Thông tin

LÝ - TRẦN MỘT THUỞ... HƯƠNG THIỀN NGÀN NĂM

LÝ - TRẦN MỘT THUỞ...

HƯƠNG THIỀN NGÀN NĂM

 

PGS. TS TRẦN HỮU TÁ

 

 

 

(LTS) Hương thiền ngàn năm của nhà thơ Trần Quê Hương (Hòa thượng Thích Giác Toàn) được Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh ấn hành. Đây là tinh tuyển thơ văn của các thiền sư thời Lý - Trần, như: La Quí, Pháp Thuận, Khuôn Việt, Vạn Hạnh... Tất cả thơ văn sáng tác bằng chữ Hán của các thiền sư được nhà thơ Trần Quê Hương chuyển sang văn vần với thể lục bát - thể thơ truyền thống của dân tộc.

Để chuyển tất cả thơ văn của các thiền sư thời Lý - Trần qua thể lục bát dễ thuộc, dễ nhớ, nhà thơ Trần Quê Hương đã đọc và suy gẫm gần như tất cả một đời người. Với nhà thơ Trần Quê Hương:

Ngàn năm còn mãi câu thơ

Ngàn năm còn mãi niềm mơ... đẹp, hiền

Ngàn năm dấu ấn hiện tiền

Ngàn năm hương sắc diệu huyền non sông

Ngàn năm tươi thắm Thăng Long

Ngàn năm rạng rỡ con Rồng cháu Tiên

Ngàn năm mầu nhiệm thiêng liêng

Ngàn năm nở nụ pháp duyên Ta bà

Thơ thiền bát ngát hương sa

Lý - Trần một thuở... chan hòa thiên thu.

Tạp chí Từ Quang xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS. TS. Trần Hữu Tá về cuốn sách Hương thiền ngàn năm của nhà thơ Trần Quê Hương.

 

Vài dòng cảm nghĩ

 

Tôi ngạc nhiên và sung sướng khi được nhà thơ Trần Quê Hương trao tặng bản thảo tập Hương thiền ngàn năm. Nói là "ngạc nhiên" vì từ non 80 năm nay, nhhiều thế hệ tao nhân mặc khách, học giả thi nhân đã đầu tư không ít công sức vào việc dịch những áng thơ kỳ diệu của hai triều đại Lý - Trần - một mảng tác phẩm rất "đời", thấm đẫm tinh thần tự cường tự chủ, dạt dào lòng tự hào dân tộc và một mảng sáng tác rất "đạo" thấm đẫm chất nhân văn, đưa người đọc vào thế giới thinh thần tuyệt đối vô trùng, cùng hướng tới vầng sáng lung linh của "chân - thiện - mỹ".

Nói đến mảng thứ hai - giới nghiên cứu quen gọi là "Thơ Thiền Lý Trần", tôi nghĩ đến thành tựu dịch thuật của các vị thiền sư, hòa thượng, như Mật Thể, Thanh Từ, Nhất Hạnh, Thanh Kiểm... của các bậc túc nho như Ngô Tất Tố, Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình, Nguyễn Đổng Chi, Hoa Bằng... của các nhà thơ Hán học uyên thâm như Nam Trân, Hoàng Trung Thông... Vài mươi năm gần đây, các nhà nghiên cứu đương đại như Nguyễn Huệ Chi, Phạm Trí Châu, Kiều Thu Hoạch, Ngô Đức Thọ, Đỗ Văn Hỷ, Băng Thanh... cũng đã có những cống hiến đáng quý...

Và giờ đây, đến sự góp sức của nhà thơ Trần Quê Hương. Có chậm quá chăng? Tôi ngờ là không. Bởi lẽ, với quốc bảo vô giá như mảng thơ này, chắc chắn bây gời và mai sau sẽ có không ít người tiếp tục chăm chút, điểm tô cho nó để nó trở thành người bạn đồng hành với nhân dân.

Nói là "sung sướng", vì thấy ông đã chọn một hướng đi mới để tiếp cận với thơ Thiền Lý - Trần và để cho người yêu thơ - đặc biệt là đông đảo công chúng bình dân dễ dàng đến và nhớ, quen và yêu những sáng tạo tinh thần cao vời, sâu thẳm của tiền nhân: ông đã chuyển tất cả sang thơ lục bát - thể thơ truyền thống đã ngàn năm thân thương quen thuộc với muôn triệu người đọc Việt - từ những nông dân áo vải đến các bậc đại khoa bác học.

Chuyển thơ ngũ ngôn, thất ngôn đã khó; chuyển "phú" - như Vịnh Vân Yên Tử phú của Thiền sư Huyền Quang, một loại hình văn xuôi giàu chất thơ sang lục bát càng khó hơn. Thậm chí đến các bài văn xuôi ý nghĩa thâm viễn như các bài tựa sách của vị Thiền sư - Hoàng đế - Anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông (Thiền Tông  chỉ nam, Kim Cương Tam Muội kinh tự) sang được thể thơ bình dị này thì quả là thiên nan vạn nan.

Chấp nhận những thách thức dễ thương nhưng khó vượt đó, nhà thơ Trần Quê Hương đã lặng lẽ lên đường. Lặng lẽ nhưng không đơn độc, vì luôn ở trong tim ông - ta có căn cứ để tin - ngụt cháy lòng sùng đạo và tình yêu thơ.

Ông đã tâm sự với người đọc "dù cố gắng nhưng không thể nào diễn đạt được hết thâm nghĩa vi diệu và uyên áo, những cảm hứng siêu thoát trong các tác phẩm của chư vị Tổ sư, Thiền sư. Trong phần chuyển thơ lục bát, chắc chắn sẽ không tránh ít nhiều nhầm lẫn, non kém". Với bản chất khiêm tốn của mình, Hòa thượng - thi sĩ Trần Quê Hương (Pháp danh Thích Giác Toàn) đã hơi quá lời. Có thể tìm thấy trong 120 bài thơ văn trong tập Hương Thiền Ngàn Năm  không ít bài đã được chuyển thơ thanh thoát, ý vị.

Chẳng hạn, bản dịch từ một kiệt tác của thiền sư Không Lộ: bài tứ tuyệt Ngôn hoài. Nguyên tác như sau:

Trạch đắc long xà khả địa cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thời trực hướng cô phong đĩnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Bản dịch với một chút phóng bút:

Chọn nơi linh địa an cư

Ngày ngày vui thú hương từ tình quê

Chiều nhàn hướng đỉnh sơn khê

Ngân dài một tiếng tái tê đất trời.

Một bài thơ khác - Tặng sĩ đồ đệ tử (tặng con em làm quan) của Thiền sư Huyền Quang:

Phú quý phù vân tri vị đáo

Quang âm lưu thủy cấp tương thôi

Hà như tiểu ẩm lâm tuyền hạ

Nhất tháp tùng phong, trà nhất bôi.

Bàn dịch, cũng với một chút phóng bút:

Giàu sang như áng mây trời

Tháng ngày lặng lẽ cuộc đời qua nhanh

Chi bằng rừng suối ẩn danh

Giường thiền mát mẻ, trà thanh ấm lòng.

Vẻ đẹp tuyệt vời của hai viên ngọc thơ vẫn được bảo toàn. Người đọc vẫn cảm nhận đầy đủ tâm thế của hai vị Thiền sư khả kính. Các vị đã rũ bỏ mọi phiền trọc của cõi vô thường, tuyệt nhiên không bị ảnh hưởng bởi "thất tình, lục dục", xác định cho mình một cách sống an nhiên tự tại, để rồi khai phóng đến tận cùng trí tuệ tâm linh.

Ở trên chúng tôi đã dùng không phải tình cờ hai lần từ "phóng bút". Vâng, đây có lẽ là sự dụng tâm đầy ý thức của nhà thơ Trần Quê Hương. Vì vậy, trong không ít trường hợp, ông không bị ràng buộc bởi số câu. Điều chủ yếu ông nhắm tới có lẽ là muốn chuyển tải một cách dung dị, dễ nhớ thần thái của nguyên tác. Điều thú vị là có sự gặp gỡ tình cờ giữa ông và một số dịch giả khác. Chẳng hạn, hai câu thơ của Khuông Việt đại sư. Người xưa thuật lại, một hôm có người học trò là Đa Bảo hỏi thầy về sự khởi đầu (thủy) và kết thúc (chung) của việc học đạo. Thay vì diễn giải dài dòng, vị Thiền sư đáng kính đã đọc hai câu:

Thủy chung vô vật diệu hư không

Hội đắc chơn như thể tự đồng.

Người định nhấn mạnh: vạn vật đồng nhất với cái bản thể vũ trụ (chân như). Nó trường tồn, không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Từ hai câu thất ngôn đó, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã chuyển thành 4 câu ngụ ngôn:

Sau trước có gì đâu

Hư không mới nhiệm mầu

Chân như bằng hiểu được

Tâm thế cũng như nhau.

Nhà thơ Trần Quê Hương chuyển sang 3 cặp câu (6 dòng) thơ lục bát:

Trước sau không vật không hình

Chân như tương hội lý tình đều không

Ma ha Bát nhã tương đồng

Chân như thể nhập hư không một nhà

Nam mô Bát nhã Ba la

Mười phương pháp giới một nhà hư không.

Có thể băn khoăn về sự phóng túng của bản dịch, nhưng dễ dàng thống nhất với nhau: ý tưởng cao vời của nguyên tác vẫn được dịch giả nhất mực tôn trọng.

Tôi hoàn toàn chia sẻ với sự băn khoăn, trăn trở của nhà thơ Trần Quê Hương khi ông nói đến khả năng đây đó việc chuyển thơ ông đang làm một cách say mê có thể rơi vào tình trạng "nhầm lẫn, non kém". Quả là để đạt đến cái ngưỡng của chuẩn mực "tín, đạt, nhã" chắc chắn ông còn phải tiếp tục gia công.

Tôi tin trong những ngày tới, khi có đôi khoảnh khắc thư nhàn hiếm hoi chen giữa một chuỗi Phật sự chất chồng và những hoạt động xã hội dồn dập, nhà thơ sẽ tiếp tục tự nguyện "hành hạ" mình để có những áng thơ dịch đẹp hơn, chinh phục người đọc hơn. Tôi tin như thế.

Còn giờ đây, xin những người yêu thơ chúng ta hãy cùng nhà thơ Trần Quê Hương ngược dòng một thiên niên kỷ lịch sử, thăm lại khu thượng uyển thi ca của tổ tiên, để cùng hòa mình trong hương thơm cao quý của mảng thơ Thiền và để trân trọng một phong cách chân thành kỷ niệm Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, khiêm cung bình dị nhưng rất văn hóa, sang trọng; không phô trương hình thức mà rất có chiều sâu của vị Hòa thượng - thi sĩ quý mến của chúng ta.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 33
    • Số lượt truy cập : 6367575