Thông tin

MẢNG SÁNG TÁC THƠ CA CỦA CƯ SĨ THIỀU CHỬU

 

VŨ TUẤN SÁN

 

"Thế kỷ này đã được hai năm"

Nhà đại thi hào kiêm đại văn hào nước Pháp Victor Hugo đã mở đầu một bài thơ nổi tiếng "Thế kỷ này đã được hai năm" ("ce siecle avait deur ans) để ghi lại năm sinh của mình. Câu thơ có thể áp dụng cho đời sống cư sĩ Thiều Chửu, nên hiểu thế kỷ này là thế kỷ XX, không phải là thế kỷ XIX như đối với Victor Hugo.

Dĩ nhiên về mặt văn nghiệp và đời sống hai người khác hẳn nhau, nhưng có thể nói hai người có chỗ gặp nhau ở lý tưởng nhân bản, nhằm phục vụ hạnh phúc con người. Phương tiện dùng để thực hiện lý tưởng có khác. Víctor Hugo dùng sáng tác văn học. Thiều Chửu phần hoạt động văn học chỉ là thứ yếu. Ông đã đem cả cuộc đời dành cho lý tưởng, không nghĩ tới mình, từ bỏ mọi thú vui cá nhân, thú vui thông thường, không vợ con nhưng từ nhỏ đã chú ý việc giúp đỡ gia đình, đến tuổi trưởng thành nguyện theo đạo Phật, dành cả cuộc đời cho việc "hoằng pháp cứu nhân". Có thể nói Thiều Chửu chủ yếu là một người hoạt động xã hội, ngay từ những buổi đầu gắn đời mình vào lý tưởng Thích Ca. Ông mở hiệu sách thêm xưởng in nhỏ để giải quyết vấn đề kinh tế đại gia đình, đồng thời in kinh Phật do ông dịch, và bán rẻ giấy bút cho học trò ở trường Sinh Từ (nay ở phố Nguyễn Khuyến), tiếp đó ông đã tham gia thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ (PGBK), hiến máy in của mình cho Hội để in báo Đuốc Tuệ, được Hội tín nhiệm cử tham gia việc xây dựng trụ sở tức chùa Quán Sứ ngày nay, quản lý, biên tập, trông nom việc in ấn, viết bài cho báo Đuốc Tuệ. Chỉ là cư sĩ, nhưng được các Tăng ni tự nguyện đến xin học. Ông còn tham gia thành lập Hội Tế sinh (TS) giúp đỡ người nghèo, Hội Truyền bá quốc ngữ (TBQN) và nhiều Hội khác. Khi kháng chiến chống Pháp (KCCP) bùng nổ, ông đã dẫn cả một đoàn gồm một số Tăng ni và trẻ em mồ côi trong lớp ông phụ trách đi tản cư, qua nhiều địa điểm phải luôn biến động chuyển dịch để tránh sự càn quét của quân địch, nhưng ở đâu ông cũng được lãnh đạo và nhân dân địa phương cho mượn đất để tăng gia. Với óc tổ chức tuyệt vời cộng với đời sống gương mẫu mọi mặt của ông, mọi gian lao đều được vượt qua. Việc sản xuất đã có hiệu quả, vừa để tự nuôi sống vừa bảo đảm nghĩa vụ đóng góp vào công cuộc kháng chiến, mà vẫn không lơ là buông thả trong việc giảng dạy, thúc đẩy việc tu dưỡng học tập toàn đoàn. Hoạt động xã hội bận rộn nhiều mặt như vậy, ông vẫn không quên việc dạy học và viết lách. Có lẽ đối với ông việc dịch kinh, viết báo, viết sách chỉ là nhằm hỗ trợ, chỉ là phương tiện cho hoạt động xã hội. Gần đây hậu duệ của ông, nói thật đúng là hai người cháu gọi ông là chú ruột (vì ông sống độc thân suốt đời) đã cho in cuốn "Tài liệu tham khảo về Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha" (viết tắt TLTC) có sơ bộ thống kê các tác phẩm của Thiều Chửu ghi được 61 đơn vị, đại bộ phận là sách dịch kinh Phật, chỉ có 14 cuốn thuộc loại sáng tác trong đó có cuốn "Sự tích Phật Tổ diễn ca" theo thể văn vần. Cũng trong tài liệu nói trên, có mục "Một số bài thơ ca do Thiều Chửu sáng tác" (trang 17 - 22, Phần hai) gồm 22 bài.

Ban biên tập TLTC cho biết trừ 2 bài rút từ Tự bạch của Thiều Chửu và mấy bài được chép trong sổ tay của em ruột ông, còn đều là được ghi lại theo trí nhớ của 3 vị đệ tử của cư sĩ. Ngoài 22 bài trên, người viết bài này còn được Tiến Sĩ Nguyễn Hải Hoành đọc cho ghi thêm 5 bài nữa cộng với 2 bài được in cuối cuốn "Con đường học Phật ở thế kỷ XX". Tổng cộng là 29 bài và thêm cuốn "Sự tích Phật Tổ diễn ca" đã được in, là cả di sản thơ ca hiện có của Thiều Chửu. Cũng theo tài liệu trên :"Thiều Chửu có tài xuất khẩu thành chương, sinh thời làm rất nhiều thơ ca, câu đối nhưng ông không ghi lại hoặc in ra". Sở dĩ thơ của ông không được ghi lại hay đưa in, không phải là ông coi thường việc này, mà vì ông còn bận rộn về nhiều việc khác, và phần lớn những bài thơ được làm cốt để được truyền trực tiếp tới các đệ tử của ông. Do đó mặc dầu số lượng có hạn, và đôi khi có nghi vấn về mặt chính xác, chúng vẫn có nhiều giá trị, đã ghi lại khá rõ nét tâm tư tình cảm sâu lắng của một người đã toàn tâm toàn ý dành tất cả cuộc đời cho công cuộc "hoằng pháp cứu nhân" gắn liền với tinh thần yêu nước thương nòi.

