LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG Ở VIỆT NAM
VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CHÙA NHẪM DƯƠNG
TT. THÍCH THANH VÂN*
Dẫn nhập
Thế giới ngày nay đã trở thành ngôi nhà chung cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, quốc gia. Sự giao thoa giữa Đông và Tây đang dần xóa nhòa đi ranh giới cách biệt. Bên cạnh đó, những thành tựu của khoa học phát triển vượt bậc, đặc biệt là khoa học Công nghệ Thông tin làm cho truyền thông giữa con người nhanh hơn, xu thế hội nhập toàn cầu là tất yếu. Chính vì lẽ đó, sân chơi quốc tế ngày càng sinh động. Nó là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho mỗi cá nhân, cũng như mỗi quốc gia. Làm sao hoà nhập nhưng vẫn giữ được Bản sắc Văn hoá Dân tộc của mỗi vùng, lãnh thổ, quốc gia? Đó là mối quan tâm cho tất cả chúng ta.
Hội thảo khoa học “Thiền phái Tào Động Việt Nam và Quần thể di tích Nhẫm Dương: Giá trị Lịch sử, Văn hoá và Phật giáo” cũng không nằm ngoài mục đích góp phần bảo tồn và phát huy tác dụng, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới.
1. Sơ lược các giai đoạn Thiền tông Việt Nam
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ I, II sau Công nguyên thông qua sự giao lưu buôn bán giữa người Ấn Độ, người Trung Hoa với người Việt Nam bằng hai con đường: Đường thuỷ và đường bộ. Có thể nói rằng, sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam là một quá trình liên tục và tương đối sớm.
* Vào nửa đầu của thế kỷ thứ 3, tổ sư Khương Tăng Hội được coi là sơ tổ của thiền tông Việt Nam đã làm cho thiền tông nở hoa cùng với trung tâm Phật giáo lớn nhất khu vực – Trung tâm Phật giáo Luy Lâu.
* Tới thế kỷ thứ 5, một thiền phái khác do một thiền sư tên là Đạt Ma Đề Bà (tiếng Phạn là Dharmadeva) từ Ấn Độ sang Việt Nam để dạy thiền. Thiền của Đạt Ma Đề Bà cũng là thiền Đại thừa.
* Tới thế kỷ thứ 6, một thiền phái từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam, đó là thiền phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi.
* Sang thế kỷ thứ 9, thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc qua, và thiền sư Vô Ngôn Thông đã thiết lập một thiền phái có đặc tính rất là Trung Hoa.
* Đến thế kỷ thứ 11, chúng ta có thiền sư Thảo Đường (Trung Hoa). Với cách sử dụng thi ca, niêm tụng, và tư tưởng Nho - Phật nhất trí, thiền phái Thảo Đường đã ảnh hưởng tới các thiền phái khác đang có mặt tại Việt Nam vào thời đó.
* Đến thế kỷ thứ 13, ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường dần nhập lại làm một. Do ảnh hưởng của Trần Thái Tông và Tuệ Trung thượng sĩ, sự sát nhập ba thiền phái đã đưa tới sự phát triển thiền phái Yên Tử thành thiền phái Trúc Lâm. Phật giáo đời Trần có thể được coi là thời đại Phật Giáo Nhất Tông, tức là thời đại của một Phật Giáo Duy Nhất. Thiền sư Hiện Quang là người đầu tiên lên khai sơn núi Yên Tử, ngài được coi là một gốc rễ quan trọng của phái Yên Tử-vị tổ khai sơn. Thiền sư Viên Chứng, thầy của vua Trần Thái Tông là vị tổ thứ hai. Tiếp đến là Đại Đăng quốc sư, Nhất Tông quốc sư…Trong bản đồ 23 vị tổ đầu tiên của thiền phái Yên Tử, trước hết là thiền sư Thường Chiếu, rồi đến thiền sư Thông Thiền, Thần Nghi và Hiện Quang…
Điều đặc biệt trong thời kỳ Lý-Trần, đó là các nhà vua đều là những người tôn sùng Phật giáo, nhìn thấy tinh thần cởi mở, hòa nhập và từ bi của đạo Phật mà đề cao Phật giáo thành quốc giáo. “Quốc giáo” của Phật giáo không phải là tôn giáo độc tôn mà nó hoà chung cùng với các tôn giáo khác. Tính chất “quốc giáo” được thể hiện ở sự lan rộng của Phật giáo trong cộng đồng người Việt và đặc biệt là sự “tham chính” của các thiền sư. Bởi lẽ, chính những người tu sĩ trong Phật giáo này là những người có học, có ý thức về quốc gia, sống gần gũi với quần chúng và biết được những khổ đau của người dân. Do vậy mà các vị tu sĩ Phật giáo đã có cống hiến rất lớn cả về văn hoá lẫn chính trị vào thời này.
Nếu như thời Lý-Trần, Phật giáo trở thành như một quốc giáo thì đến nhà Lê, rõ ràng Phật giáo đã nhường địa vị cho Nho giáo. Đến năm niên hiệu Vĩnh Trị (1678), vua Lê Hi Tông thi hành chính sách chống Phật giáo nên đã ra lệnh cho các quan khắp cả nước bất cứ ở đâu Tăng, Ni hoặc già trẻ đều đuổi hết về rừng[1].
Từ thế kỷ XVI trở đi, trải qua cuộc nội chiến Lê - Mạc, rồi cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn xảy ra khiến cho con người đau khổ triền miên, lúc này Nho giáo không đủ sức làm chỗ dựa tinh thần cho quần chúng nữa. Con người đã tìm đến với Đạo Phật, và họ đã thấy ở Đạo Phật niềm an ủi trong tâm hồn. Vì vậy, giới cầm quyền cũng tìm về với Đạo Phật và giọng chống đối kỳ thị đạo Phật của Nho giáo cũng dịu đi. Cũng trong thời gian này, phái thiền mới của Phật giáo được truyền vào Việt Nam cả Đàng trong và Đàng ngoài, đó là phái Lâm Tế và phái Tào Động, đã khơi dậy nguồn sức sống mới của Phật giáo trong lòng dân tộc.
2. Sự hình thành và tư tưởng của Thiền phái Tào Động
2.1. Sự hình thành Thiền phái Tào Động
Tông Tào động do hai thiền sư Trung Hoa sáng lập: Vị khai tổ là Lương Giới Động Sơn (807-869), và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch (840-901). Ðạo tràng của Bản Tịch là ở Sùng Thọ Viện núi Tào Sơn, Giang Tây. Sau đó một đạo tràng khác được mở tại Ngọc Hà Sơn. Hai nơi ấy là cứ điểm của phái Tào Ðộng. Danh từ Tào Động là gồm hai địa danh Tào Sơn và Động Sơn nhập lại. Lương Giới Động Sơn là đệ tử của Vân Nham, thuộc dòng Hành Tư Thanh Nguyên là một trong số đệ tử của Lục tổ Huệ Năng. Trong đời nhà Đường (618-907), Thiền tông Trung Hoa chia làm 5 phái thuộc 2 hệ thống khác nhau: Hệ thống Nam Nhạc có Lâm Tế và Quy Ngưỡng; hệ thống Thanh Nguyên có Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Trong sử gọi là Thiền Tông Ngũ Gia. Tông Tào Động sau này còn được gọi là Thiền Mặc Chiếu do thiền sư Đan Hà Tử Thuần (1064-1117) khởi xướng. Trong thế kỉ 13, Thiền sư người Nhật là Đạo Nguyên Hi Huyền đưa tông này qua Nhật Bản và Tào Động trở thành môn phái thiền quan trọng đến ngày nay.
Như vậy, Tào Động là do ghép hai chữ âm đầu của hai chữ Động Sơn Lương Giới và Tào Sơn Bản Tịch mà thành. Trong Động Sơn Ngữ Lục viết: “Phong thái diệu huyền bao trùm thiên hạ nên các bậc thiền thượng các nơi suy tôn gọi là Động Tào Tôn”... Trước tiên tông này được gọi là Động Tào Tông, sau do quan hệ âm vận về mặt ngôn ngữ, nên đổi gọi là Tào Động Tông. Pháp Nhãn trong Tổng Môn Thập Quy Luận đã nêu lên đặc sắc của Tào Động và xếp ngang hàng với Lâm Tế và Quy Ngưỡng.
2.2. Tư tưởng của phái Tào Động
Nói đến phái Tào Ðộng là nói đến nguyên tắc năm địa vị (Ngũ vị) giữa Thẳng (chính) và Nghiêng (thiên). Ý niệm về địa vị giữa Thẳng và Nghiêng vốn là của Ðộng Sơn. Tào Sơn đã xếp đặt và trình bày lại ý niệm ấy, truyền lại cho thế hệ kế tiếp. Thẳng ở đây tượng trưng cho tuyệt đối còn Nghiêng tượng trưng cho tương đối. Tống Nho sau này có ý niệm về Lý và Khí rất tương tự với ý niệm về Thẳng và Nghiêng này. Ðộng Sơn nói: "Có một vật trên thì chống trời, dưới thì đỡ đất. Nó đen như sơn, luôn luôn chuyển dịch và hoạt động". Ðó là cái Thẳng. Cái Thẳng còn có nghĩa là Tuyệt Ðối, là nền tảng của trời đất và muôn loài. Cái tuyệt đối ấy vốn không thể nắm bắt bằng khái niệm, không thể diễn tả được bằng ngôn từ. Còn cái Nghiêng? Cái Nghiêng là khi cái Thẳng đi vào thế giới hiện tượng, thế giới của sự vật tương đối. Tuy nhiên, Thẳng và Nghiêng không phải là hai vật khác nhau: Tương đối là đối với tuyệt đối mà có, tuyệt đối là đối với tương đối mà thành. Cũng như sóng là nước, nước là sóng. Sóng tuy nhiều nhưng là một, nước tuy một mà là nhiều. Thẳng là Chân không, Nghiêng là Diệu hữu”.
Nói đến sự truyền bá của phái Tào Động người ta thường nói: “Lâm Tế tướng quân, Tào Động thổ dân”. Câu ấy có nghĩa là Lâm Tế là thiền phái của hàng tướng quân Mạc Phủ, Tào Động là thiền phái của bình dân. Thiền Tào Động được thâm nhập vào đại đa số dân chúng, nên gọi là “thứ dân thiền”, là một Thiền phái đi thẳng vào tầng lớp thứ dân và ngày nay đã phát triển rất mạnh mẽ.
Thiền Tào Động thâm nhập vào mọi tầng lớp dân chúng, mở bày một lối sống chân thật trong cuộc sống hàng ngày. Như vậy, thiền Tào Động không phải là một phương pháp thiền khó được thực hành. Mà diễn bày giáo lí trung đạo của Phật giáo rất rõ ràng, tách rời hai cực đoan làm tiêu chuẩn cho tất cả đường lối chân thực. Thiền Tào Động là một trong năm thiền phái Trung Quốc kết hợp giữa lý giải và thực hành, nhưng đặt nặng về thực hành. Nét đặc sắc của Thiền Tào Động là:
1. Tìm ra một sách sâu sắc rằng tất cả mọi người sinh ra vốn đầy đủ Phật tính và có thể giác ngộ bản lai Phật tính ấy.
2. Do công phu toạ thiền ánh sáng trí tuệ của Phật tính sẽ chiếu phát.
3. Hành giải tương ứng, giữa thực tiễn và tri thức là một.
4. Hành trì nghiêm mật là tôn chỉ cụ thể hoá qua sinh hoạt hàng ngày.
Sau này trong phái Tào Ðộng, những chủ trương sau đây dần dần lại được hình thành:
1. Chỉ cần ngồi thiền mà không cần chủ đề thiền tọa (chỉ quán đả tọa)
2. Ngồi thiền và đạt đạo là một việc chứ không phải là hai (tu chứng nhất như)
3. Không trông chờ sự chứng đắc (vô sở đắc)
4. Không có đối tượng giác ngộ (vô sở ngộ)
5. Tâm và thân nhất như (thân tâm nhất như)
Những nguyên tắc trên dần dần được áp dụng trong các thiền phái khác.
3. Qúa trình hội nhập và phát triển của thiền phái Tào Động ở Việt Nam
Như đã nói ở trên, đến thế kỷ XVI trở đi đất nước đã xảy ra những cuộc nội chiến triền miên: Nội chiến Lê - Mạc, rồi cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn làm cho người dân luôn sống trong cảnh đau thương chết chóc. Cũng chính vì vậy, con người đến với đạo Phật để tìm sự an ủi thanh thản trong tâm hồn. Với một điều kiện như vậy, vào nửa sau thế kỷ XVII, có thiền phái Lâm Tế được truyền vào nước ta mà chủ yếu là ở Đàng Trong với thiền sư Nguyên Thiền là khai tổ. Ở Đàng Ngoài, thiền phái Tào Động do thiền sư Thủy Nguyệt hiệu là Thông Giác truyền vào.
3.1. Tào Động ở Đàng Ngoài và thiền sư Thuỷ Nguyệt, Tông Diễn
Ở Ðàng Ngoài, như ta đã biết, thiền phái Tào Ðộng do thiền sư Thủy Nguyệt đi du học Trung Hoa mang về. Thiền sư Thủy Nguyệt hiệu là Thông Giác, sinh năm 1637. Ông tên là Ðăng Giáp, quê làng Thanh Triều, ở Hưng Nhân, tỉnh Thái bình. Ông tu ở một ngôi chùa trên núi Hùng Lĩnh. Cùng với hai đệ tử, ông đi qua Hồ Châu, tham học với thiền sư Nhất Cú Tri Giáo tại núi Phụng Hoàng. Ông rời Ðại Việt năm 1664, lúc ông mới hai mươi tám tuổi. Ông tu học tại Hồ Châu trong ba năm. Sau khi trở về, Sư đi khắp các danh thắng, nào ở chùa Vọng Lão núi Yên Tử, nào ở Quỳnh Lâm để tìm người khế hợp. Sau tới Đông Sơn ở huyện Đông Triều, trên Thượng Long đã có vị Cao tăng trụ trì rồi, Sư bèn dừng trụ ở Hạ Long để khuông đồ lãnh chúng. Có khi Sư lên ngọn núi đàm đạo với các vị cao tăng thật là tương ứng. Sư ở đây không bao lâu, dân chúng đến nghe pháp và qui y rất đông. Kể cả những vị thân hào nhân sĩ, Tăng chúng đua nhau tấp nập kéo đến tham vấn. Thiền sư Thủy Nguyệt mất năm 1704, thọ 68 tuổi.
Có thể nói, Thiền sư Thủy Nguyệt là một người tự do, tự tại, tuỳ duyên hoá độ; có lẽ đây cũng là phẩm cách chung của tất cả các bậc thiền sư. Một hôm Sư ngồi tựa ghế thấy con chim xanh bay đến, liền giác biết tự ngâm:
Hoa xuân nở hết lại sương thu
Phù thế cuộc đời khó bền lâu.
Ra thẳng ngoài trời cho thỏa chí
Càn khôn nơi ấy có chừng đâu.
(Xuân hoa khai liễu phục thu sương
Phù thế ninh năng đắc cửu trường.
Tranh tự tiêu dao thiên ngoại thích
Càn khôn ư thử hữu hà phương.)
