Thông tin

LẦN BƯỚC VÀO THIỀN

LẦN BƯỚC VÀO THIỀN

 

NGUYỄN HẢI BÌNH

 

 

Thưa vâng! Đúng là tôi đã lần từng bước vào Thiền vì con đường Thiền của tôi nó dậm chân tại chỗ cả hơn ba mươi năm “on-off” để rồi sẽ chẳng bao giờ trở thành “chính quả”. Đúng, không thành “chính quả” được vì tôi đâu nghĩ đến chuyện đi tu. Nhưng Thiền đã cho tôi tiếp thu được nhân sinh quan nhà Phật để sống hạnh phúc với hiện tại và nhìn tương lai là giải thoát khi mình đi vào một cõi hư vô.

Vậy tôi đã lần bước ra sao để vào Thiền?

Những ngày sinh động đón đồng bào tới định cư tại vùng tôi ở, lại tối ngày sáng đêm dắt nhau đi Ottawa hội hợp nên tôi có phần được nhiều người quen biết. Bác Trúc, một niên trưởng  có cảm tình đã cho tôi cuốn Tôi tầm đạo, nói “Chú Bình lúc rảnh rỗi nên đọc đi để cho tâm mình thanh thản”. Đôi khi gặp nhau, bác lại hỏi “Đọc chưa?”.

Nể tình, tôi đọc lơ mơ thấy nói học Thiền phải tuân hành hai pháp Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. “Đế” thì tôi “vợ xí xọn con khôn” đâu có khổ mà diệt. Bát chánh thì khó theo quá, như làm sao “chánh ngữ” được khi mà chuyện trò còn “mày, tao” và xổ nho tí lia để ông con Hải Phong hỏi bố chú “Hùng mày” ở đâu.

Vậy thì tôi chỉ còn cách Thiền để bác Trúc khỏi “truy” tôi.

Tâm ý hành Thiền của tôi kéo dài trong cả 20 năm với cả không biết bao nhiêu lần bỏ cuộc vì tôi không có kiên nhẫn và không biết chi về các cách thức Thiền. Sách nói tôi ngồi ở tư thế kiết già, xếp chân trên bồ đoàn. Tôi tự nhủ ngồi trên giường hay đưới sàn nhà cũng được. Ngồì được rồi thì hãy tập trung tâm trí mình vào hơi thở bắt đầu từ mũi. Hãy cảm nhận cho được cái hơi thở từ hai lỗ mũi trước nhân trung. Một khi cảm nhận vững rồi thì mình sẽ theo hơi thở như thấy một luân lưu trong cơ thể, đi từ đầu qua toàn thân để rồi chu kỳ này sẽ tiếp diễn cho đến khi ngưng Thiền.

Tất cả chỉ đơn thuần như vậy. Nhưng ngồi xếp chân bằng tròn, hay kiết già một lúc là tôi đã mỏi nhừ. Đường Thiền đòi hỏi thời gian, cái hữu ích vô cùng của Thiền, các phương thức Thiền khác nhau, tôi không nắm vững lại không có kiên nhẫn nên cả 20 năm trời, tôi vẫn dậm chân tại chỗ. Nhưng tôi vẫn mơ hồ một ngày nào đó phải hành Thiền cho bằng được. Năm 2013, trên một trang báo tôi thấy có một khóa Thiền 10 ngày tại một Thiền trang bên Ontario. Vào trang mạng của Trung tâm Thiền Torino này tôi thấy khóa Thiền đòi hỏi rất nhiều điều nơi người tham dự. Phải theo đúng giờ giấc sinh hoạt suốt ngày từ 4 giờ sáng tới 10 giờ đêm, ăn chay 2 bữa, tịnh khẩu, bế quan tỏa cảng 100%. Đọc thêm, tôi thấy đây là Thiền tông gốc Phật nguyên thủy có các trung tâm Thiền khắp thế giới.

Tự bảo mình gian khổ từ ngày đi lính còn chịu được thì cái kỷ luật này mình thừa sức theo. Như vậy may ra mới đặt được tâm ý hành Thiền. Tôi ghi danh và lái xe 800 cây số tới Thiền trang Vipassana tên Torino bên Ontario. Thiền tông Vipassana có các trung tâm Thiền hầu như trên toàn thế giới, ngay tại Quebec cũng có ở Montbello và Việt Nam có ở Củ Chi.

Kỷ luật bắt đầu ngay từ khi tôi đứng trước bàn ghi danh tại Trung tâm. Tôi phải trao cho văn phòng cất giữ từ cây viết, sổ tay, chìa khóa xe và dĩ nhiên cả cell phone, may mà tôi không mang theo máy tính. Đi bộ vào tôi chỉ còn mang theo cái balô với vài bộ quần áo và đồ rửa mặt. Và bắt đầu từ giớ phút này là tịnh khẩu, nhìn thấy ai cũng như là chỗ không người. Vì tuổi già, tôi may mắn được cấp một phòng riêng có nhà vệ sinh và douche tắm, có một giường đơn và ngọn đèn trần 25 watts. Như vậy là gọn gàng sạch sẽ, tưởng như mình ở một motel bình dân 40$/đêm. Còn các thiền sinh khác thì 3 hay 4 người có một phòng tắm chung dù riêng phòng ngủ.

Ngay lúc được hướng dẫn chung, tôi đã hài lòng và tin là khóa Thiền sẽ tốt.

Vị hướng dẫn đã nhắn nhủ rõ ràng sự chịu đựng khe khắt cần thiết để nếu ai thấy khó theo thì nên trở về ngay trước khi bắt đầu khoá.

Nói thật lòng, 80 tuổi đầu mà tôi chưa bao giờ ăn chay trong đời, hôm nay tôi ăn bữa đầu tiên. Gian khổ quen rồi tôi đâu có ngán nên tôi bây giờ có 10 ngày ăn chay 2 bữa sáng trưa và không ăn tối, chỉ có vài trái cây.

Về phòng, 10 giờ tối là tắt đèn “couvre feu” theo tiếng khánh. Bốn giờ sáng lại tiếng khánh ngân để thức dậy cho ngày hành Thiền đầu tiên của tôi tại đây.

Thiền đường là một phòng lớn đơn sơ, ánh sáng mờ. Thiền sinh khoảng 100 người ngồi cách biệt hai bên nam, nữ. Tôi thở phào vì tư thế tham Thiền được tự do. Có nhiều thiền sinh ngồi đúng phép kiết già, người ngồi trên miếng đệm vuông vức, người quỳ ngồi và tôi ngồi trên ghế vì tuổi tác, nhưng tất cả theo hàng lối ngay ngắn. Khi thiền sinh an tọa thì hai vị Phụ tá Thiền sư là thầy Đinh Thảo và cô Lan vào an vị trên bục. Thiền tông Vipassana do Thiền sư N. Goenka thiết lập. Các vị hướng dẫn khác tất cả chỉ mang danh là phụ tá Thiền sư tại tất cả các trung tâm của Thiền tông này. Tại sao chỉ là phụ tá? Vì một khi bắt đầu vào Thiền thì lời giảng dạy là từ các giàn âm thanh khởi sự với lời giảng dạy bằng Anh ngữ của chính Thiền sư Goenka. Những lời giảng dạy này đã được ghi âm in thành nhiều ấn bản dùng tại tất cả mọi Thiền trang Vipassana trên thế giới. Tôi theo một khoá Thiền đặc biệt cho người Việt nên tiếp mỗi đoạn giảng dậy của Thiền sư thì có lời dịch tiếng Việt ghi âm rõ ràng khúc chiết.

Tập Thiền bắt đầu với chuyên tâm cảm nhận và quan sát một hơi thở ngay trước nhân trung rồi theo dòng đi khắp châu thân qua nhiều chu kỳ trong khoảng một giờ. Lần đầu tiên ép mình vào qui tắc, tôi đã ngủ lúc nào không biết, suýt té khỏi ghế thì tỉnh dậy.

Sau hơn một tiếng tập thiền theo hướng dẫn thì được nghỉ giải lao 5 phút. Tiếp tục quay trở lại tất cả 5 lần trong ngày giữa có bữa cơm trưa và nghỉ một giờ để thiền sinh ra ngoài tĩnh tâm hay thiền hành trong rừng thưa.

Buổi tối là giờ nghe pháp thoại sau bữa tối chỉ có trái cây như chuối, táo. Đó là gìờ để thiền sinh hiểu được cái nhân sinh quan đức Thích Ca Mâu Ni truyền dạy: Quá khứ qua rồi, tương lai chưa biết vậy hãy sống với hiện tại bằng diệt khổ và tu thân giữ gìn tám chánh đạo làm người.

Không biết có phải là tôi đầu óc vẩn đục chuyện đời mình hay đầu óc mê muội quá lâu nên sau năm sáu ngày Thiền tập tôi mới “ngộ Thiền”. Ngày Thiền của tôi bây giờ thanh thản hơn, thân tâm đều nhẹ nhàng qua sáu buổi Thiền và nghe pháp thoại hàng ngày. Cái khổ nhục mình cố gắng vượt qua trong 6 ngày hành Thiền đã tạo cho tôi tính kiên nhẫn. Cái kiên nhẫn chịu được khổ nhục này đã đi vào tiềm thức để ta sẽ không phản ứng tức thì mỗi khi cảm nhận được chuyện gì qua ngũ quan hay qua tâm mình. Tạo được cái kiên nhẫn này qua những bước hành Thiền, tôi sẽ không phản ứng tức thì như khi nghe tiện nội nói “Thơ anh làm đọc như bình dân học vụ”. Chính cái cảm nhận “nghe thấy”, “trông thấy”, “cảm thấy” mà không phản ứng tức thì, giúp tôi bình tâm suy nghĩ hay phán đoán trước khi đi đến một quyết định làm gì để “diệt khổ” trong lời dạy Tứ diệu đế của nhà Phật. Nói theo Thiền tông Tánh Không thì đó là phương châm “Biết không lời”.

Chín ngày qua đi, từ 4 giờ sáng tới 9 giờ khuya, các Thiền sinh tu tập hành Thiền trong yên lặng tuyệt đối theo tiếng khánh ngân trừ khi thầy phụ tá Thiền sư gọi mình hỏi han tiến trình tu tập. Ngày thứ mười bừng dậy với tiếng cười chào hỏi và trao đổi nhau kinh nghiệm hành Thiền. Thiền sinh phân công dọn dẹp sạch sẽ túc xá chung quanh.

Về lại phòng mình, tôi đọc tờ yết thị nhắc mình làm sạch sẽ giường nệm, phòng tắm, sàn nhà sao cho như lúc mình mới đặt chân vào phòng ngày đầu tiên. Như vậy, phòng sẵn sàng tiếp nhận Thiền sinh cho khóa tới.

Sáng ngày thứ 11, tôi lên văn phòng lấy lại hành trang đã gởi và theo truyền thống Dana, tôi ký một chi phiếu khiêm nhường hiến tặng Trung tâm. Các Thiền sinh đều hiểu sự đóng góp này là cần thiết dù trên căn bản tự nguyện vì các Thiền sinh tham dự được hoàn toàn miễn phí.

Về lại phòng mình lấy hành trang ra về, một khúc phim 10 ngày sinh hoạt lướt nhanh trong đầu tôi. Tôi tự kiểm và thấy được gì sau khoá Thiền vào đời của tôi. Bây giờ tôi hiểu Thiền là con đường thanh lọc cả thân sinh lý và tâm. Thiền đã tạo cho tôi sự kiên nhẫn để diệt khổ qua bốn bước Tứ diệu đế, sự kiên nhẫn để nương theo tám con đường chánh đạo. Tôi bừng tỉnh thân tâm sau khóa Thiền đầu tiên năm 2013 này để sau đó tiếp nối thêm ba khóa 10 ngày tại các Thiền trang Montbello (Quebec), Shellburn (MA, Hoa Kỳ), Torino (Ontario). Tối tối, trong 4 năm qua tôi đều ngồi Thiền 45 phút. Và tháng 10 năm nay tôi sẽ theo một khoá nữa tại Thiền trang Bhumi bên Úc. Khi rời khỏi Thiền trang Torino với khóa đầu tiên tôi cũng ghi lại lòng mình qua bài thơ Biêt hành đã được nhạc sỹ Phạm Cao Tùng phổ nhạc: https://www.youtube.com/ watch?v=ie5Yb01l78A

Biệt hành

Hôm nay về lại trần gian

Trong tâm mang gói hành trang vô thường

Chuyện đời sẽ nhẹ như sương

Tan trên cỏ biếc dọc đường Thiền đi

Lòng không lạc tới bến mê

Ngồi nghe khúc hát ngày về bên sông

Trời xanh mây trắng mênh mông

Bay đi giữa cụm nắng hồng hoàng hôn

Không vương vào túi càn khôn

Để tâm vô thức tạo muôn lụy trần

Đường về túi nặng hồng ân

Chân tâm làm vốn xa dần Thiền trang. 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6712305