LINH QUANG THIỀN TỰ TRUYỀN ĐĂNG KÝ
Tổ đình LINH QUANG*
Năm Kỷ Dậu (1087) theo ý chỉ của Đức tổ Lý Trọng Ân thiền sư và sự khuyến thỉnh của Mạc đại Nhân Hàn lâm đại học sĩ ( Mạc Hiển Tích) vào mùa thu tháng cuối Tổ Lý Nghiệp ( Mới thụ Giới Sa Di) ghi chép lại để đời sau biết. (Trước từ Uy Âm Vương Phật đến Đức Từ Phụ Thích Ca, sau đến Chư Lịch đại Tổ Sư). Năm 1934 Ngài Nguyễn Đức Nghiễm Thiền Sư đuợc Nguyễn Triều Ân thưởng “Ân Mông Độ Điệp đệ nhị kim tiền bắc kỳ Phật giáo Tăng Cương Hoà Thượng” Ngài lại khuyến thỉnh đệ tử Pháp hiệu Giản Vân Đình thân làm cư sĩ biên tiếp từ Thiền gia phân phái sau đến Việt Nam Thiền Phổ và Linh Quang (Phú Ninh) Thiền Phổ. Do truớc đã quá xa bia ký đã phai chỉ còn một số khoa cúng và truyền thuyết nay không hiểu rõ hết đuợc các tổ đệ tử xin trích qua để sau biết vậy.
Xưa (968) Đức Đinh Hoàng Đế khởi binh dẹp loạn tại sông Giao Thủy. Nhân một đêm người chống thuyền để nghỉ có thần báo mộng phải thiết lập trai đàn câu siêu độ thì sẽ dẹp yên. Ngài tỉnh mộng cho lập trai đàn cung Thỉnh thiền sư Vô Ngôn thông tiếp độ trai đàn, sau ngài cho xây dựng am thờ Phật lấy hiệu là Sùng Quang cho dân vạn chài. Được thái hậu Dương Vân Nga tiếp phúc, sau 6 năm, nơi đây đã hình thành chùa. Từ đó nơi đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh và là nơi tế lễ trời đất.
Đinh triều biến cố, đức Lê Thái Tổ vẫn tiếp tục cho xây dựng nơi đây vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng vừa là nơi học tập của các vị thân hào và vương thất. Hưng thịnh nhất là vương triều Lý, nơi già lam Sùng Quang đuợc đổi thành Linh Quang cho tới ngày nay. Tuy Danh tự thì còn nhưng Ngôi Phạm Vũ không còn được như trước. Năm 1330, Tướng Trần Nhật Duật thất trận, xét thấy kho lương thực đóng tại chùa không thể bảo đảm, ngài đã đốt kho lương không để lại cho giặc. Từ đây ngôi già lam Linh Quang cũng bị lửa thiêu chỉ còn là bãi đất.
Vào khoảng cuối Triều Hậu Lê, Đức Tổ Thuỷ Nguyệt vân hành qua, thấy nơi đây phong cảnh đẹp lại có nền chùa cũ, ngài liền khuyến hoá các vị quan lại và nhân dân trùng tu lại Điện Phật và quy tập các Tháp Tổ về một khu như ngày nay. Hơn 40 tháp tổ trước, hậu thế không hiểu tính và danh nên được gọi chung tiền già lam khai sáng, đệ tử biên chép từ đệ nhất truyền đăng dòng Tào Động tới nay.
