Thông tin

LỤC SƯ NGOẠI ĐẠO

LỤC SƯ NGOẠI ĐẠO

 

TUỆ QUÁN

 

 

Thời Đức Phật tại thế, xứ Ấn Độ có rất nhiều giáo phái thịnh hành. Bà-la-môn giáo (Brahmana) là giáo phái cổ xưa nhất, lấy kinh Vệ-đà (Veda) làm gốc, chủ trương đa thần. Trọng tâm sinh hoạt của họ là sự cúng tế. Đây là phương tiện để giao tiếp với thần linh trong việc cầu xin ban phước và tránh bị tai họa. Dòng tu sĩ Bà-la-môn do cha truyền con nối, người thuộc giai cấp khác không thể trở thành tu sĩ Bà-la-môn. Họ được xem là giai cấp cao nhất trong xã hội, được hưởng đầy đủ các ưu đãi về uy quyền, địa vị và tài chánh, kể cả vua chúa cũng phải kính nể.

Đây là hình thức độc tài phi lý, tự nhiên cho mình là số một, vì không phải tất cả những người thuộc giai cấp Bà-la-môn đều toàn thiện; và cũng không phải tất cả những người thuộc giai cấp khác là bất thiện. Họ thuộc lòng kinh Vệ-đà, chuyên lo các nghi lễ cúng tế, để cầu được phước báu, tránh tai họa, mong khi mạng chung được sanh về cõi trời Phạm Thiên. Do vậy, không thấy được giá trị nội tại của con người trong việc nỗ lực tu tập, chuyển đổi từ phàm tục thành thánh nhân.

Ngoài Bà-la-môn giáo, còn rất nhiều giáo phái khác với những chủ trương khác nhau, tựu trung và nổi bật nhất là sáu giáo phái lớn thịnh hành, thời Đức Phật gọi là “Lục sư ngoại đạo”, để tránh lầm lẫn với giáo lý của Đức Phật.

1- San Xà Da Tỳ La Chi Tử (Sanjaya Belatthiputta): Giáo phái này chủ trương Bất khả tri (Hoài nghi) và Thích ứng. Họ cho rằng tri thức con người không thể đạt được chân lý tuyệt đối, chỉ có chân lý tương đối tùy theo hoàn cảnh, không gian và thời gian. Người tu chẳng cần cầu đạo cao siêu, không cần tìm hiểu chân lý tuyệt đối, vì không thể được. Chỉ cần ăn ở hiền lành theo phong tục, tập quán bình thường, trải qua tám muôn kiếp tự nhiên chứng đắc. Hai vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên ở trong giáo phái này trước khi về với Đức Phật.

Như vậy giáo phái này chỉ có thể giúp người tu trở thành người tốt trong xã hội, chứ không thể đạt đến giác ngộ và gải thoát.

2- A Kỳ Đa Xí Xá Khâm Bà La (Ajita Kesakmabala): Chủ trương Duy vật, Đoạn diệt và Khoái lạc, phủ nhận lý nhân quả. Họ cho rằng con người chỉ là do bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa tạo thành. Khi chết, bốn yếu tố này tan rã, không còn gì cả, chết là hết, ngoài ra không có thiện ác, họa phước, nhân duyên, quả báo, quá khứ, vị lai gì cả. Mục đích con người chỉ là hưởng lạc thú khi còn sống.

Chủ trương này nguy hiểm, chỉ biết thụ hưởng dục lạc thấp hèn, bất chấp tất cả, dễ tạo ra một xã hội rối ren, hỗn loạn, những cá nhân đồi trụy, ác độc, nhẫn tâm,... không biết học tập, trau dồi những đức tánh cao thượng.

3- Mạt Già Lê Câu Xá Lê Tử (Makkhali Gosaleiputta): Chủ trương thuyết Tự nhiên. Thế giới và chúng sanh đều sanh ra theo luật tự nhiên. Các khổ vui và vận mạng con người đều do những quy luật vận hành tự nhiên. Con người không thể cưỡng lại được, tốt hơn hết là thuận theo như vậy, qua 8.400.000 kiếp tự nhiên giải thoát.

Theo chủ trương này, con người chẳng cần nỗ lực trau dồi, tu học gì, không cần sáng kiến, khổ công lao động xây dựng gì cả, cứ thụ động thả trôi theo dòng đời sanh già bệnh chết.

4- Phú Lan Na Ca Diếp (Purana Kassapa): Chủ trương không có giá trị đạo đức, không có nghiệp báo thiện ác. Đây tất cả chỉ là quan niệm sai lầm do con người bày đặt ra để lừa gạt.

Như vậy thì không không cần tu học, vì chẳng có gì là thiện ác, ai muốn làm gì cứ làm. Chủ trương này dẫn đến một xã hội rối loạn, giặc giã và trộm cướp.

5- Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên (Pakudha Kaccana): Chủ trương con người không thật có, mà chỉ là sự phối hợp 8 yếu tố bất sanh bất diệt là đất, nước, gió, lửa, không gian, khổ, vuilinh hồn. Sống và chết chỉ là quy tụ hay phân tán của 8 yếu tố trên mà thôi. Mạng sống và khổ vui của con người do cõi trời Tự Tại Thiên tạo ra và quyết định.

Như vậy, con người chỉ là sản phẩm, hay nói cách khác, chỉ là con rối trong tay Tự Tại Thiên điều khiển, không thể có sáng kiến hay tự quyết định được gì cả. Chẳng khác gì thuyết định mệnh mà thôi!

6- Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử (Nigantha Nataputta): Chủ trương không sát sanh, cấm giết sinh vật để cúng tế, khổ hạnh tối đa, không mặc quần áo. Vận mạng đời này do đời trước tạo ra, không thể do tu hành mà thay đổi được. Tu hành trong kiếp này là để tạo phước cho đời sau, đến khi hết nghiệp là được giải thoát.

Chủ trương này có nhiều điểm hay nhưng vẫn còn kẹt trong kiến chấp nên không thể đạt đến giải thoát. Khó tùy thuận, hòa đồng, do sống lõa thể nên gây nhiều bất bình, chướng mắt trong xã hội...

Như vậy, lược qua “Lục Sư Ngoại Đạo” thời Đức Phật, với những chủ trương về thế giới, về con người, về việc tu tập,...có lẽ ai trong mỗi chúng ta đều đã từng theo một trong những giáo phái ấy, hoặc theo hai đến ba giáo phái trong đó. Không phải ngày xưa, mà trải qua suốt chiều dài lịch sử nhân loại, mỗi cá nhân đều dù không thọ giáo môn phái, thì trong tư tưởng đều đã từng là “đệ tử” của “Lục Sư Ngoại Đạo”. Đến thời bây giờ của thế kỷ XXI, trên thế giới cũng đang có hàng ngàn triết thuyết, hàng ngàn giáo phái với rất nhiều vị xưng là giáo chủ, cũng không ngoài những chủ trương của “Lục Sư Ngoại Đạo” thời xưa.

Nếu để ý quan sát, sẽ thấy rằng bây giờ nhiều quốc gia, vùng miền, hoặc các tôn giáo tựu trung cũng không ngoài chủ trương của sáu phái ngoại đạo. Do chủ trương kiến chấp như vậy, họ hành dụng và tạo cộng nghiệp và biệt nghiệp cho mình, nhân quả nghiệp báo xoay vần trong ba nẽo sáu đường.

May mắn và cũng hi hữu thay cho nhân loại, một đại sự nhân duyên cho chúng sinh, Đức Phật ra đời. Với trí tuệ siêu việt của Bậc Toàn Giác, Ngài chỉ ra kiến chấp mê lầm xưa nay, chỉ ra con đường giải thoát mà chúng sanh bí lối từ vô lượng kiếp, mở ra kho tàng Tri Kiến Phật vô sanh bất diệt nơi mỗi chúng sanh.

Ngẫm chuyện xưa về “Lục Sư Ngoại Đạo” trên vấn đề lịch sử, mỗi người tự biết bản thân mình trong vô lượng kiếp trải qua, vô minh che mờ, đã từng đi theo những giáo phái ngoại đạo như vậy. Đức Phật ra đời trên hai ngàn năm trăm năm, qua nhân duyên dưới cội Bồ đề, đã chỉ ra con đường giải thoát. Chư Tổ nối tiếp, khai thị con đường Giác ngộ, chỉ thông một con đường sáng tỏ, không còn mê lầm trong mạng lưới kiến chấp. Rõ ràng, Đạo Phật xuất hiện như vầng dương phá tan màn đêm u tối trải qua bao ngàn năm, như tiếng rống của sư tử chúa rền vang Chánh Pháp, làm cho muông thú ngoại đạo khiếp sợ, rụng rời.

Sư tử hống, thuyết vô úy

Trăm thú nghe qua xé óc tủy

Hương tượng chạy dài hết liệt uy

Thiên Long lặng ngóng lòng hoan hỉ.

(Chứng Đạo Ca)

Vậy những ai đã đủ duyên lành đi trên con đường mà Bậc Đạo Sư hướng dẫn? Hay đa số vẫn còn lặn hụp trong mớ bòng bong kiến chấp của “Lục Sư Ngoại Đạo” cho đến bây giờ? Và lời dạy của Thánh nhân còn văng vẳng “Nhân như vậy, Duyên như vậy, Pháp ấy như vậy!”. Mỗi người gieo nhân và tự chịu trách nhiệm với bản thân mình.

Trên con đường tu học, “Lục Sư Ngoại Đạo” tự nơi mỗi người có một cách nhìn thực tiễn để áp dụng hành trì. Trong kinh Pháp Hoa, Mười phương Chư Phật, khác miệng đồng lời, nhắc nhở ngài A Nan: “Này A Nan, dẫn ông đi vào lục đạo luân hồi, chính là sáu căn của ông; mà cửa mở lối Giải thoát, Niết Bàn, cũng chính nơi sáu căn của ông, chứ không ai khác”.

Vậy nơi mỗi người vốn sẵn “Lục Sư Ngoại Đạo” nơi sáu căn phóng chạy theo theo trần cảnh, quên mất bản Tâm, uổng chịu luân hồi. Sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý luôn nắm bắt, rong ruổi trần lao. Tỉnh giác, phòng hộ sáu căn thật quan trọng. Một khi bất giác, là “Bấy lâu làm khách phong trần mãi, Ngày một xa quê muôn dặm trình”, là đi theo ngoại đạo, chẳng biết con đường Thế Tôn chỉ dạy.

Rong ruổi tìm cầu bên ngoài, dù tìm cho được Chân Như, Bồ Đề nào đó, thì vẫn là cái bên ngoài, vẫn chỉ là đối tượng của sáu căn, chẳng dính dáng gì đến “Chỉ một việc này Thật - Có hai chẳng phải Chơn” trong kinh Pháp Hoa, đức Phật ngầm nói đến.  Pháp giới mênh mông không qua mười tám giới: Sáu Căn + Sáu Trần + Sáu Thức. Bát Nhã Tâm Kinh đã chỉ rõ: “Không mắt tai mũi lưỡi thân ý, không sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới,... cho đến không có ý thức giới...”. Như vậy còn mong tìm cầu gì ở Thập Bát Giới ? Dù có tìm ra một thứ gì thì cũng chỉ là đối tượng để thỏa mãn dục vọng của bản ngã, cũng chỉ là thú vị hấp dẫn của sáu căn mà thôi! Vì tất cả hiện tướng thân tâm và thế giới (Tâm cảnh) đều là tương tác của Căn - Trần - Thức.

Tâm là căn, pháp là trần

Ví như ngấn bụi ám gương trong

Bao giờ ngấn hết gương trong lại

Tâm cảnh đều quên rõ Tánh Chân

(Chứng Đạo Ca)

Trở về nguồn là bổn phận người tu, từ kinh điển cho đến kinh nghiệm của các Tổ sư đều nhắc nhở: Pháp môn “Phản văn văn Tự Tánh” của Bồ tát Quán Thế Âm trong kinh Lăng Nghiêm; Trên hội Linh Sơn, Đức Phật lặng lẽ đưa lên một cành hoa sen; Lời dạy “Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” của Tuệ Trung Thượng Sĩ,… đều dạy mọi người trở về nơi Tự Tánh chính mình, chốn bình yên lặng lẽ tự ngàn xưa.

Trong kinh Lăng Nghiêm có hai câu kệ rất tuyệt vời, được ví như viên linh đơn chuyển đổi cốt phàm, rõ được câu xuất thần là chuyển từ phàm lên bậc Thánh:

Tri kiến lập tri tức vô minh bổn,

Tri kiến vô kiến tư tức Niết Bàn”                   

Thấy biết mà lập thấy biết, đó là gốc của vô minh

Thấy biết mà không lập thấy biết, ngay đó Niết Bàn.

Hãy trả lại sự thấy biết nguyên vẹn, Minh Kiến trọn vẹn vốn là như vậy, chẳng thêm bớt gì. Các vị Tổ sư thì quở trách bằng câu “Trên đầu lại mọc thêm đầu”.

Tập nghiệp thói quen của con người là từ cửa ngõ sáu căn, luôn phóng ra rong ruổi tìm cầu, mà chưa từng biết quê nhà bình yên nơi Bản vị. Đức Phật bao nhiêu lần dặn dò: “Người nào dùng sắc cầu ta, dùng âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, chẳng thể thấy Như Lai”, vậy thì tìm sắc, thanh, rồi hương, vị, xúc, pháp để mong cầu Như Lai thì rơi vào ngoại đạo.

Có thể tìm thấy những lời dạy trở về gốc Pháp như vậy ở rất nhiều bộ kinh: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Kinh Kim Cang), Lời Phật khai thị cho ông Bàhiya Dàruciriya: Trong cái thấy chỉ là thấy, trong cái nghe chỉ là nghe…”, rồi qua Kinh Lăng Nghiêm “Kiến du ly kiến, Kiến bất năng cập”)…

Xin mượn hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ Qua Đèo Ngang, rất gần với đạo:

Dừng chân đứng lại, trời non nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta

Tạm dừng bài viết ở đây, cũng là dừng lại trên con đường rong ruổi theo ngoại đạo, qua giai thoại thầy Mã Tổ Đạo Nhất khai thị cho học trò Bá Trượng Hoài Hải:

 Buổi chiều, hai thầy trò dạo núi. Một bầy vịt trời bay qua, Mã Tổ hỏi:

- Cái gì vậy?

- Thưa thầy, bầy vịt trời.

Một lát sau, bầy vịt trời bay khuất về phía chân trời, Mã Tổ lại hỏi:

- Đâu rồi?

- Dạ bay qua mất rồi.

Mã Tổ quay lại tiện tay véo mạnh vào mũi ngài Bá Trượng, Bá Trượng đau quá la lên:

- Đau quá! Xin thầy thả ra.

Mã Tổ gằn giọng:

- Sao bảo bay qua mất rồi!

Ngay đây tổ Bá Trượng ngộ đạo, quỳ sụp đảnh lễ thầy mình.

Vậy thì, vẫn là: “Đạt giả lại qua Niết Bàn lộ”. Tự ngàn xưa vẫn ngay nơi chính mình đây thôi, chẳng nhọc công lang thang, mong cầu nơi “ngoại đạo”!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6712325