Thông tin

LỊCH SỬ NGÔI TỔ ĐÌNH SẮC TỨ PHƯỚC SƠN

 

Ngôi Tổ Đình Sắc Tứ Phước Sơn toạ lạc tại thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Chùa này do Ngài Tổ Liễu Năng, hiệu Đức Chất sáng lập vào năm Gia Long nguyên niên (Nhâm Tuất), tức 1802 Dương lịch, đến nay được 191 năm, truyền thừa được 6 đời liên tục.

Chùa Phước Sơn xây dựng trên quả núi tên là Phú Mỹ Sơn, mặt hướng về Nam, trước cánh đồng lúa có tên là Đồng Tròn, và con song La Hai chảy vắt qua. Chùa được mọi người gọi là nơi thắng cảnh nhờ có núi có sông và đồng ruộng điểm tô cảnh sắc như tranh vẽ.

Tổ Liễu Năng có 2 vị sư đệ là Tổ Liễu Diệu khai sơn Tổ đình Triều Tôn ở thôn Triều Sơn, xã Xuân thọ 2, huyện Sông Cầu, và Tổ Liễu Căn khai sơn Tổ đình Bảo Sơn ở thôn Phong Thăng, xã An Định, huyện Tuy An, cả hai ngôi chùa được xây dựng sau chùa Phước Sơn 1 năm, họp lại thành 3 ngôi Tam Bảo danh tiếng ở Phú Yên.

Chùa Phước Sơn khi mới sáng lập, chỉ là một ngôi chùa lợp tranh vách đất, nhưng với đức độ của một vị Cao Tăng thạc dức như Tổ khai sơn, đã gây được ảnh hưởng đạo đức rất lớn với nhân dân địa phương. Đến đời Tổ thứ 2 là Quảng Thiện, sau khi thừa kế Tổ Đình Phước Sơn, đã khuyến giáo cha mẹ đem cả sản nghiệp cúng vào chùa để xây dựng thành ngôi Tam Bảo khang trang. Năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân), tức 1836 DL, chùa được xây dựng lại chánh điện và hai nhà Đông, Tây đường.

Ngoài việc xây dựng lại chùa, Tổ Quảng Thiện là người chuyên cần trì kinh lễ Phật và giảng dạy đạo lý cho hàng tín đồ, nên được Phật giáo trong tỉnh Phú Yên cung thỉnh làm Giáo Thọ Hoà Thượng tại Đại giới Đàn chùa Lăng Nghiêm xã Xuân Thọ.

Đời thứ ba kế tục ngôi Tổ Đình Phước Sơn là Tổ Huệ Nhãn. Ngài là 1 vị danh Tăng thời bấy giờ, được xem là bậc Long Tượng trong Phật Pháp với đức hạnh thanh cao, nên được Tổ Quảng thiện cử làm vị kế tục vào năm Tự Đức thứ 17 (Giáp Tý) tức 1864 DL.

Trong quá trình hành đạo tại chùa Phước Sơn, Tổ Huệ Nhãn đã vận động phật tử tín đồ đúc một số Phật tượng và in kinh ấn tống. Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ các Đại giới Đàn chùa Hội Sơn (năm 1878), Đại giới đàn chùa Bảo Sơn (năm 1882), và kiêm nhiệm trụ trì chùa Từ Quang (Đá Trắng) sau ngày Tổ Quảng Giác viên tịch.

Ngài có công mở con đuờng từ Quốc lộ lên đến cổng chùa Từ Quang dài khoảng 500 mét trên đường núi, và còn đào tạo được một danh Tăng có tiếng tăm là một Hoàng Tử dòng Tuy Lý Vương. Nhân chạy nạn lánh vào Phú Yên, ông Hoàng dòng Tuy Lý Vương thường đến chùa thăm viếng hỏi đạo, được Tổ Huệ Nhãn cảm hoá mà xin xuất gia học đạo. Hành đạo được gần 10 năm, Ông được thọ giới Tỳ kheo và Tổ ban cho Đạo hiệu là Pháp Thân. Tỳ kheo Pháp Thân sau ngày trở về Thuận Hoá (Huế) có kiến lập một ngôi chùa. Để kỷ niệm ngôi chùa do Bổn sư trụ trì là Phước Sơn và Đạo Hiệu của Bổn sư là Huệ Nhãn, Tỳ kheo Pháp Thân đặt hiệu chùa là Phước Huệ. Chùa này đến nay vẫn còn tồn tại toạ lạc tại thôn Vĩ Dạ cách kinh thành Huế 5 km.

Trong hàng xuất gia đệ tử của Tổ Huệ Nhãn, Ngài Pháp Tạng là Trưởng Tử, và được cử làm thừa kế Tổ đình Phước Sơn, là vị Tổ đời thứ tư của chùa này. Ngài đã tái xây dựng lại ngôi Chánh điện và mua tạo một số ruộng vườn làm hương hoả cho chùa. Về phần tiếp tăng độ chúng. Ngài có 4 vị đệ tử nổi danh trong số các đệ tử:

– Vị thứ nhất là Ngài đạo hiệu Thiền Phương, Tổ kế vị đời thứ 5 Tổ Đình Phước Sơn.

– Vị thứ hai là Ngài đạo hiệu Thiền Tôn, Trụ trì Tổ Đình Bảo Sơn, xã An Định, Tuy An.

– Vị thứ ba là Ngài đạo hiệu Thiền Cơ, Trụ trì chùa Thiên Hưng, xã An Ninh, Tuy An.

– Vị thứ tư là Ngài đạo hiệu Thiền Tâm, Trụ trì chùa Hội Phước, thành phố Nha Trang.

Đến năm Thành Thái thứ 5 (Quý Tỵ) tức 1893 DL, Tổ Pháp Tạng được cung thỉnh làm Yết Ma Hoà Thượng tại Đại giới đàn chùa Chúc Thánh, tỉnh Quảng Nam, và trong 2 năm Thành Thái thứ 11 và 12 (1899 – 1900 DL), Ngài thường ra cố đô Huế đến hai Tự viện Kim Quang và Viên Thông gia trì thuyết pháp, được vua Thành Thái ban cho đồng kim tiên, một chiếc cà sa và một chiếc mão Quan Âm. Cũng nhân thời gian lưu lại Huế, Ngài vận động tín đồ góp sức đúc được một quả Hồng chung nặng độ 100 kg.

Năm Thành Thái thứ 18 (Bính Ngọ – 1906 DL) Tổ đình Từ Quang khai Đại Giới đàn cung thỉnh Tổ Pháp Tạng làm Đàn đầu Hoà Thượng. Qua năm Duy Tân Nguyên niên (Đinh Mùi 1907 DL) chùa Phước Sơn thiết Đại giới Đàn thí giới cho giới tử các nơi, Ngài là Đàn chủ.

Trước ngày viên tịch, Tổ Pháp Tạng lập cử Trưởng tử của Ngài là Thiền Phương làm Tổ thừa kế đời thứ 5 tại Tổ Đình Phước Sơn. Từ ngày được thừa kế đến sau này, Tổ Thiền Phương đã tái xây dựng lại hai nhà Đông, Tây đường và tu bồi những ruộng đất bị mưa lụt làm hư lở. Riêng phần Hoằng Đạo truyền Pháp, tiến độ Tăng đồ, Tổ Thiền Phương có số đệ tử xuất gia trên 30 vị, Đạo hiệu chữ Bảo có 4 vị, Đạo hiệu chữ Phước có 8 vị, như các vị: Phước Hộ, Phước Cơ, Phước Bình, Phước Ninh, Phước Trí...

Hoà Thượng Phước Trí được Tổ Thiền Phương giao kế vị trụ trì Tổ đình Phước Sơn đời thứ 6. Ngài đã có công xây dựng lại chùa theo kiến trúc mới bằng vật liệu bền vững đá chẻ và bê tông, mái ngói, hoàn thành vào năm 1960. Nhưng sau đó bị chiến tranh tàn phá, chùa bị máy bay ném bom xăng đốt cháy vào năm 1965 và sụp đổ toàn bộ. Đến sau ngày thống nhất, Hoà Thượng Phước Trí đã xin phép tái thiết, cho mãi đến nay mới khánh thành vào ngày 26 tháng 9 năm 1993 tức 11 tháng 8 năm Tân Dậu.

Đặc biệt, Tổ đình Phước Sơn là nơi vượng khí ung đúc những danh Tăng lỗi lạc cho Phật giáo nước nhà, là nơi có những bảo vật quí giá của Triều đình Nhà Nguyễn ban tặng cho chùa bởi cảm phục đức độ các bậc danh Tăng. Sự ban thưởng này trước sau 6 lần:

Lần thứ nhất, niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881), Bà Bác Huệ Thái Hoàng Thái Hậu ban cho 2 cây gấm tên là "Vạn Thọ Như Ý", do Nhà Thanh Trung Hoa tặng cho Nhà Nguyễn và Triều đình cúng lại cho chùa.

– Lần thứ hai, niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896), Bà Từ Nghi Hoàng Thái Hậu ban cho một bộ y ca sa màu đỏ, một mão Quan Âm và một đồng kim tiền.

– Lần thứ ba, niên hiệu Thành Thái thứ 9 (1897), chính vua thành Thái ban tặng một Đại Hồng Chung, một cặp Bảo cái, một y ca sa và một mão Quan Âm.

– Lần thứ tư, niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898), cũng vua Thành Thái ban cho một chiếc kim khánh có khắc 2 chữ "Khâm Tai", một kim tiền có khắc 4 chữ "Triệu Dân Lại Chi".

– Lần thứ năm, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901), Bà Bác Huệ Thái Hoàng Thái Hậu ban cho một đồng ngân tiền.

– Lần thứ sáu, niên hiệu Bảo Đại thứ 14 (1939), Triều đình ban cho Tổ Đình Phước Sơn "Biểu Ngạch Sắc Tứ".

Từ đó, chùa Phước Sơn được gọi là "Chùa Sắc Tứ Phước Sơn", Tổ đình của một chi phái Chúc Thánh dòng Lâm Tế Chánh Tông tại tỉnh Phú Yên. 

 


Tài liệu tham khảo:

– Bản tiểu sử Tổ Đình Phước Sơn Phú Yên.

– Lời thuật của HT Phước Trí.

– Non nước Phú Yên.

– Gia phả truyền thừa dòng Lâm Tế Chúc Thánh.

– Tập Tiểu sử các HT Tổ Đình Đông Hưng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 62
    • Số lượt truy cập : 6794507