Thông tin

MỘT NGHI VẤN

PHIẾM LUẬN

MỘT NGHI VẤN

CHÁNH TRÍ

 

 

Giữa một nhóm học giả Âu-tây chuyên khảo về đạo Phật, một thắc mắc không giải được đã thành nghi vấn.

Góp nhặt và đối chiếu những tài liệu tản mác trong các kinh sách, bi ký,v.v. họ thấy rằng về niên đại giáng sanh của Đức Thích Ca, không chỗ nào giống chỗ nào. Thậm chí đến tuổi xuất gia, tuổi thành đạo... cũng sai chạy quá nhiều.

Đây không phải một bài khảo cứu về vấn đề này nên xin miễn nói dài dòng và tóm tắt như sau cho dễ hiểu mau chóng.

Bỏ những cái trái ngược nhỏ nhít và lấy những cái giống nhau đại khái, ta có thể nói rằng có hai thuyết chống nhau về năm sanh của Đức Phật. Thuyết thứ nhất chủ trương Ngài chào đời vào đầu thế kỷ 11 trước Tây lịch. Thế thì kể đến nay trên ba ngàn năm. Thuyết thứ nhì cho rằng Ngài giáng sanh không trước Đức Giê-su 500 hoặc 600 năm. Phật giáo Việt Nam ta có lẽ theo thuyết này nên nhận năm nay là năm 2.514 của Phật lịch.

Vì chỗ bất đồng cách nhau đến năm, sáu trăm năm giữa hai thuyết nên mới có chỗ nghi vấn. Người thì nghi rằng cổ Ấn Độ có hai Thái tử trùng tên Siddharta, nhưng ra đời cách nhau xa và một vị chỉ làm con vua trọn đời, còn một vị lại bỏ ngôi phú quý, đi tìm đạo giải thoát, đã được toại nguyện, rồi ra thuyết giáo, được đời suy tôn là Thích Ca Mâu Ni Phật. Một số học giả khác, cũng đều là người chân chánh, lại ngờ rằng vị Giáo chủ đạo Phật là một nhân vật tưởng tượng (personnage imaginaire). Họ càng ngờ hơn nữa khi đọc đến những chuyện lạ lùng, huyền bí, chẳng khác thần thoại, về cách thọ thai của lệnh bà Ma-Da cũng như cách hạ sanh Thái tử, chưa kể những cái lạ lùng khác, riêng về vị “Bồ-tát, từ Đâu-suất cung hạ trần, vừa sanh ra là đứng dậy đi bảy bước, tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất, hô to câu “DUY NGÃ ĐỘC TÔN”, rồi lại nằm xuống, sống trở lại cái sống thông thường của tất cả hài nhi ở thế gian”.

Các học giả Âu-tây ấy lại càng hết sức ngờ, vì họ quá ngạc nhiên, khi họ tiêm nhiễm được giáo lý nhà Phật. Họ tự bảo: không thể một người của thế gian mà lập được một cái học thyết siêu việt, bao hàm như thế được; không thể một người của thế gian mà tìm được những cái chân lý muôn đời mà khoa học của loài người, càng tiến triển bao nhiêu, chỉ làm sáng tỏ những chân lý ấy thôi, chớ không thêm bớt, sửa đổi gì được...

Là Phật tử, tôi tin rằng Đức Thích Ca là một nhân vật có thật, không phải bằng cứ, như một số người, ở những di tích khảo cổ, mà chính ở những lời dạy bảo của vị “Thánh trong quần Thánh” (Le Sage des Sages), danh từ của người phương Tây kính tặng Đức Thích Ca.

Đức Thích Ca há không nói: “Chúng sanh tức Phật, Phật tức chúng sanh”?

Tư tưởng, ngôn ngữ, hành động sáng suốt, trọn lành là Thánh, là Phật. Trái lại là phàm phu, là tục tử. Mà Thánh, Phật là tâm tánh, là linh hồn, của những xác thịt thế gian đã được gội rửa đến chỗ tinh khiết hoàn toàn và đã trở nên cái Toàn Thiện, Toàn Mỹ (des ames humaines prifiéés à lextrême et devenes la Perfection elle-même).

Tôi hiểu nghĩa chữ Phật là như thế.

Vì vậy, đối với tôi, được sanh làm người là một vinh hạnh lớn lao vô cùng, là một phúc đức vô biên. Có được ẩn trong một cái thân người, tâm tánh mới tiến hóa chóng được, mà tiến hóa là giải thoát, là gội rửa lần lần đến chỗ tinh khiết triệt để.

Cứ lấy cái thông minh của người và bất luận con vật nào mà so sánh, tất thấy người hơn vật nhiều. Thông minh do kinh nghiệm mà sanh, kinh nghiệm trong tư tưởng lời nói và việc làm. Kinh nghiệm của thú, dầu có nhiều bao nhiêu hay giỏi bao nhiêu, cũng chỉ là kinh nghiệm của thú, cho nên nó không thể cho thú một cái thông minh của người được, cho nên nó không thể cho thú tiến hóa về mặt tinh thần, đạo đức được.

