Thông tin

LONG QUANG CỔ TỰ

LONG QUANG CỔ TỰ

(QUẬN BÌNH THỦY, TP.CẦN THƠ)

 

HỮU CHÍ

 

 

        

Long Quang Cổ Tự, tọa lạc tại số 155/6 bên bờ rạch Bình Thủy, thuộc khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Chùa được lập vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824), tính đến nay đã gần 200 năm. Theo lời Thượng tọa Thích Bình Tâm – đương nhiệm trụ trì chùa Long Quang cho biết: chùa thuộc hệ phái Thiền Tông Lâm Tế Trung Hoa.

Cũng theo lời của trụ trì và những tư liệu còn lại của chùa kể lại rằng: thuở ban đầu ở đây còn hoang sơ, Phật giáo chưa được phổ biến rộng rãi. Khoảng năm Mậu Thìn 1807 (năm Gia Long thứ 6), các địa danh Bình Thủy, Long Hòa, Long Tuyền chỉ là một thôn mang tên Bình Thủy. Trong thôn có một cậu bé tên Võ Văn Quyền mới lên 10 tuổi, đã dốc lòng cầu đạo, lặn lội tìm tới chùa Linh Quang ở Gia Định xin quy y, được Hòa thượng Thiên Ấn nhận làm đệ tử - đặt pháp danh Liễu Huệ. Sau 10 năm thọ pháp tu học, từ chú tiểu Liễu Huệ phát nguyện thế độ, rồi thọ đại giới. Năm 20 tuổi, sư Liễu Huệ cầu chánh pháp nhãn tạng và được pháp hiệu Thiện Quyền. Thiền sư Thiện Quyền tiếp tục vân du cầu học với nhiều chư tôn đức khắp các sơn môn như chùa Giác Lâm ở Gia Định, chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức… được các Tổ sư thời bấy giờ trao truyền hết nội ngoại điển. Đến năm Ất Dậu (1824), Thầy mới trở về quê quán dựng một thảo am nhỏ để tu hành và truyền bá Phật pháp. Thảo am tuy nhỏ nhưng xứng đáng là ngọn đèn Thiền đuốc Tuệ.

Năm Minh Mạng thứ 10, Canh Dần (1829), tức 5 năm sau, có nhiều tín đồ quy y thọ giới. Thiền sư Liễu Huệ phát nguyện chuyển cái thảo am thành một ngôi chùa. Được đông đảo bà con Phật tử đồng lòng góp sức, đến năm Bính Thân (1835), ngôi chùa cất bằng gỗ, lợp ngói cơ bản hoàn thành. Ngài đặt hiệu là “LONG TRƯỜNG TỰ”, với ước nguyện cầu mong ngôi chùa bền như trời đất, vững như núi sông theo ý của câu đối Hán tự “Dữ thiên địa long hưng – Hòa sơn hà trường cửu”. Sau đó, Thiền sư gởi đơn tấu lên vua Minh Mạng, xin cho phép duy trì ngôi chùa và giữ giới tu hành. Đơn tấu đã được nhà vua chấp nhận và ghi vào sổ bộ của triều đình vào ngày mồng 9 tháng 10 năm Đinh Dậu (1836). Cùng thời gian này, thân mẫu của bà Đặng Thị Tây và ông Đặng Văn Khánh, hiến cúng dường thêm một phần đất, để mở rộng thêm diện tích cho nhà chùa có được cho đến bây giờ. Thiền sư Liễu Huệ (Võ Văn Quyền) đã sống hết lòng với sự tu hành tại chùa cho đến khi mãn phần. Có thể coi chùa Long Trường thời ấy là ngôi chùa có cao Tăng đầu tiên ở khu vực Cần Thơ. Cuối năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), chùa được liệt vào danh sách các tự viện và được miễn sưu thuế cho hai sư tăng đạo cao đức trọng. Cũng trong năm 1835, chùa được trùng tu lớn hơn.

Sau khi Thiền sư Liễu Huệ viên tịch, đệ tử là Nguyễn Khánh Ân kế thế.

Đến năm Kỷ Mùi (1859), sư đệ của Thiền sư là sư Trần Quảng Văn về lo giữ ngôi Tam bảo. Năm Tân Dậu (1861), sư Quảng Văn đổi hiệu từ Long Trường Tự thành Long Quang Tự (chữ Long là muốn giữ truyền thống chùa Long Trường, chữ Quang là muốn giữ truyền thống Tổ đình Linh Quang) với mong muốn đem lại ánh sáng ấm áp, mang đến niềm vui, hạnh phúc thịnh vượng cho mọi người. Rồi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, dân cư ly tán. Ý nguyện của Thầy Quảng Văn rất lớn nhưng tình hình lúc ấy làm cho Thầy không được như ý, nên đến cuối năm 1875, Thầy rời chùa đi vân du và biệt tích.

