Thông tin

KHỔ VÀ NHỮNG HÓA GIẢI

KHỔ VÀ NHỮNG HÓA GIẢI

 

GIÁC UYỂN

 

 

Được sinh ra và lớn lên, ai có thể tự cho rằng là chưa từng nếm trải nỗi khổ não trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày của mình! Dường như rất hiếm người được hoàn toàn hạnh phúc. Thường nỗi khổ của người này không giống với người kia. Có người đau khổ vì chồng con, người khác thì nghèo, làm việc vất vả, lam lũ nhưng vẫn bị đói, có người bệnh tật hành hạ xác thân mất ăn bỏ ngủ, có người khi sinh ra không đầy đủ lục căn như mắt mù, tai điếc, không nói được, có người đã mồ côi quá sớm…

Nhân đây, tôi cũng xin bày tỏ nỗi lòng mà tôi đã cảm nhận được sự khổ luôn có mặt và len lỏi trong cuộc sống của mỗi chúng ta cùng những trắc ẩn sâu sắc mong mỏi sớm vượt thoát.

Vừa bước chân chào đời ra khỏi lòng mẹ, tiếng nói đầu tiên của chúng ta là tiếng khóc “khổ a! khổ a!” và đồng thời cũng gây không biết bao nhiêu là sự đau đớn khó nhọc cho người mẹ mình. Bây giờ, tôi đã làm mẹ nên cũng cảm nhận được sự nhọc nhằn ấy. Với chín tháng cưu mang, bao nhiêu buồn lo khôn tả, giòng lệ người mẹ âm thầm chảy để dành trọn tình thương yêu nâng niu che chở con được vuông tròn, không biết nói sao cho vừa ân tình ấy!

 Thuở ấu thơ, được lớn lên bên miền quê đồng ruộng, mẹ tôi rất vất vả để chăm lo cho từng đứa chúng tôi, mặc dù gạo thóc đầy bồ, rau củ đạm bạc qua ngày, nhưng tôi vẫn thấy mẹ tôi cứ tất bật trong công việc đồng áng cho đến chăm lo bếp núc cho con cái, như là hàng trăm công việc không ngừng nghỉ. Ba tôi là cánh tay đắc lực chu toàn mọi công việc. Ông cật lực lam lũ để nâng cao đời sống của chúng tôi. Mỗi lần đi học về ngang qua đồng ruộng, một cảm giác xót xa trong tôi trỗi dậy, nhìn thấy hình ảnh cha mẹ bên đồng áng tay lấm chân bùn để lo cho sự sống của chúng tôi, tôi không cầm được những giọt lệ tự nhiên tuôn trào. Tôi thầm mong sao việc học và sự nghiệp về sau của mình có chuyển biến để có thể thay đổi vận mạng của mình, hầu giúp ích gì được phần nào cho cha mẹ mình.

Do ở quê, cạnh dòng sông Vàm Cỏ, nên cứ mỗi năm chúng tôi đều chịu ảnh hưởng nước mặn vào tháng hai, nước ngập vào tháng chín, nên ba mẹ tôi đã quyết định đưa chúng tôi về một thị trấn cho việc học hành của chúng tôi được khá hơn, không bị trở ngại bởi những con nước dâng cao. Kể từ đó, vào năm 1978, ba chị em chúng tôi đã dọn về thị trấn cùng nương tựa, nâng đỡ sinh hoạt bên nhau. Mỗi tối, vì nhớ ba mẹ quá, chúng tôi hay âm thầm khóc, nhưng quyết tâm vì sự học hành cho nên người, chúng tôi cố gắng quyết không bỏ cuộc.

Tôi không quên được ba tôi hàng tuần hay đem từng bó củi, đồ ăn với món gì ngon đều dành dụm hết cho chị em chúng tôi. Tuy gia đình chúng tôi nghèo khổ, nhưng rất ấm áp bên thâm tình của từng người thân yêu dành cho thật là nồng nàn cao quý.

Ngay còn bé, ba mẹ thường đưa chúng tôi về chùa, tôi rất thích vì nhờ vào dịp này cả nhà chúng tôi có dịp lễ Phật, lạy Phật, niệm Phật rồi cùng họp mặt bên nhau với những người bà con, vì đây chỉ là một cái am tranh do ông tôi đã lập nên. Cứ vào những ngày mồng một, rằm, ba mẹ tôi thường hay sắm sửa thết đãi người trong thân tộc, chòm xóm láng giềng. Tuy yên ả bên người thân, nhưng tôi vẫn mang tâm trạng ưu tư, khắc khoải truy tầm những điều trắc ẩn.

Thời gian trôi qua, chúng tôi may mắn lớn lên trong môi trường học vấn, cuộc sống của những người học trò nghèo không tiền tiện tặn, học hành bên ngọn đèn dầu leo lét về khuya mặc cho muỗi đốt, chuột cắn vì có những đêm mệt nhoài ngồi ngủ bên chồng sách vở bài tập ngổn ngang, không chăn mùng. Lòng mong mỏi hướng về phía trước, chí nung nấu hướng tới, như những câu ca dao luôn gợi lại trong tôi:

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,

Nghĩ sao đền đáp những ngày đã qua

Một ngày bất ngờ, cả gia đình tôi được hợp lệ định cư ở Hoa Kỳ. Nỗi lòng tôi hoàn toàn xáo trộn, bao lo toan cứ vương vấn làm nặng trĩu trong từng bước chân của cô bé quê mùa. Thời gian ấy, mỗi ngày, với lòng nhiệt huyết hăng say bên công việc dạy học, bạn bè đồng nghiệp và người thân, tôi tận dụng chăm chút cho đến ngày chính thức rời Việt Nam, nơi quê hương yêu thương nhiều chất chứa.

Với hoàn cảnh mới, để đương đầu vật lộn và bắt nhịp cuộc sống mới là điều không dễ. Tôi như bị điện giật trước cuộc sống mới nhiều cạm bẫy đe dọa.

Sau một năm tha hương, một sự thay đổi lớn, đó là tôi đã lập gia đình, bắt đầu cuộc sống riêng với mong ước xây dựng một tương lai hạnh phúc.

Tôi giữ gìn và vun bồi cảm tình cùng bổn phận của mình đối với vị hôn phối mà tôi cho là người bạn tri kỷ. Chúng tôi với những thử thách mới trong cuộc sống hôn nhân, tôi đã cố gắng khắc phục để tạo dựng cuộc sống cho riêng mình. Tôi nhận thấy trong tình cảm vợ chồng để nâng cuộc sống gia đình cần vun bồi lòng thông cảm, tin tưởng và tôn trọng nhau thì đó cũng là chất liệu của tình thương rồi. Đặt trọn niềm tin yêu nên tôi đã nhận chịu những trái đắng đầu đời bằng sự lường gạt của người. Quyền lợi và tiền tài đã che phủ người ấy nên còn đâu là lời thành thật của hai từ “đạo nghĩa” của nếp sống vợ chồng.

Trong sự dằn vặt không còn chọn lựa nào để giải quyết cho thỏa đáng, rồi một biến cố lớn xảy ra, chúng tôi quyết định ly thân, giấy tờ được gởi đến để tôi ký tên ly dị. Tuy rằng tôi không ký tên, nhưng theo luật của Tiểu bang, sau hai năm ly thân vẫn hợp lệ như đã xé tờ hôn thú. Theo tôi thì anh ấy chỉ vì quyền lợi riêng, nên hủy đi hạnh phúc do chính tay mình đã tạo dựng.

Câu chuyện ấy làm chấn động cả thành phố này, vì tôi bị thưa ra tòa phải đi khỏi chỗ làm trong vòng 48 tiếng đồng hồ, trước một sự thất bại thảm hại nhất vì người tình phụ bạc.

 Cuối cùng, bên tôi còn lại những mảnh lòng rụng vỡ, mặn mà trong phút chốc nay biến thành cừu oán thù hằn.

