Thông tin

MẤY ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA NI GIỚI VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI

MẤY ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA NI GIỚI VIỆT NAM
ĐẦU THẾ KỶ XXI

 

DƯƠNG HOÀNG LỘC    

 

 

1. Dẫn nhập

Gần hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI đã trôi qua và đây được xem là một giai đoạn quan trọng đánh dấu quá trình hội nhập, phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Chính bối cảnh này đã mang đến nhiều vận hội cho Phật giáo lẫn Ni giới Việt Nam không ngừng chuyển mình, phát huy tiềm năng và nỗ lực vươn lên trước thực tiễn sôi động ở mọi mặt của đời sống đất nước ta. Vì vậy, mục tiêu của bài viết này góp phần nhận diện những đặc điểm nổi bật của Ni giới Việt Nam trong gần hai thập kỷ qua, để từ đó nhằm kế thừa và phát huy, nhất là giúp chư Ni nhận thức được các năng lực vốn có của bản thân và gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trên bước đường tiến tu giải thoát lẫn phụng sự đạo pháp và dân tộc.

2. Đâu là những đặc điểm nổi bật đầu thế kỷ XXI của Ni giới Việt Nam?

Qua tìm hiểu, có thể khái quát  những thành tựu nổi bật của Ni giới Việt Nam đầu thế kỷ XXI như sau:

- Thứ nhất, không thể không nhắc đến một đặc điểm có tính quan trọng, mang tính quyết định về mặt tổ chức lẫn phát triển của Ni giới Việt Nam là sự ra đời của Phân ban đặc trách Ni giới Trung ương (sau này đổi thành Phân ban Ni giới Trung ương) trực thuộc Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là cột mốc đánh dấu việc ra đời và hoàn thiện về mặt cơ cấu tổ chức để đại diện cho ý chí lẫn nguyện vọng và mong mỏi của chư Ni các tỉnh, thành trong cả nước từ sau thời điểm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 7/11/1981 tại Thủ đô Hà Nội. Phân ban ra mắt vào năm 2009 tại Thiền viện Quảng Đức (TP.Hồ Chí Minh) - Văn phòng II của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cố Ni trưởng Thích Nữ Huyền Huệ (1924-2015), một vị tôn đức Ni uy tín và giới đức, được giáo hội tín nhiệm suy cử làm người đứng đầu của phân ban Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương. Đồng thời, việc ra đời của phân ban này nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn: “Yêu cầu thực tế trong tình hình tu học của chư Ni hiện nay, nhằm giúp chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội có một bộ phận phụ trách chư Ni trong cả nước, góp phần ổn định, phát triển  đoàn thể Ni chúng đi đúng tinh thần hòa hợp cộng trụ của người xuất gia1. Văn phòng Phân ban được đặt tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt, tham gia với vai trò chứng minh và cố vấn hoặc trở thành thành viên chính là chư tôn đức Ni thuộc nhiều hệ phái, tông môn. Điều này cho thấy ý thức đề cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết và thống nhất trong các hoạt động Phật sự của Ni giới Việt Nam hiện tại. Tiếp đó, Phân ban Ni giới Trung ương nhiệm kỳ VII (2012-2017) đã gia tăng về mặt số lượng hơn nhiệm kỳ trước. Quyết định chuẩn y nhân sự Phân ban Ni giới Trung ương nhiệm kỳ VII gồm: Ban Chứng minh (15 vị), Ban Cố vấn (11 vị) và các Ủy viên Thường trực (33 vị), ủy viên (80 vị). Một bước phát triển mới của phân ban tại nhiệm kỳ VII là đã hình thành được 11 tiểu ban chuyên môn đảm trách nhiều hoạt động Phật sự của Ni giới trước những nhu cầu mới đặt ra, đó là các tiểu ban: Thông tin truyền thông, Giám luật, Đối ngoại, Nghi lễ, Tài chánh, Từ thiện xã hội, Danh bộ, Kiểm soát, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa. Đồng thời, phân ban còn phân công nhiệm vụ phụ trách hệ phái Khất sĩ, đại diện Ni giới miển Trung và miền Bắc cho một số vị Ni trưởng với chức vụ phó phân ban. Ở đây, không thể không nói đến tính chất kế thừa truyền thống phụng sự đạo pháp và dân tộc của Phân ban Ni giới Trung ương từ tổ chức Ni bộ Bắc tông do Sư trưởng Như Thanh (1911-1999) sáng lập. Tổ chức này vốn có nhiều hoạt động sôi động, hiệu quả trên phương diện giáo dục Ni chúng và từ thiện xã hội trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Bằng chứng là nhiều chư tôn đức Ni đang đảm trách lãnh đạo Phân ban Ni giới Trung ương lại là những thành viên tham gia tổ chức Ni bộ Bắc tông ngày trước. Tiêu biểu là các vị Ni trưởng đang giữ nhiệm vụ phó phân ban này hiện nay: Sư bà Thích nữ Như Châu, Sư bà Thích nữ Như Hải, Sư bà Thích nữ Như Xuân. Hiện tại, Phân ban Ni giới Trung ương là tổ chức đại diện cho 5.962 cơ sở tự viện của Ni chúng (5.433 tự viện Bắc tông và 296 tịnh xá) lẫn 138.084 chư Ni (136.501 chư Ni Bắc tông, 1.493 chư Ni hệ phái Khất sĩ) trên toàn quốc2 đang sinh hoạt trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động dựa trên giới luật và Hiến chương do Giáo hội ban hành. Tính đến cuối năm 2015 đã có 45/63 tỉnh, thành thành lập được phân ban Ni giới nhằm qui tụ, đoàn kết chư Ni trong sinh hoạt và hướng dẫn tu học. Thiết nghĩ, đây là một thành tựu khích lệ và có tính bước đầu để giúp Ni giới Việt Nam ổn định về phương diện tổ chức, tạo ra nền tảng phát triển vững chắc và hi vọng sẽ gặt hái nhiều thành tựu trong thời gian tiếp tục.

- Thứ hai, tiến tu giải thoát là mục tiêu tối thượng của người xuất gia, trong đó có hàng Ni giới. Với chư Ni Việt Nam, hình ảnh các vị Ni trưởng đạo cao đức trọng, sống giản dị an tịnh và mật hạnh ở những tự viện, mà trọn đời tu của họ đã tỏa sáng phạm hạnh lẫn giới đức, nhất mực tôn trọng Bát kỉnh pháp và luôn cung kính chư Tăng sẽ mãi là những tòng lâm thạch trụ và biểu tượng sáng ngời, trở thành một chỗ dựa tinh thần vững chắc của Ni chúng đầu thế kỷ XXI trên bước đường học Phật, đồng thời còn thể hiện được sự tiếp nối các giá trị truyền thống của Ni giới Việt Nam qua hai thế kỷ XX và XXI. Mặc dù hiện tại, nhiều vị trong số này đã xả báo thân về cõi Phật, nhưng gia tài tinh thần Giới - Định - Tuệ, hạnh nguyện từ bi độ đời, hương giải thoát và đức hạnh, lòng kiên định tu hành trước những thăng trầm của thời cuộc lẫn nhiệt tâm hết lòng phụng sự cho đạo pháp và dân tộc sẽ mãi là những tấm gương và bài học quý báu, mẫu mực cho Ni giới hiện tại noi theo. Đó là những tấm gương của cố Ni trưởng Thích nữ Viên Minh (1913-2014) ở chùa Hồng Ân (tỉnh Thừa Thiên - Huế), cố Ni trưởng Thích nữ Huyền Huệ (1924-2015) ở Hải Ấn Ni tự (Thành phố Hồ Chí Minh), cố Ni trưởng Hải Triều Âm (1920-2013) ở Ni viện Dược Sư (tỉnh Lâm Đồng), cố Ni trưởng Thích Nữ Như Ngộ (1918-2016) ở chùa Thiên Phước (tỉnh Long An), cố Ni trưởng Thích nữ Cát Tường (1918-2013) ở chùa Hoàng Mai (tỉnh Thừa Thiên - Huế),… Họ như những bài kinh thiêng luôn được đời sau xưng tụng, là những bài học sống động về thân, khẩu và ý giáo của nhà Phật, chắc chắn sẽ được hàng hậu học nhắc nhở lâu dài, đồng thời còn là những nét son tô đậm thêm vẻ đẹp các giá trị tinh thần truyền thống của Ni giới Việt Nam qua hai ngàn năm lịch sử kể từ khi đạo Phật đặt chân và bén rễ sâu trên đất nước ta.

- Thứ ba, tăng cường các hoạt động từ thiện xã hội là một nỗ lực lớn của Ni giới trước những vấn đề xã hội đang đặt ra ở Việt Nam hiện nay. Đó là các hoạt động nuôi dạy trẻ mồ côi, nuôi dưỡng người già, tiến hành cung cấp các dịch vụ xã hội, thông qua hai phương diện cơ bản là y tế và giáo dục, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước do Ni giới thực hiện. Trong một bài viết gần đây, Ni trưởng Thích nữ Huệ Từ, Phó Phân ban Ni giới Trung ương, đã nhận định mang tính khái quát như sau: Chư Ni ở các chùa không ngừng trưởng thành về năng lực xã hội, có khả năng huy động tốt các nguồn lực xã hội để hỗ trợ kinh phí sinh hoạt tại những cơ sở xã hội, là một điều kiện tốt để trải nghiệm nỗi khổ đau của chúng sinh và thực hành lòng từ bi của người con Phật trong lúc đạo đức xã hội đang xuống dốc, đem đạo vào đời một cách uyển chuyển và thiết thực, chung tay góp phần xoa dịu nỗi đau của xã hội3. Mặt khác, đây là một bước chuyển mạnh mẽ để giúp cho Ni giới tăng cường cơ hội học tập và dấn thân, thực hành và tỏa sáng hạnh từ bi, nêu cao truyền thống phụng sự đạo pháp và dân tộc. Một vấn đề đặt ra cho hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo nói chung và Ni giới nói riêng là làm sao có tính chuyên nghiệp cao và thật sự ý nghĩa, đúng đối tượng hưởng lợi mới có thể đem lại hiệu quả cao. Để đáp ứng yêu cầu đó và nhận thức rõ vấn đề này, Phân ban Ni giới Trung ương đã đề nghị Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp Đại học Sư phạm Mầm non cho Ni sinh trong 4 năm (2014-2018). Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện, Quyền Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, đã phát biểu mục đích của lớp học này trên Báo Giác Ngộ ngày 30/12/2016, như sau: “Những sư cô sau khi tốt nghiệp có thể phục vụ giảng dạy cho các lớp học do Phật giáo quản lý... Dù còn ít ỏi ở một số tỉnh, thành nhưng trong nỗ lực của Phân ban Ni giới Trung ương, sắp tới chúng tôi sẽ vận động các Phân ban Ni giới thuộc Phật giáo 42 tỉnh, thành; nơi nào có điều kiện thì xây dựng trường mầm non, trường mẫu giáo để tiếp nhận các sư cô tốt nghiệp giáo dục mầm non về giảng dạy, tạo môi trường tốt cho các sư cô phụng sự xã hội”. Thiết nghĩ, đây là một bước đi đúng đắn và  hướng đến tính chuyên nghiệp, sự gia tăng năng lực hết sức cần thiết để hoạt động từ thiện xã hội của họ đáp ứng những yêu cầu đã và đang đặt ra của xã hội Việt Nam đương đại.

- Thứ tư, nỗ lực phấn đấu song hành trên con đường Phật học lẫn thế học đã cho thấy sự tinh tấn và một nội lực trí tuệ rất lớn của Ni giới Việt Nam trong gần hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Hai lĩnh vực Phật học và thế học vốn luôn bổ sung cho nhau, một mặt họ có thể nắm vững mục đích, phương pháp tu tập để thoát khỏi khổ đau, còn mặt khác là nhanh chóng hội nhập sâu vào đời sống xã hội Việt Nam luôn sôi động và không ngừng mở rộng kết nối với cộng đồng Phật giáo quốc tế. Ngày càng nhiều sư cô, ni sư đạt được bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ Phật học cũng như các ngành khác Triết học, Văn học, Sử học, Ngôn ngữ học, Xã hội học, Tâm lý học,… ở trong và ngoài nước, nên hoàn toàn khác với trước đây vốn rất hiếm hoi. Không chỉ chuyên tâm tu tập và hướng dẫn Phật tử sinh hoạt, họ còn tham gia tích cực vào các ban, viện để góp phần vào sự phát triển nhanh chóng, bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức.

- Thứ năm, hội nhập mạnh mẽ lẫn việc không ngừng tăng cường cơ hội tiếp xúc, học hỏi và giao lưu với Ni giới các nước là một đặc điểm nổi bật, không thể không nhắc đến của Ni giới Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Nguyên nhân là do quá trình hội nhập ngày một sâu rộng của đất nước ta với cộng đồng quốc tế, nhất là trên lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Ni giới Việt Nam là thành viên tích cực của tổ chức Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế (Sakyadhita) được thành lập tại Bodhgaya, Ấn Độ vào năm 1987. Mục đích của tổ chức này nhằm kết nối nữ giới Phật giáo trên khắp thế giới, đem lại lợi ích cho nữ giới, trao quyền cho họ, giảm bớt sự bất bình đẳng về giới, đánh thức những tiềm năng chưa được khai phá của nữ giới để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng hơn. Năm 2009, tại chùa Phổ Quang (TP. Hồ Chí Minh), Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11 đã diễn ra long trọng và tiếp đón 320 đại biểu từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là một thành công cũng như vinh dự lớn cho Ni giới nói riêng lẫn Phật giáo Việt Nam nói chung trong lần đăng cai đầu tiên. Hội nghị này đã được đánh giá rất cao về công tác tổ chức, nhất là đã nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của Ni giới Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển về giao lưu quốc tế rất có giá trị và ý nghĩa. Nhiều hội nghị gần đây, theo thông lệ hai năm một lần, của Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế (Sakyadhita) được tổ chức tại Thái Lan, Indonesia, Hongkong, Malaysia, Ấn Độ đều có sự tham dự của đoàn đại diện Ni giới Việt Nam. Đây là cơ hội mang đến cho họ cơ hội giao lưu và hiểu biết thêm về các truyền thống tu học, thấy được những thành tựu và thách thức của Ni giới các nước, chung tay giúp đỡ Ni giới nước nghèo, giới thiệu văn hóa Phật giáo dân tộc, thể hiện tình đoàn kết của những người con gái đức Phật trên toàn thế giới4. Mặt khác, nhiều vị Ni còn là người đóng góp vào mối quan hệ hữu nghị giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo một số nước hiện nay khi họ đến một số quốc gia tu học, tham gia hướng dẫn Phật tử người Việt tu tập. Trường hợp Sư cô Thích nữ Giới Tánh (Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc), Sư cô Thích nữ Tâm Trí (Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản),… là những điển hình. Thiết nghĩ, để có được các thành quả này là nhờ vào sự nỗ lực của nhiều vị Ni đã học tập và tốt nghiệp tại nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ hoặc đang tu tập tại Nhật Bản, Úc, Mỹ,… xây dưng được các mối quan hệ sâu sắc, đồng thời có nhiều kinh nghiệm, nhất là thông thạo ngoại ngữ đã mang đến nhiều cơ hội quý báu cho họ trong lĩnh vực này.

3. Lời kết

Những đặc điểm nổi bật của Ni giới Việt Nam đầu thế kỷ XXI được giới thiệu trên đây chỉ là những phác họa để có thể phần nào nhận diện những bước phát triển mới của họ trong điều kiện đất nước đang có nhiều đổi thay và không ngừng hội nhập sâu rộng với thế giới. Thiết nghĩ, đây là điều kiện quan trọng và trở thành nền tảng giúp chư Ni đi đến mục tiêu giác ngộ trọn vẹn như đức Phật đã tuyên bố trong ý nghĩa bình đẳng, không phân biệt giới tính. Ngoài ra, nhờ vậy mà Ni giới có cơ hội dấn thân, nỗ lực nâng cao kiến thức để phụng sự đạo pháp và dân tộc trong tình hình mới của đất nước. Những đặc điểm này chắc chắn sẽ được Ni giới Việt Nam phát huy hơn nữa trong thời gian tới, bởi vì đây hoàn toàn phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của họ.


1. H Diệu, Ra mắt Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương giáo hội. Nguồn: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5F5410. Ngày truy cập: 3/1/2017.

2. Nguyên Lạc - Đăng Huy, Phân ban Ni giới Trung ương tổng kết công tác Phật sự 2016. Nguồn: phatgiaovietnam.vn/tin-tuc-su-kien/phan-ban-ni-gioi-tugh-tong-ket-cong-tac-phat-su-2016/. Ngày truy cập: 4/1/2017.

3. Ni trưởng Thích nữ Huệ Từ, Hoạt động từ thiện xã hội: Đặc điểm nổi bật của Ni giới Việt Nam. In trong: Viện Nghiên  cứu Phật học Việt Nam - Trường ĐHKHXH&NV (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Hồng Đức, trang 636.

4. Phân ban Ni giới TP. Hồ Chí Minh, Ni giới ở TP. Hồ Chí Minh: Những thành tựu nổi bật trong giao lưu quốc tế hiện nay.  In trong: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam - Trường ĐHKHXH&NV (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Hồng Đức, trang 628-629.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 2
    • Số lượt truy cập : 6059195