安再世。詞賦由中吐出。眾人疑佛印重生。戒行精嚴。威儀挺時。時皇壇奉行法事。宣經說偈。聲聲雷貫於九重。時王府頒作導師。解錯辯疑。事事星輝於百揆。不但禦頒和尚。旨為樑棟禪家。更兼特賜少卿留作祀承宗室。德化既週於朝野。閒心適樂於山川。奠窣堵於北地崇巖。會上善於西天樂國。

[5]Theo Trịnh Huệ, Tăng chí, Trùng tu Báo Quốc tự ký, No 8330 - 31

[6]Trịnh Huệ, sđd

[7]Trịnh Huệ, sđd

[8]Theo Thực tướng Bát nhã Ba la mật kinh

[9]Theo Trịnh Huệ, Báo Quốc tự bi, tân tạo tiền đường trùng tu nội tự bi, sư chí, minh viết, No 8328 - 31

[10]Bản lai: Chỉ cái vốn xưa nay. Trạng thái ban đầu không có một vật, giống như từ vô thủy đến nay. Nhiếp Đại thừa luận có nói Tự tính vốn thanh tịnh kia chính là nói tự tính vốn gốc thanh tịnh, tức tự tính chân như.

[11]Nguyên văn:敕特賜證洪福寺僧正黃忍字性燭為本來和尚道週禪師其本來者皇庭寵命金栗褒名契夙緣覺道童真得衣缽宗傳妙旨可以龜鏡禪家永為棟樑佛道爰以龍章一幅花藻數詞特頒嘉賞於金言賜示本來於玉偈

世尊灌頂正傳燈,特賜龍章證上乘。佛法萬千三要法,神僧十六一名僧。雞碑高照文輪預,龍象重加道更增。旨準禪林為眼目,光回佛日日昇恒。

[12]Một trong những nghi thức tác pháp của Mật giáo. Tức là lấy nước thơm át già rưới lên đỉnh đầu của người tu hành đạo Phật để chứng minh công đức của người ấy. Đồng nghĩa với các nhóm từ Cam lộ quán đính, Hương thủy quán đính. [X. Kim Cương Đính Nghĩa Quyết Q.thượng].

[13] Trong kinh Phật thường ví các vị Bồ Tát, A la hán là bậc long tượng, vì các vị là kiệt xuất, vượt trội hơn cả trong muôn loài chúng sinh

[14]Theo Tào Động chính phái - Cúng Tổ khoa – Hồng Phúc tự. Bản viết tay do Đệ tử Lại Ngọc Quỳnh chép năm 1892. Tàng bản tại chùa Hồng Phúc và theo Lược soan Linh Quang tự Thiền phổ, bản chép tay năm 1958, chùa Tư Khánh tàng khoa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6794406