MẤY VẤN ĐỀ VỀ PHẬT GIÁO NGHỆ AN
(nghiên cứu trường hợp chùa Bảo Lâm, xã Hoa Thành,
huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An)
TS. LÊ TÂM ĐẮC*
ThS. HOÀNG THỊ THU HƯỜNG*
1. Đặt vấn đề
Ngôi chùa ở Việt Nam, đặc biệt là ngôi chùa Việt theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa/Phật giáo Bắc Tông, như chúng ta đã biết, là nơi tích chứa nhiều chỉ báo của đời sống xã hội thế tục và đời sống Phật giáo Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại.
Do vậy, để hiểu Phật giáo Nghệ An hiện nay phục vụ trực tiếp cho việc viết bài tham dự Hội thảo Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ: quá khứ, hiện tại và tương lai và tổ chức Tuần lễ văn hóa Phật giáo Nghệ An, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An và Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã phối hợp tổ chức hai đoàn công tác hỗn hợp, vào tháng 5 và tháng 6 năm 2012, gồm các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,v.v…tiến hành khảo sát di tích Phật giáo và sinh hoạt Phật giáo ở hầu khắp các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: thành phố Vinh, thị xã Cửu Lò, huyện Quỳnh Lưu, huyện Yên Thành, huyện Nam Đàn, huyện Thanh Chương, huyện Đô Lương, huyện Hưng Nguyên,v.v…
Chùa Bảo Lâm, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là một trong những di tích mà đoàn công tác khảo sát. Tuy là một ngôi chùa làng bình dị với quy mô nhỏ, nhưng có thể nói, chùa Bảo Lâm là một trong những di tích phản ánh khá rõ nét nhiều vấn đề của Phật giáo Nghệ An xưa và nay.
2. Mấy vấn đề về Phật giáo Nghệ An qua nghiên cứu chùa Bảo Lâm
2.1. Chùa Bảo Lâm phản ánh lịch sử du nhập và phát triển lâu đời của Phật giáo ở Nghệ An
Cho đến hiện nay, niên đại Phật giáo đầu tiên xuất hiện ở vùng đất Nghệ An vẫn là một vấn đề còn đang tranh luận về mặt khoa học. Những nghiên cứu bước đầu của chúng tôi cho thấy, hiện có hai nhóm quan điểm cơ bản đề cập đến thời điểm đầu tiên Phật giáo du nhập vào xứ Nghệ.
Nhóm quan điểm dựa thứ nhất, chiếm thiểu số, chủ yếu dựa vào các truyền thuyết cho rằng, có thể Phật giáo đầu tiên truyền vào xứ Nghệ nói riêng, truyền vào nước ta nói chung ở Cửa Sót khoảng trước Công nguyên. Quan điểm này, theo chúng tôi, cần có thêm những bằng cứ, những sử liệu, đặc biệt là những di vật Phật giáo, xác đáng hơn nữa để chứng minh.
Nhóm quan điểm thứ hai, chiếm đa số, chủ yếu dựa vào di vật đào được ở Tháp Nhạn (thôn Tháp Bàn, xã Nhạn Tháp cũ, nay là xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) trong hai đợt khai quật khảo cổ học do Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp Nghệ Tĩnh và Khoa Lịch sử thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh tiến hành vào những năm 1985-1986 và sử liệu ghi chép việc Cao Biền đời Đường xây dựng chùa Linh Vân (ở xã Yên Trường, huyện Chân Lộc xưa; có thể là chùa Cần Linh ở thành phố Vinh ngày nay) trong bộ Đại Nam nhất thống chí[1]cho rằng, thời điểm Phật giáo du nhập vào xứ Nghệ khoảng các thế kỷ VII-VIII. Chúng tôi nghiêng về nhóm quan điểm thứ hai này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, rất có thể Phật giáo đã có mặt ở xứ Nghệ trước thế kỷ VII-VIII, nghĩa là trước thời điểm xây những ngôi chùa đầu tiên trên địa bàn này.
