Thông tin

LÒNG THÀNH CHỈ MỘT NÉN NHANG

LÒNG THÀNH CHỈ MỘT NÉN NHANG

VU GIA

Biết thắp nhang như thế nào cho phù hợp với thời thế, với đại chúng cũng nằm trong lĩnh vực văn hóa ứng xử. Và trong chúng ta, nào có ai muốn mình là người thiếu văn hóa đâu.

Phần lớn các gia đình Việt Nam đều lập bàn thờ tổ tiên và thường xuyên thắp nhang/ hương (kể cả các gia đình theo đạo Công giáo). Nhưng mỗi lần thắp nhang thì thắp mấy cây/ nén nhang là vừa? Câu hỏi tưởng quá dễ, song không ít người lúng túng khi chọn câu trả lời.

Thắp nhiều nhang có gì không tốt?

Ngày nay, ở những lễ hội, những ngày rằm, mồng một hằng tháng, nhiều người đến đền, chùa, miếu… thắp nhang, cầu mong gia đạo yên vui, người người mạnh khỏe, làm ăn được hanh thông… Và khói nhang mù mịt. Nhiều người không chỉ thắp nhang trong chánh điện, ở các bàn thờ tổ, thánh thần… mà còn thắp ở các gốc cây, góc vườn trong khuôn viên đền, chùa. Những ngày Tết thì khỏi nói đến chuyện khói nhang. Nhiều cơ sở thờ tự phải nhờ những người làm công quả, thậm chí thuê người đứng chờ sẵn để rút bớt nhang nhúng vào thùng nước nhằm tránh hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường.

Hàng chục năm qua, tại các cơ sở thờ tự, tôi thấy có ghi tấm biển: "Lòng thành xin thắp một cây nhang", "Xin đừng cắm nhang nơi đây". Thế nhưng, có được mấy người làm theo. Một lần, tôi chỉ tấm biển ghi dòng chữ: "Lòng thành xin thắp một cây nhang" và hỏi một người đang đốt cả bó nhang bằng cổ tay trẻ con, sao thắp nhiều thế. Người ta nguýt tôi một cái dài cả… chục cây số có dư, và nói: "Mệt quá, tại sao tiền bỏ vào thùng công đức nhiều thì nói tốt, còn thắp nhang nhiều lại nói không tốt?". Tôi quay mặt rút lui. Vợ tôi trách tôi hay sinh sự, may mà ngày thường chứ gặp phải ngày đầu xuân, thì chắc… xui cả năm!?


Để thấy lòng thanh thản

Bây giờ, những ngày lễ, Tết những người đến các cơ sở thờ tự thắp nhang, không chỉ có người lớn tuổi mà còn có nhiều trai thanh gái lịch. Với tôi, điều này tốt hơn là cùng nhau dẫn vào mấy quán nhậu, mấy quán đèn mờ, hoặc mấy nơi có nhạc xập xình điếc tai nhức óc. Tôi tin, khi đến các cơ sở thờ tự thắp nhang, lòng họ sẽ thấy thanh thản hơn, hướng thiện hơn, và phần "người" chắc cũng trội hơn. Đã qua một vòng hoa giáp rồi, tôi chỉ cầu mong mọi người được như thế.

Về việc ở nhà, ở các cơ sở thờ tự cần phải thắp mấy cây nhang mới đúng lễ, tôi cũng dọ hỏi nhiều người, nhiều nơi trong quá trình đi thực tế điền dã để viết mấy công trình địa chí. Người thì cho rằng tùy vào lòng thành, chứ không phải tùy vào việc thắp mấy cây nhang. Người thì cho rằng phải thắp đủ ba cây nhang, vì Chúa ba ngôi, Phật tam thế… Số ba tượng trưng cho sự vững chắc: kiềng ba chân. Số 3 tượng trưng cho sự đoàn kết: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao (ca dao), v.v… Những người có biết chút ít về kinh Dịch, thì cho rằng số 3 biểu hiện ở quẻ Càn. Quẻ Càn có ba gạch tượng trưng cho Trời/ khối Dương. Nói chung, nghe riết một hồi, tôi thấy "Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười", nghĩa là thấy ai nói cũng… hay!