Bài thơ của cậu bé 13 tuổi

Theo Tự bạch của Thiều Chửu, ông có lần đi qua làng Mọc nơi có khu lăng mộ của Lê Hoan tên tay sai đắc lực của thực dân đã đàn áp phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở thời kỳ đầu của ách đô hộ. Cậu bé từ nhỏ được bà nội dạy cho học chữ Hán, lại được sống cạnh người cha một nhà Nho giàu tinh thần yêu nước, nghe nhiều chuyện về phong trào khởi nghĩa chống pháp và sự đàn áp tàn khốc của bọn thực dân nên đã có bài thơ như sau :

“Thanh thần điếu cửu nguyên

Chủng chủng u tình huyên

Thế thái cạnh phú quí

Nhân tình xu ngân tiên

Công cừu bái ngạch thượng

Nghĩa vụ phóng tâm biên." 

Dịch :

“Sớm mai qua nơi nghĩa địa,

Muôn tiếng u hồn vang rền.

Thói đời bon chen phú quí,

Tình người ham đến bạc tiền

Thù chung vái tạc trên trán

Nghĩa vụ ghi dạ không quên."

Lăng mộ của tên Việt gian đầu sỏ Lê Hoan là một khu kiến trúc qui mô thể hiện cái uy thế của hắn lúc sinh thời, nhưng đã không hề được đả động chút nào trong bài thơ. Nó chỉ gợi cho cậu bé thi sĩ nghĩ tới bao nhiêu chiến sĩ yêu nước và dân thường đã bỏ mạng trong các cuộc đàn áp của tên tay sai thực dân xâm lược.

Có điều đặc biệt rằng những tưởng "u hồn vang rền" cũng không gợi sự căm thù đối với những cuộc chém giết đẫm máu, mà lại dẫn tới việc lên án nhân tình thế thái ham giàu sang, chuộng bạc tiền là nguyên nhân sâu xa và cốt lõi của mọi tội ác trong đời tên bán nước cầu vinh. Hai câu 3-4 lời thơ tưởng như điềm tĩnh của nhận xét khách quan, nhưng đồng thời cũng là biểu lộ sự căm phẫn tỏ rõ ở câu sau ghi mối thù chung của mọi người đối với những kẻ do lòng tham giàu sang bạc tiền mà gây nên tội ác "bái ngạch thượng", "vái tạc trên trán". Kính cẩn ghi lại trong đầu óc, suy ngẫm về lý do của tai hoạ và phương sách trên trán, và từ đó chuyển sang câu cuối : Tự thấy có nghĩa vụ phải quyết tâm hành động. Câu trên nói về lý trí nhìn nhận hiện trạng và nguyên nhân của mối thù và cái cách thức rửa hận, câu sau là tấm lòng hăng say nhận nghĩa vụ thực hành, cả hai câu kết hợp lý trí và tình cảm quyết tâm.

Bài thơ theo thể ngũ ngôn, nhưng không theo đúng thể luật thơ Đường : Vì chỉ có 6 câu, không phải thể bát cú hay tứ tuyệt thông thường. Tuy vần cuối câu được bảo đảm, nhưng về đối ngẫu và niêm luật thì theo thể thơ cổ phong. Đây là bài thơ chữ Hán duy nhất được thấy của Thiều Chửu. Sau này ông không còn làm thơ chữ Hán, có lẽ vì thấy kiểu thơ này không đại chúng, không phục vụ được ý định của ông nhằm đem lại chân lý cứu khổ diệt khổ cho nhân dân. Có điều lý thú là bài thơ đầu tiên của cậu bé 13 tuổi có thể coi là báo hiệu hướng sống của cả cuộc đời sau này. Nhận thức nỗi khổ đau do lòng tham danh hám lợi gây nên, bình tĩnh và sáng suốt nhận định nguyên nhân, và biện pháp giải trừ, tự cho mình nghĩa vụ phải thực hiện việc loại bỏ hiểm hoạ đó. Nhưng khi nhận định về nguyên nhân của sự đau khổ, chỉ chú ý đến lòng tham nguy hại, vị kỷ của con người, không truy tìm đến hoàn cảnh xã hội đã khiến nảy nở và nuôi dưỡng lòng tham đó. Có thể nói ở ngay từ tuổi này Thiều Chửu đã chịu ảnh hưởng của đạo Phật, chắc là do ảnh hưởng của bà nội, và từ năm 8 tuổi, ông đã ăn chay.

Hành đạo kết hợp với nhiệm vụ kháng chiến.

Theo TLTC, phần thơ ca Thiều Chửu ghi sau bài thơ chữ Hán vừa trình bày ở trên là mảng "thơ ca làm trong thời gian kháng chiến chống Pháp (KCCP)". Như vậy từ năm 1915 (khi cư sĩ 13 tuổi) đến năm 1945 không ghi được một bài nào. Rất có thể trong thời gian đó ông vẫn sáng tác thơ ca đều nhưng đã bị thất lạc. Thời gian này in được cuốn "Sự tích Phật Tổ diễn ca" (Hoà Ký xb 1935) và trong bản dịch Thiền Uyển tập anh, Tây du ký (đều do Đuốc Tuệ xb 1939) cũng như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Đuốc Tuệ 1953, NXB Tôn giáo 2001) có những bài dịch thơ. Bài viết này do điều kiện thời gian nên không đề cập được tới phần diễn ca cũng như phần thơ dịch mà chỉ hạn chế việc tìm hiểu những bài ghi trong TLTC, thêm đôi bài bổ sung.

