LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG
LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Động Hương Tích
Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cách trung tâm thành phố Hà Nội 60 km về phía Tây Nam. Miền đất Phật này thực sự là nơi có cảnh thiên nhiên đẹp, có nhiều chùa cổ, nhiều hang động kỳ thú...
Theo truyền thuyết, vùng núi có hang động này được tìm thấy cách đây hơn hai nghìn năm và đã được đặt tên Hương Sơn - lấy tên một ngọn núi ở phía Bắc Tuyết Sơn trong dãy Himalaya (Ấn Độ), nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ngồi tu khổ hạnh suốt 6 năm ròng rã.
Đời vua Lê Thánh Tông (1460 -1497) có ba nhà sư chống tích trượng tới đây tu hành, hàng ngày vào động Hương Tích lễ tụng – tọa thiền, tối lại ra khu vực Thiên Trù ngủ nghỉ. Hồi đó, Thiên Trù là một thung lũng hoang vu, các ngài lần lượt dựng lên một thảo am để trú ngụ tránh mưa nắng, sau một thời gian ba vị viên tịch thì nơi đây gián đoạn trụ trì. Tên tuổi các ngài cũng không ai nhớ rõ. Di tích của các ngài để lại đến nay chỉ còn lại là 2 ngôi mộ cổ bằng đá xanh, được đục đẽo thô sơ trong vườn tháp Thiên Trù. Không ai biết ngày ba vị mất, chỉ gọi chung là ngày "Kị Tổ Bồ tát", các ngài thuộc tông phái nào cho đến nay vẫn chưa ai biết rõ.
Trên dòng suối Yến
Theo sách "Hương Sơn Thiên Trù thiên phú" thì năm 1687 đời vua Lê Hy Tông (1680 – 1705) niên hiệu Chính Hòa, sư Trần Ðạo Viên Quang thuộc dòng Thiền Lâm Tế, ở Ty Tăng lục(1) đã tới đây tái lập cảnh Phật ở Hương Sơn, trụ trì khoảng 20 năm,(2) tiếp theo là các vị Đại sư Thông Lâm, Hoà thượng Thích Thanh Quyết một vị danh tăng học thức uyên bác, phẩm hạnh thanh cao, được các nho sĩ đương thời suy tôn là "Tăng trung hào kiệt".
Tiếp theo là các Hòa thượng Thích Thanh Tích (1881-1964), Thích Thanh Chân (1905-1989) nhất là Hòa thượng Thích Viên Thành (1950-2002) đã có công lao to lớn trong việc kiến tạo quần thể di tích chùa Hương tựa chốn bồng lai tiên cảnh ngay trần thế, bao gồm nhiều đền, chùa, hang động như: chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan, chùa Bảo Đài, đền Trấn Song (Cửa Võng), động Tiên Sơn, động Hương Tích, động Tuyết Sơn...
Hương Sơn còn gắn liền với sự tích Bà Chúa Ba tức Quan Âm Nam Hải - hình ảnh của một ý chí kim cương, một tình thương rộng lớn, bao trùm cả gia đình và nhân loại và cả những linh hồn đang chịu khổ đau ở cõi âm nữa.
Tương truyền, Bồ tát Quan Thế Âm Nam Hải vốn là Diệu Thiện, công chúa thứ ba (Bà Chúa Ba) con vua Diệu Trang ở nước Hưng Lâm bên Ấn Độ. Khi đến tuổi trưởng thành, vua cha muốn con chọn lựa một vị quan có tài đức trong triều làm chồng, để ông truyền ngôi báu sau này, nhưng công chúa từ chối vì chỉ thích xuất gia học đạo. Trang Vương cả giận làm công chúa kinh sợ, nàng xin cha chọn cho mình một người thuộc dòng dõi lương y. Vua nghe càng nổi giận lôi đình, ra lệnh bắt công chúa đày đọa sau vườn, không cho ở trong cung cấm nữa. Nàng vượt qua mọi ngăn trở của vua cha, cương quyết vượt biển đến động Hương Tích Đại Việt tu hành.
Để giúp công chúa Diệu Thiện sang tu hành ở Đại Việt, đức Phật Như Lai, nói thần Thái Bạch sai thần núi Hương Tích hoá thành hổ sang nước Hưng Lâm cõng công chúa về chùa Giải Oan Hương Tích Sơn. Ở đây, nước giếng Thanh Trì trong vắt đã giúp Bà tẩy sạch bụi trần, trút bỏ hết nỗi oan khiên.
Bà được đức Phật Tổ chỉ vào động Hương Tích tu hành, chín năm sau thành chính quả. Bà hoá thành Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay thần thông quảng đại.
Bà thành Phật và sum họp với người thân của mình. Trong động chùa Tiên Sơn thờ năm pho tượng đá trắng như ngọc thạch ghi lại sự tích này. Đó là năm người trong gia đình Phật Bà Quan Âm.
Sự tích Bà Chúa Ba có nhiều điểm khá gần gũi với tích truyện về Mẫu đệ tam Thoải (Thuỷ) phủ ở đền Mẫu Thoải (đền Cửa Sông) làng Bắc Biên, quận Long Biên, Hà Nội hay đền Bà Áo Trắng, thôn Cổ Việt, xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái và nhiều nơi khác. Phải chăng Quan Âm Nam Hải và Thánh Mẫu chỉ là một. Hay đúng hơn, tín ngưỡng dân gian Việt đã đồng nhất hai vị thần khác đạo này lại để nhằm đáp ứng nhu cầu của tâm linh.
Người ta kinh ngạc bởi sức hấp dẫn của Hương Sơn linh thiêng:
Một vùng non nước bao la
Rằng đây Lạc quốc hay là Đào nguyên
Hương Sơn là chốn non tiên
Bồng lai mà thấy ở miền trần gian.
Bởi thế, cứ mỗi độ xuân về, hoa mơ nở trắng rừng Hương Sơn, hàng ngàn, hàng vạn Phật tử cùng khách thập phương lại nô nức về đây trẩy hội.
Theo sử sách, lễ hội chùa Hương bắt đầu từ thời Lê -Trịnh, khi các công chúa phi tần đi trẩy hội đã đóng góp công đức xây dựng chùa. Từ đó cùng với sự mở rộng và phát triển của miền đất Phật này, lễ hội chùa Hương ngày một đông vui, hấp dẫn và qui mô lớn hơn.
Lễ hội bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch (19/2 âm lịch là ngày vía đức Quan Âm Nam Hải).
Khai hội chùa Hương
Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Mở đầu đội múa Lân sẽ múa một màn chào mừng du khách và các Phật tử từ khắp nơi.
Lễ hội chùa Hương năm 2013 chính thức được khai hội
Phần lễ chùa Hương
Lễ thực hiện rất đơn giản, có nghiêng về "thiền". Nhưng ở chùa Ngoài (Thiên Trù) lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của Đạo giáo. Đền Trấn Song (Cửa Võng) là "chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "Tì Nữ Tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng thần cá.
Chùa Trong (động Hương Tích) có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai Tăng Ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc chạy đàn, hai vị Tăng Ni múa rất dẻo và đẹp mắt. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt.
Phần hội chùa Hương
Đền Trình
Du khách có thể trẩy hội chùa Hương theo 4 tuyến sau:
1. Tuyến Hương Tích: Đền Trình Ngũ Nhạc - Chùa Thiên Trù - Động Tiên Sơn - Chùa Giải Oan - Đền Trấn Song – Động Hương Tích - Chùa Hinh Bồng (có hệ thống cáp treo, từ ga Thiên Trù lên động Hương Tích).
Chùa Thiên Trù
2. Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn - Động Hương Đài
3. Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân - Động Long Vân - Hang Sũng Sàm
4. Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài - Động Chùa Cá - Động Tuyết Sơn.
Hàng nghìn chiếc thuyền đậu trên bến đò suối Yến (bến Đục) sẵn sàng phục vụ du khách trên các tuyến Hương Tích, Thanh Sơn và Long Vân.
Tuyến Hương Tích bao giờ cũng đông vui tấp nập hơn cả bởi tuyến này có động Hương Tích - nơi Bà Chúa Ba đắc đạo; nơi Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm năm 1770 khi vào đây trẩy hội đã tôn vinh là “Nam Thiên đệ nhất động”; là “trọng điểm” của cảnh Hương Sơn, là tiêu biểu cho cả một vùng danh thắng. Nói “đi chùa Hương” tức là nói vào thăm cảnh Hương Sơn nói chung, chứ không riêng gì động Hương Tích. Nhưng ví thử có người nào lần đầu tiên đến vãng cảnh Hương Sơn mà không vào động Hương Tích thì cũng coi như đi không đến nơi. Động Hương Tích là cái trung tâm náo nức của du khách. Điều đó đã trở thành một tâm lý, một tập quán của khách thập phương.
Thuyền đưa du khách khởi từ bến Đục, lướt nhẹ trên dòng suối Yến, hoà vào cảnh thiên nhiên:
Hình khe thế núi gần xa,
Đứt thôi lại nối, tháp đà lại cao.
Bến Trò (Núi Mâm Xôi Con Gà)
Tới bến Trò, du khách rời thuyền lên vãng cảnh chùa Thiên Trù (chùa Ngoài, chùa Trò).
Từ đây vào động Hương Tích là cuộc leo núi tạo ra trong mỗi chúng ta tâm lý kỳ vọng, muốn vươn lên đến cái đẹp. Và sự kỳ vọng cái đẹp hẳn sẽ làm cho con người thêm phần sảng khoái tin yêu cuộc đời này hơn.
Cửa động Hương Tích có lối lên Trời, lối xuống Âm Phủ. Trong động có cây vàng, cây bạc, đụn gạo, đụn thóc, buồng tằm, nong kén, có cô, có cậu đều là những thạch nhũ thể hiện tâm nguyện và quyền năng của Quan Âm Nam Hải tương hợp với nỗi đau nhân thế. Nghèo thì đến xin gạo, xin thóc, xin vàng, xin bạc. Không con thừa tự thì đến xin cô, xin cậu. Chỉ cần phát nguyện, dâng hương trước bàn thờ rồi đến sờ tay xoa đầu cậu, xoa đầu cô khấn xin về với gia đình. Cần gạo thóc tiền bạc cũng lễ rồi đến xoa vào các đụn đó khấn xin về.
Gác chuông chùa Thiên Trù
Muôn vàn tượng Phật lớn nhỏ, được khắc vào đá, được tạc lên các nhũ thạch, rủ xuống muôn màu muôn sắc. Đẹp nhất, bề thế nhất là bức tượng Quán Thế Âm tọa sơn được tạc vào nhũ đá xanh năm 1793 thời Tây Sơn. Tượng có dáng vẻ thon thon, khuôn mặt trái xoan, thanh tú, đầu đội mũ Tì Lư (mũ Bồ tát) có tóc mai và búi tóc, sau lưng có hai lọn tóc buông xuống, ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên một bông sen nở, chân phải co, đặt trên bông sen với lá mềm mại.
Bến đò chùa Hương (Bến Đục)
Đầu năm, mọi người nô nức đi trẩy hội chùa Hương (hay các lễ hội Yên Tử, Côn Sơn - Kiếp Bạc v.v…) để cầu mong cho cả năm nhiều điều tốt đẹp, cho quốc thái an dân. Đây cũng là dịp để mọi người tưởng nhớ đến nguồn cội, tổ tiên, đó còn là thú vui của mọi người khi nó trở thành chuyến du lịch văn hoá tâm linh. Chỉ với vài nén hương cùng những đoá hoa tươi cũng đủ để chúng ta bày tỏ lòng thành. Nhưng những năm gần đây việc đi lễ đã có nhiều biến tướng không lành mạnh, mang tính chất vụ lợi. Họ sắm những mâm cỗ đầy xôi đầy thịt, chen chúc chốn tôn nghiêm, họ nhét tiền vào tượng các linh vật và cả tượng Phật, người người xả rác, tiêu tiểu... chốn linh thiêng tôn giáo mà thản nhiên như ở chỗ không người quản lý v.v…chưa kể những thiếu sót của Ban Quản lý khu di tích về đò, đường, nhà vệ sinh các loại phí… Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng Ban Quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn, cho biết ước tính năm nay sẽ có trên 1,5 triệu lượt du khách trẩy hội. Bên cạnh những nỗ lực cố gắng khắc phục những thiếu sót trên của chính quyền và nhân dân sở tại, thiết nghĩ mỗi du khách khi trẩy hội chùa Hương cần tự giác chấp hành mọi quy định của Ban Quản lý khu di tích cũng như quy định tại các đền, chùa, góp phần vào sự thành công của lễ hội.
(1) Ty Tăng lục do triều đình lập ra để coi sóc và quản lý các vị tu hành. Bia tại chùa Thiên Trù có ghi rằng việc xây dựng nền đất, bậc đá và tôn tạo Kim Dung bảo điện của chùa được thực hiện vào năm 1686.
(2) Hiện còn tòa "Viên Công Bảo tháp" gần suối Điện trong khu vực chùa Thiên Trù (chùa Ngoài). Tháp được xây dựng từ thế kỷ XVII, nơi lưu giữ xá lợi của tổ Viên Quang có công kiến tạo lại chùa Hương sau nhiều năm hoang vắng. Tháp xây bằng gạch tốt, màu đỏ hồng, để lộ thiên, mạch được miết đều chứng tỏ kỹ thuật xây tháp rất tinh xảo, đây là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc đặc sắc ở thời Hậu Lê.
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết