Thông tin

MỘT SỐ GIAI THOẠI VỀ HÒA THƯỢNG HỒNG VIÊN - HUYỀN VÂN

MỘT SỐ GIAI THOẠI VỀ

HÒA THƯỢNG HỒNG VIÊN - HUYỀN VÂN

 

NGUYỄN THIỆN ĐỨC

 

 

Miền Tây Nam Bộ là vùng đất sinh sống chủ yếu của ba cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa và Khmer. Các cộng đồng này sống đan xen và chan hòa cùng nhau trong một không gian sống và văn hóa nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa đặc thù của mình. Có một điểm chung và cũng là chất keo gắn kết họ lại với nhau đó là niềm tin Đức Phật. Người Kinh và người Hoa theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền còn người Khmer thì theo truyền thống Phật giáo Nam truyền. Niềm tin Đức Phật nơi đây được kế thừa và phát triển mạnh mẽ từ xưa nên nó trở thành một vùng đất tâm linh vào bậc nhất ở nước ta và đã đóng góp không ít bậc danh tăng vào bầu trời Phật giáo nước nhà.

Mái chùa là hình ảnh thân thương, quen thuộc của chúng tôi từ thuở thiếu thời. Ngày trước, việc học ở vùng quê không chiếm nhiều thời gian như bây giờ, bọn trẻ chúng tôi thường tự đến chùa để lễ Phật và nghe Thầy trú trì kể những chuyện về Đức Phật, chư Tổ, lịch sử đất nước, những chuyện thời mở cõi và những vị danh tăng nhất là những vị danh tăng của vùng đất này. Những câu chuyện ngày ấy đã trở thành một phần hành trang vào đời của chúng tôi sau này. Ngày nay, chúng tôi đang ở những nơi khác nhau với những cuộc sống riêng nhưng có một điểm chung là mộ đạo và hướng thiện. Một trong những câu chuyện mà chúng tôi thường được nghe là Thầy Thiên Phước(1) kể là về Sư Ông tức Hòa thượng Huyền Vân.

Hòa thượng Thích Huyền Vân pháp hiệu Hồng Viên, dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 40, thế danh Nguyễn Văn Chót; sinh năm 1915 tại xã An Nghiệp, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, trong một gia đình Phật tử thuần thành. Từ bé, song thân của Ngài thường dẫn đến chùa lễ Phật. Năm 1922, Ngài được song thân cho đến quy y với Hòa thượng Lê Phước Chí ở chùa Thiên Phước, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Sau này, với sự khuyến khích của Thầy mình, Ngài cố công tu học với Hòa thượng Thích Hoằng Đức ở chùa Quan Âm, Đại Ngãi, Long Phú, Sóc Trăng và Hòa thượng Thích Trí Thiền ở chùa Tam Bảo, Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 1937, Ngài theo học Lưỡng Xuyên Phật học ở Trà Vinh và được thọ cụ túc giới, đồng thời đến học với thầy Niệm Ngọc ở chùa Phước Khánh, Bến Tre. Năm 1940, Ngài được cử tham học An Nam Phật học tại chùa Báo Quốc, Huế. Năm 1945, Ngài trở về Sóc Trăng làm giáo thọ dạy Tăng Ni tại các tự viện trong vùng. Năm 1950, Ngài về tái thiết ngôi Tam bảo (do chiến tranh đổ vỡ) chùa Thiên Phước, Xuân Hòa, Kế Sách và làm trụ trì cho đến năm 1958. Cuối năm 1958 về thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thành lập chùa Hải Phước và làm trú trì đến ngày viên tịch 29 tháng 11 năm 1984.

Bên cạnh những hành trạng chính thống trên, Ngài còn để lại nhiều giai thoại còn truyền tụng lại đến nay. Trong đó, có ba câu chuyện sau mà chúng tôi được biết.

Thuở bé, trong lúc vui đùa, Ngài bị trượt ngã và bị thương ở chân, được đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng cuối cùng không khỏi nên có dáng đi khập khiễng. Sau này, Ngài có hạnh hành trì khá đặc biệt là bái từng chữ của bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Khi Ngài hoàn tất lần bái thứ nhất từng chữ trọn bộ Kinh này thì hôm sau bỗng nhiên chân Ngài trở lại bình thường mà Ngài không hay biết cho đến khi các Phật tử phát hiện, ngạc nhiên hỏi thì Ngài mới biết mình đã qua kiếp nạn. Cả đời Ngài đã thuộc lòng và bái trọn vẹn bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đến ba lần. Mỗi khi có việc phải đi xa như lên Sài Gòn thì suốt trên đường đi Ngài tụng thầm Kinh Pháp Hoa. Sau này, Ngài cho biết từ Kế Sách đến Sài Gòn là vừa đủ thời gian tụng trọn bộ kinh này.

Ngài tinh thông chữ Nho, lại viết rất đẹp, am tường địa lý, nhâm độn… nên người Hoa kiều trong vùng rất kính trọng. Có việc tang, hôn, hiếu, hỷ…đều đến nhờ Ngài giúp. Người Kinh cũng học theo người Hoa. Có lần, một Hòa thượng đồng môn của Ngài nói: “Thầy không nên tiếp tục việc coi ngày, giờ… cho những người xung quanh nữa, như vậy là không đúng!”. Ngài nói: “Thầy có thấy dân chúng xung quanh đây giờ khai trương không cúng gà, hạ thủy không cúng vịt, không đồng bóng, mê tín, đám ma, cúng thất… chỉ đốt rất ít vàng bạc(2)… tượng trưng. Ngày chay ngoài chợ tiệm bán đồ mặn cũng bán đồ chay. Gặp chuyện chẳng lành miệng niệm Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát, không kêu Trời, hô thần, gọi quỷ… do đâu mà được. Thầy có biết từ việc coi ngày, giờ… mà tôi đã nhẹ nhàng khuyên nhủ họ nên sắm lễ ra sao, nên làm gì tạo duyên lành để có phước cho công việc hanh thông, thạnh đạt mà nay họ được như vậy! Chứ cứ để họ tìm đến các thầy pháp(3) thì đủ trò huyễn hoặc, tổn hại sanh linh…”. Lúc đó cũng là lúc Ngài và Hòa thượng đến bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, Ngài chấp tay xá, Hòa thượng liền mỉm cười, rồi hai vị nói sang chuyện khác.

Gần chùa Hải Phước có một người đàn ông, không có người thân, sống tạm bợ, ai thuê chi làm nấy… đôi khi vì túng thiếu cũng đã gây phiền phức ít nhiều cho những hộ dân xung quanh. Biết Ngài thường hay phóng sanh, mỗi khi không có việc làm, người đó thường bắt những con ốc ở một cái ao gần đó đến để bán cho Ngài. Ngài vui vẻ mua và trả số tiền vừa đủ để người đó sống qua ngày. Ngài mang số ốc đó ra thả lại xuống ao cũ. Việc này lặp đi, lặp lại ngày càng nhiều hơn. Một số Phật tử bức xúc đến phản ánh với Ngài về việc Ngài thả ốc xuống, người đó lại bắt lên bán lại cho Ngài… đồng thời yêu cầu Ngài đừng mua và thả ốc như vậy nữa. Ngài vui vẻ dạy: “Thầy biết việc nó làm, nhưng các con có thấy nó không làm phiền bất kỳ ai như trước đây từ khi Thầy mua ốc của nó để phóng sanh, có ngày nó còn bớt tiền bán ốc cho Thầy để được phước… nó không có ai là người thân mà cũng không có kế chi sinh nhai… các con nên hoan hỷ việc Thầy làm cũng như hành động của nó!”. Về sau, khi gần viên tịch, Ngài gọi người đó nói: “Giờ Thầy đã yếu rồi, con nên thu xếp phần mình, tìm việc chi làm tốt nhất học ăn chay, niệm Phật để vào chùa ở hẳn phụ việc chùa, sống nhờ cơm bá tánh…!”. Người đó khóc, xin được đảnh lễ Ngài và nguyện sẽ niệm Phật ăn chay từ hôm ấy. Ba ngày sau, người đó bệnh nhẹ và mất. Ngài lo liệu chu đáo cho người đó. Khoảng một tháng sau, Ngài viên tịch.

Ngài và môn đệ của Ngài – Thầy Thiên Phước đã về nơi hạnh nguyện của mình, để lại cho chúng tôi những mẩu chuyện bình dị như mái chùa, rặng dừa, con sông, cánh đồng,… nơi làng quê sông nước. Tất cả hình ảnh, mẩu chuyện ấy… là cả một bầu trời tuổi thơ của chúng tôi. Nó không chỉ là ký ức hay kỷ niệm đẹp thuở thiếu thời mà còn là hành trang quý báu đã giúp chúng tôi vững bước trên hành trình thăm thẳm đi về chân trời hạnh phúc.


(1) Thầy Thiên Phước: Thượng tọa Thích Hải Phương, hiệu Nhật Phương, cố trú trì chùa Thiên Phước, Long Đức, Long Phú, Sóc Trăng, một đệ tử của Hòa thượng Huyền Vân. Người miền Tây dùng tên chùa để gọi tên vị Thầy trú trì của chùa đó như là một cách gọi tôn kính.

(2) Vàng bạc: tức giấy tiền vàng bạc – một loại hình vàng mã ở miền Tây.

(3) Thầy pháp: thầy cúng, thầy bùa… theo cách gọi của người miền Tây.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6111869