Năm 1945 mặc dầu bận rộn về việc quản lý và biên tập cho báo Đuốc Tuệ, cư sĩ Thiều Chửu vẫn tham gia việc thành lập Tổng hội Cứu tế (THCT) chống lại nạn đói khủng khiếp đang hoành hành. Cách mạng tháng 8 thành công, ông tích cực tham gia mọi mặt và khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ ông đã đưa một lớp gồm 60 Tăng ni và chừng 20 trẻ mồ côi đi sơ tán cùng với thân mẫu của ông hồi đó tuổi đã thất tuần. Các người thân của cư sĩ Thiều Chửu đều công nhận ông là một người suốt đời không nghĩ đến mình, sống không vợ con, ngay từ nhỏ chỉ chăm chú đến việc thờ phụng bố mẹ, giúp đỡ mọi anh chị em trong gia đình nên trong kháng chiến, khi phải để mẹ già cùng em gái và gia đình em trai tản cư ở Yên Mỹ (Thạch Thất, Sơn Tây) còn ông đưa trại về sản xuất ở Phúc Yên, ông đã có những câu thơ nhớ mẹ thật cảm động :

Tản Viên khuất nẻo xa xa,

Từ thân ta đó là nhà phải không?

Ngọt bùi chưa chút đền công,

Bấy lâu nay những nặng lòng vì con.

đồng thời cũng xác định nhiệm vụ hiện tại của mình :

Một lòng hứa hẹn nước non,

Nước non sóng gió, con còn xông pha.

Và như một người đã nguyện suốt đời gắn với đạo Phật, ông không quên lời cầu nguyện :

Khẩn cầu đức Phật Thích Ca,

Độ cho Mẹ được càng già càng dai.

Và dùng những từ đầy hình ảnh và ý nghĩa sâu xa của đạo Thiền tả niềm vui được đoàn tụ nay mai :

Hôm mai hai mẹ con ta

Dâng hương chân tịnh, dâng hoa chân thường.

Bè từ cập bến cùng sang1,

Cùng nương cảnh Phật thênh thang tháng ngày.

Cũng trong thời kỳ này em dâu cư sĩ cùng sơ tán với cụ bà đã từ trần do đau ốm,để lại đàn con nhỏ, em trai lại công tác vắng, ông đã có mấy câu thơ ghi lại nỗi đau của mình :

Hôm nao dưới gốc cây này,

Cùng ai cơm nắm tính xoay việc đời.

Chia tay đi khắp phương trời,

Tuyệt vô âm tín ngùi ngùi lòng thương.

Một đàn cháu bé dở dang,

Cậy ai nâng đỡ cưu mang qua ngày

..... .... .... .... .... .... .... .... .... ....  ....

Thương cháu hàng lệ ròng ròng,

Thương Mẹ muôn nỗi đau lòng vì con

Thương em tê tái lòng son

Mẹ già, con bé, lo tròn làm sao?

Và ở một bài khác ông đã nhắc lại cảnh đau thương này nhưng để xác định nhiệm vụ

hiện tại của mình :

Đất Yên Mỹ quê nhà thổn thức,

Mượn bút nghiên tỏ thực tấm lòng.

Mẹ già khuya sớm trông mong,

Em thơ nhà túng lâm chung cảnh sầu.

Cảnh đau thương, nhưng không thể để tình cảm riêng làm nhụt ý chí phục vụ đất nước, dù kém đức tài nhưng đã từ lâu vẫn quyết hiến mình cho lợi ích chung :

Con nhẹ bước dãi dầu mưa nắng,

Miếng tân toan quyết chẳng nhường ai1.

Tủi thân kém đức thua tài

Giang sơn còn đó, gươm mài đã lâu.

"gươm mài đã lâu" khiến ta nhớ lại câu thơ chữ Hán "nghĩa vụ phóng tâm biên"(nghĩa vụ ghi lòng) làm năm 13 tuổi, quyết chia sẻ nỗi cay đắng cùng toàn dân trong việc gìn giữ giang sơn.

Tự nhắc nhở nghĩa vụ của mình, ông không quên cũng làm điều này đối với người em trai yêu quí, kém ông 8 tuổi. Ông đã an ủi em mình sau thảm cảnh vợ từ trần để lại đàn con nhỏ, động viên không nên vì chuyện nhà mà ảnh hưởng xấu đến công tác. Ông đã nhắc lại câu cụ Phan Châu Trinh biệt hiệu Tây Hồ đã nói khi được tin con trai từ trần :"Ta có biết nhà là cái vật chi"

Hy sinh trông tấm gương gần

Nhà là cái vật chi cần phải lo

Lung linh mặt nước Tây Hồ ....

Và khi người em trai thấy vợ mất, con còn nhỏ, rời bỏ công tác về chăm nom gia đình, Thiều Chửu đã khuyên phải trở lại hoạt động cách mạng :

Xưa nay những đấng anh hào,

Thuyền nan sóng cả cắm sào thung dung.

Một mình trời bể mênh mông,

Sóng cả mặc sóng, lòng không sờn lòng.

Em trai cư sĩ, ông Nguyễn Xuân Nghiêm đã nghe lời anh trở lại đội ngũ. Ông đã hy sinh trong chiến dịch năm 1950 và được truy tặng danh hiệu liệt sĩ.

Cùng với loại thơ có tính cách khuyên nhủ động viên, có bài thơ "Tặng học trò là Ni sư Thích Đàm ánh nhân sinh nhật thứ 19" Bài thơ có câu :

Biết nghĩa cả đền ân tử tế,

Ngoài 45 phong thể dần dần"

"ngoài 45" tức là sau cách mạng tháng 8 năm 1945, "phong thể dần dần" tức là vận nước tuy gặp gian lao, vẫn dần dần ổn định và khuyên ;

Nghĩa là tu phải chăm từng tý,

Theo luật chung bố thí đừng quên.

Lúc nào cũng có bề trên,

Kính nhường ân ái bốn bên cho hoà.

Câu thơ nhắc nhở việc cần thận trọng mọi mặt, chú ý đến "bố thí" không chỉ là giúp của mà chủ yếu là đem tâm trí sức lực để giúp đỡ người. "kính nhường ân ái bốn bên cho hoà" nhắc tới khẩu hiệu "Lục hoà kính" là nhiệm vụ chủ yếu của Tăng ni, sáu điều hoà hợp kính nhường lẫn nhau mọi mặt: Trong cuộc sống chung, trong lời nói, trong việc tu dưỡng, gìn giữ giới hạn, phân chia phúc lợi.

Câu kết khuyến khích động viên, cho tới lúc thấy kết quả của việc kiên định tu hành :

Nữa mai phúc quả trùng lâm,

Một năm gây dựng mấy năm tiếng đồn.

Ni sư Đàm Ánh nay tuổi đã gần bát tuần, trụ trì chùa Phụng Thánh một ngôi chùa cổ được Sư bà tôn tạo xây dựng thêm thành một thắng địa của Thủ đô. Sư bà lại từng được mời đi thăm nhiều nước châu Âu, câu thơ "một năm gây dựng mấy năm tiếng đồn" phải chăng là một lời tiên tri của một bậc tiên giác?

Ngoài những bài thơ biểu lộ tình cảm thắm thiết của một người con trong gia đình, hay của một người thầy, có những bài ghi lại một số hiện tượng trong kháng chiến. Như khi được tin một người trong đoàn mình không chịu được gian khổ đã bỏ trốn về vùng tạm chiếm, ông đã cảm xúc có một bài dài trong đó có những câu;

Phí bao nước mắt mồ hôi,

Cây Bồ đề sắp nảy chồi nở hoa.

Thương ai nghiệp chướng tối loà,

Đường quang chẳng bước rẽ ra lối tà.

.....  .............. .  ................

Chẳng suy Phật tự tâm ta,

Làm theo chính nghĩa mới là chân tu.

Lợi sinh gây dựng cơ đồ,

Mới là hoằng pháp qui mô đường hoàng.

Nhà thơ đã thống nhất "chính nghĩa" với "chân tu", tinh thần yêu nước với "hoằng dương Phật pháp". "Lợi sinh" là đem lại phúc lợi cho cuộc sống, chỉ thực hiện được khi "vui cảnh tự do trời sán lạn" như ghi ở một trong 4 câu cuối :

Vui cảnh tự do trời sán lạn,

Thương người lạc lối đất chông gai.

Yêu nhau nhắn nhủ cho nhau nhỉ,

Tu tỉnh sao cho xứng cái đời !

Trong bài thơ viết bằng thể ngũ ngôn gửi các Tăng già trong vùng tạm bị chiếm, ông cảnh báo tệ nạn lợi dụng tôn giáo bày đặt cách cúng vái để kiếm tiền, có những câu :

Hết cầu cúng đàn tràng,

Lại bùa bèn đồng bóng.

.........  ....  .....  ...

Bòn rút hết hầu bao,

Để tự cung tự phụng.

Dân vì đó suy tàn,

Nước vì đó lủng củng.

Làm mồi cho thực dân,

Đễ bóp cổ bưng họng.

Và ông kêu gọi :

Hỡi đệ tử Thích Ca,

Đường tu nhằm cho đúng.

Trông gương Phật Tổ ta,

Như bể trời lồng lộng.

....................

Hy sinh vô tận cùng,

Phục vụ cho đại chúng.

Phúc trí1 đều như nhau,

Viên thành công tu chứng

"Phục vụ đại chúng" là khẩu hiệu của cách mạng, đem dùng cũng rất thích hợp với đạo Phật, đề cao từ bi, bác ái. Khẩu hiệu cách mạng được kết hợp với danh từ Phật giáo "Phúc Trí", phúc là đạo đức đem lại hạnh phúc cho đông đảo dân chúng; Trí là trí tuệ, nhận thức điều hay lẽ phải và cách thức thực hiện. Cũng như "công tu chứng" chỉ công phu tu hành có hiệu quả.

Bên cạnh những chuyện lo âu về thời cục, Thiều Chửu không quên dành những phút thanh thản, yên vui hân thưởng cảnh thiên nhiên cũng như nhịp sống thanh cao trong công việc tu hành. Ông có bài thơ vịnh nơi ở của các Ni sư:

Một nơi vuông vắn, núi chắn xa xa,

Suối chảy quanh nhà, đồng xanh bao la.

Thiên nhiên cảnh trí bày ra,

Mà tô nên2 cảnh ai là chủ nhân?

Ngày thì chuyên cần, tối ngâm nga,

Nhịp nhàng tiếng học, tiếng ca

Càng vui cảnh tịnh, càng xa hồng trần.

Lối thơ thoải mái theo các làn điệu ca dao, câu lục bát xen lẫn câu 8 chữ, và những câu 8 chữ này có thể ngắt thành 2 câu nhỏ mỗi câu 4 chữ, nối với nhau bằng vần lưng :

Một nơi vuông vắn,

Núi chắn xa xa

Một cách phối hợp cảnh tượng thiên nhiên đẹp với cảnh được tạo dựng do bàn tay con người như ở và núi, suối chảy và đồng xanh, phối hợp lao động với văn nghệ, học tập với thơ ca, Thiều Chửu đã vẽ nên một cảnh "tịnh"(chữ nhà Phật chỉ cảnh vô cùng thanh khiết của tâm hồn, ở đây gồm cả cảnh tinh khiết của nơi tu hành và sự thanh khiết của tâm hồn người tu hành) chỉ thấy được khi biết quên mình, sống hoà nhập với thiên nhiên, kết hợp lao động tu dưỡng và thưởng thức nghệ thuật.

