Thông tin

LỜI NGỎ

TỪ QUANG SỐ XUÂN TÂN SỬU

 

 

Chúng ta sắp sửa đi qua một năm đầy biến cố, một năm mà cả thế giới loay hoay, trăn trở, chiến đấu vất vả với đại dịch Covid-19 với số người chết hơn 1,7 triệu và số ca nhiễm hơn 70 triệu. Nguy hiểm hơn vào những ngày cuối năm khi nhân loại chưa kịp vui mừng với sự có mặt của vài loại vaccine do một số nước sản xuất mang theo hy vọng cứu rỗi nhân loại, thì lại nghe những thông tin về biến thể mới của virus xuất hiện ở Anh Quốc. Những nước gần chúng ta như Thái Lan, Philippines cũng bùng phát trở lại. Nền kinh tế thế giới đã lao dốc, xơ xác vì tình trạng “lockdown”, số người thất nghiệp gia tăng đáng kể. Ngoài ra, chúng ta đang sống những ngày cuối mùa đông với những bất trắc của thời tiết, có cả thiên tai và nhân tai, khi bao con người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang vật lộn với những cơn lũ quét, đã có người chết, đã tổn hại biết bao hoa màu và cây trái như ở miền Trung với những cơn bão đã qua. Chúng ta may mắn vì Việt Nam dù sao cũng đã khống chế về cơ bản được sự bùng phát của đại dịch trong cộng đồng bằng nỗ lực chung và riêng của từng cá nhân và cả xã hội, thêm biện pháp mạnh từ phía chính quyền. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có chỉ số tăng trưởng kinh tế dương. Nhìn lại tất cả những biến cố ấy, hướng đến một năm mới, liệu rằng hy vọng có thắp lên trong chúng ta, những người con Phật, dưới ánh sáng Từ Quang, tin vào Tam bảo, vào sức mạnh nội tại của từng người và cộng đồng?

Chúng ta hiểu những trở lực, theo những nhà kinh tế đoạt giải Nobel 2019, Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer, mà nước nghèo, hay người nghèo thường rơi vào là cái bẫy của sự thiếu thông tin, mê tín, và sự trì hoãn. Những gì ngăn trở sự phát triển là 3 chữ I: sự ngu dốt (ignorance), ý thức hệ (ideology) và sự trì trệ (inertia). Thế nên cần phải cải thiện việc quản trị công quyền và chính sách thì mới thay đổi cơ cấu xã hội hiện hữu. Cứ chấp nhận 3 chữ “I” ấy, thì chúng ta không bao giờ có được sự phồn vinh. Đức Phật không phải là không để ý việc tạo dựng một xã hội sung túc. Trong kinh Kutadanta (Cứu-la-đàn-đầu, Trường bộ), Ðức Phật chủtrương phát triển kinh tế, thay vì dùng quyền lực để xóa giảm tội phạm, chính quyền phải biết sử dụng các nguồn tài nguyên để cải thiện điều kiện kinh tế trong nước. Họ phải biết phát triển nông nghiệp ở thôn quê, trợgiúp giới buôn bán, cung cấp lương bổng đầy đủcho công nhân để bảo đảm một đời sống tốt có nhân phẩm. Phát triển là một quá trình nhanh nhưng hết sức phức tạp, vì vậy cần phải làm từng bước và phải lắng nghe người nghèo tâm sự về cuộc sống của họ, cần phải khẩn cấp sửa chữa những sai lầm trong việc sử dụng ngân sách.

Đất nước đang chuyển mình với những dự án lớn, những lời mời gọi đầu tư từ khắp nơi. Chúng ta có quyền mơ về một năm mới thành công trong kinh tế, trước mắt là một mùa xuân bình yên, hạnh phúc như chúng ta vẫn thường gọi là Xuân Di Lặc. Kinh điển ghi Di Lặc là vị Phật của hạnh hỷ xả. Hỷ xả là chất gắn kết mọi người trong tình thương yêu, cùng hóa giải những oán kết, hận thù gây khổ đau triền miên, mang lại an lạc, hạnh phúc cho cộng đồng. Bản chất tâm thức của mọi loài chúng sanh là chấp thủ. Do vậy, khổ đau là điều không tránh khỏi. Chỉ khi nào trong chúng ta luôn có sự hiện hữu của tâm hỷ xả, biết buông bỏ những cố chấp hẹp hòi, vị kỷ, xóa bớt những hận thù oan trái thì lúc ấy chúng ta mới cảm nhận được niềm an lạc hạnh phúc thật sự. Nói như Huy Cận:

Ta vận tấm xuân đi hớn hở

Tâm tư ngào ngạt hiến dâng đời

Thân cũng hát lừng cao ngọn lửa

Hoa thiên thu hẹn nở cùng môi

(Áo Xuân)

Thiền sư Nhất Hạnh nói rằng: “Chúng ta không nên chờ đợi Đức Di Lặc một cách quá ngây thơ. Chúng ta phải sửa soạn đón tiếp Ngài”.

Sửa soạn như thế nào? Sửa soạn một khung cảnh nhân tâm hướng thiện, một khung cảnh thực chất của đạo pháp, xứng đáng làm nơi ngự tọa của một Đức Phật. Khung cảnh ấy được xây bằng cộng nghiệp hướng thượng của chúng ta, của tâm linh chúng ta. Đừng than phiền đời này là đời mạt pháp. Hãy buông bỏ hình thức. Hãy phủi sạch hai tay. Hãy đứng lên gạt qua những mối tơ vò của thế kỷ. Hãy để tâm hồn trong sạch lắng đọng. Và hãy tiếp nhận hình bóng tròn đầy của mặt trăng đêm rằm xuất hiện trong biển tâm thức của mình. Nguyễn Thế Đăng có lần viết: “Chúng ta hẳn phải suy diễn ra trong một xã hội mà ai ai cũng nhìn nhau như là hoa sen, dầu đã nở dầu chưa nở thì xã hội ấy có đủmọi điều tốt đẹp, có tất cả nhân đức, có tất cả giới định huệ, và xã hội đó biến thành một Tịnh độ nhân gian”.

Từ đó, những thế hệ nối tiếp nhau thắp sáng ngọn đèn (Truyển đăng tục diệm) và giữ gìn Chánh pháp trong một quốc độ thanh tịnh của Phật.

Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành

Hành dương vô niệm diệc vô tranh

Tâm đăng nhược chiều kỳ nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây khả tự thành

(Phú pháp truyền đăng - Thiền sư Thanh Quý)

Thiền sư Nhất Hạnh khi được truyền trao (lúc đó pháp danh ngài là Phùng Xuân), đã dịch:

Đi gặp mùa xuân bước kiện hành

Đi trong vô niệm với vô tranh

Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể

Diệu pháp Đông - Tây ắt tự thành.

Hãy cùng nhau đi gặp mùa Xuân trước mắt chúng ta.

BAN BIÊN TẬP

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6116265