Thông tin

KIẾN TRÚC CHÙA CỔ Ở ĐẤT KINH KỲ

KIẾN TRÚC CHÙA CỔ Ở ĐẤT KINH KỲ

                                       

TẠ VĂN TRƯỜNG

 

Chùa ở Hà Nội, đặc biệt là các ngôi chùa có niên đại cổ xưa, thường mang những giá trị kiến trúc rất lớn. Trên nền móng, các chân tảng vẫn ít nhiều cho biết dấu tích xa xưa. Ngoài kiến trúc gỗ qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, các ngôi chùa này được biến đổi và hội nhập thêm những giá trị kiến trúc mới. Thông thường bao giờ kiến trúc của điện Phật cũng là công trình có niên đại cổ hơn, còn các thành phần kiến trúc khác được dựng và thêm vào trong các giai đoạn sau. Có thể nói việc tạo dựng các ngôi chùa ở Hà Nội, không chỉ đơn thuần là tạo dựng nên một không gian tôn giáo, đặc biệt ở các ngôi chùa hàng quốc tự còn mang những giá trị biểu tượng. Chúng hàm chứa những triết lý Phật giáo và cả các yếu tố về vương triều.

1. Chùa Một Cột (Chùa Diên Hựu)

 

 

Chùa Một Cột có tên chữ là Diên Hựu, theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào năm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1049) đời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028-1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quan nghe, sư Thiên Tuế khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen của Phật Quan Âm như đã thấy trong mộng. Chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ tòa Phật sắc hồng, trong đặt tượng Phật vàng lấp lánh. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa niệm Phật cầu phúc cho vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa Diên Hựu. Thông qua các văn bia ghi tả lại thì ngôi chùa Diên Hựu trong lịch sử là một biểu tượng rực rỡ ở Thăng Long: “Mở chùa Diên Hựu, ở tại vườn Tây. Dấu vết theo quy mô thủa trước; lo toan thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có một đoá hoa sen nghìn cánh xoè ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm; trong đền đặt pho tượng sắc vàng. Ngoài ao có hành lang bao bọc. Ngoài hành lang lại đào ao bích trì, cầu bắc cong để đi lại. Ở sân trước cầu, hai bên tả hữu xây tháp báu lưu ly”1.

Trải qua năm tháng, chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Chùa hiện nay xây dựng vào năm 1955, đài Liên Hoa có kết cấu hình vuông, lợp ngói ta, mỗi chiều dài 3 m, bốn mái cong, bốn đầu đao được đắp hình đầu rồng. Trong đài tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Nhìn toàn bộ đài Liên Hoa như một đóa sen lớn vươn khỏi mặt nước. Toàn bộ đài đặt trên trụ đá có đường kính 1,2 m, cao 4 m. Trụ đá gồm 2 khối gắn rất khéo thoạt nhìn như một khối đá liền. Tầng trên đỡ một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, tựa như một đóa hoa sen vươn thẳng từ mặt hồ nhỏ hình vuông, có xây lan can bằng gạch xung quanh. Một chiếc thang xây dẫn lên chùa. Trên cửa có đề Liên Hoa Đài gợi nhớ sự tích nằm mộng của vua Lý dẫn tới việc xây dựng chùa. Nét độc đáo của kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá.

Năm 1962, chùa Một Cột được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2006, chùa Một Cột được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam cũng như trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước.

2. Chùa Trấn Quốc

 

 

Tương truyền, chùa được xây dựng lần đầu vào thời vua Lý Nam Đế (544-548), trên bãi sông Hồng, thuộc địa phần làng An Hoa, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay là Yên Phụ, quận Tây Hồ). Lúc đầu gọi là chùa Khai Quốc. Đến triều Lê Thái Tông thế kỉ XV, chùa được đặt tên là An Quốc. Trải qua nhiều lần đổi tên, chùa Trấn Quốc được đặt chính thức vào cuối thế kỷ thứ XVII, đời vua Lê Hy Tông. Kiến trúc chùa là sự kết hợp giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa mênh mang sóng nước Tây hồ. Chùa có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương, và thượng điện, nối thành hình chữ công. Tiền đường hướng về phía tây, hai bên nhà thiêu hương là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông là một ngôi nhà ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Cũng giống như bao ngôi chùa Việt khác, chùa Trấn Quốc có nhiều nếp nhà, cửa thấp, mái rộng, nhiều tượng Phật vàng son, được sắp xếp theo quy định của đạo Phật. Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ XVIII. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp có 11 tầng, cao 15 mét. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen 9 tầng, được gọi là Cửu phẩm liên hoa, cũng bằng đá quý. Bảo tháp được xây dựng đối xứng với cây bồ đề trong vườn sau của chùa. Trải qua nhiều lần tôn tạo, diện mạo chùa thay đổi  nhiều. Xung quanh chùa, những công trình hiện đại mọc lên, phần nào làm mất đi dáng dấp ngôi chùa cổ. Tuy nhiên với những giá trị về lịch sử và kiến trúc đó, chùa Trấn quốc ngày nay không chỉ nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, thu hút rất nhiều phật tử về hành lễ, mà còn là điểm đến hấp dẫn khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.

(Còn tiếp) 


1. Văn thơ Lý Trần, tập I, NXB Khoa học Xã hội, 1977.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 62
    • Số lượt truy cập : 6367799