Thông tin

MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG

Ở TRUNG QUỐC VÀ Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM

 

NGUYỄN QUANG KHẢI*

 

Tìm hiểu Thiền tông nói chung và thiền phái Tào Động nói riêng có nhiều cách tiếp cận khác nhau: có thể tiếp cận từ lịch sử truyền đăng, từ hệ thống kinh sách, tín ngưỡng thờ tự,... Trong những phương pháp tiếp cận đó, phương pháp nào cũng có thể mang lại kết quả nghiên cứu như mong muốn. Trong bài này, chúng tôi muốn tìm hiểu thiền phái Tào Động bằng cách tìm hiểu một số đặc điểm của thiền phái này ở Trung Quốc ở miền Bắc Việt Nam tại một số cơ sở thờ tự của một số tỉnh, nhằm từng bước góp phần tiếp tục tìm hiểu về thiền phái này.

1. Là một phái[1] của Thiền tông, Tào Động ở Việt Nam mang đặc điểm chung của Thiền tông Việt Nam

Đặc điểm chung của Thiền tông Việt Nam là "Thiền- Tịnh song tu", "Thiền- Tịnh- Mật đồng tu" và tăng sĩ hành đạo trên tinh thần nhập thế.

1.1. Về hiện tượng "Thiền- Tịnh song tu"

Thiền tông (còn gọi là Đạt ma tông, Vô Môn tông, Phật Tam tông) là một tông của Phật giáo Đại thừa. Tông này nghiên cứu bản nguyên của tâm tính, để đạt mục tiêu "kiến tính thành Phật". Tông này lấy phương châm "Dĩ tâm truyền tâm, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền" để thực hiện sự nghiệp truyền đăng.  Về lịch sử truyền thừa của Thiền tông, Phật giáo lấy câu chuyện: trong hội Linh Sơn, đức Phật Thích ca dơ bông sen, ngài Ca Diếp mỉm cười làm cơ sở và cho rằng Ca Diếp là sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ[2]. Truyền đến đời 28 là Bồ đề Đạt ma. Vào khoảng niên hiệu Phổ Thông đời Lương Vũ đế (520- 527), Bồ đề Đạt ma từ vùng Nam Thiên Trúc đến kinh đô Kiến Nghiệp (Nam Kinh) truyền bá tông này vào Trung Quốc. Thiền tông Trung Quốc lấy ngài Đạt Ma làm sơ tổ và ngài cũng là sơ tổ thiền Việt Nam (hiện nay, gần như tại nhà tổ của hầu hết các chùa ở vùng đồng bằng Bắc bộ đều thờ tổ Đạt Ma). Tên gọi Đạt Ma tông thấy thịnh hành từ thời Trung Đường.

Biểu hiện của Thiền tông trong các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam là tín ngưỡng thờ đức Thích ca Mâu ni Phật, Ma ha Ca Diếp và A Nan Đà tôn giả trên tòa Tam bảo[3].

Tịnh Độ tông lấy ngài Phổ Hiền làm vị sơ tổ. Quan điểm tu trì của tông Tịnh Độ là: niệm Phật cầu vãng sinh làm trọng tâm. Các tổ của Tịnh Độ tông người Thiên Trúc có: Khương Tăng Khải (thế kỷ II, dịch Vô lượng thọ kinh), Cưu Ma La Thập (cuối thế kỷ IV, dịch A Di Đà kinh), Cương lương Da Xá (đầu thế kỷ V, dịch Quán vô lượng thọ kinh). Đến thế kỷ thứ VII, ngài Tuệ Viễn, trụ trì ở Lư Sơn lập ra Liên xã (vì vậy, Tịnh Độ tông có tên là Liên tông) gồm 123 người cùng nguyện được phát sinh sang cõi Tây phương cực lạc. Đời Ngụy có ngài Đàm Loan; đời Đường có ngài Đạo Xước lấy việc quán tưởng trì danh A Di Đà Phật làm chính trong cuộc đời tu tập.

Biểu hiện của Tịnh Độ tông trong các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam là tín ngưỡng thờ đức Phật A Di Đà, Quan Thế âm Bồ tát và Đại Thế Chí Bồ tát trên tòa Tam bảo.

Quan sát các buổi lên chùa lễ Phật của các vãi già tại ngôi chùa của các làng vùng đồng bằng Bắc bộ (Bất kể là Lâm Tế hay Tào Động), chúng tôi thấy các cụ chỉ tụng "Nam mô A Di Đà Phật". Các vị sư, ngoài một số kinh nhật tụng ra, cũng chủ yếu tụng 6 chữ đó ("Nam mô A Di Đà Phật").

1.2. Về hiện tượng "Thiền, Tịnh độ, Mật tông đồng tu"

Về hiện tượng "Thiền - Tịnh song tu" chúng tôi đã trình sơ lược ở mục trên. Tuy nhiên, chiêm bái các pho tượng được thờ trong ngôi chùa ở các làng thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, chúng ta không chỉ thấy có hiện tượng "Thiền- Tịnh song tu" mà có thấy sự hiện diện của yếu tố Mật tông trong đó. Đó là tín ngưỡng thờ 4 vị Kim cương (tứ Kim cương): Kim cương Quyền Bồ tát, Kim cương Sách Bồ tát, Kim cương Ái Bồ tát, Kim cương Ngữ bồ tát. Có chùa không thờ tứ Kim cương mà thờ Bát bộ Kim cương. Khi đó, các vị được bố trí đứng ở sát tường đầu hồi toà Tiền đường, mặt hướng vào gian giữa, mình mặc võ phục, có dung mạo là các võ tướng.

1.3. Là người tu hành trong một phái của Thiền tông, các tăng sĩ Tịnh Độ tông hành đạo trên tinh thần nhập thế

Tinh thần nhập thế của các tăng sĩ Phật giáo Việt Nam được hình thành từ khi Phật giáo được truyền vào vùng Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), chứng cứ là Khâu Đà La đã hướng dẫn Man Nương thực hành phép mầu của ngài vào những năm dân làng gặp hạn hán để cứu dân.

Trong các triều đại phong kiến trước đây, nhiều thiền sư của phái Tào động đã có công góp phần giúp triều đình có nhiều chính sách an dân, ổn định xã hội; trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, tăng sĩ Phật giáo - trong đó có tăng sĩ phái Tào Động tham gia chống thực dân đế quốc và các lực lượng phản động bằng nhiều cách của nhà tu hành. Đặc biệt, có một số thiền sư trong phái Tào Động đã hăng hái "Cởi áo cà sa khoác chiến bào" xung phong lên đường giết giặc, tiêu biểu như Hòa thượng Phạm Thông Hòa, Hòa thượng Thích Thế Long, nhà sư Thích Pháp Lữ, Hòa thượng Thích Đức Chính[4],...

Như vậy, là một phái của Thiền tông, Tào Động ở Việt Nam mang đặc điểm chung của Thiền tông Việt Nam. Đó là những đặc điểm: "Thiền- Tịnh song tu"; "Thiền- Tịnh- Mật đồng tu"; và tăng sĩ hành đạo trên tinh thần nhập thế.

2. Là thiền phái có nguồn gốc Trung Quốc, Tào Động Việt Nam có những nét tương đồng và một số nét khác biệt với thiền phái Lâm Tế và chúng có xu hướng thâm nhập, bổ sung cho nhau

2.1. Về những nét tương đồng giữa Lâm Tế và Tào Động

Nếu giữa Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông,... ranh giới khác biệt về tín ngưỡng thờ tự, về hệ thống kinh sách tương đối rõ thì giữa các phái trong Thiền tông, trong đó có Tào Động và Lâm Tế, sự khác biệt rất khó phân biệt mà có nhiều sự tương đồng. Sự tương đồng đó có nguồn gốc sâu xa là các phái đều thuộc Thiền tông và được thể hiện trên các phương diện sau:

Một là,giữa Lâm Tế và Tào Động đều có chung một vị tổ là Lục tổ Huệ Năng (638-713)[5].  Phái Tào Động bắt đầu từ Hòa thượng Thanh Nguyên Hành Tư (đệ tử của tổ Huệ Năng). Còn phái Lâm Tế xét về nguồn gốc sâu xa cũng có từ tổ Huệ Năng: từ Huệ Năng truyền cho Nam Nhạc, Nam Nhạc truyền cho Mã Tổ, Mã Tổ truyền cho Bách Trượng, Bách Trượng truyền cho Hoàng Bá, Hoàng Bá truyền cho Lâm Tế Nghĩa Huyền. Từ Lâm Tế Nghĩa Huyền, bắt đầu hình thành phái riêng là phái Lâm Tế. (trong 5 phái của Thiền tông, còn có phái Pháp Nhãn cũng có sâu xa là tổ Huệ Năng)

Tính chất chung này qui định một số nét tương đồng khác giữa Lâm Tế và Tào Động.

Hai là, vào các chùa vùng đồng bằng Bắc bộ, khi chiêm bái các pho tượng được thờ ở Tam bảo và Tiền đường, chúng ta thấy về cơ bản, giữa tín ngưỡng tự của Tào Động và Lâm Tế là giống nhau (chỉ khác đôi chút về tín ngưỡng thờ thủ hộ già lam ở một số chùa). Đó là thờ các vị Phật, các vị Bồ tát, Phạn vương, Đế Thích, Ngọc Hoàng, Thánh tăng, Thánh Hiền, La hán,...

Ba là, tìm hiểu hệ thống kinh điển của Phật giáo (bao gồm các bộ kinh, luật, luận), chúng ta thấy hệ thống kinh điển đó được Lâm Tế và Tào Động đều sử dụng như nhau (trừ ngữ lục của các tổ của hai phái).

2.2. Về một số nét khác biệt giữa Lâm Tế và Tào Động

Có thể nóitìm ra những nét khác biệt giữa Lâm Tế và Tào Động không dễ dàng gì. Có lẽ điểm khác dễ nhận thấy nhất giữa hai thiền phái là phương pháp khai ngộ cho đệ tử. Phương pháp khai ngộ của Lâm Tế thiên về đốn ngộ, bằng cách quát mắng hoặc dùng gậy đánh học trò, còn phương pháp khai ngộ của Tào Động lại thiên về tiệm ngộ, bằng cách dùng thoại đầu đối với học trò.

Cách nhận biết thứ hai là dựa vào tín ngưỡng thờ các vị Thủ hộ già lam và Đức Ông. Chiêm bái Thủ hộ già lam tại chùa chùa Quảng Bá (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) là ngôi chùa thuộc Thiền phái Tào Động, chúng tôi thấy đối tượng được thờ là vị Vi Đà tôn thiên. Ngàiđược bố trí ở góc bên phải tòa Tam bảo, có hình dáng võ tướng, đầu đội mũ trụ, mình mặc võ phục, có đai và kết bối tử, hai tay chắp lại trước ngực, đặt thanh kiếm nằm ngang, chân đi hia[6].  Tại chùa Quảng Bá, Vi Đà tôn thiên có vai trò là Hộ pháp.

Cũng tại chùa Quảng Bá, chúng tôi thấy tại gian bên trái tòa Tiền đường (đối xứng với nhóm tượng A Nan qua gian giữa) là nhóm tượng Khẩn Na La và hai thị giả. Tượng Khẩn Na La ở tư thế ngồi trên bệ, đầu đội mũ, gương mặt phương phi cương nghị, đôi mắt mở to trang nghiêm, tay phải gấp lại ở trước bụng, tay trái đặt hờ rên đầu gối, mặc triều phục, trước bụng có bối tử, lưng có đeo đai rộng, đi hia. Hai thị giả có phẩm phục tương tự. Vị bên trái đang ngập ngừng dơ ngón tay trỏ lên như đang đắn đo về việc gì đó, tay trái đặt hờ trên gối. Vị ngồi bên phải, hai tay đang cầm và đỡ một vật[7].

Tại chùa Quảng Bá, ngài Khẩn Na La được thờ ở vị trí này đóng vai trò là Đức  Ông.

2.3. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Lâm Tế và Tào Động có xu hướng thâm nhập, bổ sung cho nhau

Xu hướng thâm nhập, bổ sung cho nhau không chỉ diễn ra trên các lĩnh vực của đời sống xã hội mà còn thấy diễn ra trong lĩnh vực tôn giáo. Giữa Thiền phái Lâm Tế và Tào Động chúng tôi cũng thấy có hiện tượng đó. Nó được thể hiện ở chỗ: nếu trước đây cách khai ngộ cho đệ tử của Lâm Tế là dùng công án, còn  cách khai ngộ của Tào Động là dùng thoại đầu, thì sau này, Lâm Tế dùng cả phương pháp thoại đầu của Tào Động, và Tào Động cũng dùng cả phương pháp công án của Lâm Tế. Điều đó chứng tỏ các Thiền phái biết sử dụng thế mạnh của thiền phái khác làm phong phú, nhằm tăng tính hiệu quả khai ngộ cho đệ tử của phái mình.

3. Thiền phái Tào Động chịu ảnh hưởng của Nho giáo

3.1. Thiền phái Tào Động ở Trung Hoa chịu ảnh hưởng của Nho giáo

Trung Hoa là nơi phát tích của Nho giáo, vì vậy, khi có mặt ở đây, Phật giáo chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn hóa Nho giáo. Điều này thể hiện ở chỗ: khi xây dựng lý thuyết "ngũ vị" của mình, các vị khai sáng Thiền phái Tào Động đã vận dụng lý thuyết hàoquái trong "Kinh Dịch". Trước hết các ngài dùng các hào âm, dương để tương tác với nhau khi trình bày mối quan hệ giữa "chính" và "thiên", trong đó, dương (1 vạch liền-) là chính, là thể, là vua,không, là chân, là , là đen; còn âm (2 vạch đứt - -) là thiên, là dụng, là bầy tôi, là sắc, là tục, là sự, là trắng. Dùng quẻ Ly biến đổi nhiều lần mà thành "ngũ vị". Lần biến đổi thứ nhất: lấy 2 quẻ Ly chồng lên nhau thì được quẻ Ly kép; lần thứ 2: lấy 2 hào dương trong quẻ Ly kép thêm vào trên và dưới của quẻ Ly đơn thì được quẻ Trung phu; lần thứ 3: lấy 2 hào âm trong quẻ Trung phu thêm vào trên và dưới thì được quẻ Đại quá; lại rút 2 hào giữa của quẻ Đại quá thêm vào trên và dưới thì lại trở về quẻ Ly kép như trước. Sau đó, lấy hào âm của quẻ Ly đưa lên trên thì thành quẻ Tốn, rồi lấy hào âm của quẻ Tốn đưa xuống dưới thì thành quẻ Đoài. Đến đây, tất cả có 5 quẻ và sự biến đổi cũng kết thúc. Tào Động dùng 5 quẻ đó để phán xét mức độ nông sâu của kiếp tu và xây dựng lý thuyết "ngũ vị"[8].

3.2. Những ảnh hưởng của Nho giáo đối với Thiền phái Tào Động ở Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng rất nhiều của Nho giáo. Thiền phái Tào Động có nguồn gốc Trung Hoa, nên Tào Động Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo tương đối rõ. Điều đó thể hiện ở tín ngưỡng thờ tự Ngọc hoàng, Quan Vân Trường,... trong các ngôi chùa thuộc thiền phái Tào Động

Chúng ta biết rằng tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng xuất hiện tại một số ngôi chùa ở Trung Hoa mới có từ đời Tống Chân Tông (998- 1022) và danh hiệu "Ngọc Hoàng thượng đế" chỉ được xuất hiện từ năm 1115 khi Tống Huệ Tông cho lập đền thờ ngài. Nhiều chùa ở miền Bắc Việt Nam có thờ Ngọc Hoàng thượng đế trên Tam bảo. Hiện tượng này có thể chỉ xuất hiện sau khi thiến phái Tào Động có mặt ở nước ta.

Một số chùa lại thờ Quan Vân Trường- một biểu tượng điển hình của tấm lòng trung nghĩa- làm vai trò của Đức Ông (chùa Trấn Quốc TP Hà Nội).

Tóm lại, cũng như tìm hiểu các thiền phái khác, tìm hiểu lịch sử truyền thừa của thiền phái Tào Động có thể có nhiều cách khác nhau. Chúng tôi muốn đi vào một số đặc điểm (còn rất sơ lược) của Tào Động để thấy được nguyên nhân vì sao Tào Động được hình thành với tư cách là một Thiền phái độc lập, được hoằng truyền ở nhiều nước (Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản). Tuy nhiên, phân biệt chỗ khác nhau giữa Tào Động với các Thiền phái khác cũng không đơn giản, vì ở Việt Nam có hiện tượng trong một ngôi chùa, có vị tổ thuộc Tào Động, có vị tổ thuộc Lâm Tế (chùa Hàm Long ở Bắc Ninh, chùa Quảng Bá ở Hà Nội). Vì vậy, tham luận này có thể còn nhiều khiếm khuyết. Rất mong được sự chỉ giáo của quí vị.



* Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bắc Ninh.

[1] Về cách gọi các phái của Thiền tông (phái Lâm Tế, phái Tào Động, phái Pháp Nhãn,...), có người gọi là dòng, có người gọi là nhà, có người gọi là tông. Nhưng có lẽ gọi là phái là hợp lý hơn.

[2] Thiền tôn ở Ấn Độ truyền thừa được 28 đời như sau: Da Diếp, A Nan, Thương Na Hòa Tu, Ưu Ba Cúc Đa, Đề Đa Ca, Bà Tu Mật, Phật Đà Nan Đề, Phú Na Dạ Ca, A Na Bồ Đề, Ca Tỳ Ma La, Na Già, Ư Lạt Thục Na, Ca Na Đế Bà, La Hầu La Đa, Tăng Già Nan Đề, Già Da Xá Đa, Cưu Ma La Đa, Xà Dạ Đa, Bà Tu bàn Đậu, Ma Nô La, Cưu Lặc Na, Sư Tổ Bồ Đề, Bà Xá Tư Đa, Bất Như Mật Đa, Bát Nhã Đa La, Bồ Đề Đạt Ma.

[3] Riêng các chùa theo thiền phái Hoa Nghiêm thì tương ứng với vị trí này, họ thờ Tỳ Lô Giá Na Phật (ngồi giữa) hai bên là Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát.

[4] Hòa thượng (viết tắt HT) Thích Thông Hòa (1881- 1953): từ dầu những năm 30 (thế kỷ XX) trụ trì chùa Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Những năm 40 (thế kỷ XX) bảo vệ, nuôi dưỡng các đồng chí lãnh đạo Đảng ta (Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt) về hoạt động tại chùa;

HT Thích Thế Long trụ trì chùa Cổ Lễ, (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) từng giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN.

Nhà sư Thích Pháp Lữ (thế danh là Đinh Thế Hinh), sinh năm 1927, khoảng năm 1940 tu ở chùa Bút Tháp (thuận Thành, Bắc Ninh), tháng 8 năm 1945 tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội, cuối năm 1945 về tu ở chùa Cổ Lễ (Nam Định) là một trong những tăng sĩ trẻ của chùa, tại đây, ông  tình nguyện "giải pháp y" tham gia bộ đội. Sau này trở thành Đại tá QĐNDVN. Ông là tác giả bài thơ "Cởi áo cà sa khoác chiến bào";

HT Thích Đức Chính: trụ trì chùa Tỉnh Ngô (Lương Tài, Bắc Ninh), từng giữ chức Bí thư chi bộ xã Bình Định trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1953- 1954 lãnh đạo phong trào BDHV xã Bình Định. Sau này, ngài giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Việt Nam (thời kỳ 1958- 1960).               

[5] Huệ Năng (cũng đọc là Tuệ Năng): là vị tổ thứ  6 của Thiền tông Trung Hoa, là đệ tử của tổ Hoằng Nhẫn chùa Hoàng Mai. 6 tháng đầu đến chùa chỉ làm công việc giã gạo hầu hạ các sư. Nhân một lần, tổ Hoằng Nhẫn sai các đệ tử mỗi người làm một bài kệ để thể hiện chỗ sở đắc của mình, Thượng tọa Thần Tú viết bài kệ dán trên vách: "Thân thị Bồ đề thụ/ Thân như minh kính đài/ Thời thời cần phất thức/ Mạc sử nhạ trần ai" (Thân là cay Bồ đề/ Tâm là đài gương sáng/ Thường xuyên cần lau chùi/ Đừng để bụi bám vào). Huệ Năng nghe đọc cho rằng chỗ sở đắc của mình không phải như vậy, bèn nhờ người người viết lên vách suy nghĩ của mình: "Bồ đề bản vô thụ/ Minh kính diệc phi đài/ Bản lai vô nhất vật/ Hà xứ nhạ trần ai" (Bồ đề vốn không có/ Đài gương sáng cũng không/ Bản lai không một vật/ Bụi trần bám vào đâu). Theo "Pháp bảo đàn kinh" (cũng gọi là "Lục tổ đàn kinh"): có lần tại một ngôi chùa, các tăng thấy phướn bay phấp phới. Người thì nói phong động, người thì nói phướn động. Riêng Huệ Năng nói đó là tâm động. Đây có thể nói là nguồn gốc tư tưởng của Tào Động sau này.

[6] Theo các sách Kim quang minh kinh, quyển 38 và Đại Từ Ân tự Tam Tạng pháp sư truyện, quyển 10, Vi Đà tôn thiên vốn là một vị thần của Bà la môn giáo, sau, gia nhập Phật giáo Đại thừa và ở trong hệ thiên thần hộ pháp. Ngài đứng đầu trong 8 danh tướng của Nam thiên Tăng trưởng thiên và là thủ lĩnh của 32 thần tướng trong Tứ thiền thiên. Ngài vâng sắc chỉ của đức Phật làm nhiệm vụ hộ trì chính pháp, bảo vệ lợi ích cho chúng sinh của 3 châu: Đông Thắng, Tây Ngưu và Nam Thiêm bộ châu. Ở các chùa thuộc Phật giáo Đại thừa, khi bạch an cư xong, vị đường chủ và đại diện các tăng đến trước tượng ngài để chúc thỉnh.

[7] Khẩn Na La (còn gọi là Chân Đà La): theo sách “Tuệ lâm âm nghĩa”, Chân Đà La xưa gọi là Khẩn Na La là vị người trời về âm nhạc, có giọng hát hay tuyệt diệu và có tài múa. Khi là nam giới thì mình người đầu ngựa, hát hay; nếu là nữ giới thì thì hình dung đoan chính, múa giỏi.

[8]  Về lý thuyết "ngũ vị", xin xem Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Phương Đông, 2015, tr. 498-499.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 48
    • Số lượt truy cập : 6794451