Thông tin

LÝ NHÂN QUẢ VÀ ẢNH HƯỞNG “VĂN HÓA”

LÝ NHÂN QUẢ VÀ ẢNH HƯỞNG “VĂN HÓA”

 

TUỆ LẠC

 


 

“Lý nhân quả” trong nhà Phật không phải là một “tín điều” (doctrine). Nó không tượng trưng cho cán cân công bằng thưởng phạt, của một linh quyền tạo hóa toàn năng nào cả. Nó cũng không phải là một giáo thuyết (enseignements religieux), do vị "giáo chủ" là đức Phật sáng chế ra, để làm nền tảng cho những lập luận giảng đạo, dựa trên luật vay trả, hằng mong ước của con người.

Mà lý nhân quả trong nhà Phật là một tiến trình tự nhiên của phản ứng lý hóa, nghĩa là một nguyên hành khoa học thuộc về tâm và vật.

Qua cái nhìn ấy, người Phật tử nhận thấy "lý nhân quả theo Phật giáo bao giờ cũng nghiệm đúng". Nó xác định nguyên tắc "có quả thì phải có nhân", hay ngược lại "không nguyên nhân nào mà chẳng đưa đến hậu quả". Hậu quả ấy, trong 1 số trường hợp, có thể tương xứng với nguyên nhân, nghĩa là hợp lý. Và trong 1 số trường hợp khác có thể bất tương xứng (khi đối chiếu với nguyên nhân), hay bất hợp lý.

Trong khi 2 thuật ngữ nghịch nghĩa của Tây phương là "Logique" và "Illogique", tương đương với cặp từ Hán Việt, là "hợp-lý" và "bất-hợp-lý", đang tỏ ra rất thông dụng trong các giới khoa học, nhất là các giới chuyên nghiên cứu về "Causalité de la matière" (1), thì nhóm chữ "lý nhân quả" trong nhà Phật, vì bị coi thường (hay bỏ quên) cái yếu tố tối quan trọng, là thực tế trợ duyên hay văn hóa, nên làm cho người ta khi nghe nói, cảm thấy nó thuần túy "tôn giáo" (như thuộc về linh quyền thưởng phạt), hay nó chỉ nằm trong lãnh vực luân lý xã hội mà thôi.

(1) Tự điển Le Petit Larousse Illustré đã định nghĩa: "Causalité (du phénomène) de la matière" est le "Rapport qui unit la cause à l’effet". Donc "Les mêmes causes dans les mêmes conditions produisent les mêmes effets".

Tạm dịch: "Nhân quả (của hiện tượng vật chất) là mối liên hệ, kết từ nguyên nhân đến hậu quả". Và từ đó suy ra: "Những nguyên nhân giống nhau trong những điều kiện giống nhau thì cho ra những hậu quả giống nhau".

Để đầy đủ hơn, chúng tôi xin nêu câu hỏi bổ túc vấn đề rằng: "Nhưng nếu những nguyên nhân giống nhau, lại xảy ra trong những điều kiện (trợ duyên = văn hóa) khác nhau, thì kết quả sẽ ra sao ?" (= "Mais si les mêmes causes ne se déroulent pas dans les mêmes conditions, alors quels effets?").

Chúng ta không cần phải chờ tự điển "Le Petit Larousse Illustré" đồng ý rằng: Nếu những nguyên nhân giống nhau, diễn ra trong những hoàn cảnh khác nhau, thì hậu quả phải sai biệt, khác đi!

Rồi lắm trường hợp xảy ra giữa đời sống hằng ngày: "Người ăn hiền ở lành thì gặp nhiều bất hạnh, và kẻ gian manh hiểm ác, lại thường được phát đạt, may mắn, bình an…", càng làm cho tư tưởng chuộng hợp lý của con người phân vân hơn nữa.

Chưa kể một số cá nhân chuyên lạm dụng thực tế phản đạo đức để trục lợi, liền dựa vào đó, xuyên tạc kết luận rằng : "Luật nhân quả nói chung, hay lý nhân quả trong nhà Phật nói riêng, chỉ là chuyện suy tưởng hoang đường, hứa hẹn kiếp sau, an ủi hão huyền, nghe "công bằng trên lý thuyết", nhưng xa vời thực tế…."

Lối bài bác ấy tỏ ra khá "hiệu lực", đối với những người chỉ quan niệm lý nhân quả một cách đơn giản, cứng ngắc, xem đó như một "quy luật bất biến". - Kiểu nhắm mắt nói rằng: "Làm việc lành thì luôn luôn sẽ hưởng trọn quả lành, còn phạm điều ác thì chắc chắn phải nhận đủ quả xấu" (?).

Mà họ không biết hay không chú trọng đến các yếu tố hoàn cảnh, tương duyên, liên đới, tức thực tế xã hội (= văn hóa).

Các yếu tố nầy rất quan trọng, nhưng hầu hết người ta lại coi thường. Tỷ như tin rằng "hễ đường tốt bột tốt, thì cái bánh nhất định sẽ ngon", mà không cần nghĩ đến các yếu tố cần thiết như nhiệt độ, nghệ thuật làm việc, lẫn phương tiện trộn và nhồi bột.

Trên thực tế, các yếu tố ấy mới chính là "môi trường biến hóa ra" tất cả diễn tiến "từ đường bột đến cái bánh" hay "từ nhân đến quả".

Nghĩa là khi nghiên cứu cặn kẽ vào lý nhân quả một cách khoa học, qua thực tế đời sống, với những điều kiện biến thiên giữa tâm và vật, nằm trong tiến trình tương duyên không phải một chiều, mà là xoay chiều (chu kỳ), được hoàn cảnh thực tại "pha trộn", từ nhân đến quả, rồi từ quả đến nhân, thì chúng ta sẽ nhận thấy lý nhân quả trong nhà Phật là một "phương trình biến dịch toàn diện".

Phương trình ấy có thể viết ra một cách rõ ràng : nhân cộng với duyên thành ra quả (a+b=c), chứ không phải "nhân nào quả nấy" (a=a'), như một số người thường tưởng. Từ NHÂN đến QUẢ phải xuyên qua duyên. Vì vậy, "phương trình tổng quát" của lý nhân quả ấy, vốn chứa tất cả các "ẩn số" ắt có và đủ, hợp lý lẫn bất hợp lý, tương xứng lẫn bất tương xứng.

Những ẩn số ấy luôn luôn bị thay đổi tùy theo các điều kiện tương duyên (tức là tùy theo "dẫn số" b), cấu kết giữa nhân và quả, trên một hay nhiều chu kỳ.

Các điều kiện tương duyên ấy rất quan trọng, vì nó dự phần chính vào việc nghiệm đúng hay làm sai biệt “đáp số” dưới dạng kết quả.

Thử nêu vài ví dụ:

* Anh A có lượng hạt giống tốt. Nói chung thì hạt tốt phải sinh cây và trái tốt (hiểu theo kiểu cứng ngắc "nhân nào quả nấy"). Vì tin như vậy (giả dụ thế) nên anh A đã chẳng quan tâm đến trợ duyên, đem hạt tốt thờ ơ gieo trên chỗ đất tầm thường, hay độc địa sỏi đá. Anh lại ít chăm sóc, cứ để cho nó "tự nhiên phát triển". Kết quả đến mùa anh gặt hái chẳng bao nhiêu, và quả thu lượm cũng không sung tốt như anh tin tưởng.

* Trái lại, anh B chỉ có những hạt giống không xuất sắc, hay tương đối xấu. Trên nguyên tắc thì hạt xấu khó mọc, và nếu mọc thì cây sẽ yếu ớt, không thể cho trái tốt được (lại cũng "nhân nào quả nấy"). Nhưng anh B nhờ có tinh thần quan sát, biết được giá trị của hoàn cảnh trợ duyên. Anh cẩn thận tìm chỗ đất thích hợp để gieo hạt. Anh cũng theo dõi, chăm sóc cây từ lúc nẩy mầm, thường xuyên bón phân tưới nước…, nên đến mùa, anh thu hoạch khá tốt, và quả mới còn chứa hạt giống cho kỳ sau, tốt hơn hạt giống trước rất nhiều.

Ý nghĩa cụ thể của hai thí dụ trên đây, tuy tầm thường, thuộc về vật chất, nhưng ám chỉ (nghĩa bóng) của nó lại rất quan trọng, trong lãnh vực xã hội biến hóa tâm linh con người (trừu tượng).

Ám chỉ ấy đã thường được đức Phật nhắc đến, một cách trực tiếp hay gián tiếp, qua nhiều bài pháp, nhằm diễn tả tác ý (nhân) phát ra hành động (quả) nơi thân và tâm thức của một con người, bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xã hội đang sống, để sinh ra thục quả ra sao.