Vị đệ tử được thiền sư Thủy Nguyệt truyền pháp tên là Tông Diễn (1640), hiệu là Chân Dung. Thiền sư Tông Diễn khi tới với Thủy Nguyệt đã là một vị tăng trải qua nhiều năm tu học. Ông vốn là người Ðông Sơn; nghe Thủy Nguyệt hành đạo ở gần, ông tới tham vấn thì gặp lúc Thủy Nguyệt đang nghỉ ngơi, Thủy Nguyệt nói: "Tôi đang nghỉ ngơi, chẳng biết lúc nào mới có tin tức". Tông Diễn trả lời này: "Giờ dần mặt trời mọc, giữa ngọ trời đứng bóng". Thủy Nguyệt ngạc nhiên vì câu trả lời giản dị đó. Ông hỏi: "Vậy thì giữ gìn ra sao?". Tông Diễn đọc bài kệ:
Ðã có gì cũng có
Khi không gì cũng không
Khi có không nhào xuống
Mặt trời mọc đỏ hồng.
(Ứng hữu vạn duyên hữu
Tùy vô nhất thiết vô
Hữu vô câu bất lập
Nhật cảnh bổn đương bô).
Thủy Nguyệt nghe bài kệ, liền bước xuống vỗ vai Tông Diễn nói: "Dòng Tào Ðộng chủ trương Ngũ Vị Quân Thần, nhà ngươi đúng là người phải thừa kế môn phái này". Nói xong trao cho Tông Diễn bài kệ sau đây:
Không có pháp nào sinh
Không có pháp nào diệt
Sen nở trên lưỡi người
Chuyện tương truyền ta biết.
(Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Phật Phật tổ tổ truyền
Uẩn không liên đàu thiệt).
Về Ðông Sơn, Tông Diễn ra sức hoằng hóa tông Tào Ðộng. Học giả bốn phương nghe tiếng tìm tới tham học rất đông. Năm niên hiệu Vĩnh Trị (1678) vua Lê Hi Tông ra lệnh cho các quan khắp nước bất cứ ở đu tăng ni hoặc già hoặc trẻ đều đuổi hết về rừng. Hoà Thượng Tông Diễn biết được tin này rất đau lòng, tự nghĩ: “Tại sao nhà vua đối với đạo Phật lại cho là vô dụng? Nếu ở núi rừng du thuyết pháp đá phải gật đầu, giảng kinh được hoa trời rơi loạn cũng chẳng có ích gì cho chúng sinh. Nếu không hoằng dương được chính pháp thì làm sao độ được hàm linh trong bể khổ, thật uổng vào cửa Phật luống trôi qua một đời”. Ngài bèn quyết tâm rời chốn sơn dã về đất kinh thành mong cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn Phật pháp trong lúc hoạn nạn. Ngài liền trở về thỉnh thầy để xin phép đến kinh đô và được thiền sư Thông Giác rất ủng hộ… Năm 1709, ông mất.
Phái Tào Ðộng do Thủy Nguyệt và Tông Diễn truyền bá ở Ðàng Ngoài, rất thịnh hành vào cuối thế kỷ 17 và trong thế kỷ 18. Sự truyền thừa của phái Tào Động ở Việt Nam khá liên lục (theo “Thiền sư Việt Nam” của HT. Thích Thanh Từ, từ thiền sư thuỷ Nguyệt - đời 36 tới đời 47: Thiền sư Tâm Nghĩa Tính Nhân Từ được 12 đời). Tiếc là chưa có tài liệu khảo cứu thêm về sự truyền thừa. Hiện nay các chùa như Hàm Long, Hòa Nhai và Trấn Quốc ở Hà Nội đều thuộc tông phái Tào Ðộng.
3.2. Thạch Liêm và Tào Động ở Đàng Trong
Thiền sư Thạch Liêm hiệu Ðại Sán Hán, Ông là người Giang Tây, sinh năm 1633, xuất gia hồi thiếu niên ở chùa Thượng Lam, theo hầu thiền sư Giác Lãng. Sau ông nhập chúng làm giảng sư chùa Trường Thọ ở Quảng Ðông do thiền sư Thực Hành trú trì. Sau khi Thực Hành mất, ông được thừa kế trú trì chùa Trường Thọ.
Năm 1695, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu cho người sang mời ông sang Việt Nam. Trong những công tác mà Thạch Liêm đã thực hiện được trong thời gian lưu trú tại Ðàng Trong, có thể nói rằng công tác quan trọng nhất là tổ chức giới đàn Thiền Lâm. Giới đàn này tổ chức từ mồng một đến ngày mười hai tháng tư năm Ất Hợi (1695). Giới đàn có đến ba ngàn giới tử trong đó số giới tử xuất gia lên tới 1.400 vị, vừa Tỳ khưu, vừa Sa di. Trong giới đàn này, giới điệp cấp phát cho giới tử đều có đóng kèm ấn của phủ chúa. Giới đàn Thiền Lâm có một tầm quan trọng lớn, đó là một giới đàn tổ chức cho cả nước; các tỉnh đều có giới tử về thụ giới. Vì thế, phái Tào Ðộng trước kia chỉ có ảnh hưởng ở Quảng Nam, nay đã lan ra khắp xứ…Thạch Liên qua Ðại Việt năm 62 tuổi, mất năm 71 tuổi (1704).
Tư tưởng thiền học của Thạch Liêm có thể diễn tả bằng ba công thức Thiền Tịnh song tu; Nho Phật nhất trí và Lâm Tào tổng hợp. Ta thấy chủ trương của Ông rất cởi mở, dung hoà tất cả các tư tưởng. Trong một bối cảnh đất nước có nhiều biến động, nhiều luồng tư tưởng như thế, phải chăng sự dung hoà là một ý tưởng rất khế cơ? Nguyễn Lang (VNPGSL 1,tr.187) nhận xét: “Tư tưởng thiền học của thiền sư Thạch Liêm không có gì đặc biệt và sâu sắc lắm. So với các thiền sư như Hương Hải, Chân Nguyên, ta thấy kinh nghiệm tu chứng của Thạch Liêm không được vững chãi bằng”. Tuy nhiên, Thạch Liêm, trên hết là một nghệ sĩ. Ông là một nhà thơ (Hải Ngoại Ký Sự ghi lại trên một trăm bài) và cũng là một nhà hội họa lớn…
4. Lịch sử hình thành chùa Nhẫm Dương
Nhắc đến chùa Nhẫm Dương là nhắc đến một địa danh nổi tiếng của xứ Đông (Hải Dương), nơi gắn với tên tuổi Tổ sư thiền phái Tào Đông Việt Nam – Đạo Nam Thông Giác Thuỷ Nguyệt thiền sư. Chùa Nhẫm Dương tên chữ là Thánh Quang, dân gian quen gọi là chùa Nhẫm, nằm trong khu hang động núi đá vôi Nhẫm Dương thuộc xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Điều tuyệt vời là tất cả các dãy núi đá trùng trùng điệp điệp vây quanh chùa đều có đỉnh hướng về ngọn núi Nhẫm Dương. Chùa được xây dựng từ thời Trần (1225-1400). Theo thống kê của Phòng Văn hóa xã, ngọn núi này có tới 30 hang động, trong đó đáng kể nhất là động Kính Chủ hay còn gọi là Động Dương Cốc, từng được phong là "Nam Thiên đệ lục động". Trong lòng động hiện vẫn lưu giữ tới 53 văn bia của nhiều bậc tao nhân mặc khách từng tới đây vãn cảnh đề thơ. Đặc biệt nhất là tấm bia của thi nhân nổi tiếng thời Trần - Phạm Sư Mạnh…Tại hang Thánh Hoá, nơi Sư tổ Thuỷ Nguyệt viên tịch, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều di cốt hoá thạch cùng nhiều di vật khảo cổ đồ thời đại đồ đá, thời đồng thau, và các pho tượng Phật bằng đá có niên đại thời nhà Nguyễn. Địa tầng văn hoá nơi đây dày tới 4m, là một món quà quý giá đang chờ các nhà Khảo cổ học đánh thức. Khu quần thể hang động tại thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn được hình thành do sự biến đổi của tự nhiên hàng triệu năm trước. Quần thể các hang động và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ là một trong những danh thắng nổi tiếng của tỉnh Hải Dương. Khu di tích Nhẫm Dương đã được xếp hạng cấp quốc gia theo Quyết định số 15/QĐ-BVHTT ngày 14/4/2003 của Bộ Văn hoá-Thông Tin (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngày nay).
Không chỉ có giá trị về mặt Văn hoá, Tôn giáo và Khảo cổ, Cảnh quan thiên nhiên, chùa Nhẫm Dương còn có giá trị lịch sử gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), chùa Nhẫm Dương từng là nơi đóng quân của nhiều cơ quan đơn vị bộ đội, nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng như Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Cộng Hòa.... Tới những năm kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1965-1973, Viện quân y 7, Quân khu 3 cũng từng sơ tán về núi Nhẫm Dương làm nơi chữa trị cho các thương binh… Với những giá trị đó, khu di tích Nhẫm Dương đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Căn cứ vào những giá trị của di tích, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định khoanh vùng 34,23 ha diện tích núi có nhiều hang động và chùa Nhẫm Dương. Trong những năm tới, khu di tích này sẽ từng bước được quy hoạch, bảo tồn và phát huy tác dụng, góp phần tích cực giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.
Kết luận
Như vậy, thiền phái Tào Động do thiền sư Thuỷ Nguyệt và Tông Diễn truyền bá ở miền Bắc (Đàng Ngoài) rất hưng thịnh vào cuối thế kỷ 17 sang đến thế kỷ 18 (Đàng Trong do thiền sư Thạch Liêm khởi xướng). Cho đến tận ngày nay, Thiền phái đã đóng góp rất lớn trong việc truyền trì Phật pháp, chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt là thiền sư Tông Diễn, người đã có công lao cứu vãn đạo Phật thời vua Lê Hi Tông. Ngoài ra, sự truyền thừa khoa cúng Lịch đại Tổ sư và Sắc văn (được xem như một thiền phả) cũng là một nét rất đặc sắc của thiền phái Tào Động… Cuộc đời hoằng pháp, những đóng góp của các ngài cho Đạo pháp và Dân tộc sẽ vẫn còn toả ngát hương thơm cùng năm tháng. Nhân kỷ niệm 311 năm ngày mất của thiền sư Thuỷ Nguyệt và 350 năm Thiền phái Tào Động có mặt ở Việt Nam, hội thảo này có ý nghĩa thiết thực thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, tôn vinh bậc danh tăng có nhiều đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc. Đây cũng là niềm tự hào của Phật giáo, cũng như những người dân xứ Đông (Hải Dương) nói riêng khi hội thảo được tổ chức trên mảnh đất giàu truyền thống này. Và khu di tích Nhẫm Dương, di tích cấp quốc gia là một món quà quý giá rất cần chung tay góp sức của các cấp chính quyền, nhân dân để bảo tồn và khai thác một cách khoa học, giữ gìn cho muôn đời sau. Chúng ta có thể bị thế hệ con cháu trách cứ nếu chúng ta không có tầm nhìn xa, làm mai một những di sản mà cha ông ta đã mất bao công sức gây dựng và để lại...
Với sự hạn chế về thời gian và tài liệu, bài viết này có thể còn nhiều thiếu xót, rất mong nhận được sự góp ý của quý vị thiện tri thức. Kính chúc hội thảo đạt được nhiều thành công.
Tài liệu trích dẫn và tham khảo:
1. Nguyễn Lang, “Trích Việt Nam Phật giáo sử luận” tập 1, tập 2.
2. Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam Từ khởi nguyên đến thời
Lý Nam Đế” - Nhà Xuất Bản Thuận Hóa Huế 1999.
3. Lê Mạnh Thát “Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2”
4. Lê Mạnh Thát, “TTTNT”
5. Thích Thanh Từ, "Thiền sư Việt Nam".
6. Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách, "Từ điển Phật học", 1999.
7. Phật Quang Đại Từ Điển.
8. Trần Tri Khách, “Niên Biểu Phật Giáo Việt Nam”.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết