Thông tin

LỄ PHẬT ĐẢN THỜI DỊCH BỆNH COVID

 

CHỬ THỊ KIM PHƯƠNG
Viện Nghiên cứu Tôn giáo

 


 

1. Ý nghĩa của lễ Phật đản

Cách đây hơn 2.500 năm, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời vào một ngày tháng 4 Âm lịch tại khu vườn Lâm Tỳ Ni, xứ Ca Tỳ La Vệ thuộc miền Bắc Ấn Độ. Những người con Phật trên toàn thế giới hàng năm đã lấy ngày trăng tròn tháng 4 Âm lịch làm ngày Phật đản, hay còn gọi là Đại lễ VESAK kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đó là kỷ niệm ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày Ngài nhập Niết Bàn. Năm 1999, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết công nhận Đại lễ Phật đản hàng năm là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc, vì hòa bình của nhân loại, nhằm tôn vinh giá trị giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để lại cho nhân loại trong quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh. Kỷ niệm Đại lễ Phật đản của Phật giáo Việt Nam cũng là dịp để tiếp tục phát huy tư tưởng giáo lý của Đức Phật trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh và bảo vệ hòa bình, góp phần xây dựng đất nước. Đây còn là dịp để cộng đồng xã hội có thêm hiểu biết và lan tỏa những giá trị đạo đức, văn hóa và tâm linh của Phật giáo. Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay, giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.

Ở Việt Nam, lễ Phật đản luôn được tổ chức trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào ngày rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp xen kẽ các buổi văn nghệ, đèn lồng, làm lễ đài tổ chức… Vào ngày Phật đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp để tưởng nhớ Phật. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Tại các chùa, Phật tử thường dựng lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, tất cả được thể hiện bằng tấm lòng thành vốn là đạo lý nhà Phật.

Một trong những nghi thức quan trọng nhất không thể thiếu chính là: Tắm Phật.

"Tắm Phật trong ngày lễ Phật đản là để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ngài đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau. Tắm Phật là tắm những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ hướng đến một đời sống an lạc".

2. Đại lễ Phật đản thời dịch Covid

Từ khi thành lập (1981), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức đại lễ Phật đản hằng năm vào ngày Rằm tháng Tư một cách trang trọng, thành kính. Với lễ đài được trang trí trang nghiêm, các tăng ni, Phật tử dâng hương tưởng nhớ, tôn kính Đức Phật và thực hiện nghi lễ tắm Phật với sự cầu mong thân thể và tâm hồn luôn được trong sạch.

Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào đúng ngày Rằm tháng 4, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành còn tổ chức xe hoa diễu hành trên các đường phố, làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, tổ chức văn nghệ chào mừng Phật đản, thuyết giảng Phật pháp, đèn lồng và cờ Phật giáo được treo khắp các chùa… với hàng nghìn tăng ni, Phật tử tham dự. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện với tinh thần tiết kiệm, không tốn kém mà thể hiện bằng tấm lòng thành, vốn là đạo lý nhà Phật.

Từ cuối năm 2019 đến nay, thế giới đang đứng trước vấn nạn đó là dịch bệnh Covid lan rộng toàn cầu. Năm 2020, Đại lễ Phật đản diễn ra trong bối cảnh thế giới đang vất vả chống chọi với đại dịch Covid-19 và những tác động xấu từ đại dịch này. Khi dịch bệnh bùng phát tại Hà Nội, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là khoảng thời gian sắp đến đại lễ Phật đản của Phật giáo, với tình hình dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành Công văn số 068/CVHĐTS (ngày 19/3/2020) gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố về việc chuẩn bị Đại lễ Phật đản PL.2564 - DL.2020 trước diễn biến của đại dịch Covid-19, thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch của Nhà nước, không tổ chức lễ đài tập trung, rước xe hoa, các chương trình nghệ thuật chào mừng, và các hình thức tập trung đông người. “Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh: Mùa Phật đản PL.2564 sắp đến trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng, đang phải đối diện với cuộc chiến khốc liệt chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona chủng mới Covid-19 gây ra, đang diễn biến phức tạp từ nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau trong cộng đồng. Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ VESAK Liên Hiệp Quốc (ICDV) đã chính thức công bố không tổ chức Đại lễ VESAK Liên Hiệp Quốc năm nay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch Covid-19 là đại dịch và đã đưa ra nhiều khuyến cáo. Tại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị, Chính phủ, các bộ ngành, tổ chức xã hội và cả cộng đồng đang tập trung toàn bộ nguồn lực để chống đại dịch, bảo vệ sự an toàn tính mạng của mọi người dân. Do đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đề nghị các Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố lưu ý trong công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản  PL.2564 không tổ chức lễ đài tập trung, rước xe hoa, các chương trình nghệ thuật chào mừng, và các hình thức tập trung đông người. Khuyến khích nghi lễ Kính mừng Phật đản bằng nghi thức tắm Phật, tụng kinh tại các cơ sở tự viện và tại tư gia của các gia đình mà không tập trung quá đông người tham dự”1.

Lễ Phật đản được diễn ra theo hướng dẫn thông tư số 076/TTHĐTS ngày 16/4/2020, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký GHPGVN đã ký hướng dẫn các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước, tăng ni và đồng bào Phật tử trong công tác tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh.

Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện và các chùa, tịnh xá, tăng ni, đồng bào Phật tử trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Đại lễ với tinh thần tiếp tục phòngchống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN. Ban Trị sự GHPGVN các cấp từ trung ương xuống các địa phương, các chùa, tịnh xá, tư gia bà con Phật tử đều trang trí tôn nghiêm kính mừng Đức Phật đản sinh. Các nghi thức trong Đại lễ Phật đản được tổ chức gọn và phù hợp tình hình thực tế giãn cách xã hội để phòng-chống dịch Covid-19; không tổ chức lễ đài tập trung đông người, không tổ chức xe hoa và các chương trình nghệ thuật chào mừng, tránh các hình thức tập trung đông người.

Được sự hướng dẫn cụ thể việc tổ chức lễ Phật đản từ Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và cấp huyện cử hành chương trình Đại lễ  Phật đản với các nội dung chính gồm nghi lễ truyền thống của Phật giáo kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tuyên đọc Thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ GHPGVN, diễn văn Đại lễ Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, nghi thức cầu nguyện hòa bình quốc thái dân an, đồng thời cầu nguyện đại dịch Covid-19 sớm được tiêu trừ, đất nước Việt Nam sớm ổn định, phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Với phương châm “Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”, tăng ni và Phật tử luôn tích cực với công tác từ thiện xã hội, hưởng ứng phong trào giúp đỡ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Phật giáo cả nước thường xuyên vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, người neo đơn, tàn tật, cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai… trị giá nhiều tỷ đồng mỗi năm.

Nhân dịp lễ Phật đản, không chỉ tuyên truyền cho tín đồ chấp hành các quy định của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh, Phật giáo cả nước đã chung tay, góp sức cùng với chính quyền trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Phật giáo khắp các tỉnh thành đã tích cực vận động, quyên góp, tổ chức các hoạt động từ thiện sáng tạo, thiết thực giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, đã có những mô hình, sáng kiến của các Phật tử như: “hộp cơm miễn phí lo cho người dưới đáy”, “cây ATM gạo miễn phí”, “Siêu thị 0 đồng”,… giúp đỡ bà con nghèo ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Lãnh đạo Phật giáo ở khắp các địa phương cả nước đã kêu gọi, quyên góp, trao tặng tài vật như những nhu yếu phẩm, thiết bị y tế cho các cơ sở y tế với trị giá rất lớn để tăng thêm trang thiết bị y tế đang còn thiếu thốn nhiều khi dịch bệnh bùng phát.

Với đại lễ Phật đản năm 2021, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã có thông bạch số 69/TB-HĐTS, ngày 1 tháng 4 năm 2021 về việc tổ chức Lễ Phật đản năm 2021 của Phật giáo Việt Nam sẽ diễn ra cùng nhiều sự kiện đặc biệt như: trong không khí hoan hỷ chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước và của Giáo hội, đó là ngày hội toàn dân bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (1981-2021); Đại hội Đại biểu GHPGVN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã có chương trình tổ chức gửi Ban Trị sự GHPGVN các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước, Tăng Ni, và đồng bào Phật tử trong công tác tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh lần thứ 2645 năm - Phật lịch 2565 trong bối cảnh toàn xã hội luôn luôn phải đề cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, Phật giáo đã có nhiều đóng góp tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tùy từng giai đoạn của dịch bệnh mà đã tuân thủ những quy định của Nhà nước về phòng chống dịch, ngoài ra còn có nhiều hoạt động thiết thực như kêu gọi, quyên góp ủng hộ trang thiết bị y tế, bằng các hình thức quyên góp ủng hộ khác nhau để trao tặng tài vật như những nhu yếu phẩm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong lúc dịch bệnh, góp phần quan trọng cùng cả nước kiểm soát hiệu quả, giảm sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Các chức sắc tôn giáo bằng vai trò và uy tín của mình, tiếp tục đồng hành tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Đảng, Nhà nước, MTTQ kỳ vọng... 

 


1. http://baoquangnam.vn/xa-hoi, Ngày 20/03/2020

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 29
    • Số lượt truy cập : 6059443