Nhất là chúng ta tìm thấy phản ảnh của các ám chỉ ấy trong các bộ kinh phổ thông, thuộc Tam Tạng Pāḷī (Tipitaka) lưu lại, như Túc Sinh Truyện (Jātaka), còn gọi là kinh Bổn Sinh (thuật lại mối liên quan với tiền kiếp), kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta) nói về 62 loại cố chấp (tà kiến) đóng khung, mê tín, dị đoan, và kinh Sa Môn Quả (Sāmaññaphala Sutta), nói về phúc lộc xứng đáng nhãn tiền, hay quả báo sẽ đến trong kiếp sau, của các bậc sa môn tinh tấn tu hành, nghiêm trì giới luật, hoặc của thiên chúng, hay của thiện nam tín nữ, cư sĩ tại gia sống đời tịnh hạnh…v...v…

Mục đích của các kinh Phật ấy, là nêu lên vai trò then chốt của những điều kiện trợ duyên trong lý nhân quả, tức hoàn cảnh thân cận tương quan, chứa đựng những va chạm sống, của con người.

Nói cách khác, NIỀM TIN trong hoàn cảnh văn hóa, kinh tế, xã hội là điều kiện trợ duyên chính, là yếu tố biến đổi một cách sâu xa cả "hai cực" nhân và quả.

Hiệu lực biến đổi hùng hậu và đa dạng ấy, của những sinh hoạt tương duyên hiện hữu, không ngừng chuyển hóa tâm và vật, trong ý thức của mỗi cá nhân, qua các trợ lực thuận hay nghịch trong xã hội.

Thuận (lành mạnh) thì bổ khuyết, điều chỉnh, cải thiện cho hành động làm nghiệp nhân, tức là dẫn ra lối sáng (tăng trưởng quả phúc). Và nghịch (tà kiến thì biến thành chật hẹp, kềm chế, ngăn trở, che khuất sáng suốt, đẩy pháp hành trong hiện tại vào bóng tối (làm giảm, làm cho trổ quả trổ lệch chiều, hay triệt tiêu quả phúc).

Ðó chính là “đầu mối” của những “đáp số” sai biệt. Nghĩa là cùng một nhân, mà trường hợp nầy thì chúng cho quả (đáp số) tương xứng, nhân nào quả nấy, hợp lý hay tốt hơn. Còn trường hợp khác, thì chúng hiện ra quả xấu, đáp số bất tương xứng, nhân một đàng quả một nẻo, nhân cao quả thấp, hay bất hợp lý.

Nói cách khác, nhân lành mà hợp với duyên lành (thuận = soi sáng) thì mới sinh được quả lành, còn nhân lành mà gặp phải duyên dữ (nghịch = có tham, sân, tà kiến, vô minh), thì sẽ sinh ra quả xấu.

”Duyên lành” đối với con người, là được sinh ra trong một gia đình có chánh kiến, đạo đức, hoặc được gần gũi bạn hữu sáng suốt, lương thiện, quốc gia văn minh, cởi mở, và nhất là được hướng dẫn bởi thầy tổ trong sạch, thanh tịnh, chân tu. Nghĩa là được sống trong một khung cảnh sinh hoạt, mà định hướng hành động của con người được đặt nền tảng trên giá trị đạo đức.

Về phương diện xây dựng xã hội, muốn duy trì văn minh tiến bộ, thì duyên lành ấy phải được coi trọng vào hàng đầu. Sau duyên lành (trợ duyên hiện tại có soi sáng), mới kể đến cái nhân nghiệp của tiền kiếp, đã cho quả tốt khả dĩ, “giúp” một người được tái sinh bình thường, có đầy đủ ngũ quan cảm giác, không bị tàn tật trong kiếp nầy. -Cuối cùng mới nói đến sự trông cậy vào kết quả, của những thiện nghiệp mà con người đã tạo trong quá khứ, hay đang làm trong hiện tại.

Tâm lành, (như thực thà, thương người, từ bi, tin tưởng), tuy là cái nhân tốt, nhưng nếu khi hành động thiếu trí tuệ và dũng lực (tức thiếu hiểu biết sáng suốt, và thiếu can đảm, sợ trở ngại, hay vì “nể” người, không muốn bị mích lòng… rồi làm), thì hành động ấy chẳng khác nào anh A trong thí dụ gieo hạt nói trên. Hạt giống (nhân) dù tốt đến đâu mà chẳng gặp đất thích hợp (bất thiện thổ), thì chưa phải là yếu tố quyết định sự gặt hái (quả) như ý muốn.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 70
    • Số lượt truy cập : 6797660