Thông tin

KUSINĀRĀ NƠI XÚC ĐỘNG THÂN TÂM TRỜI NGƯỜI

KUSINĀRĀ NƠI XÚC ĐỘNG THÂN TÂM TRỜI NGƯỜI

 

 PAÑÑAVARA TUỆ ÂN

 

 

 

Vào buổi chiều ngày rằm tháng tư, Đức Thế Tôn ngự đến khu rừng Sālā xứ Kusinārā, nơi nghỉ ngơi của hoàng tộc Malla, Ngài truyền bảo Đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, con nên đặt chiếc giường quay đầu về hướng Bắc, giữa hai cây Sālā (song long thọ).

Khi ấy Đức Thế Tôn nằm nghiêng bên phải, đầu quay về hướng Bắc, hai chân duỗi thẳng so le, chân phải duỗi thẳng, chân trái đầu gối hơi co, hai chân không bằng nhau, có chánh niệm trí tuệ tỉnh giác, không định trước giờ xả.

Hai cây Sālā trổ hoa trái mùa, những đóa hoa rơi xuống kim thân của Đức Phật để cúng dường Ngài. Các cây hoa trong rừng đều nở rộ, những đóa hoa trời, hương trời... từ cõi trời rơi xuống như mưa để cúng dường Đấng Đạo Sư. Những tiếng nhạc trời trổi lên để cúng dường Ngài. Khi ấy, Đức Phật truyền dạy Đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, hai cây Sālā trổ hoa trái mùa, những đóa hoa rơi xuống kim thân của Như Lai để cúng dường Như Lai. Các cây hoa trong rừng đều nở rộ, những đóa hoa trời, hương trời, từ các cõi trời, rơi xuống, những tiếng nhạc trời từ các cõi trời cũng trổi lên để cúng dường Như Lai.

Này Ānanda, sự cúng dường đến Như Lai bằng phẩm vật như vậy không gọi là cách cúng dường cao thượng. Người nào là Tỳ-khưu hoặc Tỳ-khưu-ni, hoặc cận sự nam, hoặc cận sự nữ, là người thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết bàn, thực hành đúng theo pháp hành bát chánh đạo, hành theo chánh pháp, người ấy gọi là người có lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường Như Lai bằng cách cúng dường cao thượng.

Này Ānanda, vì vậy, các con luôn luôn tâm niệm rằng: “Chúng ta là hành giả tiến hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết bàn, thực hành đúng theo pháp hành Bát Chánh Đạo, hành theo chánh pháp”.

Sở dĩ, Đấng Thập Lực Tuệ đề cao sự cúng dường bằng cách thực hành chánh pháp là cao thượng hơn sự cúng dường bằng phẩm vật, là vì, chỉ có sự cúng dường bằng thực hành chánh pháp mới có thể giữ gìn, duy trì giáo pháp trường tồn trên thế gian.

Vào lúc canh chót đêm ấy, Đức Thế Tôn sắp tịch diệt Niết bàn, Ngài Ānanda đang còn là bậc Thánh Nhập Lưu, nên Ngài tủi thân, lánh ra một nơi vắng vẻ đứng khóc, than vãn rằng: “Ta còn là bậc Thánh Nhập Lưu, cần phải tiến hành thiền tuệ, để dẫn đến chứng đắc Thánh bậc cao, nhưng Đức Phật là bậc Thầy tế độ của ta sắp tịch diệt Niết bàn”.

Khi ấy, Đức Phật không thấy Đại đức Ānanda, nên hỏi chư Tỳ-khưu rằng:

- Này chư Tỳ-khưu, Ānanda đang ở đâu?

Chư Tỳ-khưu bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, Đại đức Ānanda lánh xa một nơi vắng vẻ, đứng khóc, than vãn rằng: “Ta đang còn là bậc Thánh Nhập Lưu, cần phải tiến hành thiền tuệ để dẫn đến chứng đắc Thánh bậc cao, nhưng Đức Thế Tôn là bậc Thầy tế độ của ta sắp tịch diệt Niết bàn”.

Đức Thế Tôn truyền bảo một vị Tỳ-khưu gọi Đại đức Ānanda đến hầu Ngài.

Vị Tỳ-khưu vâng lời, đi mời Đại đức Ānanda đến hầu Đức Thế Tôn.

Đại đức Ānanda đến hầu đảnh lễ Đức Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Đấng Thiện Thệ dạy Đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, Như Lai đã từng dạy rằng: “Sống xa lìa nhau, chết biệt ly với những người thân yêu, các bậc kính mến ấy, đó là điều hiển nhiên. Do đó, làm sao lại có thể, có những người thân yêu, các bậc kính mến ấy theo ý muốn của mình được!”.

Những pháp nào đã sinh rồi, hiện hữu rồi, do nhân duyên cấu tạo rồi, chắc chắn có sự hủy hoại là thường, dù có mong muốn rằng: “xin pháp ấy đừng hủy hoại”, đó là điều không thể nào có được.

Này Ānanda, con là một thị giả tận tụy chăm sóc Như Lai với tâm từ được biểu hiện bằng thân, khẩu, ý. Đó là sự lợi ích, sự tiến hóa trong mọi thiện pháp, bồi bổ đầy đủ pháp hạnh ba-la-mật rồi.

Này Ānanda, con nên cố gắng tinh tấn, chắc chắn con sẽ đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, trở thành bậc Thánh Arahán một cách mau chóng.

Đức Phật khen ngợi Đại đức Ānanda đã tận tụy chăm sóc Ngài một cách rất chu đáo; Đại đức Ānanda là bậc thiện trí biết cách cư xử đối với mọi người, biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, hướng dẫn mọi người đến hầu Đức Phật: Ngài hướng dẫn cho Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, cận sự nam, cận sự nữ, Đức vua, các quan, nhóm ngoại đạo v.v... vào hầu Đức Phật.

***

Tuy có nhiều xứ lớn, kinh thành lớn, nhưng Đức Thế Tôn không chọn làm nơi tịch diệt Niết bàn của Ngài, mà chọn xứ Kusinārā bởi có 3 lý do:

1- Trong quá khứ, xứ Kusinārā là một kinh thành rộng lớn có tên là kinh thành Kusavatī, có Đức Chuyển Luân Thánh Vương Mahādassana trị vì tứ châu thiên hạ. Nếu Đức Thế Tôn tịch diệt Niết bàn nơi khác, thì không có lý do thuyết bài kinh Mahādassanasutta. Do đó, Ngài chọn xứ Kusinārā làm nơi tịch diệt Niết bàn, để Ngài có cơ hội thuyết bài kinh Mahādassanasutta, chúng sinh lắng nghe bài kinh này sẽ phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện pháp.

2- Đạo sĩ Subhadda là người đệ tử cuối cùng của Bậc Thế Gian Giải, hiện đang ở tại xứ Kusinārā. Ngoài Ngài ra, không có vị Thánh Thanh Văn nào có khả năng tế độ Đạo sĩ Subhadda được. Do đó, Đức Thế Tôn phải đến xứ Kusināra để tế độ cho Đạo sĩ Subhadda người đệ tử cuối cùng của Ngài, Tỳ khưu Subhadda sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, trước khi Ngài tịch diệt Niết bàn.

3- Đức Thế Tôn biết rõ rằng, sau khi Ngài tịch diệt Niết bàn, làm lễ hỏa táng xong, các nước lớn sẽ kéo đến tranh giành Xá lợi của Ngài, do đó có thể gây ra chiến tranh giữa các xứ với nhau. Đức Thế Tôn thấy rõ, biết rõ chỉ có Bàlamôn Doa là người có khả năng đứng ra làm trung gian hòa giải các Đức vua từ các nước lớn và biết cách phân chia các Xá lợi cho mỗi xứ thỉnh đem về xây Bảo tháp thờ Xá lợi. Vị Bàlamôn Doa hiện đang ở tại xứ Kusinārā, nên Đức Thế Tôn quyết định chọn xứ Kusinārā làm nơi tịch diệt Niết bàn của Ngài.

Đó là 3 lý do chính mà Đức Thế Tôn chọn xứ Kusi- nārā làm nơi tịch diệt Niết bàn của Ngài.

***

Thế rồi cũng đã đến đêm cuối cùng của Đức Thế Tôn trước khi tịch diệt Niết bàn là đêm rằm tháng tư (Vesakha).

- Canh đầu: Nghe tin canh chót đêm ấy, Đức Phật sẽ tịch diệt Niết bàn tại khu rừng Sālā. Đức vua, Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa cùng các bậc bô lão trong hoàng tộc Malla, cùng hoàng thân quốc thích tuần tự đến hầu đảnh lễ Đức Phật lần cuối cùng, tiếp theo các quan trong triều, toàn thể dân chúng xứ Kusinārā tuần tự đến hầu đảnh lễ Đức Phật lần cuối cùng, kéo dài trọn canh đầu.

- Canh giữa: Đạo sĩ Subhadda nghe tin Đấng Đạo Sư sắp tịch diệt Niết bàn vào canh chót đêm ấy, nên nghĩ rằng: “Ta có nhiều điều thắc mắc, đã từ lâu chưa có một vị Sa môn nào có thể giải đáp, giúp làm cho ta đoạn tuyệt được thắc mắc ấy. Nay nghe tin Sa môn Gotama, Đức Phật Chánh Đẳng Giác ngự đến xứ này, Ngài đang ở tại khu rừng Sālā sắp tịch diệt Niết bàn vào canh chót đêm nay. Ta nên đến hầu Ngài, để hỏi những điều thắc mắc của ta, kính nhờ Ngài giải đáp”.

Đạo sĩ Subhadda đến khu rừng Sālā tìm gặp Đại đức Ānanda xin phép vào hầu Đức Thế Tôn.

Đại đức Ānanda bảo rằng:

- Này Đạo sĩ Subhadda, xin ông không nên quấy rầy, làm phiền Đức Thế Tôn trong lúc này, Đức Thế Tôn mệt quá rồi.

Đạo sĩ Subhadda tha thiết khẩn khoản xin Đại đức Ānanda cho phép vào hầu Đức Thế Tôn.

Nghe Đại đức Ānanda và Đạo sĩ Subhadda đang nói chuyện qua lại với nhau, Đức Thế Tôn truyền dạy Đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, con không nên ngăn Subhadda, để cho Subhadda đến gặp Như Lai.

Đạo sĩ Subhadda có cơ hội đến hầu vấn an Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, Đạo sĩ Subhadda bạch rằng:

- Kính bạch Sa môn Gotama, các Sa môn, Bàlamôn là Đạo sư, trưởng phái có tiếng tăm có oai lực đứng đầu một môn phái, mà phần đông dân chúng tán dương ca tụng, tôn sùng là bậc Thánh Thiện. Như các vị Đạo sư Puraa Kassapa, Makkhali Gosāla, Ajita Kesakambalạ, Pakudha Kaccayana, Sañjaya Belaṭṭhaputta, Nigaṇṭhanāaputta... Tất cả Sa môn, Bàlamôn ấy đã chứng đắc như họ đã tuyên bố, hoặc tất cả không chứng đắc, hoặc có một số chứng đắc, một số không chứng đắc. Bạch Ngài.

Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Này Subhadda, con không nên đề cập đến vấn đề ấy, con nên lắng nghe Như Lai thuyết pháp.

Này Subhadda, Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh không có trong pháp luật nào, thì chắc chắn không có theo tuần tự Sa môn thứ nhất bậc Thánh Nhập Lưu, Sa môn thứ nhì bậc Thánh Nhất Lai, Sa môn thứ ba bậc Thánh Bất Lai, Sa môn thứ tư bậc Thánh Arahán trong pháp luật ấy.

Này Subhadda, Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh có trong pháp luật nào, thì chắc chắn có tuần tự Sa môn thứ nhất bậc Thánh Nhập Lưu, Sa môn thứ nhì bậc Thánh Nhất Lai, Sa môn thứ ba bậc Thánh Bất Lai, Sa môn thứ tư bậc Thánh Arahán trong pháp luật ấy.

Này Subhadda, Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh chỉ có trong pháp luật của Như Lai mà thôi, cho nên, chắc chắn có tuần tự Sa môn thứ nhất bậc Thánh Nhập Lưu, Sa môn thứ nhì bậc Thánh Nhất Lai, Sa môn thứ ba bậc Thánh Bất Lai, Sa môn thứ tư bậc Thánh Arahán trong pháp luật của Như Lai. Ngoài pháp luật này của Như Lai ra, những tà giáo khác không có Sa môn nào cả.

Này Subhadda, chư Tỳ-khưu trong pháp luật này sống thực hành đúng theo pháp hành bát chánh đạo, và truyền dạy chỉ dẫn người khác cũng thực hành đúng theo pháp hành bát chánh đạo, thì trong đời này không vắng chư bậc Thánh Arahán.

Sau khi lắng nghe lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, Đạo sĩ Subhadda vô cùng hoan hỷ, tán dương ca tụng Đức Thế Tôn. Xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật, nơi Đức Pháp, nơi Đức Tăng, xin xuất gia trở thành Sadi, Tỳ-khưu trong giáo pháp của Ngài.

Đức Thế Tôn cho phép Đạo sĩ Subhadda xuất gia trở thành Tỳ-khưu. Đại đức Subhadda là người đệ tử cuối cùng do chính Đức Thế Tôn tế độ. Sau khi trở thành Tỳ khưu, Đại đức Subhadda ở một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết bàn, trở thành bậc Thánh Arahán, trước khi Đức Phật tịch diệt Niết bàn.

***

- Canh chót: Đức Thế Tôn gọi Đại đức Ānanda khuyên dạy rằng:

- Này Ānanda, trong số các con, nếu có người nào nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn tịch diệt Niết bàn rồi, chúng ta không còn Đức Tôn sư (natthi no satthā)”, thì các con chớ có nên nghĩ như vậy.

Cuối cùng canh chót, Đức Thế Tôn một lần nữa nhắc nhở khuyên bảo chư Tỳ-khưu lần cuối cùng rằng:

“Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo,

Vayadhammā sakhārā, appamādena sampādetha”

“Này chư Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận sự nam, cận sự nữ... bây giờ Như Lai nhắc nhở, khuyên bảo các con lần cuối cùng rằng: - Các pháp hữu vi (ngũ uẩn) có sự diệt là thường, các con nên cố gắng tinh tấn hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế, bằng pháp không dể duôi, tiến hành Tứ Niệm Xứ”.

Đức Thế Tôn vừa chấm dứt câu: “Appamādena sampādetha” từ đó không còn dạy thêm một câu nào khác nữa.

Do đó, câu “Handa dāni bhikkhave... appamādena sampādetha”, gọi là Pacchimabuddhavacana: Câu Phật ngôn cuối cùng.

Sau khi chấm dứt lời dạy cuối cùng bằng câu: “Appamādena sampādetha”.

Đức Phật nhập đệ nhất thiền, rồi xả đệ nhất thiền.

Nhập đệ nhị thiền, rồi xả đệ nhị thiền.

Nhập đệ tam thiền, rồi xả đệ tam thiền.

Nhập đệ tứ thiền, rồi xả đệ tứ thiền.

Nhập không vô biên xứ thiền, rồi xả không vô biên xứ thiền.

Nhập thức vô biên xứ thiền, rồi xả thức vô biên xứ thiền.

Nhập vô sở hữu xứ thiền, rồi xả vô sở hữu xứ thiền.

Nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, rồi xả phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền.

Nhập diệt thọ tưởng.

Khi ấy, Đại đức Ānanda hỏi Đại đức Anuruddha rằng:

- Thưa pháp huynh Anuruddha, Đức Thế Tôn tịch diệt Niết bàn rồi có phải không?

- Này pháp đệ Ānanda, Đức Thế Tôn chưa tịch diệt Niết bàn, Ngài đang nhập diệt thọ tưởng.

Đức Thế Tôn xả diệt thọ tưởng.

Nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, rồi xả phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền.

Nhập vô sở hữu xứ thiền, rồi xả vô sở hữu xứ thiền.

Nhập thức vô biên xứ thiền, rồi xả thức vô biên xứ thiền.

Nhập không vô biên xứ thiền, rồi xả không vô biên xứ thiền.

Nhập đệ tứ thiền, rồi xả đệ tứ thiền.

Nhập đệ tam thiền, rồi xả đệ tam thiền.

Nhập đệ nhị thiền, rồi xả đệ nhị thiền.

Nhập đệ nhất thiền, rồi xả đệ nhất thiền.

Nhập đệ nhị thiền, rồi xả đệ nhị thiền.

Nhập đệ tam thiền, rồi xả đệ tam thiền.

Nhập đệ tứ thiền, rồi xả đệ tứ thiền tiếp theo tịch diệt Niết bàn gọi là Khandhapari-nibbāna: Ngũ uẩn Niết bàn, nghĩa là diệt ngũ uẩn rồi không còn nhân duyên nào để tái sinh ngũ uẩn khác; chấm dứt khổ tử sinh luân hồi trong tam giới. Ngay khi ấy, trái đất rùng mình chuyển động.

Đó là một trong tám hiện tượng thường xảy ra đối với Chư Phật Chánh Giác vì Đức Phật có danh hiệu Đức Phật Gotama là Bậc Cao Cả nhất, Bậc Vĩ Đại nhất, Bậc Tối Thượng nhất trong toàn cõi thế giới chúng sinh, đã tịch diệt Niết bàn.

Trước khi tịch diệt Niết bàn, Đức Phật đã khuyên bảo, nhắc nhở các hàng Thanh Văn đệ tử lần cuối cùng rằng:

“Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo,

Vayadhammā sakhārā, appamādena sampādetha”

- Này chư Tỳ-khưu, bây giờ Như Lai khuyên bảo, nhắc nhở các con lần cuối cùng rằng:

“Các pháp hữu vi, ngũ uẩn có sự diệt là thường, các con nên cố gắng tinh tấn hoàn thành mọi phận sự Tứ Thánh Đế, bằng pháp không dể duôi, tiến hành Tứ Niệm Xứ”.

Tất cả chúng sinh hễ có sinh, thì ắt phải có tử; không ngoại trừ một ai cả. Đức Phật và chư Thánh Arahán không gọi là tử (chết) mà gọi là tịch diệt Niết bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài; bởi vì, Đức Phật và chư Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt mọi tham ái không còn dư sót, cho nên, không có tham ái dẫn dắt nghiệp cho quả tái sanh kiếp sau nữa. Còn các chúng sinh khác, dù là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, vẫn còn tham ái là nhân sinh khổ dẫn dắt tái sinh kiếp sau, tiếp tục tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đức Phật đã tịch diệt Niết bàn rồi, song giáo pháp của Ngài vẫn còn tồn tại trên thế gian.

Như Đức Phật đã giảng giải trước khi Ngài tịch diệt Niết bàn rằng:

“Iti imāni caturāsitidhamakkhandhasahassāni tiṭṭhanti, aha ekova parinibbayāmi. Ahañca kho dāni ekakova ovadāni, anusāsāmi; mayi parinibbute imāni caturāsitidhamakkhandhasahassāni tumhe ovadissanti anusāsissanti...”.

“Như vậy, 84.000 pháp môn này vẫn tồn tại, chỉ có một mình Như Lai tịch diệt Niết bàn. Thật ra, bây giờ chỉ có một mình Như Lai giáo huấn các con, theo dạy dỗ các con; khi Như Lai tịch diệt Niết bàn rồi, thì có 84.000 pháp môn ấy sẽ là “Tôn sư” giáo huấn các con, theo dạy dỗ các con...”.

Tuy Đức Phật đã tịch diệt Niết bàn cách đây 2.563 năm rồi, song giáo pháp của Ngài vẫn còn được giữ gìn duy trì đầy đủ trọn vẹn 84.000 pháp môn cho đến ngày nay.

Muốn được gần gũi thân cận với Đức Phật, mỗi người chúng ta cố gắng tinh tấn học pháp học Phật giáo và hành pháp hành Phật giáo; tùy theo khả năng của mỗi người, để cho Phật giáo được duy trì ở trong tâm. Những người nào có Phật giáo ở trong tâm, thì những người ấy có được nương nhờ nơi Đức Phật, nương nhờ nơi Đức Pháp, nương nhờ nơi Đức Tăng, được nương nhờ nơi Tam Bảo cao thượng, để cho họ có thể trở nên con người cao thượng và để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho chính họ trong kiếp hiện tại lẫn những kiếp vị lai; đặc biệt còn làm duyên lành trên con đường dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài; đồng thời giữ gìn duy trì Phật giáo được trường tồn trên thế gian, đến hết tuổi thọ Phật giáo 5.000 năm, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh nhất là chư thiên và nhân loại.

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6115312