Thông tin

MỘT SỐ PHÁP BẢO THỜI CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU

 

PHAN THUẬN AN*

 

Có một thời, Huế chẳng những là đất Thần kinh mà còn là đất Thiền kinh của Việt Nam. Ngày nay, Thần kinh đã trở thành cố đô, nhưng Thiền kinh thì hầu như vẫn còn tồn tại. Theo một thống kê vào năm 2007, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 215 tự viện, tịnh xá, tịnh thất và 321 niệm Phật đường (1).

Dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn kéo dài gần 400 năm (1558 – 1945), Phú Xuân – Huế còn đóng vai trò trung chuyển để dân tộc Việt Nam phát triển vào phía Nam của xứ Đàng Trong trên mọi lãnh vực, bao gồm cả lãnh thổ lẫn Phật giáo. Về lãnh thổ, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) là một nhân vật có công đầu trong việc mở mang bờ cõi ở Nam Bộ. Về Phật giáo, vị chúa Nguyễn này cũng đã thực hiện được không ít công tích có giá trị để đời, đặc biệt nhất là tại Thủ phủ của xứ Đàng Trong.

Tuy thời gian đã trải qua ngót 3 thế kỷ, nhưng mãi đến ngày nay, cố đô Huế vẫn còn bảo lưu được một số văn vật Quý báu từ thời vị chúa Nguyễn ấy để lại. Những văn vật ấy đều có liên quan đến đạo Phật, cho nên, có thể xem đó là các pháp khí hoặc pháp bảo nếu không nói là quốc bảo.

Chúng tôi có may mắn tiếp cận được với các văn vật này, cho nên, xin giới thiệu ở đây để góp phần vinh danh vị chúa Nguyễn đã có công lao trong việc xiển dương đạo pháp.

Qua tìm hiểu trên thực địa, chúng tôi biết được hiện còn ít nhất là 8 văn vật thời Minh Vương đang được trân tàng tại ba ngôi chùa cổ ở Huế. Tám văn vật bao gồm 1 chuông đồng, 1 bia đá, 2 hoành phi, 2 cặp đối liễn, 1 bình bát và 1 bức chân dung. Ba ngôi chùa vừa nêu là chùa Thiên Mụ, chùa Quốc Ân và chùa Trúc Lâm.

I. CÁC PHÁP BẢO Ở CHÙA THIÊN MỤ

Chùa Thiên Mụ đã gắn liền với đời sống tâm linh của dòng họ Nguyễn từ vị chúa đầu tiên cho đến vị vua cuối cùng, đặc biệt nhất là chúa Nguyễn Phúc Chu và vua Thiệu Trị (1841 – 1847).

Chùa được xây dựng chính thức vào năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, nhưng phải đợi đến thời vị chúa thứ 6, nó mới được nâng cấp, mở mang và kiến thiết một cách qui mô. Ngoài việc sai người qua Quảng Đông mời Hòa thượng Thích Đại Sán về truyền giới cho mình và nhiều Phật tử khác, chúa Nguyễn Phúc Chu còn cho xây thêm hàng chục công trình kiến trúc mới và đúc chuông đồng, dựng bia đá ở chùa này (2).

Trong phạm vi chùa hiện nay, còn tồn tại 3 pháp bảo có niên đại thời vị chúa ấy: 1 chuông đồng, 1 bia đá và 1 bức hoành phi bằng gỗ.

A. Quả chuông đồng: Thường gọi là Đại hồng chung, quả chuông được treo trên một cái giá rất kiên cố trong một ngôi nhà xây bằng gạch với mặt bằng hình lục giác thật vững chắc. Về loại chuông treo, đây là quả chuông lớn nhất ở Việt Nam xưa nay. Được đúc vào năm 1710, chuông cao 2,50m, đường kính miệng 1,34m, nặng khoảng 2.052 kg (3). Ngoại trừ phần đầu chuông thu nhỏ và phần miệng chuông loe ra, phần thân chuông được đúc theo dạng trụ tròn với đường kính 1,20m. Từ quai đến miệng đều trang trí những hình ảnh, văn tự cùng hoa văn rất phong phú và đa dạng bằng cách đúc chìm hoặc đúc nổi. Mật độ trang trí ở đây rất cao. Quai chuông là hình 2 con mãng xà mặt nhìn ra hai hướng ngược chiều nhau, thân nối liền với nhau và hơi cong lên để tiện treo chuông lên giá.

Đầu chuông là những dải hoa văn chấm tròn, cành lá cách điệu và 4 cặp rồng phụng ở trong tư thế đang bay.

Thân chuông được chia làm nhiều dải rộng hẹp khác nhau, tính từ trên xuống:

Trên hết là 8 chữ thọ viết theo dạng chữ “lệ” với những nét có phần khác nhau đôi chút.

Cách đó một dải hẹp hồi văn liên hoàn là dải rộng nhất trên chuông dùng để trang trí minh văn (chữ khắc trên chuông).

Tiếp đó, dưới dải đúc nổi 4 vú chuông hình mặt trời tròn có những ngọn lửa tóe ra hai bên là dải trang trí hình “bát quái” và dải trang trí hình “bát bảo”.

Cuối cùng, ở miệng chuông là dải trang trí hoa văn thủy ba với những ngọn sóng và làn nước nhấp nhô.

Về chiều dọc, thân chuông được chia thành 4 phần bằng nhau và phần này cách phần kia bằng 5 đường kẻ thẳng đứng chạy song song ở bên trên các vú chuông.

