KHẢO LUẬN VỀ ĐỆ TAM TỔ PHÁI TÀO ĐỘNG VIỆT NAM
NHƯ SƠN THIỀN SƯ (1681 – 1737)
TS. PHẠM VĂN TUẤN*
Cuối thế kỉ XVIII, phái Tào Động truyền vào Đại Việt. Người đưa phái Tào Động vào Đại Việt là Thủy Nguyệt Thông Giác, một người đã nhiều công sang phương Bắc tu học ở núi Phượng Hoàng. Đắc pháp, Thủy Nguyệt về Đại Việt và truyền giáo ở vùng Kinh Môn – Đông Triều ngày nay. Sau khi tu tập tại chùa Tường Quang Non Đông (Đông Triều – Quảng Ninh), Thủy Nguyệt thu nhận đệ tử, mở rộng pháp phái. Đệ tử đời thứ 2 phái Tào Động ở Đại Việt là Chân Dung Tông Diễn thiền sư. Tông Diễn không chỉ phát huy đạo học từ thầy, mà còn mở rộng ảnh hưởng của tông phái đến với triều đình nhà Lê ở Thăng Long. Khi Tông Diễn lên kinh đô, thuyết giảng kinh pháp cho triều đình, đồng thời nhận chùa Hòe Nhai tu trì. Từ đó, Hòe Nhai thành tổ đình chính của phái Tào Động ở kinh đô Thăng Long và phát triển cho đến ngày nay. Kế nối Tông Diễn, truyền đến tổ thứ 3 phái Tào Động là Từ Sơn Hành Nhất thiền sư. Từ Sơn vốn thụ giới với Tông Diễn, theo bài kệ truyền thừa phái Tào Động, trụ trì qua chùa Tường Quang Non Đông, rồi chùa Quảng Nghiêm núi Vạn Đức (Kinh Môn – Hải Dương) và chùa Hòe Nhai (Hà Nội), nhưng đồng thời ông cũng có tháp thờ tại tổ đình phái Lâm Tế là chùa Phật Tích. Trong các tác phẩm văn học Phật giáo, Từ Sơn đều dùng tên hiệu là Như Sơn, cách dùng theo kệ Lâm Tế, nhưng bản thân con người ông là Đệ tam tổ của phái Tào Động. Con người Như Sơn, một tổ Tào Động nhưng theo cả phái Lâm Tế mở ra cách nhìn mới về đạo Phật thế kỉ XVIII trong sự dung thông hai tôn giáo để tạo nên sự phát triển Phật giáo ở Đại Việt. Thân phận Đệ nhất, Đệ nhị tổ đều có ngữ lục, nhưng Đệ tam tổ Như Sơn - Từ Sơn thì không, cùng với sự dung thông hai tông phái, nên tìm hiểu về ông, về con người hai thân phận cần nhiều nguồn sử liệu Phật giáo. Do đó, bài viết này là tổng hợp tư liệu Phật giáo, để luận giải con người Đệ tam tổ phái Tào Động ở Việt Nam: Từ Sơn Hành Nhất Thiền sư và thống nhất với cách gọi Như Sơn thiền sư, hai tên hiệu trong một con người.
1. Khái quát về Thiền sư Từ Sơn
1.1. Về con người Từ Sơn - Như Sơn
Căn cứ vào tháp Viên Minh được dựng ở sườn núi chùa Quảng Nghiêm (thị trấn Phú Thứ - Kinh Môn – Hải Dương) vào năm 1738, sau khi Từ Sơn Hành Nhất viên tịch thì chúng ta biết được ông tên thật là Tưởng Hữu Kiên, sinh năm 1681 và mất năm 1737, thọ 57 tuổi. Từ Sơn quê làng Ngãi ở Chân Định, nay được xác định là Thái Bình. Ông họ Tưởng, cũng vì thế nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giữa ông và Chân Dung Tông Diễn nhiều khả năng có quan hệ gia đình. Bởi Chân Dung Tông Diễn cùng quê lại cùng họ. Từ Sơn theo thầy Chân Dung tu hành với chữ Từ theo kệ truyền phái Tào Động. Về tên tuổi của Từ Sơn, đều trùng với thiền Như Sơn ở chùa Hòe Nhai, từ tên Tưởng Hữu Kiên đến quê quán, thời đại, truyền thừa. Nên có thể khẳng định, Từ Sơn chính là Như Sơn. Về sau Như Sơn biên soạn sách Kế đăng lục, một đời gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp đầu thế kỉ XVIII. Kế đăng lục có lẽ là công trình đồ sộ nhất của ông, trong đó ghi tên biên soạn là Như Sơn chùa Hồng Phúc bao trùm từ lịch sử Phật giáo khởi nguyên đến Trung Quốc mà đặc biệt phần viết về chư tổ Đại Việt với hai phái Lâm Tế và Tào Động rất có giá trị.
Năm 1737, Từ Sơn mất, tháp thờ ở chùa Quảng Nghiêm và chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Tại sao Từ Sơn được thờ ở chùa Phật Tích, một tổ đình phái Lâm Tế, bài vị vẫn ghi Từ Sơn Hành Nhất? Điều này cho thấy, Như Sơn với chữ Như đã tuân theo bài kệ truyền thừa phái Lâm Tế. Sau này, nhiều chùa Lâm Tế, Tào Động đều có thờ tổ, có bài vị để vọng tưởng đến sự nghiệp của tổ Từ Sơn - Như Sơn với sự phát triển của sơn môn pháp phái và lịch sử Phật giáo Việt Nam.
1.2. Văn bia tháp Viên Minh
Từ Sơn – Như Sơn từng trụ trì chùa Tường Quang, chùa Hồng Phúc Hòe Nhai nhưng căn cứ tháp Viên Minh thì ông xây dựng và trụ trì chùa Quảng Nghiêm. Tháp Viên Minh tại chùa Quảng Nghiêm đã ghi lại thân thế và sự nghiệp của ông. Tháp nhỏ, cao khoảng hơn 4m, được dựng bằng đá xanh, gồm 3 tầng chưa tính tu di tọa ở dưới. Tháp hiện ở phía sau bên trái chùa Quảng Nghiêm, bên trên sườn núi. Trên tháp khắc ba chữ Viên Minh tháp 圓明塔, ngoài cửa tháp có đôi câu đối nhỏ, nội dung:
儼儼證三身並乾坤如在
陀陀圓一性超日月長明
Nghiễm nghiễm chứng tam thân, tịnh càn khôn như tại;
Đà đà viên nhất tính, siêu nhật nguyệt trường minh.