Đệ nhất tổ Nam mô Hiển đức tháp Ma ha sa môn tử khiêu bồ tát giới Pháp hiệu Giác ngạn thiền sư (khi viết sách này tác giả chưa biết Pháp danh tổ, năm 2010 tu sửa lại bảo tháp đã tìm được bia). Tổ họ Trần, quê quán Kinh Môn, Hải Dương; thân phụ làm Tuần án, thân mẫu của ngài mất sớm nên không biết tính danh. Xuất gia năm 7 tuổi tại chùa Tiêu, sau Thầy nghiệp sư tịch y Tổ Bối Thụ Sa di, 22 tuổi y Tổ Bàng xá Thụ đại giới. Mùa xuân năm Ất Mão (1755), được cử về làm trụ trì Linh Quang. Tổ độ được 5 đệ tử là:
- Tự Đạo Trung
- Tự Đạo Phổ
- Tự Đạo Thuần
- Tự Đạo Ân
- Tự Đạo Khả.
Đệ nhị Tổ Nam Mô Hữu công tháp Chất Hỷ Ký Ức sa môn Pháp huý Tự Đạo Trung hiệu Thanh Chính Thiền Sư.
Tổ sinh vào mùa đông năm 1735, quê Phúc Thụy thôn, Hà Lạn xã. Thân Phụ và thân Mẫu của Tổ họ Lê. Thân phụ ngài làm quan Tam phẩm tại Bộ Lễ được ban họ Vua. Sau này, triều đình xảy ra biến cố, cha ngài cáo lão về quê. Sau nhớ đến công lao của thân phụ ngài, triều đình đã gia tặng Tổ nhiều phẩm vật và điền thổ cũng như xây dựng lại chùa cảnh. Cùng năm, triều đình sắc phong ngôi Già Lam Linh Quang thành Tổ đình Linh Quang như hiện nay. Ngôi viện chủ được gia tặng, ngài kiến tạo ngôi Phạm Vũ Phổ Quang (Cổ Chất) – Duyên Lãng – Phương đê. Ngài độ được 11 đệ tử, trong đó có:
- Tự Sinh Ý
- Tự Sinh Nghiêm.
Đệ tam tổ Nam Mô Thành Tựu tháp Ma ha Khoan Minh Nhân Kiệm Tỷ khiêu Pháp huý Tự Sinh Ý Liễu Ngộ Thiền sư. Ngài sinh vào giờ Dần Tháng 12 năm Tân Dậu – Tịch vào Giờ Dậu Ngày 27 tháng 07 năm Kỷ Dậu.
Tổ quê Thôn Phúc Thụy, Xã Hà Lạn. Tổ là cháu gọi Tổ Đạo Trung là chú ruột. Cha ngài làm quan võ trong triều được Vua và Chúa rất tôn trọng. Năm 16 tuổi, nhân một buổi trong Kinh thành có giảng Kinh Di Đà và Bát Nhã Tâm Kinh, ngài được nghe câu “Sắc tức Không .... Thụ Tưởng Hành Thức diệc phục như thị”. Ngài liễu ngộ và xin xuất gia năm 20 tuổi. Ngài được Tổ đệ nhị cho thụ Thông Tam đàn. Sau tổ tuỳ thuận thế gian xiển dương Phật pháp.
Tổ trụ trì Phú Ninh – Miêu Đông – Sa Châu – Thượng Phúc – Hạc Châu – Sa Đê – An Lãng. Tổ có rất nhiêu công lao xây dựng các chùa, đặc biệt là chùa Thượng Phúc ngài đã xây cửu phẩm liên hoa tháp. Khuyến thỉnh các quan cúng gỗ làm chùa, Đúc Đại Hồng Chung – Đúc Đại Phật Tượng – Xây Quán – Xây Cầu Bồi đường đắp lộ - Bố thí – Phóng sinh.
Ngài có được trí tuệ hơn người. Năm 42 tuổi, tổ được triều đình thỉnh mời giảng pháp và dạy chữ Hán cũng như lễ nghĩa cho các vị cung thân vương và các hoàng tử, thái tử. Năm 53 tuổi, Tổ đuợc gia ban Võng Lọng vàng – kiệu – thuyền rồng và 100 tráng đinh theo hầu.
Ngài độ được 5 đệ tử và 1 sư đệ y chỉ.