Sau khi du nhập vào xứ Nghệ, Phật giáo đã có những bước phát triển trên vùng đất này, nhất là từ thời Lý, với vai trò nổi bật của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, người con thứ tám của vua Lý Thái Tổ, khi ông được cử vào làm Tri châu Nghệ An. Một trong những biểu hiện của sự phát triển Phật giáo xứ Nghệ từ thời Lý-Trần cho đến những giai đoạn tiếp sau đó là hàng loạt ngôi chùa được xây dựng nơi đây, tiêu biểu như: Chùa Già (xã Đà Sơn, huyện Đô Lương), chùa Bà Bụt/chùa Tiên Tích (xã Lam Sơn, huyện Đô Lương) chùa Yên Thái (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu), chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh được xây dựng vào các thế kỷ XI-XIII; chùa Hiến Sơn (xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên) được xây dựng vào thế kỷ XVI, chùa Phổ Am (phường Nghi Tân, thị xã Cửu Lò) được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII,v.v…Cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tới vài trăm ngôi chùa.
Chùa Bảo Lâm là một trong những ngôi chùa cổ trên đất Nghệ An. Theo người dân địa phương thì chùa có từ thời Lý (?). Căn cứ vào những ghi chép trong văn bia còn lưu giữ tại di tích Phật giáo này thì, “ngôi chùa được ông Phan Úc tu sửa vào thời Hậu Lê, sau lại được ông Phan Kim (hiệu sinh thời Lê) tiếp tục tu sửa”[2]. Như vậy, thời gian xây dựng chùa Bảo Lâm có thể trước thời Hậu Lê. Sau lần tu sửa vào thời Hậu Lê, di tích này lần lượt được trùng tu lại toàn bộ hoặc từng phần vào nhiều thời điểm khác nhau, tiêu biểu như: niên hiệu Triệu Trị năm thứ 1 [1841], niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 4 [1844], năm 2001[3].
Như vậy, lịch sử chùa Bảo Lâm góp phần phản ánh sự du nhập và phát triển Phật giáo ở Nghệ An qua các thời kỳ lịch sử ở nước ta. Tuy đạo mạch có lúc mạnh yếu khác nhau nhưng chắc chắn trong quá trình xây dựng và phát triển, Phật giáo đã để lại dấu ấn không nhỏ trong đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của người dân Nghệ An.
2.2. Chùa Bảo Lâm phản ánh hiện trạng chùa ở Nghệ An hiện nay
Với lịch sử du nhập và phát triển Phật giáo lâu đời, Nghệ An chắc chắn từng là địa phương có rất nhiều chùa tháp, được xây dựng ở các triều đại phong kiến Việt Nam khác nhau, từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX. Tư liệu lịch sử từng phản ánh điều này[4], các ban ngành chính quyền, tăng sĩ, Phật tử và nhân dân địa phương cũng xác nhận điều này.
Theo những thống kê chưa đầy đủ của các ban ngành chính quyền, của giới tăng sĩ và Phật tử và nhân dân địa phương, trước năm 1945, ở Nghệ An có khoảng từ 300 đến 500, thậm chí là 1.000 ngôi chùa (?). Con số 300, 500 hay 1.000, dù rất khác biệt, nhưng theo chúng tôi, đều chung một chỉ báo là Nghệ An từng có rất nhiều ngôi chùa. Điều này có thể hiểu được, với những nội dung đã trình bày ở trên.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm năm 2012, theo con số thống kê của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An, số lượng chùa hiện tồn trên địa bàn này là 75 ngôi chùa, cụ thể: thành phố Vinh có 9 chùa, huyện Hưng Nguyên có 13 chùa, huyện Nam Đàn có 13 chùa, huyện Thanh Chương có 4 chùa, huyện Đô Lương có 11 chùa, thị xã Cửa Lò có 2 chùa, huyện Nghi Lộc có 8 chùa, huyện Diễn Châu có 4 chùa, huyện Yên Thành có 4 chùa, huyện Quỳnh Lưu có 3 chùa[5], trong đó có khoảng trên 20 ngôi chùa được phép hoạt động.
Một số ngôi chùa tuy còn tồn tại, vẫn có người đi lễ chùa, nhưng chưa được phép hoạt động. Nhiều ngôi chùa chỉ còn là phế tích, tức là chỉ còn lại nền chùa hay còn lại một số di vật của ngôi chùa. Với 75 ngôi chùa còn tồn tại, ở các dạng thức và mức độ khác nhau, dù được phép hoạt động hay chưa được phép hoạt động, theo chúng tôi, là quá ít so với nhu cầu sinh hoạt Phật giáo nói riêng, sinh hoạt tín ngưỡng của Phật tử và nhân dân Nghệ An nói chung.
