Thông tin

LAY DẬY NGƯỜI TRẦM MÊ

LAY DẬY NGƯỜI TRẦM MÊ

 

VU GIA

 

 

 

Sự thật cả ngàn năm qua, phần lớn thế nhân tới chùa là để cầu tài, cầu lộc, cầu lợi, cầu danh, cầu tình duyên đừng trắc trở…, chứ chẳng mấy ai tới chùa bái Phật chỉ cầu giải thoát. Nếu tu sĩ chỉ chăm chăm hướng chúng sinh dựa vào tự lực để tầm đạo, học đạo và chứng đạo, “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình”… như lời Phật dạy, nhất là nhấn mạnh đến sự vô ích của cầu xin thì hơi bị khó.

Gần đây, nghe một số đĩa thuyết pháp về sinh tử, về đạo hiếu, về bến mê, về giải thoát…, tôi thấy có sự hòa trộn của tam giáo (Nho, Phật, Đạo), chứ không thuần tư tưởng Phật giáo. Điều này cũng lý thú, bởi muốn hóa độ chúng sinh thì phải dùng từ bi và hỉ xả để thuyết phục chứ không thể đi ngược lại tâm nguyện của chúng sinh. Nếu dựa theo tinh thần Kinh Kim Cang: “Nhược dĩ sắc kiến ngã/ Dĩ âm thanh cầu ngã/ Thị nhân hành tà đạo/ Bất năng kiến Như Lai” thì chẳng ai tới chùa làm chi. Trong nhiều bộ kinh Phật, như Kinh Tăng Chi, Kinh Khả Lạc… có viết Đức Phật đưa ra nhiều ví dụ nhấn mạnh đến sự vô ích của cầu xin. Theo Đức Phật, nếu do cầu xin mà có được, hoặc do ước vọng của con người mà có được, thì ở đời này không còn ai héo mòn, đau khổ bởi tất cả ước mong của con người đã được toại nguyện do cầu xin. Nhưng sự thật cả ngàn năm qua, phần lớn thế nhân tới chùa là để cầu tài, cầu lộc, cầu lợi, cầu danh, cầu tình duyên đừng trắc trở…, chứ chẳng mấy ai tới chùa bái Phật chỉ cầu giải thoát. Nếu tu sĩ chỉ chăm chăm hướng chúng sinh dựa vào tự lực để tầm đạo, học đạo và chứng đạo, “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình”… như lời Phật dạy, nhất là nhấn mạnh đến sự vô ích của cầu xin thì hơi bị khó.

Thời gian qua, báo chí đã lên tiếng một số chùa, một số tu sĩ Phật giáo xem tướng, xem phong thủy… Chuyện này không sai song cũng chưa mấy thông. Kỳ thực, xem tướng và xem phong thủy, bình thường có quan hệ không nhiều tới Phật môn, đó là phạm vi nghề nghiệp của Đạo gia. Có điều, Phật giáo trải qua quá trình phát triển cả ngàn năm như vậy, trong rất nhiều lĩnh vực cũng có giới hạn mơ hồ. Bách tính bình thường càng không minh bạch. Có lẽ, chính vì điều này mà đã có người chỉ ra khuyết điểm của Thiền tông là quá trọng bản ngã. Nhưng nếu như không trọng bản ngã thì còn dựa vào cái gì? Trọng bản ngã chính là đại biểu cho “trực chỉ nhân tâm“, không chú trọng đến sùng bái thần Phật, bỏ hết những lễ nghi phiền phức và những điển tích cổ hủ, không chút câu thúc, thâm nhập tìm hiểu Phật tính chân như vốn có của mỗi cá nhân.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều người có danh phận đến các đền, chùa tham bái trở thành những câu chuyện không mấy vui trong những lúc trà dư tửu hậu. Với tôi, nhiều người đến đền, chùa thắp nhang cầu khấn chưa hẳn họ tin vào chư Phật, chư thiên mà chính là để cho tinh thần thoải mái, bình tĩnh hơn mà thôi. Thực tế cuộc sống cho thấy chỉ có bảo trì được sự bình tĩnh thì mới có thể hóa giải được những áp lực cường đại trước mắt. Ai chưa từng gặp phải áp lực này thì khó mà hiểu được, nó làm cho con người có cảm giác xung quanh mình tự nhiên như có một tấm lưới vô hình đang bao phủ lấy, muốn giam chặt họ vào trong đó.