Đệ Tứ Tổ Nam Mô Thanh Quang Tháp ma ha Kiên Trinh Minh Mẫn tỷ khiêu Pháp huý Tự Sinh Nghiêm Hiệu Thường Tịnh thiền sư.
Quê quán Tổ ở Lạc Quần Bắc, thuộc dòng họ Mai. Tổ là cháu ruột của Mai đại Nhân ( Mai Vương Tiên). Ngài xuất gia từ nhỏ, nương vào đệ nhị Tổ, thụ Giới tổ tịch Y đệ tam Tổ tòng học Vị Xuyên tự, sau nhậm Thạch Cầu – Dục Dương – Hạc Châu – Hạ Miêu Trung Khê – Phú Ninh. Ngài rất thích xem và đọc sách, bản tính ham học hỏi. Được chúng Tăng suy tôn làm Hội chủ hội Liên Tịnh. Sau khi viết xong bộ Pháp Hoa diễn âm – Tam Kinh Lục Vấn diễn âm, ngài được triều đình gia ban Thẻ ngọc. Năm ngài 48 tuổi, vua Thiệu Trị làm thiệp thỉnh mời Tổ về Huế dịch kinh, giảng luật. Sau thấy triều đình có sự thay đổi, Tổ làm biểu xin về để độ chúng tại Tổ đình Linh Quang và được Hoàng đế Thiệu Trị ân chuẩn. Ngài trở về xây dựng lại Thiền cảnh Linh Quang – Phương đê – Hạ Miêu – Hạc Châu- Long Vân. Năm 61 tuổi, Ngài đăng quang ngôi Viện chủ Tổ đình. Ngài độ được 7 đệ tử là:
- Hoà Thượng Tự Quang Tuyên (Đệ nhất tổ Cổ Lễ Tự)
- Hoà Thượng Tự Quang Ứng
- Hoà Thượng Tăng Cang Tự Quang Nghiễm (Đệ Ngũ Tổ Linh Quang)
- Hoà thượng Tự Quang Khái (Liêu Hải tự)
- Hoà Thượng Tự Quang Liên (Đệ Tam Tổ An Lãng)
- Hoà thượng Tự Quang Nghi (Đệ Nhị tổ Hạ Miêu)
- Hoà Thượng Tự Quang Từ ( Đệ tam tổ Hạ Miêu)
Đệ Ngũ Tổ Phạm Quang Tuyên
Đệ nhất khai sơn Cổ Lễ Thần Quang tự (Theo thiền phổ Thần Quang).
Đệ ngũ Tổ tự Quang Ứng
Ngài quê xã Thượng Phúc, là con thứ cụ Phạm Công Luyện. Ngài xuất gia từ nhỏ, Y tổ Mai Sinh Nghiêm sam, học tổ Thọ Tung Liên Phái. Trụ Trì Chùa An Lãng, bị bạo bệnh tịch tại chùa. Sau rước Xá Lợi nhập Tháp tại Tổ đình Linh Quang.
Đệ Ngũ Tổ Nam mô Quang Tiền Tháp Sắc tứ Tăng Cang độ điệp ân thưởng đệ nhị kim tiền Bắc kỳ Phật giáo Đại lý Tăng ma ha tinh nhất thuần tuý Tỷ khiêu pháp huý tự Quang Nghiễm hiệu chính tâm thiền sư.