Nhìn chung, ngoại trừ một số ngôi chùa còn giữ được khá nguyên trạng, có sư trụ trì, tiêu biểu như chùa Cần Linh (thành phố Vinh), Chùa Gám (huyện Yên Thành), chùa An Thái (huyện Quỳnh Lưu),… hầu hết các di tích Phật giáo còn lại ở Nghệ An hiện nay, cho dù đã được phép hoạt động, đã được phục dựng hay chưa được phục dựng đều ở trong tình trạng xuống cấp và chắp vá. Đặc biệt có những ngôi chùa chỉ còn lại nền xưa, chẳng hạn như Chùa Hậu, chùa Yên Thông (xã Bắc Thành, huyện Yên Thành) hay Chùa Bà (xã Thanh Đông, huyện Thanh Chương),v.v…
Trong bối cảnh như vậy, ở một vài nơi, Phật tử và nhân dân đã chủ động tu sửa lại ngôi chùa của địa phương mình. Nhưng một phần có lẽ do kinh phí hạn hẹp, một phần có lẽ do nhận thức của Phật tử và nhân dân địa phương, thậm chí là một vài vị tăng sĩ trụ trì, còn hạn chế, cho nên một số ngôi chùa mới được tu sửa lại không được đẹp về mỹ thuật, cũng không đúng quy chuẩn từ kiến trúc đến cách bài trí tượng thờ và đối tượng thờ,v.v...
Trong thời gian tới, việc trùng tu tôn tạo các cơ sở thờ tự tôn giáo nói chung và của Phật giáo nói riêng ở Nghệ An là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, quá trình này cần phải diễn ra theo đúng quy trình và có sự hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo tôn tạo đúng khoa học, bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp của chùa chiền; tránh tình trạng tu sửa tự phát, không đúng cách dẫn đến hiện tượng làm sai lệch, biến dạng và thậm chí mất hẳn yếu tố gốc, yếu tố cơ bản làm nên giá trị ngôi chùa. Việc làm này đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, Ban Trị sự Phật giáo, các vị tăng sĩ, các nhà khoa học, Phật tử và nhân dân Nghệ An.
Nhiều ngôi chùa ở Nghệ An hiện nay, tiêu biểu như chùa Đức Sơn ở huyện Nam Đàn, chùa Gám ở huyện Yên Thành, chùa Bảo Lâm ở huyện Yên Thành, chùa Yên Thái ở huyện Quỳnh Lưu,v.v… còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật Phật giáo có giá trị, niên đại khoảng từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ XX, như: tượng thờ (bằng đá, bằng gỗ, bằng đất), khánh đá, chuông đồng, bia đá, cây hương đá, bản mộc in Kinh Phật, “họa tượng” (được vẽ hay chạm khắc trên gỗ hoặc trên đá), mảng chạm. Trong số các di vật Phật giáo Nghệ An hiện còn lưu giữ được, theo chúng tôi, đáng chú ý là các “họa tượng” và khánh đá, những hiện vật vốn không còn tồn tại nhiều ở các địa phương và vùng miền khác trong cả nước. Những hiện vật cổ của Phật giáo Nghệ An có giá trị lịch sử, văn hóa và tôn giáo rất cần gìn giữ và bảo lưu. Nhưng điều đáng lưu tâm là phần nhiều di vật này lại tồn tại và lưu giữ chủ yếu tại các ngôi chùa làng đang bị xuống cấp. Do chưa được bảo quản và bảo vệ tốt, nên nhiều hạng mục kiến trúc Phật giáo và di vật Phật giáo đang dần bị hư hỏng và dễ bị kẻ gian lấy trộm.
Một thực tế nữa của Phật giáo Nghệ An hiện nay là hầu hết các ngôi chùa không có sư trụ trì. Trong số 22 ngôi chùa mà đoàn công tác tiến hành khảo sát, thì chỉ có 7 ngôi chùa có sư trụ trì (có trường hợp một vị tăng sĩ trụ trì hai chùa). Những ngôi chùa không có sư trụ trì thường do ban quản lý di tích trông nom, hoặc một Phật tử địa phương coi sóc, hoặc cả hai thành phần trên.
Bảo Lâm là một trong rất nhiều ngôi chùa trên địa bàn Nghệ An hiện nay trong tình trạng thiếu sư trụ trì, thiếu người hướng đạo. Đành rằng hiện tại, thành viên của ban quản lý di tích hoặc một Phật tử địa phương (gọi chung là giám tự) am hiểu về đạo Phật tự đứng ra tổ chức nhóm họp và hướng dẫn Phật tử và nhân dân sinh hoạt tôn giáo. Đây là những việc làm tương đối tích cực, góp phần giữ “lửa đạo” cho các ngôi chùa. Tuy nhiên, việc ngôi chùa thiếu vị tăng sĩ trụ trì am hiểu Phật pháp một cách bài bản sẽ dẫn đến tình trạng sinh hoạt tôn giáo nói chung, sinh hoạt Phật giáo nói riêng dễ bị lệch lạc, thậm chí là mê tín dị đoan. Chùa Bảo Minh ở thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu là một ví dụ điển hình của hiện trạng nêu trên. Vị giám tự của ngôi chùa này là một thanh đồng. Cho nên, ở chùa Bảo Minh thường xuyên tổ chức hầu đồng và xem bói thu tiền cho Phật tử và nhân dân trong vùng. Vì vậy, để sinh hoạt Phật giáo Nghệ An phát triển lành mạnh, chính tín và đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo Phật tử và nhân dân địa phương thì nhu cầu về sư trụ trì các ngôi chùa, trong đó có chùa Bảo Lâm, là một việc thiết yếu trong giai đoạn hiện nay.
2.3. Chùa Bảo Lâm phản ánh tình trạng “hợp tự”, “Phật Thánh hỗn cư” ở hầu khắp các ngôi chùa của Nghệ An hiện nay
Chùa Bảo Lâm cũng như hầu hết các ngôi chùa ở Nghệ An hiện nay lưu giữ tượng thờ và khí tự không chỉ của di tích mình mà còn của nhiều di tích khác. Người ta gọi chung hiện tượng này là “hợp tự”, “dồn chùa nhốt tượng”, “dồn chùa nhốt Bụt”, hay “Phật Thánh hỗn cư”. Hiện tượng này phổ biến trong cả nước, nhưng chắc chắn Nghệ An một trong những địa phương điển hình nhất, căn bản do trước năm 1975, chiến tranh diễn ra ác liệt, thiên tai nặng nề xuất hiện thường xuyên,… nên nhiều di tích bị hư hỏng. Ở những di tích bị “xóa xổ”, đồ thờ tự, tượng thờ được người dân địa phương cất giữ và đưa vào một số cơ cở thờ tự bất kỳ còn tồn tại (có thể là chùa, có thể là đình hoặc đền).
Với các di tích Phật giáo ở Nghệ An, một cách tương đối, có thể chia hiện tượng này làm ba loại sau:
Loại thứ nhất, trong ngôi chùa, nhất là trên Phật điện, bên cạnh đối tượng thờ và đồ thờ tự của Phật giáo, còn thấy bài trí cả tượng của một số vị thần thánh và đồ thờ tự của các di tích tín ngưỡng dân gian (ở đây không tính mô hình chùa “tiền Phật hậu Thánh” hoặc “tiền Thánh hậu Phật” vào loại hình thứ nhất này).
Loại thứ hai, trong ngôi chùa, nhất là trên Phật điện, bên cạnh đối tượng thờ và đồ thờ tự của chùa mình còn bài trí tượng và đồ thờ tự của các ngôi chùa khác trong vùng. Tượng thờ và đồ thờ tự Phật giáo trong các ngôi chùa này, do vậy, vừa thừa lại vừa thiếu.
Đặc điểm chung của cả hai loại hình nêu trên là có quá nhiều tượng và đồ thờ tự, trong đó có nhiều bộ trùng lặp, “chen chúc” trong không gian di tích nhỏ hẹp, bài trí lộn xộn gây mất mỹ quan và giảm tính tôn nghiêm của nhiều di tích (chùa Cần Linh ở thành phố Vinh, chùa Đức Sơn ở huyện Nam Đàn, chùa Phúc Mỹ ở huyện Đô Lương,v.v…). Theo chúng tôi, đã đến lúc chính quyền, giới Phật giáo và nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp suy tính việc bài trí lại tượng và đồ thờ trong nhiều ngôi chùa, trả lại vẻ đẹp và tính thiêng liêng cho các di tích Phật giáo trên địa bàn.
Loại thứ ba, trong khi nhiều ngôi chùa dư thừa tượng thờ và đồ thờ tự, thì một vài di tích Phật giáo trên đất Nghệ An hiện nay lại rơi vào tình trạng ngược lại: thiếu tượng thờ và đồ thờ do bị thất lạc (chùa Nhân Bồi ở huyện Đô Lương, chùa Viên Quang ở huyện Nam Đàn, chùa Xuân Long ở huyện Nam Đàn, chùa Giai ở huyện Nam Đàn,v.v…). Phật điện của những ngôi chùa này bài trí đơn giản, một số bệ tượng còn bỏ trống; một vài nơi dùng ảnh thờ thay thế tượng thờ.
Chùa Bảo Lâm thuộc cả loại hình thứ nhất lẫn loại hình thứ hai. Theo một số người cao tuổi địa phương, nơi đây từng lưu giữ tượng thờ và đồ thờ của hơn 80 cơ sở thờ tự trong huyện Yên Thành (?). Vì vậy, trong những năm trước đây, số lượng tượng thờ và đồ thờ ở chùa rất lớn, có lúc lên đến hơn 100 pho và nhiều hiện vật khác như tượng phỗng, chuông đồng, đồ thờ của các di tích tín ngưỡng truyền thống. Sau này, chính quyền địa phương cho phép phục dựng một số cơ sở thờ tự, nhiều tượng thờ và đồ thờ được trả lại cho “chủ cũ”. Cho nên, số lượng tượng thờ và đồ thờ ở chùa Bảo Lâm cũng giảm xuống, cộng với việc cách đây hơn chục năm, kẻ gian đã nhiều lần lợi dụng sơ hở của Phật tử và nhân dân địa phương đột nhập vào chùa và lấy đi nhiều cổ vật có giá trị. Hiện tại, số lượng tượng thờ ở chùa Bảo Lâm chỉ còn lại trên dưới 20 pho.
2.4. Chùa Bảo Lâm phản ánh đặc trưng chùa làng của Phật giáo Nghệ An
Chùa Bảo Lâm, cũng giống như hầu hết các ngôi chùa ở Nghệ An khác trong lịch sử và hiện tại, thuộc loại chùa làng. Thực ra, chùa làng là một đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo Đại Thừa/Bắc Tông ở người Việt/Kinh miền Bắc. Các ngôi quốc tự hay đại danh thắng Phật giáo ở Việt Nam là rất ít. Trong khi đó, hầu như mỗi làng, mỗi khu vực đều xây dựng chí ít một ngôi chùa nhỏ làm nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn và bảo lưu thuần phong mỹ tục, giáo dục truyền thống quê hương cho Phật tử và nhân dân trong vùng. Cho nên, tục ngữ Việt Nam có câu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” chính là để chỉ đặc trưng này. Nghệ An có lẽ là nơi tiêu biểu nhất đặc trưng chùa làng ở Việt Nam. Đặc trưng đó đã được Tiến sĩ Bùi Dương Lịch đề cập trong Nghệ An ký, và sau này cũng được nhà Nghệ An học Ninh Viết Giao khẳng định trong những nghiên cứu của mình[6]. Thực tế khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy rõ điều này.
Đa số chùa làng ở Nghệ An có quy mô nhỏ hẹp; phần lớn có 2 tòa làm theo kiểu chữ Nhị, chữ Đinh, hoặc một dạng biến thể của chữ Nhị và chữ Khẩu (với hai tòa chính cách biệt bởi một khoảng trống, nối giữa hai tòa chính là hai dãy nhà nhỏ hẹp được gọi là Tả vu, Hữu vu hoặc hai nhà oản, chùa Bảo Lâm thuộc dạng kiến trúc này); một số chùa chỉ duy nhất một tòa như chùa Bà Bụt (xã Lam Sơn, huyện Đô Lương), chùa Nhân Bồi (xã Nhân Bồi, huyện Đô Lương), chùa Hiến Sơn/chùa Chợ Hến (xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên),v.v…
Hệ thống tượng thờ trong các ngôi chùa làng ở Nghệ An căn bản được bài trí theo lối truyền thống Phật giáo Bắc Tông ở miền Bắc, tuy có nơi giản lược nhiều có lẽ do bị thất lạc tượng thờ và đồ thờ. Về đại thể, Phật điện chùa làng ở Nghệ An được bài trí như sau:
Lớp trên cùng bày bộ Tam Thế Phật, nói tắt là bộ Tam Thế, thường được giải thích là ba vị Phật đại biểu của Tam Thiên Tam Thế Phật, nghĩa là ba nghìn vị Phật ở quá khứ, hiện tại và vị lai.
Lớp tượng thứ hai thường bày bộ Di Đà Tam Tôn, hay còn gọi là Tây Phương Tam Thánh, gồm Đức Phật A Di Đà giáo chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc và hai vị trợ thủ của ngài là Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí.
