Thông tin

KINH VI TẰNG HỮU - PHÁP XÁC TÍN SỰ KIỆN PHẬT ĐẢN SANH

KINH VI TẰNG HỮU - PHÁP XÁC TÍN

SỰ KIỆN PHẬT ĐẢN SANH

HÂN KIẾN

 

Trong kiếp sống nhân sinh, chúng ta thường ít thấy những điều hy hữu. Đặc biệt hơn là sự kiện “Đản sanh và sự nghiệp” của Đức Thế Tôn là những điều khó thấy, khó biết. Hàng hậu học chúng ta cần phải biết rõ các sự kiện hy hữu này thông qua kinh tạng ở cả hai hệ thống Nam truyền (kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp, kinh Đại Bổn,….) và Bắc truyền (Hệ Sanksit Đại thừa Hán tạng, kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Hoa Nghiêm, kinh Sơ Đại Bổn Duyên,….1). Rõ ràng hơn trong hệ thống kinh A Hàm, bài kinh Vị Tằng Hữu Pháp có ghi rõ các sự kiện hy hữu của Đức Thế Tôn được tóm tắt như sau:

Một thời Đức Thế Tôn ở thành Vương Xá, rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc, vào lúc xế trưa, A Nan bạch Đức Thế Tôn: “Con nghe Đức Thế Tôn đến thời Phật Ca Diếp mới phát nguyện Phật Đạo, tu hành phạm hạnh rồi sanh lên cung trời Đâu Suất có ba việc thù thắng hơn các hàng trời trước đó là “Thọ mạng, Danh dự và Sắc tướng”, làm cho các vị Trời ấy hoan hỉ tán thán: kỳ diệu thay, hy hữu thay. Vị Vương tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần”.

Đại Thế Tôn khi ấy mạng chung biết sẽ nhập vào bào thai, lúc ấy trời đất rúng động, ánh sáng vi diệu, quảng đại chiếu khắp nơi, cho đến những chỗ u ám, tối tăm đều không có gì ngăn che được, làm cho tất cả chúng sanh thấy ánh sáng đó, phát khởi sự hiểu biết rằng “Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời, có một chúng sanh kỳ diệu hy hữu ra đời”.

Đức Thế Tôn nhập vào thai mẹ, tựa hông bên phải, hình thể thư thái, ẩn kín không bị máu dơ làm ô uế, cũng không bị bất kỳ tinh khí hay các thứ bất tịnh nào làm cho ô uế.

Đức Thế Tôn hình thể thư thái, ẩn kín ra khỏi thai mẹ, không ô uế, không vướng bận hay dính mắc vào bất cứ thứ gì. Lúc ấy, cả trời đất rúng động, ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp mọi nơi tăm tối, u ám làm cho tất cả chúng sanh phát sinh sự hiểu biết rằng: “Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời, có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời”.

Đức Thế Tôn vừa ra khỏi thai me, có bốn vị Thiên Tử cầm vải rất mịn đỡ, làm cho bà mẹ hoan hỉ tán rằng: “Kỳ diệu thay, hy hữu thay, Đồng tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần”.

Đức Thế Tôn vừa ra đời liền đi bảy bước, quan sát các phương, không kinh hãi, không khiếp sợ. Ngay lúc đó phía trước người mẹ này sinh một hồ nước lớn, nước đụng tràn bờ, làm cho người mẹ thọ dụng thanh tịnh. Trên hư không, nước mưa rơi xuống một luồng ấm, một luồng lạnh tắm thân thể Đức Thế Tôn. Chư Thiên trổi lên các thứ nhạc trời, đem hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, hoa sen hồng, hoa Văn đà la, bột hương Chiên đàn rải lên Đức Thế Tôn.

Rồi khi Thái tử còn ở với Vua cha Bạch Tịnh (Tịnh Phạn) vào một ngày đi dự lễ hạ điền, Thái tử ngồi dưới gốc cây Diêm Phù ly dục, ly ác, bất thiện pháp, có giác, có quán, có lạc phát sinh, nhập vào Sơ thiền và an trụ. Lúc ấy đã xế trưa, tất cả các bóng cây đều ngã, chỉ có cây Diêm Phù vẫn yên bóng che mát thân thể của Thái tử. Kỳ diệu thay, hy hữu thay, vị Thái tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần.

Vào một thời, Thế Tôn du hóa ở rừng Đại Lâm. Sau khi thọ thực xong, Ngài xếp y, ôm bát đi vào rừng, ngồi dưới gốc cây Da-la, trời đã xế chiều, tất cả các cây đều đã ngã bóng, chỉ có cây Da-la là không ngã bóng, vẫn che mát Đức Thế Tôn.

Một thuở Thế Tôn du hóa tại Tỳ Xá Li, khi ấy bát của chư Tỳ kheo để ở bãi đất trống, trong đó có bát của Thế Tôn. Có một con khỉ tự nhiên đến ôm bát của Thế Tôn chạy đi, chư Tỳ kheo sợ nó làm bể bát la lên, Thế Tôn dạy: “Hãy để yên, hãy để yên, đừng la nó, nó sẽ không làm bể bát đâu”.  Rồi chú khỉ ôm bát leo lên cây hứng đầy bát mật đem xuống cúng dường Đức Thế Tôn, Ngài không nhận, khỉ ôm bát mật qua một bên, nhặt sạch sâu, kiến, rác trong bát mật rồi lại đem dâng Thế Tôn. Nhưng Ngài vẫn không nhận. Chú khỉ lại ôm bát mật ra, múc nước đổ vào bát mật rồi lại đem dâng cúng dường Đức Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn mới nhận. Chú khỉ vui mừng, múa may nhảy nhót.

Một thời Đức Phật du hóa tại Tỳ Xá Li, khi Đức Thế Tôn đang phơi tọa cụ, có một đám mây kéo đến muốn mưa nhưng không mưa, đợi Thế Tôn gấp tọa cụ xong thì mưa lớn. Đây là sự kiện rất hy hữu.

Một thời Đức Thế Tôn du hóa ở Bạt Kỳ, trong rừng Ôn Tuyền, Đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây Ta-la chúa, trời đã xế chiều, các cây khác đều ngã bóng, chỉ có cây Ta-la chúa là vẫn yên bóng, che mát Đức Thế Tôn.

Một thuở Thế Tôn trú tại miếu thần A-Phù. Mưa lớn, sấm chớp đánh chết bốn con trâu và hai người cày, Thế Tôn vẫn tỉnh thức nhưng không nghe tiếng động lớn ấy.

Môt thời Thế Tôn trú tại Uất Tỳ La bên sông Ni Liên Thuyền, ngồi dưới gốc cây A-xà-hòa-la-ni-câu-loại, mưa lớn đến bảy ngày mà Thế Tôn đi kinh hành đến đâu đều có bụi bay lên.

Và trong suốt sáu năm, Ma vương theo Phật để tìm chỗ sơ sót nhưng không tìm được, đành bỏ về.

Rồi suốt bảy năm, Thế Tôn luôn luôn suy niệm, liên tục không gián đoạn, Thế Tôn biết rõ sự sanh khởi của các cảm thọ, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết, không có khi nào không biết.

Qua các sự kiện hy hữu của Đức Thế Tôn được trình bày rõ ràng cụ thể trong kinh tạng, chúng ta thấy rằng, kém phước thì khó mà gặp được điều hy hữu vậy.

Song đạo Phật lấy từ tâm làm bản thể, Sắc tướng có thể khác nhau nhưng sự thị hiện của Thế Tôn là sanh vào cung vua, làm thái tử với ba mươi hai tướng tốt, thọ mạng 80 tuổi là phù hợp với mong muốn của chúng sanh trong cõi ta bà, tạo cho người ta một niềm tin vững chắc, phù hợp luân lý.

Ta thấy Bồ tát tự chọn chỗ đến, biết rõ nơi mình đến, sáng suốt biết rõ từ lúc nhập thai, trụ thai rồi an lạc, tự tại thư thái ra khỏi bào thai mà không bị dính mắc, không bị ô uế. Vậy chúng ta phải tu tập tỉnh thức trong từng phút giây hiện tại, ta mới có thể tự tại trong sinh tử.

Và một con người vĩ đại ra đời với sự hân hoan chào đón của chư thiên và loài người. Con người ấy đi đến đâu cũng được che mát, ấy là bóng mát của phạm hạnh, của năng lực tu tập. Ta thấy trong đời sống một con người phạm hạnh như các vị tôn túc của chúng ta như Hòa thượng Thích Minh Châu hay Hòa thượng Thích Trí Tịnh… lúc sanh tiền, Quý Ngài đi đến đâu, người ta tiếp rước chu đáo đến đó. Ấy là nhờ vào phạm hạnh, vào năng lực tu tập, tỏa ra từ trường an ổn mát mẻ mà mọi người muốn đến gần. Cả những loài vô tình như bóng cây cũng yên bình che mát, hay những con vật có tánh linh như chú khỉ kia cũng muốn cúng dường dù đến lần thứ ba Thế Tôn mới nhận bát mà chú khỉ vẫn rất vui mừng vậy. Điều này cũng mang triết lý việc cúng dường bằng tâm sanh phước báu lớn. Cho đến thiên nhiên: Mây, mưa cũng động trước những việc làm đơn giản bình thường như rửa bát, phơi tọa cụ,… vì sao vậy? Những việc tưởng như đơn giản đó lại tích lũy phước đức cho chúng ta, giúp ta thuận duyên trên con đường tu học. Vì phung phí sẽ làm tổn phước, cản trở đường tu. Ta thấy Hòa thượng Thích Trí Tịnh sử dụng cái bàn trà đến 45 năm, cái mền đến cũ kỹ, hay đến 94 tuổi Ngài mới cho đệ tử giặt quần áo cho mình2… Những  việc tưởng như là nhỏ mà bậc tôn túc lại coi trọng. Vậy ta mới thấy được việc sử dụng các thứ cần thiết, biết đủ trong đời sống tu tập là quan trọng. Vì khi tâm ta tịnh thì quốc độ tịnh, ta hoan hỉ thì những thứ nhỏ nhất xung quanh ta đều có giá trị của nó…

Và một điều không thể thiếu đối với một hành giả xuất gia tu Phật là sự tỉnh giác, chánh niệm trong từng phút giây hiện tại, không để cho Ma vương tìm thấy sai sót, dù trong cảnh khổ hay cảnh vui đều không bị xáo động mới mong có ngày thoát được sanh tử.

Tóm lại, một người xuất gia trong đời sống hiện tại cần phải biết rõ tất cả những sự kiện hy hữu của Đức Thế Tôn được ghi rõ ràng trong cả hai hệ thống Kinh tạng Nam truyền và Bắc truyền. Không nên chê bai khi không hiểu rõ sự việc, phải thường hằng tỉnh thức. Tập buông xuống, thường quán sát nhân duyên. Lắng lòng để tâm thật yên tỉnh, không tham đắm, cũng chẳng mong cầu bất cứ thứ gì. Hãy trải rộng lòng từ đến tất cả chúng sanh, niềm an vui tự nhiên hiện hữu. Bởi lẽ khi ta bỏ tất cả là ta được tất cả vậy.


1- Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp: Kinh Trung Bộ tập 3, trang 317, NXB Tôn giáo năm 2001; Kinh Đại Bát Niết Bàn tập 2, trang 405, NXB Tôn giáo năm 2007, biên dịch: HT Thích Trí Tịnh; Kinh Hoa Nghiêm tập 4, trang 555, NXB Tôn Giáo năm 2009, biên dịch: HT Thích Trí Tịnh.

2- Kỷ yếu Tưởng niệm Đại lão HT. Thích Trí Tịnh, NXB Hồng Đức, trang 177.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 98
    • Số lượt truy cập : 6713474