Tổ sinh quán tại Xã Quần Phương Thượng. Thân phụ Ngài là Tú tài Nguyễn đức Hiệu Kiền Thi, thân mẫu Nguyễn Thị Hiệu Diệu Hương. Thân huynh Nguyễn Đức làm chức thương thư Bộ Hộ. Tổ xuất gia năm 16 tuổi, sơ tâm tại chùa Hương Cát Ni sư Pháp Hiệu Phổ Phúc Hướng đạo Y đệ tam tổ ( Mai Sinh Nghiêm), 18 tuổi thụ Sa Di Tại Thọ Vực Tự, 20 tuổi thụ Đại giới tại Hoành Nha Chính. Sau Tòng học tại Liên Phái tùng lâm, cùng học có ông An Lễ. 40 tuổi, nhậm trụ trì Bộ La – Dục Dương – Xuân Bảng – Hạc Châu – Phú Ninh – Phương đê – Duyên Lãng - Ứng Duyên – Liêu Hải – Lạc Chính – An Lãng – Miêu Thuý – Trung Khê. Lần lượt ngài cùng hoà Thượng Bộ La và Hàn lâm đại học sĩ Lê Công thảo chương dâng tấu xin cho mở trường dạy chữ và giáo lý cho các hàng tu sĩ tại Bắc Kỳ.
Nhận thấy tài – trí và sự uyên bác về sở học, Khải Định Hoàng đế làm biểu thỉnh Tổ về chăm lo việc học cho Thái tử Thiếu Bảo và các vị thân vương trong triều. Tại đây, ngài đã soạn ra Bộ Kinh Di Đà diễn âm theo thể lục bát cho Phật tử và Hậu cung thường tụng. Năm 1934, Ngự tiền văn phòng Phạm Quyềnh nhận thấy đức hạnh của Tổ thật là uyên bác đã làm sớ biểu đệ trình xin Ân thưởng Sắc tứ Tăng Cang độ điệp ân thưởng đệ nhị kim tiền Bắc kỳ Phật giáo và cử chức Tổng đại lý Tăng. Nhân ngày đại hỉ này, Thái tử Thiếu Bảo đã viết 4 chữ Từ tâm quảng đại Kính tặng (nay biển này được đặt tại Tổ đường Tổ đình). Năm 1943, ngài về lại Tổ đình nối truyền viện chủ. trùng tu xây dựng Đại hùng bảo điện – đền Thờ Nữ tướng Xuân Nương – Bồi đắp đường cái quan từ Vô Tình tới đê tả Sông Ninh và xậy dựng các chùa trong sơn môn khắp cả. Ngài Tịch vào năm Giáp Thìn (1953).
Về sách, Ngài là tác giả phần sau của Truyền đăng chí – Nhật Tụng Diễn Âm – Lương Hoàng sám diễn âm – Phổ Môn âm lục – Di Đà sám Ngữ âm – Linh Quang Thiền cảnh Thi tập – Phương Để địa chí – Bách dụ tập san.
Ngài độ được 10 đệ tử là:
- Hoà Thượng Tự Chính Khoan
- Hoà Thượng Tự Chính Chiêu
- Hoà Thượng Tự Chính Tuấn
- Hoà Thượng Tự Chính Dật
- Hoà Thượng Tự Chính Vĩ
- Hoà Thượng Tự Chính Tiến
- Hoà Thượng Tự Chính Hiển
- Hoà Thượng Tự Chính Tặng
- Hoà Thượng Tự Chính Nghiệp
- Hoà Thượng Tự Chính Ân
- Hoà Thượng Tự Chính Thưởng
Đệ ngũ Tổ Tự Quang Khái, Ngài quê quán Xã Bình Tân, Phủ Nghĩa Hưng, là con thứ của cụ Đặng Công Hân. Xuất gia năm 21 tuổi, Y Tổ Mai Sinh Nghiêm thụ đại giới. Tòng học tai vị xuyên – Thọ Cầu – Nhân Dực – Bảo Khám – Tế xuyên. Sau trụ trì Liêu Hải.
Đệ bgũ Tổ Tự Quang Liên
Ngài quê quán tại Xã Thượng Phúc, là con thứ của cụ Phó lý Phạm Công Chuẩn. Ngài xuất gia từ nhỏ, Y Tổ Mai Sinh Nghiêm thụ giới tòng học tại Thọ Cầu, sau trụ trì An Lãng. Ngày 19 tháng 2 năm 1946, ngài bị Pháp bắn tại bản tự, thọ 40 tuổi. Cốt nhập tại Linh Quang. Ngài chưa có đệ tử.