Những bài trước tác phục vụ kháng chiến thêm cả hoằng pháp

Trong thời kỳ KCCP, với khẩu hiệu "Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến", nhiệm vụ hàng đầu của người dân là vào quân đội ra tiền tuyến diệt giặc ngoại xâm, nếu không thì ở hậu phương tham gia diệt giặc đói bằng tăng gia sản xuất và diệt giặc dốt bằng đẩy mạnh bình dân học vụ (BDHV). Thiều Chửu khi dẫn đoàn của lớp trẻ mồ côi và học viên của lớp Tăng ni đi sơ tán, nhờ tài tháo vát và nhất là đức độ của ông dành được sự tín nhiệm của nhiều cấp lãnh đạo địa phương, ông vừa tham gia dạy BDHV, vừa tổ chức trồng trọt chăn nuôi. Công việc gian khổ lại phải lưu chuyển nhiều nơi để tránh sự đánh phá của địch, nhưng ông đều vượt qua, gặt hái thành công.

Những bài ca ngắn gọn ý nghĩa súc tích sau đây để các đoàn viên nhiều lứa tuổi thực hiện hàng ngày trước bàn thờ Tổ quốc và trước mỗi bữa ăn đã có tác động không nhỏ trong việc nâng cao tinh thần yêu nước, yêu lao động, không ngừng tiến lên trong hoàn cảnh kháng chiến gian lao, nhưng cũng có mặt nào vô cùng hào hứng:

Trước bàn thờ Tổ Quốc,

Chúng con xin tâm nguyện

Tổ quốc có giàu mạnh,

Chúng con mới được yên.

Hoặc:

Ăn để mà sống,

Sống cho đàng hoàng.

Tự tay làm lấy,

Ăn không bẽ bàng.

Thiều Chửu thường nhắc tới Bách Trượng một vị đại sư đời Đường chủ trương người tu hành một ngày không làm thì không ăn, nguyên tắc này rất cần thiết cho đoàn người trong bối cảnh tản cư kháng chiến. Vừa bảo đảm đời sống bản thân vừa đóng góp vào việc nuôi quân diệt giặc. Ngoài 4 câu ngắn gọn 4 chữ vừa trình bày ở trên, ông còn sáng tác mười bài lục bát :

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần.

Tháng mười cho chí tháng năm,

Nắng mưa trải mấy mươi lần xông pha.

Kèm1 công tự giác giác tha,

Càng ăn càng nợ người ta đời đời!

"Tự giác giác tha" chữ nhà Phật và cũng là lý tưởng của việc tu hành tự mình nhận hiểu (nhận hiểu thấu đáo tức bao gồm cả việc hành động thực hành) rồi khiến người khác cũng nhận hiểu như mình. Người tu hành không được quên món nợ đối với công ơn những người đã sản xuất ra lúa gạo để nuôi mình, nhất là trong cảnh "mấy lần xông pha" ở thời kháng chiến.

Trong bài "Phật ca" Thiều Chửu vừa tự nhắc nhở và nhắc nhở các đồng đạo về ơn sâu của đạo Phật đồng thời lên án tội ác của thực dân :

Phật hằng tế độ trầm luân,

Yêu thương hết thảy là tâm Phật Đà.

Bảo cho ta biết rằng ta,

Thảy đều như Phật ai mà khóc ai.

Chớ vì mê sắc mê tài,

Gây nên tội ác như loài thực dân,

Làm cho sai lạc nhân tâm,

Làm cho nhân loại muôn phần đau thương.

Ngoài ra Thiều Chửu còn sáng tác những bài ca để các Phật tử đồng thanh hát, tạo khí thế trang nghiêm trong các buổi lễ, đồng thời cũng tác động sâu đậm vào tâm hồn người hát cũng như người nghe. Những bài ca được viết theo thể tự do, số chữ trong một câu không nhất định, có thể từ 3,4 đến 9,10 chữ, vần được ghép tuỳ nghi miễn bảo đảm âm được. Xin đơn cử một số câu trong bài "Lấp biển trầm luân" :

....cái biển trầm luân, trầm luân,

Ta đào, ta cuốc cuốc, ta san san,

San mặt biển cho thành sân2.

Giang tay dấn bước chân

Vui chân ta vẽ.

Ai ơi quyết chí ta ăn thề,

Ăn thề dù đau ốm, dù nguy,

Tâm tâm niệm Phật, cùng đi...

Hoặc ở bài "Thương thay nhân loại":

.... Tinh tiến lòng không lưu luyến,

Người tu mau cầu hạnh phúc cho thế gian.

Về sau kia, dày công tu đức tài năng,

Sung túc cực lạc xây nền vững muôn đời.

Tâm nhất tâm chúng con thề tu đến nơi,

Trong trần ai, lo dọn hết chông gai

Đâu có xa,

Tính chân thường chân tính ta

Gương Thích ca vằng vặc chiếu gương nga3.

Ngoài ra cũng nên ghi mấy bài thơ nội dung không liên quan trực tiếp đến kháng chiến, những bài cảm tác khuyên đồng đạo trong việc tu hành, dùng thể thơ quan trọng Đường luật bát cú. Như bài "Nhắn nhủ người tu", 4 câu giữa bài :

Bể khổ đua bơi thuyền Bát nhã,

Rừng Thiền thi hái đoá liên hoa.

Bánh xe chính pháp tan tam giới,

Ngọn đuốc từ quang tỏ lục hoà.

Hai câu thực và hai câu luận trong bài thơ dùng nhiều từ của đạo Phật, phép đối rất chỉnh. Tuy không nói tới kháng chiến, nhưng khuyên các đồng đạo giữ vững đạo tu hành, có thể coi như gián tiếp phục vụ cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Một mốc son trên lịch sử văn hoá Phật giáo.

Trên lịch sử văn học Việt Nam, ngoài nền văn học dân gian là văn học truyền khẩu từ thời kỳ xa xưa, gắn liền với sự hình thành ban đầu của tiếng nói dân tộc, văn học viết được khởi đầu bằng chữ Hán, và các tác phẩm sơ khai là của các vị thiền sư. Có thể nói rằng dòng thơ ca chữ Hán trên đất Việt bắt đầu bằng bài từ "Tiễn sứ giả Lý Giác" của nhà sư Ngô Chân Lưu năm 986 dưới triều Lê Đại Hành, tiếp đó các nhà sư Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Diệu Nhân, Mãn Giác đời Lý, Pháp Loa, Thị Trung, Huyền Quang và cả vua Trần Thái Tông đời Trần đã cho thấy sự đóng góp đáng kể của văn học Phật giáo trong kho tàng văn học thơ ca chữ Hán ở thơì kỳ đầu lịch sử văn học Việt Nam. Sang đời Lê, Nguyễn, theo sự hiểu biết của người viết, không thấy lưu lại được một tác phẩm thơ ca chữ Hán hay chữ Nôm và chữ quốc ngữ sau này của các vị tu hành hoặc coi như chịu ảnh hưởng trực tiếp của Phật giáo. Cư sĩ Thiều Chửu với một số bài thơ sưu tầm được và được trình bày trên đây, có thể coi như kế tục dòng thi ca đạo Thiền của những thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIII, sau bảy trăm năm bị ngắt quãng. Về di sản thi ca của ông, hiện mới cho thấy một bài chữ Hán, tập diễn ca về đức Phật, một số bài dịch các bài kệ trong các kinh Phật và các bài trong TLTC. Tư liệu thi ca sưu tầm được tuy còn ít ỏi, nhưng có thể chiếm một vị trí không nhỏ trong di sản văn học thi ca về Phật giáo trước đây dù ở thời hưng thịnh của nó ( triều đại Lý, Trần). So với mảng thi ca cùng loại ở các triều đại trước, mảng thơ ca của Thiều Chửu về đạo Thiền theo nhận định sơ bộ có mấy đặc điểm sau đây:

Về nội dung: Thơ ca của ông gắn với tinh thần yêu nước. Trước cách mạng, cư sĩ Thiều Chửu căm ghét thực dân nhưng tin tưởng ở đạo Phật coi như một phương tiện giảm nỗi đau thương cho dân tộc mình. Như lời anh ruột ông (tức giáo sư Nguyễn Hữu Tảo), ông đã hăng say "hy sinh thì giờ, sức lực, tiền tài cho Hội Phật giáo một tổ chức được thành lập ... nhằm đánh lạc hướng thiện nam tín nữ không để cho họ đi vào con đường cách mạng". Có thể nói chính ông cũng nhận thấy tính cách phản động của tổ chức hội Phật giáo do thực dân Pháp cho thành lập, nên tuy ông nhận thấy điều hết sức quan trọng của Tăng già một thành phần cốt yếu của Tam bảo, ông nhất định chỉ là cư sĩ, và với đức độ kèm sự tinh thông giáo lý của ông, ông thường được giới Tăng lữ kính trọng nể vì không kém các người tu hành chính thức. Bài thơ chữ Hán của ông làm năm 13 tuổi ghi "mối thù chung kính cẩn giữ trong đầu óc" (công cừu bái ngạch thượng) nhưng chỉ là căm thù thói xấu người đời "Ham giàu sang quí tiền bạc" coi như nguyên nhân gây mọi tội ác, nếu xoá bỏ được lòng tham đó bằng đạo Phật thì thù chung được trả xong. Do đó ông tích cực tham gia các phong trào xã hội như TBQN, tế bần cứu đói không để ý đến làn sóng cách mạng đang dâng lên như vũ bão thời bấy giờ. Sau cách mạnh tháng Tám ông đã dần dần nhận rõ thiếu sót của mình, thấy rõ sự cần thiết phải hướng theo tư tưởng cách mạng, chỉ có thế, lý tưởng "Hoằng pháp cứu nhân" của ông mới thực sự được thực hiện. Ông đã đem hết tâm lực phục vụ kháng chiến, điều này thể hiện rất rõ trong nhiều bài thơ của ông. Nhưng cũng trong những bài này, ta vẫn thấy những ý, những từ của một đệ tử đạo Thiền. Thơ Phật giáo ở Thiều Chửu không còn là những bài kệ, bài thơ về triết lý sắc không, nhân quả của đạo Phật nữa mà là những lời hô hào hành động như ông viết ở bài "Cảm tác" :

.... Bốn phương vô minh che tối,

Biết cùng ai lo tỏ đạo cao sâu.

Trằn trọc suốt năm canh toan tính,

Gươm trí tuệ mài mau !

Có thể nói thơ Phật giáo ở Thiều Chửu đã có những nét mới, thích ứng với nhu cầu trước mắt của thời đại và cũng hợp với truyền thống bao đời của dân tộc, "giặc đến nhà đàn bà phải đánh", và qua nhiều đời đã bao lần đánh đuổi giặc xâm lăng.

- Về thể loại và hình thức: Trong gần 30 đơn vị thơ ca được ghi trong TLTC hoặc sưu tầm thêm, hình thức sáng tác khá phong phú: Thơ đường luật (cả tứ tuyệt và bát cú), lục bát, song thất lục bát, thể tự do (các bài ca) và cả câu đối: Có một câu đối có thể coi như thu gọn được giáo lý và giá trị nhân bản của đạo Phật:

Kết bè Từ, lòng Nhân chở khắp

Phá bến Mê, đuốc Tuệ soi chung.

Có 3 bài theo thể Đường luật bát cú về những đề tài không liên quan trực tiếp đến kháng chiến như "Nhắn nhủ người tu", "Khóc thày giáo Tán", "Hoạ thơ sư ông Quảng Quang". ở những bài này luật thơ Đường được bảo đảm, niêm luật đối xứng đều tề chỉnh, dùng nhiều từ ngữ của đạo Thiền, tỷ như:

Bể Khổ đua bơi thuyền Bát nhã,

Rừng Thiền thi hái đoá Liên hoa.