Ngoài ra, trong lòng tháp cũng có bài bị, ghi lại nội dung như sau: Viên Minh tháp Tăng thống Tịnh Giác Đại hòa thượng Hành Nhất thiền sư Tặng phong Phổ Tế Hóa Sinh Bồ tát thiền tọa hạ圓明塔僧統凈覺大和尚行一禪師贈封普濟化生菩薩禪座下. Thực chất, bài vị này và bài vị ở chùa Phật Tích có nội dung giống nhau. Tuy nhiên, ngoài điểm khác biệt là hai tháp ở Phật Tích và Quảng Nghiêm có kích cơ khác nhau thì trên thân tháp Viên Minh tại chùa Phật Tích cũng không hề có bài văn ghi lại công tích thiền sư. Điều đó cho thấy tháp chùa Phật Tích chỉ là thờ vọng mà thôi.
Bài minh trên tháp Viên Minh tại chùa Quảng Nghiêm được khắc chân phương, chữ viết rõ ràng, đã có một số chữ bị mờ hoặc vỡ do năm tháng. Tuy nhiên bài minh gần như còn nguyên vẹn nội dung. Với chiều cao khoảng gần 1 m, và chiều ngang cũng gần như thế với phần trên nhỏ hơn theo hướng chóp tháp. Nội dung văn bia tháp Viên Minh như sau:
圓明塔
誌塔
夫玄空惟一,妄境寔繁。稟惟一而萬化生成;隨萬化而惟一元照。無形可測,無語可諳。無形而形遍大千;無語而語週億剎。
豈謂元明性海,澄徹真空而為不覺妄,風吹成識;浪彼覺皇出世,隱耀雙林而我師生時,韜光八識。育王崇佛建塔;弟子事師浮屠。只為:心生三事,本敦厚之情懷;德報四恩,築義仁之基址。於是,旁尋良匠,卓定鎡基。構翠石而合金釘;誌機緣而鑴寶塔。粵有越國真定艾鄉,師蔣宗,歲辛酉,童真入道,冠弱出家,首眾斗山得法於真融和尚。君王龍筆旨傳為禪典繼燈。
屬潛龍講說於乾初,世珍出眾;
會旭日重光於離照,曰位為師。
由是皈依者眾,供養日多。以無量之貨錢,興無量之功德。時年甲辰肇造廣嚴寺。是寺地勢有情,塵囂不到。禪扃雖小,而有廣大之基圖;勝景可因,含無窮之趣味。囑遺法子而住持焉。所迨歲惟丁巳,時屬仲冬師,當壽五十七之年而化於一十四之日,申時圓寂,午歲闍維。於是法子收取舍利,一建塔于廣嚴寺左;一建塔於佛跡寺。耽於戊午年起工,至己未年完好。此塔此山,相億萬年之峙;千載之下,足如斯,目如斯,覩踪跡之如斯。維禪師之德業,愈久愈光。道場之芳名與禪師並傳也
旹永佑四年三月穀日造
法子首座字性燭建塔撰文記
唐豪縣中立社寺丞范嘉樂字如蘭恭寫
Phiên âm:
Chí tháp
Phù huyền không duy nhất, vọng cảnh thật phồn. Bẩm duy nhất nhi vạn hoá sinh thành, tuỳ vạn hoá nhi duy nhất nguyên chiếu. Vô hình khả trắc, vô ngữ khả am. Vô hình nhi hình biến đại thiên; vô ngữ nhi ngữ chu ức sát. Khởi vị: nguyên minh tính hải, trừng triệt chân không nhi vi bất giác vọng. Phong xuy thành thức. Lãng bỉ giác hoàng xuất thế, ẩn diệu song lâm nhi ngã sư sinh thời thao quang bát thức. Dục vương sùng phật kiến tháp; Đệ tử sự sư phù đồ. Chỉ vi: tâm sinh tam sự, bản đôn hậu chi tình hoài; đức báo tứ ân, trúc nghĩa nhân chi cơ chỉ. Ư thị, bàng tầm lương tượng, trác định tư cơ. Cấu thuý thạch nhi hợp toàn đinh; chí cơ duyên nhi huề bảo tháp. Việt hữu Việt Quốc Chân Định Ngải Hương, sư Tưởng tông. Tuế tân dậu, đồng chân nhập đạo, quán nhược xuất gia, thủ chúng đẩu sơn, đắc pháp ư Chân Dung hoà thượng. Quân vương long bút chỉ truyền vi Thiền điển kế đăng. Chúc tiềm long giảng thuyết ư càn sơ, thế trân xuất chúng. Hội húc nhật trùng quang ư ly chiếu, viết vị vi sư. Do thị, quy y giả chúng, cúng dưỡng nhật đa, dĩ vô lượng chi hoá tiền; Hưng vô lượng chi công đức. Thời niên Giáp Thìn triệu tạo Quảng Nghiêm tự. Thị tự, địa thế hữu tình, trần hiêu bất đáo. Thiền quynh tuy tiểu nhi hữu quảng đại chi cơ đồ; thắng cảnh khả nhân, hàm vô cùng chi thú vị. Chúc vị pháp tử nhi trụ trì yên. Sở đãi tuế duy Đinh Tỵ, thời chúc trọng đông, sư thọ đương ngũ thập thất chi niên, ư nhất thập tứ chi nhật thân thời, viên tịch. Ngọ tuế xà duy. Ư thị, pháp tử thu thủ xá lợi, nhất kiến tháp vu Quảng Nghiêm tự tả. Nhất kiến tháp ư Phật Tích tự. Đam ư mậu ngọ niên khởi công, chí Kỷ Mùi niên hoàn hảo. Thử tháp thử sơn tương ức vạn niên chi kỳ, thiên tải chi hạ, thị như tư, mục như, tư đổ tung tích chi như tư. Duy thiền sư chi đức nghiệp, dũ cửu dũ quang. Đạo tràng chi phương danh dữ thiền sư tịnh truyền dã.
Thời Vĩnh Hựu tứ niên tam nguyệt cốc nhật tạo
Pháp tử thủ toạ tự Tính Chúc kiến tháp soạn văn ký
Đường Hào huyện Trung Lập xã tự thừa Phạm Gia Lạc tự Như Lan cung tả”
Tạm dịch: Ghi trên tháp.