Đệ ngũ tổ Tự Quang Nghi
Ngài quê Quần Phương trung xã. Xuất gia từ nhỏ, ngài có học vấn rất uyên thâm, thường làm chủ giảng Luật Luận. Trụ Trì Chùa Hạ Miêu – Văn Phú – Liêu Thượng. Do bệnh trọng, ngài Tịch sớm tại Hạ Miêu. Sau ruớc Xá lợi về Liêu Thượng xây tháp an trí.
Độ đệ tử là Hoà Thượng Thích Chính Thưởng.
Đệ ngũ tổ Tự Quang Từ
Ngài quê quán Xã Lịch Đông, là con thứ cụ Lê Công Ỷ. Bản tính có trí tuệ hơn nguời, có tài biện luận, Y Tổ Mai Sinh Nghiêm thụ giới. Sau tòng học Cao đà – Cửu Phẩm trụ trì Hạ Miêu - Hạc Châu – Duyên Lãng tịch Tại Phương Đê.
Đệ lục Tổ Tự Chính Khoan
Ngài quê Xã Hạc Châu, là con thứ cụ Nguyễn Công, mẹ là Chu Thị. Xuất gia năm 11 tuổi, 15 tuổi thụ Sa Di, 20 tuổi thụ Đại Giới Y thầy học đạo. Trụ trì Xuân Bảng – An Đạo – Phương Đê. Năm 1953, Tổ nối tiếp ngôi viện chủ Tổ đình – Tổ Chính Tuấn Trụ Trì. Ngài tịch vào ngày mùng 2 tháng 05 năm 1978. Ngài độ các đệ tử là:
- Tự Tâm Hưng ( An Đạo) tịch 1967
- Tự Tâm Ninh ( Quần Phương) Tịch năm 1971
- Tự Tâm An.
Đệ lục tổ Tự Chính Tuấn
Ngài quê xã Quần Phương Hạ. Ngài là con thứ 9 Cụ Nguyễn Văn Tứ, thân mẫu là Vũ Thị Thoa. Ngài xuất gia từ nhỏ, Y Tổ Quang Nghiễm học đạo. Trụ trì Hạc Châu năm 1978. Tổ Chính Khoan viên tịch, ngài đăng viện chủ năm 1981. Sau vì niên cao lạp trưởng ngài thị tịch ngày 22 tháng 04 năm Giáp Tý 1984. (Ngài không độ đệ tử).
Đệ lục Tổ Tự Chính Dật
Ngài quê xã Cát thượng. Ngài xuất gia năm 17 tuổi Y tổ Quang Nghiễm Học đạo. Sau trụ trì Long Vân (Kiều Ngõa), sau trụ trì Trà Thuợng. Nhân mùa Giáng sinh năm 1949, giáo dân rước Chúa hài đồng qua chùa gây hấn, Tổ phẫn nộ chống trả. Tết nguyên đán cùng năm, giáo dân bỏ độc vào bánh sang mừng và tạ lỗi. Tổ nhận lời cùng họ điểm tâm. Biết bị trúng độc, ngài bơi qua sông Ninh Cơ về Tạ Tổ và thị tịch vào hồi 11h00 ngày 30 Tháng 12 năm Nhâm Tý. 14h00 chiều cùng ngày, hạ huyệt tại Nội tự. Ngài hưởng 30 tuổi.
Đệ Lục Tổ Tự Chính Vĩ
Ngài quê Tại Thôn Thượng, Xã Lọng Khê.