(Nhắn nhủ người tu)

Nóc chùa Tế Độ mờ hương khói,

Vườn trại Cù Vân vắng bóng người,

(Khóc thày giáo Tán)

Tính hằng thanh tịnh đâu còn đục1,

Thể vốn thường minh chẳng phải u.

(Hoạ thơ sư ông Quảng Quang)

Nhưng ngay ở loại thơ đòi hỏi qui tắc nghiêm chỉnh này cũng có chỗ "Phá thể" như ở câu đầu và câu cuối bài "Khóc thày giáo Tán" :

Thày Tán ơi, thày Tán ơi ! (câu 1)

Thôi thế thì thôi, thày Tán ơi! (câu 3)

Không thật đúng luật, nhưng câu thơ có thế mới đúng với tâm trạng nghẹn ngào nức nở thương tiếc người đã khuất ... Và có thể nói rằng nét phóng khoáng không câu thúc về hình thức là đặc trưng của tài làm thơ Thiều Chửu. Ngay từ bài thơ chữ Hán làm năm 13 tuổi: Thơ 5 chữ chỉ có 6 câu và niêm luật theo thể cổ phong, không thật đúng niêm luật theo thể thơ Đường.

Tiêu biểu nhất cho thể thơ phóng khoáng này là "Một số bài ca (hát theo điệu nhạc Phật ca)" (TLTC) có lẽ chú trọng ở âm điệu lời hát hơn là số chữ từng câu hay phép ghép vần. Chính sự đa dạng trong cách ghép vần và đặt chữ trong câu đã tạo nên sự hấp dẫn và truyền cảm trong lời thơ như mấy câu cuối bài "Chân tu" :

Lòng thực tu

Đã chuyên tinh

Chân như kia

Dần theo gió mà tường minh2.

Có 2 bài song thất lục bát "thơ tặng học trò là Ni sư Thích Đàm ánh" và "Nhớ nhà", còn phần lớn theo thể thơ lục bát, nhưng có những bài sau một số câu lục bát là một bài thơ Đường luật 8 câu (bài "Nhắn một Tăng ni trong đoàn bỏ về vùng tạm chiếm". Đặc biệt có một bài "Thơ vịnh nơi các Ni sư ở" mở đầu bằng 2 câu thơ 8 chữ (có thể ngắt thành 4 câu mỗi câu 4 chữ) sau lại có câu 8 chữ giữa 2 câu lục bát, tiếp theo là 2 câu song thất, có vần lưng nhưng lại đối nhau :

Hồi chuông sớm khua tan mộng điệp3

Tiếng mõ chiều như dẹp lửa phiền.

Tiếp theo là câu lục bát và kết thúc là câu lục (6 chữ). TLTC ghi "bài này có lẽ thiếu một số câu", nhưng dù có thêm được ít câu nữa, vẫn thấy cấu trúc bài thơ rất phóng khoáng vì số chữ trong câu và cách gieo vần, khiến đọc lên thêm phần hứng thú. Hoặc ở một bài khác (Nhớ ơn Phật Tổ) mở đầu là một bài tứ tuyệt nhưng 2 câu 3 - 4 lại đối nhau:

Hy sinh thân thế tìm chân lý

Tế độ quần mê tới đại đồng.

Không ngại dùng từ "đại đồng của Nho giáo trong bài thơ nói về Phật, tiếp theo là 4 câu lục bát nhưng câu đầu lại là câu 9 chữ " Chư Tăng ơi, nhớ ơn Phật Tổ vô cùng". Ở bài này cũng như ở bài trên và nhiều bài khác, không câu nệ số chữ trong từng câu và trong cách gieo vần, tránh được tệ đơn điệu thường thấy trong thơ cổ truyền, và chính sự đơn điệu đó đã phần nào thúc đẩy sự hình thành phong trào thơ mới. Cũng nên ghi thêm là thơ Thiều Chửu như các thân nhân và đệ tử cho biết được làm rất nhanh. Ông không có thì giờ và cũng không có ý định đầu tư công sức trong việc trau chuốt cho hoàn mỹ. Dù như vậy chất thơ Thiều Chửu nhiều mặt không thua kém thơ cổ điển, ví dụ về mặt đối ngẫu có những câu thơ: 

"Vui cảnh tự do trời sán lạn,

Thương người lạc lối đất chông gai".

(Nhắn một vị Tăng ni trong đoàn bỏ về vùng tạm bị chiếm)

Có người cho rằng "tự do" đối với "lạc lối" hay "sán lạn" đối với "chông gai" chưa thật chỉnh (từ Hán Việt đối với từ thuần Nôm), nhưng "người" đối với "cảnh", "trời" với "đất" sẽ thoả mãn những người khó tính nhất trong sự đòi hỏi về luật thơ.

Hoặc hai câu: 

"Nóc chùa Tế Độ mờ hương khói,

Vườn trại Cù Vân vắng bóng người".

(Khóc thầy giáo Tán)

Cả về lời văn, cả cảnh và tình đều thích đáng.

Thiều Chửu còn sáng tạo những hình ảnh đầy chất thơ và gắn liền với giáo lý Thích Ca : Bánh xe chính pháp, ngọn đuốc từ quang (Nhắn người tu), gươm trí tuệ (Cảm tác), thanh gươm tuệ (Cảm tác, Khuyên em trai), thuyền Bát nhã (Khuyên tu).

Về âm điệu : Nói chung vần điệu các bài thơ đều tề chỉnh. Đôi khi có những nét sáng tạo như ở bài "Thơ vịnh nơi các Ni sư ở" 2 câu đầu:

"Một nơi vuông vắn, núi chắn xa xa

Suối chảy quanh nhà, đồng xanh bao la".

Câu trên 8 chữ có thể phân thành 2 câu ngắn mỗi câu 4 chữ và gắn với nhau ở vần lưng (vắn - chắn), câu sau cũng chia làm 2 vế gắn với nhau ở vần chân (nhà - la), cả câu 8 chữ chỉ có 2 chữ vần Trắc còn 6 chữ vần bằng: Suối chảy quanh nhà, đồng xanh bao la. Điệu nhạc êm dịu hợp với khung cảnh êm đềm yên tĩnh của một nơi tu hành.

Nói chung, từ bài thơ chữ Hán năm 13 tuổi đến các bài khác đã được sưu tầm, chủ yếu sáng tác trong thời kỳ KCCP, hết thảy đều biểu lộ một tâm hồn cao quí của một người yêu nước chân chính có nghị lực phi thường, toàn tâm toàn ý phục vụ lý tưởng của mình. Mới đầu gắn liền với lý tưởng của đạo Thích Ca, sau kết hợp với lý tưởng cách mạng của thời đại mới từ bi độ thế đòi hỏi phải dành được độc lập tự do dân tộc mới thực hiện được cứu cánh diệt khổ cứu người, hoằng pháp lợi sinh.

Có nhận hiểu đúng 3 điều tạo dựng "Tam lập" theo sách "Tả truyện": Thứ nhất là lập đức coi như trên hết (thái thượng lập đức) tức tạo nền đạo đức cho chính mình bằng công phu tu dưỡng bản thân và cho người khác bằng tự nêu gương mẫu và bằng cách giáo hoá khuyên răn. Thứ hai là lập công (kỳ thứ lập công) hay lập nghiệp tức hành động cụ thể đóng góp vào bước tiến chung, trừ tai nạn, tạo nên sự yên bình thúc đẩy bước tiến của gia đình và xã hội. Thứ nữa là lập ngôn (Kỳ thứ hựu lập ngôn) tức nói hay viết những điều hay được lưu truyền rộng rãi và lâu dài.

Ở cư sĩ Thiều Chửu, ông đã có sự tạo dựng cả 3 mặt nói trên. Về lập đức, cả đời ông đã hoàn toàn quên mình, dồn mọi sức lực tâm can vào lý tưởng "tự giác giác tha" của đạo Phật, suốt đời tu dưỡng, không từ bỏ một dịp nào mưu cầu hạnh phúc cho người, từ những người thân trong gia đình đến mọi thành phần - nhất là những thành phần khốn khó không may trong xã hội. Về lập công: Ông đã tích cực tham gia mọi công việc mà ông cho là đem lại hạnh phúc cho số đông, hợp với lý tưởng một Phật tử chân chính, thành lập Hội PGBK, dựng chùa làm trụ sở Hội, dịch kinh sách đạo Phật, tham gia giảng dạy Tăng ni, tham gia thành lập và hoạt động các tổ chức xã hội với những vấn đề thiết thực cấp bách đương thời như Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Tế Sinh, Tổng hội Cứu tế, viện Cô nhi tiếp nhận các trẻ em mồ côi bố mẹ chết trong nạn đói khủng khiếp hồi đó. Về lập ngôn, ông đã để lại một khối lượng khá lớn những bản dịch kinh Phật, những bài báo trên tạp chí Đuốc Tuệ, những sách viết về Phật giáo trong đó có cuốn Hán Việt tự điển đã được cả giới học thuật hoan nghênh, mặc dầu trước tiên cuốn sách nhằm phục vụ các Tăng ni muốn đi sâu vào kinh Phật được dịch ra chữ Hán. Trong di sản "lập ngôn" của cư sĩ, phần thơ ca được trình bày trong bài này chỉ là một phần rất nhỏ về mặt khối lượng.

Sách cũ trong lời chú giải câu nói của Tả Truyện về Tam lập (ba mặt tạo dựng) nói trên có nêu tên những người xứng đáng tiêu biểu cho từng địa hạt lập đức, lập công, lập ngôn. Như lập đức có Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn 3 vị vua lý tưởng thời thượng cổ. Lập công có Vũ, Tắc (vua Vũ sáng lập nhà Hạ, ông Tắc một bề tôi giỏi thời cổ). Riêng cư sĩ Thiều Chửu như thế có thể kiêm tạo dựng được cả 3 mặt. Nhưng cũng như lời cũ: Tối thượng lập đức, về mặt tạo dựng nền đạo đức cho chính mình và cho người, mặt tạo dựng cao quí hơn cả, cũng là mặt chủ yếu trong cá tính của cư sĩ Thiều Chửu. Với đức lớn quên mình vì lợi ích chung, còn ghi lại tự rèn luyện để phục vụ lý tưởng của mình, ông đã nêu tấm gương sáng ngời về đức hạnh. Và cũng do đó, ông được mọi người mến phục mà có thể hoàn thành mỹ mãn mọi công việc của mình, ngay phần lập công, lập ngôn cũng chỉ là phục vụ cho lý tưởng lập đức.

Và lập đức đối với cư sĩ Thiều Chửu chính là lý tưởng "tự giác giác tha" của đạo Phật nhưng là đạo Phật đã được kết hợp với lý tưởng cách mạng hiện đại đúng như tiêu đề ông đã đặt ở ngay trang đầu cuốn Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX : "Phải tận hiếu với nhân dân. Nhân dân là cha là mẹ bao kiếp là chư Phật vị lai." Lời này được ông viết năm 1951 sau khi được tiếp xúc với tư tưởng cách mạng mới, và ý tưởng bao hàm trong đó có lẽ chưa thấy được ghi trong kinh điển Phật giáo. Việc hoằng dương Phật pháp kết hợp với quyền lợi tối cao của nhân dân có thể coi là nét mới của Phật giáo Việt Nam và Thiều Chửu thực sự đã đem thơ ca làm trong KCCP thể hiện, đúng với cách định nghĩa về Lập đức trong lời chú giải của sách xưa: "Sáng chế thuỳ pháp, bác thi tế chúng": Sáng tạo đặt ra phép tắc ứng dụng cho đời, mở rộng việc thực hành đem lại lợi ích cứu giúp quần chúng.

Ngày 8.4.2002.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6561336