Ôi! Huyền không chỉ duy nhất, mà vọng cảnh thật nhiều[1]. Bẩm thụ duy nhất mà muôn biến hóa được sinh thành; Tùy theo muôn biến hóa mà duy nhất được nguyên sơ chiếu tỏ[2]. Không có hình nhưng có thể lường, không có lời nhưng có thể hiểu. Không có hình mà hình khắp cõi đại thiên[3]; không có lời mà lời trùm muôn kiếp[4]. Há gọi là biển tính sáng ngời[5], thấu triệt[6] chân không[7] mà chẳng hiểu sai lầm, gió thổi thành thức[8]; Như thế, Giác Hoàng[9] hiện thế gian, ẩn sáng ngời dưới cây Song Lâm[10] mà khi thầy ta sinh ra đã ẩn ngầm ánh sáng tám thức[11]. A Dục xây tháp sùng kính Phật[12]; Đệ tử thờ thầy dựng phù đồ[13]. Chỉ là: Lòng sinh ba việc[14], tâm tình hàm chứa đôn hậu; đức báo bốn ân[15], dựng xây nền móng nhân nghĩa. Vậy nên, tìm khắp thợ giỏi, định sẵn máy bào, xây đá biếc mà hợp đinh vàng; ghi chép cơ duyên mà khắc vào bảo tháp. Nay có sư thầy họ Tưởng, người làng Ngãi, Chân Định nước Việt, tuổi Tân Dậu[16], đồng chân nhập đạo[17], đến tuổi nhược quán[18] xuất gia, tài như thái sơn bắc đẩu đứng đầu tăng chúng[19], đắc pháp với Chân Dung Hòa thượng[20]. Nhà vua long bút sắc chỉ truyền làm sách Thiền uyển kế đăng. Từ khi thuộc vận rồng ẩn giảng thuyết ở đầu quẻ Càn đã là bậc trân quý trên đời hơn người[21]. Gặp mặt trời thêm sáng[22], chiếu rọi của quẻ Li mà tên gọi là sư[23]. Do đó, người quy y thêm đông, kẻ cúng dàng ngày càng lắm. Dùng vô lượng tiền bạc để hưng sùng vô lượng công đức. Vào năm Giáp Thìn (1724) xây dựng chùa Quảng Nghiêm. Chùa này địa thế hữu tình, bụi trần không đến. Cảnh thiền tuy nhỏ, nhưng có cơ đồ rộng lớn; thắng. cảnh đáng dựa, mà chứa thú vị vô cùng. Di chúc cho pháp tử mà trụ trì ở đấy. Vừa đến giờ thân[24], ngày 14 tháng giữa mùa đông năm Đinh Tỵ (1737), sư viên tịch, hưởng thọ 57 tuổi[25]. Năm Ngọ (1738) làm lễ xà duy[26]. Sau đó, pháp tử thu xá lị, dựng một tháp ở bên trái chùa Quảng Nghiêm; dựng một tháp ở chùa Phật Tích. Lại khởi công vào năm Mậu Ngọ (1738) đến năm Kỉ Mùi (1739) thì hoàn hảo. Tháp đấy, núi đấy, để ngời ngợi muôn vạn năm; nghìn năm về sau, đúng như thế, nhìn thấy như thế, xem dấu tích còn như thế. Riêng, Đức nghiệp của thiền sư, càng ngày càng sáng tỏ. Đạo tràng thơm danh với thiền sư cùng lưu truyền.
Tạo ngày tốt tháng 3 năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738)
Pháp tử Thủ tòa tự là Tính Chúc, dựng tháp soạn văn.
Người ở xã Trung Lập huyện Đường Hào, chức Tự thừa là Phạm Gia Lạc, tự Như Lan kính viết.
Nội dung về con người thiền sư rất hiển minh trong văn bia. Tuy nhiên, vấn đề tên Từ Sơn và Như Sơn không được biện luận một cách cụ thể. Văn bia thân phận chỉ cho chúng ta biết được thời gian ông sinh và mất cũng như thụ giới bởi Chân Dung Tông Diễn và tháp thờ ở hai chùa Phật Tích và Quảng Nghiêm. Rõ ràng, văn bia với nội dung như thế, nhưng hậu học không biết được rằng nguyên do nào Tịnh Giác Từ Sơn Hành Nhất thiền sư phái Tào Động lại được thờ tự trong tổ đình Lâm Tế thiền phái chùa Phật Tích ở Bắc Ninh. Nguyên do có cả, tư liệu Phật giáo tản mác trong các thư viện chùa chiền cũng như lưu ở các viện nghiên cứu phần nào hiển hiện được nguồn gốc của tên tự Như Sơn theo kệ thừa Lâm Tế, và Từ Sơn Hành Nhất theo kệ phái Tào Động, mà bản thân Như Sơn dùng trong trước tác cũng như các tác phẩm lưu hành đến nay.
1.3. Như Sơn và Từ Sơn – hai tên hiệu mà một con người
Trước tiên là truyền thừa, thông qua các thư tịch như văn bia chùa Hòe Nhai, khoa cúng chùa Hòe Nhai, khoa cúng chùa Tiêu Sơn … của thiền phái Tào Động ở Việt Nam đều ghi truyền thừa từ Chân Dung Tông Diễn đến Từ Sơn Hành Nhất và từ Từ Sơn Hành Nhất đến Tính Chúc cũng như thế thứ đệ tử về sau. Nội dung các thư tịch trên cũng chép Từ Sơn Hành Nhất có tháp thờ là Viên Minh tháp tại chùa Quảng Nghiêm, như Khoa cúng tổ chùa Hòe Nhai ghi rõ như sau: Tổ thứ 3 của phái Tào Động tông ở tháp Viên Minh chùa Quảng Nghiêm thiền tự núi Vạn Đức được triều Lê trước đây sắc ban là Tăng thống Tịnh Giác hòa thượng, pháp húy Từ Sơn Hành Nhất thiền sư, tặng phong Phổ Tế Hóa sinh Bồ tát[27]. Đồng thời văn bia chùa Hòe Nhai cho thông tin về Như Sơn như sau:
Nam mô Diệu Quang tháp Chân Dung Hòa thượng pháp húy Tông Diễn Đại Tuệ tổ sư
Nam mô Viên Minh tháp Tăng thống Tịnh Giác Đại hòa thượng pháp húy Từ Sơn Hành Nhất tổ sư
Nam mô Linh Nham tháp Đặc chế Bản Lai Đại hòa thượng pháp húy Tính Chúc Đạo Chu tổ sư[28].