Riêng về phần minh văn, ở chính giữa 4 mặt có 4 dòng chữ lớn, tính từ phải qua trái là:

1. 法輪常轉 Pháp luân thường chuyển: Đạo Phật được truyền bá khắp nơi.

2. 皇圖鞏固 Hoàng đồ củng cố: Cơ đồ nhà Nguyễn bền vững mãi.

3. 帝道遐昌 Đế đạo hà xương: Chính sách tốt đẹp của vua được thi hành ở khắp nơi.

4. 佛日增輝 Phật nhật tăng huy: Đạo Phật ngày càng sáng ngời.

Dưới đây là những dòng chữ nhỏ được khắc trên 4 mặt chuông, cũng tính từ phải qua trái (xin tạm chia mỗi mặt ra làm 2 phần a và b):

Mặt 1:

a. 惟願風調雨順國泰民安法界眾生同圓種智Duy nguyện: phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh, đồng viên chủng trí: Xin cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, nước thịnh dân yên, mọi chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ.

b. 永盛六年歲次庚寅四月佛誕日敬造 Vĩnh Thịnh lục niên, tuế thứ Canh Dần, tứ nguyệt, Phật đản nhật kính tạo: Kính tạo chuông vào ngày Phật đản, tháng tư năm Canh Dần, năm Vĩnh Thịnh thứ 6 [tức là năm 1710].

Mặt 2:

a. 願此鍾聲超法界鐵圍幽暗悉皆聞 Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới, thiết vi u ám tất giai văn: Cầu nguyện tiếng chuông này vượt đi khắp pháp giới, trong vòng tù hãm ở nơi tăm tối đều được nghe.

b. 聞塵清淨證圓通一切眾生成正覺 Văn trần thanh tịnh chứng viên thông. Nhất thiết chúng sinh thành chính giác: Nghe tiếng chuông này thì rửa sạch bụi đời và được siêu thoát. Tất cả chúng sinh đều được giác ngộ.

Mặt 3 (a + b):

聞鍾聲煩惱輕智慧長菩提生離地獄出火坑願成佛度眾生案伽囉帝耶娑婆訶

Văn chung thanh, phiền não khinh. Trí tuệ trưởng, bồ đề sinh. Ly địa ngục, xuất hỏa khanh. Nguyện thành Phật, độ chúng sinh. Án già ra đế da ta bà ha: Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ đi. Trí tuệ tăng trưởng, được giác ngộ thêm. Xa lìa địa ngục, thoát khỏi hầm lửa. Cầu mong thành Phật để cứu độ chúng sinh (“Án già ra đế da ta bà ha” là một câu thuộc loại mật giáo trong kinh Phật, chỉ dùng để trì chú, không cắt nghĩa được).

Mặt 4 (a + b):

大越國主阮福周嗣洞上正宗三十代法名興龍鑄造洪鍾重三千二百捌拾伍觔入于御建天姥禪寺永遠供奉三寶 Đại Việt quốc chúa Nguyễn Phúc Chu tự Động thượng chính tông tam thập đại, pháp danh Hưng Long, chú tạo hồng chung (trọng tam thiên nhị bách bát thập ngũ cân) nhập vu ngự kiến Thiên Mụ thiền tự, vĩnh viễn cung phụng Tam bảo: Chúa nước Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào động, đời thứ 30, pháp danh là Hưng Long, đúc quả chuông lớn này (nặng 3.285 cân) an trí ở chùa Thiên Mụ để mãi mãi cung phụng Tam bảo (4).

Tất cả các dòng văn tự vừa nêu cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin cần thiết liên quan đến quả chuông: thời điểm đúc (1710), trọng lượng (3.285 cân ta), người phát tâm (chúa Nguyễn Phúc Chu), mục đích (cúng dường Tam bảo), ý nghĩa (cầu nguyện cho triều đại vững bền, nước thịnh dân yên, mưa thuận gió hòa, chúng sinh giác ngộ, siêu thoát, v.v…).

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ có lẽ là quả chuông được đúc sớm nhất ở Đàng Trong. Được tạo tác cách đây hơn 3 thế kỷ, nó đã do những người thợ giỏi thuộc Chú Tượng Ty của thời các chúa Nguyễn đúc (5). Đây là một tác phẩm bằng đồng thuộc loại thủ công mỹ nghệ truyền thống xuất sắc nhất trong lịch sử nghệ thuật đúc đồng của Việt Nam.

Ngoài hình thức đẹp, khi “thỉnh” chuông, âm thanh của nó còn trong trẻo, vang xa và ngân dài trên mặt nước sông Hương. Từ xưa, tiếng chuông chùa này đã thấm sâu vào tâm hồn người dân xứ Huế qua câu ca dao nổi tiếng mà nhiều người đã từng nghe:

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

Thật thú vị và cảm khái khi thả thuyền trên sông Hương trong đêm hè trăng sáng để được nghe tiếng gà gáy giữa canh khuya trên đồi Thọ Xương bên phía đối ngạn và nghe tiếng chuông vọng lại từ phía ngôi chùa. Trong không gian thơ mộng đó, thời gian như ngừng lại và con người bất giác cảm nhận được mùi thiền.

Nhiều tao nhân mặc khách đã ghi lại cảm xúc khi đứng trước khung cảnh hữu tình và thưởng thức được âm thanh huyền diệu ấy. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, chính chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã cảm tác bài thơ “Thiên Mụ hiểu chung” 天姥曉鍾 từng được ghi chép và minh họa nội dung trên một tô sứ mà đến ngày nay, ông có cơ duyên còn lưu giữ được. Ở đây, chúng tôi chỉ xin chép lại bản dịch thơ rất thanh thoát của chính sở hữu chủ cái tô:

Chuông sớm Thiên Mụ

Biêng biếc phương trời buổi rạng đông,

Trăm hoa ửng nắng sắc hương nồng.