Ý nghĩa việc thắp nhang

Một số thầy cúng có thể được gọi là chuyên nghiệp ở từng vùng nhỏ hẹp (trong một làng, một xã), mà tôi đã tiếp xúc trong quá trình đi thực tế điền dã, thì mỗi người giải thích một kiểu theo sự hiểu biết của mình. Một lần, Đại đức Thích Như Tín, trụ trì chùa Thái Sơn (Ngũ hành sơn - TP Đà Nẵng), giải thích, tôi thấy có lý hơn, vì… có bài bản hơn. Theo thầy Như Tín thì tùy vào mục đích mà chúng ta thắp một cây nhang, ba cây nhang, năm cây nhang, bảy cây nhang. Số 1 là số tròn hợp bởi âm và dương, lý và trí được coi là bao trùm tất cả. Số 3 mang tính động, bởi số lẻ thì luôn có khuynh hướng chuyển sang chẵn, phù hợp với sự chuyển đổi vươn tới cái hoàn mỹ, cái tốt đẹp hơn. Hỏi ý nghĩa số 5, số 7 thầy chỉ cười và cho biết về đại thể thì cần thắp một nén nhang là đủ. Một nén nhang/ hương gọi là tâm hương. Tuy chỉ một nén nhưng nén tâm hương lại bao gồm ý nghĩa năm sắc hương: giới hương, định hương, tuệ hương, tri kiến hương, giải thoát hương. Thầy giải thích từng sắc hương nghe cũng thú vị: Giới hương là tự nhắc nhở mình hướng thiện để tâm luôn trong sáng; Định hương là giữ cho lòng yên ổn không bị cái xấu, cái ác chi phối; Tuệ hương làm cho trí não luôn sáng suốt để thu nhận được những điều tốt đẹp, thiện lương; Tri kiến hương giúp ta vững tin phát triển năng lực, trí tuệ tiến đến cảnh giới "ngoài ta"; Giải thoát hương giúp ta buông xả mọi ưu phiền cũng như những ham muốn tội lỗi…

Thắp ba cây nhang ở các cơ sở thờ tự với ý nghĩa mong có tâm thanh tịnh để trí sáng nhằm ứng xử thích hợp trước những chuyện buồn vui thường ngày trong cuộc sống. Thắp ba cây nhang trên bàn thờ tổ tiên là cầu mong có sự chuyển đổi vận hành tốt đẹp.


Thắp năm cây nhang thường thắp ở đền thờ Thánh mẫu Thượng ngàn, hoặc ở những chùa (tiền Phật, hậu Thánh). Năm nén nhang này dành cho ngũ dinh của ngũ hổ tướng quân. Hổ là chúa tể sơn lâm, nên thắp năm nén nhang nhằm mục đích cầu mong sự che chở, giải trừ tai ách.

Thắp bảy nén nhang nhằm an ủi mọi kiếp người. Vì thế, thắp bảy nén nhang chỉ dành vào ngày xá tội vong nhân (rằm tháng 7 hằng năm). Những nén nhang này được cắm ngoài trời, nơi có những cây xòe tán um tùm hoặc bụi bờ hoang vắng. Theo quan niệm từ xa xưa, những nơi ấy thường hội tụ những linh hồn vất vưởng không nơi nương tựa…

♦ ♦ 

Gần đây, báo chí có phản ánh khá nhiều việc một số cơ sở sản xuất nhang đã pha trộn nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Vì thế, chúng ta cũng không cần phải đốt một lúc cả bó nhang và cắm lung tung theo ý thích của mình. Vả lại, theo cách giải thích có phần hợp lý trên, tôi nghĩ khi đến các cơ sở thờ tự, mỗi người chỉ nên thắp một nén nhang; còn ở bàn thờ tổ tiên thì cũng nên thắp một nén nhang, nhiều lắm là ba nén nhang. Qua đây tôi nghĩ, biết thắp nhang như thế nào cho phù hợp với thời thế, với đại chúng cũng nằm trong lĩnh vực văn hóa ứng xử. Và trong chúng ta, nào có ai muốn mình là người thiếu văn hóa đâu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 338
    • Số lượt truy cập : 7080038