Thông tin

MỘT VÀI MINH XÁC VỀ PHẬT GIÁO

MỘT VÀI MINH XÁC VỀ PHẬT GIÁO

MAI THỌ TRUYỀN

 

Phật giáo là một tôn giáo, một triết học hay là một nền luân lý? Là một giáo lý bi quan hay lạc quan, tiêu cực hay tích cực? Đó là những câu hỏi thường thấy đặt ra mở đường cho những cuộc tranh luận hăng hái đôi khi đến mức mãnh liệt, chỉ vì những người tham gia, ai cũng có ý kiến của riêng mình.

Theo thiển ý của chúng tôi, câu trả lời hay hơn hết có lẽ là nên chất phác mà nói: "Phật giáo là Phật giáo".

Như lịch sử của Ngài chứng tỏ, không bao giờ Đức Phật tự nhận là một sứ giả của Thiên đình hay một vị Giáo chủ. Nhưng vì Ngài năng sống hợp lý, cuộc đời Ngài là một tấm gương chứng tỏ con người có thể từ dở lên hay, xuất phàm nhập thánh và sự thành công của Ngài trong bước hướng về nẻo Toàn thiện, Toàn chân, hay nói một cách khác sự thành Phật của Ngài, vạch cho thấy trong con người có tiềm ẩn một nguồn ánh giác hay "Bồ đề tâm". Tâm ấy không gì khác hơn là sự thiêng liêng, đó là Chúa, là Trời, với cái nghĩa Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Nhân Ái tuyệt đối hay Đại Từ Đại Bi, Pháp chân thật và có giá trị cho mọi thời gian và không gian... Hiểu như thế thì Phật giáo chẳng phải "vô thần"(1) như người ta thường bảo, mà là một "tôn giáo nhưng là một tôn giáo không nhận có một Thần tạo hóa", nếu cái quan niệm vô tướng, vô ngã về cái Vô biên, Vô tận, Tuyệt đối, được nhận như có thể tương dung tương hợp, trên phương diện diễn đạt bằng lời nói, với cái quan niệm Do Thái hay khác về Chúa, về Trời.

Cũng rất xa với Đức Phật cái ý muốn dựng lên một hệ thống triết lý hay một bộ luật luân lý, là những cái thường có giá trị cho kẻ khác hơn là cho những người sáng tạo ra chúng. Ngài cũng không bao giờ có ý thuận hay chống với đời, cũng không chủ trương nhất định theo một thái độ này hay một thái độ khác. Cái hay to nhất của Ngài, nếu không phải cái hay duy nhất, là dám bình tĩnh và can đảm ngó ngay sự thật và từ trong cái ngó ấy, rút ra những bài học mà không tâm hồn giải thoát nào không rút. Vì vậy, dầu không cố tâm đi nữa, giáo Pháp của Ngài vẫn là một triết học sống, kèm thêm một quy phạm luân lý và đạo đức cùng sống như nhau. Không điều gì Phật nói ra mà không là kết quả của sự kinh nghiệm giải thoát tự bản thân của Ngài. Ngài không đề nghị một quy phạm, mà Ngài trình bày cái khuôn khổ chính của Ngài mà mỗi người có lợi tuân hành theo và y như Ngài, khỏi cần phải có những điều kiện nào khác hơn là chí quyết muốn, sự bền gan và quên mình, hay tốt hơn nữa, sự phá trừ cái vọng ngã.

Phật giáo bi quan hay lạc quan? Khi Đức Phật nhận thấy "tất cả là Khổ", Đức Phật chẳng hề nói rằng tình trạng ấy hoàn toàn ngụy tệ cho đến nổi phải sửa đổi nó. Ngài chỉ nói tình trạng ấy có thể hoán cảnh và Ngài tự hiến giúp chúng ta sửa đổi, nếu chúng ta đồng ý với Ngài mà nhìn nhận rằng trên thế gian, tiếng cười ít hơn tiếng khóc và cái hướng chúng ta đang đi để tìm hạnh phúc không phải là cái hướng đáng theo.

Phật giáo thiên về tiêu cực hay tích cực? Phật giáo vừa tiêu cực vừa tích cực. Tiêu cực đối với tất cả những điều gì mà Đức Phật, nhân danh sự kinh nghiệm giải thoát của Ngài quả quyết rằng chúng ta không nên làm. Tích cực khi cần thành tựu tất cả những gì mà cái tri kiến trong sạch và bình tĩnh của Phật đòi hỏi. Sẽ là một lầm lẫn to nếu tưởng rằng sự tham thiền, quán tưởng – một sắc thái riêng biệt và tuồng như tiêu cực của Phật giáo – là một việc làm không cần gia công gắng sức. 

***

Đúng theo luận lý, người ta không thể nói rằng Đức Phật có một giáo pháp. Bởi vì Đức Phật đã thành đạt tự xem như một Đạo sư (người dẫn đường), thì muốn cho hợp lý, có lẽ nên chỉ thấy trong các bài thuyết pháp của Ngài toàn là những lời khuyên, những ám dụ mà mỗi người được tự do nhận lãnh. Cái thái độ đơn giản và ngay thật ấy có nhiều hậu quả rất hay cho sự hòa bình thế giới.

Tất cả chúng ta đều day qua trở lại trên giường mà không tìm được một chỗ nằm êm để ngủ ngon và khỏe xác. Tất cả chúng ta đều thường đạp lên những miếng vỏ cam và ít khi chúng ta khỏi trượt té. Điều làm cho Phật được tôn là Phật nằm trong cái thái độ khác thường là cũng người như chúng ta, Ngài không thích mà cũng không buông xuôi theo cái địa vụ khốn khổ của con người. Ngài ắt đã tự bảo và tự chứng minh rằng chiếc giường của Ngài nằm không phải xấu và nếu Ngài trước kia không ngủ ngon giấc, ấy chỉ vì Ngài lúc ấy đang bệnh và nếu Ngài có trượt té, ấy vì Ngài thiếu chú ý trong bước tiến lui. Những nhận xét khách quan ấy, từ chỗ chánh kiến mà ra, tất nhiên phải hoán cải thâm sâu nếp sống của Ngài, nhờ đó mà trong kinh nghiệm những gì Ngài ao ước trước kia lần hồi thực hiện được như sự an ổn và thanh tịnh trong tâm hồn, sự tự chủ, sự bình thản... với tất cả những hậu quả của sự quân bình giữa tinh thần và vật chất, hậu quả mà người ta gọi là giác ngộ, trí tuệ, từ bi...

Rồi ai muốn nghe, Đức Phật nói cho nghe về Phương thuốc mầu đã trị cho Ngài lành những bệnh chúng sanh. Nay tụng đọc lời Ngài, chúng ta muốn đem phương thuốc ấy ra thí nghiệm hay không muốn, điều ấy tùy ý chúng ta. Đến đây, mới hiểu được cái mà thế gian thường đồng ý gọi là tánh dung hòa của Phật giáo. Theo thiển ý của chúng tôi, đó cũng là thái độ duy nhất mà trên phương diện công bằng hợp lý, con người phải có, vì không ai được quyền tạo hạnh phúc cho kẻ khác nếu họ không muốn. Nói cho đúng thì Phật giáo không có cái lối cải hoán tín ngưỡng, cũng không có tín đồ, đệ tử. Dưới mái am tự Phật giáo, chỉ có những tâm hồn tùy hỷ tham gia lối sống của Phật. Người đời tin hay không tin, Phật giáo không bao giờ lo ngại về điều đó. Hoài công cho ai mong Phật giáo trưng bằng cứ trước khi tự mình thực nghiệm những gì Phật nói. Phật giáo chẳng phải khoa học cũng chẳng phải anh bán hàng quảng cáo giữa buổi phiên chợ.

Nên lưu ý điểm này: Đức Phật không bao giờ tự khoe khoang là không lầm lạc, nhưng Ngài phải có một sự tự tin thế nào mới dám cho phép mỗi người và tất cả đem những lời quả quyết của Ngài ra thử trong ngọn lửa hồng của thực nghiệm. 

*** 

Để kết thúc bài thuyết trình ngắn ngủi này, tôi xin thêm rằng, vì bản tánh của nó là như thế, cho nên Phật giáo là tất cả, do đó Phật giáo không thể không xa lạ với tánh cố chấp và sự dụ dỗ. Nếu Phật giáo thờ ơ trước mọi hành vi ích kỷ, luôn luôn là mẹ đẻ của bất hòa, thù oán, tranh giành và bất công, Phật giáo trái lại sẵn sàng đem sức mình hợp với sức của những tôn giáo nào hoan hỷ dung chế nó, để xây dựng một cảnh hòa thuận, thanh bình và hạnh phúc cho tất cả muôn loài.


- Bài viết của Cư sĩ Mai Thọ Truyền, Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới tại Việt Nam, đọc nhân "Ngày Quốc Tế Tôn Giáo" do đạo Baha'i tổ chức tại Việt Nam ngày 21 tháng 1 năm 1962.

- Đăng trong tạp chí Từ Quang số 121-122, tr.28-31, Sài gòn tháng 2-3 năm 1962.

 

 

(1) Thường người ta gán cho Phật giáo hai chữ vô thần với cái nghĩa "không nhìn nhận có sự thiêng liêng" để sắp Phật giáo vào hàng ngũ những chủ nghĩa duy vật.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 250
    • Số lượt truy cập : 7078037