Vẳng nghe, sóng dậy chuông chùa điểm,

Ghé mắt, mây phô nguyệt bến lồng.

Riêng tớ, tình suông về thăm thẳm,

Mấy ai, cảnh mộng tới thong dong.

Mang mang dư vận từng không tỏa,

Kinh Phạn hồi chuông sớm quyện lòng (6).

Đến giữa thế kỷ XIX, vua Thiệu Trị cũng đã cảm hứng khi nghe tiếng chuông ấy và đã ngự chế bài “Thiên Mụ chung thanh” 天姥鍾聲 được khắc vào bia đá dựng tại chùa, nay vẫn còn đọc rõ. Sau đây là một trong những bản dịch có giá trị của bài thơ ấy:

Tiếng chuông Thiên Mụ

Bên sông chùa cổ trấn non tiên,

Lồng lộng trăng soi rạng cảnh thiền.

Trăm tám hồng thanh tiêu oán kết,

Ba ngàn thế giới tỉnh phàm duyên.

Kinh trưa cảm thấu u minh khổ,

Kệ sớm cho hay vị đạo huyền.

Dấu Phật công vua truyền khắp cõi,

Nhơn lành quả phước trải ngoài biên (7).

Với các giá trị cao về văn hóa và nghệ thuật, quả chuông dù đã trải qua bao nỗi thăng trầm của lịch sử và của đạo pháp, nhưng vẫn còn đó y nguyên. Thật là một văn vật Quý báu của Phật giáo nói riêng và của dân tộc nói chung.

B. Tấm bia đá (với bài văn nhan đề “Ngự kiến Thiên Mụ tự”)

Ở phần phía trước của khuôn viên chùa Thiên Mụ hiện có đến 6 tấm bia đá được tạo dựng dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn, tính theo thứ tự thời gian là: 1 bia dựng năm 1715 thời chúa Nguyễn Phúc Chu, 2 bia dựng năm 1846 thời vua Thiệu Trị, 1 bia năm 1899 thời vua Thành Thái và 1 bia năm 1920 thời vua Khải Định. Trong số đó, tấm bia thời chúa Nguyễn Phúc Chu với bài văn nhan đề “Ngự kiến Thiên Mụ tự” là tấm bia xưa nhất, lớn nhất và có giá trị nhất về hình thức cũng như nội dung.

Tấm bia được che trong một ngôi nhà có mặt bằng hình lục giác nằm đối xứng với nhà lục giác che Đại hồng chung qua chân tháp Phước Duyên, và cả hai đều quay mặt vào trục chính của tổng thể kiến trúc ngôi chùa.

Bia đứng trên lưng một con rùa. Rùa nằm trên mặt một cái bệ được cấu tạo liền nhau (nguyên khối). Riêng tấm bia được chia làm hai phần: đầu bia và thân bia. Tất cả đều làm bằng cẩm thạch. Đầu bia, con rùa và cái bệ là cẩm thạch màu trắng. Thân bia được làm từ cẩm thạch màu xám tro. Bia cao 2,58m, rộng 1,25m, dày 0,24m. Con rùa dài 2,20m, rộng 1,60m, cao 0,51m. Cái bệ có mặt bằng gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 1,70m, nghĩa là ngắn hơn bề dài của toàn thân con rùa, cho nên, đầu của nó có phần vươn ra khỏi mặt bệ và ngẩng cao lên.

Bia có đầu bia (bằng cẩm thạch trắng) và hai tai bia ở hai bên. Thân bia được cắm sâu xuống thân rùa, cho nên tấm bia to lớn ấy đã có thể đứng vững qua hàng thế kỷ. Về mặt tạo hình, đây là tấm bia đầu tiên ở Đàng Trong có dạng mới lạ, khác với dạng bia không có tai của các thời Đinh, Lý, Trần, Lê ở Đàng Ngoài. Dạng bia có tai này sẽ được mô phỏng và hoàn chỉnh dần về hình thức dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn sau đó, đặc biệt nhất là những tấm bia ở kinh đô Huế, rồi lan tỏa ra trong cả nước.

Đầu bia và diềm bia được chạm nổi hình long vân với rồng 5 móng (biểu thị vương quyền) và thủy ba với sóng bạc đầu. Ở đầu bia có khắc 5 chữ  御建天姥寺 Ngự kiến Thiên Mụ tự: Chùa Thiên Mụ do nhà chúa cho xây dựng. Nằm chồng lên trên hai chữ “Thiên Mụ” là hình cái ấn khắc 9 chữ triện 大越國阮主永鎮之寶  Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo: Khuôn dấu truyền quốc của chúa Nguyễn nước Đại Việt.

Ngoài ra, trong lòng bia còn có 4 khuôn dấu lớn nhỏ khác nhau nữa được khắc ở đầu và cuối bài văn. Chúng có dạng như những dấu kiềm đóng thêm ở các văn bản chữ Hán ngày xưa.

- Đầu bài văn là một khuôn dấu nhỏ hình thuẫn, trong đó khắc 4 chữ triện  金玉眼壯 Kim ngọc nhãn tráng: Những con mắt vàng ngọc có cái nhìn hùng tráng (?)

- Cuối bài văn là một khuôn dấu hình vuông khá lớn có dạng như cái ấn truyền quốc nói trên.

- Gần dưới đó là hình một cái ấn tròn, hai bên có hai con rồng với đường nét đơn giản và ở giữa là dòng chữ triện gồm 4 chữ  協一主人 Hiệp nhất chủ nhân: Quyền hành tập trung vào tay một người chủ.

- Cuối cùng là một dấu kiềm vuông, trong đó có khắc 7 chữ triện 大               凷假我以文章 Đại khối giả ngã dĩ văn chương: Thiên nhiên tô điểm tuyệt vời cho ta (?) (8).

Về bài văn bia, tuy chỉ được khắc ở một mặt, nhưng cũng khá dài, có đến 1.251 chữ. Ngoại trừ cái nhan đề gồm 5 chữ “Ngự kiến Thiên Mụ tự” nằm ở đầu bia, toàn bộ bài văn, gồm bài ký và bài minh, đều được khắc ở lòng bia với kiểu chữ chân phương.

Bài ký bao gồm các nội dung chính sau đây:

- Nói về triết lý uyên thâm của đạo Phật.

- Ca ngợi sự tốt đẹp của thiên nhiên và con người ở xứ Đàng Trong.

- Nhờ áp dụng chính sách “Cư Nho mộ Thích”, nên trong xứ được thanh bình, thịnh vượng.

- Nhớ đến công ơn truyền tâm giới của Hòa thượng Thích Đại Sán

- Chúa cho trùng tu và mở mang chùa Thiên Mụ: đầu tư nhiều tiền của, huy động nhiều thợ giỏi để làm.

- Mô tả sự phong phú và đa dạng của các công trình kiến trúc trong chùa và vẻ huy hoàng, tráng lệ của nó sau một năm thi công.

- Ngôi chùa trở nên đẹp đẽ giữa ngoại cảnh thiên nhiên thơ mộng.

- Cầu mong cho đạo pháp mãi mãi sáng ngời và quốc thái dân an.

- Tác giả kết thúc bài văn bia của mình bằng cách dùng một bài “minh” để tóm tắt nội dung bài “ký”. Nguyên văn bài minh như sau:

越國之南兮住水住山

寶剎之壯兮日照禪關

性之清淨兮溪響潺潺

國之奠安兮四境幽閒

無為之化兮儒釋同班

記兹勝概兮因果迴還

建標立的兮誠存邪閑

Phiên âm:

Việt quốc chi nam hề, trú thủy trú san.

Bảo sát chi tráng hề, nhật chiếu thiền quan.

Tính chi thanh tịnh hề, khê hưởng sàn sàn.

Quốc chi điện an hề, tứ cảnh u nhàn.

Vô vi chi hóa hề, Nho Thích đồng ban.

Ký tư thắng khái hề, nhân quả hồi hoàn.

Kiến tiêu lập đích hề, thành tồn tà nhàn.

Dịch nghĩa:

Đất Việt phương Nam chừ, có nước có non.

Bảo sát tráng lệ chừ, mặt trời chiếu rạng.

Tự tính thanh tịnh chừ, suối tuôn một ngọn.

Quốc gia an ổn chừ, Nho Thích cùng ban.

Ghi cảnh đẹp này chừ, nhân quả tuần hoàn.

Dựng bia lưu dấu chừ, chính giữ tà an.

(Bản dịch của Nguyễn Lang) (9).

- Cuối cùng, ngay dưới bài minh là thời điểm tạo lập bia: 時永盛十一年歲次乙未初冬之吉旦立 Thời: Vĩnh Thịnh thập nhất niên, tuế thứ Ất Mùi, sơ đông chi cát đán lập: Bia được dựng vào buổi sáng một ngày tốt tháng 10 năm Vĩnh Thịnh thứ 11, Ất Mùi (1715).  

Nhìn chung, tấm bia thời chúa Nguyễn Phúc Chu là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc bằng đá của Việt Nam vào đầu thế kỷ 17I. Về mặt mỹ thuật, nó vượt xa tấm bia “Vĩnh Lăng” ở Thanh Hóa và cả những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội. Ngoài nghệ thuật trang trí và điêu khắc, tấm bia này còn mang giá trị cao về tư tưởng được chuyển tải trong nội dung của bài văn bia.

C. Bức hoành phi “Linh Thứu Cao Phong”

Bức hoành phi hiện được treo ở tiền đường của điện Đại Hùng. Đây là bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng, hình chữ nhật với kích thước khá lớn, bề dài hơn gấp đôi bề rộng: khoảng 1,70m x 0,70m. Cái khung chung quanh được trang trí những dây lá hóa rồng và ở 4 góc là hình ảnh 4 nụ hoa đang nở.

Chiếm hầu hết diện tích bức hoành là 4 đại tự 靈鷲高峰  LinhThứu Cao Phong: Đỉnh núi cao Linh Thứu. “Linh Thứu Cao Phong” là cái tên đặt từ địa danh Linh Thứu Sơn, còn gọi là Linh Sơn, Linh Nhạc, Thứu Nhạc. “Thứu” nghĩa là con chim ó. Ngày xưa, núi ấy nằm ở nước Ma Kiệt Đà (Magadha) tại miền trung Ấn Độ ngày nay. Ngọn núi trông giống như hình dạng con chim ó nên nó được đặt tên là Thứu Sơn. Rồi vì đức Phật đã từng đến thuyết pháp ở núi này, cho nên nó lại được gọi tên là “Linh Thứu Sơn” (10). Bốn đại tự ở bức hoành phi này muốn nhắc lại điển tích truyền bá giáo lý nhà Phật.

Hai bên cái tên của bức hoành có hai lạc khoản chữ nhỏ và 3 dấu ấn cũng tương đối nhỏ. Lạc khoản bên phải (theo hướng người nhìn) là dòng chữ  甲午年孟夏誕日 Giáp Ngọ niên mạnh hạ đản nhật: Ngày Phật đản, tháng tư năm Giáp Ngọ (1714). Lạc khoản bên trái viết: 國主天縱道人題  Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhân đề: Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhân viết. Chúng ta đều biết Thiên Túng Đạo Nhân là đạo hiệu của chúa Nguyễn Phúc Chu. Như vậy, chữ trên bức hoành này do chính tay chúa viết. Nét chữ vừa bay bướm, vừa trang nhã, chứng tỏ chúa là một người tài hoa. Cho nên, chúa Nguyễn Phúc Chu đã từng được nhà sử học Lê Quý Đôn ca ngợi “là người hiếu học, chữ tốt, có tài lược văn võ…” (11).

Hai bên dòng chữ nói trên còn có 3 dấu ấn, gồm 1 dấu hình thuẫn ở đầu, 1 dấu tròn và 1 dấu vuông ở cuối. Cả 3 dấu ấn này đều trông giống như những dấu kiềm mà chúng ta đã thấy ở đầu và cuối bài văn bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự”.

Bức hoành “Linh Thứu Cao Phong” nguyên xưa được treo ở bên trong chính điện của điện Đại Hùng. Bấy giờ, ở vị trí tiền đường hiện nay là nơi treo bức hoành sơn son thếp vàng đề 3 chữ đại tự  大雄殿 Đại Hùng điện. Không biết tại thời điểm nào sau năm 1915, bức hoành này không còn nữa, nhà chùa đã cho đem bức “Linh Thứu Cao Phong” ra treo thế ở vị trí hiện nay (12). Bức này vừa được sơn thếp lại trong dịp đại trùng tu chùa Thiên Mụ vào những năm 2003 – 2007, cho nên, trông màu sắc còn rất rực rỡ.

II. CÁC PHÁP BẢO Ở CHÙA QUỐC ÂN

Nằm ở khoảng giữa đàn Nam Giao và núi Ngự Bình (gần chân núi Bân), chùa Quốc Ân được Thiền sư Nguyên Thiều khai sơn vào khoảng những năm 1682 – 1684. Một thời trước đây, chùa này đã trở thành một trong những tổ đình xưa nhất và lớn nhất ở Huế. Ngoài các đồ tự khí và pháp bảo khác, hiện nay trong chùa còn lưu giữ được 3 văn vật từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu: 1 bức hoành phi và 2 cặp đối liễn.

A. Bức hoành phi

Bức hoành phi bằng gỗ này được treo ở cuối gian giữa, tại vị trí cao nhất trong chính điện. Kích cỡ của nó khá lớn, nhưng không dài bằng bức hoành ở chùa Thiên Mụ nói trên. Diện tích khoảng 1,50m x 0,70m, cũng mang 4 đại tự  靈鷲高峰 Linh Thứu Cao Phong với nét chữ gần giống như 4 đại tự ở bức kia.

Cũng trong lòng bức hoành, ở hai góc phía trên hai bên có hai lạc khoản ngắn. Ở góc bên phải là hai chữ  龍飛 Long phi: Rồng bay. “Long phi” là từ lấy trong Kinh Dịch , chỉ việc vua lên ngôi (13). Ở góc bên trái là hai chữ     癸巳 Quý Tị , tức là năm 1713.

Cái khung chung quanh được trang trí những hoa văn phong phú, đa dạng hơn, và với những đường nét chạm trổ tỉ mỉ, công phu hơn so với bức ở chùa Thiên Mụ. Tuy nhiên, vì lâu ngày chưa sơn thếp lại, cho nên màu sắc của nó có phần phai nhạt.

Như vậy, bức hoành phi “Linh Thứu Cao Phong” này đã được chúa Nguyễn Phúc Chu cho chế tác để ban cho chùa vào năm 1713, một năm trước thời điểm ghi trên bức hoành ở chùa Thiên Mụ.

B. Hai cặp đối liễn

Từ tam quan đến hậu liêu chùa Quốc Ân hiện nay có hơn 20 cặp câu đối được thể hiện trên hai loại vật liệu khác nhau: bê - tông hoặc gỗ. Trong số đó, hai cặp đối liễn do chúa Nguyễn Phúc Chu ngự bút và ban tặng được xem là có giá trị nhất về phương diện lịch sử và văn hóa. Vì tầm quan trọng của chúng, nhà chùa đã và đang treo cả hai cặp ở 4 cột nhà nằm sát hai bên bàn thờ Tam Thế Tôn trong nội thất chính điện. Được làm bằng gỗ và sơn son thếp vàng, cả hai đều có các lạc khoản ghi cụ thể thời điểm và tác giả của câu đối.

1. Cặp đối liễn thứ nhất: Cặp đối liễn này được treo ở hai cột nằm hai bên sát trước bàn thờ chính. Mỗi vế của câu đối có 14 chữ. Nguyên văn như sau:

八寶燦金梁曉日臨關羨有人有景

五雲生玉棟春光朝座喜不即不離

Phiên âm:

Bát bảo xán kim lương, hiểu nhật lâm quan, tiện hữu nhân hữu cảnh.

Ngũ vân sinh ngọc đống, xuân quang triều tọa, hỷ bất tức bất ly.

Dịch nghĩa:

Đồ bát bảo rực rỡ rường vàng, vầng nhật chiếu đến thiền quan, mến được có người và có cảnh.

Mây ngũ sắc giăng quanh cột ngọc, bóng xuân triều về Phật tọa, vui thay không bức lại không xa.

Ở bên phải đầu vế thứ nhất (ngang với 2 chữ “Bát bảo”) có một dấu ấn tròn và dòng lạc khoản gồm 5 chữ nhỏ 乙未年菊月 Ất Mùi niên cúc nguyệt: Tháng 8 năm Ất Mùi (1715).

Ở bên trái vế thứ hai (ngang với 3 chữ “sinh ngọc đống”) là 8 chữ nhỏ     國主天縱道人御題 Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề, và hai dấu ấn một tròn một vuông mang dạng dấu kiềm như đã nói ở trên.

2. Cặp đối liễn thứ hai: Cặp này được treo ở hai cột cuối của chính điện, sát với vách sau. Mỗi vế của câu đối có 11 chữ. Xin chép nguyên văn:

貝葉飄雲六時禪誦祈豐稔

袈裟濕雨一味清機見道昌 (14).

Phiên âm:

Bối diệp phiêu vân, lục thời thiền tụng kỳ phong nẫm.

Cà sa thấp vũ, nhất vị thanh cơ kiến đạo xương.

Dịch nghĩa:

Mây phất phơ trên kinh bối diệp, tiếng sư tụng niệm cầu hoa lợi phong đăng.

Mưa thấm khắp nếp áo cà sa, mùi đạo thanh tu có cơ duyên phát đạt (15).

Ở bên phải đầu vế thứ nhất (ngang với hai chữ “Bối diệp”) cũng có một dấu ấn tròn và dòng lạc khoản gồm 4 chữ nhỏ  乙未年春  Ất Mùi niên xuân: Mùa xuân năm Ất Mùi (1715).

Ở bên trái vế thứ hai (ngang với hai chữ “thấp vũ”) cũng là 8 chữ nhỏ Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề và hai dấu ấn một tròn một vuông như ở cuối câu đối trên đây.

Ngoài những hoành phi và đối liễn vừa đề cập đến, sử sách cho biết chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã từng “chế biển vàng ban cho” chùa Hoàng Giác ở làng Hiền Sĩ (huyện Phong Điền) vào năm 1721 (16) và “ban biển ngạch sắc tứ cùng câu đối cho rất nhiều chùa” khác nữa. “Những biển ngạch này thường được ký Thiên Túng Đạo Nhân” (17).

III. CÁC PHÁP BẢO Ở CHÙA TRÚC LÂM

Được xây dựng vào năm 1903, chùa Trúc Lâm nằm ở địa điểm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía nam. Tuy đây là một ngôi chùa tương đối mới so với nhiều cổ tự khác ở cố đô triều Nguyễn, nhưng nhờ có cơ duyên nên ngôi chùa này còn bảo lưu được khá nhiều văn vật có giá trị chẳng những đối với Phật giáo mà còn đối với lịch sử và văn hóa của dân tộc. Hai pháp bảo xưa nhất trong số đó là cái bình bát và bức chân dung của Hòa thượng Thích Đại Sán, người đã có mặt tại Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu và đã truyền giới cho chúa cùng nhiều Phật tử khác. Trong số các Phật tử này, có bà Nguyễn Thị Đạo, dì của một vị chúa Nguyễn. Bà đã từng lập am Khánh Vân tại một làng gần bờ bắc sông Hương và suy tôn Hòa thượng Thích Đại Sán làm vị khai sơn (18). Vì nhân duyên đó mà cái bình bát và bức chân dung của vị Hòa thượng khai sơn ấy lúc bấy giờ được thờ ở đây.

Sau đó, am Khánh Vân trở thành “sắc tứ Khánh Vân tự” dưới thời vị chúa Nguyễn thứ 8. Nhưng, vào những thập niên giữa thế kỷ XX thì ngôi cổ tự ấy bị hư hỏng dần do bão lụt và chiến tranh tàn phá. Bởi thế, cả hai bảo vật nói trên đã “được Hòa thượng Giác Tiên thỉnh về thờ và bảo lưu ở chùa Trúc Lâm” (19) và còn lại cho đến ngày nay.

A. Cái bình bát

Cái bình bát hiện được bảo quản trong một lồng kính khung gỗ có đế hình lục giác và được tôn trí trên bàn thờ tổ ở hậu liêu của chính điện. Vừa qua, khi chúng tôi đến xin khảo sát, một nhà sư trong chùa đã hoan hỉ thỉnh cả lồng kính ra dưới mái hiên sau chính điện để dễ chiêm ngưỡng và chụp ảnh.

Cái bình bát gồm 3 bộ phận chính: cái bát, cái nắp đậy trên bát và cái đế bằng gỗ sơn son thếp vàng. Đó là chưa kể hai miếng vải bông dày hình tròn lớn nhỏ khác nhau dùng để lót giữa bát và nắp cũng như giữa bát và đế.

Cái bát hình tròn, hơi khum vào ở miệng. Từ đáy đến miệng cao 10cm. Đường kính ở hông 16 cm và đường kính ở miệng 13 cm. Đế cao 4,4 cm và đường kính ở vành lớn nhất là 12,4 cm. Cái nắp đó có vanh khứa để đậy khớp và kín vào miêng bát.

Các tư liệu trước đây cho biết cái bình bát này đã được làm bằng “kim sa” (cát vàng) (20). Nhìn kỹ, chúng tôi thấy cái bình bát óng ánh những hạt kim loại màu vàng. Có lẽ nó đã được đúc bằng một loại cát mịn có trộn lẫn hạt vàng và nung ở một nhiệt độ rất cao.

Ở chính giữa mặt dưới của nắp đậy, có đúc một khung nhỏ hình chữ nhật, trong đó khắc sâu 6 chữ Hán theo lối chữ triện. Khung hình chữ nhật được chia làm hai ô. Trong lòng ô trên chiếm khoảng 1/3 diện tích là hai chữ  荊溪 Kinh Khê, và trong lòng ô dưới chiếm khoảng 2/3 diện tích còn lại là 4 chữ   張有德製 Trương Hữu Đức chế.

Ở mục từ “Kinh Khê”, từ điển Từ hải cho biết Kinh Khê là một địa danh ở phía nam huyện Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Còn Trương Hữu Đức có lẽ là họ tên của người thợ đã chế tác cái bình bát này.

Tuy khắp bình bát không trang trí một hoa văn nào, và cái bát cũng như cái nắp đều có màu đà là màu của chiếc áo cà sa mà các nhà sư thường mặc, nhưng về phương diện tạo hình, đây là một tác phẩm nghệ thuật bằng gốm có tỉ lệ cân xứng giữa các chiều và có hình dạng tổng quan rất thanh tú.

Về kỹ thuật đúc và nung, tác giả của nó đã tạo ra được một sản phẩm gốm cao cấp và hoàn hảo, không thấy để lại một tì vết nào dù là nhỏ nhất.

Chỉ đáng tiếc là cái muỗng bằng gỗ từ xưa vốn đi kèm với bình bát này hiện nay không còn nữa. Nhà chùa đã để thay vào đó một cái muỗng nhỏ bằng sừng.

B. Bức chân dung

Bức chân dung của Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) hiện được treo ở phía bên trái của hậu liêu chính điện.

Bức chân dung hình chữ nhật, cao 1,18m, rộng 0,72m, được vẽ trên giấy và lồng vào trong một cái khung bằng gỗ sơn màu đà đậm. Phía dưới bức tranh là hàng chữ  石濂老和尚肖像 Thạch Liêm lão Hòa thượng tiếu tượng: Bức vẽ chân dung của lão Hòa thượng Thạch Liêm. Trên bức tranh không thấy đề tên tác giả và thời điểm thực hiện. Tác giả vô danh nào đó đã vẽ hình ảnh Hòa thượng Thạch Liêm “ngồi trên tọa cụ bằng cỏ vô ưu, tay trái cầm phủ phất, tay phải bắt ấn, bên trong mặc áo tràng, bên ngoài choàng y hậu hàng trăm miếng kết lại, đầu tóc không cạo trọc, mà lại để tóc dài như một đạo sĩ” (21).

Cần lưu ý thêm rằng một thời trước đây, trên bàn thờ tổ ở hậu liêu điện Đại Hùng chùa Thiên Mụ, cũng có treo một bức chân dung Hòa thượng Thạch Liêm tương tự như bức chân dung ở chùa Trúc Lâm. Theo nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm, màu sắc bức chân dung ở ngôi chùa này “khác hẳn với tiếu tượng tái họa thờ ở hậu tổ chùa Thiên Mụ”. Ngoài ra, còn có một điểm khác nhau nữa ở hai bức là trong khi bức ở chùa Trúc Lâm dòng chữ Hán “Thạch Liêm lão Hòa thượng tiếu tượng” được đề ở phía dưới chân dung thì bức ở chùa Thiên Mụ, 7 chữ ấy lại nằm phía trên bức chân dung (22).

Mặc dù cái bình bát và bức chân dung ở chùa Trúc Lâm đều không có được những dòng chữ ghi niên đại rõ ràng như chúng ta mong muốn, nhưng lại có một điều rõ ràng khác là truyền ngôn trong giới Phật tử ở Huế xưa nay đều nói đó là chân dung của vị Hòa thượng được vẽ vào lúc sinh thời. Vả lại, chưa hề thấy ai phản bác những thông tin nói trên.

Dù sao đi nữa, trên đây chỉ là một số pháp bảo từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu hiện đang được trân tàng tại 3 ngôi chùa ở Huế. Ngoài ra, có thể còn tồn tại những pháp khí, pháp tượng và văn vật cùng thời đang ẩn mình dưới các mái chùa xưa khác nữa mà chúng tôi chưa có may mắn biết được.

Đó là chưa đề cập đến những bảo vật thời chúa Nguyễn Phúc Chu hiện đang được gìn giữ tại các bảo tàng quốc gia và địa phương. Chẳng hạn như tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội hiện còn bảo quản 2 chiếc ấn vàng đúc năm 1709. Đó là Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo mà chúng tôi đã có dịp nhắc đến ở trên, và kim bảo Thủ tín thiên hạ văn võ quyền hành 取信天下文武權行 (23). Hoặc như tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện còn bảo quản một chiếc khánh đá (không còn nguyên vẹn), trên đó có khắc thơ văn và nét chữ do chúa Nguyễn Phúc Chu “ngự thư” và “ngự bút” để ban tặng cho một ngôi chùa ở vùng La Chử (thuộc huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế) vào năm 1724 (24).

Hân hạnh biết bao khi nhìn thấy được thủ bút và đọc được văn chương của một người văn hay chữ tốt sống cách chúng ta 3 thế kỷ. Người đó lại là Thiên Túng Đạo Nhân, một nhân vật lịch sử tài kiêm văn võ, người đã từng viết nên những trang sử sáng giá cho nước nhà.

P.T.A.

 

 ẢNH PHỤ LỤC

 Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo:

 

Cái bình bát của Hòa thượng Thích Đại Sán:

  


* Nhà nghiên cứu.

(1) Báo Thừa Thiên Huế, số 3935, ra ngày 23 – 7 – 2007, tr. 1.

(2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử Học, NXB Sử Học, Hà Nội, tập I, tr. 171, 177 – 178.

(3) A. Bonhomme, “La Pagode Thiên Mẫu: Description”BAVH, 1915, tr. 260 – 261.

(4) Tham khảo thêm bản dịch của:

- Nguyễn Sanh Mai trong phần “Phụ khảo” ở sách Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, Viện Đại học Huế, 1963, tr. 285.

- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập II, NXB Văn học, H, 1994, tr 243.

(5) Nguyễn Hữu Thông, Huế, nghề và làng nghề thủ công truyền thống, NXB Thuận Hóa, Huế, 1994, tr. 73.

(6) Trần Đình Sơn, Hoàng Anh, Tản mạn Phú Xuân, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 38 – 40. Xem thêm ảnh minh họa in kèm.

(7) Trần Đình Sơn, Hoàng Anh, sách đã dẫn, tr. 41 – 42.

(8) Tham khảo thêm:

- A Bonhomme, “La Pagode Thiên Mẫu: Les stèles”BAVH, 1915, tr. 429 – 437.

- Hà Xuân Liêm, Chùa Thiên Mụ, NXB Thuận Hóa, Huế, 1999, tr. 218 – 233.

(9) Nguyễn Lang, sách đã dẫn, tập II, tr. 243 – 244. Trong khi tác giả sách “Việt Nam Phật giáo sử luận” dịch 7 câu chữ Hán rút lại thành 6 câu chữ Việt như vừa thấy thì Nguyễn Sanh Mai lại dịch ra thành 14 câu lục bát:

Trời Nam một dải non sông,

Đây là Việt Quốc hưng long đời đời.

Dựng ngôi bửu sát lâu dài,

Thiền quan tỏ rạng, mặt trời chiếu lâm.

Dưới khe nước chảy âm thầm,

Tánh ta trong trẻo êm đềm khác đâu.

Quốc gia yên vững bền lâu,

Trong ngoài bốn cõi, một bầu thanh cao.

Vô vi đức hóa dồi dào,

Một nhà Nho Thích, ra vào hoan hân.

Khắc ghi thắng cảnh đôi vần,

Nhân nhân quả quả chuyển vần chẳng sai.

Dựng bia tiêu biểu nơi đây,

Giữ tâm thành chánh chẳng thay đổi nào.

(Phần “Phụ khảo” đã dẫn, tr. 284).

(10) Đoàn Trung Còn, Phật Học từ điển, S, 1963, NXB TPHCM tái bản năm 1992, quyển II, tr. 203 – 204. Tham khảo thêm mục từ “Linh Thứu Sơn” ở bộ Từ điển Phật học Hán Việt do Kim Cương Tử chủ biên, Phân viện Nghiên cứu Phật học xuất bản, Tập I, H, 1992, tr. 755 – 756.

(11) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB KHXH, H, 1977, tr. 64.

(12) A. Bonhomme, “La Pagode Thiên Mẫu: Description” đã dẫn, tr. 264 – 367. Xem thêm: Hà Xuận Liêm, sách đã dẫn, tr. 343 – 345.

(13) Hào Cửu ngũ ở quẻ Càn trong Kinh Dịch viết:飛龍在天利見大人 Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân: Vua lên ngôi, gặp đại nhân thì có lợi.

(14) Về nguyên văn của hai câu đối trên đây, xin tham khảo thêm sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán thời Duy Tân, quyển nhị, tờ 43b – 44a.

(15) Về bản dịch của hai câu đối trên, chúng tôi dùng bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo trong sách Đại Nam nhất thống chí: Thừa Thiên phủ, tập thượng, Nha Văn Hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, S, 1961, tr. 87.

(16) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập đã dẫn, tr. 187. Rất đáng tiếc là chùa Hoàng Giác đã bị phá hủy trong chiến dịch “Tiêu thổ kháng chiến” vào năm 1947, cho nên các “biển vàng” ấy không còn nữa. Một ngôi chùa nhỏ hẹp bằng bê – tông được xây dựng sau năm 1975 trên nền cũ của chùa xưa, nay đang được gọi tên là chùa Hiền Sĩ. Nhân dân địa phương không còn mấy ai biết đến cái tên chùa Hoàng Giác nổi tiếng một thời.

(17) Nguyễn Lang, sách đã dẫn, tập II, tr. 242 – 243. Xem thêm Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức, bản dịch của Viện Sử Học, NXB KHXH, H, 1969, tập I, tr. 184.

(18) Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách, Danh lam xứ Huế, NXB Hội Nhà văn, H, 1993, tr. 228.

(19) Hà Xuân Liêm, Những ngôi chùa Huế, NXB Thuận Hóa, Huế, 2000, tr. 373.

(20) Kim sa 金沙: Theo từ điển Từ hải, Kim Sa là tên một huyện thuộc tỉnh Quý Châu ở Trung Quốc.

(21) Hà Xuân Liêm, Chùa Thiên Mụ, đã dẫn, tr. 373.

(22) Xem “ảnh số 1” được in trong phần “Phụ khảo về chúa Nguyễn Phúc Châu và Thích Đại Sán…” của Nguyễn Sanh Mai, sách đã dẫn.

(23) Xem lời giới thiệu và hình ảnh về 2 chiếc ấn này ở sách Kim ngọc bảo tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam do Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân và Nguyễn Công Việt biên soạn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản, H, 2009, tr. 17 – 19, 112 – 114, 200.

(24) R.Orband, “Le khánh de La Chử”BAVH, 1915, tr. 367 – 370.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6115115