Suốt thời gian ấy, tôi cảm thấy đau khổ cùng cực nếu có thể chết được, tôi chỉ muốn chạy trốn chính mình. Mọi người cười chê tôi khờ khạo. Tôi  hổ thẹn cho mình bạc phận đã làm mất mặt cho gia đình cùng bà con thân tộc và bè bạn xung quanh, nhất là đối với ba mẹ mình.

Cũng may, có người đã gọi tôi đi làm, việc làm đã giúp ích cho tôi rất nhiều để cắt đi dòng suy tư nghĩ ngợi và từng cơn dằn vặt còn cố đè nén trong tâm can mình.

Một ngày vào mùa xuân năm 2000, gia đình tôi có dịp về chùa, tôi hân hạnh được gặp lại vị Thầy mà lần đầu tiên tôi vào chùa sau một năm sang Mỹ đã quy y cho tôi. Người đã tặng cho tôi một số kinh sách. Từ đó, con đường đạo đã bắt đầu mở cửa như đón chào mời mọc tôi hướng về phía trước.

Khi nhận chân ra được lẽ thật, tôi mong ước cho con mình có thể đủ duyên vào Đạo ngay từ khi còn nhỏ, nên tôi luôn bồi dưỡng và tìm cầu đường hướng đạo cho cháu bé. Có lẽ duyên nghiệp chưa thành thục nên cần sự huân tập nhiều hơn. Về vấn đề này, tôi cũng lo toan không ít.

Có lần gặp gỡ các cô của cháu bé, tôi có ý để cháu bé có cơ hội sống với cha và cũng để cho họ biết tôi không giành giữ cháu bé, nhưng người cô trả lời: “Chị đừng giao trứng cho ác”. Từ đó, tôi không màng đến nữa, hạ quyết tâm dạy dỗ con mình phải nhờ vào sức của chính mình vậy.

May thay, hơn một năm qua, chúng tôi đã gặp gỡ một nhóm Phật tử địa phương, họ thành lập một đạo tràng với  tên gọi rất dễ mến và gần gũi với chúng ta là NPĐ Quan Thế Âm. Cơ may có mời được quý thầy về hoằng pháp, tại đây chúng tôi tạo được bộ mặt mới trong không môn thiền hành để tu tập. Nhờ sự chăm chút của một vị thầy trẻ nhiệt tâm đã từng bước chuyển đổi không ít ở vùng cao nguyên này, cảnh tỉnh những tâm hồn hướng thiện, mở ra một khung trời mới chào đón chúng tôi.

Với nhiều thăng trầm biến đổi, đã giúp tôi nhận dạng để bước lên nấc thang cuộc đời. Tôi thầm niệm Quan Âm để tôi đủ bình tĩnh và nghị lực. Tình cờ, tôi đã nghe được những lời thơ êm dịu được nhạc sĩ phổ thành nhạc với một giọng ca nam hát rất thánh thoát, đã giúp tôi thư thới làm sao!

Ngước mặt lên em nhìn thẳng cuộc đời,

Vì đời là bể khổ chơi vơi,

Thương em tôi chỉ đường đi tới,

Bến Giác tự mình bước đến nơi.

Em mau nhìn lại giữa biển khơi,

Trầm luân khổ ải biết bao người,

Bởi mê nên nhận lầm vọng tưởng,

Quên đi chân tánh vốn rạng ngời”

(Khuyên em - Tác giả Chiêu đề)

 Cám ơn người thi sĩ tài hoa đã âm thầm giúp tôi đủ can đảm để đứng lên đi tới.

 Theo ông Đoàn Văn Khuê diễn tả:

Biển khổ mênh mông sóng ngập trời,

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi,

Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió,

Ngẫm lại mình cùng trong bể khổ thôi”.

Như vậy cho thấy sự khổ của chúng ta là “biển khổ mênh mông” mà làn sóng nghiệp do ta gây tạo còn đeo đẳng thì sẽ tiếp tục vay trả mãi. Khách trần là chính mình đã đi vào cuộc đời này, nếu xuôi gió thì được thuận duyên cũng chính là mình đã từng làm lành, tích tụ phước đức; trái lại, ngược gió là những nghịch duyên mà chính mình chưa từng biết gieo trồng thiện căn nào nay phải đương đầu hứng chịu, vì dù gì chúng ta cũng ở trong “bể khổ” với năm thứ trói buộc như công danh, sự nghiệp, tiền tài, địa vị, ăn ngon, mặc đẹp... đã chi phối rất lớn trong sinh hoạt và đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Làm ta cuống cuồng trong làn sóng nghiệp để tạo tác vô số nhân duyên rồi tự buộc ràng mình lênh đênh vô tận trong kiếp người không định hướng.

Theo lời Phật dạy, con người mình có những sự khổ như sanh ra, già nua, bệnh tật và chết đi; lìa xa những gì mình yêu thích, phải gần gũi những gì mình chán ghét, do mong cầu mà không được toại và nỗi khổ vì năm ấm hưng thạnh, thiêu đốt tâm thần. Ngoài ra, còn vô số sự khổ như do thiên tai hạn hán, sóng thần, cơn lốc, gió xoáy, mưa bão, lũ lụt, chiến tranh giặc giã v.v…

Có những nỗi khổ mình có thể tâm tình chia sẻ, tuy nhiên cũng có những nỗi niềm trắc ẩn mà mình phải nhận lấy, trân mình cam tâm chịu đựng, có khi làm đày đoạ cả cuộc đời mình, chôn vùi đau khổ cho đến ngày nhắm mắt.

Có người vì quá đau khổ nên có khi bất cần đời rồi hay đổ thừa cho rằng trời sinh ra vậy cho nên tôi phải chịu vậy, người khác nghĩ tôi đã lỡ thiếu nợ nó nên giờ phải trả. Nó ở đây chính là tất cả những người đã làm chúng ta đau khổ như là vợ hoặc chồng, con, người hàng xóm, người cùng sở làm, bạn bè… Có người hình dung tự cho rằng có lẽ mình ở kiếp trước ở ác quá nên giờ phải trả…

Thời gian là liều thuốc xoa dịu giúp tôi vượt qua sự giày vò, xót xa đã đè nặng những nỗi niềm cay đắng, ngậm ngùi, âm ỉ trong cuộc đời sóng gió của mình. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng “cầm lên được phải để xuống được”. Cố chấp sẽ làm khổ lẫn nhau trong vòng lẩn quẩn. Tôi bắt đầu tập lần lần thả lỏng và buông xả làm vơi đi gánh nặng đã đeo mang.

Phàm phu chúng ta khi chưa chứng đạo, chưa có tuệ giác, không hiểu được tiền kiếp hay hậu kiếp. Tiền kiếp là hành động trước khi sinh ra, các hành động ác ấy mang tính chất đau khổ. Chỉ có những người tu tập đầy đủ định lực mới kiềm chế vì có đầy đủ trí túc mạng và thiên nhãn. Đức Phật và các Thánh Đệ tử có khả năng khống chế nghiệp. Tuy nhiên, đã là định nghiệp khó có thể thay đổi được, cho nên chúng ta cần nên nương về Bậc Giác ngộ và chư Tăng chỉ lối hướng dẫn cho lẽ sống của mình.

Sức chi phối của túc nghiệp không phải nhỏ, tu hành thay đổi được phần nào chứ không phải là trống trơn không còn gì. “Duyên xưa” thường là tập khí xấu và tội ác do mình tạo, cần khắc phục.

Nếu như mọi việc khi mình mong cầu đều toại nguyện thì hai điều tiêu cực có thể xảy ra: mình thường ỷ lại quyền năng và không tu tập, tiêu cực, lười biếng; thứ hai là tính nhân quả của giáo lý nhà Phật với quy luật của vũ trụ và nhân sinh sẽ mất tác dụng.

 Chúng ta cần tu tập, gieo tạo phước lành, chuyên cần sám hối, trì trai giữ giới, tụng kinh, trì chú để tâm niệm được vững vàng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng nên nhờ vào sự phát nguyện để đẩy mạnh năng lực khi tu tập được tốt hơn.

Trong “Từ Bi Thủy Sám” của ngài Ngộ Đạt Quốc Sư, đã dùng nước từ sám hối để trả nghiệp trong bình an và vui vẻ trả. Chúng ta đã không chọn một nơi sinh ra, cũng nên chọn cho mình một phong cách sống, rèn luyện cho mình một ý chí vươn lên, khích lệ tự thay đổi cuộc sống của mình, dựa vào khả năng và nghị lực, ý thức vốn sẵn có của mình.

Tu không phải trốn đời, giữa cuộc đời mình cần nhẫn nại và tinh tấn để vượt thử thách và nghịch cảnh. Muốn được an vui lâu dài, cách duy nhất là nương vào Tam Bảo, nghĩa là bắt đầu cho việc tu tập là việc Quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới. Nghiệp đã tạo ra không mất, phải tu tập để trả nghiệp xưa. Sự yếu đuối, nhu nhược, hèn nhát từ đây cần chấm dứt khắc phục. Đủ sức chấp nhận và ta sẽ không cảm thấy đó là sự hành hạ đau đớn nữa. Nếu có khổ thì “khổ để tu hành, khổ ấy vui”!

Khổ là kết quả do chính ta tạo ra bởi nhiều nhân duyên vọng tâm mong cầu cố chấp, nó là sợi dây xích vô hình luôn ràng buộc con người mình phải sống trong đày đọa khổ đau đầy nước mắt để rồi đưa con người vào cửa ngõ lục đạo luân hồi thọ quả nghiệp báo.

Đức Phật vì lòng thương vô hạn lượng mà thị hiện vào chốn khổ đau này, nên Ngài đã thưa với vua cha trước khi đi xuất gia: “Làm sao cho con người trẻ mãi không già, làm sao cho con người khoẻ hoài không bệnh, và làm sao cho mọi người chấm dứt khổ đau”. Trên đời này không ai có thể thay đổi được sự thật ấy, ngoại trừ hướng thiện, tu hành mới mong thoát khỏi.

Đức Phật với tình thương muôn loài, Ngài đã nói lên những sự thật rằng: “Mọi người sinh ra không có giai cấp cao thấp sang hèn, chỉ có máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Máu là sự sống mà mọi người đều quý như nhau, còn nước mắt là nỗi đau khổ thì ai cũng khó chịu như nhau.

Nghĩ về nỗi khổ đau mà tôi đã hứng chịu, mới thấy được mình nhiều nghiệp chướng buộc ràng do mình đã tạo. Vì thế, tôi rất hổ thẹn trước nhiều lỗi lầm đã phạm phải, tôi tự nói cố gắng sửa đổi hành vi mình, tập làm các việc lành và khi làm cũng không cố chấp việc ấy, chỉ tự nhắc nhở nên làm trong vô sự.

Cuộc đời đã quá nhiều khổ lụy, cấu uế, do vọng cầu cố chấp nên ngay từ đầu chúng ta đã chọn sai đường hướng để sự dục lạc ham muốn làm che mờ. May mắn thay, nay chúng ta được các bậc thiện tri thức truyền thừa tinh hoa của đạo Phật, đem Pháp Phật làm ngọn đuốc chiếu sáng chỗ mê lầm, như tiếng chuông cảnh tỉnh lay động những tâm hồn còn đang say mộng của chúng ta. Tôi như vừa tỉnh giấc chiêm bao, tất cả là không và không thật có. Tôi tự xoa dịu để nhắc nhở rằng nương vào lời Phật, Bồ tát, Thánh nhân, và Thiện Tri Thức… dạy, tập sống tri túc và lấy bài kệ sau làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình:

Ái hà thiên xích lãng,

Khổ ải vạn trùng ba,

Dục thoát luân hồi khổ,

Tảo cấp niệm Di Đà”.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6061255