Thông tin

LỄ SHINPYU HAY TRUYỀN THỐNG XUẤT GIA GIEO DUYÊN

LỄ SHINPYU HAY TRUYỀN THỐNG XUẤT GIA GIEO DUYÊN

Bài và ảnh:THÍCH NỮ LIÊN HIẾU

 

Ba mẹ và các con trong ngày xuất gia

Shinpyu là tiếng Myanmar, nghĩa là xuất gia gieo duyên hay xuất gia tập tu làm tiểu Sa di trong một thời gian ngắn. Lễ Shinpyu là một trong những lễ hội hằng năm được hầu hết Phật tử Myanmar hưởng ứng; lễ hội này đã trở thành một truyền thống, một nét văn hóa Phật giáo trong lòng người dân xứ sở chùa Vàng đất Phật này. Lễ hội Shinpyu bắt đầu vào những ngày cuối tháng Ba đầu tháng Tư. Trong khoảng thời gian này, khắp các nẻo đường trên đất nước Myanmar, từ thôn quê cho đến thành thị rất nhộn nhịp với những đoàn người diễu hành tiễn đưa các em nhỏ đến chùa xuất gia gieo duyên trong những ngày nghỉ hè và trong dịp đầu năm mới. Một năm làm vụng vất vả, Tết là dịp mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn, được viếng thăm bà con, bạn bè, được ngao du sơn thuỷ; và đặc biệt những ngày nghỉ Tết là dịp Phật tử Myanmar có cơ hội tạo duyên lành với Phật pháp. Vào những ngày này không chỉ có các bé trai, bé gái được cha mẹ hướng dẫn đến chùa tập tu làm tiểu Sa-di, mà người lớn cũng vào chùa xuất gia gieo duyên trong một thời gian ngắn.

Noi dấu gương xưa

Nếu ai đã từng chứng kiến một đám rước trong ngày lễ xuất gia gieo duyên của người dân Myanmar mới cảm nhận được tấm lòng quý kính Phật pháp của họ. Lễ xuất gia tại xứ sở chùa tháp này rất khác biệt với những nơi khác, tuỳ theo điều kiện kinh tế gia đình, vào ngày lễ xuất gia các em được cha mẹ, bà con và những người thân đưa đến chùa bằng ngựa, bằng voi, đi xe, đi bộ, hoặc các em được cha hoặc chú, bác công kênh trên vai; đám rước có lọng, có kèn, có trống và các em được trang phục trong những bộ đồ hoàng tộc nhìn giống như một đám rước của vua (việc đi ngựa hiện nay vẫn còn duy trì ở thôn quê, tuy nhiên tại các thành phố lớn như Yangon, người ta chỉ dùng xe đưa con cháu đến chùa xuất gia). Đoàn người tiễn đưa các em xuất gia sẽ diễu hành qua các làng xã, các thị trấn và điểm cuối cùng là tu viện nơi các em sẽ xuất gia.

Người Myanmar quan niệm, một người đi xuất gia là từ bỏ đời sống thế tục để trở thành một vị khất sĩ đầu trần chân đất, nên chuyến đi đó là một chuyến hành trình vĩ đại như ngày xưa Thái tử Tất-đạt-đa vượt thành xuất gia. Vì vậy ngày nay, lúc đưa các con đi xuất gia, họ diễn lại sự kiện ngày xưa thái tử vượt thành ra đi trong sắc phục hoàng tộc; các cháu chuẩn bị xuất gia được cha mẹ chuẩn bị cho những trang phục hoàng gia trước khi trở thành một vị khất sĩ. Thật sự ngày ấy, Thái tử Tất-đạt-đa vượt thành ra đi trong đêm trường cô tịch cùng với người tín bộc là Xa-nặc, nhưng ngày nay Phật tử Myanmar tổ chức lễ xuất gia cho các con rất long trọng để cho mọi người thấy rằng gia đình, bà con, làng xóm rất hoan hỷ với việc con đi xuất gia. Có thể nói nét văn hoá này không phải một sớm một chiều mà có được, mà phải trải qua nhiều thế hệ với những con người có một tấm lòng thuần thiện, có một nếp nghĩ suy đúng chánh pháp, và đặc biệt là có một quan niệm sống cao thượng, có tấm lòng quý kính đối với Tam Bảo. 

