Thông tin

LÚC PHẬT ĐANG TRONG TA...

 

VIÊN THẮNG

 


 

Ở chùa tôi có tổ chức khóa tu học dành cho các bé - từ cấp 1 đến cấp 3, vào tối thứ bảy hàng tuần, do hai cô Tuệ Giác và Tuệ Đức đảm nhiệm. Vì các cô còn trẻ tuổi nên rất thích hợp với chúng. Ngoài thời khóa hướng dẫn tu học, hai cô còn dạy các bé rất nhiều bài hát về Phật giáo nên các cháu rất thích thú. Trong số những bài hát đó, tôi lại rất thích bài hát Phật Đang Trong Ta của nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản làm cho tôi giác ngộ rất nhiều điều ngay trong cuộc sống hàng ngày:

Phật đang trong ta từ khi biết sẻ chia niềm đau.

Phật đang trong ta từ khi biết nhiếp tâm niệm Phật.

Phật đang trong ta miệng hoan hỷ nói câu từ bi.

Phật đang trong ta bàn tay nắm với muôn bàn tay.

“Phật đang trong ta” chính là Phật tính1, còn gọi là Như Lai tính, Giác tính có trong tất cả chúng sinh. Tại vì chúng sinh bị phiền não vô minh che lấp nên Phật tính chưa hiển lộ. Thế nên, trong Kinh Pháp hoa, phẩm thứ tám Ngũ bá đệ tử thọ ký, Đức Phật dẫn dụ câu chuyện gã say rượu được bạn thân tặng viên ngọc châu cột trong chéo áo mà gã không hay biết, cứ mãi tha phương cầu thực khốn khổ, đến khi gặp lại người bạn thân bảo trong chéo áo của gã có viên ngọc châu vô giá thì gã mới đổi đời, cuộc sống giàu sang phú quý.

Cũng vậy, hàng phàm phu chúng ta giống như gã say rượu này, Phật tính hay bản tâm thanh tịnh ở ngay trong tâm mình mà không hay biết, cứ đi tìm Phật ở bên ngoài, rồi lạy lục van xin mà tự mình không biết quay về bản tâm thanh tịnh của chính mình. Do đó, Đức Thế Tôn từng nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Vì sao Phật nói “chúng sinh là Phật sẽ thành?” Bởi vì Ngài vốn là một người bình thường như bao con người khác. Chúng ta muốn biết rõ về đời sống của Đấng Giác Ngộ như thế nào thì hãy xem phần đầu Kinh Kim Cang ghi: “Lúc ấy, đến gần giờ ăn Đức Thế Tôn đắp y, cầm bát, vào thành lớn Xá-vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài đi theo thứ tự, ghé từng nhà, khất thực xong trở về Tịnh-xá dùng cơm rồi cất y, bát; sau đó rửa chân xong, Ngài trải tòa mà ngồi”2.

Đời sống đức Phật vẫn giống như chúng ta. Ngài vẫn đi, đứng, nằm, ngồi, dùng cơm, nghỉ ngơi, v.v… có khác với chúng ta là Ngài luôn sống trong chánh niệm tỉnh thức; còn phàm phu chúng ta luôn sống trong vọng tưởng mê muội, cho nên trong Cư trần lạc đạo phú, Phật hoàng Trần Nhân Tông nói: “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa, nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt, chỉn mới hay chính Bụt là ta”. Đối với người tu Tịnh độ trong Cư trần lạc đạo phú, hội thứ hai, Phật hoàng cũng dạy: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”. Và trong bài hát, nhạc sĩ cũng viết: “Phật đến chẳng mong cầu, Phật đi chớ tìm đâu, là vì lòng ta đắm mê não nề. Thề quyết quay trở về, dẹp tan những lầm mê, biển trần khổ đau hóa vui Tịnh độ”.

Chúng ta muốn tâm mình thanh tịnh để Phật tính hiện rõ cần phải đoạn trừ các thói hư tật xấu như tham, sân, si, mạn, nghi, v.v… thì lúc này mới biết sẻ chia những nỗi khổ niềm đau với người đang gặp khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, cho nên nhạc sĩ nói: “Phật đang trong ta từ khi biết sẻ chia niềm đau…”. Nếu lúc này, chúng ta nhiếp tâm niệm Phật, không còn nghĩ điều gì khác thì đạt được hiệu quả vô cùng. Vì Phật đang hiện hữu trong tâm ta nên ta hoan hỷ vui cười, có nói ra điều gì cũng xuất phát từ lòng thương yêu dành cho mọi người. Do vì trong tâm vắng bóng tâm hận thù, ganh tị, đố kỵ nên cùng với mọi người vui vẻ hòa nhã, nắm tay nhau thật chặt biểu hiện tình đoàn kết mạnh mẽ.

Lúc Phật đang trong ta, nên từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động ta không làm cho người khác tổn thương buồn khổ, thật vi diệu vô cùng:

Phật đang trong ta từ khi ấy xóa tan sầu bi.

Phật đang trong ta từ khi ấy pháp thân an vị.

Phật đang trong ta miệng không nói đến câu thị phi.

Phật đang trong ta bằng ánh mắt chứa chan từ bi.

Trong Phật giáo nói tâm chúng sinh trong một ngày hiện đủ mười cảnh giới đó là: cõi trời, cõi người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh và bốn cảnh giới của bậc Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và Phật. Bởi vì mỗi cảnh giới hiện lên theo sự suy nghĩ của chúng ta. Khi chúng ta nghĩ điều đúng chánh pháp có trí tuệ và tình thương rộng lớn là lúc này có Phật đang hiện hữu; hay khi thấy mọi người đang gặp khó khăn chúng ta liền giúp đỡ một cách vô tâm, không so đo tính toán thì lúc đó ta là Bồ-tát… Khi tâm ta keo kiệt, tham lam, giận dữ, si mê, v.v… là chúng ta đang sống ở ba cõi ác. Thế nên, trong suốt một ngày, chúng ta luôn trải nghiệm đi qua mười cảnh giới này.

Do đó, chúng ta là người học Phật hãy cố gắng giữ tâm mình sống cảnh giới Phật nhiều hơn thì ta mới cảm nhận được phút giây an lạc ngay trong hiện tại. Lúc này tâm ta nghĩ điều thiện, miệng nói lời hòa ái, thân hành động tốt đẹp tạo nên năng lượng tích cực lan tỏa tới những người xung quanh, cũng là lúc pháp thân3 an vị, nên ta không nói chuyện thị phi của người khác, chỉ nói những điều tốt đẹp làm lợi mình và lợi người. Ta nhìn mọi người bằng ánh mắt chan chứa từ bi, nên mọi người nhìn thấy ta đều có cảm giác bình yên:

Phật đang trong ta đường đi tới bỗng nhiên bình yên.

Phật đang trong ta bàn chân bước trở nên hành thiện.

Phật đang trong ta gặp oan trái hóa ra nhẹ tênh.

Phật đang trong ta bình yên hóa khúc ca diệu âm.

Thật hạnh phúc thay! Chúng con được phước duyên làm đệ tử Phật, mỗi ngày con luôn thấm nhuần giáo pháp Ngài dạy, để làm chất liệu thực hành ngay trong cuộc sống hàng ngày. Khi con sống cảnh giới Phật nên con thấy Ngài hiện hữu, tâm con đang an lạc giải thoát. Bởi vì lúc này, con đang phá trừ hết giặc phiền não si mê lầm lạc nên không nói lời thị phi, có gặp oan gia trái chủ con cũng hóa giải nhẹ nhàng.

Có lẽ trải qua vô lượng kiếp sinh tử, con vẫn không thể đền đáp hết công ơn vĩ đại của Ngài dành cho chúng sinh.

 


1. Phật tính là bản tính Đức Phật hoặc chỉ cho chủng tử nhân tính, khả năng thành Phật của chúng sinh.

2. Bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

3. Pháp thân: Còn gọi là Pháp Phật, Lí Phật, Pháp Thân Phật, Tự Tính Phật, Pháp Tính Phật, Như Như Phật. Chánh pháp Đức Phật đã thuyết, Pháp vô lậu Đức Phật đã chứng và Tự tính chân như, Như Lai Tạng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6059154