So sánh với văn bia trên tháp Viên Minh tại chùa Quảng Nghiêm do chính Tính Chúc Đạo Chu soạn mà chúng tôi giới thiệu ở trên thì các thông tin thống nhất với khoa cúng cũng như văn bia chùa Hòe Nhai. Nội dung khoa cúng cũng như văn bia tháp Viên Minh đều ghi chép Từ Sơn Hành Nhất là tổ thứ 3 của phái Tào Động ở Đại Việt. Đồng thời văn bia tháp Viên Minh cho biết Từ Sơn Hành Nhất không chỉ được thờ ở chùa Quảng Nghiêm mà còn được thờ tại chùa Phật Tích. Thông tin bia tháp Viên Minh ở chùa Quảng Nghiêm cũng cho biết Từ Sơn Hành Nhất tên là Tưởng Hữu Kiên người Hương Ngãi, Chân Định, Kiến Xương tương tự như bia chùa Hòe Nhai, kí hiệu 290 trong kho thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm với nội dung: Tưởng Hữu Kiên tên tự là Như Sơn người Hương Ngãi - Chân Định - Kiến Xương - Sơn Nam kính cẩn viết mặt này[29]. Tra cứu Kế đăng lục, chúng tôi thấy người soạn là Như Sơn và các đệ tử. Nguyên văn Kế đăng lục viết: “Hồng Phúc tự Sa môn Như Sơn phụng soạn[30]” và “Sa môn chùa Hồng Phúc là Như Sơn trước thuật, Môn nhân Sa di Tính Chúc đọc duyệt, Sa di Tính Phái, Tính Hiển tham gia hiệu đính[31]”. Như vậy, qua các thông tin cùng truyền thừa, cùng tên tháp bia với trùng bài vị, cùng quên quán, tên họ cũng như truyền thừa từ sư phụ đến đệ tử và soạn Kế đăng lục cho ta thấy Từ Sơn Hành Nhất và Như Sơn thiền sư là một người, là Tưởng Hữu Kiên và cùng quê cùng quán.
Như vậy, qua các thông tin dẫn dụ trên chúng tôi có thể khẳng định Như Sơn và Từ Sơn là một người dựa trên truyền thừa tông phái, cùng đệ tử, cùng được ghi việc biên soạn Kế đăng lục và thậm chí cùng tên họ, quê quán. Tuy nhiên, tại sao chỉ một người mà lại hai tên, và Từ Sơn Hành Nhất là tên đúng theo kệ tông phái Tào Động, lại được thờ tháp ở chùa Phật Tích của tông Lâm Tế, còn Như Sơn, tên theo kệ tông Lâm Tế lại được ghi chép ở chùa Hòe Nhai tổ đình Tào Động tông. Phần dưới, chúng tôi tiếp tục biện giải.
2. Từ Sơn Hành Nhất từ truyền thừa Tào Động tông.
Từ khi dòng Tào Động theo Thủy Nguyệt Thông Giác truyền về Việt Nam, ban đầu các tổ xây dựng tổ đình dưới dãy núi An Phụ, thuộc Kinh Môn ngày nay và sau phát triển tông phái từ chùa Tường Quang ở Non Đông. Đến khi viên tịch, Thủy Nguyệt dời sang chùa Thánh Quang. Chân Dung Tông Diễn về kế nối chùa Tường Quang trên Non Đông (nay thuộc Đông Triều). Đời tổ thứ 3 Tào Động tông chính là Như Sơn kế chí tiếp tục tu và trụ trì chùa Tường Quang. Về sau Như Sơn dựng chùa Quảng Nghiêm cũng trong khu vực đất Kinh Môn để tu hành. Ngoài ra, Như Sơn còn về trụ trì chùa Hồng Phúc ở phố Hòe Nhai ở Thăng Long (Hà Nội). Điều này cũng được thấy qua việc xây dựng các tháp thờ tự của các tổ khi các chốn tổ này đều có tháp của từng vị để thờ. Chùa Tường Quang với tháp thờ Thủy Nguyệt Thông Giác, chùa Thánh Quang với tháp thờ Chân Dung Tông Diễn, chùa Quảng Nghiêm với tháp thờ Từ Sơn Hành Nhất. Có lẽ càng về sau, thì việc tháp thờ cũng như chùa chính của chư tăng cũng được cởi mở hơn với việc đệ tử lập tháp thờ vọng nhiều nơi như chính Từ Sơn Hành Nhất được thờ ở chùa Phật Tích.
Bia tháp Viên Minh cũng ghi Từ Sơn là đệ tử của Chân Dung Tông Diễn. Theo các khoa cúng tổ chùa Tiêu Sơn, khoa cúng tổ cũng như văn bia chùa Hòe Nhai mà chúng tôi đã dẫn thuật thì truyền thừa tông Tào Động có thể được diễn dịch từ Thủy Nguyệt Thông Giác – Chân Dung Tông Diễn – Từ Sơn Hành Nhất.