Thừa hưởng gia tài

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ cách đây hơn 2500 năm, sau khi thành tựu đạo quả giác ngộ giải thoát, theo lời mời của vua Tịnh Phạn, Đức Phật đã trở về kinh thành Ca-tỳ-la-vệ. Khi ấy, theo lời dạy của mẹ là công chúa Da-du-đà-la, La-hầu-la – con trai của Thái tử Tất-đạt-đa (Đức Phật trước khi xuất gia) cứ đi theo Đức Phật hỏi xin gia tài. Do sự kiện ấy, Đức Thế Tôn đã giao La-hầu-la cho Ngài Xá-lợi-phất làm thầy tế độ và Ngài đã ban cho La-hầu-la chiếc y vàng, kể từ đó La-hầu-la đã trở thành chú Sa di đầu tiên trong Tăng đoàn của Đức Thế Tôn và đây chính là gia tài Pháp bảo quý giá nhất mà Đức Thế Tôn đã trao cho La-hầu-la. Theo truyền thống ấy, ngày nay tại Myanmar các bé trai, bé gái khoảng từ 6 đến 15 tuổi thường được cha mẹ hướng dẫn vào chùa tập tu Sa di trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần để vun bồi, tưới tẩm hạt giống hiền thiện trong lòng các em.


Các tiểu Sa-di đến lớp học kinh

Vì các con còn quá nhỏ, chưa ý thức trọn vẹn việc mình làm, và để các con ý thức được tầm quan trọng của việc xuất gia làm Sa di, cha mẹ thường kể cho các con nghe câu chuyện La-hầu-la theo Phật xin trao cho gia tài. Cha mẹ cho rằng được xuất gia tập tu làm Sa-di là một đặc ân rất lớn đối với các con. Đây là dịp các cháu có cơ hội cúng dường hình hài bằng xương, bằng thịt đến Tăng đoàn của Đức Thế Tôn. Các bậc cha mẹ cũng rất hoan hỷ trong việc tổ chức lễ xuất gia cho các con. Một số gia đình có điều kiện kinh tế ổn định, thì vào ngày con xuất gia, họ mời những người thân và bạn bè đến dự. Họ hoan hỷ bỏ ra một khoản tiền rất lớn để sắm sửa các vật dụng cúng dường cho chư Tăng tại chùa nơi con họ sẽ xuất gia. Đối với những người không có con, đặc biệt là con trai, họ sẽ giúp đỡ tài chánh cho con trai của những gia đình khác xuất gia gieo duyên, như vậy họ cũng sẽ hưởng được nhiều phước báo trong hành động thiện lành này. Đối với cha mẹ, không tạo cơ hội cho con trẻ xuất gia là một thiếu sót lớn. Tổ chức lễ xuất gia cho con, có nghĩa là một phần nào họ đã làm tròn bổn phận làm cha, làm mẹ.


Trên đường nhập tự

Chị Khin Khin Thar cho biết chưa bao giờ chị cảm thấy sự quan trọng của việc làm cha, làm mẹ như khi vợ chồng chị lên kế hoạch làm lễ xuất gia gieo duyên cho con trai. Tại Myanmar, một bé trai có thể xuất gia một lần, hai lần hay hơn thế nữa, đây không phải là chuyện khác thường gì, nhưng đối với chị đây là một cơ hội rất đặc biệt, vì lần đầu tiên bé trai 7 tuổi của chị rời gia đình vào chùa làm đệ tử của Đức Phật. Tôi hỏi chị có nhớ con không, chị đáp: “Nhớ lắm chứ và còn lo nữa vì đây là lần đầu tiên cháu rời nhà. Ở nhà, cháu có ông bà ba mẹ lo cho mọi việc như ăn mặc, tắm giặt, học hành, v.v. Giờ đây vào chùa, cháu phải tự lo cho mình, sống đời sống tự lập nên làm sao không lo cho được. Tuy nhiên, tôi nghĩ cháu xuất gia là được thừa hưởng gia tài pháp bảo của Đức Thế Tôn, gia tài mà Đức Thế Tôn đã trao cho tiểu Sa-di La-hầu-la cách đây hơn 2.500 năm về trước. Cháu xuất gia là tạo phước lành cho ông bà cha mẹ và đây thật sự là một đặc ân rất lớn trong cuộc đời của con trai tôi”.

Nghe chị Khin Khin Thar tâm sự, lòng tôi trào dâng một niềm cảm xúc. Một người dân dã bình thường, nhưng lại có những suy nghĩ mà người Việt Nam ta dường như chưa ai nghĩ tới: “xuất gia là để thừa hưởng gia tài”. Hầu hết các bậc làm cha làm mẹ cả đời vất vả lo toan, lặn lội thân cò một nắng hai sương cũng chỉ mong để lại một chút gì đó cho con, cho cháu. Tiền bạc, của cải mà ai lại không cần, nhất là ở một đất nước mà mọi phương tiện vật chất đều rất lạc hậu và thua xa các nước láng giềng như Myanmar thì tiền của càng quý giá biết dường nào, nhưng Phật tử Myanmar không nghĩ rằng tiền bạc, của cải là tài sản đáng giá họ dành cho con cái. Nói như vậy không có nghĩa là họ không cần tiền của, nhưng họ nghĩ rằng gia tài mà họ muốn trao cho các con chính là những lời Phật dạy, là cách sống, cách suy nghĩ và hành động hiền thiện, có ích cho tự thân và những người xung quanh. Theo họ, đây mới thật sự là gia tài vô giá nhất và không ai có thể cướp đoạt được. Với gia tài này, con cháu họ chắc chắn sẽ được thừa hưởng mãi mãi, và họ cảm thấy rất tự hào khi được trao gia tài này cho các con. Người trao gia tài vui vẻ và người nhận cũng vui. Chính vì vui, nên các em mới có thể ở chùa tập tu trong những ngày hè. Thật sự, điều này không phải ai ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy giá trị của cái không thể cân đo đong đếm trong một thời đại mà mọi thứ dường như đều được đong đếm cân đo…

Hoàn thiện tự thân và tạo phước cho cha mẹ

Đối với Phật tử Myanmar, lễ Shinpyu hay xuất gia gieo duyên là một sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của các em, đặc biệt là bé trai. Sự kiện này đánh dấu giai đoạn chuyển biến từ tuổi thơ đến trưởng thành. Trong thời gian ở chùa, các em sẽ nhận được sự rèn luyện đặc biệt theo truyền thống của đạo Phật, được học và hành những lời Phật dạy… Những ngày sống trong chùa là cơ hội để các em rèn luyện ý chí, nghị lực, cũng như trau dồi phẩm chất đạo đức dựa vào lời Phật dạy, để mai này trưởng thành các em sẽ là những người con hiếu thảo, những công dân có ích cho xã hội, biết sống vì mọi người. Người Myanmar quan niệm rằng đời sống của một người nam được xem là thành tựu trọn vẹn chỉ khi anh ta đã xuất gia gieo duyên. Đây là một bổn phận cần phải làm đối với một nam Phật tử Myanmar.

Tiểu Sa-di Visuddha, 11 tuổi, hồ hởi kể cho tôi nghe: “Nhà con có năm anh em trai, năm nay ba mẹ cho cả năm anh em chúng con xuất gia. Ở đây cũng vui lắm. Chúng con được sư phụ và các thầy dạy chữ, dạy cách sống có đạo đức, cách làm người hiền thiện, biết yêu thương những người sống quanh mình”. Cũng như Visuddha, các tiểu Sa di khác rất vui vì được sinh hoạt tập thể, được chia sẻ công việc một cách bình đẳng… Trong thời gian ở chùa, các em có cơ hội học được những cái hay, cái đẹp từ những huynh đệ đồng trang lứa. Em nào cũng nhận thức được rằng phải cố gắng tu học tốt. Hành động thiện lành này sẽ giúp cho ông bà, cha mẹ luôn được mạnh khỏe và sống an vui.

Nghi thức nhập tự

Thường là vào buổi sáng, cha mẹ và những người thân đưa các em đến chùa, các em tập trung tại chánh điện chùa để nghe Thầy trụ trì giảng về ý nghĩa của việc xuất gia, cũng như cho các em biết một số nội quy trong những ngày sống trong chùa; sau đó gia đình các em sẽ cúng dường y áo cùng các vật dụng khác đến Thầy trụ trì và các thầy trong chùa. Sau lễ cúng dường, các em được chư Tăng tại trú xứ hướng dẫn ra phía sau để cạo tóc. Khi cạo tóc xong, một lần nữa các em tập trung tại chánh điện. Quỳ trước mặt Thầy trụ trì, các em phát nguyện xuất gia và được Thầy trụ trì đặt pháp danh, truyền trao cho 10 giới Sa-di như: không sát hại các sinh vật có mạng sống, không lấy tài vật không thuộc quyền sở hữu của mình, không nói sai sự thật,… và ban cho các vật dụng cần thiết của một vị Tăng như bình bát, y áo, dao cạo, đãy lọc nước, v.v. Sau lễ truyền trao y bát, các em được chư Tăng dạy cho cách đắp y, cách mang bát, cách đi vào làng khất thực. Lúc này các em thực sự đã trở thành một người xuất gia, trở thành những Thích tử của Đức Như Lai, được thừa hưởng gia tài pháp bảo của Đức Thế Tôn. Trong 10 giới Sa di có giới không được ăn sau 12 giờ trưa. Đây là giới khó giữ nhất đối với các em nhỏ và cũng là điều làm cho cha mẹ các em lo lắng nhất, không biết con em mình có tu học được hay không vì buổi chiều không được phép ăn bất cứ thứ gì hết.


Nghi thức nhập tự

Ông Tun Shwe, phụ huynh của một tiểu Sa-di, vui vẻ cho biết: “Thật may mắn, con trai tôi hoà nhập với cuộc sống mới không khó lắm. Cháu biết tự lo cho bản thân mình và biết sống theo những điều luật đã thọ nhận. Không ăn chiều nên người xuất gia càng có nhiều thời gian để học và hành thiền”. Quay sang nhìn đứa con trai cưng bây giờ đã là một tiểu Sa-di, ông Tun Shwe nói tiếp: “Từ ngày xuất gia, cậu con trai 10 tuổi của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Nhìn cháu trang nghiêm, điềm đạm và trong sáng trong chiếc y màu đỏ măng cụt, lòng tôi vui lắm. Người ta nói “chiếc áo làm nên thầy tu”, quả thật cũng không quá đáng. Giờ đây, vợ chồng tôi không gọi cháu bằng tên ở gia đình thường gọi mà gọi bằng pháp danh mà Thầy trụ trì đã đặt cho cháu. Sau khi cháu xuất gia, mỗi buổi sáng chúng tôi đều chuẩn bị sẵn cơm cùng một vài món thức ăn cúng dường cho chư Tăng đi bát trong đó có con trai chúng tôi. Chúng tôi thật sự vô cùng hạnh phúc”.

Mỗi ngày, các tiểu Sa-di nhận lãnh vật thực cúng dường từ các thí chủ. Thời gian tập tu Sa-di tại chùa có thể kéo dài một vài ngày, một tuần, hai tuần hoặc hơn thế nữa, tuỳ thuộc vào tâm nguyện của cha mẹ và bản thân các em. Sau một thời gian ngắn, các em trở lại đời sống thế tục, và có thể xuất gia lại bất kỳ lúc nào các em có đủ điều kiện, nhưng không được thọ giới Tỳ- kheo cho đến khi các em (trai) tròn 20 tuổi. Khi ấy là lúc các em thật sự hiến dâng cả cuộc đời cho đạo pháp, các em phải trau dồi, học hỏi kinh điển và phải hành thiền để tự thân chiêm nghiệm được những lời Phật dạy.

Sau khi chụp một vài tấm ảnh lưu niệm, các cháu xuất gia gieo duyên vẫy tay chào mọi người mà lòng tôi trào dâng một niềm vui khó tả. Có thể nói, truyền thống xuất gia gieo duyên đã bén rễ sâu dày trong đời sống gia đình và xã hội Myanmar; truyền thống này đã trở thành một nét son trong văn hóa Phật giáo tại Myanmar. Những bài học đạo đức, những kinh ngiệm, những kỷ niệm trong những ngày xuất gia gieo duyên ở Myanmar, theo tôi là những hành trang đáng giá, là những triết lý sống giúp các em tự tin với chính mình, luôn tin yêu vào cuộc sống quanh mình.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 341
    • Số lượt truy cập : 7079668