Thông tin

LANG THANG MIỀN KÝ ỨC NGÀY GIÁP TẾT

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 


 

Khi những cơn bão và áp thấp nhiệt đới hung hãn nhất vừa tạm qua đi, khí trời phương Nam cũng trở buồn se lạnh. Nhiều người cho đó là hoàn lưu của những cơn bão miền Trung mà tất cả con dân “bầu bí chung giàn” vẫn còn đang hướng về chia sẻ, nhưng ít người nhận ra rằng đó chính là cái se lạnh của mùa đông phương Nam, báo hiệu mùa xuân sắp đến nơi ngưỡng cửa của bộn bề lo toan hằng năm.

Người xa xứ thì chuẩn bị trở về miền cố thổ để sum họp với gia đình, còn người xứ xa thì khắc khoải buồn thương, nhận cái Tết nơi đất người để tự an ủi mình trong những ngày xa biệt đáng buồn nhất trong một năm. Tình cảm đó, hay nói chinh xác hơn nghĩa tình đó chỉ có ở một nền phong tục, có trước có sau của dân tộc này mấy ngàn năm un đúc gầy dựng mới nên. Tất cả từ phong tục thiêng liêng nhất mà ra: Biết thờ cúng Tổ tiên.

Là con dân đất Việt, là con cháu Hồng Lạc, ai cũng nhận ra điều vinh hạnh và rất đẹp tuyệt vời đó. Cho đến khi dấu chân tích trượng của các thiền sư Phật giáo, bước đến và in hằng trên mảnh đất này thì phong tục thờ cúng Tổ tiên và những tập tục cao đẹp khác như được chắp thêm đôi cánh bay xa giữa vòm trời thực dụng mà đôi khi tưởng suýt mất hút giữa bao cơn gió độc của ngoại lai xâm thực. Bởi vậy, mới càng thấm thía biết bao câu thơ của Huyền Không:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông”

Khi mới vừa biết tìm hiểu Phật pháp, lòng nôn nóng và ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn sẵn hừng hực trong tâm, nhìn và nghe việc gì cũng bằng ngọn lửa ấy mà quên đi bên cạnh còn có ông bà, cha mẹ mình đang sống với mình, và trong nhà ngoài bàn thờ Phật trang trọng ra còn có bàn thờ gia tiên uy nghi ngự trị. Đó là những lực cản mang giá trị tinh thần vô hình, kìm hãm được nhiều nông nỗi của một thời tuổi trẻ hăng say mà anh em chúng tôi cứ nghĩ rằng mình làm như vậy là đúng. Nếu không thì những bàn thờ ông thiên, thần tài, thổ địa trong nhà đã được dẹp mất theo sự cưng chiều của gia đình rồi.

Vậy đó, mà ngày nay, trước nhiều mối nguy họa đe dọa đến truyền thống dân tộc, mỗi khi có dịp đi đó dây, tùy theo vùng miền, ngồi trên xe nhìn ven đường thấy trước mỗi căn nhà dân không thấy bàn thờ ông thiên trong lòng lại dâng lên nhiều mối lo lắng và buồn phiền khôn nguôi!

Nhờ đó mà lòng luôn trân quý, kính trọng biết bao thâm ân của chư liệt đại Tổ sư truyền thừa từ ngàn xưa, đã từng bước, từng thời, chắt chiu gầy dựng nhiều phương tiện để Phật pháp đến với chúng sinh, tạo nên cốt cách, truyền thống văn hóa của cộng đồng.

Trong những năm còn khó khăn chung, có những chiều giáp Tết, một vài anh em chúng tôi vẫn còn lang thang giữa bao chặng đường cơm áo, lòng chỉ mong sao sẽ về kịp đến nhà sớm một chút, để đưa hết tiền công lao động cực nhọc cho ba mẹ lo chi tiêu cho đàn em nheo nhóc, chưa hề nghĩ đến cho bản thân một điều gì dù đó là muống một ly nước mía ven đường hay gặm một khúc bánh mì nguội. Vậy mà trong lòng vẫn rạo rực mùa xuân phơi phới như bao người, vẫn tươi cười với một phong pháo tiêu chuẩn mua được đem về cho gia đình.

Có những chiều, đi ngang nhiều xóm nhỏ miền Hậu Giang, thấy cả xóm phơi nhang vàng rực trước sân. Gia đình làm ít thì phơi nhang trên những giàn giá tre được thả khắp nơi chung quanh nhà có nắng đi qua; gia đình làm nhiều thì phơi dưới nền sân ngập nắng bằng từng túm to được xoay tròn dựng đứng trông rất đẹp mắt như những chùm pháo hoa tỏa rực. Mọi người tất bật chuẩn bị nhang cho mùa Tết. Qua những hình ảnh này, chúng ta có thể liên tưởng được nhu cầu thắp nhang của tuyệt đại đa số người dân Việt mình.

Ở những ngôi chùa, đặc biệt các ngôi chùa Ni giới, việc se nhang một thời là nguồn thu nhập chính yếu của bản tự, nuôi sống tinh thần chuyên tu, chuyên học của rất nhiều thế hệ xuất gia.

Bây giờ thì khác ngày đó nhiều lắm, nhưng nghề làm nhang của những xóm làng mình từng đi qua và nhìn thấy đó vẫn không thay đổi, có chăng là nghề của họ được tôn trọng, nâng cao khi những đứa trẻ ngày xưa còn lăng tăng chạy phụ cha mẹ ôm từng bó nhang vừa se xong đem ra sân phơi, nay đã là các vị bác sĩ, kỹ sư hay nhà giáo; họ được lớn lên, trưởng thành bằng chính cái nghề âm thầm này của cha ông họ. Cả đất nước này, có rất nhiều, nhiều lắm những ngôi làng, xóm, thôn sinh sống bằng nghề se nhang lương thiện này mà nếu có một thống kê đầy đủ chắc chắn sẽ là một con số không nhỏ. Bởi vì, tập tục, truyền thống văn hóa quê hương mình vẫn còn đó tinh thần thương nhớ cội nguồn, thờ kính Tổ tiên, và cũng chính vì truyền thống đó mà đã có biết bao nhiêu sự xả thân cứu nước và dựng nước của nhiều thế hệ lịch sử vẻ vang. Từ nền tảng chân lý của đạo nghĩa Tứ Ân, Phật giáo đã giúp nâng cao thêm giá trị nhiều mặt của việc thắp nhang.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6061189