Thông tin

LIÊN PHÁP TINH XÁ VÀ TÌ KHEO NI THÍCH DUY TÂM

LIÊN PHÁP TINH XÁ
VÀ TÌ KHEO NI THÍCH DUY TÂM

NGUYỄN ĐÔNG TRIỀU & NGUYỄN VĂN HOÀI

 

Liên Pháp tinh xá được các vị thiện tín nhiệt tâm người Hoa gốc Triều Châu sinh sống ở Châu Đốc thành lập vào năm Quý Sửu 1973, tọa lạc tại số 54 đường Cử Trị, khóm 6, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là cơ sở hoạt động tín ngưỡng của Hội Liên Pháp tinh xá, các thành viên sinh hoạt trong tinh xá giao tiếp và tụng kinh bằng tiếng Triều Châu.

Nội dung bản lược sử Liên Pháp tinh xá

“Trước đây từ năm Quý Sửu 1973, các vị thiện tín nhiệt tâm ở bản phố đã mua vật liệu dựng một ngôi nhà hai gian, sáng lập Liên Pháp tinh xá, do Sa-di ni Thích Hoành Minh giữ chức Trụ trì. Sau đó sư Trụ trì kế tục là Tì-kheo ni Thích Duy Tâm. Đến năm Kỉ Tỵ 1989 thì Tiên sư viên tịch, di thể táng ở tháp xá lợi chùa Phú Thạnh, lư hương được Ni sư Thích Diệu Thiện thỉnh về thờ tại bản tinh xá. Tiếp sau đó mời Hòa thượng Thích Thiện Minh chùa Phú Thạnh cùng với sư huynh là Lí Truyền Văn tinh xá Khánh Hỉ ở Thành phố Hố Chí Minh cùng các sư huynh đệ của bản tinh xá mở cuộc hội nghị, thống nhất chọn Ni sư Thích Diệu Thiện tạm thời giữ chức Trụ trì. Lại giao cho Trần Trấn Nam pháp danh Tuệ Uy làm Chánh Hội trưởng, Tiêu Tố Nga pháp danh Truyền Ngộ coi mảng tài vụ, cùng nhau xử lí mọi việc của tinh xá.

Năm 1994 được Giáo hội Phật giáo tỉnh An Giang cùng chính quyền sở tại chứng nhận cho thành lập Hội đồng quản trị Liên Pháp tinh xá. Chánh Hội trưởng là Trần Trấn Nam pháp danh Tuệ Uy, Phó Hội trưởng là Trần Trấn Hồ pháp danh Truyền Hồ, tài vụ là Tiêu Tố Nga pháp danh Truyền Ngộ, phụ trách văn thư tiếng Việt là Lý Thắng Quyền pháp danh Thiện Quang.

Vì đã lâu năm tinh xá bị gió mưa bào mòn làm cho hư hoại, nên vào năm 1990, lần thứ nhất tinh xá được trùng tu mở rộng, đồng thời xây dựng thêm tường bao trước cổng. Rồi phần xây dựng tinh xá trước đây trải qua thời gian đã cũ nát hư hỏng, không thể không tu tạo làm mới lại, nhưng lòng thì có thừa mà sức lại không đủ. Mãi đến rằm tháng Giêng năm Đinh Sửu 1997, Hội trưởng Trần Tuệ Uy thành tâm cầu đảo Quán Thế Âm Bồ-tát thì được đức từ huệ ban cho thẻ thiêng số 27, ý rằng công việc sẽ tiến hành thuận lợi, được nhiều người giúp đỡ. Lời thẻ giải rằng:

一謀一用一番書,慮後思前不敢爲。時到貴人相助力,如山牆立可安居。

(Một cầu một ứng một lần thư, Lo sau nghĩ trước vẫn trù trừ. Dịp đến quới nhân cùng giúp sức, Tường xây như núi được an cư.)

Theo đó Hội đồng quản trị lập ra kế hoạch trù bị tu tạo công trình, đồng thời mời sư Thích Thiện Minh chùa Phú Thạnh đứng ra cố vấn, chọn ngày 24 tháng 3 năm Đinh Sửu 1997 làm ngày khởi công tu tạo mở rộng tinh xá, dựng nên một gian Phật đường tráng lệ nguy nga. Trong thời gian trùng tu, Hội được các cơ quan chính quyền sở tại, Giáo hội Phật giáo tỉnh [An Giang], Thành phố Hồ Chí Minh, trong ngoài nước cùng các thiện tín nhiệt tâm của bản tinh xá đóng góp công sức, khảng khái mở túi chung nhau làm việc thiện ích. Cuối cùng đến khi công đức hoàn thành, tất cả thành viên trong tệ tinh xá xin tỏ lòng biết ơn muôn phần, kính cẩn soạn mấy dòng tiểu sử Liên Pháp tinh xá để mọi người cùng biết, đồng thời chúc cho các thiện tín sức khỏe an khang, sự nghiệp hưng thịnh.”

Nội dung ghi chép trong bản lược sử bắt đầu từ khi kiến tạo Liên Pháp tinh xá năm 1973, trải qua đợt trùng tu thứ nhất năm 1990 đến đợt trùng tu thứ hai 1997. Đợt trùng tu thứ hai quy mô lớn hơn nên cần rất nhiều tài lực, nhân lực. Thật đúng với lời phán ghi trong thẻ thiêng, đợt trùng tu này nhận được sự nhiệt tâm đóng góp của rất nhiều nhân sĩ thiện tín và các cơ quan đoàn thể, giúp cho việc trùng tu tiến hành thuận lợi. Sau khi đợt trùng tu thứ hai hoàn thành, Hội đồng quản trị đã lập bản khải sự cảm tạ và ghi họ tên những người có đóng góp công của vào quá trình trùng tu xây mới Liên Pháp tinh xá.

Nội dung chính của bản khải sự cảm tạ

“Xin được tỏ bày(1): Liên Pháp tinh xá vào ngày 27 tháng 3 năm Đinh Sửu (tức ngày 30 tháng 4 năm 1997) được trùng tu xây mới phòng ốc miếu đường, làm thành một ngôi Phật đường để phục vụ cho việc tu hành tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa tại địa phương. Trong quá trình trùng tu xây mới, bản tinh xá đã được các cơ quan chính quyền sở tại, Giáo hội Phật giáo tỉnh [An Giang], hộ dân trên các tuyến đường xung quanh tinh xá, Ban quản trị bản hội(2), các vị hương thân trong ngoài nước, nhân sĩ nhiệt tâm các giới ở Thành phố Hồ Chí Minh góp sức giúp đỡ, khảng khái mở túi cùng chung tay làm việc thiện, rộng cấy phước điền. Nay đem tên thơm của thiện tín nhân sĩ nhiệt tâm các giới đã lạc quyên thiện khoản kê ra sau đây. Việc sắp xếp tên không phân trước sau theo cách xưng gọi thông thường, nếu có sai sót xin được chỉ chính cho để ghi chép bổ sung về sau…(3)

Bản khải sự ngoài nội dung cảm tạ và kê đầy đủ họ tên những người lạc quyên thiện khoản, nội dung còn lại nói sơ lược về thời gian và quá trình trùng tu xây mới. Nội dung thứ hai nhìn chung giống với một phần nội dung của bản lược sử tinh xá. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể bắt đầu khởi công ở hai bản được ghi không thống nhất, bản lược sử ghi là ngày 24 tháng 3 âm lịch, bản khải sự ghi là ngày 27 tháng 3 âm lịch, chênh lệch nhau 3 ngày. Thời gian chênh lệch không đáng kể, nhưng nếu xác định được thời điểm chính xác thì càng tốt. Rất may, bản khải sự có chú thêm ngày dương lịch tương ứng là 30 tháng 4. Sau khi tra cứu lại lịch cũ, chúng tôi thấy ngày 30 tháng 4 năm 1997 trùng với ngày 24 tháng 3 năm Đinh Sửu. Điều này cho thấy bản khải sự có sự nhầm lẫn về ngày khởi công. Vậy ngày khởi công chính xác là ngày 24 tháng 3 năm Đinh Sửu 1997, đúng như ghi chép của bản lược sử. Dựa theo lạc khoản bài thơ đề tặng của nhóm Trần Trấn Nam, việc trùng tu được hoàn tất vào khoảng tháng 8 cùng năm.

Nhân dịp trùng tu hoàn tất, nhóm Trần Trấn Nam có đề tặng bài thơ chữ Hán khá đặc sắc, tiêu đề Đề tặng Liên Pháp tinh xá trùng tu (Đề tặng nhân dịp trùng tu Liên Pháp tinh xá), mỗi chữ trong tiêu đề là chữ đầu của mỗi câu. Nội dung bài thơ như sau:

題詩獨對夜燈光,贈興鴻文作永藏。蓮座英靈千古顯,法施雨濟萬方康。精華經典流傳世,舍利如珠頌帶揚。重建道興香火盛,修身行善福無疆。

(Lặng lẽ đề thơ trước ánh đèn, Hứng thêm thi tứ mãi lưu truyền. Tòa sen rực rỡ ngàn năm sáng, Mưa pháp dạt dào khắp chốn yên. Tinh hoa kinh điển hằng dương thế, Ngọc châu xá lợi phước nhân quần. Chấn hưng chánh đạo tròn hương khói, Sửa thân làm thiện phước vô biên.)

Tiểu sử Tì-kheo ni Thích Duy Tâm

“Bản quán của Sư Huỳnh Thanh Tâm (thế danh của Tì-kheo ni Thích Duy Tâm) ở Đính Thố(4) huyện Yết Dương phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Thân phụ tên là Huỳnh Lục Thổ, mất ngày 11 tháng 5, thân mẫu tên là Lí Thị Ma, mất ngày 24 tháng giêng, đều không rõ mất năm nào. Trước đây Sư Huỳnh Thanh Tâm sống ở đầm Cao Thố cổng Tiến Hiền huyện Yết Dương. Lấy chồng là Cao Thiếu Nam, sinh ba con gái tên là Cao Thiền Kiều, Cao Thiền Trinh, Cao Thiền Anh, hiện đều sống ở Hương Cảng. Cháu trai họ nội là Cao Tô Hướng, Cao Tô Bảo.

Tì-kheo ni Thích Duy Tâm sinh vào giờ Dậu ngày 17 tháng 7 năm Bính Ngọ 1906. Năm 1948 có đến Việt Nam và Camphuchia. Trong thời gian ở Campuchia ngụ tại Niệm Phật xã thủ đô Phnôm Pênh. Năm 49 tuổi xuất gia theo đạo Phật, thờ thầy Thích Lâm Phong. Sau quay về núi Đại Sĩ ở Hương Cảng thọ đại giới, kế tục thờ thầy Thích Pháp Khả, nghiên cứu sâu Phật lý. Sau đó Sư lại trở lại thị xã Châu Đốc (Việt Nam) ngụ tại Liên Pháp tinh xá, phụ đạo cho các thiện tín tại địa phương, thành kính lễ Phật, cùng tu thiện quả, làm lợi cho nhân quần xã hội.

Chẳng may vào giờ Tỵ ngày 15 tháng 6 năm Kỷ Tỵ 1989, Sư viên tịch tại Liên Pháp tinh xá, hưởng thọ 87 tuổi. Lễ tẫn liệm vào lúc 10 giờ sáng ngày 17 tháng 6 năm Kỷ Tỵ. An táng tại bảo tháp xá lợi tự xây dựng trước đó ở chùa Phú Thạnh.

Liên Pháp tinh xá đệ tử Trần Trấn Nam pháp danh Trần Tuệ Uy kính cẩn ghi.

Thị xã Châu Đốc, tháng trọng đông (tháng 11) năm Quý Dậu 1993.”

Chúng tôi xin đính chính một thông tin trong bản tiểu sử: Bản này chép nhầm tuổi thọ của Tì-kheo ni Thích Duy Tâm. Ngài sinh năm 1906, viên tịch năm 1989, chỉ thọ 84 tuổi, không phải 87 tuổi như trong bản tiểu sử đã chép.

Ngay từ trước khi xuất gia, Huỳnh Thanh Tâm đã có ý hướng về Phật pháp. Vì thế, khi sang Campuchia, bà xin vào ngụ tại Niệm Phật xã ở Phnôm Pênh để có điều kiện hành trì Phật pháp và tham gia những việc công ích, từ thiện. Sau khi chính thức xuất gia vào năm 49 tuổi, Tì-kheo ni Thích Duy Tâm càng tỏ rõ là một tu sĩ thuần thành, thọ đại giới, nghiên cứu chuyên sâu Phật lý để góp phần hoằng dương Phật pháp, đồng thời sẵn sàng tham gia tất cả những hoạt động thiện ích cho nhân quần xã hội. Ngài được Giáo hội và mọi người tín nhiệm, kế tục trụ trì Liên Pháp tinh xá vào năm 1975 khi đã 70 tuổi. Trong suốt thời gian hành đạo từ đó cho đến khi viên tịch, ngài tạo lập rất nhiều công đức nên được mọi người kể cả người Hoa và người Việt đều kính ngưỡng. Câu đối trên bảo tháp xá lợi của Tì-kheo ni Thích Duy Tâm ở chùa Phú Thạnh kết hợp tài tình giữa pháp hiệu, pháp tự của ngài với các thuật ngữ và giáo lý nhà Phật đã phần nào nêu rõ đạo hạnh và công đức của ngài:

蓮開上品惟心所現; 法圓中道知性自明。Sen nở hoa thượng phẩm, Duy Tâm liền hiển hiện; Pháp vuông tròn trung đạo, Tri Tính tự cao minh.


1. Câu này trong nguyên văn chữ đầu tiên đọc không rõ, chúng tôi tạm dịch.

2. Câu này trong nguyên văn mất chữ cuối, chúng tôi tạm dịch.

3. Tiếp theo là danh sách họ tên người đóng góp, do quá nhiều nên chúng tôi mạn phép lược bớt.

4. Bảo tháp xá lợi ở chùa Phú Thạnh ghi là “Ngọc Phổ hương” tức làng Ngọc Phổ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 34
    • Số lượt truy cập : 6796099