Lớp thứ ba thường bày bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh, gồm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và hai vị đại đệ tử của ngài, hoặc là A Nan và Ca Diếp, hoặc là Văn Thù và Phổ Hiền.
Lớp thứ tư thường đặt bộ tượng Di Lặc, bộ tượng Quan Âm, hoặc bộ tượng Ngọc Hoàng-Nam Tào-Bắc Đẩu,v.v…
Lớp thứ năm thường bày tượng Thích Ca sơ sinh, còn gọi là pho Cửu Long, hai bên là Phạm Thiên và Đế Thích.
Tòa Tiền đường thường bày hai vị thần luôn bảo vệ Phật pháp là Khuyến Thiện/ông Thiện và Trừng Ác/ông Ác.
Như vậy, cách bài trí tượng thờ trong ngôi chùa làng ở Nghệ An rất gần với cách thức bài trí tượng thờ ngôi chùa Việt truyền thống ở miền Bắc. Đây là một điểm đáng lưu tâm cho chính quyền và giới Phật giáo Nghệ An trong việc bài trí tượng thờ trong các ngôi chùa truyền thống hoặc những ngôi chùa mới xây dựng trên địa bàn này.
Phật điện chùa Bảo Lâm những giai đoạn trước đây có lẽ cũng được bài trí như nhiều ngôi chùa làng truyền thống điển hình khác ở Nghệ An. Nhưng, sau những biến thiên mạnh mẽ của thiên tai và địch họa như đã đề cập, chùa Bảo Lâm hiện nay tuy số lượng tượng thờ vẫn khá nhiều, nhưng thừa thì vẫn thừa mà thiếu thì vẫn thiếu. Điển hình và cụ thể của sự thừa thiếu tượng thờ là trên Phật điện chùa Bảo Lâm hiện có đến 2 bộ Tam thế, 2 tòa Cửu Long; không thấy có những bộ tượng Phật cơ bản khác như Di Đà Tam Tôn, Hoa Nghiêm Tam Thánh, Quan Âm,v.v...
Một đặc điểm khác của hầu hết chùa làng ở Nghệ An trong lịch sử cũng như hiện nay là có rất ít hoặc không có tháp mộ của các vị trụ trì hoặc các nhà sư đã từ tu tập và hành đạo ở chùa. Trong tổng số 22 ngôi chùa mà đoàn công tác khảo sát, bước đầu chúng tôi mới chỉ thấy có vài ngôi chùa, chẳng hạn như chùa Cần Linh ở thành phố Vinh, chùa Viên Quang ở huyện Nam Đàn,v.v.. là có tháp mộ. Điều này cho phép suy luận việc thiếu hoặc không có sư trụ trì chùa là một truyền thống của Phật giáo xứ Nghệ. Điều này còn được thể hiện khá rõ bằng hiện tượng rất ít chùa ở Nghệ An hiện tồn có Nhà Tổ hay gian thờ Tổ. Việc thiếu vắng các nhà sư tu tập và trụ trì chùa cũng phần nào phản ánh chất lượng Phật giáo xứ Nghệ trong những giai đoạn trước đây cũng như hiện nay.
3. Tạm kết
Chùa Bảo Lâm, như đã trình bày một cách khái quát ở trên, phản ánh nhiều vấn đề của Phật giáo Nghệ An. So với nhiều tỉnh thành trong cả nước, Phật giáo Nghệ An “đi trước nhưng về sau”. Phật giáo Nghệ An hiện nay tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với sự thiết tha của Phật tử và nhân dân địa phương, sự ra đời của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An, sự quan tâm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cấp chính quyền địa phương đối với những sinh hoạt tôn giáo chính đáng và lành mạnh của người dân, chúng tôi tin rằng, Phật giáo Nghệ An sẽ hồi sinh một cách mạnh mẽ và vững chắc.
* Viện Nghiên cứu Tôn giáo
* Viện Nghiên cứu Tôn giáo
[1] Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb Thuận Hóa, tr.191-192.
[2] Ninh Viết Giao, Đôi điều về chùa xứ Nghệ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1/2008.
[3] Căn cứ vào các bia đá hiện còn tại di tích
[4] Xem cụ thể trong: Ninh Viết Giao, Đôi điều về chùa xứ Nghệ, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số1/2008.
[5] Theo tư liệu do Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An cung cấp.
[6] Xem: Đôi điều về chùa xứ Nghệ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1/2008
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết