MẤY SUY NGHĨ VỀ VAI TRÒ
CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY
TS. TRẦN THỊ HOA
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM
Phật giáo là một trong những tôn giáo có uy tín, có ảnh hưởng lớn trên thế giới và đã có mặt ở Việt Nam hơn hai ngàn năm qua trong tinh thần “Hộ quốc an dân”. Để tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống Pháp luật Việt Nam đến năm 2010, đã ra Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005. Nghị quyết nhấn mạnh “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân tộc, tôn giáo theo hướng tăng cường đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân tộc” và “bảo đảm quyền của công dân về tự do tín ngưỡng, phát huy những mặt tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo. Nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm tổn hại an ninh quốc gia”. Cũng xuất phát từ nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong thời kỳ đổi mới và yêu cầu thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/6/2004 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX đã thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 29/6/2004 Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Pháp lệnh và ngày 15/11/2004, Pháp lệnh có hiệu lực thi hành. Để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ngày 8/11/2012, chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”; có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013 thay thế nghị định số 22/CP ngày 01-3-2005 của Chính phủ “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”. Đây là những văn bản quy phạm về pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta hiện nay.
Như vậy, Pháp lệnh đã thể hiện chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc những việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo do các tôn giáo tự giải quyết theo hiến chương, điều lệ của các tôn giáo. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với việc quản lý các hoạt động tôn giáo được quy định cụ thể theo hướng cải cách các thủ tục hành chính như về thời gian, trình tự, thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền... trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động. Điều đó đã làm lành mạnh hóa các quan hệ tôn giáo và hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng của tín đồ và tổ chức tôn giáo, vì lợi ích chung của toàn xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế.
Thực tế cho thấy với tôn chỉ, mục đích “Cư trần lạc đạo” Phật giáo đã luôn đồng hành cùng lịch sử hình thành và phát triển ở Việt Nam. Phật giáo không chỉ là tôn giáo thuần túy, mà còn là đạo đức, là trí tuệ. Nó không những tạo ra tư tưởng khoan hòa, nhân ái trong chính sách an dân trị quốc của các vương triều Lý, Trần thời văn hóa Đại Việt, mà còn góp phần rất quan trọng trong việc định hình lối sống, phong tục, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam. Bởi vì, triết lý của đạo Phật là sự chia sẻ, con đường để giải thoát là tự nguyện và bằng trái tim mong muốn mọi chúng sinh trong thế gian này đều được an lạc, hạnh phúc, thế giới hòa bình và vì thế mà Phật giáo trở thành tôn giáo bình dân với những ý nghĩa giản dị và sâu sắc nhất của nó.
Khi đến với Việt Nam trong buổi bình minh của lịch sử, Phật giáo đã tìm đến với văn hóa dân gian để kết thành duyên nợ, từng bước tạo được chỗ đứng trong tâm thức nhân dân bằng truyền thuyết Man Nương kỳ bí và huyền ảo. Sự gặp gỡ giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa đã giúp cho Phật giáo gắn bó và đồng hành với đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Bởi văn hóa dân gian là sản phẩm sáng tạo của nhân dân, kết tinh trí tuệ, thể hiện khát vọng và tâm tư tình cảm của nhân dân. Tìm đến với văn hóa dân gian, kết hợp với tín ngưỡng dân gian là Phật giáo đã tìm đến với nguồn cội của văn hóa dân tộc, tìm đến với sức sống và bản sắc của văn hóa Việt Nam. Sự kết hợp nhuần nhuyễn tài tình càng làm phong phú thêm văn hóa bản địa, thúc đẩy văn hóa phát triển, làm xuất hiện một nền văn hóa Phật giáo ở Việt Nam, khác với Phật giáo ở Trung Quốc, Ấn Độ v.v… Bản chất của Phật giáo là từ bi, trí tuệ; mục đích là giác ngộ, giải thoát; trên tinh thần hòa bình, giáo dục và hướng thiện; nên hoàn toàn phù hợp với tính nhân bản của văn hóa bản địa do vậy đã nhanh chóng đi sâu vào tư tưởng, vào lòng người.
Trong lịch sử Việt Nam, thời nhà Lý là thời kỳ Phật giáo Việt Nam phát triển rạng rỡ nhất. Các vua nhà Lý đã lấy đạo Phật làm quốc đạo. Tôn người đạo cao đức trọng nhất trong Giáo hội làm Quốc sư để vấn kế hưng nước, an dân. Nhờ đó mà kinh tế, văn hóa, đạo đức, xã hội phát triển, thăng hoa mạnh mẽ. Một khi đã đi vào tiềm thức nhân dân tạo nên một tín ngưỡng vững chắc thì Phật giáo sẽ tạo nên sức mạnh quan trọng trong đời sống văn hóa người dân. Các ngôi chùa không chỉ mang yếu tố tâm linh mà giờ đây đã trở thành những trung tâm văn hóa giáo dục trong các làng xã. Và trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Phật giáo luôn đứng về những người dân yêu nước. Ví dụ, vào cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII, có vị Lý Phật Tử đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc.
Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV là giai đoạn phát triển cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, mà đỉnh cao là trong hai triều đại Lý (1010 - 1025) và Trần (1225 - 1400), Phật giáo trở thành Quốc giáo. Đặc biệt từ sau thế kỷ X, cùng với việc giành lại chủ quyền đất nước, văn hóa Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển rực rỡ, bừng lên như một cuộc hồi sinh sáng chói và Phật giáo cũng đóng góp rất lớn trong thời kỳ này.
Ví dụ, như Quốc sư Khuông Việt phò giúp vua Đinh trên phương diện ngoại giao, Thiền sư Vạn Hạnh có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống và khuyên Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, đặt nền móng lâu dài cho muôn đời sau. Ngài còn khuyên dạy nhân dân tu tâm sửa tính, tu học giáo lý Phật giáo để được giải thoát an lạc. Còn Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Khi đất nước thái bình, Ngài nhường ngôi và đến nơi non cao Yên Tử để tu Phật và sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, góp phần làm nên sự thống nhất tư tưởng, cố kết lòng dân. Đó là một trường phái thiền mang bản sắc riêng của thiền học Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, đặc sắc của đạo Phật thời Lý-Trần là một triết lý sống phục vụ nhân sinh, không phải là lý thuyết suông hay giáo điều chết. Các Phật tử thời Lý-Trần đã nắm bắt và thực hiện được tinh thần Phật đạo bằng cả sự sống của họ, bằng tư tưởng, lời nói, hành động trong nếp sống thường ngày.Bằng những hoạt động tích cực của mình, Phật giáo đã thâm nhập vào nhiều mặt của đời sống xã hội: Chính trị, văn học, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội… Ví dụ về văn học, các Tăng sĩ đều thuộc hàng thượng tầng trí thức, có ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa đương thời. Nhờ sách Thiền Uyển Tập Anh và một số bia tạo dựng từ đời Lý mà văn thơ đời ấy còn tồn tại. Các Thiền sư luôn luôn là những người tài giỏi và hay chữ nhất trong xã hội. Trong 50 thi sĩ đời Lý có đến 41 người là Tăng lữ.
Ví dụ về mỹ thuật, đối với các ngành kiến trúc, hội họa, điêu khắc, đạo Phật đã là một động lực giúp cho việc phát triển mạnh mẽ. Điển hình là những công trình mỹ thuật còn lưu lại như tượng Quỳnh Lâm bằng đồng cao đến độ đứng cách 10 dặm còn trông thấy đầu pho tượng. Hoặc đình Phổ Minh ở Nam Định, hay những thắng tích ở Hà Nội như chùa Một Cột, đền Hai Bà Trưng v.v…
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, các Tăng Ni, Phật tử cũng xuống đường đấu tranh đòi độc lập cho dân tộc, hòa bình cho cuộc sống của muôn dân. Hòa thượng Thích Quảng Đức - Ngài đã tự thiêu để chống lại chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm. Bảo vệ chủ quyền của dân tộc, nhiều Tăng Ni, cư sĩ Phật tử sẵn sàng “Cởi áo cà-sa khoác chiến bào” đã làm tăng thêm sức mạnh cho Cách mạng Việt Nam.
Phát huy truyền thống hơn 2.000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã có nhiều Phật sự ích đời, lợi đạo. Thông qua hoằng dương Phật pháp, Phật giáo Việt Nam đã đưa đến cho người dân tư tưởng sống trong Chính pháp, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh tiến bộ. Trên con đường hành đạo của mình, Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào như đền ơn đáp nghĩa, tri ân các thương binh liệt sĩ, gắn liền với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, cử chín (09) hồi đại hồng chung vào Ngày Thương binh - liệt sĩ; tham gia các chiến dịch nhân đạo ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt; các công tác từ thiện, nuôi dưỡng, giúp đỡ người nghèo, người không nơi nương tựa, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng chất độc da cam, nuôi dạy trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; mổ mắt miễn phí cho người đục thủy tinh thể, tặng nhà tình nghĩa, vận động tài chính, lương thực, đồ dùng để giúp đỡ người nghèo, tặng xe lăn cho người khuyết tật, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng; khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhân dịp Tết cổ truyền hằng năm, Giáo hội tổ chức phát quà Tết cho người nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Từ đó đã làm tăng thêm truyền thống của dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, v.v…
Và bằng những đóng góp như thế, Phật giáo đã từng bước khẳng định vị thế của mình, là hạt giống tốt lành, lương thiện, từ bi yêu thương trong lòng dân tộc và có một vị thế quan trọng trong tổng thể văn hóa Việt Nam. Sự hiện hữu của Phật giáo qua mấy ngàn năm lịch sử góp phần làm nên bản sắc của dòng giống Lạc Hồng. Với bản chất là trí tuệ, là từ bi, sẽ tiếp tục phát huy vị thế linh hoạt, nhạy bén của mình theo phương châm, tinh thần nhập thế để cùng đồng hành với dân tộc, thực hiện nhiệm vụ chắt lọc và kết tinh những giá trị văn hóa tiên tiến trở thành một phần hồn cốt tinh hoa của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam hôm nay đang trên con đường đổi mới và hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Vì thế, trách nhiệm của Phật giáo hôm nay là luôn biết trân trọng, nâng niu gìn gìữ những hạt giống tốt lành đó, vun đắp truyền thống tốt đẹp đó, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Với tinh thần nhập thế, Phật giáo Việt Nam luôn đoàn kết cùng dân tộc. Hiện nay đã có hơn 40 ngàn Tăng Ni và hàng chục triệu Phật tử, hàng vạn chùa chiền, tự viện được trùng tu, tôn tạo đẹp đẽ. Công tác giáo dục có nhiểu chuyển biến rõ nét, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Hệ thống giáo dục được mở rộng, các cơ sở đào tạo Tăng Ni từ sơ cấp đến đại học được củng cố và xây dựng khang trang, đảm bảo cho hàng ngàn Tăng Ni sinh học tập. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự hào đã có hệ thống đào tạo Tăng tài với 4 Học viện Phật giáo, 01 trường Cao đẳng, 32 trường Trung cấp và hàng chục lớp Sơ cấp với đội ngũ giảng viên gồm gần một trăm Tăng, Ni có học vị tiến sĩ, thạc sĩ; mỗi năm đào tạo trên 5.000 Tăng Ni sinh các cấp ở trong nước và cử hàng trăm học viên xuất sắc đi học tại nhiều trường đại học ở nước ngoài, như: Đại học New Delhi (Ấn Độ), Đại học Phật giáo Truyền giáo Nam tông Quốc tế Yangon (Myanmar), Phật Quang Sơn (Đài Loan),…
Phật giáo Việt Nam cũng tự hào tổ chức thành công Đại lễPhật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) năm 2008 tại HàNội.
Phật giáo Việt Nam xây dựng và giáo dục đạo đức tốt đẹp, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giảm bớt tiêu cực và tệ nạn xã hội, hướng dẫn tín đồ tu tâm dưỡng tính, làm những việc thiện, tránh những việc ác. Biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thể hiện đức tính tốt đẹp của những người con Phật. Thông qua đó nhằm giúp con người tránh vô minh, chế ngự dục vọng, lòng tham lam để mang lại sự sáng suốt, an lạc, hạnh phúc và sẵn sàng làm mọi việc vì nước, vì dân, vì cộng đồng, góp phần ổn định xã hội.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng trong xu thế hội nhập và bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, con người có điều kiện để trau dồi kiến thức và vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó cũng phát sinh những tiêu cực không nhỏ về đạo đức xuống cấp nghiêm trọng trong gia đình, cơ quan, trường học cũng như ngoài xã hội, với tư tưởng tranh giành quyền lợi, mâu thuẫn, hưởng thụ, vụ lợi, chạy theo đồng tiền bằng nhiều thủ đoạn, làm ảnh hưởng lớn đến lối sống lành mạnh, trong sáng, vị tha, nhân ái,...
Trước tình hình đó, vai trò trách nhiệm của Phật giáo trong việc giáo dục và giúp đỡ mọi người, mà chủ yếu là hướng dẫn cho các thanh, thiếu niên hiểu và sống hướng thiện, khoan dung với tinh thần từ bi, hỉ xả, luôn hướng thiện nhằm giảm bớt những mặt trái, tội lỗi đang làm suy giảm những nét đẹp của văn hóa truyền thống là rất quan trọng.
Đồng thời cũng chỉ ra và hướng dẫn cho thanh niên con đường tu thân cho mỗi con người thông qua triết lý nhà Phật về Tứ diệu đế, Bát chính đạo, góp phần điều chỉnh hành vi con người theo chuẩn mực chân, thiện, mỹ. Hạn chế những tham, sân, si, nâng cao đạo đức lối sống có tâm có đức ở đời. Với triết lý duyên sinh, đạo Phật đã thể nhập vào triết lý sống qua các quan hệ, ứng xử với thiên nhiên, với xã hội, với bản thân, gia đình. Bởi vì đạo Phật là từ bi là trí huệ, với mục đích mang đến sự bình an, an lạc, hạnh phúc trong tâm cho muôn chúng sinh, các chư thiên và loài người. Phật giáo Việt Nam với phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do đó, Phật giáo được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Phật giáo được truyền bá rộng rãi giáo lý đạo Phật, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc theo đúng truyền thống cha ông:
Dân tộc ta có bốn nghìn năm lịch sử,
Từ Đinh Lê Lý cho đến Trần Lê,
Dân ta giữ đạo Bồ Đề,
Nửa tu chân chính, nửa tề quốc gia.
Trên tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo, với sự hộ trì của Tam bảo, trên con đường hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sinh, đạo Phật đã là của tất cả mọi người. Từ các vị thiền sư cho đến công chức, cán bộ nhà nước, hay người dân thường hãy noi theo gương sáng cha ông, lấy giáo pháp làm lẽ sống cải tạo chính mình sống lành mạnh, tín tâm và tận tụy với đất nước, gia đình, cộng đồng xã hội, đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước, xây dựng một thế kỷ XXI nhân loại cùng sống trong hòa bình, an vui, nhân ái. Sống trong chan hòa tình hữu nghị các dân tộc, các tôn giáo khác trên thế giới. Đó là điều mà Phật giáo Việt Nam mong mỏi và đang vươn lên đóng góp thêm vào hương sắc của vườn hoa văn hóa thế giới trong thập kỷ phát triển văn hóa.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 5-2013
Bình luận bài viết