Thông tin

LỊCH SỬ - Ý NGHĨA VÀ NGHI THỨC NGÀY PHẬT ĐẢN

LỊCH SỬ - Ý NGHĨA VÀ NGHI THỨC NGÀY PHẬT ĐẢN

 

ThS. CHỬ THỊ KIM PHƯƠNG(*)

 

 

1. Lịch sử ngày Phật đản

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng Tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Chính vì thế, lễ Phật đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng Tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Trong quá trình phát triển của Phật giáo, các nước theo Phật giáo Nam truyền (còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Tiểu thừa) giữ nguyên ngày tháng năm sinh của Đức Phật. Theo lịch Ấn Độ cổ ngày trăng tròn tháng Vesak là ngày sinh của Đức Phật cũng là ngày Đức Phật thành đạo đồng thời là ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Sự hy hữu đó được các nước theo Phật giáo Nam truyền  tổ chức ba lễ trong một ngày nên gọi là Đại lễ Tam hợp (ba trong một) hay Đại lễ Vesak (chỉ tháng). Các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam truyền tổ chức Đại lễ Phật đản vào ngày trăng tròn tháng Vesak thường vào ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch. Cá biệt có những năm có 2 ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch như gần đây vào năm 2007, có nơi tổ chức Đại lễ Vesak vào ngày trăng tròn đầu tiên, tức ngày 1 tháng 5, trong khi tại nơi khác lại kỷ niệm vào ngày trăng tròn lần 2 tức ngày 31 tháng 5. Vì thế cách tính kỷ nguyên Phật lịch tại các quốc gia theo truyền thống Nam truyền có thể khác nhau như đã nêu trên, nên năm Phật lịch các nước này có thể cách nhau một năm.

Theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền (còn gọi là Phật giáo phát triển hay Phật giáo Đại thừa), do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày Đức Phật đản sinh theo lịch cổ của Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Hoa là ngày 8 tháng 4 âm lịch. Vì thế, trước đây, một số quốc gia với đa số Phật giáo chịu ảnh hưởng của truyền thống Phật giáo Bắc truyền như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… thường tổ chức Đại lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Song từ Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên diễn ra ở Colombo, Tích Lan từ 25/5 đến 8/6 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch. Từ đó, các nước có theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền đã kỷ niệm ngày Phật đản vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm (thường trùng với tháng 5 dương lịch).

Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia có Phật giáo, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc, những hoạt động kỷ niệm được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hiệp Quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, thời gian tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch. Hưởng ứng chủ trương của Liên Hiệp Quốc, từ năm 2000, Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm nào cũng cử đoàn đại biểu của Phật giáo Việt Nam tham gia Đại lễ Vesak quốc tế được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hoặc ở các nước có Phật giáo đăng cai.

 Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Sau khi đất nước thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ năm 1981 đến nay, hàng năm Đại lễ Phật đản được tổ chức vào đúng ngày rằm tháng 4.

2. Ý nghĩa ngày lễ Phật Đản

Ở Việt Nam, lễ Phật đản luôn được tổ chức trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào ngày rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp xen kẽ các buổi văn nghệ, đèn lồng, làm lễ đài tổ chức...

Vào ngày Phật đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Tại các chùa, Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, tất cả được thể hiện bằng tấm lòng thành, vốn là đạo lý nhà Phật.

Một trong những nghi thức quan trọng không thể thiếu trong lễ Phật Đản là tắm Phật. Việc tắm Phật trong ngày lễ Phật Đản là để những người con Phật tưởng nhớ lại ngày Đức Phật ra đời. Không chỉ thế, tắm Phật còn có ý nghĩa xóa bỏ những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những ưu phiền để cho tâm được thanh than, cuộc sống an lạc. Nghi thức tắm Phật được tiến hành bằng cách tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh. Đây là nghi thức được phổ biến ở nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau, đã xuất hiện từ lâu ở các nước Trung Hoa, Ấn Độ, Hàn Quốc,… và được xem là một trong những nghi thức cao đẹp nhất để nói lên lòng tôn kính của những Phật tử đối với đấng Giác Ngộ đã cứu vớt chúng sinh.

Trong ngày này, nhiều người còn thực hiện phóng sinh nhằm tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho muôn loài.

Nhân lễ Phật đản, lãnh đạo Phật giáo thường kết hợp với các Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức những việc làm thiết thực chia sẻ những khó khăn trong xã hội. Với triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người hướng thiện, đạo đức Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Thực tế đã chứng minh, đạo đức Phật giáo phù hợp với đạo đức lẽ sống của con người Việt Nam và nó đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức mới cho xã hội trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống đã được đặt ra.

Đạo đức Phật giáo khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”. Thêm vào đó, những không gian chùa chiền của Phật giáo luôn thu hút con người tìm về chốn tĩnh tâm, nơi chiêm nghiệm và cảm nhận…Như thế, đạo đức Phật giáo đã đóng góp những giá trị văn hóa tích cực vào việc xây dựng đạo đức lối sống cho con người, nhất là cho tầng lớp trẻ hiện nay. Đặc biệt, đạo đức Phật giáo còn góp phần rèn luyện một lối sống lành mạnh, vị tha và chia sẻ. Đó là những hình thức tu tập kiên nhẫn, vượt qua những cám dỗ của cuộc đời để lòng được thanh cao, tâm hồn được an vui.

 


(*) Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6712187