LẦN ĐẦU LÊN NON THIÊNG YÊN TỬ
LẦN ĐẦU LÊN NON THIÊNG YÊN TỬ
HỮU CHÍ
Tôi có nhiều dịp đi du lịch miền Bắc, tham quan một số danh thắng như Vịnh Hạ Long, Sa Pa, Tam Đảo,Thác Bản Giồc, Hồ Ba Bê, Tam Cốc, Đền Hùng, Chùa Hương…, nhưng chưa đến Yên Tử. Đầu tháng 11-2012, tôi quyết định thực hiện chuyến lên Yên Tử, mục tiêu: chùa Đồng trên đỉnh Yên Sơn.
"Để lại sau lưng cả cung điện vàng son
Những châu báu ngọc ngà, những cung tần mỹ nữ
Ta đến với rừng thiêng Yên Tử
Gió trăng ơi xin hãy đón ta về”
(Trích thơ “Trần Nhân Tông” của Hoàng Huy)
Sáng sớm ngày 2/11/2012, từ Hải Phòng, tôi đi xe máy vượt 40 km đến cổng Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Rồi đến bãi đậu xe khu du lịch này, tốn phí vé vào cổng và phí gửi xe, thêm vé xe điện đến nơi bán vé đi cáp treo ở khu vực Nhà Trưng bày di tích Yên Tử. Đường dốc lên dài 600m. Vé cáp treo 2 chặng lên xuống giá 150.000 dồng.
Từ nền ga “cáp treo 1” bên dưới từ độ cao 250m* lên đến nền ga cáp treo 1 phía trên có độ cao 565m*. Cáp chạy chỉ mất 5 phút mà tôi đã lên cao thêm được 315m (565m - 250m = 315m). Ngồi trong phòng cáp treo tôi ngắm nhìn cảnh rừng núi Yên Tử, bên dưới là những cây đại tùng hàng trăm năm tuổi, xen lẫn trong rừng cây xanh tươi.
Từ đây du khách phải đi bộ khoảng 700m mới đến vị trí ga “cáp treo 2”.
Tôi đi bộ theo “Hướng lên Tháp Tổ” qua 120 bậc đá có chiều cao mỗi bậc khoảng 20cm, có đoạn bậc cấp trải dài từ 5m-15m lúc lên dốc lúc xuống dốc. Tôi dừng lại khá lâu ở khu Vườn Tháp Huệ Quang (độ cao 580m*) có mặt bằng khoảng 30m x 30m = 900m2. Nơi đây có đến 97 ngọn tháp, những ngọn tháp mộ của các nhà sư tu hành đã qua đời tại Yên Tử. Tháp Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông ở chính giữa vườn tháp, xây từ thời Trần, trùng tu vào thời Lê. Trong tháp có tượng vua Trần Nhân Tông bằng đá cẩm thạch. Nền ngôi Tháp Tổ hình lục lăng gồm các tảng đá to ghép lại với nhau. Tháp được xây theo hình tứ trụ thu nhỏ dần, càng lên cao càng thắt lại. Đỉnh tháp tạc hình bông sen chưa nở. Ở bên phải ngoài vòng tường khu Vườn Tháp chỉ có 2 ngôi tháp có bia: - Tháp DiệuĐăng. Sư bà Diệu Đăng vốn là cung phi trong phủ chúa Trịnh tên là Phạm Thị Ngọc Khoa. Sống trong sự xa hoa của cung phủ song bà nhận thấy thế sự vô thường, cuộc đời phù sinh ngắn ngủi, bèn cắt bỏ hết danh lợi, xuất gia cầu Phật, học hỏi cửa thiền… (tháp xây dựng năm 1685 niên hiệu Chính Hòa thứ sáu triều Lê), - Tháp Tôn Đức(Thiền sư Minh Hành) pháp danh Nhân thiên đạo sư Thích Tại Tại, quê quán, phủ Kiến Xương – tỉnh Giang Tây Trung Quồc. Ngài ngộ đạo, xuất gia tu hành từ rất sớm, là đệ tử chân truyền của Thiền sư Chuyết Chuyết. Năm Quý Dậu (1633) Ngài sang nước Việt theo Thiền sư Phổ Giác và đến năm Giáp Thân (1644) Ngài được Thiền sư Phổ Giác trao Y Bát và trở thành thiền sư đạo cao, đức trọng. Ngài ở lại nước Việt hành đạo, mở rộng việc xâydựng chùa chiền…
Trong Tháp có pho tượng đá trắng bạc chân dung Thiền sư Tôn Đức dáng vẻ uy nghi, đôn hậu. Tháp xây dựng năm 1659, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ hai triều Lê , do chính vua Lê ban sắc. Sau Vườn Tháp có bốn cây đại cổ, thân dáng hình rồng.
Vườn tháp Huệ Quang
Tôi đi tiếp 141 bậc đá lên chùa Hoa Yên ở độ cao 605m* trên mặt bằng khoảng 30m x 25m = 715m2. Ngày xưa chùa có tên là Vân Yên. Lúc vua Trần còn tại thế, chùa Vân Yên là am thất nhỏ dựng sơ sài, lợp bằng lá cây rừng. Tại đây, Vua Trần thường mở các lớp giảng truyền yếu chỉ Thiền tông cho các đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Sái, Bảo Phác, Pháp Không và các đệ tử khác. Sau khi Vua Trần viên tịch, chùa Hoa Yên được dựng lại quy mô hơn.
Chùa Hoa Yên hiện nay mới được tôn tạo lại vào cuối năm 2002, chất liệu bằng gỗ, lợp ngói mũi hài kép. Bên trong thờ tượng Phật bằng đồng. Trước sân chùa vẫn còn cây đại cổ hơn 700 năm tuổi, gốc rễ to lớn, sần sùi, tán lá xum xuê. Ở phía hông chùa còn hai cây sung cổ, quả sai chiu chit, chùm đỏ, chùm xanh, thường xuyên cung cấp cho nhà chùa món quả sung ướp muối trong các bữa ăn chay đạm bạc.
Chùa Hoa Yên
Nhìn qua hướng Đông, tôi thấy Lầu vọng cảnh 7 tầng và một phần mái khu nhà ga cáp treo 2 nhô lên khỏi các tán lá cây rừng. Rời Hoa Yên, tôi lần bước hướng về cáp treo 2 để tiếp tục lên cao. Không khí se lạnh, không gian yên ắng. Trên đường sang ga cáp treo, tôi dừng lại ở chùa Một Mái, tên chữ là Bán Thiên Tự, xưa có tên Thanh Long Động. Gọi Bán Thiên Tự vì chùa ở cao giữa lừng trời, chỉ có nửa chùa nhô ra bên ngoài trời, còn lại nửa chùa ẩn trong hang núi. Gọi Thanh Long Động vì bên trong chùa là hang động. Thời Lê, chùa còn có tên Chùa Bồ Đà. Đầu thế kỷ XX, dân địa phương thường gọi là Chùa Bán Mái. Xưa chưa có chùa, nơi đây gọi là Am Ly Trần. Vua Trần thường sang đây đọc sách, soạn kinh. Các văn từ, thư tịch của Thiền phái Trúc Lâm được tàng trữ ở đây. Sau khi vua Trần viên tịch, người sau lập chùa ở am này. Chùa dài bốn gian, chiều ngang hẹp, có chỗ rộng chưa đầy 2m. Tượng và đồ thờ được chạm bằng đá trắng vào thời kỳ cuối Lê, đầu Nguyễn. Tất cả vẫn còn khá nguyên vẹn. Gian ngoài chùa là mái vòm hang động. Trong ngách hang, có một núm đá, nước nhỏ tí tách từ giọt một, cả đêm chưa đầy một bát con. Nhà sư gọi đó là sữa mẹ. Nền chùa sạch khô không giọt nước thừa tràn. Ở trên vòm động có một lỗ thủng trông nham nhở.
Câu chuyện trên gắn với chùa này chỉ để răn đời biết kiềm chế lòng tham và phải biết thế nào là đủ.
Trong chùa có một số bia đá khắc chữ Hán, nét chữ trên bia còn khá rõ. Bia ghi hồng danh bảy vị Thiền sư Pháp danh là Tuệ Giác, Tuệ Hải, Giác Diệu, Hải Ngân, Bích Giới, Thanh Lồ và Như Chiếu; bia “Sa di thờ Phật” của Đại đức Huệ Xuân; bia thờ Đại giác Viên Minh; bia công đức khắc ngày 11 tháng 4 năm 1853 ghi phương danh những người làm công đức trùng tu chùa Bồ Đà, quê quán ở huyện Thủy Đường và huyện Đông Triều, tổng cộng số tiền là 34 quan; bia công đức khắc ngày 8 tháng 12 năm 1936 thời Bảo Đại nhà Nguyễn, có đoạn viết:
“…Ông Vũ Bá Lương, bang trưởng Uông Bí, người xã Thị Liệu, tỉnh Nam Định cùng vợ thứ là Ôn Thị Thảo quả là người từ thiện. Vợ chồng ông đã xuất hằng sản tiền bạc tu tạo chùa. Đến nay công việc đã hoàn thành tốt đẹp. Nơi thờ phụng Phật, Thánh Thần, Tiên lại sáng rạng.
Công đức này thật đáng ghi chép…”
Dưới lối lên chùa, ngay cạnh nhà Ni còn hai ngôi Tháp đá xây vào thời Lê. Một tháp có tên là “Thanh Long Tháp” thờ Thiền sư Nguyên Hội. Một tháp có tên là “Thanh Long Động” thờ Thiền sư Chiếu Kiêm.
Phía dưới nhà Ni chùa Một Mái du khách tha hồ ngắm cảnh: một thung lũng đẹp được tạo nên bởi hai triền núi dốc giao nhau, có dòng suối núp mình dưới bóng cây đại thụ chảy rì rầm quanh năm suốt tháng không nghỉ. Rừng cây lúp xúp, xanh thẳm màu xanh của rừng già.
Trước sân nhà Ni có một cây “ngót” rừng cổ thụ. Sang xuân, ngót rừng thay lá mới, cánh lá tơ non, hái xuống nấu canh, vị ngọt đậm đà không cần bột ngọt. “Ngót” rừng Yên Tử chưa có tiếng vang như rau “sắng” chùa Hương, hiện thời còn ít người biết đến. Quả “sung” Hoa Yên, lá “ngót” rừng Một Mái là những món ăn độ nhựt của rừng thiêng Yên Tử ban phát.
Chùa Một Mái
Rời Chùa Một Mái trong tâm tư hoài niệm tích xưa, tôi hít thở không khí mát rượi vừa đi vừa đếm bước đoạn đường còn lại đến ga cáp treo 2 được tất cả 238 bậc cấp kể cả đoạn đường từ Chùa Hoa Yên đến Chùa Một Mái. Lối đi vẫn phải lúc lên lúc xuống. Bậc đá cái cao cái thấp, lúc dài lúc ngắn dựa theo thế thiên nhiên của triền núi. Nền nhà ga cáp treo 2 ở độ cao 585m* thấp hơn nền Chùa Hoa Yên 20m Tại đây, tôi gặp một đoàn khách hành hương khoảng 20 người trong đó có hai nhà sư đang bước vào buồng cáp để đi lên. Cáp cũng chạy 5 phút thì đến ga trên cao. Tôi bấm đồng hồ đo cao độ liên kết với vệ tinh định vị. Con số 900m* hiện ra. So sánh khoảng cách chiều cáp chạy của hai ga cáp treo lại bằng nhau. Chiều cao đoạn đường cáp đi lên mỗi lượt tính được là 315m. Như vậy, khách đi 2 lần cáp treo tiết giảm được sức leo núi 630m.
Lên đến đây, tôi nhìn lên cao mới thấy mái Chùa Đồng màu nâu sậm trên đỉnh Yên Sơn hiện lên giữa vùng trời mây trắng. Khoảng cách cũng còn khá cao. Ở về bên trái không xa có một công trình kiến trúc khá lớn đang trong thời gian xây dựng. Đoàn khách hành hương cho tôi biết nơi đó sẽ đặt tượng đài vua Phật Trần Nhân Tông, họ chỉ đến nơi đang xây dựng công trình để lảm lễ cúng bái.
Tôi quyết định chinh phục Chùa Đồng với phương châm “Đi từ từ, lúc cảm thấy mệt, dừng lại nghỉ dưỡng sức, thấy khỏe mới đi tiếp”.
Tôi tháp tùng theo đoàn khách đi hành hương theo thế dốc lài khoảng hơn 300m thì đến khu sẽ đặt tượng đài vua Trần. Công trình tượng đài Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã được khởi công xây dựng từ ngày 16/12/2009 nhưng hiện khách hành hương lên Yên Sơn chỉ nhìn thấy tại bãi đất đá tương đối bằng phẳng một khối công trình khá lớn, cao 5 tầng, cột bằng sắt IPN loại to hàn dính lại với nhau được những tấm tôn che phủ, không biết chi ở bên trong.
Gần nơi đây có một tượng đá trông giống hình nhà sư đứng chắp tay cung kính. Đó là tượng đá Yên Kỳ Sinh cao 2m (cũng được gọi An Kỳ Sinh). Ở bên bệ tượng có bàn thờ và cái lư đầy ấp chân nhang do khách hành hương thượng sơn Yên Tử van vái cắm xuống mỗi khi qua đây.
Đứng trước pho tượng đá, du khách tự hỏi: Tượng đá thiên tạo hay nhân tạo?
Đoàn khách hành hương đa số dừng lại tại công trình cùng hai nhà sư để xúc tiến việc lễ cúng bái, chỉ một vài thanh niên rời đoàn tiếp tục thượng sơn.
Tôi đang ở độ cao 975m*. Đồng hồ trên tay tôi chỉ 10g40. Nhìn lên Chùa Đồng, tôi thấy khoảng cách cũng còn khá xa và không rõ tôi phải còn leo cao bao nhiêu mét nửa mới chạm được Chùa Đồng. Rời nơi Tượng An Kỳ Sinh tôi thong thả tiếp bước. Cứ lên được 100m bậc cấp thì tôi dừng nghỉ vài phút, tôi lại đi tiếp. Đường lên đỉnh Yên Sơn vắng vẻ. Chỉ có một cặp trai gái trẻ qua mặt tôi trên đoạn đường chỉ có dốc lên. Bên trên toàn là phiến đá to, nhỏ, cao, thấp, hình dạng khác nhau xen kẽ với những bụi cây. Có những phiến đá giống như bầy cá sấu đang nằm phơi nắng. Tôi dừng lại nghỉ lần sau cùng trước khi leo lên đỉnh (đã dừng nghỉ tất cả 9 lần)! Dưới chân Chùa Đồng, ngổn ngang những tảng đá xếp như quân cờ. Lưng đá hằn sâu ngấn sóng nước. Từ các khe đá, địa lan, cây si đá mọc ra, xòe tán lá xanh rờn, như thể chứng minh sự sống vẫn trường tồn ngay trên sống núi toàn là đá. Tôi lên đến đỉnh Yên Sơn lúc 11g15 dưới ánh nắng nhạt dịu nhờ có những làn mây bạc che ánh mặt trời. Tôi bấm đồng hồ đo cao độ, màn hình hiện ra con số 1.100m. Thời tiết thật dễ chịu. không khí mát rượi, gió thổi lất phất. Lòng tôi lâng lâng vui sướng vì đã chinh phục được đỉnh Yên Tử. Giữa khung cảnh trời đất kỳ vĩ và ngoạn mục, lòng tôi xốn xang khó tả, tâm hồn nhẹ nhõm và thanh thoát. Quanh tôi, chỉ có bảy du khách. Mỗi người đứng mỗi nơi đang ngắm cảnh. Không rõ tâm tư của họ lúc này như thế nào?
Tọa lạc trên tột đỉnh Yên Sơn, độ cao 1.100m (*) so với mặt biển, Chùa Đồng hiện hữu là một ngôi chùa đúc bằng đồng có diện tích mặt nền 4,6m x 3,6m = 16,56m2 , nặng khoảng 70 tấn. Chùa như một đài sen thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm. Chùa Đồng cất nóc vào giờ Ngọ ngày 1 rháng 11 năm Bính Tuất (20/12/2006) nhân ngày húy Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, khánh thành ngày 12 tháng 12 năm Canh Tuất (30/11/2007), do công đức của Phật tử thập phương đóng góp.
Tác giả trên đỉnh Yên Sơn, phía sau là Chùa Đồng
Tôi xuống núi trong tâm trạng dâng lên lòng ngưỡng mộ và kính phục vô hạn Đức vua Trần Nhân Tông, “Ngài có một cuộc đời thực sự anh hùng và đạo đức.Trong toàn lịch sử nhân loại, chỉ có một vài lãnh đạo đất nước đã từ bỏ quyền lực và giàu sang để làm gương về sự giản dị và đạo đức cho thế hệ sau, một sự hy sinh không một chút vị kỷ của ông đối với đất nước, một vị vua đã hoàn thành được điều mà nhiều người không làm được: chiến thắng quân Mông Cổ”, được Giáo sư Thomas Patterson, Chủ tịch Viện nghiên cứu Trần Nhân Tông của Đại học Harvard, người đã có cơ hội đến thăm Yên Tử, phát biểu khi trả lời phỏng vấn của báo chí trong ngày trao Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải cho 2 cá nhân, Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và bà Aung Suu Kyi, Chủ tịch đảng đối lập NLD được tổ chức tại Đại học Harvard, Boston, Hoa Kỳ ngày 21-9-2012.
Việc chinh phục đỉnh Yên Tử của tôi chỉ là một nét thật nhỏ so với cuộc hành hương chạm đỉnh non thiêng của thầy Tâm Mẫn mang nghị lực và niềm tin với ý chí siêu phàm. Thầy Tâm Mẫn đã thành tâm “nhất bộ nhất bái” trên quãng đường dài 1.860km từ Nam ra Bắc từ ngày 27-1-2011 và kết thúc những lạy cuối cùng trên sân chùa Đồng ngày 24-11-2012 với số lạy hơn 6.000.000 lạy để cầu nguyện cho thế giới được HÒA BÌNH.
(*) chiều cao đo thực tế bằng đồng hồ định vị với vệ tinh
Tham khảo:
- Trần Trương, Chùa Yên Tử - NXBVăn hóa Thông tin
- Tuần Báo Giác Ngộ số 665 ngày 27-10-2012
- Nguyệt San Giác Ngộ số 201 tháng 12-2012
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết