Thông tin

KHI TÔI THẤY MÙA XUÂN… “CÁI THẤY LÀ Ở ĐÓ”

KHI TÔI THẤY MÙA XUÂN… “CÁI THẤY LÀ Ở ĐÓ”

 

THÍCH LIÊN PHƯƠNG

 

I  

Khi tôi thấy hình thành vô vật

Khi tôi nghe trong sắc lá mây mờ

Không giới hạn vô vàn qua hiện tượng

Mắt trong tai, tai trong mắt đi về…

Trong giấc ngủ đông, miên trường bất tận, tôi không biết cái có đã sinh ra tự bao giờ ngày ấy đã xa… thu tàn, đông lạnh rồi những cơn mưa mịt mùng khắp cả hành tinh hoặc thành, hoặc trụ có lẽ tôi là chiếc lá rời cành rồi trở lại những mầm đọt và cơn mơ “phi hiện hữu”.

Trận mưa ấy theo lối mòn thu rụng

Chìm không tên lãng đãng bước chân người

Là đã hỏi trong lối nào hiện hữu

Cành non kia tôi có mặt bao giờ?

Như tiếng nổ Big Bang cái có cùng cái không là phi thời gian, không mùa xuân, không tự ngã. Sự hình thành không mẫu màu, không dự đoán quá trình đó trong vật chất đen có cái tự tách mình xuất hiện.

Dù không có gì để chứng tích là tôi, cái lắc lay tự dồn lên đường nét, qua cọ xát rồi đàn hồi một tích âm vô vọng từ hang trống dội về: Ai là ta vậy! Ta ban đầu không ở điểm dừng mà xuất hiện trong cái bập bùng trở day rồi tình nghi miên man trổi dậy, một trạng thức lưỡng phân, tản mạn rồi kết lưu trong đơn trình băng lạnh! Cái “Đông” ban đầu tiềm ẩn rồi tiềm tàng nguyên lượng. Đối lập ban đầu từ nhiệt nguyên cực xuất sinh cõi ấm tàng “Tâm - Vật”.

Xuân - mùa đầu tiên lan tràn xuất hiện, rồi mùa Xuân giới hạn nở hoa, hoa là lá của ngàn xanh vạn sắc. Đó chính là khởi điểm: “Tiếng sấm nổ lay hồn ai tỉnh mộng, một đoá hoa trong vạn kiếp luân hồi”.

Đi rồi đến, không đi rồi cũng đến

Bóng ai về trong lối cũ… đường xưa.

II

Mang một khả thể từ Phạm Thể, tịnh thuần của tính thể trong con người không có cái CHẾT. Từ cái “có” con người trở thành biến đổi mọi chuyển động (ANICA - vô thường) chỉ là giấc mơ. Người không thấy được cơn mơ không phải từ vô minh mà từ những bước đi bị xua đuổi (hay ma đuổi) những bước đi xiên xẹo, trường trượt… điểm dừng và động tạo thu rút nối nhau như “nước trôi” như “lửa cháy” không khoảng hở để mắt bừng lên, để trọng trường tan biến, cái không không tồn tại. Thực tại đích thực là Mùa Xuân, Mùa Xuân không tên lan tràn trong tất cả sắc, tâm, vật, tượng. Bỗng nhiên nhiên thế giới trở thành lưu ly trong suốt, mọi tiếng động âm thanh miên man như sóng nhạc… ý thức không còn tâm điểm là ý thức vũ trụ.

Không ai có thể làm cho vũ trụ nở hoa. Không có tham vọng nào đổi khổ đau thành hạnh phúc, trừ thanh tĩnh của tâm hồn. Tâm hồn hãy nhìn lại chính nó. Nhìn là cảm biết, nhìn là lắng nghe. Nhìn là sự trực thức ở Tâm sâu. Nhìn là Thấy vô ngôn! Khởi đầu là chấm dứt ở tầm sâu. Vô Tâm là trần truồng trong lục hợp. Có vậy thì thấy được cái chết không ngoài sự sống, tồn tại tự lặng im

Người đã chết ai làm tôi sống dậy

Nghe thì thầm trong bãi vắng tha ma

Rồi ngày vắng trưa trời im lặng gió

Trong động cành chiếc lá cuốn rơi đi

Ồ! Đã đến mùa xuân vừa chợt đến

Tôi đâu rồi quái mộng giấc đông miên?

 


 

III 

Thấy mùa xuân có nghĩa là thấy sự Vô tâm của cái thấy Vô tâm còn gọi là “KHÔNG TÂM”. Nhìn cảnh mà không tâm là Tuệ đã giải thoát. Nhìn Tâm mà không cảnh là Tâm đã giải thoát.

Tâm giải thoát là thấy tâm không vật (tâm không tạo hình sắc pháp) nói về lý là tâm vô niệm, là tự thể vô niệm. Thấy (Ngũ ấm) như tự thân cái đang là, lặng yên, bất động mà có thể hành hoạt ngũ căn ứng dụng.