Sự truyền thừa này với các tên tự được nối kết trên cơ sở của bài kệ truyền thừa tông Tào Động truyền vào Đại Việt, mà chắc rằng Thủy Nguyệt Thông Giác đã đặt tên cho đệ tử và Chân Dung lại nối kế đặt cho Từ Sơn. Tuy rằng, nói đến bài kệ truyền thừa này xuất hiện đã khá nhiều trong các tác phẩm nghiên cứu Phật học, nhưng chúng tôi cũng không thấy các tác phẩm lịch sử Phật giáo như Việt Nam Phật giáo sử lược của Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, Lịch sử Phật giáo Việt Nam chủ biên bởi Nguyễn Tài Thư… dẫn nguồn xuất hiện bài kệ này trong hệ thống thư tịch Việt Nam. Bài kệ đã được chúng tôi đọc thấy trong sách Ngữ lục của đệ nhất tổ, đệ nhị tổ chùa Hòe Nhai phái Tào Động do Khoan Dực biên soạn và san khắc tại chùa Đại Quang (Thuận Thành – Bắc Ninh) cũng như Chư Phật ứng tông Ngũ gia phân phái 諸佛應宗五家分派 hiện lưu giữ ván khắc tại chùa Hồng Phúc – Hòe Nhai. Bản Chư Phật ứng tông Ngũ gia phân phái do một thiền sư tông Tào Động là Thanh Như Chiếu biên soạn và cho khắc in còn có kí hiệu AC.502 tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Khoan Dực cũng như Thanh Như Chiếu đã biên soạn nội dung cho biết Thủy Nguyệt Thông Giác sau khi đắc pháp với Nhất Cú Trí Giáo đã đem bài kệ này về truyền thừa tại Đại Việt. Nội dung bài kệ truyền thừa như sau:
Tịnh trí thông tông |
凈智通宗 |
Từ tính hải khoan |
慈性海寬 |
Giác đạo sinh quang |
覺道生光 |
Chính tâm mật hạnh |
正心密行 |
Nhân đức di lương |
仁德彌良 |
Tuệ đăng phổ chiếu |
慧燈常照 |
Hoằng pháp vĩnh trường |
弘法永長 |
Có thể thấy truyền thừa Tào Động tông rất quy chuẩn theo từng chữ trong bài kệ. Điều này được ghi chép lại trong nhiều thư tịch như các khoa cúng, văn bia và các sách khác như Chư Phật ứng tông Ngũ gia phân phái:
Tổ đời thứ 35 là Thủy Nguyệt Thông Giác tôn giả, Thông Giác là người đầu tiên mở ra Tào Động ở nước nam, tổ đời thứ 36 là Tông Diễn tôn giả chùa Hồng Phúc, tổ đời thứ 37 là Từ Sơn Hạnh Nhất tôn giả chùa Hồng Phúc, tổ đời thứ 38 là Tính Chúc Bản Lai tôn giả chùa Hồng Phúc, tổ đời thứ 39 là Hải Điện Đại Điên Mật Đa tôn giả, tổ đời thứ 40 là Khoan Dực Đạo Nguyên Thanh Lãng tông giả[32].
Từng chữ truyền thừa đó ứng với từng tên thiền sư trong sự phát triển nối tiếp, kế đăng của tông phái Phật giáo. Tào Động, cũng như Lâm Tế, khi phát triển truyền thừa ở Việt Nam đều có bài kệ như thế. Và Từ Sơn, với tên hiệu là Như Sơn, cũng chính là xuất phát từ kệ truyền thừa phái Lâm tế ở Đại Việt để rồi bản thân ông có cả hai tông Tào Động và Lâm Tế.
3. Như Sơn từ truyền thừa Lâm Tế tông
Lâm Tế tông được truyền vào Đại Việt từ đầu thế kỉ XVII bởi Chuyết Chuyết thiền sư[33]. Chuyết Chuyết người Chương Châu tỉnh Phúc Kiến, vào Đại Việt từ sớm, khoảng năm 1633 ông ra Thăng Long và bắt đầu truyền giáo ở Đàng Ngoài. Sau một thời gian, tạo được ảnh hưởng với xã hội đương triều vua Lê chúa Trinh cùng hoàng thân quốc thích, nhận sự hỗ trợ to lớn từ phong hóa miền Bắc, Chuyết Chuyết đã về dựng xây tông môn tại hai chùa Phật Tích và Bút Tháp. Tại đây, Chuyết Chuyết truyền tông môn Lâm Tế theo bài kệ:
Trí tuệ thanh tịnh Đạo đức viên minh Chân như tính hải Tịch chiếu phổ thông Tâm nguyên quảng tục Bản giác xương long Năng nhân thánh quả Thường diễn khoan hoằng Duy truyền pháp ấn Chính ngộ hội dung Kiên trì giới định Vĩnh thiệu tổ tông[34] |
智慧清淨 道德圓明 真如性海 寂照普通 心源廣續 本覺昌隆 能仁聖果 常演寬宏 惟傳法印 正悟會融 堅持戒定 永繼祖宗 |
Bài kệ rất dài gồm 48 chữ được truyền từ Lâm Tế tông ở Trung Quốc. Ban đầu, bài kệ chỉ có 16 chữ từ Trí Bản Đột Không, về sau, phát triển thành 48 chữ và lưu truyền rộng rãi trong tông môn ở miền Nam Trung Quốc. Sau đó, bài kệ được Chuyết Chuyết đưa vào Đại Việt. Bài kệ truyền thừa từ Viên Văn Chuyết Chuyết truyền xuống hàng chữ Minh như Minh Lương, Minh Huyễn…, truyền xuống hàng chữ Chân như Chân Nguyên Tuệ Đăng, Chân Trú Tuệ Nguyệt…. Từ hàng chữ Chân lại truyền xuống nhiều người ở hàng chữ Như nữa, như Như Thị, Như Như, Như Lãm, Như Văn….
Khi tư liệu chứng thực Từ Sơn Hành Nhất thuộc phái Tào Động, hoặc Từ Sơn chính là Như Sơn thì không khó khi truyền thừa cũng như tư liệu thành văn còn lưu lại, thì chứng thực Như Sơn nhận hàng chữ Như từ kệ truyền thừa phái Lâm Tế là rất khó. Hoặc chăng tư liệu quá ít để chứng thực được nội dung. Trước tiên, để minh chứng cho Như Sơn là người thuộc phái Lâm Tế chính là tháp của Như Sơn được thờ trên vườn tháp tổ đình Lâm Tế chính tông chùa Phật Tích. Vậy, khả năng Như Sơn phải là một vị tổ của chùa Phật Tích nên mới có tháp thờ tổ như thế! Như Sơn về trụ trì và thành tổ tại Phật tích khi nào? Khả năng đặt ra, Như Sơn là Tăng thống đương triều, dự vào hàng tổ của Lâm Tế, nên được đặt tượng thờ trong chốn tổ Lâm Tế là điều hiển nhiên.
Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi[35] được Phúc Điền biên soạn cho rằng Như Sơn thuộc đời thứ 4 chùa Phật Tích với nội dung như sau: Chuyết Công hòa thượng trụ trì chùa Vạn Phúc là người khởi đầu, truyền xuống đời thứ 2 là Minh Lương, xuống đời thứ 3 là Minh Huyễn, đời thứ 4 là Như Sơn[36]… Tuy nhiên, thật khó để đoán định rằng Như Sơn thụ kí từ chính Minh Huyễn, bởi nếu Như Sơn là đệ tử của Minh Huyễn thì thế thứ tên tự của ông phải ở hàng chữ Chân theo bài kệ truyền thừa. Như thế, Như Sơn phải là đệ tử của một vị nào đó trong hàng chữ Chân dòng Lâm Tế tông có nguồn gốc từ Phật Tích. Và thư tịch Phật giáo đương thời còn lưu lại cho thấy Như Sơn khả năng là đệ tử của Chân Nguyên thiền sư. Pháp giới an lập đồ, một trong những tư liệu hiếm hoi ghi rằng Như Sơn là hàng đệ tử của Chân Nguyên thiền sư còn lưu lại tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho chúng ta những thông tin cơ bản về mối quan hệ này, đồng thời lý giải được nguồn gốc tên hàng chữ Như cho tên Như Sơn trong truyền kệ phái Lâm Tế:
Bài tựa cho lần in lại sách Pháp giới an lập đồ:
Trúc Lâm Tăng thống Chính giác Hòa thượng tên tự là Chân Nguyên ở chùa Long Động núi Yên Tử phó chúc cho người khéo hộ niệm là Sa di tăng tên tự là Như Sơn ở chùa Tường Quang núi Đông Sơn trùng san[37].
Thông tin từ Pháp giới An lập đồ tựa cho chúng ta biết được Như Sơn trụ trì chùa Tường Quang Non Đông, đồng thời có khả năng là đệ tử của Chân Nguyên thiền sư. Khi Chân Dung Tông Diễn viên tịch (1711) khi đó, Từ Sơn mới 30 tuổi. Đồng thời, khi đó Chân Nguyên đang là Tăng thống, uy tín vang khắp triều dã. Dân đến khả năng Từ Sơn đã dựa vào Chân Nguyên và thành đệ tử mà có tên là Như Sơn. Cũng lý do đó, mà ông nhận được phó chúc cho việc in san kinh sách cũng như được thờ tháp ở chùa Phật Tích.
Như vậy, cho đến khi Chân Nguyên viên tịch năm 1726 thì Như Sơn khi đó 45 tuổi đã là một thiền tăng của cả hai dòng Lâm Tế tông và Tào Động tông. Và có thể, khi Chân Nguyên viên tịch rồi, Như Sơn kế đăng và sau thành Tăng thống đương Lê triều và từ Tường Quang về trụ trì chùa Phật Tích.
4. Tác phẩm và tư tưởng Từ Sơn Hành Nhất – Như Sơn thiền sư
Đến nay, kho sách Hán Nôm còn lại rất ít tác phẩm của Như Sơn thiền sư. Có thể do thời gian, mà tác phẩm của ông không còn nhiều. Ngoài Kế đăng lục, ngoài một số sách ông phó chúc cho đệ tử đứng ra in ấn thì Như Sơn chỉ còn lại một bài Tựa khi các đệ tử cho in lại bản kinh Phật mà lưu lại đến nay là Phật thuyết Quán Di lặc Bồ Tát thượng sinh đâu suất Đà thiên kinh. Sách này được tăng của phái Tào Động là Tăng thống Thanh Lãng biên tập và cho in tại chùa Đại Quang, huyện Siêu Loại tỉnh Bắc Ninh có niên đại thời Lê, năm Nhâm Thân, không rõ là năm nào.
Về văn bản Kế đăng lục, hiện nay còn lưu hai bản trong Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong quá trình khảo cứu văn bản, chúng tôi có được sự dịch chuyển văn bản qua quá trình lịch sử như sau:
- Bản đầu tiên năm 1734 thời Như Sơn.
- Bản in lại bởi Phúc Điền hòa thượng năm 1859.
- Bản in năm 1907 bởi chùa Nguyệt Quang – Hải Phòng
- Bản in năm 1943 trong Việt Nam Phật điển tùng san
- Bản in năm 1907, gồm 3 quyển, sách bảo lưu trọn vẹn lời giới thiệu của Phúc Điền cũng như toàn bộ nội dung văn bản, bao gồm phần Như Sơn khảo cứu cũng như phần Phúc Điền thêm bổ nội dung chỉ khác khi thêm phần công đức cũng như người hưng công, niên đại và địa điểm khắc in là chùa Nguyệt Quang ở phía sau sách. Bản in trong Việt Nam Phật điển tùng san năm 1943 lại được in lại chính từ ván khắc của bản in năm 1907 chùa Nguyệt Quang, nên về nội dung quyển sách, không hề có sự sai biệt.
Luận giải về tư tưởng Như Sơn thiền sư, thực chất là vấn đề nan giải. Thủy Nguyệt và Chân Dung đều sống sang thế kỉ XVIII, và khi đó, phái Lâm Tế cũng đang rất mạnh. Phái Tào Động cũng từng bước khẳng định được vị trí của tông phái trong triều đình nhà Lê. Đương thời, Lê Hi Tông xiển mộ Phật giáo, cổ xúy từ thời Chân Nguyên và cả Chân Dung Tông Diễn. Được sự ủng hộ của triều đình như thế, Phật giáo đương thời phát triển mạnh mẽ không chỉ nơi triều chính mà còn ngoài dân dã. Gắn với triều đình, cổ xúy thiền phái, phát triển tông phong, in ấn kinh sách đã được các thiền sư triệt để triển khai. Như Sơn cũng không ngoại lệ. Đồng thời, tiếp nối truyền thống tư tưởng Tào Động tông, gắn liền với tư tưởng Ngũ vị quân thần, Như Sơn đã gắn liền Phật giáo với chính trị, với triều chính để Phật giáo được hoằng dương một cách triệt để nhất. Tuy rằng, cũng không thể bỏ qua sự phát triển tư tưởng Thiền Tịnh Mật trong tư tưởng Như Sơn. Bởi, Thiền Tịnh Mật không phải đến thời Như Sơn mới manh nha phát triển mà là sự tiếp nối trong chuyển biến từ tư tưởng Phật giáo đương thời ở cả triều đình Minh đến Thanh cũng như Đại Việt. Do đó, có thể thấy, tính nội tại của tư tưởng của Như Sơn – Từ Sơn Hành Nhất chính là gắn liền với triều chính, mà Chân Dung Tông Diễn đã phát huy. Cũng như, chính phái Lâm Tế qua ảnh xạ của Chân Nguyên thiền sư.
Tạm kết
Nghiên cứu quá khứ là một việc khó, nghiên cứu lịch sử Phật giáo các giai đoạn trước trong lịch sử dân tộc lại là việc càng khó. Tính chính xác của sử liệu giúp người nghiên cứu tiếp cận được chân thực hơn vấn đề nghiên cứu. Bởi, thiên tai, nhân họa và bởi cả sự thiếu minh bạch trong ghi chép cũng như mục đích viết lách lại của người đời sau. Việc không chính xác trong sử liệu, trong nhận định vấn đề, được các thế hệ sau trích dẫn, rồi ghép, bình luận vào trong tác phẩm mà không hề truy cứu văn bản gốc dẫn đến từng lớp lang chồng lên nhau và các nhận định ngày càng xa rời tính chân thực ban đầu.
Nghiên cứu về Như Sơn chỉ là một mảng trong một khung trời lớn của lịch sử Phật giáo nước nhà. Nghiên cứu Như Sơn chỉ là một mắt xích để nối lại các khoảng, các lớp lang từ tông giáo đến tư tưởng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt trong mối giao thoa giữa phái Lâm Tế và phái Tào Động ở Việt Nam. Đây cũng là quá trình diễn ngôn các văn bản học, chắp nối và thông diễn với ngữ nghĩa từ quá khứ đến hiện đại để làm rõ con người, thời đại và văn hóa Phật giáo thiền phái Tào Động cũng như Lâm Tế giai đoạn cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII mà Như Sơn thiền sư là một điển hình.
Viết lại tại Viện Thời Vũ ngày 2 tháng 12 năm 2015
Thư mục tham khảo:
1. Liêu Trung xã cổ tự chỉ, kí hiệu Ah a ¼, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
2. Cúng tổ khoa chùa Hòe Nhai, chùa Hòe Nhai, Hàng Than, Hà Nội
3. Cúng tổ khoa chùa Tiêu Sơn, chùa Tiêu, Từ Sơn, Bắc Ninh
4. Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1 từ Bắc thuộc đến thời Lý.
5. Kế đăng lục, AC. 158a – AC. 158 b, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm
6. Phật thuyết Quán Di lặc Bồ Tát thượng sinh đâu suất Đà thiên kinh, AC 436, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
7. Ngũ gia phân phái, kí hiệu AC. 520, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
8. Kiến tính thành Phật, Chân Nguyên, A.2250, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
9. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, nxb Văn học, Hn, 2000.
10. Viện Triết học, Lịch sử Phật giáo Việt nam, nxb KHXH Hn 1998
* Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[1] Câu này: ý chỉ cõi huyền diệu, tiêu dao, đắc đạo chỉ có một mà thôi, mà cảnh giả tưởng, cảnh không thật, không tốt đẹp thì lại nhiều.
[2] Nguyên chiếu: chúng tôi tạm dịch, nguyên hiểu là chiếu soi từ cái nguyên sơ, cái ban đầu, cái bản lai diện mục của ….vấn đề.
[3] Đại Thiên: chính là tam thiên đại thiên thế giới. Duy Ma cật kinh Phật Quốc phẩm viết: 三轉法輪于大千ba lần chuyển pháp luân ở cõi Đại thiên.
[4] Ức sát: Muôn …. Chúng tôi dịch thoát thành nghĩa gần là MUÔN KIẾP. Đại Phương quảng Phật hoa nghiêm kinh có câu: 億剎塵等劫諸佛出興世 Ức sát trần đẳng kiếp, chư Phật xuất hưng thế – Muôn kiếp cõi trần thế, các Phật ra hưng đời. Từ “ức sát” dùng trong Nội điển rất nhiều, và phần nhiều theo nghĩa muôn kiếp.
[5] Tính hải: Thí dụ lí tính chân như vô cùng sâu rộng như biển, cho nên gọi là tính hải. Đấy là cảnh giới pháp thân của Như lai vậy. Bài tựa sách Tây vực kí viết: 廓群疑于性海,啟妙覺于迷津rộng mở nghi ngờ ở biển tính, mở ra diệu giác với bến mê….
[6] Trừng triệt: trong veo thấy rõ.
[7] Chân không: 1. niết bàn tiểu thừa. Không phải sai lầm, ngụy giả là chân, li rời hiện tướng cho nên gọi là Không. 2. Lại có nghĩa là: Lí tính chân như xa rời tất cả cái tướng hiển hiện thấy của mê tình,. 3. Đối với phi hữu diệu hữu, phi không của không chính là Chân không. Đây theo nghĩa thứ 2.
[8] Thức: chỉ nhận thức siêu việt. Đây có thể là điển tích Huệ Năng giảng về gió động hay phướn động trong Đàn Kinh. Gió thổi động mà nhận thức?!?!?
[9] Giác hoàng: Phật Thích ca mâu ni.
[10] Song lâm: 1. chỉ nơi Thích ca nhâp Niết bàn. 2. Chỉ Thích ca mâu ni. 3. Chỉ tự viện. Đây chỉ nơi Phật nhập niết bàn dưới cây Sala – Song thụ.
[11] Bát thức: thuật ngữ Pháp tướng tông Phật giáo, được hiểu gồm các thức: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỵ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (bản thân), ý (ý thức) cùng với thứ thứ 7 Mạt na thức nghĩa là giữ gìn cái thấy của ta và thứ thứ 8 A lại da thức nghĩa là tàng trữ, tàng trữ tất cả các pháp, tức là thần thức, tính linh, hợp là gọi là tám thức. Tổng cộng có 8 thức.
[12] Dục vương: A-dục vương 阿育王 aśoka: Hoàng đế Ấn Độ, trị vì Đế quốc Khổng Tước (273- 232 trCN). A-dục kiệt xuất, cai trị phần lớn vùng Nam Á,. Ủng hộ Phật giáo, ông lập nhiều bia đá về cuộc đời Phật Thích-ca Mâu-ni, và theo truyền thống Phật giáo, tên ông gắn liền với việc lưu truyền Phật giáo.