“PHẢI SỢ MẤT THÂN NGƯỜI”

Mỗi chúng ta phải ráng nhớ lời này của Phật dạy và cố gắng suy nghiệm cái nghĩa sâu xa, thiết thực của nó.

Ở thế gian này mà không được làm người thì không mong gì về sau làm Thánh, làm Phật.

Muốn học âm nhạc, phải có nhạc cụ, không đàn cầm thì đàn tranh, chẳng ống tiêu thì lại ống sáo... Muốn học làm Phật, phải có Phật cụ. Phật cụ là sắc thân, là xác người. Không có làm người, Thái tử Sit-đạt-ta lấy trí óc đâu tìm được chân lý? Không làm người, thầy tu Cồ-đàm lấy thân đâu mà ngồi dưới cội Bồ-đề tham thiền, nhập định? Không làm người, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lấy miệng đâu mà gióng trống, thổi loa, lấy chân đâu mà rày đây mai đó trọn bốn mươi chín năm trời, bố hóa cái đạo “chuyển mê khải ngộ, ly khổ đắc lạc”, mà diệu âm còn vang khắp năm châu?

Thế thì làm người đâu phải là một bất hạnh, đâu phải là một sự nhục nhã, thấp hèn, là một cái khổ hoàn toàn không gì bù đắp, mà không dám tin hay không chịu tin rằng Đức Phật là một người của thế gian?

Có anh học trò âm nhạc nào kêu khổ khi anh được có trong tay một nhạc cụ hoàn hảo không? Không. Người học làm Phật, làm Thánh, hay thấp hơn nữa, người học làm quân tử ở đời, cũng thế. Người học làm Phật chỉ kêu khổ là khi nào trong tay sẵn có một Phật cụ tuyệt diệu là thân xác người mà không biết dùng như một món nhạc khí tuyệt diệu, để khảy những khúc tuyệt vời, mà ai cũng nghe danh, như những khúc GIẢI THOÁT, TỪ BI BÁC ÁI, ĐẠI TRÍ HUỆ, v.v..

Đức Thích Ca là một người có thật của nhân loại.

Nhưng là một kỳ nhân (un surhomme), vì Ngài là hiện thân của cái TOÀN THIỆN, TOÀN MỸ (La Perfection), một cái “hoàn toàn” về mọi phương diện, vật chất như tinh thần, như đạo đức. Vì vậy kinh sách mới mô tả Ngài có một cái thân tốt đẹp vô cùng, biểu hiện cho cái “hoàn toàn vật chất” (Perfection physiqe); một cái thông minh tột chúng, biểu hiện cho cái “hoàn toàn trí tuệ” (Perfection intellectuelle); một linh hồn hết sức trong sạch, chứa đầy một lòng thương vô hạn đối với mọi loài... biểu hiện cho cái “hoàn toàn đạo đức tinh thần” (Perfection morale et spirituelle).

Cứ xem các bậc tu hành chân chánh, giới hạnh nghiêm trì, sẽ thấy cái đẹp về xác thịt mà ta thường tặng là “tiên phong đạo cốt” (beaute physique) của họ; sẽ nhận những cái tư tưởng siêu phàm, chứng tỏ một “trí huệ xuất chúng” (beaute intellectuelle) của họ; sẽ cảm cái “nhã độ quân tử” (beaute morale et spirituelle) của họ.

Ở các vị ấy, cái THIỆN, cái MỸ, như đóa hoa sen vừa chớm nở, đẹp thật vẫn có đẹp, nhưng chưa đẹp đến chỗ HOÀN TOÀN. Với thời gian tu tập, hoa ấy sẽ đến ngày nẩy nở HOÀN TOÀN, sắc hương của nó chừng ấy không lấy lời nói ngọn bút mà diễn tả được; cái đẹp của nó chừng ấy, không lấy gì so sánh được, vì đã đến chỗ HOÀN MỸ. Cái đẹp ấy sẽ ánh ra như sức sáng mặt trời, làm hoa mắt kẻ tục, cảm phục người trí. Cái hương của hoa sẽ lan tràn khắp vũ trụ, ai cũng biết là thơm, nhưng thật ra chỉ những người có đôi mũi “thanh”, con tâm “tịnh”, mới tận hưởng cái vị thùy mị sâu xa của nó.

Thế mà cội rễ của đóa hoa quý báu thanh khiết kia lại ở trong bùn mà chui ra, nhờ bùn tanh, nước đọng mà sống, rồi tiến dần đến chỗ GIẢI THOÁT là không gian khoáng đạt và tiến mãi đến lúc HOA KHAI, tức là đến chỗ phát triển hoàn toàn của khả năng tìm tàng trong cái THÂN gai góc xấu xí bẩn thiểu của nó.

Xem thế thì câu hỏi: “Đức Thích Ca quả phải một người của thế gian, của nhân loại không?” chẳng còn là một vấn đề nữa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6058970