Nhờ Tâm giải thoát mà Tuệ “đối lư” không trở ngại. Không còn cảnh ngữ và cảnh trí ràng buộc, “Thấy cái Thấy không nguyên nhân hay đối tượng thì gọi là THẤY TÍNH. Thấy tính là cái THẤY bùng vỡ. Bùng vỡ không từ cái hiểu và cái tu hay không tu. Bùng vỡ không có cái âm thanh hay hình sắc, như sau một giấc ngủ vừa mở mắt dù mắt có chạm vào tướng hình mà không bị “trước vật” không có cái biết mình thấy hay không thấy mà phát minh ra CÁI BIẾT TRONG BIẾT. TRONG CÁI BIẾT RÕ RÀNG KHÔNG VẬT KHÔNG TÂM, LÀ CÁI THẤY KHÔNG PHẢI BẰNG MẮT. (Không có một niệm tin tưởng hay nghi ngờ). Chính từ cái “KHÔNG THỜI KHÔNG” đó tạm gọi là THẤY hay KIẾN TÁNH hay ĐẠO, NGỘ hay ĐẮC.

Kiến tánh, giác ngộ, Đắc đạo đều không thể chỉ đúng vào cái phi trạng thái của người đã trở thành THỰC TẠI. Không có người đạt chân lý, vì Chân lý vượt khỏi sự hiện hữu và phi hiện hữu.

IV

Có người nói “Chân lý không có đường vào” (nhiều chủ đề thuyết giảng của Krishnamurti như Tobe A Human) nhưng cả trăm tác phẩm của Krishnamurti đều là chỉ dẫn con đường đến và còn có những tác phẩm lớn hùng mạnh như núi lửa phun trào giọng siêu nhân của Nietzsche như “ZARATHUSTRA đã nói như thế” Ecco Homo…

Những tác phẩm và luận thư thế giới có trên một vạn cuốn đều là những “Tưởng - Thuyền” của tư duy, người đọc nó như cưỡi lạc đà qua sa mạc. Kinh, Luận, Tạng và trước tác của Phật giáo cũng đồng như tất cả tầm, tư của Ba ngàn thế giới (Dục, Sắc và vô sắc). Pháp âm Phật như tiếng gầm của sư tử. Gần gũi hơn còn có “Ảo Pháp” trong Thiền tông như Trang Chu hóa bướm, hay như Mục đồng trên lưng trâu giữa buổi chiều vàng.

Người đọc, học và tầm cầu như thuyền, sóng. Và nước chở thuyền là Chân lý.

Chân lý là “một Khái niệm”, như một làn sóng trên biển (không khác với đại dương).

Trong giấc ngủ giữa lòng thuyền, ta giật mình thức dậy từ “Mắt không tầm” vào không giới hạn, biển và không gian, thuyền và nước đều bừng sáng, cái không lời rỗng suốt, an nhiên không còn “có cái gọi là tâm: Chân lý, Thực tại”.

Sau cùng, điều mà chúng ta có thể có thì không có trong phân biệt, không có trong cái biết từ trong kinh nghiệm ký ức.

Từ tâm lặng lẽ thanh tĩnh không có niệm, từ chỗ không có niệm, ngay đó nhận biết chỗ “Không - Sanh” nơi nào không có sự sanh diệt, không thể nói ra, không thể mô tả nơi đó là “Thực Tại” nơi đó là “CHÂN LÝ”, nơi đó là TÂM.

Dù có thấy đi thấy lại trăm ngàn lần vẫn không thay đổi điều thấy được không hề khởi nghi hay tín…

Thấy như thế thì gọi là THẤY TÍNH hay KIẾN TÍNH, GIÁC NGỘ.

Nếu ai không thể xoay tâm nhìn vào trong được, thì hãy để nổi lên tâm một âm “OM” hay một câu thần chú AMITABHA (không gián đoạn).

Lời kết:

Cái “Tôi” đồng nghĩa là trống rỗng cùng một nghĩa với  âm “OM” của Phạn ngữ, có nghĩa là không tính (Sunyata). Amitabha là vô hạn (không giới hạn) vô lượng (không thể tích phân hạn lượng).

Khi làm nổi lên trong Tâm OM AMITABHA thì cũng giống như ta phóng ra chất ảnh của Hydrocarbon. Hợp chất này ta có thể thấy được nhiều mặt như khí, lỏng hay rắn. Niệm được kiên định như tăng dần các nguyên tử carbon cùng lúc với Hydrogen thì Hydrocarbon có khuynh hướng trở thành chất rắn, carbon có hóa trị 4, hydro có hóa trị 1 thành những mối nối kết hợp và biến đổi. Tâm hay Vật chỉ là một giống như Thorium là tên của thần Thor (của Na uy).

AMITABHA phát lên trong tâm như một âm lượng chìm. Âm lượng này từ không tính mà có các mối nối liên tục của hạt âm, cũng là khí rửa nghiệp làm cho các chuyển động (vọng tưởng) trở thành trong suốt cũng như hợp chất benzen (hợp chất thơm) hòa tan thấu suốt các đặc chất khác.

AMITABHA hay OM là tính không nó tràn lấn cái vô hạn vào tất cả làm cho hữu thể trở thành kiến tính, trong cái thấy mùa xuân là ở đó.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 89
    • Số lượt truy cập : 6367883