Thông tin

KIẾN TRÚC CHÙA CỔ Ở ĐẤT KINH KỲ (tt)

KIẾN TRÚC CHÙA CỔ Ở ĐẤT KINH KỲ (tt)

                                    

TẠ VĂN TRƯỜNG

 

 

 

Chùa Kim Liên (Hoàng Ân tự)

 

 

Chùa Kim Liên có tên chữ là Hoàng Ân tự, vừa thờ Phật vừa thờ công chúa Từ Hoa. Chùa được dựng trên nền cũ của cung Từ Hoa, thuộc trại Tằm Tang, có tên ban đầu là chùa Đống Long. Đến năm 1771, đời Lê Cảnh Hưng, chùa được tu sửa và đổi tên thành chùa Kim Liên. Năm 1792, đời vua Quang Trung, chùa lại được xây dựng lớn, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay.

Ngôi chùa có tam quan rất đặc biệt với toàn bộ kết cấu có mái che được đỡ từ các thân cột. Từ giữa các thân cột, những con rường vươn dài tạo nên bộ vì nóc đỡ mái. Bộ mái lợp ngói vảy cá nhiều tầng, ở giữa đột ngột vươn cao như bông sen tỏa nở trên mặt nước Tây Hồ. Chùa hình chữ “tam” gồm ba nếp nhà song song với nhau, tường gạch bao quanh tới tận rìa mái. Ở các đầu hồi nhà có cửa sổ tròn với những dấu hiệu “sắc sắc không không” mang đậm triết lý Phật giáo. Nhìn từ bên ngoài chùa, các tầng mái nhấp nhô, những đầu đao cong vút tạo cảm giác như các lớp cung điện trùng điệp, phô diễn tài nghệ kiến trúc của người xưa. Cùng với hệ thống tượng quý, chùa Kim Liên còn lưu giữ được một tấm bia cổ niên hiệu Thái Hòa tam niên Ất Sửu - tức năm 1445 thời Lê Nhân Tông. Đây là tấm bia cổ nhất ở Hà Nội hiện nay. Năm 1992, chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 

Chùa Láng (Chiêu Thiền tự)

 

 

Chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138) thờ Từ Đạo Hạnh là một nhà tu hành đắc đạo, nổi tiếng thời Lý. Trải qua những biến  động của thời gian và lịch sử, chùa Láng đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu lớn dưới thời Lê Trung Hưng 1656. Đây là một quần thể kiến trúc rộng lớn, 100 gian, được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Cổng chùa bao gồm 4 cột vuông với 3 mái cong không chùm lên cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên. Qua cửa tam quan là con đường lát gạch nằm giữa một vườn muỗm có tuổi trên 300 năm. Đây là một trong những di tích hiếm hoi của Hà Nội còn giữ được đủ 9 cây muỗm. Điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc phong thủy là nhà bát giác ở giữa sân chùa, mái chồng, 2 tầng, 16 mái với những đầu đao cong vút, uốn lượn rất thanh thoát. Các tầng mái được lợp ngói vẩy, rêu phong đã phủ lớp bụi thời gian lên những tầng mái này. Đỉnh nóc được đắp hoạ tiết 4 con phượng đang múa (phượng vũ) uyển chuyển. Tầng mái bên trên đắp 8 con rồng cuộn nhìn uy vũ mà bao dung, tượng trưng cho sự tồn tại của 8 triều vua nhà Lý.

Tầng mái phía dưới lại đắp họa tiết những dải sấu miệng ngậm các đầu đao, khiến cho các đầu đao được phô ra rất khéo, không bị cảm giác sắc nhọn, mà rất hài hoà. Dưới mỗi đầu đao là các đầu bẩy có gắn những bức cốn được chạm khắc hình rồng, phượng ẩn hiện trong mây với các hoạ tiết vô cùng tinh xảo, mềm mại. Tường phía trong nhà bát giác là những bức thư hoạ, nét bút có thần với nhiều chủ đề phong phú, có giá trị nghệ thuật cao.

Trong chùa có 198 pho tượng lớn nhỏ, tiêu biểu là tượng Lý Thần Tông (1128 - 1138) ngồi trên ngai vàng và pho tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn bên ngoài. Chùa Láng còn có 15 tấm bia đá, nổi bật là tấm bia đá xanh có niên đại Thịnh Đức thứ tư (1656) cao 1,4 mét, rộng 0,8 mét. Trán bia có hoa văn lưỡng long chầu nguyệt, hai diềm bia chạm phượng chầu hoa sen và hai tiên nữ với đôi cánh rướn bay lên trời xanh. Tấm bia này xứng đáng được coi là một kiệt tác điêu khắc nghệ thuật đá thời Lê. Trước đây, chùa còn cả cuốn kinh bằng đồng lá (bát diệp đồng thư) của vua Lý thường dùng để tụng niệm, nay đã thất lạc.

Kết luận

“Đất vua, chùa làng” là câu thành ngữ khẳng định vị thế độc lập của tôn giáo nơi làng xã. Với những ngôi chùa vua, hay những ngôi chùa hoàng tộc tuy được dựng trên đất làng ở Hà thành dường như lại có một vị thế khác hoàn toàn khác. Bên cạnh những hình thức kiến trúc rất đa dạng, tích hợp các giá trị biểu tượng cũng như các giá trị nghệ thuật, thì các trang trí kiến trúc trong các ngôi chùa Hà Nội có lẽ cũng mang những giá trị bản sắc rất riêng. Các trang trí cửa võng có thể nói là dày đặc, tỉ mỉ đến mức có những ngôi chùa dường như là sự đối lập hoàn toàn với vẻ đơn sơ giản dị bên ngoài. Các trang trí diềm cửa võng này cũng cho thấy thẩm mỹ tinh tế của đất kinh kỳ. Cho dù các chạm khắc này có niên đại khá muộn, khoảng thế kỷ XVII và chủ yếu là XVIII. Có lẽ được ảnh hưởng nhiều từ thẩm mỹ cung đình, cũng như phủ chúa được dựng trên đất Thăng Long vào các thế kỷ này bởi trên đó gửi gắm đa dạng hệ thống các biểu tượng. Trên các trang trí kiến trúc này ghi nhận những thành tựu chạm khắc đạt đến độ tinh xảo với các kỹ thuật chạm. Việc tạo ra các diềm cửa võng cầu kỳ, rực rỡ đã làm mềm đi các nét kiến trúc vốn đã rất đơn giản bởi các hàng cột và các vì kèo không mấy khi được trang trí. Có thể thấy rằng, vì là đất kinh kỳ nên dường như qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, thì ngôi chùa ở Thăng Long cũng chính là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị của nghệ thuật kiến trúc ở tứ phương dồn về. Về đến kinh đô, thì các giá trị kiến trúc này không chỉ đơn thuần là sự học tập tiếp thu, mà nó còn được nâng tầm lên thêm một giá trị mới. Từ yếu tố biểu tượng cho đến việc thiết kế không gian kiến trúc. Các ngôi chùa là sự lưu giữ lâu bền nhất những giá trị của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội đó, thì cũng chính vì vị trí trung tâm của những ngôi chùa này, mà ở chúng cũng chịu những tác động không nhỏ trong biến động xã hội hiện đại và quá trình đô thị hoá. Chúng vẫn phải thích ứng để tồn tại trong một diện mạo mới. Cho đến hôm nay, các ngôi chùa ở Hà Nội vẫn tiếp tục được thay đổi, vẫn có thêm những hạng mục công trình kiến trúc mới, du nhập vào đó những kỹ thuật mới cũng như vật liệu mới. Cũng tuỳ theo địa thế khác nhau mà kiến trúc mỗi ngôi chùa trên đất Hà thành đã tạo nên những sự linh hoạt nhất định.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6057796