[13] Phù đồ: là một cách dịch khác của từ Phật Đà. Nên còn gọi là dạo Phù Đồ. Về sau gọi theo nghĩa là tháp thờ Phật
[14] Tam sự: ba việc. Tam sự nhiều nghĩa. Chúng tôi chọn những nghĩa gần với nội dung. 1. Tam sự là chỉ tu tập giữ Thân – khẩu – ý. 2. Tam sự chỉ: 1 – Bố thí vô tận: quả vị Bồ tát thích việc Bố thí, không hiềm tài của ít nhiều thậm chí cả tính mệnh, tâm không hề chán, như thế là bố thí vô tận. 2- trì giới vô tận: giữ giới cấm giới, không làm trái, không từ bỏ; thấy người bỏ giới thì khuyên nhủ, thương cảm, thấy người giữ giới thì kính trọng tôn sùng, lấy giới pháp mà truyền dạy mọi người mà lòng không hề mệt chán, như thế là giữ giới vô tận. 3- bác văn vô tận: Bồ tát nghe pháp như thế, thì phụng làm theo, muốn chuyển hóa, bác học khắp kinh điển, cùng với thế gian không chán lòng, như thế là bác văn vô tận.
[15] Tứ ân: chỉ ân cha mẹ (gia đình), ân chúng sinh (xã hội), ân đất nước (quốc gia) và ân Tam bảo (tông giáo).
[16] Năm Tân Dậu, theo bản in Kế đăng lục năm 1734, thì năm Tân Dậu phù hợp với tuổi của Như Sơn là 1681.
[17] Đồng chân nhập đạo, tức người tu theo đạo Phật khi chưa lập gia đình!
[18] Quan nhược: theo Khúc Lễ trong Lễ Kí thì 二十曰弱,冠, 20 (tuổi) gọi là nhược, quan.
[19] Sơn đẩu: chỉ cao như núi Thái Sơn, sáng tỏ như sao Bắc Đẩu, chỉ ngôi vị cao sang.
[20] Chân Dung hòa thượng: sư Chân Dung hiệu Tông Diễn (1640-1709) là tổ đời thứ 2 dòng Tào Động tông miền bắc Việt Nam thế kỉ XVII-XVIII. Ông đắc pháp với thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác, sau trụ trì chùa Hồng Phúc Hòe Nhai – Hà Nội.
[21] Nguyên văn: Tiềm long giảng thuyết ư Càn sơ. Nghĩa từ quẻ Càn, sơ Hào sơ Cửu, Tiềm long vật dụng潜龙勿用, của Kinh Dịch,
[22] Húc nhật: Húc nhật nghĩa là mặt trời mới ló dạng.
[23] Li chiếu: Tượng truyện quẻ Li có câu: 明兩作離,大人以繼明照于四方 minh lưỡng tác Li, đại nhân dĩ kế minh chiếu vu tứ phương. Văn cảnh cho thấy chỉ Như Sơn mới xuất hiện (húc nhật) mà đã sáng thêm sáng như quẻ Li.
[24] Thân thời: Giờ thân, theo chia múi giờ trong ngày thì giờ Thân vào 15- 17h chiều.
[25] Năm Đinh Tỵ là năm 1737, sư 57 tuổi, như vậy sư sinh năm 1681. Ở trên ghi ông sinh năm Tân Dậu, tức năm 1681.
[26] Xà duy: chỉ lễ hỏa thiêu, để thu xá lị.
[27] Nguyên văn: 峝宗第三祖萬德山廣嚴禪寺圓明塔故黎勅賜僧統凈覺和尚法諱慈山行一禪師贈封普濟化生菩薩; Phiên âm: Động tông đệ tam tổ, Vạn Đức sơn, Quảng Nghiêm thiền tự, Viên Minh tháp, cố Lê sắc tứ Tăng thống Tịnh Giác hòa thượng, pháp húy Từ Sơn Hành Nhất thiền sư, tặng phong Phổ Tế Hóa sinh Bồ tát
[28] Văn bia này được dựng năm Gia Long thứ 13 (1824), có thác bản kí hiệu số 334, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nguyên văn chữ Hán: 南無妙光塔真融和尚法諱宗演大慧祖師,南無南無圓明塔僧統凈覺大和尚法諱慈山行一大祖師, 南無靈巖塔特製本來大和尚法諱性燭道週祖師.
[29] Nguyên văn chữ Hán: 山南建昌真定香藝蔣有堅字如山敬寫此面.
[30] Nguyên văn chữ Hán: 鴻福寺沙門如山奉撰
[31] Nguyên văn chữ Hán: 鴻福寺沙門如山著述,門人沙彌性燭叅閱,沙彌性派,性顯叅較
[32] Nguyên văn chữ Hán: 第三十五祖始月通覺尊者,曹洞之南通覺始,第三十六祖洪福宗演尊者,第三十七祖洪福慈山行一尊者,第三十八祖洪福性燭本來道週尊者,第三十九祖海奠大顛密多尊者,第四十祖寬翌道原清朗尊者。。。
[33] Chuyết Chuyết thiền sư (1594 – 1644), người Chương Châu – Phúc Kiến (thời Minh, Trung Quốc), đến Đại Việt khoảng năm 1630, sau đấy truyền phái Lâm Tế ở miền Bắc. Chuyết Chuyết trụ trì hai chùa Phật Tích và Bút Tháp ở Bắc Ninh, cũng là hai tổ đình lớn nhất của phái Lâm Tế miền bắc. Sau khi ông mất, đệ tử truyền tông cho đến tận ngày nay.
[34] Bài kệ này được chép lại đầy đủ trong bản Kiến tính thành Phật của Chân Nguyên thiền sư. Vốn bài kệ này được truyền bởi Trí Bản Đột Không. Xin xem bài: Kệ phái truyền thừa Lâm Tế Đại Việt của Phạm Tuấn trên Thông báo Hán Nôm học năm 2006.
[35] Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi, Phúc Điền hòa thượng soạn, bản lưu chùa Bổ Đà, phần Bản quốc chư tổ kế đăng, tờ 114a.
[36] Nguyên văn chữ Hán: 拙公和尚主持萬福寺為始,下二傳明良,下三傳明幻,下四傳如山.
[37] Nguyên văn chữ Hán重刊法界安立圖序。安子山龍洞寺竹林僧統正覺和尚字真源付囑善護念東山祥光寺沙彌僧字如山重刊. Ảnh bài tựa này chúng tôi được sư thầy Thích Đồng Dưỡng cung cấp cho, nhân đây xin cảm ơn!
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết