Thông tin

LỚP HỌC KỲ LẠ

LỚP HỌC KỲ LẠ

 

HÀNG CHÂU

 

 

Quê tôi ở tận Tây Ninh, giáp với nước bạn Campuchia. Đi theo con đường lộ đất đỏ trải đá xanh lên huyện Tân Biên, bên tay trái mờ mờ thẳng hàng rừng cây cao lá xanh um trông như hàng rào ranh giới. Vào buổi sáng tinh mơ hay buổi chiều tắt nắng, nhìn xa xa nao nao, buồn ơi là buồn! Tôi chuẩn bị túi vải, sách vở đi xa bốn năm để tiếp tục việc học. Hôm sau, tôi cúi đầu từ giả chào sư phụ ở ngôi chùa làng nhỏ bé cổ xưa. Thầy nhìn tôi trìu mến với lời chúc, ước vọng toại nguyện.

Từ lúc 10 tuổi cho đến hôm nay đã sang tuổi 18, cuộc đời tôi luôn có lời nhắn nhủ của bậc sinh thành. Là một thanh niên quê mùa, ở vùng sâu vùng xa, tôi báo cho mẹ biết, tôi được Thầy chấp thuận vào dự học một trường Trung cấp ở tỉnh Đồng Nai. Mẹ vui mừng lắm! Ngày vào trường , mẹ đưa tôi ra tận bến xe đò. Qua khung cửa nhỏ, bàn tay mẹ nắm lấy bàn tay tôi, đôi mắt thoáng ướt, mẹ dặn:

- Ráng nghe lời Thầy, chăm chỉ học nghe con!

Tôi khẽ nói:

- Mẹ yên tâm, con sẽ cố gắng học.

Chiếc xe đò lăn bánh mà tôi cảm nhận ánh mắt của mẹ vẫn nhìn theo hun hút về hướng Biên Hòa.

Chiếc xe Honda chở khách ngừng trước cổng ngôi chùa "Phật Hiện" cạnh cánh rừng tràm xanh ngát. Xuống xe, tôi đứng nhìn thoáng chút bỡ ngỡ, rồi từng bước vào bên trong. Một khuôn viên thật rộng với ngôi chánh điện, đằng sau bức tường rào cánh cửa khép kín là dãy nhà hai tầng với nhiều gian phòng.

Vị tu sĩ mặc áo dài màu vàng bên trong cánh tay dài màu nâu đưa tôi vào phòng khách. Tôi khẽ nhìn vị thầy, người có gương mặt toát ra vẻ hiền hòa, âm điệu nói chậm rãi dễ cảm.

- Em ở tỉnh nào vậy?

- Thưa ở Tây Ninh, vì lỡ chuyến xe nên vào trường muộn.

Thầy giới thiệu sơ về thời khóa biểu học và sắp xếp việc ở nội trú. Tôi lắng nghe, trong lòng hơi bối rối vì lần đầu tiên tôi mới được biết thầy. Vị tu sĩ có phong cách khác hẳn với người thầy dạy văn hóa phổ thông. Chiếc áo màu vàng của nhà tu làm cho người tiếp xúc đối diện như có một khoảng cách, phải thận trọng trong từng lời nói. Nhưng với thầy Quản viện của Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai này như có một cái gì thân thiện, gần gũi. Phải chăng ở thầy toát ra đức hạnh và lòng nhân ái. Thầy hướng dẫn tôi nhìn khái quát ngôi trường, giới thiệu về sự sinh hoạt hằng ngày của chư Tăng. Thời gian khóa học tu được khép kín. Hằng ngày, từ 3 giờ 30 sáng đến 22 giờ, học viện khép mình vào công phu tu tập như bái sám, tọa thiền, tụng kinh và học tập kinh điển.

Lớp học thật trang nghiêm. Những đôi mắt mở to hướng về vị giáo thọ đang giảng về "Sự sống".

- Sống là gì, các huynh đệ có biết không? Thế nào để sống cho đáng sống? Thế nào sống cho đúng ý nghĩa của cuộc sống? Sống chỉ là một ngôn từ đơn giản chỉ về sự hình thành bằng nỗ lực của thân xác và trí tuệ...

Ngoài sân, ánh nắng bắt đầu lên cao hắt nhẹ qua khung cửa sổ vào đôi hàng ghế ở lớp có tiếng nhúc nhích của một tăng sinh tránh nắng. Trên bục, vị giáo thọ vẫn say sưa giảng, có lúc nhìn học trò, có lúc quay lưng đi trên bảng.

- Tít! Tít! Tít! Tiếng chuông điện thoại reng reng giữa sự tĩnh lặng của lớp học mà con muỗi, con ong vo ve cũng nghe rõ. Đôi ba gương mặt quay nhìn về hướng góc cuối lớp, rồi lại vội vã nhìn lên bảng. Hai mươi phút sau lại có tiếng reng, reng, rồi nhạc mở đầu khe khẽ.

- "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào".

Ánh mắt người thầy hơi sững lại nơi tăng sinh đang cúi thấp đầu trả lời nho nhỏ vào chiếc điện thoại di động...

Tan lớp, tôi ngồi trên bậc thềm được bao phủ bởi tàng cây cổ thụ cùng gió phất phơ mát rượi. Lớp học gần 200 học viên từ các nơi về học. Mỗi người đến lớp, sống trong từng gia đình, hoàn cảnh khác nhau, nên cá tánh không ai giống ai, lại là con trai nên dễ háo thắng, bốc đồng. Tôi nhìn nơi trụ cột tường hướng gần cổng, một tăng sinh đang phì phèo rít thuốc lá, nhả khói lơ lửng bay. Có lẽ cả ngày kềm nhịn nên có đôi phút chiều giải khuây cảm thấy mãn nguyện lâng lâng. Các bạn trẻ sống ở vùng thị tứ bao điều lôi cuốn quyến rũ dễ xâm nhập vào người.

Gần cổng, phía tay phải có rừng tràm mát rượi, một tăng sinh đang mơ màng gắn vào tai "Écouteur" nghe nhạc cho cuộc đời ồn ào vui nhộn lên đôi phút. Sâu vào bên trong, đôi ba tăng sinh đùa giỡn, rượt cút bắt, chơi đá lon như để giãn gân cốt.

- Ê ăn gian!

- Ăn gian hồi nào?

- Đó! Đó!

Không chịu nổi cú chơi gian lận, cuộc xô xát "biểu diễn võ thuật" xảy ra. Người bạn ngồi cạnh đó không ngăn cản, chồm hổm vỗ tay reo. Rồi tai tiếng vào đến với Thầy Quản Viện. Buổi họp giao ban, thầy giáo thọ phản ánh giờ học ở lớp với Ban Giám hiệu nhà trường.

Nội quy trường rất nghiêm túc được phổ biến vào ngày khai giảng lớp. Trong giờ học lỡ vi phạm nội quy, nếu nhẹ thì sám hối, nặng thì mời rời khỏi trường, trừ khi được sự bảo lãnh của Bổn sư và sự hoan hỷ chấp thuận của Ban Giám hiệu thì tăng sinh ấy mới được trở lại học.

Cuộc sống của học viên được khép kín trong môi trường nội trú cắt hẳn ngoại duyên. Việc đi lại ra ngoài dường như hạn chế hoàn toàn. Mỗi lần có duyên sự, tăng sinh phải xin phép quý Thầy trong ban điều hành và được sự đồng ý của Bổn sư. Thế rồi cuộc họp của Ban lãnh đạo nhà trường ra quyết định "5 không":

- Không nghe Radio.

- Không dùng máy vi tính.

- Không hút thuốc và dùng các chất kích thích.

- Không mang xe máy vào trường.

- Không sử dụng điện thoại di động.

Tôi nghe nói, thầy Quản viện thấy học viên bị lôi kéo, cuốn hút bởi các cảnh duyên bên ngoài làm ảnh hưởng việc tu học, thầy trăn trở nhiều đêm khuya vắng rồi mơ ước:

- Nếu có thần thông, tôi sẽ hô biến những chiếc điện thoại di động của các tăng sinh thành những mảnh sắt vụn, không sử dụng được và cũng hô biến đôi chân các vị không ra khỏi cổng trường trong suốt thời gian bốn năm tu học.

Có lần học viên vi phạm nội quy, người phạm lỗi phải quỳ gối trước bàn thờ Phật sám hối, thầy Quản viện tự thấy mình chưa làm tròn bổn phận giáo dục học trò, nên cùng quỳ gối sám hối với người phạm lỗi. Giây phút ấy, các học viên cùng đứng lặng lẽ với tâm trạng phiền trách bạn mình. Tôi chợt nhìn thấy giọt nước mắt nơi khóe mắt thầy, không sao giữ nổi... Ôi giọt nước mắt nghĩa tình đầy lòng nhân ái của thầy làm xao động tim tôi với nhiều đêm thao thức không sao ngủ được.

Trong ngày vào học ở ngôi Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, có học viên khi nghe "5 không" cảm nghĩ rằng mình đã trở thành "người rừng" của thế kỷ XXI với nội quy thật khắt khe.

Thầy hiệu trưởng nhắc nhở:

- Phải tập trung vào việc học và việc tu. Ở vào thời đại văn minh này, muốn thực hiện được điều ấy quả là vô cùng khó khăn. Tỉnh lực cao, đạo tâm sâu, nhớ và hành trì liên tục lời Phật dạy.

Mùa thu, mùa của tiết trời se lạnh. Những chiếc lá màu xanh từ từ đổi sắc vàng, lòng người nao nao lắng đọng, bâng khuâng buồn xa xôi. Ngày tựu trường đã sang tháng mà tôi vẫn còn trăn trở nhớ mẹ. Người mẹ chịu cực khổ, tất cả tình thương dành cho đứa con. Lúc 4-5 tuổi, tôi vẫn còn ngủ chung với mẹ. Mẹ kể chuyện ông vua nước Việt mà dân gian gọi là vua Hùng giữ nước. Có đêm mẹ nhớ lại, những ngày khói lửa ngất trời, tất cả chạy xôn xao trong nước mắt. Xóm làng điêu tàn hết rồi bà con ơi!

Tôi hình dung tiếng mẹ sụt sùi. Lòng con người sao dã man nhẫn tâm đến như vậy. Bây giờ vào tu học, là mẹ muốn cho tôi có cái tâm là "người". Phải tận diệt cho hết lòng tham. Những giờ lên lớp thật quý báu. Các vị giáo thọ tâm huyết, hết sức chỉ dạy cho đàn hậu sinh tu tập sống xứng đáng. Mỗi bữa cơm trưa thầy Quản viện ngồi cạnh các tăng sinh, ấm cúng tình thầy trò dưới mái trường Phật học. Giây phút ấy, thầy nhắc nhở những điều mà tăng sinh băn khoăn trong việc học, trong nếp sống xảy ra ở trường.

Tôi khẽ thoáng nhìn thầy, người có cái tên mà giây phút ban đầu được biết, tôi rất ngạc nhiên vì cái tên ấy gắn liền với người phụ nữ đặc biệt, chị rất nổi tiếng với tình yêu quê hương đất nước mà từ lúc bé đến giờ tôi chẳng thấy ai trùng với tên đó:  MINH KHAI!

Thầy Minh Khai - Vị tu sĩ đức độ, giàu lòng nhân ái. Người Thầy yêu quý của tôi!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 93
    • Số lượt truy cập : 6367864