Hội tề và bổn đạo thôn Bình Thủy tìm thỉnh Yết Ma Trần Quảng Hiền là người cùng họ với Thầy Trần Quảng Văn về thay thế. Từ khi Thầy Quảng Hiền về thì ngôi chùa được trùng hưng. Năm Đinh Hợi (1887), giáo thọ Phổ Minh ở chùa Hội Phước (Nha Mân) cúng một đại hồng chung nặng gần 200 cân. Thầy Quảng Hiền lập ban Bảo tự gồm các Phật tử, thân hào nhân sĩ ở địa phương.

Yết Ma Quảng Hiền tịch tại chùa Long Quang. Do không có đệ tử truyền thừa nên bổn đạo rước Yết Ma Như Trị về chùa lo việc đèn nhang nơi cửa Phật. Năm Kỷ Sửu (1889), Thầy Từ Quang (pháp hiệu Ngộ Cảm), là đệ tử Hòa thượng Ngô Định ở chùa Liên Từ, xã Liên Xuân, thành phố Cần Thơ về chùa năm 19 tuổi. Ở đây, Thầy Từ Quang vừa tu, vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, nên được nhiều người tôn kính. Nhờ đạo hạnh và tài hốt thuốc chữa bệnh nên Thầy thu phục được bổn đạo và hương chức hội tề ở địa phương. Năm Nhâm Tuất (1922), nhà sư Từ Quang rước một nhóm nghệ nhân tài hoa ở Cần Thơ, đứng đầu là nghệ nhân Tài Công Kiểm tạc khoảng 50 pho tượng thờ bằng gỗ giáng hương, từ tượng Phật, Bồ Tát đến các vị thần theo tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt hơn cả là bộ Thập Bát La Hán (1), mỗi tượng cao 80 cm, có tư thế ngồi khác nhau trông rất sinh động, được chạm khắc và đục đẽo từ một khối gỗ, chứ không chắp ghép từng phần. Không như các tượng La Hán ở chùa khác, các nghệ nhân chạm khắc bộ tượng này cũng là người gốc Hoa nên đã thể hiện rõ cách nhìn của hệ phái này trên tượng. Thập bát vị La Hán ở chùa Long Quang đều mặc áo tràng (không mặc áo cà sa hay đắp y bát như Phật tổ hay như các tượng ở chùa khác).

 

Bộ tượng Thập Bát La Hán đang được thờ tại chùa Long Quang

 

Thiền sư Từ Quang viên tịch năm Giáp Tý (1924). Đệ tử là sư Từ Thới húy Chơn Khương kê thế. Lúc bấy giờ có ông Tòng Hiên là một chiến sĩ Văn Thân ở Quảng Ngãi chạy vào Nam lánh nạn. Sư Từ Thới liền mời ông Tòng Hiên về ở tại chùa để dạy chữ, bốc thuốc cho người dân địa phương và truyền bá tư tưởng yêu nước. Cuối năm Canh Ngọ (1930), sư Từ Thới và bổn đạo thân hào nhân sĩ tái thiết chùa Long Quang quy mô kiên cố với chánh điện rộng rãi có 3 gian. Bên trong trang trí đẹp đẽ, xứng đáng với bộ tượng thờ của Thầy Tổ để lại.

Sau một thời gian hoạt động, ông Tòng Hiên bị mật thám của chính quyền thuộc Pháp nghi ngờ, nên ông phải lánh qua chùa Long Phước ở Nha Mân (Sa Đéc) Sau lại bị họ phát hiện, nên ông phải trở lại chùa Long Quang lần thứ hai, và được nhà chùa bảo bọc cho đến mười năm sau ông mới trở về Quảng Ngãi.

Sau năm 1945, đề phòng quân Pháp trở lại đóng đồn bót, sư Từ Thới và bổn đạo hưởng ứng lời kêu gọi “Tiêu thổ kháng chiến”. Thiền sư Từ Thới hiệp cùng tăng chúng tại đây tháo dỡ toàn bộ chùa Long Quang để làm vật cản ngăn tàu Pháp tại Rạch Cam, đồng thời hiến hết các đồ thờ bằng đồng để đúc đầu đạn, trong đó có đại hồng chung.

Năm 1963, Thiền sư Từ Thới viên tịch. Một năm sau dân làng mới tìm thỉnh thầy Chơn Khánh (tục gọi ông Bảy Phúc) về lo việc đèn nhang kinh kệ. Lúc bấy giờ, ngôi nhà chùa đã xuống cấp, lại được Phật tử và nhân dân trong vùng ủng hộ, nên thầy Chơn Khánh đã tiến hành xây cất lại chùa Long Quang trên nền cũ.

Khi công trình gần xong, thì bị bom đạn chiến tranh làm hư hại nhiều nên phải làm lại, mãi đến năm Bính Ngọ (1966), ngôi chánh điện mới được xây xong. Trụ trì chùa được gần 20 năm, năm 1983, nhà sư Thích Chơn Khánh viên tịch. Gần 10 năm sau, nhà chùa không có sư trụ trì. Việc nhang đèn được một số Phật tử ở gần chùa trông coi.

Đến năm Nhâm Thân (1992), nhận được lời thỉnh cầu của các Phật tử tại địa phương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Cần Thơ bổ nhiệm Đại đức Thích Bình Tâm, sinh năm 1964, thế danh Nguyễn Thanh Phong, trụ trì chùa Long Quang. (Đại đức từ nhỏ đã sống và sinh hoạt trong ngôi chùa của gia đình tại Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Năm 1988, ông xin xuất gia và tu học tại Thiền viện Thường Chiếu ở Long Thành, Đồng Nai và trở về Cần Thơ năm 1992). Đại đức Thích Bình Tâm là một vị sư trẻ, đạo cao đức trọng, bản thân hăng hái trong hoạt động Phật sự nên có nhiều uy tín trong Giáo hội, đồng thời được đông đảo bà con Phật tử kính mến. Hiện nay là Thượng tọa Thich Bình Tâm).

Tháng 12 năm 1994, các ban ngành chủ quản hiệp cùng Đại đức Thích Bình Tâm và các Phật tử tái thiết lại chùa Long Quang. Năm 2010 - 2011, ngôi chùa lại được tu sửa với dáng vẻ như hiện nay.

 

 

Về mặt kiến trúc và bài trí, chùa Long Quang tọa lạc trong một khuôn viên rộng khoảng 7.000 m2 nằm trên diện tích đất 11.700 m2, cạnh con đường nhỏ trải nhựa và một con rạch nhỏ. Từ ngoài vào trong, có các hạng mục đáng chú ý sau:

Cổng tam quan bằng gạch với hai tầng mái ngói, đầu mái uốn cong có gắn hoa văn. Bên trên nóc có gắn đôi rồng trắng ngẩng cao đầu quay ngược vào bánh xe pháp luân ở giữa. Hai cột chính có hai câu liễn đối bằng chữ Hán.

Chánh điện rộng 324 m2, xây theo lối kiến trúc “Thượng lầu Hạ hiên”, với mái ngói và tường gạch, cà có tất cả 5 cửa ra vào.

Ngay giữa trung tâm là điện thờ chính. Bên trên có treo bức hoành phi bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo, ở giữa gắn bốn chữ Hán: Đại Hùng Bảo Điện; bên dưới gắn khung bao lam cũng được chạm trổ hoa văn tinh xảo thếp vàng, hai bên có gắn hai câu liễn đối bằng chữ Hán.

Điện thờ chính được đóng bằng gỗ có 2 bậc. Bậc cao kê 3 ghế thờ, tôn trí ba pho tượng Tam Thế Phật: A Di Đà, Đại Thế Chí, Quán Thế Âm, bằng gỗ cao hơn 1m, tạc theo tư thế ngồi, bậc thấp tôn tượng Bồ Tát Di Lặc.

Ở phía trước bậc cao vừa kể là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng gỗ dài 1m, được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Đối diện điện thờ chính là bàn thờ Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ.

Sát vách bên phải, trên kệ dài bài trí 9 tượng La Hán, kế tiếp bàn thờ Địa Tạng Bồ Tát, phía sau là bàn thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu.

Sát vách bên trái, trên kệ dài bài trí 9 tượng La Hán, đối diện với 9 tượng bên phải, kế tiếp là bàn thờ Quán Thế Âm, hai bên có Thiên Tài và Đồng Tử.

Phía sau điện thờ chính là bàn thờ Hậu Tổ. Phía trên là tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề, bên dưới có tượng Bồ Đề Đạt Ma. Chung quanh bài trí các long vị, các di ảnh của các cố Trụ trì chùa. Sát vách hai bên cửa sau có đặt hai bàn thờ, bên phải thờ các tượng Quan Công, Giám Trai..., bên trái thờ các tượng Diêm Vương, Long Vương và Phán quan...

Phía sau tòa nhà chính điện là khu Tháp rộng hơn 2.000 m2, có trồng nhiều hoa kiểng, cây bonsai, cây ăn trái... Nơi đây chứa di cốt các cố Trụ trì chùa trước đây.

 Trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chùa Long Quang còn là nơi nuôi chứa các cán bộ cách mạng, các nhà yêu nước nên đây còn là một địa chỉ đỏ của tỉnh Cần Thơ. Với bề dày lịch sử và những kiến trúc nghệ thuật độc đáo, ngày 10/7/1993, chùa Long Quang được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

 


(1) Thập bát La hán bao gồm 18 vị: 1- Ba Tiêu, 2- Bố Dại, 3- Cử Bát, 4- Hàng Long, 5- Khai Tâm, 6- Kháng Môn, 7- Khoái Nhĩ, 8- Kỵ Tượng, 9- Phục Hổ, 10- Quá Giang, 11- Thám Thủ, 12- Tĩnh Tọa, 13- Tọa Lộc, 14- Trầm Tư, 15- Trường Mi, 16- Khánh Hỷ, 17- Thác Tháp Va 18- Tiếu Sư.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 132
    • Số lượt truy cập : 6357631