Đệ Lục Tổ Tự Chính Tiến
Ngài quê Thôn Quần Lạc, Huyện Trực Ninh. Trước nhà ở gần Chùa Hạ Miêu, sau chuyển về Quần Lạc, sau lại chuyển về thôn Gia Hoà gần chùa Trai. Ngài xuất gia từ nhỏ. Y Tổ Quang Nghiễm tu học, sau tòng quân năm 1947. Năm 1962 bị thương, về xin tổ Đính Pháp tu học tại Tổ đình 3 năm. Sau biến cố gia đình, ngài xin về quê tụng niệm tại gia. Tịch năm 1965 tại bản cố.
Đệ Lục Tổ Tự Chính Tiến
Ngài quê đan Phượng, Hà Tây tỉnh, là con cả quan án tỉnh Hà Tây. Sau biến cố gia đình li tán, ngài y Tổ Quang Nghiễm tu học (Tổ quang nghiễm là bằng hữu chốn quan trường với thân phụ ngài). 27 tuổi, thụ đại giới tại Cổ Lễ Thần quang. Ngài trụ trì Chùa Duyên Lãng . Nhân về quê cúng tế cha mẹ, ngài thị tịch tại quê nhà năm 1954.
Đệ lục tổ Tự Chính Tặng
Ngài quê xã Quần Phương Trung ( hậu sinh vô ký). Đời sau không rõ về thân thế ngài. Ngài thị tịch năm 1927 tại Tổ đình (không ghi năm sinh và năm tịch).
Đệ lục tổ Tự Chính Nghiệp
Quê ngài Làng Phượng Tường Trực Ninh (không ghi thân thế gia sự). Ngài tòng quân năm 1947, hi sinh tại Sơn La tỉnh.
Đệ Lục Tổ Tự Chính Ân
Quê xã Xuân Thành, Xuân Trường, là con thứ cụ Trần Công. Xuất gia năm 1912, y Tổ Quang Nghiêm thụ giới tại Thọ Vực. Sau trụ trì Miêu Đông .
Đệ lục tổ Nam Mô Xuân Ninh Nghĩa Tháp ma ha sa môn Tự Chính Thưởng Thế Danh Nguyễn Xuân Nuôi.
Ngài sinh ngày 19 tháng 02 năm 1901, thuộc dòng Nguyễn Tộc. Quê quán Thôn Hạ Miêu, Xã Xuân Thành, Huyện Xuân Trường. Là con cả của cụ Nguyễn Văn Vận tự phúc Viên, thân Mẫu là cụ Phạm Thị Là hiệu diệu Hoa. Năm 7 tuổi, y Tổ Quang Từ tu học, sau y tổ Quang Nghiễm Thụ giới. Trụ trì Liêu Hải – Quần Lạc. Sau về Phú Ninh – An Lãng – Trung Khê. Ngài độ các đệ tử là:
- Trưởng tử Hoà Thượng Thích Đức Nhuận
- Tự Tâm Lộc ( Hoa Lư Ninh Bình) tịch năm 1981
- Tự Tâm Khả ( năm 1954 Nam Tiến)
- Tự Tâm Tri ( Năm 1954 nam tiến sau xuất ngoại Pháp quốc)
- Tự Tâm Hạnh (Y Chỉ) tịch năm 2015
- Tự Tâm Nam (Y Chỉ)
- Tự Tâm Định
Đệ thất thế, Tự Tâm Ninh
Quê quán Quần Phương Trung. Xuất gia năm 16 tuổi, Y Tổ Chính Khoan thụ đại giới năm 21 tuổi. Tu tập Tại Xuân Bảng – Văn Phú, tòng học Phú Ninh Tổ Quang Nghiễm. Ngài độ các đệ tử là:
- Thích Mật Bối Chùa Hải Đức Sài Gòn
- Thích Mật Dương Tu Viện Quan Âm Hoa kỳ.
* Chư Tổ truyền đăng Tổ đình Linh Quang Thôn Phú Ninh, Xã Phương Định, Huyện Trực Ninh, Tỉnh Nam Định.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết