Thông tin

KINH SÁCH CHỈ LÀ PHƯƠNG TIỆN

KINH SÁCH CHỈ LÀ PHƯƠNG TIỆN

VU GIA

 

Với tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, chẳng có pháp môn nào dở. Phật dạy: Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn ảo ảnh, như lộ diệc như điện, ứng tác như thị quan (Tất cả mọi phương pháp đều như mộng huyễn ảo ảnh, tốt nhất là nhìn thấy gì thì ứng phó như vậy). Vì thế, đừng chấp nhất cách tu kia là tà pháp, còn cách tu này mới là chính pháp.

Theo Tạp chí Khảo cổ học của Hoa Kỳ, cuối năm 2013, kết quả khai quật ở Lumbini (Nepal), mở ra một số chi tiết về thời kỳ đầu của Phật giáo mà từ trước đến nay chưa biết đến. Căn cứ vào truyền thống thì Lumbini là nơi bà Maya Devi sinh ra Siddhartha Gautama và Siddhartha Gautama trở thành Đức Phật Thích Ca. Rất nhiều đền thờ Phật giáo xưa ở Nepal đều có nguồn gốc từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Thời đó, Vương triều Asoka Maurya cai trị đã có tác dụng khởi đầu cho sự truyền bá Phật giáo, và ở Lumbini cũng tồn tại những ngôi đền cổ Phật giáo thời Vương triều Ashoka Maurya. Trong khi khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện những kết cấu bằng gỗ thời xa xưa, ước khoảng thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu cho rằng cho đến bây giờ, đây là các đền thờ Phật giáo cổ nhất được phát hiện trên thế giới. Phát hiện này cũng có thể là bằng chứng mới nhất để thảo luận về “Thời kỳ sinh sống của Đức Phật Thích Ca”. Có điều lý thú là lần phát hiện này tiến hành trong một ngôi chùa nên ở bên trên chư tăng và Phật tử đang tụng kinh niệm Phật, thì ở bên dưới các nhà khảo cổ đang miệt mài làm việc.

Kết quả khảo cổ này, khẳng định Đức Thích Ca Mâu Ni là có thật, là con người bằng xương bằng thịt được cha mẹ mang nặng đẻ đau như bao con người khác trên thế gian này. Và ngài thành Phật ngay tại thế gian này. “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” là lời nói được rút ra từ kết quả tu tập của ngài chứ không phải người đời sau sáng tác.

Từng bước, đạo Phật vào Việt Nam, và hòa quyện với tín ngưỡng dân gian để góp phần hóa độ chúng sinh. Phật giáo Việt Nam có đặc trưng riêng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi dẹp yên các sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (năm 968), đến năm Tân Mùi [Thái Bình] năm thứ 2 (971), Đinh Tiên Hoàng “Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàng làm Thập đạo tướng quân, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt Đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi”. Như thế, trong triều đình lúc bấy giờ có đủ Tam giáo: Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo (Đạo giáo). Điều này, cho thấy nhân dân Việt Nam chịu ảnh hưởng Tam giáo rất sâu đậm từ trước đó chứ không chỉ sau này.

Đạo Phật đến Việt Nam với nhiều tông phái, song muốn hòa quyện với tín ngưỡng bản địa cũng như hòa quyện với ảnh hưởng của Khổng giáo, nhất là Đạo giáo thì không thể thiếu Mật tông. Do vậy, Việt Nam không có “thiền sư” đúng nghĩa. Đọc Nhị thời khóa tụng, ai cũng thấy được điều đó. Ngài Vạn Hạnh, sách sử ghi là “thiền sư Vạn Hạnh”, nhưng ngài cũng làm “sấm”, ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi, mở đầu cơ nghiệp nhà Lý, thì có ảnh hưởng Mật tông khá rõ, chứ không đơn thuần tu theo tông phái Thiền. Theo Bách khoa toàn thư mở, bài thơ sấm trên cây gạo làng Diên Uẩn, tương truyền tác giả là Thiền sư Vạn Hạnh, mang nội dung tiên đoán về tên các triều đại cai trị trong thời phong kiến Việt Nam.

Sách Thiền Uyển tập anh, cho biết cây gạo làng Diên Uẩn do Thiền sư Đinh La Quý trồng ở chùa Châu Minh, thuộc hương Cổ Pháp vào năm 936 thời Tiết độ sứ Dương Diên Nghệ.

Việc trồng cây gạo của sư Đinh La Quý nhằm khôi phục lại long mạch bị Cao Biền phá gãy từ giữa thế kỷ thứ IX, ngoài mục đích sinh ra chân mạng đế vương, chấn hưng đất nước còn vì bậc đế vương đó có thể phò dựng chính pháp làm hưng thịnh Phật giáo.

Năm 1009, sau 73 năm tồn tại, cây gạo làng Diên Uẩn bị sét đánh nhưng không chết. Theo ghi chép của sử sách (Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục), tại chỗ sét đánh trên thân cây có bài thơ sấm mà có ý kiến cho rằng tác giả chính là sư Vạn Hạnh.

Việt sử lược, bộ sử cổ nhất Việt Nam, chép nội dung bài thơ chỉ có 8 câu:

      樹 根 杳 杳 (Thụ căn diểu diểu)

      木 表 青 青 (Mộc biểu thanh thanh)

      禾 刀 木 落 (Hòa đao mộc lạc)

      十 八 子 成 (Thập bát tử thành)

      震 宮 見 日 (Chấn cung kiến nhật)

      兑 宮 隠 星 (Đoài cung ẩn tinh)

      六 七 年 間 (Lục thất niên gian)

      天 下 太 平 (Thiên hạ thái bình).

Các sách sử đời sau như: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chép thêm 2 câu nữa:

      東 阿 入 地 (Đông A nhập địa)

      木 異 再 生 (Mộc dị tái sinh)

vào trước câu "Chấn cung kiến nhật", thành bài thơ gồm 10 câu. Dịch nghĩa bài thơ như sau:

Gốc rễ thăm thẳm

Ngọn cây xanh xanh

Dao chặt cây rụng

Mười tám hạt thành

Cành đâm xuống đất

Cây khác lại sinh

Đông mặt trời mọc

Tây sao náu mình

Khoảng sáu, bảy năm

Thiên hạ thái bình.

Sách Đại Việt sử ký ghi lời tiên đoán của sư Vạn Hạnh về bài thơ:

"Thụ căn điểu điểu", chữ “căn” nghĩa là gốc, gốc tức là vua, chữ “diểu” đồng âm với yểu, nên hiểu là yếu. "Mộc biểu thanh thanh", chữ “biểu” nghĩa là ngọn, ngọn tức là bề tôi, chữ “thanh” âm gần giống với chữ thanh nghĩa là thịnh; Hòa, đao, mộc [ghép lại] là chữ Lê; Thập, bát, tử là chữ Lý; Đông A là chữ Trần; nhập địa là phương Bắc vào cướp: "Mộc dị tái sinh" là họ Lê khác lại sinh ra. "Chấn cung kiến nhật", chấn là phương Đông, kiến là mọc ra; nhật là thiên tử. "Đoài cung ẩn tinh", "đoài" là phương Tây, "ẩn" cũng như lặn, "tinh" là thứ nhân. Mấy câu này ý nói là vua thì non yểu, bề tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương đông mọc ra thì thứ nhân ở phương tây lặn mất, trải qua 6, 7 năm thì thiên hạ thái bình.

Bài thơ được người đời sau cắt nghĩa:

• Câu 3: Chữ Hòa (禾) + chữ Đao (刀) + chữ Mộc (木) ghép lại thành chữ Lê (黎). Câu 3 tiên đoán nghĩa cây đổ, nhà Tiền Lê mất.

• Câu 4: Chữ Thập (十) + chữ Bát (八) + chữ Tử (子) ghép lại thành chữ Lý (李). Câu 4 tiên đoán nhà Lý thay nhà Lê.

• Câu 5: Chữ Đông (東) ghép với chữ A (阿) thành chữ Trần (陳). Câu 5 tiên đoán họ Trần vào nước Việt làm vua.

• Câu 6: Cây khác lại sinh. Sấm ra đời thời Lê. Cây lê khác lại sinh, tiên đoán nhà Hậu Lê kế tục nhà Trần.

• Câu 7: Phương Đông có mặt trời, ứng vào nhà Mạc khởi xuất từ phía Đông (Hải Dương) thay nhà Hậu Lê.

• Câu 8: Sao náu mình phía tây. Có các ý kiến khác nhau về câu này. Có ý kiến cho rằng câu này chỉ chúa Trịnh đóng phủ ở phía tây kinh thành Thăng Long, "náu mình" là không ra mặt xưng vua nhưng lại nắm thực quyền. Có ý kiến cho rằng "phía tây" trong câu 8 chỉ nhà Tây Sơn.

• Câu 9 và câu 10: Có ý kiến cho rằng "lục thất" chỉ nhà Nguyễn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chưa có lời giải đáp cụ thể cho 2 câu này.

Tổng quát, bài thơ được giải mã mang nội dung tiên đoán việc nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê, cũng như tên các triều đại kế tục tiếp theo trong lịch sử Việt Nam suốt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX, từ khi nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam hình thành ổn định tới khi kết thúc thời phong kiến.

Điều đáng lưu ý là Việt sử lược ra đời thời Trần nhưng không chép 2 câu: "Đông A nhập địa/ Mộc dị tái sinh" liên quan tới chính nhà Trần và nhà Hậu Lê. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào đây cho rằng:

• Bài sấm này được làm ra để tạo dư luận cho Lý Công Uẩn lên ngôi;

• Hai câu này do người đời sau (Trần, Hậu Lê) sáng tác xen thêm vào.

Do đó, lịch sử Phật giáo gọi là Thiền Mật song tu. Khi Tịnh độ tông được Phật tử tiếp nhận, thì gọi là Thiền Tịnh Mật tam tu. Mục đích của Tịnh độ tông là tu học nhằm được tái sinh tại Tây phương Cực lạc (sa. sukhāvatī) Tịnh độ của Phật A Di Đà. Đặc tính của tông này là lòng tin nhiệt thành nơi Phật A Di Đà và sức mạnh cứu độ của vị Phật này, là vị đã thệ nguyện cứu độ mọi chúng sinh quán tưởng đến mình. Vì thế, chủ trương tông phái này có khi được gọi là "tín tâm", thậm chí có người cho là "dễ dãi", vì chỉ trông cậy nơi một lực từ bên ngoài (tha lực) là Phật A Di Đà. Trong lúc đó, Phật Thích Ca là tự lực thành Phật giữa cõi ta bà này. Thời nhà Trần cũng rất ngưỡng mộ Tịnh độ tông. Trong Phú Cư trần lạc đạo – Hội thứ hai, Tổ Trúc Lâm có viết: Tịnh độ là lòng trong sạch/ Chớ ngờ hỏi đến Tây phương/ Di Đà là tánh sáng soi/ Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.

Với tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, chẳng có pháp môn nào dở. Ngày xưa, Thiền sư Vô Ngôn Thông nghe Tổ Bá Trượng nói: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”, liền ngộ đạo. Đất tâm nếu không, là tâm tịnh độ tịnh. Tuệ nhật tự chiếu, là tự tánh Di Đà. Vì A Di Đà dịch nghĩa là Vô Lượng Quang, nhà thiền gọi là Tuệ nhật tự chiếu. Đứng về lý, Tịnh độ cùng Thiền tông không khác mục đích.

Giữa các tông trong Phật môn, việc giải thích để làm sao để thành Phật cũng có các cách nhìn khác nhau. Kiểu như, bất kể là Đại thừa hay Tiểu thừa, Phật pháp thì đều cho rằng để tu luyện thành Phật thì yêu cầu phải trải qua vô số kiếp nạn, thậm chí vô số sinh tử luân hồi thì mới khiến cho người ta thấy được những sai lầm mà ngừng bước. Còn Thiền tông lại đưa ra thuyết "Minh tâm kiến tính, đốn ngộ thành Phật", tức là thông qua tọa thiền để khai ngộ, sau đó mới nhất niệm thành Phật; mà Mật tông thì lại yêu cầu người tu luyện tu tập "Tam mật gia trì" để đạt được "Tức thân thành Phật". Tam mật chính là thân mật, khẩu mật, ý mật!

Phật giáo Việt Nam có hệ phái Cổ sơn môn, tu sĩ có thể có vợ sinh con, song không giống với phương pháp tu hành “Lạc Không Song Vận” của Mật tông, nhất là Mật tông Tây Tạng, là khiến bản thân trong sắc dục quan thức đại lạc, ở trong đại lạc cảm ngộ không minh, ở trong không minh đạt được viên mãn, tức thân thành Phật.

Phật dạy: Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn ảo ảnh, như lộ diệc như điện, ứng tác như thị quan (Tất cả mọi phương pháp đều như mộng huyễn ảo ảnh, tốt nhất là nhìn thấy gì thì ứng phó như vậy). Vì thế, đừng chấp nhất cách tu kia là tà pháp, còn cách tu này mới là chính pháp. Tục ngữ có câu: “Sư phụ thu vào cửa, tu hành tự bản thân”. Phật cũng mình, ma cũng mình. Phật là người chỉ đường, còn tự mình chọn phương tiện nào thấy tốt nhất, hợp nhất để đi tới bến bờ. Nói đến Hà Nội, ai cũng biết nhưng đến Hà Nội bằng phương tiện gì, đi hướng nào, đi ra sao… là tự mình chọn lấy. Có người qua nhiều nguồn thông tin, biết Hà Nội như biết lòng bàn tay của mình mà cả đời không đặt chân tới được Hà Nội. Có người chỉ có quyết tâm, vừa đi bộ vừa lao động kiếm sống rồi tới một ngày được hít thở bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, được tận mắt thấy Hoàng thành Thăng Long, thấy được chùa Một Cột… Tu Phật cũng thế thôi! Qua kết quả khai quật ở Lumbini (Nepal), lần nữa khẳng định Phật Thích Ca là người có thật ở cõi đời này tu hành chứng quả, là bậc toàn giác. Đọc những lời Phật để lại, ta thấy lời xưng của ngài vừa khiêm tốn vừa thực tế, không huyền bí, không chứng tỏ mình là thần linh vạn năng có thể ban phúc giáng họa cho bất kỳ ai. Phật là như thế! Nhưng làm sao để thành Phật? Trong kinh Sela, đức Phật đã nói: “Cần biết, Ta đã biết/ Cần tu, Ta đã tu/ Cần bỏ, Ta đã bỏ/ Do vậy, Ta là Phật”.

Như vậy, để thành Phật không khó, song cũng chẳng dễ. Dễ hay khó là do tự thân, tự tánh, tự tu của mỗi người. Kinh Tăng chi bộ, Đức Phật có dạy: "Này các Tỳ-khưu, có ba phước nghiệp sự này. Đó là: Phước nghiệp sự do bố thí tác thành, phước nghiệp sự do giới tác thành, và phước nghiệp sự do tu thiền tác thành". Ở đây, ta thấy bố thí là một đức hạnh cao quý thường được đề cập đến trong cuộc sống tu tập của người con Phật, tu sĩ lẫn cư sĩ, trong mọi tông phái Phật giáo. Hiện nay, ở bất cứ thành thị hay thị trấn nào thì cũng đều có người ăn xin, nơi nào cũng có người đáng thương cả. Đáng tiếc, có đôi khi chúng ta lại chứng kiến có nhiều người ăn xin khác, ban ngày ăn xin, đến đêm lại đi hưởng thụ cụôc sống xa hoa, cuộc sống của bọn họ thật xa xỉ vượt xa với người bình thường chúng ta nhiều lắm. Những người như thế đúng là thật đáng để chúng ta thóa mạ, thật không đáng để đồng tình. Người như thế càng ngày càng nhiều, chuyện này không chỉ là nỗi buồn chung của xã hội, mà còn là nỗi buồn của riêng mỗi chúng ta. Nhưng chúng ta nhất định phải có lòng tin rằng những người như thế nhất định chỉ có rất ít thôi, đại đa số người già yếu, cô khổ, bệnh tật hành nghề ăn xin rất đáng để đồng tình và được giúp đỡ. Chỉ cần có thể làm vậy thì ít nhất cũng chứng minh rằng mình vẫn còn là một người có tấm lòng lương thiện. Một người có tấm lòng lương thiện có lẽ sẽ không nhất định có thiện báo, tuy nhiên tối thiểu tấm lòng sẽ an ổn và không hề thẹn với lòng. Tinh thần từ bi, hỉ xả của đạo Phật đã trở thành truyền thống văn hóa của dân tộc: “Dù xây chín cửa phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”.

Hồi nhỏ, tôi cũng thường được cha mẹ dẫn đi viếng cảnh chùa, và cũng có nhiều lần bái Phật. Khi tôi có chút hiểu biết, ba tôi hay dặn, bái Phật niệm kinh chưa chắc đã được việc gì. Nhưng làm phước gặp phước, làm ác tất bị quả báo thì nhất định là không sai được… Người làm điều thiện hay điều ác mà không thấy quả báo là chưa tới lúc mà thôi. Tin hay không thì còn tùy người, song mỗi khi giúp được gì cho ai đó, tôi thấy lòng thanh thản. Trong cuộc đời bôn ba của tôi, tôi cũng gặp được nhiều, rất nhiều sự giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần của nhiều người. Và tôi nghĩ, cuộc sống rất cần có thiện tâm. Tuệ Trung Thượng sĩ từng viết: “Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu/ Thùy thính cô viên đề xứ thâm” (Người đời đều thấy nghìn ngọn núi buổi sáng rực rỡ, nhưng có mấy ai lắng tai nghe tiếng vượn kêu trầm buồn lẻ loi trong núi thẳm).

Qua tuổi “tri thiên mệnh”, tôi bỗng dưng thích đọc sách về tôn giáo, trong đó có kinh sách Phật giáo. Từ đó, tôi thấy rằng Phật tâm có ngay trong thân thể ta. Đã là con người ai cũng có Phật tính. Phật tâm chính là bản thể của vạn vật, có tâm là có Phật; Phật có trong mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này, chấp nhất hay không chấp nhất, tất cả đều từ tâm mà ra.

Tụng kinh niệm Phật để hiểu Phật, để đi theo con đường của Phật đã đi, đã thành Phật ngay giữa cõi đời ô trọc này nhằm tránh được vòng luân hồi khổ lụy, chứ không phải để cầu xin Phật cho thăng quan phát tài, cho làm những việc sai trái mà được thoát lưới pháp luật… Và cũng không phải tụng để mà tụng, không cần biết yếu nghĩa lời Phật dạy. Bao đời qua, kinh sách chỉ là phương tiện, chứ không phải chân lý! “Tận tín thư bất như vô thư” (Tin hết vào sách vở, thà đừng có sách vở còn hơn)!

Người xưa từng nói: Vô sanh luyến, vô tử úy (không cầu sinh, thì không sợ chết), vô Phật cầu, vô ma phố (không cầu Phật, thì không có ma), tự do tự tại toàn là do tâm của mình. Tự do tự tại không có hình dạng, không có tên gọi, không có nơi chốn. Cứ chấp nhất hình dạng cụ thể của tự do tự tại, thì càng lẫn lộn, suy nghĩ cũng không rõ ràng.

Kỷ niệm ngày Phật đản sanh năm nay, tôi xin học chút da lông cụ Nguyễn Du: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Mong vậy! 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6057922