Thông tin

KIM CANG THỪA

KIM CANG THỪA

 

LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC

 

 

 

Đến thế kỷ thứ VI thì đạo Bà la môn phục hưng, trong khi Phật giáo bắt đầu thời kỳ suy vi. Rồi theo dòng lịch sử phát triển với những cuộc chiến tranh, thời kỳ đạo Islam xâm nhập bán đảo Ấn Độ, đã đẩy Phật giáo ở Ấn Độ vào thế bị động và lu mờ dần. Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XII, Phật giáo Đại thừa Ấn Độ lại xuất hiện một phái mới là Mật tông, còn được gọi là Mật giáo. Người ta gọi Mật tông là Phật giáo Đát Đặc La, cũng còn được gọi là Chân Ngôn tông, Du Già tông, Kim Cang Đỉnh tông, Tỳ Đố Già Na tông, Khai Nguyên tông, Bí Mật thừa, Trì Minh thừa, Mật thừa, Khóa thừa, Kim Cang thừa… Tông này là hậu kỳ, và cũng là giai đoạn tối hậu của Phật giáo Ấn Độ. Như vậy, sau Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa thì có Phật giáo Kim Cang thừa.

Phật giáo được phân thành Hiển giáo – Mật giáo do sự hưng khởi của Mật giáo. Mật giáo chỉ là một khái niệm tương đối, có nguồn gốc từ một đoạn văn trong sách “Trí Độ luận – Quyển 4”:

Phật pháp có 2 loại, một bí mật, một hiển thị. Trong hiển thị thì Phật, Bích chi Phật, A la hán đều có phúc điền, nên dứt bỏ được hết mọi phiền não. Trong bí mật thì chư Bồ tát được vô sinh pháp nhẫn, dứt hết mọi phiền não, cụ túc lục thần thông, lợi ích chúng sinh”.

Sách “Trí Độ luận – Quyển 65” còn viết:

Phật sự có hai loại, một là mật, hai là hiển”.

Đại khái là lấy Hiển - Mật để tiến thêm một bước trong việc giải thích kinh sách. Trong “Bát Nhã kinh”, khi thuyết pháp, tại sao Phật lại lấy đạo lý Thanh văn trước, Bồ tát sau, cho đến sau khi Mật giáo hưng khởi thì mới dùng để làm căn cứ phân chia Hiển giáo, Mật giáo. Hiển giáo là Phật Thích Ca Mâu Ni (Ứng Thân Phật) thuyết giảng kinh này điển nọ. Mật giáo là Phật Tỳ Lư Già Na - Đại Nhật Như Lai - (Pháp Thân Phật) dùng đại pháp bí áo truyền thụ trực tiếp. Hiển tông chủ trương tuyên đạo truyền pháp công khai, dạy con người tu thân ngày càng tiến gần Phật. Mật giáo coi trọng truyền thừa mật chú chân ngôn, tức lấy thân thành Phật. Hiển giáo cần người ta ngộ đạo, Mật giáo hướng người ta tu trì. Kinh điển hiển giáo là Tam tạng Kinh - Luật - Luận. Mật giáo ngoài Tam tạng Kinh - Luật - Luận ra, còn có các loại tụng, tán, pháp, chú, nghi quỹ, du già, khế ấn… Hiển giáo có tứ uy nghi là hành, tọa, trú, ngọa. Mật giáo ngoài tứ uy nghi ra, còn có “quán tưởng”. Học Hiển giáo “Nhược năng chân chính Bát Nhã quán chiếu, nhất sát na gian, vong niệm cụ diệt, nhược thức tự tánh, nhất ngữ tức chí Phật địa” (“Đàn kinh”). Học Mật giáo, ắt phải có thầy truyền thụ, tuân thủ nghiêm chỉnh nghi quỹ, từ khi mới vừa quy y cạo đầu cho đến bậc Kim Cang thượng sư, đều có trình tự tu tập nhất định, không thể muốn nhảy vọt chạy nhanh mà được.

Trên đây là khái lược những chỗ khác nhau giữa Hiển tông và Mật tông.

o0o

Theo truyền thuyết, Mật giáo tự xưng là “Thọ giáo pháp bí mật thâm áo” của pháp thân Đại Nhật Như Lai truyền cho, làm ngôn giáo “chân thực”. Đai Nhật Như Lai xuất hiện tám trăm năm sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ. Đại Nhật truyền pháp cho Kim Cương Tát Đỏa. Bồ tát Long Thọ thọ pháp với thầy Kim Cương Tát Đỏa rồi Long Thọ truyền cho Long Trí, Long Trí truyền cho Kim Cang Trí và Thiện Vô Úy.

Song giới học thuật thì cho rằng vào thế kỷ thứ VII, một bộ phái của Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ kết hợp với đạo Bà la môn đã sản sinh ra đạo Phật Mật giáo. Mật giáo thịnh hành ở miền Cao nguyên Deccan, Nam Ấn, lấy chú thuật, nghi quỹ, tín ngưỡng dân gian đã được tổ chức hóa cao độ làm đặc trưng. Kinh điển chủ yếu là các kinh “Đại Nhật kinh”, “Kim Cang Đỉnh kinh”, “Tô Tất Địa kinh”. Quá trình từ khi manh nha đến chỗ chiếm lĩnh địa vị chủ đạo của Mật giáo ở Ấn Độ có thể chia làm 3 giai đoạn hay là 3 thời kỳ là Sơ kỳ Tạp mật, Trung kỳ Thuần mậtHậu kỳ Đạo mật.

Sơ kỳ Tạp mật

Thời kỳ này thì không có giáo lý nào đáng kể, nguồn gốc thành phần đến từ đạo Bà la môn. Đạo này coi trọng phép sở tác “sự tướng”. Gọi “sự tướng” của Mật giáo là minh chú, du già, hộ ma. Minh chú bắt nguồn ở chú thuật của “Phệ Đà kinh”, du già là thiền định của đạo Bà la môn, còn hộ ma cũng có nguồn gốc từ đạo Bà la môn, làm phép “thiêu cúng” (đem vật bỏ vào lửa, nhờ sức mạnh của hỏa thần A Kỳ Ni mà đạt tới Phạm, dùng phép này làm môi giới để cầu nguyện). Phật giáo trước đó vốn phản đối việc đem thực phẩm, quần áo, đồ trân bảo bỏ vào lửa, còn Mật giáo lại dùng ba thứ ấy bỏ vào lửa nhằm điều phục tác dụng của quỷ thần để trừ tai họa, tăng phước lộc. Phật giáo phát triển thành Mật giáo có thể cho là đột biến, có mối liên hệ lịch sử sâu xa. Vào thời Phật đà, tuy Đức Thích Ca Mâu Ni phản đối thần bí, phủ nhận thần quyền, cũng như các thuyết chú thuật. Nhưng, trong giáo đoàn mà Phật đà lập Đạo, lại có rất đông giáo đồ Bà la môn tham gia xin làm đệ tử. Những đệ tử này cũng như những phần tử ngoại đạo khác được Phật đà giáng phục nhưng vẫn duy trì thần quyền chú thuật của mình. Trong “Tạp A Hàm kinh – Quyển 9 - trang 152”, Phật đà giảng cho Xá Lợi Phất về “Độc xà hộ thần chú”, cho thấy chú thuật cũng có nguồn gốc xa xưa lưu truyền lâu dài. Nhưng căn cứ theo kinh điển Đại thừa thời sơ kỳ mà nói thì không thấy nói về minh chú. Câu “tức thuyết chú viết” trong “Tâm kinh” là đời sau thêm vào. “Pháp Hoa kinh” nguyên gốc cũng không có chú, người sau đã thêm vào “Chúc Luy phẩm” và mấy phẩm nữa thành “Đà La Ni phẩm”. Trong “Nhân Vương kinh”, “Lý Thú kinh” nguyên gốc không có chú, đến bản dịch thời nhà Đường, Đường Tăng thêm chú ngữ vào. Bởi vì không thể phiên dịch mật chú nên chưa thể tham khảo trong lý luận triết học thời tối sơ. Song đến thời trung kỳ của Phật giáo Đại thừa thì chú ngữ đã thấy xuất hiện nhiều trong quan điểm triết học. Sách “Đại Nhật kinh sớ - Quyển 7” viết:

Chân ngôn chi tướng, thanh tự giai thường, thường cố bất lưu, bất dịch biến, pháp nhĩ như thị, phi tạo tác sở thành”.

Lấy chân ngôn mật chú làm pháp nhĩ, lấy “thường” làm thực tướng, nên tiến một bước cho rằng thực tướng của chân ngôn là tướng tất cánh tịch diệt. Căn cơ tùy thuận chúng sinh mà lấy văn tự thế tục để biểu thị. Như siêng năng quán tụng thuần thục thì chứng ngộ, chứng ngộ rồi thì dung hợp thực tướng các pháp, càng có khả năng đạt đến kết quả là bản thân mình thành Phật.

Trung kỳ thuần mật

Du già pháp của Mật tông chịu ảnh hưởng thuật du già của các nhà ngoại đạo Huyền Kỳ Lê. Sách “Du Già kinh” viết:

“Tiếng Phạn ‘du già’ có nghĩa là tương ứng, là kết hợp, ví như con ngựa kết hợp với cái ách xe ngựa. Từ du già xưa nhất được tìm thấy trong kinh “Lê Câu Phệ Đà” cổ xưa của Bà la môn Ấn Độ, về sau cũng thấy dùng lại trong sách “Áo nghĩa thư” có hàm nghĩa là quán hành pháp các cách điều hòa hơi thở, quán tưởng Phạm thiên với mình chung một lý, lấy việc hợp nhất với Phạm thiên mà kết hợp với Phạm thiên.

Đến Phật giáo thì Phật giáo dùng phép này dựa vào Tam ma địa (chỉ) đến quán hành Tỳ bát xá na (quán), đem chính lý hợp nhất với tình thái tương ứng, gọi là du già. Thuyết giảng theo ngôn ngữ hiện đại thì du già nghĩa là chỉ quán. Phật giáo dùng du già từ thời Phật đà, nhưng Đức Thích Ca Mâu Ni đạt được giải thoát không phải tu theo phép du già như một phương pháp tu tập tối cao mà phải phối hợp với giới, định (chỉ quán). Thông tuệ ba môn là du già, giới, định mới nhận được cổ lệ. Phật đà đặc biệt đề ra chánh kiến chủ yếu là Bát Chánh Đạo, phạm vi của Bát Chánh Đạo là Giới, Định, Tuệ. Du già tuy được Đức Phật đà thu nạp nhưng du già của Đức Phật đà chỉ là một du già hành giả, không theo chủ nghĩa tu định, không xem du già là cứu cánh.

Nhưng đến thời Trung kỳ thuần mật lại cho rằng phép tu du già có khả năng đạt thành mọi mục đich. Trong “Đại Nhật kinh sớ - Quyển 3” viết:

A Đồ Lê quyết định theo phép tu du già, tùy hữu sở tác, đều cùng tam muội tương ứng: như khi hiến hoa thì tam muội tương ứng với hoa… đều như pháp giới môn, đều thấy thiện tri thức, toàn chuyển viễn dụng, đều tương ứng với lý… có thể dùng phương pháp ấy làm phép trừ tai họa, giáng phục được tai họa. Trong phép giáng phục có thể trừ tai tăng lợi, là phép tùy tình hình mà hóa giải phù trợ, đều có thể phân biệt rất tốt, được gọi là tu du già”.

Mật giáo đề cao phép du già đến mức tuyệt đối cao như thế. Song trong kinh nghiệm thì không phù hợp với bản ý của Đức Phật đà. Nếu kinh nghiệm nội chứng của người luyện du già, tức là cảnh giới của Phật, tức thân thành Phật thì e rằng như thế thì rơi vào “tăng thượng mạn”.

Thời kỳ Phật đà tại thế, nghe những người tu phép du già nói rằng mình được chứng tứ quả, kỳ thực là chưa thoát khỏi dục giới, nhưng Phật đà đã không phê phán họ là vọng ngữ, chỉ gọi họ là “tăng thượng mạn” mà thôi.

Đại khái đó là duyên cớ như Đại sư Khuy Cơ nói:

Người tăng thượng mạn thì khó được chứng quả”.

Vì thế, ngày nay nhiều vị tu Mật pháp, nên chú ý đến lời dạy này, để khỏi “sa vào mạn” (tức kiêu ngạo).

Hậu kỳ Đạo Mật

 Là thời kỳ thứ ba của Mật giáo, là bộ du già vô thượng, tức Kim Cang thừa. Người sáng lập Kim Cang thừa là Vũ Đức Nhã Lạp (tức Nhân Đà La Bộ Để), là vua nước Nga Lý Tát thuộc Ấn Độ là cha của Liên Hoa Ký. Từ nước Nga Lý Tát, Kim Cang thừa truyền bá đến miền Bản Phúc Lỗ. Vào giữa thế kỷ thứ VIII, vương triều Ba La thống trị miền đất Bản Phúc Lỗ này, có công lớn duy trì và phát triển Kim Cang thừa, khiến Thừa này hưng vượng phát đạt. Mật giáo đề xướng Đốn ngộ pháp, cũng làm cho đạo dễ thực hành. Kim Cang thừa vừa cầu được sinh vào Tây phương thổ, vừa hợp nhất với Phạm thiên của đạo Bà la môn hợp thành ưu điểm được coi trọng như nhau, về mặt thời gian thì giản tốc thành pháp, về mục đích thì giảng cứu cánh pháp. Việc hình thành tư tưởng này, đã xuất hiện vào thời gian trước sau thế kỷ thứ VII. Lấy “Đại Nhật kinh” hình thành lý luận của thời Trung kỳ thuần mật, đề xuất cách điệu “tức thân thành Phật” làm tiêu chí. Chẳng bao lâu sau, từ “Kim Cang Đỉnh kinh” dẫn đến Kim Cang thừa hậu kỳ. Đó là Tả Đạo Mật giáo thời kỳ thứ ba.

Lý luận của việc đề xướng “Tức sự như chân” của “Đại Nhật kinh” trên nguyên tắc đến từ “Sự sự vô ngại” trong “Hoa Nghiêm kinh”, còn tham chiếu tư tưởng “Phạm ngã nhất trí” trong đạo Bà la môn, rồi tiến thêm một bước diễn biến thành giáo nghĩa “Tức ngã thành Phật”. Tuy nhiên, “Đại Nhật kinh” chỉ là bộ kinh kiến thiết lý luận cho Mật giáo. Còn “Kim Cang Đỉnh kinh” mới là lý luận của các sinh hoạt thực tế.

o0o

Trên đây là ba thời kỳ tư tưởng Mật giáo phát triển tại Ấn Độ, đến thế kỷ XI, thì Mật giáo dân dần suy vi, từ cuối thời vương triều Bà La, đến thời vương triều Tư Na thì đạo Islam chiếm lĩnh toàn bộ Ấn Độ. Bấy giờ, các đại sư Mật giáo cũng bỏ đi, họ vượt qua Cao nguyên Pamir trốn sang Tây Tạng.

(Dịch từ sách MẬT TÔNG, Ba Thục thư xã, 2009)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 1)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6633925