Cuộc sống đặt ra cho chúng ta nhiều nan đề mà tâm không yên thì trí khó sáng để giải quyết có lý có tình, góp phần giúp cho đời được lung linh hơn. Do đó, chúng ta không thể nhìn những hiện tượng trước mắt mà nghi thần nghi quỷ. Mới rồi, nhiều người phấn khởi với chủ trương xóa bỏ chuyện tặng quà, biếu xén trong dịp lễ Tết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Tết Đinh Dậu 2017 vừa đi qua, cụ thể ngày 3-2, Thanh tra Chính phủ cho biết chưa phát hiện cán bộ nhận quà Tết trái quy định. Kết quả này vui hay buồn? Với tôi, vui cũng có mà buồn cũng có. Tôi nghĩ chuyện tham ô, hối lộ bây giờ không mấy ai dựa vào chút quà lễ tết. Riêng tôi cho rằng lãnh đạo không nhận hối lộ, nhưng những món quà nhỏ biểu thị tình cảm như cây thuốc lá, hoặc vài chai rượu thì không nên từ chối, nói gì thì giữa người với người, biểu thị tình cảm là điều hoàn toàn bình thường. Đây cũng là cách đối nhân xử thế. Tiêu chuẩn làm quan là liêm chính song không quá cứng nhắc, vẫn cần gần gũi với quần chúng và đồng sự. Nếu cứ rạch ròi, đuổi người ta ra khỏi cửa thì về sau chỉ nhận được phản ứng không tốt từ quần chúng mà thôi. Và không chỉ chuyện này, chuyện nào cũng phải có chừng có mực bằng cái tâm trong sáng của mình, chứ rớ tới việc gì cũng cứ chăm chăm nghĩ tới kết quả tốt đẹp sẽ đến mà không nghĩ tới việc cần phải làm thì chẳng nên cơm cháo chi. Cuối cùng, chỉ là thứ lý luận suông. Trong Kinh Kim Cang, Phật có nói: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai", nghĩa là phàm tất cả tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng như phi tướng, tức là thấy Như Lai.

Trong Pháp bảo đàn kinh, Lục tổ Huệ Năng có để lại bài kệ:

菩 提 本 無 樹。

明 鏡 亦 非 臺

本 來 無 一 物。

何 處 有 (匿) 塵 埃      

Bồ đề bổn vô thụ,

Minh kính diệc phi đài.

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ hữu (nặc) trần ai?

(Bồ đề vốn chẳng cây,

Gương sáng cũng chẳng phải là đài.

Xưa nay không một vật,

Nơi nào dính bụi trần?)

Theo tinh thần bài kệ này, thì vốn dĩ thế gian không có phiền não, mà phiền não đều do tâm con người sinh ra. Một số người tâm không lặng nên họ mới suốt ngày đề phòng người khác, khác gì họ tự đề phòng chính bản thân họ. Nếu như mọi người tâm đều lặng, luôn làm việc thiện thì thế giới này đã yên ổn hòa bình từ rất lâu rồi.

“Trống chiều chuông sớm thức tỉnh khách danh lợi ở thế gian/ Tiếng kinh Phật hiệu lay dậy người trầm mê trong bể khổ”. Câu đối chữ Hán này, tôi đã đọc đâu đó bây giờ không còn nhớ trong sách nào, hay ở chùa nào và chỉ còn nhớ nội dung nôm na như thế. Về nghĩa thì với tôi, câu đối này rất có ý nghĩa, nhưng bất quá thân đã lỡ rơi vào bể khổ, người ngoài không phải là người trong cuộc, ai có thể may mắn thoát khỏi? Vốn là chúng sinh đều khổ. Có nhân sẽ có quả, có quả tất phải có nhân, nhân quả tuần hoàn. Khổ hải vô biên, đã ngụp lặn trong bể khổ tất sẽ có ngàn vạn nỗi đắng cay phiền não. Nhưng chỉ cần giữ vững được chân tâm, khổ thì đã sao, sung sướng sẽ thế nào? “Mỗi ngày ta chọn một niềm vui/ Chọn những bông hoa và những nụ cười”… (Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Tôi nghĩ, nếu ai cũng theo tinh thần nhập thế này, ắt sẽ thấy đời thêm vui.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6115651